Những nhà giáo từ bục giảng bước ra văn đàn

In bài này

Hơn một thế kỷ qua, hình ảnh và quan niệm về người thầy ở nước ta thay đổi rất nhiều.

Những biến động và biến đổi xã hội làm cho vị trí người thầy không yên ổn giữa bốn bức tường lớp học mà được thử thách trong nắng gió và bão táp của thời cuộc.

Bao lần thay đổi chế độ, bao cuộc chiến tranh, bao chương trình cải cách xã hội... đã kéo nhà giáo ra khỏi khuôn viên trường học, đối mặt với những chọn lựa lắm khi sinh tử và buộc phải trả lời những câu hỏi gay cấn của đời sống. Đặc biệt, những nhà giáo dạy văn, những nhà giáo cầm bút rất khó giữ một thái độ thuần túy văn chương, học thuật, mà luôn đụng chạm đến cái thời sự dễ quy chiếu nhân cách và thân phận mình vào với lịch sử.

Là giáo sư văn học lâu năm, có uy tín và nhiều kinh nghiệm trong nghề giáo lẫn nghề văn, chắc hẳn Trần Hữu Tá hiểu rõ tình thế đó của những người đồng nghiệp tiền bối và cùng thời.

Trọn đời là nhà giáo dạy văn, là nhà văn, nhà nghiên cứu và phê bình văn học, Trần Hữu Tá nhiều lần chia sẻ với học trò, đồng nghiệp và độc giả những ấn tượng, cảm xúc và suy nghĩ của bản thân mình về những người thầy giáo “từ bục giảng bước ra văn đàn”, những người trên tư chất nhà giáo mà khẳng định bản lĩnh của mình trong đời sống văn học, và với tư chất nhà văn mà nâng cao phẩm cách của mình trên cương vị nhà giáo. Gần 10 năm nay, không còn bị chi phối vì công tác quản lý giáo dục, ông dành nhiều thời gian để hoàn chỉnh 25 bài viết về những người thầy mà ông trân trọng và cuốn sách Từ bục giảng đến văn đàn (*) là kết quả của mối quan tâm bền bỉ ấy.

Nét chung nhất của những bài viết trong tập này là sự kết hợp văn phong khoa học và nghệ thuật khắc họa chân dung. Là ngòi bút cẩn trọng khi viết chuyên khảo và sách giáo khoa, Trần Hữu Tá không bao giờ nói về tác gia, tác phẩm mà tách khỏi tiểu sử cá nhân và bối cảnh lịch sử. Những chi tiết đời tư và sự kiện xã hội ánh xạ với nhau, được tác giả chọn lọc và cân nhắc khi đưa vào văn bản để làm rõ tính cách và nhân cách của đối tượng. Hầu hết những nhà giáo - văn nhân ở đây đều từng sống qua 2 chế độ đối nghịch, cách ứng xử của họ là một bài học, hơn nữa là một nghệ thuật để lại cho đời sau. Mỗi người đều có một “cuốn sổ bình sinh”, dày hay mỏng, cho hậu thế soi mình. Cắt nghĩa thái độ và con đường lập nghiệp của họ đòi hỏi một cái nhìn vừa điềm tĩnh khách quan, vừa thấu đáo nhân tình.

Không chỉ Trương Vĩnh Ký, Đào Duy Anh, Nghiêm Toản… mà cả Trần Văn Giàu, Vũ Đình Hòe, Nguyễn Đình Đầu… đều có những bước ngoặt khó khăn trong cuộc đời hoạt động không thể lý giải một chiều. Điều quan trọng là họ đã gặp nhau trong chí hướng phụng sự dân tộc, trước hết và trên hết về văn hóa và giáo dục, với tinh thần độc lập của người trí thức. Hoàn cảnh xã hội và đời riêng của họ cách xa nhau biết bao, nhưng tất cả đều để lại cho đời những tấm gương sáng về ý chí tự học, vượt gian khổ, vượt cả những rào cản và định kiến để nói lên tiếng nói trung thực của người trí thức trên bục giảng và trên văn đàn. Có thể nói chất lý tưởng trong nghề giáo và chất thẩm mỹ trong nghề văn đã cộng hưởng với nhau, tạo nên gương mặt tinh thần của họ, mặc dù đã là người mấy ai không có tì vết.

Qua sự phân tích của Trần Hữu Tá, ta cảm nhận được tình nghĩa của Vũ Đình Hòe, Nguyễn Lương Ngọc dành cho Đoàn Phú Tứ, Nghiêm Toản - những người bạn một thời cách xa về danh phận và cách trở về giao tiếp. Và ta cũng hiểu những con người xa cách đó đã sống và viết như thế nào để giữ được mối thâm tình và sự tôn trọng nhường kia. Ba mươi năm sống ở miền Nam giúp cho những trang viết của Trần Hữu Tá về Giản Chi, Nguyễn Văn Xuân, Võ Hồng, Nguyễn Đình Đầu, Phạm Thế Ngũ, Thẩm Thệ Hà… có sự ấm áp, gần gũi của người đồng cảm.

Có lẽ chính những bài viết về các đồng nghiệp bao năm chia ngọt sẻ bùi càng cho thấy rõ một phương diện của ngòi bút Trần Hữu Tá: qua khắc họa chân dung người thầy mà làm toát lên thần thái của một văn nhân. Đó là Huỳnh Lý với cái bếp dầu hôi làm bằng ống bơ quây quần bè bạn, là Nguyễn Đăng Mạnh với chiếc mũ lá cũ kỹ và gói trà Thái Nguyên bị khám xét dọc đường, là Văn Tâm với những bức tranh và đồ gốm cổ đổi bằng tem phiếu thực phẩm gia đình... Thông thuộc tính nết của những người thầy, người bạn từng sinh hoạt ở cùng một khoa, một tổ bộ môn, trong lòng thủ đô hay giữa làng quê nghèo khi sơ tán, Trần Hữu Tá lưu giữ cho chúng ta hình ảnh và kỷ niệm về những nhà giáo thanh bạch đã một thời làm chứng rằng phẩm giá con người có thể đứng cao hơn hoàn cảnh.

Cũng là người “từ bục giảng đến văn đàn”, Trần Hữu Tá gửi gắm lòng mình qua những trang viết về đồng nghiệp là điều dễ hiểu. Khi viết về những nhà giáo cao niên, ông thường bày tỏ niềm tin hơi lạc quan về tuổi thọ con người có thể kéo dài đến 90 năm, thậm chí 100 năm. Thật ra, có ai mà cưỡng được quy luật của thời gian! Nhưng viết về người khác, có lẽ tác giả cũng qua đó bày tỏ một nỗi ám ảnh và băn khoăn không chỉ của riêng mình. Nhà giáo, nhà văn sẽ làm gì đây khi quỹ thời gian đang dần cạn? Ta sẽ còn tặng cho đời những món quà gì nữa đây sau ngần ấy thời gian nhọc nhằn trên bục giảng và trên trang giấy?

Trong ý nghĩa đó, Từ bục giảng đến văn đàn là món quà tinh thần mới nhất mà nhà giáo - nhà văn Trần Hữu Tá gửi đến chúng ta nhân ngày 20.11 năm nay.

Bìa cuốn sách Từ bục giảng đến văn đàn của PGS Trần Hữu Tá - Ảnh: H.N.P

Bìa cuốn sách Từ bục giảng đến văn đàn của PGS Trần Hữu Tá - Ảnh: H.N.P 

PGS Trần Hữu Tá tốt nghiệp văn khoa Trường ĐH Sư phạm Hà Nội năm 1959, lúc mới 22 tuổi ông trở thành giảng viên Trường Sư phạm trung cấp liên tỉnh Hà Tĩnh - Quảng Bình - Vĩnh Linh. Hai năm sau, ông được cử làm hiệu phó, rồi Hiệu trưởng Trường Sư phạm trung cấp Sơn Tây trước khi trở về Khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm Hà Nội vào năm 1965. Ông dạy văn học VN hiện đại ở đó hơn 20 năm rồi tiếp tục công việc này ở Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho đến ngày nay.

Nguồn: http://thanhnien.vn/giao-duc/nhung-nha-giao-tu-buc-giang-buoc-ra-van-dan-634953.html

 

 

Tags: ,