Giao lưu và hội nhập văn hoá ở Sài Gòn- Thành phố Hồ Chí Minh

Ngày nay, giao lưu và hội nhập văn hoá là vấn đề hết sức nóng bỏng không chỉ riêng gì ở Việt Nam mà còn diễn ra phổ biến ở các quốc gia, các dân tộc khác khi nhân loại ngày càng đang tìm cách xích lại gần nhau hơn, cùng học hỏi lẫn nhau trong xu thế toàn cầu hoá, quốc tế hoá cũng như là sự phát triển một cách vũ bão của  khoa học kỹ thuật và công nghệ. Đây là vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng, đòi hỏi không riêng gì ở các nhà nghiên cứu văn hoá mà còn là trách nhiệm đặt trên đôi vai của những nhà nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn. Xu thế giao lưu và hội nhập văn hoá đang diễn ra ngày một nhanh chóng và quyết liệt đã đặt ra cho  chúng ta nhiều vấn đề về văn hoá dân tộc cần quan tâm nghiên cứu, không chỉ dừng lại ở ý nghĩa lý luận mà còn ở tính thực tiễn của nó. Chọn Sài Gòn- Thành phố Hồ Chí Minh là đối tượng để tìm hiểu sự giao lưu và hội nhập văn hoá trong khoảng thời gian hơn 300 năm kể từ khi người Việt đặt chân lên mảnh đất này sẽ giúp cho chúng ta rút ra nhiều bài học và kinh nghiệm quí báu, nhằm chủ động hơn trong quá trình hội nhập văn hoá ngày nay. Được như thế là do Sài Gòn- Thành phố Hồ Chí Minh vốn được xem là nơi đi đầu và chủ động một cách tích cực và sáng tạo trong sự giao lưu, hội nhập văn hoá với khu vực và quốc tế  trong quá khứ và hiện nay.

 

     Có thể nói rằng, giao lưu và hội nhập văn hoá là một thuộc tính không thể thiếu được của văn hoá và cũng chính là quy luật tồn tại và phát triển của văn hoá mọi dân tộc, mọi quốc gia trên toàn thế giới. Theo Ngô Đức Thịnh:”Giao lưu, ảnh hưởng, vay mượn còn là một nhân tố quan trọng trong quy luật truyền thống và đổi mới của văn hoá: Truyền thống (tradition)-Tiếp biến (tiếp nhận- biến đổi- accuturation)- Đổi mới(renovation)”(1). Như vậy thực chất của sự giao lưu và hội nhập văn hoá chính là sự tương tác của 2 yếu tố bên trong lẫn bên ngoài của một nền văn hoá mà trung tâm của nó chính là con người. Con người ỏ đây được đặt trong tính khoan dung, quảng đại, biết chia sẻ và học tập các giá trị văn hoá của dân tộc khác hay quốc gia khác và phải thể hiện được bản lĩnh văn hoá của mình trong sự giao lưu và hội nhập. Bởi vì dù muốn hay không, bản sắc văn hoá là cái đã được định hình trước, còn giao lưu và hội nhập là cái luôn luôn đến sau. Giao lưu và hội nhập văn hoá giữ vai trò hết sức quan trọng đối với văn hoá của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc: “ Không có một nền văn hoá nào dù lớn và có ảnh hưởng sâu rộng đến đâu lại có thể liên tục phát triển trong một địa bàn khép kín, biệt lập, tách rời sự tiếp xúc với các nền văn hoá khác”(2). Và từ đó sẽ dẫn đến:” Kinh nghiệm cho thấy, nền văn hoá nào khép kín, ít giao lưu thì nền văn hoá đó thường trì trệ, kém phát triển, thậm chí còn thoái hoá nữa”(3). Ngày nay, giao lưu và hội nhập văn hoá trên thế giới như đã trình bày diễn ra ngày càng mạnh mẽ và với tốc độ nhanh chóng. Chúng ta phải hiểu rằng giao lưu và hội nhập như ”một con dao 2 lưỡi “,mặt tích cực và mặt tiêu cực tồn tại song song. Mặt tích cực của nó sẽ giúp cho văn hoá mỗi dân tộc hay mỗi quốc gia luôn phát triển, thu nhận được những giá trị tiến bộ, tích cực trên mọi lĩnh vực của văn hoá các quốc gia và dân tộc khác, và ngược lại sẽ quảng bá được văn hoá của mình cho các dân tộc, các nước khác.Tuy nhiên, giao lưu và hội nhập văn hoá cũng tồn tại những mặt tiêu cực của nó, nếu không biết giữ gìn bản sắc văn hoá truyền thống của từng dân tộc, từng quốc gia và không biết phát huy các giá trị ấy. Trong xu thế ngày nay, thế giới đang bước vào quá trình toàn cầu hoá nhờ sự phát triển vũ bão của khoa học kỹ thuật. Bên cạnh tính tích cực của nó là tính tiêu cực mà các nhà nghiên cứu đã cảnh báo: ” Do tính hai mặt của toàn cầu hoá, một mặt là sự bùng nổ thông tin, sự hợp tác kinh tế quốc tế, sự trao đổi văn hoá và du lịch thúc dẩy các quốc gia xích lại gần nhau, mở ra những chân trời văn hoá và kiến thức mới. Mặt khác là nguy cơ san bằng và đồng nhất các tiêu chuẩn và hệ giá trị, đe doạ và làm suy kiệt khả năng sáng tạo của các nền văn hoá. Đặc biệt  đối với các nước thế giới thứ ba đang công nghiệp hoá có những nguy cơ tha hoá về văn hoá, cụ thể là Tây phương hoá. Đồng nhất hiện đại hoá và Tây phương hoá. Không vong quốc nhưng vong bản. Mà đã vong bản thì quốc gia còn mà dân tộc không còn, nghĩa là văn hoá dân tộc cùng với các giá trị của nó bị thủ tiêu. Quốc gia bị tha hoá văn hoá sẽ không còn sức sống”(4).

Ngược lại dòng lịch sử hơn 300 năm qua, năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh vâng theo chỉ dụ của Chúa Nguyễn vào Nam kinh lược “ Lấy đất Nông Nại làm phủ Gia Định, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên, lập xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn”(5), chính thức thành lập chính quyền cai trị và xác lập chủ quyền trên mảnh đất này. Và cũng kể từ đó lưu dân đến đây khai khẩn ngày càng đông đúc, các phố thị , dinh thự, kho tàng,..mọc ngày càng nhiều, “ Sài Gòn trở thành trung tâm hành chánh, cư ngụ, thương mại khá quan trọng ngay từ buổi đầu lập quyền cai trị chính qui”(6). Sang đến các thế kỷ XIX, XX, Sài Gòn- Thành phố Hồ Chí Minh đựơc xem là “Hòn Ngọc Viễn Đông” với dáng dấp của đô thị hiện đại, sầm uất, năng động, kinh tế phát triển nhanh và mạnh, là điểm đến của quốc gia trên thế giới. Văn hoá Sài Gòn- thành phố Hồ Chí Minh là kết tinh thành quả sáng tạo không mệt mỏi, không tiếc máu xương của bao thế hệ lưu dân khẩn hoang kể từ khi đặt chân mở cõi trên mảnh đất này từ hơn 300 năm qua, biến thành vùng đất hoang ngày nào thành giàu có, trù phú và là một trung tâm kinh tế- văn hoá- giáo dục của cả nước như ngày nay. Mảnh đất lành này là nơi có sự gặp gỡ trọn vẹn và diễn ra sự giao thoa văn hoá của 4 cộng đồng dân tộc Việt, Hoa, Chăm, Khơ-me tiêu biểu cho cả Nam bộ, trong đó người Việt là chủ thể chính. Nhìn những đặc điểm nổi bật của văn hoá Sài Gòn- Thành phố Hồ Chí Minh, bất kỳ ai cũng phải công nhận đó chính là sự năng động, sáng tạo mà khoan dung nhân hậu, nghĩa tình, có trước có sau và luôn luôn đi đầu trong sự giao lưu và hội nhập văn hoá với khu vực và quốc tế của người dân nơi đây.  Cũng chính nhờ thế mà văn hoá Sài Gòn- Thành phố Hồ Chí Minh là nơi hội tụ và lan toả nhiều giá trị văn hoá hiện đại, nhân văn, tiến bộ không chỉ của riêng Nam bộ mà còn của văn hoá Việt Nam từ hơn 300 năm qua. Điều này thật đúng với nhận xét của GS.Trần Quốc Vượng : “ Một trăm năm giao thoa văn hoá Đông Tây trên đất nước này chủ yếu là ở đô thị( Sài Gòn- Chợ lớn đi trước, sau là Hà Nội, Huế…)” (7). Để có được đặc điểm trên, theo ý kiến của chúng tôi tính năng động, sáng tạo, chủ động và đi đầu trong sự giao lưu và hội nhập với văn hoá khu vực và quốc tế của văn hoá Sài Gòn- Thành phố Hồ Chí Minh được bắt nguồn từ những nguyên nhân sau:

_ Thứ nhất, nó bắt nguồn từ tính cách của con người Sài Gòn- Thành phố Hồ Chí Minh. Có thể nói rằng, tính cách của con người ở mảnh đất này là bản lĩnh kiên cường, ý chí hiên ngang, trí tuệ thông minh, tinh thần năng động sáng tạo, ham học hỏi, khả năng hợp tác cao và luôn luôn thích ứng. Đặc biệt, với phong cách khoan dung khoáng đạt, hào sảng, tinh thần nghĩa hiệp, nhân hậu nghĩa tình, thuỷ chung ,…cho nên Sài Gòn- thành phố Hồ Chí Minh là nơi cộng cư của 4 cộng đồng dân tộc anh em: Việt- Hoa- Chăm – Khơ- me. Tất cả đều chung sống hoà bình cùng hợp sức khai phá mảnh đất này từ chỗ sình lầy, hoang vu, đầy thú dữ và bệnh tật để trở thành chốn “đất lành chim đậu”, trù phú và thịnh vượng. Trịnh Hoài Đức cũng đã từng có nhận xét tương tự như vậy: “Ở Gia Định, có khách đến nhà đầu tiên gia chủ dâng trầu cau, cơm bánh tiếp đãi trọng hậu, không kể thân sơ, quen lạ tông tích ở đâu, ắt đều thu nạp khoản đãi” (8).Chính từ đều ấy mà con người Sài Gòn- Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều cơ hội và sẵn sàng hợp tác, giao lưu với bè bạn trong khu vực và quốc tế.

_ Thứ hai, thương cảng Sài Gòn được xem là cửa ngõ giao thương với các nước trong khu vực và quốc tế, đóng vai trò quan trọng cho mảnh đất này trong quá trình giao lưu và hội nhập văn hoá. Theo các tài liệu còn ghi lại, thương cảng Sài gòn (vùng Chợ Lớn ngày nay) được hình thành và phát triển từ năm 1778 sau khi thương cảng Cù lao Phố bị tàn phá do các cuộc chiến tranh giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh. Cho đến cuối thế kỷ XVIII, thương cảng Sài Gòn là một nơi buôn bán tấp nập, trù phú như nhận định của L.Malleret - một người Pháp: ”Gia Định là chỗ đô hội thương thuyền của các nước, cho nên trăm món hàng hoá đều tụ về đây”(9). Cho đến khi thực dân pháp xâm lược, chúng cần có một cảng thương mại lớn để phục vụ cho việc khai thác thuộc địa. Năm 1860, thực dân Pháp đã đón một số người Hoa ở Singapore sang xây dựng bến cảng dài gần 2000m trên bờ sông Sài Gòn và kết hợp với giang cảng Sài Gòn- Chợ lớn để biến nơi này trở thành chốn vận chuyển lúa gạo và hàng hoá, vũ khí lớn không chỉ ở Nam bộ mà cho cả khu vực Đông Nam Á lúc bấy giờ. Nguyễn Phan Quang đã có nhận xét về vai trò của cảng Sài Gòn: “Sài Gòn không chỉ là một điểm dừng chân như Singapore mà trở thành đầu mối của các tuyến hàng hải từ Châu Âu sang Viễn Đông”(10). Đây chính là cơ hội để Sài Gòn- thành phố Hồ Chí Minh vươn mình đón nhận nhiều luồng văn hoá từ Đông sang Tây hơn suốt 300 năm qua.

_ Thứ ba, Sài Gòn- thành phố Hồ Chí Minh vốn là mảnh đất năng động, trẻ trung với nền kinh tế hàng hoá được hình thành khá sớm, gắn liền với thời kỳ chủ nghĩa tư bản phương Tây tìm kiếm thuộc địa, mở mang thị trường. Bởi thế đây là nơi đến tìm cơ hội buôn bán của nhiều bè bạn quốc tế trong quá khứ và hôm nay. Những chính sách kinh tế tập trung quan liêu bao cấp lỗi thời  vào thập niên 80 đã được người dân thành phố dũng cảm xóa bỏ để thành phố là đầu tàu cho sự chuyển hướng sang nền kinh tế thị trường của cả nước. Với vai trò ấy, ngày nay Sài Gòn- Thành phố Hồ Chí Minh vẫn là nơi mà các quốc gia từ Đông sang Tây đều muốn tìm đến đầu tư và hợp tác trên nhiều lĩnh vực.

          Tìm hiểu về sự giao lưu và hội nhập văn hoá ở Sài Gòn- Thành phố Hồ Chí Minh gắn liền cùng tiến trình lịch sử mảnh đất này với độ dài hơn 300 năm, trong đó chúng tôi chọn những luồng văn hoá tiêu biểu với cách tiếp cận như sau:

_ Trong quá khứ :  Tìm hiểu Văn hoá Sài Gòn trong sự giao lưu với văn hoá Hoa, văn hoá Phương Tây (chủ yếu là Pháp, Mỹ),…

_ Trong hiện tại :  Tìm hiểu văn hoá  Thành phố Hồ Chí Minh giao lưu với tất cả các quốc gia trong khu vực và quốc tế và đề ra những định hướng chính nhằm chủ động hơn trong quá trình hội nhập văn hoá ngày nay.

 

          Giai đoạn trong quá khứ: Giao lưu và hội nhập văn hoá trên mảnh đất này chủ yếu là với Trung Quốc, Phương Tây và môt số nước khác trong khu vực và quốc tế. Văn hoá Sài Gòn- Gia Định trong giai đoạn này có sự giao lưu mạnh mẽ với văn hoá Trung Quốc là do sự có mặt của cộng đồng người Hoa lưu lạc vào Nam bộ do không thần phục nhà Thanh. Cộng đồng người Hoa đặt chân đến Nam bộ(trong đó có Sài Gòn- Gia Định) theo những nhóm do Trần Thượng Xuyên, Dương Ngạn Địch, Mạc Cửu,… từ thế kỷ XVII. Sang đến thế kỷ XVIII, XIX, đầu thế kỷ XX cũng có nhiều đợt người Hoa chạy loạn sang mảnh đất này do biến động chính trị ở Trung Quốc. Ngay từ ngày đầu đặt chân đến đây, cộng đồng người Hoa đã nhanh chóng hoà nhập mình vào các cộng đồng dân tộc khác, đặc biệt là người Việt trên mảnh đất Nam bộ nói chung và Sài Gòn- thành phố Hồ Chí Minh nói riêng. Văn hoá người Hoa mau chóng có sự hội nhập với văn hoá bản địa. Trong đó nổi bật là phải kể đến là hệ thống tín ngưỡng  của người  Hoa như: Quan Công, Thiên Hậu, Ngũ Hành Nương Nương, Thần Tài,…với các cơ sở tín ngưỡng được xây dựng ở Chợ Lớn mà đến ngày nay vẫn còn hương khói không chỉ dành riêng cho người Hoa mà còn có cả người Việt. Văn hoá ẩm thực của người Hoa đã được người Việt tiếp thu hầu như là trọn vẹn không chỉ trong những bữa ăn thường  ngày mà còn được sử dụng trong trong các ngày giỗ, tết như : mì xào, hủ tiếu, hoành thánh, xá xíu,… Bên cạnh đó,  các phong tục tang ma, lễ cưới của người Hoa đã được nhanh chóng tiếp thu trên mảnh đất này. Ngưòi Hoa đến mảnh đất Sài Gòn đã nhanh chóng chung tay góp sức với ngưòi dân bản địa xây dựng trở thành đô thị trù phú, giàu có với việc xây dựng vùng Chợ Lớn thành những dãy phố sầm uất, náo nhiệt cùng với giang cảng Chợ Lớn trở thành đầu mối buôn bán và vận chuyển hàng hoá tấp nập. Các đội Lân, Sư, Rồng của các nhóm người Hoa và các hình thức văn nghệ hát Tiều, hát Quảng đã từng bước chinh phục một bộ phận công chúng  trên mảnh đất này. Về sau, chính người Hoa đã xây dựng nhiều bệnh viện, trường học, chợ búa,… nhằm góp thêm cho khuôn mặt Sài Gòn-thành phố Hồ Chí Minh ngày một hiện đại. Người ta hay nhắc đến tính cách của người Hoa đó là tinh thần tương trợ, giúp đỡ và đoàn kết trong kinh tế, nhân nghĩa và chan hoà trong đời sống. Tính cách ấy đã hoà vào tính cách chung của con người nơi đây, như đã trình bày đó chính là tính năng động sáng tạo, ham học hỏi và tiến bộ, nhân nghĩa thuỷ chung, có trước có sau,... Đó chính là bản sắc của con người Sài Gòn- Thành phố Hồ Chí Minh hơn 300 năm qua. Có thể nói rằng, người Hoa bên cạnh khát vọng luôn hướng về quê cha đất tổ thì họ vẫn luôn chung vai góp sức xây dựng mảnh đất đã từng che chở, cưu mang đùm bọc họ và nhanh chóng hoà mình vào đời sống của người dân bản địa. Một dấu ấn của văn hoá Hoa giữa lòng Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay cho thấy được tính khoan dung và sự cởi mở của mảnh đất trẻ trung, năng động này ngay từ đầu đã biến đón nhận một luồng văn hoá ngoại nhập mang nhiều giá trị tiến bộ  để làm giàu thêm, đa dạng thêm vốn văn hoá cho chính mình.

Bên cạnh sự giao lưu với văn hoá của người Hoa, văn hoá phương Tây cũng từng bước thâm nhập vào văn hoá Sài Gòn- Gia Định. Người Pháp có mặt trên mảnh đất này nhầm tìm kiếm thị trường buôn bán và truyền bá đạo Thiên Chúa. Văn hoá phương Tây do ngay ngay từ đầu là dòng văn hoá hoàn toàn cách xa và khác biệt về cơ tầng quá lớn cho nên triều đình nhà Nguyễn cho thi hành chính sách “ bế quan toả cảng”, cấm đạo, triệt phá các nhà thờ,… trên khắp đất nước Việt Nam. Nhưng trên mảnh đất Sài Gòn thì tương đối thông thoáng hơn, cụ thể dưới thời Lê Văn Duyệt việc giao thương với Phương Tây và vấn đề truyền đạo Thiên Chúa được thuận lợi. Tuy nhiên cũng phải nói rằng, ngay từ đầu các tầng  lớp nho sĩ Gia Định đã có ý thức về văn hoá dân tộc trong việc các cha cố lợi dụng việc truyền đạo nhầm mục đích tham vọng chính trị và xâm lăng văn hoá qua mà Cao Tự Thanh nhận định: ” Chống lại Thiên Chúa giáo với các chuẩn mực lối sống ngoại lai và một dự án phát triển xã hội xa lạ để bảo vệ địa vị độc tôn của ý thức hệ Nho giáo, họ cũng góp phần bảo vệ cho cả một truyền thống văn hoá”(11). Nhìn chung, ban đầu văn hoá phương Tây chủ yếu ảnh hưởng trên phương diện kỹ thuật  xây dựng mà thành Gia Định là điển hình( xây năm 1790 với kiểu Vauban). Năm 1859, thực dân Pháp đánh chiếm Sài Gòn mở đầu cho sự giao lưu mang tính chất cưỡng chế của văn hoá phương Tây lên mảnh đất này. Những giá trị văn hoá ngoại lai đang dần xâm nhập trước sự phản kháng quyết liệt của các tầng lớp Nho sĩ nhầm bảo vệ những giá trị văn hoá truyền thống mà tiêu biểu là Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Thông,..Tuy nhiên cuối cùng văn hoá phương Tây cũng được người Sài Gòn tiếp nhận và cải biến đã làm thay đổi diện mạo của văn hoá Sài Gòn nói riêng và Việt Nam nói chung. Cho đến cuối thế kỷ XIX, Sài Gòn đã nhanh chóng trở thành “hòn ngọc Viễn Đông”- một trung tâm kinh tế, văn hoá của chế độ thuộc Pháp. Nhìn chung sự giao lưu với văn hoá Pháp diễn ra trên một số phương diện giáo dục, văn học nghệ thuật, kiến trúc, ẩm thực,…hơn suốt 100 năm thuộc Pháp. Trên phương diện giáo dục, ngay từ đầu đã xuất hiện một đội ngũ trí thức Tây học như : Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Hồ Biểu Chánh,…với các trường Tây học nhầm đào tạo một đội ngũ công chức phục vụ cho công cuộc cai trị và khai thác thuộc địa. Văn học- nghệ thuật có sự thay đổi mạnh mẽ theo hướng hiện đại hoá với việc các nhà văn sáng tác và mô phỏng theo tiểu thuyết Phương Tây như truyện Thầy lazarô phiền của Nguyễn Trọng Quản, Hồ Biểu Chánh với Ngọn cỏ gió đùa, Chúa Tàu Kim quy ,…cùng với sự ra đời của hàng loạt các tờ báo lớn như : Gia Định báo,  Phan Yên báo, Nông cổ mín đàn,… Kịch nghệ phương Tây cũng có mặt bằng các đêm diễn cho người Pháp và công chức nhà nước người Việt. Đây cũng chính là môt trong những nguyên nhân góp phần ra đời loại hình cải lương. Tất cả  đã góp phần làm sôi động đời sống văn hoá Sài Gòn lúc bấy giờ. Bộ mặt của Sài Gòn được thay đổi với dáng dấp của một đô thị hiện đại bằng  các công trình kiến trúc được xây dựng  như: Nhà thờ Đức Bà, Phủ Toàn quyền, Nhà hát thành phố, Bưu điện thành phố,…Văn hoá ẩm thực của người Pháp với các món ăn như : ragu, patê, phó- mát, .. và các thức uống khác là bia, rượu Sâm banh, sữa bò,… cũng được người dân Sài Gòn tiếp nhận và trở thành những thức ăn, đồ uống hàng ngày của họ. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng bên cạnh sự ảnh hưởng các giá trị văn hoá tiến bộ và tích cực của phương Tây thì vẫn còn không ít những lối sống sa đoạ, phù phiếm, cá nhân và ích kỷ của chủ nghĩa tư bản, của quá trình đô thị hoá, của chính sách ngu dân tàn bạo của thực dân Pháp. Các nhà chứa, ổ cờ bạc, mại dâm, tệ hút á phiện đã hoành hành tràn lan ở Sài Gòn và ảnh hưởng không nhỏ đến một bộ phận người dân ở đây. Tiếp theo thực dân Pháp là đế quốc Mỹ nhảy vào Sài Gòn và biến đây trở thành thủ đô của chính quyền Sài Gòn trong suốt 20 năm (từ 1955-1975). Văn hoá Mỹ dần thay thế văn hoá Pháp, ảnh hưởng trên mảnh đất Sài Gòn trên nhiều phương diện từ cách ăn mặc như quần jean, quần ống loe cho đến thực phẩm đồ hộp. Đạo Tin Lành cũng dần dần được truyền vào Sài Gòn cùng với sự có mặt của người Mỹ. Lối sống Mỹ đã ảnh hưởng phần nào đến lối sông của thế hệ trẻ Sài Gòn với những ảnh hưởng tiêu cực như:  lối sống gấp, hưởng thụ, chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ,…Các trào lưu triết học của phương Tây đã thâm nhập vào tầng lớp thanh niên có học như : Trào lưu hiện sinh, siêu thực,…. Văn hoá Sài Gòn lúc này hơn bao giờ hết đã phát huy được toàn bộ sức mạnh nội lực từ bản thân của mình để vừa tiếp thu và cũng vừa đề kháng lại những giá trị văn hoá ngoại lai hoàn toàn đi ngược lại truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc. Tuy nhiên cũng cần nói rằng, tính tích cực của văn hoá Mỹ đó là nền văn hoá công nghiệp, tư bản với sức sáng tạo đi kèm với trình độ phát triển cao của khoa học và kỹ thuật, cách thức quản lý tiên tiến,… đã nhanh chóng trở thành những kinh nghiệm quí báu mà về sau chúng ta áp dung cho công cuộc xây dựng và phát triển cho thành phố sau này. Một tà áo dài vẫn cứ thướt tha trên đường phố Sài Gòn, những thức ăn truyền thống của dân tộc như phở, nem, canh chua, cá kho,… vẫn là món ăn hàng ngày không thiếu được của người dân Sài Gòn, một góc 18 thôn vườn trầu ở Hóc môn vẫn còn được lưu giữ, một lễ hội thiêng liêng ở Lăng Ông Bà Chiểu nhằm nhớ ơn tiền nhân cũng còn in sâu vào lòng người Sài Gòn như một tâm thức không thể thiếu được và còn nhiều hơn thế nữa,… Những lúc xuống đường biểu tình, những đêm văn nghệ qui mô của các thế hệ học sinh sinh viên thành phố không chỉ mang tính chất phản chiến, tinh thần đấu tranh cách mạng không khoan nhượng với kẻ thù mà còn thể hiện ý thức cao độ trong việc đề cao và giữ gìn văn hoá dân tộc trước sự tấn công của văn hoá ngoại lai.

Nói chung trong quá khứ văn hoá Sài Gòn không chỉ có sự giao lưu với văn hoá Hoa và phương Tây mà còn có sự giao lưu với văn hoá Ấn Độ và các nước trong khu vực như Inđônêsia, Malaysia,.. Bằng chứng là một ngôi chùa Ấn hiện diện giữa trung tâm Sài Gòn, một hương vị cay cay của món cà-ry trở thành món ăn khoái khẩu của người Sài Gòn. Sự giao lưu và hội nhập của văn hoá Sài Gòn- Thành phố Hồ Chí Minh trong quá khứ diễn ra trong môt thời gian dài và hết sức phong phú, nếu không muốn nói đến tính phức tạp của nó. Có thể mượn lời của Trịnh Hoài Đức trong Gia Định thành Thông Chí để khái quát lại những điều mà chúng tôi đã nói ở trên: “ Gia Định là đất phương Nam của người Việt. khi mới khai thác, lưu dân nước ta cùng người kiều ngụ như Đường( Hoa), người Cao Miên, người Tây Phương, người Phú Lang Sa( Pháp), người Hồng mao( Anh), Mã Cao, người Đồ Bà( Gia Va) ở lẫn lộn”(12).

Giai đoạn ngày nay, đặc biệt là từ sau 1986, Sài Gòn- Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung  nằm trong xu thế toàn cầu hoá kinh tế cho nên đã ngày môt mở rộng trong sự giao lưu và hội nhập với văn hoá các quốc gia trong khu vực và quốc tế. Bè bạn quốc tế ngày càng tìm đến thành phố nhiều hơn, biết và hiểu về văn hoá, con người thành phố ngày một tường tận hơn. Bên cạnh các mối quan hệ giao lưu trong quá khứ, thành phố đã đón nhận nhiều dòng văn hoá của các quốc gia và các dân tộc khác trên thế giới như: Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Đức, Úc, các nước Bắc Âu, Mỹ Latinh, Trung Đông,…Tất cả đã làm cho văn hoá thành phố ngày càng một sôi động và đa dạng hơn. Người dân thành phố đón nhận các dòng văn hoá ấy bằng cả một sự chân thành và cởi mở, bằng chứng là một nét trang phục, trang điểm của Hàn Quốc vẫn thấp thoáng trên đường phố, các cửa hàng ẩm thực của Thái Lan, Ấn, Malaysia,… ngày càng được người dân thành phố tìm đến thưởng thức. Các ngày hội văn hoá, tuần lễ văn hoá của một số quốc gia như Pháp, Anh, Đan Mạch, Trung Quốc, Nhật Bản,… được cơ quan ngoại giao và thành phố phối hợp tổ chức nhầm tăng cường sự hiểu biết và trao đổi lẫn nhau. Người dân thành phố ngày càng nhận thức rõ hơn vai trò của giao lưu văn hoá cho nên ngày càng có nhiều lớp học ngoại ngữ được mở như các lớp học tiếng Đức, Tây Ban Nha, Tiếng Pháp, tiếng Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan,…và các ngành học như Hàn Quốc học, Nhật Bản học, Ấn Độ học, Úc học,… được giảng dạy ở các trường đại học trên địa bàn thành phố. Chính điều này đã làm tăng cường thêm tính chủ động và sáng tạo cho thành phố trong sự đón nhận nhiều dòng văn hoá khác nhau. Tuy nhiên cũng phải nói rằng, thành phố Hồ Chí Minh vươn mình đón nhận nhiều luồng văn hoá khác nhau trong đó cũng có những vấn đề mà chúng ta cần phải quan tâm đúng mức. Những giá trị văn hoá ngoại lai ngày một thâm nhập vào đời sống người dân thành phố gây nhiều biến chứng cho xã hội như lối sống đề cao các giá trị vật chất, hưởng thụ, coi thường những giá trị truyền thống dân tộc như lòng chung thuỷ, nhân nghĩa, yêu thương con người cùng với tâm lý hướng ngoại, sính đồ ngoại ….Các văn hoá phẩm đồi trụy từ nước ngoài ngày càng tràn ngập  nhiều hậu quả đáng tiếc cho xã hội, đặc biệt là giới trẻ mà báo chí đã nhiều lần đề cập. Nguyên nhân của những vấn đề này là nằm ở chỗ do tính tiêu cực của toàn cầu hoá với biểu hiện các hàng hoá vật chất, hàng hoá thông tin qua các công nghệ thông tin hiện đại đang thâm nhập ngày một sâu và rộng vào thành phố. Bên cạnh mặt tích cực của nó như chúng ta đã biết, thì mặt tiêu cực của nó sẽ dẫn đến hiện trạng: trên mạng Internet xuất hiện cho những thông tin tuyên truyền cho lối sống bạo lực, đồi truỵ, bất chấp đạo lý, tình nghĩa,…Mặt khác đó cũng là do kẻ thù và các thế lực thù địch luôn tìm cách phá hoại chúng ta không chỉ trên mặt trận kinh tế, chính trị mà còn trên mặt trận văn hoá diễn ra ngày một phức tạp mà Thành phố Hồ Chí Minh là tâm điểm của chúng.

Trong bối cảnh như vậy, làm thế nào để văn hoá Thành phố Hồ Chí Minh vừa giữ gìn được bản sắc văn hoá hơn 300 năm qua của mình và cũng vừa chủ động trong vấn đề giao lưu, hội nhập, cũng như đề kháng lại được những giá trị văn hoá ngoại lai, tiêu cực đang ngày một xâm nhập vào đời sống của người dân thành phố?. Chúng tôi đề ra một số giải pháp chính sau đây, mặc dù là chưa thật đầy đủ:

_ Một là, cần phải mở rộng hơn nữa sự giao lưu với các quốc gia khác bên cạnh các quốc gia truyền thống trong xu thế  khách quan ngày nay là toàn cầu hoá đang diễn ra nhanh chóng và sự phát triển vũ bảo của khoa học kỹ thuật cùng với các nhân tố chủ quan mà thành phố đã có được. Thành phố cần phải phối hợp với các cơ quan văn hoá, ngoại giao tổ chức thêm nhiều  “ngày văn hoá”, “ tuần lễ văn hoá” hơn nữa, đặc biệt là các nước tương đối còn mới mẻ đối với người dân thành phố. Mở rông hơn nữa nhiều ngành học như : Ả Rập học, Trung Đông học, Bắc Âu học,… ở các trường đại học nhầm tăng cường sự giao lưu và cũng như là sự đón đầu cho tương lai. Bên cạnh đó, cần phải quảng bá hình ảnh của thành phố cho bè bạn quốc tế bằng nhiều phương tiện thông tin hiện đại, nhiều lễ hội văn hoá, phát triển nhiều hơn các tour du lịch  của người nước ngoài đến thành phố như chúng ta đã từng làm để ngày một hiểu hơn về văn hoá và con người Sài Gòn-  thành phố Hồ Chí Minh.

_ Hai là, cần phải phát huy và phát triển những di sản văn hoá vật thể và phi vật thể mà cha ông đã để lại cũng như là cần có sự đầu tư, nghiên cứu đúng mức về văn hoá Thành phố Hồ Chí Minh với sự phối hợp của nhiều nhà lãnh đạo, nhiều ngành, nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu và các nhà cách mạng lão thành để cho thế hệ công dân thành phố ngày hôm nay và mai sau hiểu một cách tường tận bản sắc văn hoá và con người ở đây. Đặc biệt là đối với thế hệ trẻ- những công dân sau này của thành phố cần phải tăng cường giáo dục về lối sống, về nhân cách, về lý tưởng cũng như là sự hiểu biết về văn hoá dân tộc, văn hoá thành phố. Bởi vì, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc với giá trị nhân văn, tiến bộ sẽ là sức mạnh nội sinh, sức đề kháng mạnh mẽ  chống lại chiến lược ” xâm lăng văn hoá” của các nước lớn, các thế lực thù địch. Lịch sử 300 năm của văn hoá  thành  phố đã chứng minh được cho điều ấy, sức mạnh nội sinh đã hấp thụ những giá trị văn hoá tiến bộ của nhân loại và đề kháng lại được những giá trị ngoại lai, phản truyền thống mà trong giao lưu với văn hoá phương Tây là cụ thể. Nó được thể hiện bằng thái độ vừa khôn khéo, mềm mỏng nhưng cũng không kém phần kiên quyết, tỉnh táo, thậm chí là đấu tranh quyết liệt của các thế hệ người dân thành phố.

_ Ba là, cần phải đấu tranh một cách kiên quyết, không khoan nhượng đối với chiến lược “ xâm lăng văn hoá” của các nước lớn với nhiều thủ đoạn tinh vi, phức tạp nhầm “ nhập khẩu văn hoá” với những giá trị hoàn toàn xa lạ với  truyền thống văn hoá dân tộc. Nếu làm không tốt khâu này sẽ dẫn đến nhiều hậu quả tai hại: đó chính là bản sắc văn hoá bị đe doạ, tàn phá và sẽ trở thành bóng mờ của dân tộc khác, quốc gia khác. Mất đi sức mạnh nội sinh từ văn hoá dân tộc chính là mất đi tất cả. Tấn công vào những tài liệu, sách vở phản động, những băng đĩa hình đồi trụy, những thông tin xuyên tạc, bịa đặt về tình hình đất nước cũng là góp phần xây dựng đời sống văn hoá thành phố ngày thêm lành mạnh. Với vai trò là nơi đi đầu của cả nước trên nhiều lĩnh vực, trong đó có văn hoá, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ giữ vị trí chủ chốt trên mặt trận văn hoá- tư tưởng ngày càng một nóng bỏng hơn.

 

      Tóm lại, giao lưu và hội nhập văn hoá chính là một quy luật tất yếu của văn hoá và mang tính chất phổ biến trên toàn thế giới ngày nay. Thành phố Hồ Chí Minh với vai trò là nơi luôn đi đầu, chủ động và sáng tạo trong quá trình giao lưu, hội nhập văn hoá từ hơn 300 năm qua của cả nước sẽ có rất nhiều cơ hội và thách thức đang chờ đón trước mắt và trong tương lai. Phát huy những giá trị văn hoá truyền thống cùng với tiếp thu một cách có chọn lọc những tinh hoa, tiến bộ của văn hoá nhân loại, song song với việc kiên quyết chống lai và bài trừ những giá trị văn hoá ngoại lai, phản tiến bộ, đi ngược lại truyền thống văn hoá dân tộc là những giải pháp hết sức cần thiết tạo điều kiện cho văn hoá thành phố tiếp tục phát triển, tiếp tục đi đầu và mở rộng sự giao lưu và hội nhập văn hoá hơn nữa. Làm được như vậy sẽ giúp cho văn hoá chính là động lực, mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội và cũng chính là vì sự phát triển bền vững hơn cho thành phố trong những năm tiếp theo. Bài học từ kinh nghiệm quá khứ và chính sách mở cửa, tuân thủ qui luật khách quan sẽ giúp cho thành phố có nhiều cơ hội hơn nữa để đón nhận những luồng văn hoá từ khắp nơi với tinh thần hợp tác, học hỏi và cùng tiến bộ.

 

Chú thích:   

(1): Nhiều tác giả, Những vấn đề văn hoá Việt Nam hiện đại, Hà Nội, Nxb Giáo dục, 2001, trang 366.

(2): Nhiều tác giả, Những vấn đề văn hoá Việt Nam hiện đại, Hà Nội, Nxb Giáo dục, 2001, trang 142.

(3): Nhiều tác giả, Những vấn đề văn hoá Việt Nam hiện đại. Hà Nội, Nxb Giáo dục, 2001, trang 366.

(4): Nhiều tác giả, Những vấn đề văn hoá Việt Nam hiện đại. Hà Nội, Nxb Giáo dục, 2001, trang 190.

(5),(6): Nguyễn Phan Quang, Góp thêm tư liệu về Sài Gòn- Gia Định từ 1859-1945. TpHCM, Nxb Trẻ, 1996, trang 5.

(7): Nhiều Tác giả, Sài Gòn- Thành phố Hồ Chí Minh thế kỷ XX: Những vấn đề lịch sử-văn hoá. TpHCM, NXB Trẻ, 2000, trang 202.

 

(8): Dẫn theo Sơn Nam, Lịch sử khẩn hoang miền Nam. TpHCM, Nxb Trẻ, 1997, trang 82.

(9): Dẫn theo Thạch Phương, Hồ Lê, Huỳnh Lứa, Nguyễn Quang Vinh, Văn hoá dân gian của người Việt ở Nam bộ. Hà Nội, Nxb.KHXH, 1992, trang 40.

(10): Nguyễn Phan Quang, Góp thêm tư liệu về Sài Gòn- Gia Định từ 1859-1945. Tp.HCM, Nxb Trẻ,  1998, trang 66.

(11): Cao Tự Thanh, Nho giáo ở Gia Định. Tp.HCM, Nxb. Tp.HCM, 1996, trang 91.          

(12): Dẫn theo Thạch Phương, Hồ Lê, Huỳnh Lứa, Nguyễn Quang Vinh, Văn hoá dân gian của người Việt ở Nam bộ. Hà Nội, Nxb. KHXH, 1992, trang 43.

 

Nguồn: Nhiều tác giả, Sài Gòn- Thành phố Hồ Chí Minh 60 năm tiếp bước truyền thống CMT8 (1945-2005). Tp.HCM, Nxb. Tổng hợp TP.HCM, 2005)

 

Danh mục website