Báo cáo đề dẫn - Hội thảo nghiên cứu Hán Nôm và vấn đề văn hóa dân tộc

In bài này

        Lâu nay nghiên cứu Hán Nôm là việc làm hết sức có ý nghĩa đối với sự nghiệp tìm hiểu tri thức văn hóa của con người Việt Nam; là cầu nối của quá khứ với hiện tại và tương lai. Tìm hiểu nghiên cứu, khai thác thư tịch, di tích, văn hóa, lịch sử, con người xưa để xây dựng nền văn hóa mới, tạo cơ hội cho người Việt Nam hiện tại và mai sau tiếp cận, lĩnh hội và thưởng thức những giá trị văn hóa Việt Nam, ngõ hầu giữ vững bản sắc dân tộc và có thể hòa nhập với thế giới, vượt qua những thử thách lớn lao, phức tạp của thời đại.

 

Nghiên cứu Hán Nôm vì thế, gắn liền và làm rạng ngời nền văn hóa dân tộc, khẳng định bản sắc riêng biệt của dân tộc. Nghiên cứu Hán Nôm có nhiều cách tiếp cận khác nhau, thông qua di sản mà ông cha để lại, các nhà nghiên cứu lâu nay mỗi người một ít, góp sức vào sự nghiệp to lớn này những mảng đề tài:

 

- Sưu tầm, giới thiệu tư liệu vật thể, phi vật thể Hán Nôm,  

          - Giới thiệu, nghiên cứu các tác giả, tác phẩm, gia phả thần tích...

          - Dịch thuật, giới thiệu các tác giả, tác phẩm nước ngoài…

          - Nghiên cứu về ngôn ngữ, văn học, văn tự học, văn bản học, thư tịch, nghệ thuật Hán Nôm.

          - Tìm hiểu các lĩnh vực về cứ liệu Sử, Địa, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quán, giáo dục xưa và nay.

          - Các công trình giá trị về y học, dân tộc học…

 

          Những công trình về các mảng đề tài nói trên vẫn tiếp tục được các nhà nghiên cứu Hán Nôm thực hiện và xuất bản, đóng góp thêm cho nét đẹp tri thức dân tộc thêm ngời sáng, lung linh, bất chấp sự phát triển mạnh mẽ của luồng văn hóa ngoại nhập xa rời bản sắc dân tộc đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhiều thế hệ người Việt. Thật vậy, chúng ta vui mừng khi biết được đây đó vẫn còn có những nhà nghiên cứu Hán Nôm âm thầm tìm hiểu từng câu đối liễn hay lặn lội sưu tầm tài liệu cổ xưa ở các đình chùa, miếu mạo hoặc dưới lớp mộ sâu mà ít ai quan tâm đến, thậm chí có nhiều người chỉ muốn tiêu hủy để xây dựng những tòa nhà cao tầng phục vụ cho việc doanh thương… Có lẽ lo ngại trước mối nguy cơ mất dần bản sắc dân tộc, nhiều nhà hoạt động văn hóa đang ra sức tổ chức những buổi lễ kỷ niệm, những buổi biểu diễn, sinh hoạt tri thức… cho người dân; các nhà khoa học nghiên cứu nói chung, Hán Nôm nói riêng tổ chức các cuộc hội thảo khoa học trong nước và quốc tế nhằm góp phần lưu giữ, nhắc nhở phải bảo tồn nét riêng của dân tộc. Thậm chí, gần đây, có người đặt vấn đề nên giảng dạy Hán Nôm ở nhà trường phổ thông, nhưng chưa được chấp thuận. Tình trạng này cũng không khả quan hơn khi số giờ giảng dạy Hán Nôm ở các trường đại học bị cắt giảm, người quan tâm đến Hán Nôm càng ít đi. Trong khi, xã hội đang hiện hành nguy cơ tha hóa đạo đức, cương thường rối loạn, tệ nạn tràn lan… Thiết nghĩ, xu hướng tiếp nhận luồng gió văn minh, tiến bộ về khoa học kỹ thuật, về tư tưởng, văn hóa của quốc tế, xu hướng hội nhập vào thế giới cũng nên được tiến hành song song với việc khẳng định nét riêng của dân tộc, phát huy, giữ gìn nền văn hóa truyền thống, quan trọng nhất là văn hóa Hán Nôm. Sự hội nhập với quốc tế và sự bảo tồn, phát huy bản sắc riêng của dân tộc được hiểu giống như một người có đầy đủ hai chân, mới có thể đứng vững trên mảnh đất của mình trước ngọn gió mãnh liệt của thế giới bên ngoài. Ngọn gió ấy có vẻ mát mẻ, thoải mái, thú vị đó, nhưng cũng rét buốt, rát da khiến ta nhuốm bệnh hoặc té ngã, hoặc có khi nó là cuồng phong cuốn ta đi về phương trời vô định. Vì thế, muốn có thế đứng vững vàng, không bị ngoại phong quật ngã, ta phải có nội lực mạnh mẽ. Nội lực ấy chính là bản sắc của chính mình, của dân tộc. Bảo tồn, gìn giữ, khai thác, nghiên cứu di sản Hán Nôm có tốt, phát triển Hán Nôm học và văn hóa Hán Nôm có được mạnh mẽ, vững chắc như xu hướng thu nhập ào ạt văn hóa nước ngoài, thì mới có hy vọng thực sự củng cố nền tảng văn hóa dân tộc; làm thẩm thấu những tinh hoa, tinh túy đạo đức nhân văn vào tinh thần, tư tưởng người Việt; mới hy vọng rằng các giá trị văn hóa truyền thống được phát dương, giá trị tinh thần và cuộc sống sẽ được tôn vinh hơn; và ý thức tự chủ bảo vệ tài sản tinh thần của ông cha mới được quan tâm và tiếp tục được bảo dưỡng, phát huy. Việc làm này nếu được thực hiện như nguyện vọng, chúng ta, lớp người sau mới không phụ lòng những bậc tiền nhân cả đời cống hiến sức lực, tri thức của mình cho sự nghiệp bảo vệ văn hóa dân tộc.

 

          Nói đến việc bảo tồn di sản Hán Nôm, không thể không nói đến việc bảo tồn con người có tri thức Hán Nôm, những kẻ hiếm hoi trong đại đa số người quan tâm đến nghề nghiệp mưu sinh theo làn gió hội nhập. Lớp người được đào tạo Hán Nôm quá ít, làm việc không hoàn toàn đúng với chuyên môn, trong khi lớp người may mắn được thụ giáo với những vị Hán học uyên thâm thời phong kiến dần dần ra đi hoặc ở tuổi cổ lai hy. Người được chúng tôi xin đặc biệt kể đến nhân cuộc hội thảo này chính là giáo sư Bửu Cầm, người có nhiều cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, nghiên cứu Hán Nôm ở miền Nam trước năm 1975, mà ảnh hưởng của ông đối với thế hệ Hán Nôm học đời sau không phải là ít. Tổ chức cuộc hội thảo mang tên Nghiên cứu Hán Nôm và văn hóa dân tộc, chúng tôi cũng nhằm mục đích kỷ niệm ngày sinh lần thứ 90 của giáo sư Bửu Cẩm, để tỏ lòng tri ân vị thầy có phẩm chất cao cả về giáo dục, nghiên cứu Hán Nôm của nhiều thế hệ học trò Hán Nôm ở miền Nam, đặc biệt là lớp học trò ở trường Đại học Văn khoa Sài Gòn.

 

          Giáo sư Bửu Cầm sinh năm 1920 tại thôn Vỹ Dạ, Huế. Ông là con đầu lòng của thi sĩ Ưng Oanh và nữ sĩ Trịnh Thị Tố, thuộc dòng dõi của Tuy Lý Vương Miên Trinh. Khi 20 tuổi, giáo sư là chủ biên của tạp chí Tinh hoa văn tập và tờ Gió lên xuất bản tại Huế. Năm 1958, thầy giảng dạy môn Lịch sử Việt Nam, Ngữ học Việt Nam, Triết học Đông phương tại Đại học Văn khoa Sài Gòn. Năm 1969, thầy được phong Giáo sư Diễn giảng và năm 1972, được thăng Giáo sư thực thụ Viện Đại học Sài Gòn.

 

          Thầy đã bảo trợ cho nhiều nghiên cứu sinh luận văn Cao học và Tiến sĩ. Thầy tham gia nhiều hội nghị quốc tế về Trung Quốc học, được cử tham gia vào Ủy ban Hỗ tương thẩm định giá trị văn hóa Đông-Tây của Unessco và là thành viên của phái đoàn Giao dịch với Trung tâm nghiên cứu Văn hóa Đông Nam Á tại Nhật Bản.

 

          Những tác phẩm của Thầy được xuất bản đủ các thể loại đăng trên nhiều tạp chí khác nhau; về sách, lên đến gần 20 đầu sách.

 

- Biên khảo có: Tống Nho, Tìm hiểu kinh Dịch, Quốc hiệu nước ta từ An Nam đến Đại Nam, Thư mục về Nguyễn Du, Dẫn nhập nghiên cứu chữ Nôm, Lam bản tác phẩm Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du.

 

- Dịch thuật có: Hoàng Việt giáp tý niên biểu, Hồng Đức bản đồ, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Đại Nam hội điển

 

- Chú giải có: Nam cầm khúc của Tuy Lý Vương, Hoài cổ ngâm của Tương An quận vương, Trăm thương của Tương An quận vương.

 

          Những kiến giải của GS. Bửu Cầm qua các công trình nghiên cứu thể hiện một trình độ Hán học uyên thâm, thái độ nghiêm túc, khoa học, cầu toàn đáng trân trọng. Về mặt giáo dục, giáo sư là một vị thầy có nhân cách đáng kính, được học trò kính mến, đào tạo nhiều thế hệ ở nhiều lĩnh vực Hán học, văn học, sử học, triết học, văn bản học, dân tộc học, ngôn ngữ học… Những công trình nghiên cứu của giáo sư Bửu Cầm và nhân cách cao cả của một nhà giáo, nhà nghiên cứu cho thế hệ sau những bài học quí giá về kiến thức khoa học cũng như đạo đức làm người, làm nghề cao quí. Nhân kỷ niệm lần thứ 90 năm sinh của giáo sư, chúng con, những người hậu học xin kính chúc thầy sức khỏe, thân tâm an lành.

 

Chúng con mong Thầy yên tâm, chúng con sẽ cố gắng hết sức mình theo bước Thầy, góp phần duy trì ngành Hán Nôm học, nối tiếp sự nghiệp cả đời của thầy cũng như của tiền nhân cho dân tộc, góp phần khẳng định thêm vị trí, vai trò quan yếu của việc nghiên cứu Hán Nôm đối với sự phát triển văn hóa, tư tưởng dân tộc trong xu thế hội nhập. Nó giúp phát huy giá trị lớn lao của tài sản quí báu mà tiền nhân để lại cho nhiều thế hệ cháu con; để giúp cháu con nhận thức bản chất tốt đẹp của chính mình, nhằm giữ cho được bản chất nhân văn, cùng nhau xây dựng cuộc sống văn minh, tốt đẹp muôn đời.

 

Tiếp tục bảo tồn, nghiên cứu, phát huy, xiển dương di sản Hán Nôm, đào tạo thế hệ tiếp nối nghiên cứu Hán Nôm là đồng nghĩa với việc giữ gìn, phát triển văn hóa dân tộc trong thời buổi hội nhập quốc tế ngày nay. Đó là lý do xác đáng để chúng ta, những người có trách nhiệm, những người nghiên cứu, giảng dạy, học tập Hán Nôm có biện pháp thực hiện mục đích ấy cho có hiệu quả. Và đó cũng là lý do quan trọng nhất để có cuộc hội thảo mang tên Nghiên cứu Hán Nôm và vấn đề văn hóa dân tộc hôm nay. Hội thảo này, chúng tôi nhận được hơn 20 bài tham luận với những nội dung có thể chia làm hai như sau:

 

- Nghiên cứu Hán Nôm và văn hóa Việt Nam: mảng đề tài về chữ Nôm miền Nam, văn học Hán Nôm, văn hóa Việt Nam, giảng dạy Hán Nôm trong trường đại học và phổ thông, mối quan hệ văn-sử, phê bình văn học, giới thiệu sách, so sánh Nho giáo Việt Nam và Nhật Bản…

- Về giáo sư Bửu Cầm: phong cách nghiên cứu của giáo sư, những kỷ niệm về giáo sư, thư mục nghiên cứu của giáo sư…

 

Những bài tham luận này là kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, giáo sư, giảng viên về Hán Nôm, văn học cổ điển và văn hóa Việt Nam. Nội dung phong phú và thú vị của những bài viết đóng góp cho sự thành công của hội thảo và tạo cơ hội cho cuộc trao đổi đầy ý nghĩa hôm nay.

 

Chúng tôi hết sức vui mừng được chào đón và lắng nghe ý kiến cũng như những kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học-những người một lòng vì sự tồn vong của nền văn hóa Hán Nôm trong buổi hội thảo hôm nay.

 

Xin kính chúc quí vị đại biểu nhiều sức khỏe và chúc hội thảo thành công tốt đẹp!