Phát biểu tổng kết hội thảo

GS.TSKH Trần Ngọc Thêm(*)

Kính thưa GS. Yang Xiaoyun 杨小云, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm  Hồ Nam,

Kính thưa PGS. Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường Đại học KHXH & NV

Kính thưa qúy vị quan khách và các nhà khoa học,

1

Hội thảo khoa học quốc tế “Việt Nam và Trung Quốc: những quan hệ văn hóa, văn học trong lịch sử” do Trường Đại học KHXH & NV thuộc ĐHQG-HCM tổ chức hôm nay là một Hội thảo khoa học mang tính liên ngành, liên quốc gia, liên khu vực. Tiêu đề của Hội thảo đã quy tụ được một cách rất khéo léo ba ngành khoa học lớn là văn hoá học, văn học và sử học, tập trung cùng bàn những vấn đề thuộc về quan hệ giữa hai quốc gia Việt Nam và Trung Quốc, đại diện cho hai khu vực đầy sôi động là Đông Nam Á và Đông Bắc Á.

Từ các báo cáo đã nhận được, BTC Hội thảo đã chọn đưa vào kỷ yếu 63 bài, trong đó có 9 bài của các nhà khoa học Trung Quốc đến từ Trường đại học Sư phạm Hồ Nam và 54 bài của các nhà khoa học Việt Nam đến từ Australia, Đài Loan, Hà Nội, Đà Nẵng, Đà Lạt, Cần Thơ, An Giang và Tp. Hồ Chí Minh. Trong số 63 báo cáo này có 32 bài viết về quan hệ văn hoá Việt-Trung trong lịch sử và 31 bài viết về quan hệ văn học Việt-Trung trong lịch sử. Nội dung các báo cáo đều hết sức đa dạng, phong phú và có giá trị về nhiều mặt: Trong khi một số bài này cung cấp những tư liệu mới phát hiện hoặc sưu tầm được, thì những bài khác cung cấp những kiến giải mới mẻ với những lập luận chặt chẽ.

Một vườn hoa muôn sắc và ngát hương như thế mà đưa ra trưng ra hết và thưởng thức hết trong một ngày thì chắc chắn sẽ khiến cho mọi người đều bội thực. Do vậy, với cố gắng lớn nhất, Hội thảo đã nghe trình bày và thảo luận được 18 báo cáo.

Bài tổng kết ngắn này không có tham vọng nêu lên hết những kết quả mà hội thảo thu hoạch được. Mà điều đó thực ra là không thể. Chúng tôi xin chỉ giới hạn ở việc nêu lên mấy nhận xét chung dưới đây.

2

Thứ nhất là trong quan hệ văn hoá, văn học Việt-Trung trong lịch sử, Việt Nam hiển nhiên là đã tiếp thu, chịu ảnh hưởng của văn hoá, văn học Trung Hoa rất nhiều, nhưng cái mới dễ thấy được nhấn mạnh tại Hội thảo này là nhận thức cho rằng đó không phải là một sự tiếp thu thụ động một chiều, mà là sự giao lưu có đi có lại, sự tương tác ảnh hưởng lẫn nhau.

Tính hai chiều trong giao lưu văn hóa, khoa học kỹ thuật giữa hai nước ở thời Trung đại đã được GS. Zhong  Sheng 钟声 chứng minh rất rõ trong bài « Giao lưu khoa học kỹ thuật giữa  hai nước Trung - Việt giai đoạn Tống Thanh »: Trong khi văn hóa, khoa học kỹ thuật Trung Quốc có ảnh hưởng thường xuyên và rất mạnh mẽ tới Việt Nam là điều quá rõ ràng, thì văn hóa, khoa học kỹ thuật Việt Nam cũng được truyền bá khá rộng ở Trung Quốc: Binh pháp triều Lý Việt Nam được các học giả Bắc Tống học tập, nghiên cứu, diễn tập, và vận dụng. Kinh nghiệm kiến trúc Việt Nam được kiến trúc sư Nguyễn An trong vai trò tổng chỉ huy đã áp dụng vào xây dựng kinh thành Bắc Kinh đầu đời Minh. Kỹ thuật chế tạo thuốc súng từ Trung Quốc truyền vào Việt Nam đã phát triển cực nhanh làm cơ sở cho sự hình thành kỹ thuật chế tác đại bác của Lê Trừng (Hồ Nguyên Trừng) giúp quan quân Trung Quốc giành nhiều thắng lợi trong các cuộc trấn áp các cuộc xâm lược của người Oa khấu từ phương Bắc. Các giống cây trồng, hoa màu, thổ sản, dược liệu đặc thù từ Việt Nam nhập vào Trung Quốc được sử dụng khá rộng rãi. Một số trước tác của các danh y Việt Nam (như Cúc Đường di thảo của Trần Nguyên Đào, Dược thảo tân biên của Nguyễn Tri Tân…) truyền vào Trung Quốc cũng được y học Trung Quốc kế thừa và gây được ảnh hưởng nhất định…

Tính hai chiều này không chỉ lệch nhau về mức độ (chiều từ Trung Quốc sang Việt Nam mạnh hơn hẳn chiều ngược lại), mà còn lệch nhau theo đặc thù của mỗi nền văn hoá trong từng lĩnh vực. Chẳng hạn, văn hoá Việt Nam xây dựng trên nền tảng nông nghiệp làng xã vốn rất yếu kém về lĩnh vực văn hoá tổ chức quốc gia, do vậy, trong báo cáo «Văn hóa chế độ Trung – Việt: giao lưu và ảnh hưởng» do GS. Li  Yumin 李育民 trình bày, hầu như ta chỉ thấy ảnh hưởng một chiều rất lớn của văn hóa chế độ Trung Quốc đối với Việt Nam. Trong khi đó, qua việc nghiên cứu trường hợp «Phong tục tết Đoan Ngọ Việt Nam và Trung Quốc dưới góc nhìn chức năng» của ThS. Nguyễn Ngọc Thơ, ta thấy ở những lĩnh vực có sự chi phối mạnh của thiên nhiên như phong tục xứ nóng phải từ phương Nam đi lên, phong tục xứ lạnh phải từ phương Bắc đi xuống mới là hợp lẽ. Trên bình diện tương quan Băc-Nam, GS. Zhan  Zhihe 詹志和 khi nghiên cứu về «Thơ đi sứ chữ Hán của Việt Nam trong mối quan hệ với văn hóa Hồ Nam», có một xét rất đáng chú ý là trong khi ở lĩnh vực hội họa gắn liền với “Tiêu Tương bát cảnh” (Tiêu Tương chỉ vúng Hồ Nam), văn nhân Việt Nam thua kém Nhật Bản, Hàn Quốc, nhưng trong lĩnh vực thơ ca, Việt Nam lại thể hiện sự vượt trội so với Nhật Bản, Hàn Quốc.

Điều thú vị là, trong khi biết rõ sự vượt trội trên nhiều lĩnh vực của văn hoá Trung Hoa và chấp nhận lấy văn hoá Trung Hoa làm khuôn mẫu, trí thức Việt Nam thời trung đại đã không tự ti mà biết tự hào về những chỗ mạnh của văn hóa dân tộc mình và ra sức học tập những gì mình còn yếu kém, phấn đấu sao cho văn hoá của mình «không thua kém Trung Hoa». Tinh thần này đã thể hiện khá rõ qua bài «Quan niệm “vô tốn Trung Hoa” ở Việt Nam thời trung đại» của TS. Nguyễn Văn Hiệu.

Ý thức tự hào dân tộc và cố gắng phấn đấu để không thua kém người không chỉ là đặc điểm của người Việt Nam mà là hằng số chung của cả Việt Nam lẫn Trung Hoa: Với bài «Vấn đề đạo đức và tư tưởng xã hội: sự tương đồng trong nhận thức lại Nho giáo của giới trí thức Việt – Trung đầu thế kỷ XX», TS. Huỳnh Vĩnh Phúc đã cho thấy rằng ở giai đoạn đầu thế kỷ XX, cả trí thức Việt Nam lẫn Trung Quốc trong khi biết rõ sự vượt trội của văn minh và khoa học kỹ thuật phương Tây và chấp nhận học tập nó, thì vẫn nhận thức rõ và khẳng định những giá trị tích cực của đạo đức, tư tưởng phương Đông, bởi vậy mà cả Việt Nam lẫn Trung Quốc đều phát triển khuynh hướng cổ võ cho chủ trương «Đông Tây hoà hợp» theo nguyên tắc «Đông thể Tây dụng».

3

Nhận xét thứ hai là bên trong cái không gian địa văn hoá lớn là mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, các nhà khoa học tham gia Hội thảo đã rất chú trọng đến cái không gian địa văn hoá nhỏ là Nam Bộ và Hồ Nam.

Cùng tìm hiểu về thơ đi sứ chữ Hán thời trung đại của Việt Nam trong mối quan hệ với văn hóa Hồ Nam, GS. Zhan  Zhihe 詹志和 đưa ra bức tranh tổng thể, trong khi PGS. Nguyễn Công Lý đi vào khảo sát trường hợp thơ của đại thần đời Trần Nguyễn Trung Ngạn.

So sánh hai trường hợp Phan Thanh Giản (Nam Bộ-Việt Nam) và Tăng Quốc Phiên (Hồ Nam-Trung Quốc) là những người trước đây từng bị cho là kẻ phản quốc và nay được hai nước đánh giá lại, khôi phục danh dự cho họ, PGS. Nguyễn Tiến Lực tìm thấy những điểm tương đồng và khác biệt rất đáng quan tâm, phản ánh

TS. Võ Thị Hoa tìm hiểu hình tượng Tôn Trung Sơn trong đạo Cao Đài ở Nam Bộ Việt Nam; TS. Xie Miao 谢淼 nghiên cứu so sánh văn hóa tre trúc của Việt Nam và Hồ Nam; PGS. Phạm Đức Mạnh tìm hiểu những “phần tử đánh dấu” quan hệ Trung Hoa và Nam Bộ (Việt Nam) thời thự sử (Protohistory) – tất cả các báo cáo này đều góp phần thông qua cái RIÊNG là không gian Nam Bộ và Hồ Nam để làm rõ hơn cái CHUNG là những đặc trưng văn hoá của hai nước, góp phần hiểu sâu hơn về văn hoá vùng miền của chính mình và học hỏi lẫn nhau.

4

Nhận xét thứ ba là trong công trình nghiên cứu của mình, phần lớn các báo cáo đều vận dụng một cách khá nhuần nhuyễn cách tiếp cận và phương pháp liên ngành.

Văn học, văn hoá và sử học không xuất hiện trong Hội thảo này như những lĩnh vực độc lập mà luôn hòa lẫn vảo nhau. Báo cáo của PGS. Đoàn Thị Thu Vân về sự hợp dung văn hóa trong ca dao Việt Nam và nhóm các báo cáo liên quan đến Truyện Kiều của Nguyễn Du của GS. Zhao Yanqiu 赵炎秋, TS. Wang Xiaolin王小林 và PGS. Lê Thu Yến đều không chỉ phân tích sự kế thừa và biến đổi từ Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân tới Truyện Kiều của Nguyễn Du, mà còn luôn luôn bộ lộ rõ khuynh hướng đi tìm cái hồn văn hoá, chiều sâu văn hoá trong cái thân xác văn học.

Từ một hướng khác, PGS. Hà Minh Hồng đã đi tìm cái chiều sâu sử học qua thân xác văn học trên cơ sở nghiên cứu tập thơ “Ngục trung nhật ký” của Hồ Chí Minh để giới thiệu với chúng ta một góc nhìn về lịch sử Trung Hoa.

5

Tuy thời gian dành cho thảo luận không có nhiều, nhưng ở tất cả các tiểu ban, việc thảo luận cũng đã diễn ra rất sôi nổi. Kết quả là không chỉ mỗi người tham gia thu hoạch được nhiều hơn mà các nhà khoa học thuộc hai dân tộc đến từ nhiều quốc gia đã trở nên hiểu nhau hơn, gần gũi thân thiết với nhau hơn. Hội thảo đánh dấu sự mở đầu trong quan hệ hợp tác khoa học giữa hai trường, mở ra cơ hội để các nhà khoa học tiếp tục thảo luận, trao đổi, hợp tác với nhau. Đó chính là một kết quả rất quan trọng Hội thảo.

Tại Hội thảo này, 18 báo cáo đã trình bày đều phản ánh truyền thống lịch sử từ quá khứ xa xưa tới thời cận đại (với hai bài «So sánh việc truyền bá Cơ Đốc giáo ở Việt Nam và Trung Quốc thế kỷ XIX» của GS. Li Chuanbin 李传斌: và bài «So sánh quá trình hiện đại hóa giai đoạn đầu của Việt Nam và Trung Quốc cận đại» của GS. Zheng Dahua 郑大华). Nếu xét ở phạm vi rộng hơn thì trong 63 bài in trong Kỷ yếu Hội thảo này cũng chỉ có thêm vài bài bàn về những vấn đề văn học, văn hoá đến giữa tk. XX. Hy vọng là trong những Hội thảo tiếp theo sẽ có những bài bàn về cả những vấn đề văn học, văn hoá của tk. XXI và của tương lai mà giới khoa học hai nước cùng quan tâm.

Thay mặt BTC, tôi xin tuyên bố bế mạc Hội thảo. Xin cảm ơn các vị khách quý Trung Quốc đến từ Trường Đại học Sư phạm Hồ Nam. Cảm ơn các nhà khoa học Việt Nam từ Australia, Đài Loan và các tỉnh thành trong cả nước đã gửi bài và về tham dự Hội thảo. Trong quá trình chuẩn bị và tổ chức Hội thảo, chắc chắn BTC còn có nhiều khiếm khuyết, kính mong quý vị vui lòng lượng thứ và thẳng thắn góp ý để chúng tôi rút kinh nghiệm cho những Hội thảo lần sau.

Kính chúc tất cả các quan khách, các nhà khoa học có sức khỏe dồi dào và tiếp tục có nhiều những công trình khoa học mới, góp phần thúc đẩy sự tiến bộ của mỗi nước và tăng cường quan hệ hợp tác trên tinh thần khoa học, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau.

 



* Khoa Văn hóa học, Trường Đại học KHXH&NV – ĐHQG TP.HCM

 

Thông tin truy cập

60522437
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
3930
10018
60522437

Thành viên trực tuyến

Đang có 277 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website