Suy nghĩ về cảm hứng "thiền" qua "Thiền uyển tập anh"

In bài này

Tiếp cận Thiền uyển tập anh như một pho kinh sách sáng tạo hay như một tác phẩm văn học cổ uyên bác là điều không độc giả nào ngày nay băn khoăn. Từ nhiều thế kỷ trước, tác phẩm lấp lánh cảm hứng và triết luận thiền giáo này đã thu phục sự tôn kính của các thế hệ cao tăng cho đến tầng lớp đại trí thức Nho học (như Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú…). Vào một thời kỳ khi mà văn học Trung đại Việt Nam thành tựu chưa được dày dặn với 3 thế kỷ ra đời, phát triển (tính đến đầu thế kỷ XIV), thì sự xuất hiện của tập truyện ký với ngót 70 tiểu phẩm này đã thực sự tạo nên một cái mốc đi lên thận trọng mà vững chắc. Đương nhiên, công trình này trước hết là sự tổng kết nghiêm túc mà thi vị chặng đường 7 thế kỷ vẻ vang của thiền giáo Đại Việt. Cảm hứng chủ đạo và thấm đẫm trong từng tiểu truyện của Thiền uyển tập anh là cảm hứng thiền. Đây thực sự là áng thiền ca đẹp đẽ, có sức thu hút đặc biệt.

 

            Với xu thế nhận thức lại ở tầm mức hệ thống, đầy đủ và thấu đáo hơn dưới ánh sáng của tư duy khoa học mới đối với di sản văn hóa dân tộc, thời kỳ cận hiện đại (đặc biệt là mấy chục năm gần đây) Thiền uyển tập anh tiếp tục được soi chiếu kỹ lưỡng bởi nhiều nhà nghiên cứu uy tín. Khó mà còn có sự bỏ sót nào đối với hệ giá trị của tác phẩm này, từ phương diện thiền học, sử học đến văn học, văn hóa học… Tìm hiểu cảm hứng thiền qua Thiền uyển tập anh, vì thế khiêm tốn chỉ là sự nhấn mạnh và soi tỏ thêm một khía cạnh tính chất và giá trị của tác phẩm. Rõ ràng, thực hiện mục đích hồi cố tôn vinh đức hạnh siêu việt, tài năng khác thường của các thế hệ thiền sư (từ thế kỷ IX đến thế kỷ XIII), với lối trước thuật khiêm cẩn song cũng rất mực thanh thoát, tác phẩm đã thành công. Điều khiển ngòi bút tác giả và xuyên suốt tác phẩm cổ kính này là cảm hứng thiền cao sâu song cũng dạt dào, mãnh liệt tình đời. Nghiền ngẫm tác phẩm, có thể nhận biết điều này thông qua sự tận tâm khắc họa (mang tính lặp đi lặp lại, đến mức tích hợp thành motif tình tiết và motif kết cấu tích truyện) của tác phẩm ở hai phương diện khi tôn vinh các đại thiền: Sự khác thường và có phần kỳ dị trong hành trạng, tài năng; khả năng “xuất khẩu thành chương” với thi tứ- thiền. + Sự khác thường, siêu việt và kỳ dị về    hành trạng, phẩm cách và tài năng.            Thiền uyển tập anh là tập truyện ký dạng “tích truyện”, “truyện ký lịch sử”, nghĩa là các câu chuyện và nhân vật đã không còn thuộc thời đại người chấp bút. Đó không phải là sự cản trở mà lại là một thuận lợi cho việc phô bày và nâng cấp cảm hứng thiền. Sự kiện và nhân vật của nhiều thế kỷ trước không những không bị thời gian gọt rũa, che khuất, trở nên đơn điệu dưới ngòi bút của tác giả mà như thế, người viết lại có cơ hội để dung nạp, thu nhận các phương thức khắc họa kiểu nhân vật khác lạ, phi thường của văn học dân gian, và gẫn gũi hơn của văn hóa Phật giáo.     Với cách thức trước thuật chuyện xưa, tác giả Thiền uyển tập anh đã chuẩn bị cho “độc giả” tiếp nhận các tiểu phẩm với nhiều phương diện tâm thức: Sự thực lịch sử và sự huyền vi, kỳ ảo. Ở đây chúng ta dành sự quan sát đặc biệt cho sự tô đậm hình ảnh thiền sư bởi nghệ thuật thần kỳ hóa, khác biệt hóa… Thí dụ, với sự ra đời của thiền sư Vân Phong thì “Khi mang thai bà mẹ thường trai giới, tụng kinh niệm phật. Đến khi sinh ra thấy hào quang tỏa sáng khắp nhà, cha mẹ cho là điều lạ, có ý định ngày sau sẽ cho con xuất gia”. Thiền sư Ngộ Ấn: “Mẹ họ Cù, khi chưa lấy chồng nhà ở cạnh nghĩa địa gần khu rừng, thấy người ta đặt bẫy bắt hết cả chim, bà nói: “Thà chết mà làm người thiện còn hơn sống mà làm kẻ ác”. Một hôm bà đang ngồi dệt vải có con khỉ lớn từ trong rừng chạy ra ôm lấy lưng bà suốt ngày mới bỏ đi. Sau đó bà biết mình có mang. Đến khi sinh ra, đứa con mặt mũi xấu xí, bà lấy làm ghét, bèn đem bỏ vào rừng. Trong hương có sư cụ người Chiêm Thành họ Đàm, trông thấy đem về nuôi”. Ở đây, ngoài sự ra đời kỳ lạ (motif quen thuộc của truyện cổ tích) thì điều luôn được nhấn mạnh là tác dụng hiển nhiên của “quá trình lâu dài tu nhân tích đức, ăn chay niệm Phật, hướng về Phật tổ) của người mẹ thiền sư. Sự lạ hóa nhân vật do đó không phải tùy tiện mà luôn trong sự kiềm tỏa và chốt giữ của sự hướng thiền, vị thiền được biểu tượng bởi nhân vật người mẹ. Nghiên cứu loại tình tiết này trong Thiền uyển tập anh, Nguyễn Hữu Sơn viết: “theo cách hình dung của Phật giáo, con người hiện thời được sinh ra là do quả kiếp tiền duyên, là hiện hữu của quá khứ. Mối thiện duyên, thiện nghiệp (các bà mẹ tu nhân tích đức, ăn chay, không sát sinh…) sẽ tạo sinh nên các vị thiền sư đạo cao đức trọng” (1).            Trong mạch cảm hứng thiền, không có gì lạ khi sau đây là những dòng viết về thiền sư Đạo Huệ: “Thiền sư người hương Chân Hộ, quận Như Nguyệt, họ Âu, tướng mạo đoan chính, giọng nói trong trẻo. Từ năm 25 tuổi xuất gia theo hầu sư Ngô Pháp Hoa ở chùa Phổ Ninh học hỏi được nhiều điều uyên áo của cửa huyền. Sau sư đến trụ trì chùa Quang Minh, giữ nghiêm giới luật, chuyên tu thiền định, trong vòng sáu năm lưng không bén chiếu hiểu sâu phép Tam quán Tam ma địa, học trò đông đến hơn một nghìn người. Tiếng sư tụng kinh ngày đêm cảm hóa cả khỉ vượn trong núi, khiến chúng kéo từng đàn đến nghe kinh. Vì thế danh tiếng của sư vang truyền đến kinh đô”. Đề cao thiền giáo, tài năng, phép thuật của các thiền sư cũng trong xu thế được phi thường hóa (có khi là quái dị). Thiền sư Không Lộ có thể “bay trên không, đi dưới nước, hàng long phục hổ, muôn phép lạ không lường hết được”. Thiền sư Đạo Hạnh ném gậy xuống dòng nước xiết, gậy liền trôi ngược; lại có thể khiến rắn rết, muông thú đến chầu phục, đốt ngón tay cầu mưa, phun nước phép chữa bệnh, không việc gì là không ứng nghiệm”. Thiền sư Giác Hải chú mục nhìn khiến tắc kè rớt xuống đất, có thể nhảy lên cao đến mấy trượng v.v... Thiền sư Tịnh Giới cũng có thuật cầu đảo khiến mưa to cũng như mưa đang to lại tạnh… Tài năng của các thiền sư xét kĩ là dạng phép thuật kỳ lạ, kết quả của quá trình tu luyện. Song không phải phép thuật nào được nói đến của các nhân vật này cũng có thể được giải thích như thế. Đó chắc chắn là những trường hợp tô vẽ của trí tưởng tượng, của ngòi bút hư cấu từ sự thúc đẩy của cảm hứng ngợi ca, tôn sùng.            Tương tự, bản lĩnh tu hành, ý chí xuất thế, thoát tục cũng là dạng khả năng phi thường được chú ý khắc họa. Nói đúng hơn, bức tranh về các thiền sĩ khó mà hoàn thiện khi còn thiếu đi nét vẽ đặc trưng này. Và vì thế cũng không có gì lạ khi ta thấy thiền sư Chân Không tu trì giới luật suốt hai mươi năm “không bước chân xuống núi”; thiền sư Vô Ngôn Thông “suốt ngày ngồi quay mặt vào tường” và suốt “mấy năm liền như thế  nên người ngoài không ai biết. Trung thành với thiền đạo, thiền sư Hiện Quang kiên quyết chối từ lời mời của vua với lý lẽ: “Bần đạo ở đất vua, văn lộc vua, thờ Phật tại núi này đã lâu năm, thửa công đức chưa thành tựu, tự lấy làm hổ thẹn. Nếu ép bần đạo về yết kiến vua thì chẳng những không bổ ích gì cho trí đạo mà cũng chuốc lấy sự hủy báng của chúng sinh. Huống chi ngày na Phật Pháp đang thịnh hành, các bậc thầy mẫu mực trong bản đạo đã có đủ để chầu hầu lễ nghi nơi điện các. Xin bệ hạ đoái lượng cho kẻ mặc chiếc áo cà sa thô lạnh này được nương thân Phật đạo trong chốn núi rừng, khỏi phải đến kinh đô”. Ở đây, điều cần được thấy rõ là, cái “kỳ” của tác phẩm được tạo nên từ những yếu tố thần kỳ hồn nhiên của truyện dân gian và những yếu tố kỳ để nhấn mạnh năng lực tinh thần của các thiền sư có được do quá trình khổ luyện, tu tập. Song, cái “kỳ” mang sắc thái dân gian chỉ đóng vai trò góp phần tô đậm hành trạng các thiền sư. Cái “kỳ” mang tính chất siêu nhiên của triết giáo thiền nhằm khắc họa tài năng, đức hạnh hơn người của các thiền sư mới là phần bản sắc riêng của tác phẩm. Cái “kỳ” ở đây thực chất là sự kỳ lạ của năng lực tinh thần, của ý thức và ý chí con người. Với suy nghĩ như thế thì Thiền uyển tập anh quả là còn có ý nghĩa như một phát hiện lớn về năng lực và phẩm chất của con người Đại Việt.            Theo như chúng ta ngày nay được biết thì sự ra đời của Thiền uyển tập anh là trên cơ sở tác giả của nó đã thu thập, sử dụng và kế thừa công phu “một số lớn tài liệu” của người đi trước gồm những công trình sử học, sử học Phật giáo Việt Nam, văn bia và cả các trước tác thiền tông Trung Quốc. Đồng thời, hầu như nhà nghiên cứu nào cũng thấy rõ rằng Thiền uyển tập anh còn là bằng chứng của mối quan hệ tiếp nhận, giao hảo gần gũi giữa triết giáo thiền tông với kho tàng văn hóa dân gian Đại Việt. Vì thế, đến đây giá trị văn học của tác phẩm một lần nữa có thể được nhận thức từ phương diện cảm hứng thiền. Đây là nguồn cội tình cảm, trí tuệ đã giúp tác giả trong một thời đại mà văn học dân tộc chưa phải đã thuần thục, sáng tạo nên một văn phẩm có thể sống mãi với thời gian như thế. Các vị “anh tú” của “vườn thiền” trong Thiền uyển tập anh là những nhân vật văn học, sản phẩm của thi hứng thiền sâu sắc, nhất quán của tác giả.+ Motif xuất khẩu thành chương với thi tứ thiền           

Ở thế kỷ XIV, Thiền uyển tập anh là tập đại thành của văn học thiền tông, đặc biệt ở phương diện thơ. Tập truyện ký này là cái nôi của hàng trăm bài thơ thiền, hiểu theo nghĩa là thơ của các thiền sĩ, thơ truyền tải triết lý thiền tông. Ở đây, triết lý Phật giáo không những được lĩnh hội, thấm nhuần mà đã thực sự trở thành những thi tứ ấn tượng và thi hứng cho nhiều thế hệ thi sĩ thiền. Thiền uyển tập anh do vậy còn nuôi dưỡng và gìn giữ trong nó một trong số xu hướng khởi đầu khá là thanh tao và lắng sâu của thơ Trung đại Việt Nam trước khi giới Nho sĩ nhập thế, hành đạo đông đảo trong xã hội hăng say “ngôn chí” về đạo Trung, đạo Hiếu… Hầu như mỗi thiền sư của Thiền uyển tập anh là một thi sĩ. Họ đều có khả năng diễn giải triết lý thiền bằng thơ, trả lời câu hỏi, tỏ thái độ cũng bằng thơ. Họ dùng ngôn từ thơ ca để tiễn đưa, li biệt, trước khi qui tịch vẫn ung dung làm thơ, đọc kệ. Phẩm chất thi sĩ của các thiền sư cơ bản được khắc họa với motif “xuất khẩu thành chương”. Ở một mức độ nhất định, có thể nói motif này là sự “lạm dụng” thú vị của tác giả Thiền uyển tập anh để từ đó dẫn đến hệ quả là các thiền sư thảy đều được khắc vẽ như những thi nhân thực thụ, tài hoa. Họ lặng lẽ, kín đáo, song tâm hồn thiền lại luôn tràn đầy và dạt dào xúc cảm thơ ca. Các nhà nghiên cứu gọi đó là những thi sĩ- thiền sư. Đó là một sự suy tôn xứng đáng và phù hợp. Tuy nhiên, ở cấp độ trừu tượng hơn thì chủ trì dàn hợp xướng “thiền thi” của Thiền uyển tập anh trước hết là tác giả của văn phẩm này. Đó mới thực sự là thi sĩ của mọi thi sĩ thiền, thi sĩ hàng đầu của thời đại thơ thiền thế kỷ XIV. Cảm hứng thiền của Thiền uyển tập anh trước hết là sản phẩm của chính cây bút số một này.            Quay trở lại với motif “xuất khẩu thành chương”. Motif này đã là sự lựa chọn đặc thù của Thiền uyển tập anh khi chuyển tải lên trang sách sự uyên bác đến thản nhiên, thanh thoát của các thiền sư. Nhân vật thiền sư vừa có tính cách trầm tĩnh, uy nghi của triết gia lại vừa hồn hậu, đáng yêu như những thi sĩ. Người chấp bút với thi hứng và cảm hứng thiền đã có cách dắt dẫn các chuyện bằng những cuộc hỏi đáp luôn đầy chất thơ và bằng thơ. Motif “xuất khẩu thành chương” do đó còn là phương tiện tự sự của Thiền uyển tập anh. Đây là kiểu tự sự được sử dụng phổ biến cho phần lớn các tiểu truyện. Hãy một chút tái khảo sát điều này qua tiểu truyện về thiền sư Viên Chiếu. Ở đây, những quan điểm, nhận thức, khám phá về thiền được phô diễn bằng một cuộc phỏng vấn lớn, say sưa của một vị tăng. Các câu hỏi và lời đáp phần lớn đều sử dụng nghệ thuật thơ ca, đặc biệt là phương thức hàm ý, bóng gió. Đây là một  trong những thiên triết luận uyên súc về đạo thiền, là áng “ngôn chí” thiền kỳ công của Thiền uyển tập anh. Những câu hỏi và lời đáp như vẫn vang vọng trên trang sách dù mấy thế kỷ đã lướt qua:                                    “Hỏi:                                                Thế nào là đạo lớn                                                Nguồn cơn một lối về ?                                                (Như hà thị đại đạo                                                Căn nguyên nhất lộ hành)                                    Đáp:                                                Gió thốc non cao hay cỏ cứng                                                Nước mà nguy biến biết tôi trung                                                (Cao ngạn tật phong tri kính thảo                                                Bang gia bản đãng thức trung lương)                                    Hỏi:                                                Tất cả chúng sinh từ đâu tới, trăm năm sau về đâu?Đáp:Rùa mù đào vách núiTrạch què ngược núi cao(Manh quy xuyên thạch bíchPhả miết thướng cao sơn)”.            Tuy nhiên, không ít lời đáp của vị thiền sư danh tiếng Viên Chiếu ý tứ quá cao sâu khiến cho đến nay chúng vẫn còn là những lời thách đố lớn.            Nhiều thế kỷ đã trôi qua kể từ khi Thiền uyển tập anh được các sư tăng hoàn thiện. Đạo Phật và các tông phái thiền cũng đã trải qua một thời kỳ dài tôi luyên với nhiều đổi thay, thăng trầm của nhân thế. Trong dòng chảy của lịch sử văn học Việt Nam, Thiền uyển tập anh bất châp thời gian vẫn ngời sáng, mới mẻ và vĩnh viễn như ngọn nguồn triết giáo đã tạo sinh ra nó. Và hơn hết, vượt lên tất cả, cảm hứng thiền chính là linh hồn của văn phẩm sang quý này.                                                                                                 Đà Lạt, ngày 07/07/2010  (1)    Loại hình tác phẩm Thiền uyển tập anh, Nguyễn Hữu Sơn, NXB Khoa học xã hội Hà Nội, 2002, Trang 52. TÀI LIỆU THAM KHẢO  1.      Thiền uyển tập anh (Anh tú vườn thiền), Ngô Đức Thọ- Nguyễn Thúy Nga, Dịch và chú thích, Ngô Đức Thọ giới thiệu, NXB Văn học, Hà Nội- 1993.2.      Nguyễn Hữu Sơn, Loại hình tác phẩm Thiền uyển tập anh, NXB Khoa học xã hội Hà Nội, 2002.