Yếu tố kỳ ảo và tư duy huyền thoại trong “Những huyền thoại Guatemala” của Miguel Ángel Asturias

 

Miguel Ángel Asturias (1899-1974) là nhà tiểu thuyết, kịch tác gia, nhà thơ, dịch giả, và nhà ngoại giao người Guatemala, đã giành được Giải Hòa bình Lenin (1966) và Nobel Văn chương (1967).

M.A. Asturias cùng với Alejo Carpentier (1904-1980, người Cuba) được xem là hai nhà văn đầu tiên đặt nền móng cho kiểu sáng tác hiện thực huyền ảo- sản phẩm đặc trưng của văn học Mỹ latin- mà sau này sẽ được tiếp nối bởi Jorge Luis Borges, Carlos Fluentes, Gabriel García Marquez...

Điều đáng nói là qua các tác phẩm và những phát ngôn trực tiếp của Asturias, “chủ nghĩa hiện thực huyền ảo” của ông có thể được hiểu như là “hiện thực huyền thoại”, bởi yếu tố kỳ ảo bắt nguồn và gắn bó rất chặt chẽ với những huyền thoại của thổ dân châu Mỹ. Chất “ảo” ở đây rất khác với cái kỳ ảo của các nhà văn Tây Âu trước đó, và cả các nhà văn hiện thực huyền ảo châu Á sau này, chủ yếu là bởi chất liệu của cái ảo đó được Asturias lấy trực tiếp từ nền văn minh Maya, Aztec và Inca. Tư duy kỳ ảo cũng chính là tư duy của người da đỏ trước hiện thực.

Asturias để lại một khối lượng tác phẩm lớn trên nhiều thể loại, một số tác phẩm đã được dịch và giới thiệu tại Việt Nam từ cuối những năm 1960 đến nay, như “Ngài Tổng thống” (tiểu thuyết), “Mắt những người đã khuất” (tiểu thuyết), Huyền thoại Guatemala (tập truyện), cùng một số truyện ngắn và các tác phẩm thơ ca khác.[1]

Chính từ chùm tác phẩm của Asturias được dịch năm 1968, người đọc Việt Nam đã lần đầu tiên được tiếp xúc với văn học hiện thực huyền ảo, với truyền thống huyền thoại và văn hóa Mỹ latin.

“Những huyền thoại Guatemala” được sáng tác năm 1930, là tác phẩm đầu tiên đánh dấu sự nghiệp văn chương của Asturias. Tuy không phải là tác phẩm nổi tiếng nhất, song tập truyện này đã mở ra nhiều vấn đề liên quan đến huyền thoại và văn học: tư duy huyền thoại và hệ thống các biểu tượng, các vị thần gắn với nghi lễ truyền thống của người Maya được khúc xạ qua cách nhìn của một nhà văn thời hiện đại.

Để mở đầu cho việc tìm hiểu các phẩm của Asturias, chúng tôi đi vào xem xét “Những huyền thoại Guatemala”, chủ yếu chú trọng khía cạnh “huyền thoại” trong tác phẩm này.

Bài viết được kết cấu thành ba phần: Phần đầu sơ nét về tác giả và tác phẩm, phần thứ hai đi vào tìm hiểu yếu tố kỳ ảo và tư duy huyền thoại, phầm cuối cùng lý giải một số biểu tượng liên quan đến văn hóa Maya.


 1. VỀ ASTURIAS VÀ NHỮNG HUYỀN THOẠI GUATEMALA

 

1.1 Con đường đưa Asturias đến với những huyền thoại Guatemala

Miguel Ángel Asturias sinh tại thành phố Candelaria, một trong những khu phố cổ kính nhất Guatemala. Không khí cổ kính ấy đã khiến cho Asturias “ngay từ nhỏ đã thấm nhuần tình yêu đối với thiên nhiên và thế giới huyền bí, cái tình yêu vốn rất đặc trưng cho người Guatemala” [2]

Hơn thế nữa, Asturias còn gắn bó với truyền thống Guatemala bởi mang trong mình một nửa dòng máu của người bản xứ: mẹ ông- Maria Rosales- là một phụ nữ da đỏ. Ông khẳng định: “Tôi là người lai, điều đó không có nghĩa là tôi muốn chối bỏ dù chỉ một giọt máu Anhđiêng lưu chuyển trong huyết quản của mình hay tôi không tự hào về nó. Ngược hẳn lại, tôi hoàn toàn tự hào vì biết rằng trong huyết quản mình lưu chuyển rất nhiều giọt máu Anhđiêng. Những người thổ dân da đỏ chúng tôi chẳng nên xấu hổ vì quá khứ đau thương của mình”[3]

Cùng với việc thừa hưởng từ mẹ dòng máu người bản xứ, Asturias còn được tiếp thu từ cha ông- luật sư Ernesto Asturias tư tưởng dân chủ tiến bộ. Tư tưởng đó khiến cha Asturias bị chế độ độc tài Cabrera cấm hành nghề luật sư và chuyển sang buôn bán, vận chuyển  đường và bột ngô. Song chính công việc mới đó của cha lại tạo cơ hội cho M.A. Asturias được tiếp xúc với những phu bốc vác, trong đó có người da đỏ và người lai, để nghe những câu chuyện về cuộc sống, và cả những huyền thoại, truyền thuyết của họ.

Năm hai mươi ba tuổi, Asturias chứng tỏ sự quan tâm đặc biệt đối với văn hóa và những vấn đề xã hội của người da đỏ qua luận văn tốt nghiệp khoa luật: “Vấn đề xã hội của người thổ dân” (El promblema social del Indio). Năm sau, luận văn này được trường đại học San Carlos xuất bản như một công trình nghiên cứu xã hội và được tặng huy chương vàng.

Năm 1924, Asturias đi tu nghiệp tại châu Âu, ban đầu dự định học ở Anh, sau đó đổi hướng sang đại học Sorbon- Pháp. Từ năm 1925, ông dự những bài giảng của giáo sư Geoges Raynaud về “Những nền văn minh tiền Colon” (Las civilizaciones prehispanicas de Mesoamérica). Trên đất người, lần đầu tiên ông được tiếp xúc trực tiếp với những tác phẩm then chốt của văn minh thổ dân châu Mỹ như “Popol Vuh” của người Maya, “Sách của những cuốn sách” của người Chilam Balam, và đã dịch cuốn “Biên niên sử của người Sabil” sang tiếng Tây Ban Nha.[4]

Chính sự tiếp xúc với những tác phẩm này đã giúp Asturias thấy được “chất tiểu thuyết”- huyền thoại trong di sản văn minh của người thổ dân nhiều hơn “chất lịch sử”- sự thật, và những văn bản đó đều “tươi nguyên” chất bản địa. Ông viết: “Cần nhớ rằng những cuốn sách về lịch sử của họ - nói cách khác tức là những cuốn tiểu thuyết về họ - đã được người Maya, người Aztec, người Inca vẽ ra và được duy trì ở một dạng chữ tượng hình mà chúng ta vẫn chưa hiểu được. Người đọc là người duy nhất hiểu được ý nghĩa của những văn bản tượng hình. Trong khi đọc truyện hay nói “tiếng nói vĩ đại”, họ đã tái tạo những truyện đó để người nghe hiểu được. Về sau, những truyện tranh đó đã ăn sâu vào kí ức của người nghe và được truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác, cho đến khi, nhờ mẫu tự do người Tây Ban Nha mang đến, chúng được định hình hoặc bằng ngôn ngữ bản địa dưới dạng chữ Latinh hoặc trực tiếp bằng tiếng Tây Ban Nha. Bằng cách này, văn bản bản địa đến được với chúng ta mà ít bị biến dạng bởi Châu Âu. Nhờ đọc những văn bản này chúng tôi, trong số những người Châu Mỹ bản địa, đã có thể khẳng định được rằng lịch sử chúng tôi có nhiều tính chất tiểu thuyết hơn tính chất lịch sử. Đó là những truyện kể mà trong đó hiện thực bị hòa tan trong những ngụ ngôn, huyền thoại và những thứ trang trí bên ngoài của cái đẹp, còn trí tưởng tượng, trong khi mải mê mô tả hiện thực, lại tạo ra một hiện thực khác mà ta có thể gọi là siêu thực.”[5]

Mặt khác, việc tiếp xúc với chủ nghĩa siêu thực trong những năm sống tại Pháp cũng góp phần giúp Asturias đến gần hơn với tư duy huyền thoại, tìm ra bản thể người Anhđiêng. Asturias cho rằng “Đối với chúng tôi, chủ nghĩa siêu thực có vai trò quan trọng. Nó giúp chúng tôi tìm thấy bản thể người Anhđiêng và bản thể châu Mỹ ở ngay trong chính chúng tôi, bởi nó là một trường phái phân tâm học của Sigmund Freud, trong đó yếu tố hoạt động không phải là ý thức mà là tiềm thức. Chúng tôi đã vùi sâu cái tiềm thức ở bên dưới cái thức phương Tây. Nhưng khi mỗi cá nhân bắt đầu xem xét lại bên trong mình thì lại bắt gặp tiềm thức của dân Anhđiêng, là cái đã chuẩn bị cho chúng tôi khả năng sng tác văn học”[6]

 

1.2  Tác phẩm “Những huyền thoại Goatemala”

“Những huyền thoại Guatemala” (“Legendas de Guatemala”) là một tập truyện ngắn được sáng tác năm 1930, gồm mười ba truyện rời rạc.

Hai truyện đầu được đánh số La Mã: “I. Guatemala: Thành phố chồng lên thành phố”, và “II. Giờ đây tôi nhớ lại”. Trong hai truyện này, người kể chuyện xưng “tôi”, điểm nhìn trần thuật ở ngôi thứ nhất. Câu chuyện có thể được kể lại như sau: “Tôi” đã từng đi xa, nay trở về Guatemala. Khi xe vào đến thị trấn, “tôi” miên man nghĩ về lịch sử của thành phố: “Thành phố này được xây trên những thành phố bị vùi chôn tại miền Trung Châu Mỹ”. Những thành phố cổ của người Maya từ trước công nguyên đến nay được lần lượt tái hiện lại bằng những cái tên: Palenque, Copán, Quiriguá, Tikal, Utatlán, Atitlán... và một vài chi tiết văn hóa, một vài mẩu chuyện cổ xưa liên quan đến mỗi thành phố, mỗi thời đại. Ở đây, những yếu tố lịch sử có thực và những truyền thuyết hoang đường, hư cấu được kể đan cài, không phân biệt với nhau.

Đích đến của “tôi” là chỗ của “những người có bướu cổ... nổi tiếng trong thành phố”- những người đã sống cả trăm tuổi- là “linh hồn của những tảng đá nguyên khối và là đất không già nua của những cánh đồng màu mỡ”. “Tôi” kể cho các cụ nghe câu chuyện của mình (câu chuyện với nhiều yếu tố kỳ ảo, gắn với nghi thức nhảy múa và cầu nguyện), và sau đó yêu cầu họ kể chuyện: “Hãy nhớ cho rằng cháu đến đây là để nghe kể chuyện cổ tích của Guatemala...”

Tiếp theo đó là mười một câu chuyện huyễn tưởng. Trừ truyện cuối cùng (“Hoan ăn kiến”), còn lại tất cả đều được kể từ điểm nhìn trần thuật ở bên ngoài, tức là “tôi” kể chuyện đã biến mất, không liên quan đến những câu chuyện được kể. Như vậy, có thể hiểu đây là những câu chuyện do “các cụ già có bướu cổ” kể lại- những câu chuyện cổ tích của Guatemala.

 

2. YẾU TỐ KỲ ẢO VÀ TƯ DUY HUYỀN THOẠI TRONG “NHỮNG HUYỀN THOẠI GUATEMALA”

 

Trừ hai truyện đầu tiên có tính chất “mào đầu”, mười một truyện còn lại trong “những huyền thoại Guatemala” đều được tác giả xây dựng với cốt truyện hư cấu và nhiều yếu tố hoang đường. Cốt truyện và yếu tố hoang đường của mười một truyện đó được tóm tắt trong bảng sau đây:

 

Tên truyện

Nhân vật

Cốt truyện

Yếu tố kỳ lạ

1. Sự tích núi lửa

 

 

6 người sáng tạo nên đất,

 3 người đến từ gió, 3 người đến từ nước (nhưng chỉ thấy 3 người đến từ gió)

Những người đàn ông từ gió đến bên bờ sông, thấy 3 người ngã trong nước. Người tên là Nido an ủi các bạn rằng đó chỉ là bóng mình thôi.

Bỗng núi lửa phun trào. Các bạn của Nido và bóng của Nido, cùng mọi vật biến mất. Chỉ còn Nido. Nido đi hoài, thấy Chúa ba ngôi nói Nido “dựng cho ta một đền thờ.” Nido bỗng già đi, chỉ còn đủ thời gian dựng một đền thờ.

-            - Núi lửa

-         - Chúa ba ngôi

-            - Ngày dài bằng nhiều thế kỷ cộng lại.

-            - Nido đang trẻ trung bỗng già nua.

2. Huyền thoại về con Cadeho

 

 

-  nữ tu sĩ

-  “người đàn- ông- ngủ- gật”

Nữ tu sĩ đang cắt bánh thánh, người đàn ông đi vào, nói người ta sắp cắt bím tóc của cô. Cô sợ hãi, nhưng bừng tỉnh nhờ sờ tới bím tóc và những đồ trang sức của mình đã có trong các đám cưới ma quái với người đàn ông ngủ gật. Cô chạy đi. Người đàn ông khóc, bò theo bức tường, ngã nhào. Một con rắn không đầu bò theo ông. Ông chết.

Đến nửa đêm, ông biến thành con vật mình dài, đầu dê, tai nhỏ, mình dơi, kéo theo xuông địa ngục mái tóc của cô tu sĩ.

- Bím tóc cắt- chưa cắt.

- Đám cưới ma quái.

- Con rắn không đầu.

- Sự hóa thân kỳ lạ.

3. Huyền thoại về cô gái xăm mình

 

- Thầy Anmendro- cái cây.

- Cô gái xăm mình.

Thầy Anmendro là một cái cây. Thầy chia tâm hồn mình cho bốn con đường rồi. Con đường màu đen đem viên ngọc- một phần linh hồn thầy cho gã thương nhân. Anmendro biến lại thành người, đi đòi chuộc linh hồn nhưng không được.

Gã thương nhân dùng linh hồn thầy mua một cô gái da đen. Đem cô về nửa đường thì gã chết.

Anmendro tìm thấy cô gái. Nhưng thầy và cô bị kết tội phù thủy, bị bắt vào tù chờ xử tử. Thầy xăm lên mình cô hình con tàu. Cô vẽ con tàu lên tường, con tàu thật hiện ra, đem cô thoát khỏi nhà tù.

Trong tù chỉ còn lại một cái cây đang ra hoa đỏ.

-   Sự hóa thân người- cây, cây- người.

-   Chia linh hồn.

-   Hình vẽ biến thành tàu thật. Tàu biến mất mang theo người ra khỏi nhà tù.

4. Sự tích chiếc mũ rộng vành

 

Thầy tu

Một quả bóng rơi vào phòng thầy tu. Thầy nghĩ nó thật là kỳ lạ, vừa trắng trong, vừa ma quái. Nhưng khi biết nó vốn là của một đứa bé, thầy buộc phải ném nó ra khỏi cửa sổ như ném quỷ sứ. Quả bóng biến thành chiếc mũ rộng vành.

- Qủa bóng biết nảy lên, ma quái và kỳ lạ.

- Quả bóng biến thành chiếc mũ rộng vành.

 

5. Huyền thoại về kho báu Luga Florido

 

- Các chiến binh và thổ dân ở Luga Florido.

- Quân xâm lược da trắng.

Các nhà chiêm tinh quan sát thấy núi lửa bị mây che. Đó là điềm lành chỉ sự kết thúc của chiến tranh. Các chiến binh trở về, mọi người mở lễ hội.

Nhưng mây bỗng tan đi. Đó là điềm báo chiến tranh. Người da trắng đến. Các chiến binh chống cự thất bại. Thổ dân rút chạy không kịp mang kho báu.

Núi lửa chuyển mình, người da trắng tham lam lấy kho báu nên không chạy kịp. Núi lửa chôn vùi tất cả.

- Núi lửa và các điềm báo.

- Người da trắng.

6. Huyền thoại về những anh hề múa

 

- Hai anh hề múa Machitan và Chitanan của làng Machitan.

- Vị thần Raxcaninagoa và con khỉ Têlêtê.

Hai anh hề múa cùng yêu một cô gái. Họ có lời thề sẽ phải giết lẫn nhau. Lời thề chỉ được hóa giải nếu họ cùng gặp lại cô gái. Nhưng cô đã chết ở nhà thổ của bà Pita-Loca. Họ phải giết nhau.

Vị thần và con khỉ xuất hiện, cho họ bùa phép, hứa sau khi họ giết nhau, họ sẽ biến thành một cái cây và một tảng đá và sẽ sống dậy nhờ những lá bùa.

Hai anh hề múa giết nhau, biến thành đá và cây, nhưng bị sét đánh nên không dùng bùa được.

Thần Raxcaninagoa đem xác cô gái đến đặt cạnh họ.

- Xác cô gái không thối rữa.

- Con khỉ có thể tự gắn các phần cơ thể đã bị cắt ra, và trở lại lành lặn như thường

- Sự biến hóa kỳ lạ.

 

7. Sự tích chiếc mặt nạ pha lê

 

-Thần mưa

- Các bức tượng.

Thần mưa là người tạc các bức tượng và sửa sang đầu người chết. Thần chạy trốn người da trắng, lánh vào núi. Thần tạc nhiều tượng bằng đá và gỗ trong hang tối, chung sống và tưới “thức ăn” cho các bức tượng.

Thần tìm thấy đá thạch anh lấp lánh. Thần đã lao động ngày đêm để tạc mặt nạ của mình bằng đá thạch anh. Nhưng khi thần đem mặt nạ trở về hang, các bức tượng trong hang tấn công và giết chết thần.

 

- Các bức tượng sống dậy, tấn công người tạo ra chúng.

8. Huyền thoại về những tấm thẻ ca hát

 

-   Utuken-một trong những kẻ ăn trăng.

-   Các bác đom đóm trong phòng tắm sữa trắng.

-   Các chiến binh.

Những kẻ ăn trăng là người sáng tác các tấm thẻ ghi ký hiệu để ca hát. Mỗi tuần trăng, các tấm thẻ này sẽ được giấu trong các ngôi đền, pháo đài hoặc nhà dân. Nếu bài hát được hát trong đền, tác giả được công nhận là Người anh em của các vị thần; nếu bài hát được hát trong pháo đài, tác giả là Xạ thủ những bài ca chiến trận; nếu bài hát được hát trong nhà dân, tác giả là Ông chủ của tấm gương biết thay đổi.

Sau mỗi tuần trăng, những bài hát không được hát bị thu hồi. Nếu thất bại bảy lần liên tiếp, kẻ ăn trăng bất tài bị trừng phạt.

Utuken đã thất bại sáu lần. Lần cuối, Utuken vay mượn những cái đã có, sáng tác những tấm thẻ ca hát rùng rợn, kỳ quái. Những tấm thẻ của y được hát trong pháo đài, y được tấn phong là Xạ thủ những bài ca chiến trận.

Nhưng khi các chiến binh hà hơi lên tấm thẻ, các ký hiệu bay mất. Khung cảnh hoang tàn, Utuken buộc phải cất những tấm thẻ mất ký hiệu trên miệng núi lửa.

-      Các nhân vật và nhũng tấm thẻ  kỳ dị.

-      Những ký hiệu bay mất.

9. Hoan Hirado

Những Hirado.

Khi người cha- Hirado chết, người con- cũng là Hirado lấy cái rốn của cha, gói ba lần vải, đeo bên mình và có phép màu đi-ba-vòng. Hirado đi ba vòng quanh ai thì sẽ chinh phục được người đó.

Bà Xiu- người phụ nữ quyền lực không có con buộc Hirado làm cho bà có con, nhưng bà không thụ thai nên Hirado bị lột da. Xiu lấy da Hirado làm túi, bỏ cái rốn quấn ba vòng vào trong, thành cái bọc quay vòng tròn, treo dưới háng và sinh ra được hai đứa bé: một đứa thật và một đứa là cái bóng.

Bộ xương Hirado lại có  với người đàn bà gù một đứa con nữa.

Những đứa con gặp nhau. Chúng leo lên cây, theo sau là bộ xương của Hirado. Cuối cùng cả bốn cùng thả mình quay vòng tròn, các hành tinh quay hoài quay mãi.

-   Phép màu đi ba vòng.

-   Bộ da và cái rốn người chết làm phụ nữ sinh em bé.

-   Bộ xương có con với phụ nữ.

-   Người và cái bóng sinh đôi.

 

10. Kincahu

 

Kincahu

Kincahu- người làm các nghi lễ tiễn đưa người chết muốn tự đi đến cửa thần chết. Kincahu gặp nhiều biến cố trên đường, được con dế và những giọt nước cứu thoát khỏi hổ và sư tử để đi tiếp.

- Những con vật biết nói năng.

11. Hoan ăn kiến

 

-   “Tôi”- người ăn giấc ngủ.

-   Một người đàn ông có vợ là người ăn giấc ngủ

“Tôi” ăn giấc ngủ và nghe nói những người ăn giấc ngủ sẽ hóa thành đất. Có một con khỉ bị bắn, vào nhà ẩn cạnh tôi. Một người đàn ông vào xin con khỉ, nói rằng anh ta bắn nó vì chỉ có máu khỉ mới giúp vợ anh ta- người ăn giấc ngủ- không bị biến thành đất.

“Tôi” đi cùng người đàn ông, mang theo con khỉ đến nhà anh ta. Nhưng vợ anh ta chỉ còn là một đống đất bị kiến xông. Anh ta rất đau khổ nhưng không chịu đi. Anh ta định biến thành gấu ăn hết kiến để vợ anh ta có thể sống lại.

“Tôi” rời bỏ nơi đó ra đi.

-      Những người ăn giấc ngủ của chính mình.

-      Người hóa thành đất.

-      Người hóa thành gấu.

 

 

 

 

Từ bảng tóm tắt trên đây, chúng ta có thể rút ra một vài nhận xét về nhân vật và cốt truyện như sau:

- Các nhân vật trong truyện đều lạ thường, là thần thánh hoặc tu sĩ, hoặc những người có biểu hiện bất thường. Đặc biệt, sự xuất hiện của nhân vật là tu sĩ có tần suất khá cao.

- Cốt truyện hoang đường, khó nắm bắt.

- Mỗi truyện đều có ít nhất một motif kỳ lạ, hoặc những chuyện bình thường được gán cho một bộ mặt kỳ lạ.

Chẳng hạn, trong chuyện “Huyền thoại về kho báu Luga Florido”, người da trắng được tả như những kẻ kỳ dị: “Bọn da trắng tiến đến nhưng dường như không nhìn thấy chúng trong sương mù. Chúng là ma hay là người? Không nghe thấy tiếng trống trận của chúng, không nghe thấy tiếng kèn đồng xung trận của chúng, không nghe thấy tiếng bước chân của chúng. Chúng tiến lên không kèn không trống không tiếng động đôi chân.”

Hoặc, trong chuyện “Sự tích chiếc mũ rộng vành”, một quả bóng bay vào cửa sổ phòng thầy tu cũng được miêu tả như là một vật thể kỳ lạ: “...Một vật lạ bay vào phòng, luôn luôn vận động, nó nhẹ nhàng bước vào và nẩy lên như để đo sàn nhà và tường, tường và sàn nhà, cho đến khi kiệt sức và lăn đến chân thầy như một con chim chết. Thật là quái dị... Thầy không nói thành lời vì trong khoảnh khắc ấy quả bóng tuột khỏi tay thầy để trong tích tắc lại trở về tay thầy sau một cú nẩy với tinh thần lạ lùng như một sự nôn nóng.... Thật dịu dàng, thật linh lợi, thật trắng trong... Phải chăng đó là quỷ dữ?... Quỷ Satan hỡi, hãy tránh xa ta ra, hỡi quỷ Satan!”

 

Như vậy, có một tình trạng lẫn lộn giữa những cái “thực” và “ảo”, bình thường và kỳ dị trong “Những huyền thoại Goatemala”.

Sự lẫn lộn như vậy là vô lý trong thế giới của chúng ta, nhưng nó là điều bình thường, có lý trong thế giới của thổ dân da đỏ với tư duy còn nguyên sơ trước hiện thực. Khi sáng tác những câu chuyện này, Asturias đã gạt bỏ tư duy duy lý của mình để suy nghĩ đúng y như những thổ dân. Những người thổ dân trước đó còn chưa tách bản thân mình ra khỏi thế giới tự nhiên. Họ tin rằng cây cối, thú vật đều có chung thuộc tính với con người, nên thú vật có thể được hình dung với lối hành xử, đi đứng, nói năng của con người. Họ cũng tin vào tính linh thiêng, “có hồn” của cây cối, tin rằng con người và cây cối có thể hoán chuyển cho nhau. Những “phép màu” như vậy là điều có thể. Trong khi sự hiện diện của người da trắng thì quá đỗi lạ lẫm, họ không biết đó là “người” hay “ma”. Hoặc chuyện quả bóng cũng vậy. Quả bóng có thể di chuyển, vậy nó có linh hồn. Người Maya biết chơi bóng từ thời cổ xưa, nhưng đó không phải một trò chơi bình thường, mà gần như một nghi lễ linh thiêng, trong đó đội chơi thua sẽ bị khép vào tội chết...

Chính Asturias đã từng đề cập đến kiểu tư duy huyền thoại này:

Chắc bạn cũng hiểu, một người thổ dân da đỏ hoặc một người dân lai sống trong một làng nhỏ rất có thể mô tả cách thức anh ta thấy một tảng đá lớn hoá thành một người hay một ông khổng lồ như thế nào, hoặc một đám mây biến thành một tảng đá ra sao. Đó không phải là một thực tại ta sờ mó thấy được, mà là một thực tại có liên hệ tới sự hiểu biết những sức mạnh siêu tự nhiên. Nhưng lại còn có những loại biến cố khác. Vì một tai nạn rủi ro nào đó, một thiếu phụ rớt xuống một cái vực sâu trong lúc đi lấy nước, hoặc một người cưỡi ngựa bị ngã ngựa. Người ta có thể gọi đó là những chuyện vụn vặt, nhưng những vụ lặt vặt ấy lại cũng có thể biến thành những biến cố thần kỳ. Bỗng dưng, dưới mắt ngưòi thổ dân hoặc người dân lai kia, người thiếu phụ đã không rớt xuống vực mà chính cái vực đó đã chụp bắt người thiếu phụ... vì một mục đích gì đó. Và người cưỡi ngựa kia có ngã ngựa vì anh ta hơi quá chén đâu, nhưng chính là vì cái tảng đá mà anh ta đập đầu phải hay cái dòng nước mà anh ta đã chết đuối trong đó đã gọi anh ta. Cứ như thế mà các truyện trở thành truyền kỳ hoang đường.” [7]

 Tác giả gọi tình trạng lẫn lộn đó là một thứ thực tại trung gian: “Giữa cái "thực" và cái "huyền bí" có một thực tại thứ ba. Đó là sự pha trộn của cái thấy được và sờ mó được với cái ảo giác và mơ mộng....” [8]

Yếu tố hoang đường, kỳ ảo có trong tất cả các truyện của tập “Những huyền thoại Guatemala”. Cái lạ thường và bình thường trong những truyện này được đánh đồng với nhau. Đó là biểu hiện của bút pháp hiện thực huyền ảo, và là kết quả của tư duy huyền thoại mà Asturias đã học từ những người thổ dân quanh ông, như Asturias từng nói: “… Tư duy của dân Anhđiêng vốn đậm màu huyền ảo và nguyên thủy, luôn luôn ở giữa thực tại và giấc mơ, giữa cái có thật và cái được tưởng tượng, giữa cái có thật và cái được sáng tạo[9]

 

 

3. CÁC BIỂU TƯỢNG LIÊN QUAN ĐẾN VĂN HÓA MAYA

 

Trong “Những huyền thoại Guatemala”, tác giả rất chú trọng đến vai trò của các biểu tượng, thậm chí còn xây dựng nhân vật mang tên là Simbôlô (biểu tượng) để nhân vật đó đối thoại với nhân vật chính trong truyện của mình: Ở truyện “Sự tích núi lửa”, khi núi lửa phun trào làm biến mất tất cả những người bạn của Nido, kể cả cái bóng của Nido. Chỉ còn lại một mình nhân vật này. Khi đó Nido nhìn thấy Simbôlô. Simbôlô bảo Nido: “Trong một thế kỷ có một ngày dài bằng nhiều thế kỷ cộng lại”. Và điều đó trở thành sự thực.

Những từ “biểu tượng”, “ký hiệu” đôi khi cũng xuất hiện trực tiếp trong truyện. Chẳng hạn như trong “Huyền thoại về những tấm thẻ ca hát”.

Như vậy, người viết đã ý thức rất rõ nét về vai trò của biểu tượng trong huyền thoại. Biểu tượng có thể là sự dự báo những điều nhân vật tự thân không nhận ra (như trong trường hợp Nido), hoặc biểu tượng diễn đạt một điều gì đó mà người đọc cần phải hiểu sau lớp vỏ ngôn ngữ.

Thế giới huyền thoại ở đây cũng được đan dệt bằng nhiều biểu tượng như:

- Cái bóng trong “Hoan Hirado” biểu trưng cho “cái tôi” thứ hai. Cái bóng vừa là sự phân tách, vừa là phần bổ sung cho cái tôi thực. Cái bóng sinh ra cùng người thực (chi tiết bà Xiu sinh được hai đứa con: một đứa là người, một đứa là cái bóng).

- Mặt nạ trong “Sự tích chiếc mặt nạ pha lê” biểu trưng cho chính bộ mặt thật: Thần mưa tạc cho mình một cái mặt nạ bằng đá thạch anh. Khi đeo mặt nạ vào, thần mưa “đã tỉnh thức”. Như vậy mặt nạ không còn là cái giả nữa, mà ở đây mặt nạ là bản thể thực của con người, mặt nạ là “mặt thật”.

- Cái rốn trong “Hoan Hirado” biểu tưng cho linh hồn và quyền lực của con người, vì là phần không mất đi sau khi Hirado cha mất và là phần làm nên phép màu cho Hirado con.

- Hình xăm trong “Huyền thoại về cô gái xăm mình” là biểu tượng của vật cần thiết, vật cứu thoát, vật trong mong ước, vì nó có thể cứu cô gái ra khỏi hoàn cảnh khó khăn.

Ngoài ra còn rất nhiều biểu tượng khác nữa như: tượng đá, bím tóc, quả bóng, hoa hướng dương....

Sau đây, chúng tôi đi vào khảo sát chi tiết ba biểu tượng liên quan đặc biệt đến văn hóa của người Maya, đó là “Cái cây”, “Con đường” (Bốn con đường), và “Những tấm thẻ ca hát”.

 

1.                 “Cái cây”

Không kể những trường hợp miêu tả bình thường, “cái cây” mang yếu tố khác thường xuất hiện ít nhất trong bốn truyện:

Trong truyện “Sự tích núi lửa”, Nido và các bạn mình- những vị thần sáng tạo nên đất- “vốn là những cái cây biết di động

Trong truyện “Huyền thoại về những anh hề múa”, một trong hai anh hề múa là Chinatan là người mang mệnh mộc, sau khi chết hóa thành “một cây đào hoa tâm to lớn”. Cây vốn có bùa để trở lại thành người, nhưng không may bị sét đánh nên phải là cây mãi.

Trong truyện “Sự tích chiếc mặt nạ pha lê”, vị thần mưa nghĩ về những cái cây: “Tốt hơn hết là hãy dùng gỗ làm chất liệu cho công việc tạc tượng để tạo nên những bức tượng có rễ, đó là bức tượng các vị thần- cây, các vị thần cây- gạo

Và đậm đặc nhất, rõ nét nhất là trong truyện “Huyền thoại về cô gái xăm mình”, nhân vật thầy tu Anmendro vừa là người, vừa là cây: “Thầy là cái cây mà một ngày thức dậy trong rừng đã thấy nó sừng sững ở đó, cứ như thể ma quái mang đến vậy. Cái cây biết đi, cái cây biết tính năm âm lịch bốn trăm ngày..., từng nhìn thấy trăng nhiều lần như mọi cây khác vậy.” Cái cây chia tâm hồn cho bốn con đường, và khi phát hiện một mẩu tâm hồn mình đã mất, Thầy Anmendro- cái cây lấy lại bản thể người, đi tìm linh hồn mình. Khi thầy gặp cô gái lai đen được mua bằng mẩu tâm hồn mình và hai người bị kết tội tử hình, thầy đã giúp cô thoát khỏi ngục tù. Và “ngày hôm sau, buổi sáng ngày hành hình đã được dự định, bọn lính canh thấy trong nhà tù có một cây khô. Trên cành cây đơm hai hay ba bông hoa hạnh đào tươi rói cái màu hồng vốn có của mình.”

Cái cây trong bốn truyện kể trên xuất hiện nhiều, ít khác nhau, nhưng đều gặp nhau ở các điểm chung sau đây:

- Tính linh.

- Từ cây hóa thân thành thần hoặc người, hoặc cây là sự hóa thân của thần, người.

Biểu tượng “cây” ở đây chỉ gặp gỡ biểu tượng “cây” trong các nền văn khóa khác ở khía cạnh là sự “tái sinh liên tục”, rõ nhất là trong truyện  “Huyền thoại về những anh hề múa” và “Huyền thoại về cô gái xăm mình”. Người-cây, cây- người hóa thân lẫn nhau như là để tiếp tục sự sống trong một hình hài khác.

“Cây” linh thiêng trong các nền văn hóa thường ở nơi “trung tâm”, nối trời và đất. Ở đây cây không có tính biểu trưng như vậy, có chăng thì là một chút biểu trưng “trung tâm” qua việc cái cây mọc ở nơi giao nhau của bốn con đường.

Tính biểu trưng của “cái cây” ở đây mang một nét đặc biệt chỉ có thể lý giải dựa vào văn hóa của người Maya ở đúng thành phố Guatemala, liên quan đến ngôi đền Maximón  và hình thức thờ cúng, chăm sóc bức tượng thần tạc từ cây của họ. Truyền thuyết kể rằng khi người Tây ban Nha xâm lược mang theo Thiên Chúa giáo thì những hình thức tôn giáo bản địa đã bị đàn áp. Người Maya cực kỳ tuyệt vọng khi không được tế thần linh của mình nữa. Một cha cố đã khuyên họ vào rừng tìm một cây rỗng mà ở đó gió thổi tạo thành tiếng - đó chính là lời của thần linh. Người maya đã làm theo đúng lời vị cha cố, và thần Maximón đã được gọt giũa ra từ cây ấy.

Như vậy, cái cây chính là biểu tượng của thần linh. Thần linh hòa mình vào cây cho nên từ cây mới có thể biến thành thần hoặc người mang phép lạ, và từ thần- người mới có thể hóa thân thành cây. Thực chất thần (hoặc người) và cây chỉ là một mà thôi.

 

2.                 Bốn con đường.

Con đường trong “Huyền thoại Guatemala” không tồn tại dưới dạng “một con đường”, mà luôn là “bốn con đường” giao nhau tại một điểm.

“Bốn con đường” xuất hiện trong hai truyện:

Trong “Giờ đây tôi nhớ lại”, nhân vật “tôi” kể với các cụ già về chuyến đi trong rừng của mình. Anh ta đã gặp những người thổ dân nhảy múa để cầu nguyện thần linh. Bản thân anh ta sau đó, vì tác động của tiếng dế kêu, cũng bắt đầu nhảy múa, và “Vì nhảy múa như điên cháu chạm phải con đường đen ở nơi chiếc bóng nói với cháu: “Con đường hoàng đế là con đường này và ai mà đi theo nó sẽ làm vua”. Tại đấy, con đường xanh khép lại ở phía sau cháu và con đường trắng khép lại bên trái cháu. Bốn con đường giao nhau ngay trước khi đến thành phố Xibalbá

Trong thuyện “Huyền thoại về cô gái xăm mình” cũng có đoạn viết về bốn con đường:

Thầy Anmendro chia tâm hồn mình cho các con đường. Đó là bốn con đường đi theo những hướng đối nhau để tỏa đi bốn điểm mút tận cùng của trời đất. Điểm mút tận cùng màu đen là đêm có tính phù phép. Điểm mút tận cùng màu xanh: thác đổ mùa xuân. Điểm mút tận cùng màu đỏ là con vẹt đuôi dài hay sự ngây ngất nhiệt đới. Điểm mút tận cùng màu trắng là sự hứa hẹn những vùng đất mới.”

Sau đó, bốn con đường này sẽ tỏa đi bốn hướng, nghe lời dụ dỗ của thú vật hoặc của gió xin mẩu linh hồn mà nó mang. Ba con đường phớt lờ những lời câu xin. Riêng con đường đen đã chạy một mạch đến thành phố, trao mẩu linh hồn thầy cho một thương nhân buôn ngọc.

Hai trường hợp trên đây có một số điểm chung:

-                     Thứ nhất, bốn con đường trong cả hai trường hợp đều giao nhau tại một điểm.

-                     Thứ hai, bốn con đường đều có màu sắc. Đó là các màu: xanh, đỏ, trắng, đen.

-                     Thứ ba, con đường màu đen trong cả hai truyện đều đặc biệt hơn những con đường khác: nó là con đường huy hoàng, hoặc con đường phản bội.

Muốn lý giải ý nghĩa biểu tượng con đường, chúng ta buộc phải lý giải số bốn và sự liên quan đến “thành phố Xibalbá”.

Bốn, trong mọi nền văn hóa, đều là chỉ số hướng. Bốn con đường đương nhiên là bốn hướng.

Nhưng bốn, trong truyền thuyết của người Maya Quiché, còn là con số đặc biệt quan trọng: Theo sử thi Popol-Vuh, có bốn cuộc sáng thế nối tiếp nhau, ứng với bốn mặt trời và bốn kỷ nguyên. Con người- xuất phát từ ngô- chỉ xuất hiện trong kỷ nguyên thứ tư.

Như vậy, cái thứ tư luôn là cái quyết định nhất.

Asturias đặt cái thứ tư này cho con đường màu đen. Màu đen khó nắm bắt, huyền bí, không thấy được bản chất xuyên qua màu đen đó. Do đó, con đường đen- con đường quan trọng nhất có thể là con đường vinh quang cũng có thể là con đường hủy diệt.

“Con đường” liên quan đến thành phố Xibalbá, nghĩa là liên quan đến cái chết, sự tận cùng, vì thành phố Xibalbá trong huyền thoại của người Maya là thành phố của người chết. Người Maya đã xây nên một mê cung gồm nhiều con đường dưới lòng đất. Trong một lần khai quật, các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra nhiều ngôi đền đá trong mê cung đó. Một số đền thờ ngập dưới nước và chứa xương sọ người. Người Maya cổ đại tin rằng quần thể trên - gồm những hang động chứa đầy nước dẫn đến các căn phòng khô ráo, và những con đường giao nhau - là cánh cổng mà linh hồn của người chết đi vào thế giới âm phủ, gọi là Xibalbá.

Vậy, bốn con đường chính là biểu tượng cho mê cung dẫn đến cánh cổng vào thế giới âm phủ. Bốn con đường giao nhau tại một điểm, và đi theo con đường đen có thể sẽ đến được cánh cổng này.

 

3.                 Những tấm thẻ ca hát

Biểu tượng này xuất hiện trong “Huyền thoại về những tấm thẻ ca hát”. Theo đó, các bài hát tế thần, bài hát chiến trận, hoặc bài hát sinh hoạt do những nhạc sĩ- những “kẻ ăn trăng” sáng tác nên sẽ được ghi trên những tấm thẻ dưới dạng các ký hiệu. Người hát sẽ hát lên các ký hiệu này. Các ký hiệu có thể bị thổi bay.

“Những tấm thẻ” sẽ trở nên cực kỳ dễ hiểu, nếu chúng ta liên tưởng đến chữ viết của người Maya. Những nét chạm khắc, có từ khoảng năm 250 trước Công nguyên, được tìm thấy nguyên vẹn trên các bức tường và những mảnh vỡ thạch cao trong cấu trúc hình kim tự tháp nổi tiếng tại Las Pinturas, ở San Bartolo, Guatemala, chứng tỏ họ đã có chữ viết từ rất sớm. Hệ thống chữ viết Maya là một chuỗi của các ký hiệu âm và dấu tốc ký. Nó được xác định như những chữ viết dưới dạng biểu trưng, mà mỗi ký hiệu biểu thị một từ có chủ đích. Chúng là một hệ thống chữ viết duy nhất của tiền thời kỳ Tân Thế Giới của Colombo dùng để trình bày một thứ ngôn ngữ của dân địa phương. Trong tổng thể, hệ thống chữ viết của người Maya có hơn 1000 kí hiệu khác nhau.

Những tấm thẻ biết ca hát, như vậy chẳng qua là những tấm thẻ có khắc các chữ tượng hình. Không phải bản thân tấm thẻ biết “ca hát”, mà là người ta hát dựa trên việc đọc những ký hiệu ấy.

 

Như vậy “Những huyền thoại Guatemala” là một tập truyện đậm đặc những chi tiết biểu trưng. Có những chi tiết mang tính biểu tượng gần gũi với ý nghĩa biểu trưng của chúng trong các nền văn hóa khác, như cái bóng, mặt nạ, cái rốn, hình xăm.Nhưng cũng có những biểu tượng chỉ có thể giải nghĩa dựa vào văn hóa Maya như bốn con đường, cái cây, và những tấm thẻ ca hát.

Việc sử dụng các biểu tượng đậm chất maya như vậy chứng tỏ niềm ưu ái của Asturias với truyền thống văn hóa của thổ dân. Với Asturias, đây là những chất liệu quý báu để xây dựng nên những huyền thoại hiện đại đầy ý nghĩa ẩn dụ. Còn dối với người đọc, rừng biểu tượng này thách thức sự lý giải đến không cùng, tạo nên tính hấp dẫn trong quá trình thưởng thức.

 

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

·        M.A.Asturias (trả lời phỏng vấn): Về chủ nghĩa hiện thực thần kỳ và việc dịch thuật văn chương châu Mỹ La-tinh - Bản dịch của Lê Huy Oanh, chuyên đề  Chủ nghĩa hiện thực thần kỳtrong văn chương, www.tienve.org

·        Tuyên dương của Viện Hàn lâm Thụy Điển, Trần Tiễn Cao Đăng dịch từ tiếng Anh, http://www.vietnamnet.vn/vanhoa, 3-3-2008

·        Nguyễn Trung Đức: Con đường dẫn M.A.Asturias đến chủ nghĩa Hiện thực huyền ảo Mỹ latin, tạp chí Văn học nước ngoài, số 6-1999.

 



[1]Cụ thể là các truyện ngắn “Chiến dịch mang tên Cọp 33", “Chiếc gương của Lida Xan”, và một số tác phẩm dịch trên tienve.org như “Cổng vào”(truyện ngắn), Cẩm nang người chiến binh ánh sáng (đoạn trích), và các bài thơ “Nhà kể chuyện tài ba xiển dương con chim bắp”, “Bài ca ngợi những bác thợ rèn”, “Chuỗi kinh cầu của kẻ lưu đày”…

 

[2] Tuyên dương của Viện Hàn lâm Thụy Điển, Trần Tiễn Cao Đăng dịch từ tiếng Anh, http://www.vietnamnet.vn/vanhoa, 3-3-2008

 

[3] M.A.Asturias, Dẫn lại theo Nguyễn Trung Đức: Con đường dẫn M.A.Asturias đến chủ nghĩa Hiện thực huyền ảo Mỹ latin, tạp chí Văn học nước ngoài, số 6-1999.

[4] Theo Nguyễn Trung Đức, đã dẫn. Còn theo www.tienve.org, Asturias đã dịch văn bản “Popul Vuh” sang tiếng Tây Ban Nha.

[5] Asturas: Diễn từ “Tiểu thuyết Mỹ Latinh - chứng tích của một thời đại”

 

[6] M.A. Asturias, Dẫn lại theo Nguyễn Trung Đức: Con đường dẫn M.A. Asturias đến chủ nghĩa Hiện thực huyền ảo Mỹ latin, đã dẫn.

[7] Về chủ nghĩa hiện thực thần kỳ và việc dịch thuật văn chương châu Mỹ La-tinh - Bản dịch của Lê Huy Oanh, chuyên đề  CHỦ NGHĨA HIỆN THỰC THẦN KỲ TRONG VĂN CHƯƠNG, www.tienve.org

 

[8] Về chủ nghĩa hiện thực thần kỳ và việc dịch thuật văn chương châu Mỹ La-tinh , đã dẫn.

 

[9] M.A. Asturias, Dẫn lại theo Nguyễn Trung Đức: Con đường dẫn M.A. Asturias đến chủ nghĩa Hiện thực huyền ảo Mỹ latin, đã dẫn.

 

Danh mục website