Kỷ yếu HT khoa học Những vấn đề văn học và ngôn ngữ Nam Bộ

In bài này

LỜI NÓI ĐẦU

Trải qua hơn ba trăm năm hình thành và phát triển, Nam Bộ đã trở thành một vùng văn hoá có nhiều thành tựu rực rỡ và đặc sắc. Điều ấy thể hiện đậm nét trong lĩnh vực văn học và ngôn ngữ ở Nam Bộ. Từ cuối thế kỷ XIX văn học dân gian, văn học Hán Nôm Nam Bộ đã được bước đầu nghiên cứu và giới thiệu qua các công trình của Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Trương Minh Ký. Suốt trong thế kỷ XX, nhiều thế hệ các nhà nghiên cứu đã tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về văn học và tiếng Việt ở Nam Bộ. Trước năm 1945 có các nhà nghiên cứu Lê Quang Chiểu, Võ Sâm, Lê Sum, Ca Văn Thỉnh, Phan Văn Hùm, Đông Hồ, Trần Trung Viên, Vũ Ngọc Phan... Từ 1954 đến 1975 ở miền Nam có Phạm Thế Ngũ, Nam Xuân Thọ, Thái Bạch, Bùi Đức Tịnh, Nguyễn Văn Y, Nguyễn Văn Hầu, Phạm Việt Tuyền, Nguyễn Văn Sâm, Nguyễn Văn Xuân, Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Khuê…; ở miền Bắc có nhóm Lê Quý Đôn, Lê Thước, Ca Văn Thỉnh, Bảo Định Giang, Thạch Phương, Trần Hữu Tá… Sau 1975 có nhiều nhà nghiên cứu trước đó vẫn tiếp tục tìm hiểu về văn học Nam Bộ, đồng thời cũng có thêm nhiều nhà nghiên cứu mới như: Nguyễn Đình Đầu, Nguyễn Quảng Tuân, Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Thị Thanh Xuân (nhà nghiên cứu Hán Nôm), Nguyễn Thị Thanh Xuân (nhà phê bình văn học hiện đại), Lê Giang (nhà sưu tầm văn học dân gian), Trương Minh Đạt, Hồ Sĩ Hiệp, Hoài Anh, Võ Văn Nhơn, Nguyễn Q.Thắng, Huỳnh Ngọc Trảng, Cao Tự Thanh, Đoàn Lê Giang, Nguyễn Hữu Sơn…

Từ sau Đổi mới, việc nghiên cứu về văn học Nam Bộ lắng xuống một thời gian, đến đầu thế kỷ XXI việc nghiên cứu về văn học Nam Bộ được quan tâm trở lại. Viện Văn học, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, Khoa Văn học và Ngôn ngữ (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh) bắt đầu có những công trình nghiên cứu dài hơi về văn học Nam Bộ. Từ năm 2005 Khoa Văn học và Ngôn ngữ đã nổi lên như một trung tâm nghiên cứu chuyên sâu về văn học và ngôn ngữ Nam Bộ qua các công trình nghiên cứu xuyên suốt, có hệ thống của các giảng viên trong Khoa với tài trợ đặc biệt của Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh và của Quỹ Khoa học công nghệ Quốc gia (NAFOSTED). Đó là các công trình của các nhà nghiên cứu:

-          Đoàn Lê Giang (chủ nhiệm): Khảo sát, đánh giá, bảo tồn văn học quốc ngữ Nam Bộ cuối TK.XIX-đầu TK.XX, Đoàn Lê Giang chủ nhiệm, đề tài trọng điểm Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, thời gian thực hiện: 2005-2007

-          Đoàn Lê Giang (chủ nhiệm): Khảo sát, đánh giá, bảo tồn di sản văn học Nam Bộ 1930-1945, đề tài trọng điểm Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh

-          Đoàn Lê Giang (chủ nhiệm): Văn học Hán-Nôm Nam Bộ từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX: sưu tầm, phiên dịch và nghiên cứu, đề tài NAFOSTED

-          Võ Văn Nhơn (chủ nhiệm): Sưu tầm, khảo sát và đánh giá văn học Nam Bộ 1945 – 1954, đề tài trọng điểm Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh

-          Nguyễn Thị Thanh Xuân (chủ nhiệm): Hoạt động nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học Quốc ngữ ở Nam Bộ trước 1954 (sưu tầm, tuyển chọn và nghiên cứu), đề tài Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh loại B

-          Nguyễn Thị Thanh Xuân (chủ nhiệm): Sự du nhập các lý thuyết văn học Phương Tây vào Miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954 – 1975, đề tài NAFOSTED

-          Lê Trung Hoa (chủ nhiệm): Những đặc trưng ngôn ngữ văn hóa của địa danh Nam Bộ, đề tài NAFOSTED.

Từ các đề tài này mà hàng trăm khóa luận tốt nghiệp, luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ đã được thực hiện ở Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, rồi từ đó lan rộng ra Học viện Khoa học xã hội (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Văn hiến, Trường Đại học Trà Vinh, Trường Đại học Thủ Dầu Một…

Cho đến nay việc nghiên cứu về văn học và ngôn ngữ Nam Bộ đã tiến được một bước dài với một đội ngũ nghiên cứu rất hùng hậu, trong đó có nhiều nhà nghiên cứu trẻ đầy tiềm năng. Để có cơ hội công bố những nghiên cứu mới nhất, thảo luận những vấn đề còn chưa thống nhất và tiếp tục chặng đường phía trước với nguồn lực mới, Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh) cùng với Trường Đại học Thủ Dầu Một, Viện Văn học (thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) quyết định tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Những vấn đề văn học và ngôn ngữ Nam Bộ”. Hội thảo được tiến hành vào ngày 28 tháng 10 năm 2016 tại Trường Đại học Thủ Dầu Một (Bình Dương). Ban Tổ chức đã nhận được gần 200 bản đăng ký cũng như toàn văn báo cáo của các nhà nghiên cứu từ nhiều trường đại học, viện nghiên cứu, cơ quan, trường phổ thông ở khắp 3 miền đất nước. Từ đó Ban biên tập Hội thảo đã lựa chọn ra 123 báo cáo bàn tập trung về chủ đề Hội thảo và có chất lượng khoa học tốt để tập hợp lại thành tập Kỷ yếu này. Kỷ yếu được chia ra thành 5 phần:

  1. Những vấn đề chung
  2. Văn học dân gian và văn học Hán Nôm Nam Bộ
  1. Văn học quốc ngữ Nam Bộ trước 1945 (tác giả, tác phẩm)
  2. Văn học Nam Bộ sau 1945
  3. Tiếng Việt ở Nam Bộ

Trong mỗi phần, các báo cáo được sắp xếp theo vấn đề và theo trình tự thời gian.

Tập Kỷ yếu này hoàn thành, Ban biên tập chân thành cám ơn quý vị giáo sư, các nhà nghiên cứu gần xa đã gửi bài tham gia Hội thảo và giúp Ban Biên tập phản biện các báo cáo. Cám ơn lãnh đạo ba cơ quan: Trường Đại học Thủ Dầu Một, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh), Viện Văn học (thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) đã quan tâm chỉ đạo, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tập Kỷ yếu này ra đời. Cám ơn NXB. Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh đã làm việc khẩn trương với tinh thần trách nhiệm cao để tập Kỷ yếu kịp ra mắt trước Hội thảo. Vì bị áp lực về thời gian, nên tập Kỷ yếu này không tránh khỏi sai sót, xin quý vị độc giả thứ lỗi và tận tình chỉ giáo. Xin gửi lời cám ơn trước.

                                                                                          TM. Ban Biên tập

                                                                                          Đoàn Lê Giang