Sự chọn lựa của người trí thức

In bài này

L.T.S. Theo tin từ gia đình, Giáo sư Lý Chánh Trung vừa từ trần lúc 5 giờ 49 phút sáng Chủ nhật, 13-3-2016 tại nhà riêng ở quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh. GS Lý Chánh Trung sinh ngày 23-12-1928 tại Sài Gòn, nguyên quán Trà Vinh, nguyên Trưởng ban Triết học Tây phương, Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn, và giáo sư Viện Đại học Đà Lạt, trong Ban chủ trương Nhà xuất bản Nam Sơn và các báo Sống Đạo, Hành Trình, Đất Nước, Trình Bầy... trước 1975; nguyên Phó Trưởng Ban phụ trách Trường Đại học Văn khoa TP. HCM, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật TP. HCM, đại biểu Quốc hội sau 1975. Ông là tác giả những cuốn sách: Cách mạng và đạo đức, Ba năm xáo trộn, Tìm về dân tộc, Tìm hiểu nước Mỹ, Tôn giáo và dân tộc, Bọt biển và sóng ngầm, Một thời đạn bom, một thời hòa bình...

 

HUỲNH NHƯ PHƯƠNG

Trong đời sống văn hoá, có những cuốn sách mà tác giả của chúng đã viết ra bằng sự chứng nghiệm và nếm trải của chính bản thân mình. Tiếp xúc với những cuốn sách ấy, người đọc không chỉ thu hoạch về kiến thức mà còn cảm nhận được cả hành trình tư tưởng, sự lựa chọn chính trị và thái độ sống của người viết.

Tìm về dân tộc (*) của giáo sư Lý Chánh Trung là một trong những cuốn sách như vậy.

 Cuốn sách tập hợp mười bài viết trong khoảng mười năm (1966-1975) dưới nhiều thể loại: hồi ký, diễn thuyết, bình luận thời sự… nhưng tất cả đều xoay quanh chủ đề dân tộc, đất nước, chiến tranh và hoà bình. Đây là những vấn đề gay cấn đụng chạm đến trái tim của tất cả những người Việt Nam yêu nước lúc đó. Đằng sau giọng văn nồng nhiệt và thống thiết của tác giả, hiện lại cả một thời kỳ lịch sử với những sự kiện nổi bật: cuộc đổ quân của Mỹ vào miền Nam, chiến tranh mở rộng và tàn phá, phong trào yêu nước lên cao ở các đô thị với các cuộc vận động đòi hoà bình, bảo vệ văn hoá dân tộc… Đó là thời kỳ của những đổ vỡ, xáo trộn và tha hoá; đồng thời cũng là thời kỳ mà lương tri và ý thức dân tộc bùng dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Bằng hoạt động xã hội và văn hoá của mình, giáo sư Lý Chánh Trung là một trong những người trí thức ở miền Nam đã góp phần xứng đáng vào cuộc phục hưng đó của tinh thần dân tộc.

Trong một đất nước mà vấn đề tồn vong của cộng đồng luôn luôn được đặt ra một cách khẩn thiết, thì việc các đại biểu ưu tú của nhân dân tập trung suy nghĩ về số phận dân tộc là điều dễ hiểu. Nét độc đáo trong cuốn sách của Lý Chánh Trung là những suy tưởng có tính chất lý thuyết về dân tộc lại gắn liền với những kinh nghiệm cụ thể, những nỗi đau và niềm vui của một người con luôn nung nấu khát vọng trở về với cội nguồn dân tộc và cùng dân tộc lên đường trong một vận hội mới của lịch sử.

Được rèn luyện trong môi trường Thiên Chúa giáo vốn đề cao Nước Trời, Lý Chánh Trung là người thiết tha vận động cho sự hoà giải giữa tôn giáo và dân tộc. Được đào tạo trong nền văn minh phương Tây vốn đề cao cá nhân, Lý Chánh Trung lại là người nhiệt thành kêu gọi cá nhân phải hiệp nhất với cộng đồng. Bởi vì, như tác giả viết: “Tôi có thể từ bỏ dân tộc, cũng như tôi có thể từ bỏ gia đình tôi. Nhưng từ bỏ dân tộc là đánh mất cái thế đứng của tôi trong vũ trụ, giữa xã hội loài người. Khi nào tôi còn muốn có mặt trong thế gian này như một con người, thì con người đó chỉ có thể là con người Việt Nam” (trang 39).

Những suy tưởng thành khẩn như vậy càng có sức thuyết phục và làm xúc động lòng người khi chúng được phát biểu trong một hoàn cảnh cực đoan của lịch sử, hoàn cảnh mà mỗi sự thật được nói ra đều có thể bị trả giá. Thực vậy, ở xã hội miền Nam thời chiến, đối với những người trí thức chân chính, mỗi lời nói cũng là một hành động. Vì vậy, phải đặt vào bối cảnh lịch sử lúc đó, chúng ta mới thấy hết dũng khí của một ngòi bút dám so sánh đất nước ta thời Mỹ chiếm đóng với nước Đức bị Pháp xâm lược vào đầu thế kỷ 19, so sánh cụ Hồ Chí Minh với Moise, “người đã giải phóng dân Do Thái khỏi ách nô lệ và dẫn dắt họ trong cuộc hành trình gian khổ vượt qua sa mạc…” (trang 98).

Là một nhà giáo, nhưng thay vì bó mình trong bốn bức tường giảng đường trước những bộ giáo trình đạo đức học lý thuyết, Lý Chánh Trung đã bước ra nắng gió cuộc đời để làm một đạo đức học thực tiễn. Và chính tình tự dân tộc cũng như lương tri trí thức đã khiến ông kiên quyết đứng về phía những lực lượng tiến bộ, cầm bút viết những bài báo mà ông xem như những bọt biển phù du nhưng lại có ý nghĩa dự báo cho những lượn sóng ngầm sẽ dâng lên từ lòng biển cả rộng lớn của đồng bào ông. Cũng chính cuộc sống lớn đó đã đem lại câu trả lời cho học trò ông, những người thanh niên hôm nào còn ngơ ngác đặt câu hỏi với thầy mình: “Thưa Thầy, dân tộc ở đâu?”, rồi một ngày kia đã có thể cất tiếng reo vui khi tìm ra chân lý: “Dân tộc đây rồi!” Và sự xác tín của họ đã tìm thấy sự cộng hưởng trong niềm xác tín của ông: “Dấn thân chính đáng là dấn thân về phía dân tộc. Mà nơi nào còn thấy được nguyên vẹn hình ảnh kiêu hùng của Quang Trung thì dân tộc ở đó. Mỗi người chúng ta, nhất là các bạn trẻ, có thể lên đường hôm nay để tìm thấy Quang Trung hầu nhìn ra gương mặt đích thật của dân tộc, gương mặt đích thật của chính mình. Tất cả vấn đề là gặp được Quang Trung…” (trang 135).

Hẳn đó cũng là kinh nghiệm xương máu của tác giả: tìm về dân tộc để tìm thấy gương mặt đích thật của chính mình. Và thật ra trong cuộc hành trình gian khổ của những người trí thức yêu nước ở miền Nam trước đây, nói theo Lữ Phương, họ không chỉ tìm về mà còn đi xa, đi khá xa so với khởi điểm của họ. Sự dấn thân đó là một chọn lựa chính trị, đồng thời là một thái độ đạo đức trước những thách đố khắc nghiệt của lịch sử.

Đọc là những gì Lý Chánh Trung viết ra cách đây đã ngót một phần tư thế kỷ, mặc dù những giới hạn lịch sử mà chúng bị quy định, độc giả vẫn có thể tìm thấy nhiều ý kiến và nhận định còn giữ nguyên giá trị. Chẳng hạn, tác giả quan niệm: “Văn hoá là linh hồn của dân tộc, không còn văn hoá thì cũng không còn dân tộc, chỉ còn lại một đám đông lúc nhúc hỗn loạn, trong đó mỗi cá nhân sẽ là một đơn tử cô đơn, không quá khứ tương lai, không tương giao thông cảm […]. Một nước bắt đầu chết khi nền văn hoá bắt đầu suy vi, đồi trụy. Đây quả là cái chết đau đớn nhất, vì nó lớn dần ngay giữa sự sống như một thứ ung thư […]. Nền văn hoá của một dân tộc bắt đầu suy mạt khi những thành phần gọi là ưu tú ly cách với nó, không còn đóng góp gì vào sự phát triển của nó mà chỉ biết bắt chước một cách ngu đần mọi thứ trò nhảm nhí ngoại lai mang tên là văn hoá, khi những thành phần này trở nên xa lạ ngay trên quê hương mình” (trang 79-80).

Ở một thời điểm mà đất nước đứng trước yêu cầu cấp bách phải vừa tự đổi mới để hoà nhập vào thế giới hiện đại, vừa phải giữ gìn bản sắc của chính mình, thì việc suy nghĩ về truyền thống dân tộc, về môi trường văn hoá mà nhân dân đang hít thở, về những bài học kinh nghiệm của lịch sử và những nhiệm vụ của ngày hôm nay, đó hẳn là một công việc mà những người trí thức phải gánh trên vai mình và không bao giờ có thể xem như đã hoàn tất.

1991

 

(*) Nhà xuất bản Trình Bầy, Sài Gòn, in lần thứ nhất năm 1967; Nhà xuất bản Lửa Thiêng, Sài Gòn, in lần thứ hai năm 1972; Nhà xuất bản Trẻ, TP Hồ Chí Minh, tái bản có bổ sung và sửa chữa năm 1990.