17042024Wed
Last updateMon, 15 Apr 2024 12am

Studies on Vietnamese and Korean Literature and Films

Vietnamese Literature

Sinology & Nom

Theater and Film

Linguistics

Vietnamese Folk Culture

Literary Theory & Criticism

Foreign Literatures & Comparative Literature

Lu Khe and the First Article Introducing Japanese Literature in Cochinchina

Sunday, 19 September 2021  |  Võ Văn Nhơn, Ngô Trà Mi

Lu Khe and the First Article Introducing Japanese Literature in Cochinchina

PGS.TS/ Assoc.Prof., Ph.D...

Loading...

Education

Dao Duy Anh – An erudite scholar and a respected educator

Dao Duy Anh – An erudite scholar and a respected educator

Saturday, 25 June 2016  |  Khoa Văn học

Abstract

Scholar and educator Dao Duy Anh had made outstanding contribution to our national culture. ...

Loading...

Vietnamese Cultural Links

Văn học Việt Nam ở Nhật Bản

Tuesday, 08 November 2016  |  KAWAGUCHI KEN’ICHI, Đoàn Lê Giang dịch

KAWAGUCHI KEN’ICHI

                     ...

Loading...

BA, MA, PhD. Theses

Narrative Art in Southern Novels before 1932

Narrative Art in Southern Novels before 1932

Tuesday, 21 February 2017  |  Phan Mạnh Hùng

(Summary)

Research Focuses and Expectations :

The studies the narrative art - the art of telling a stor...

Loading...

Calligraphy Club

Thu hứng

Thu hứng

Friday, 03 June 2016  |  Đỗ Phủ

Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm, 
Vu sơn, Vu giáp khí tiêu s&a...

Loading...

Tìm hiểu lễ hội Nghinh Ông của cộng đồng ngư dân Bình Thắng (Huyện Bình Đại- Tỉnh Bến Tre)

              Bến Tre là một trong những địa phương của Đồng bằng Sông Cửu Long, giáp biển Đông với chiều dài 65 km bờ biển. Nhắc đến ngư dân vùng ven biển Bến Tre thì không thể không nhắc đến ngư dân Bình Thắng (huyện Bình Đại). Họ là một cộng đồng có đời sống kinh tế- xã hội tương đối phát triển và chứa đựng nhiều nét văn hóa dân gian độc đáo. Ở bài viết này, chúng tôi muốn giới thiệu lễ hội nghinh ông của cộng đồng ngư dân này. Đây là lễ hội nghinh ông lớn nhất, được tổ chức khá qui mô, tiêu biểu cho lễ hội của vùng biển Bến Tre.

 

          Lễ hội là hình thức sinh hoạt văn hóa của con người, mang tính thiêng liêng để con người cầu khấn thần linh phù hộ và xen cả tính trần tục như: Vui chơi, văn nghệ, thi tài,…nhằm giải trí sau thời gian lao động mệt nhọc. Theo dọc chiều dài bờ biển từ miền Trung trở vào tận Cà Mau, ngư dân các địa phương này hàng năm tổ chức lễ hội nghinh ông thật trang nghiêm nhưng không kém phần long trọng để cầu nguyện cá ông độ trì cho họ trước sự mưu sinh nơi biển cả bao la. Lễ hội nghinh ông của cộng đồng ngư dân Bình Thắng cũng không ngoại lệ.  Lễ hội này được tổ chức vào ngày 15, 16 và 17/6 âm lịch hàng năm. Nguồn gốc của  nó xuất phát từ tín ngưỡng thờ cá ông. Tín ngưỡng thờ cá ông được ngư dân từ Quảng Bình cho đến Cà Mau thờ cúng hết sức thành kính. Theo các nhà nghiên cứu, tín ngưỡng này là kết quả giao lưu văn hóa Việt-Chăm. Bởi vì nó có nguồn gốc từ người Chăm ở miền Trung, vốn trước kia thạo nghề đi biển.

Các sách Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức, Thoái Thực Ký Văn của Trương Quốc Dụng và Đại Nam Nhất Thống Chí của triều Nguyễn đều có ghi chép về cá ông. Mặt khác, trong dân gian, người dân ở các địa phương có thờ cá ông đều truyền miệng những giai thoại liên quan và sự linh ứng về loài cá này. Người ta còn cho biết, cá Ông là hóa thân từ muôn mảnh chiếc áo cà sa của Quán Thế Âm Bồ tát (Avalokitesvara) với bộ xương voi. Khi ngài đi qua vùng biển, vì xót thương chúng sinh chìm nổi trên biển, nên dùng thần thông  hóa ra loại cá này để cứu khổ cứu nạn.

Qua khảo sát ở Bình Thắng, ngư dân địa phương gọi cá ông là: Ông Nam Hải, Nam Hải Tướng quân, và đơn giản nhất là Ông để tỏ thái độ thành kính. Tín ngưỡng này đã có mặt với lớp ngư dân Bình Thắng từ ngày đầu đến đây và cho đến nay. Hiện nay, trong lăng Ông Bình Thắng có 2 bộ xương cá ông (hay cốt cá ông). Bộ cốt đầu tiên đặt trên ban thờ chính, nằm trong khung kiếng, do ngư dân phát hiện hài cốt của ông con xẩy tại ấp Bình Mỹ (thuộc xã Bình Thắng ngày nay) vào khoảng năm 1956 - 1957. Ngoài ra, bộ cốt thứ hai tương đối khá lớn, đặt ở hương án ngoài thuộc gian giữa chính điện và có xuất xứ: “Chi hội nghề cá lâm sản Bến Tre gặp cá ông lụy ở Biển Đông ngày 4 tháng 4 năm Tân Tị 2001, trục vớt lên tàu đưa về lăng ông Nam Hải Bình Thắng, ngày 18 tháng 4 năm Tân Tị. Phụng cúng”. Theo giải thích của người đại diện Ban Khánh tiết, người gặp được ông lụy sẽ là người chịu tang và làm theo đúng nghi thức truyền thống. Mặt khác, hài cốt cá ông khi mang về lăng được cúng bái nghiêm túc. Sau thời gian phân hủy xác, người ta lau sạch phần xương rồi rửa bằng phooc-mon và làm nghi thức nhập lăng thật trang trọng. Được biết, thịt cá ông trong thời gian phân hủy có mùi hơi khét, không hề hôi. Do đó, trong đời sống hiện tại, cá ông được ngư dân Bình Thắng tôn thờ và tin tưởng, nó phản ánh sự may rủi của con  người trước biển cả bao la và cầu mong độ trì cho họ có nhiều tôm cá, giàu có và bình an.

      Lăng ông Bình Thắng được ông Ngô Minh Châu-vị tiền hiền của Bình Thắng đứng ra vận động dân xây dựng và tổ chức khánh thành vào ngày 19/7/ 1951, nhằm ngày 16/6 năm Tân Mão. Ban đầu, lăng còn xây dựng thô sơ, được lợp bằng lá. Sau đó, vào năm 1965-1966, lăng được xây dựng  lại bằng cột gỗ, trên lợp ngói thô sơ. Cho đến 1980, ngư dân địa phương quyên góp xây lại lăng bằng xi-măng. Đến năm 2004, người ta tiếp tục xây dựng võ ca và hàng rào. Ngày nay, lăng ông Bình Thắng tương đối khang trang và sạch sẽ, rộng rãi. Hướng chính của lăng là hướng Đông vì đó là nơi cá ông sinh sống. Lăng ông Bình Thắng có kết cấu hệt như một ngôi đình Nam bộ, theo dạng “xếp đọi” hay “xếp bát”: Phía trước là võ ca, võ qui, rồi đến phần chính điện, nhà tiền vãng, phòng khách, nhà trù.  Phần chính điện có 3 lớp hương án phía ngoài, sau đó ở giữa là ban thờ chính có khắc nổi chữ  màu vàng trên nền đỏ “ Nam Hải”, hai bên là ban thờ tả ban và hữu ban, cùng 2 bộ cốt cá ông. Phối tự theo cùng là ban thờ Thủy Long Thần Nữ ( Bà Thủy) và Hà Bá Long Vương. Chánh điện được trang trí bát bửu, lỗ bộ, lọng, mõ, trống đều có màu đỏ khiến cho không gian nơi đây thêm phần trang trọng, thâm nghiêm. Phía sau chánh điện là nhà tiền vãng. Ở đây có ba ban thờ, giữa là ban thờ Tiên sư, phối tự 2 bên là tiền hiền và hậu hiền. Tiếp theo là dãy nhà khách, rồi đến nhà trù. Đặc biệt, cổng của lăng nối thẳng với nhà khách qua một khoảng sân khá rộng. Ngoài ra, trong khuôn viên lăng ông Bình Thắng còn có nhà trưng bày và nhà nghỉ.

   Nhìn chung, lễ hội nghinh ông Bình Thắng được tổ chức vào 3 ngày 15-16-17/6 âm lịch hàng năm. Trước đó, Ban Khánh tiết lăng có nhiệm vụ tổ chức dọn dẹp sạch sẽ, trang trí biểu ngữ, họp phân công nhiệm vụ cho ngày lễ cúng. Ngày 15 tháng 6 được xem là ngày túc yết để họp mặt ngư dân “ chung đậu” cho việc cúng kiếng, đãi khách. Năm 2007, Ủy ban nhân dân xã Bình Thắng tổ chức họp mặt và phát thưởng cho những ngư dân sản xuất giỏi tại nhà khách của lăng vào ngày này. Đúng 15g cùng ngày, hoạt động đầu tiên chính là nghi thức múa lân giúp vui, tạo nên không khí nhộn nhịp cho cộng đồng ngư dân để bắt đầu bước vào lễ hội. Dọc theo con rạch Bà Khoai, hàng trăm ghe thuyền đi biển đổ về  chật cứng tạo cho nơi đây một quang cảnh sôi nổi, náo nhiệt. Đối với ngư dân Bình Thắng, vào ngày hội nghinh ông, ngư dân địa phương dù đi đánh bắt nơi xa cũng phải trở về để cầu nguyện và tạ ơn Ông Nam Hải đã độ trì cho họ đánh bắt cả năm qua được bình an, thuận lợi. Đến khoảng 19g cùng ngày, ở lăng có diễn ra nghi thức cúng cầu an cho cộng đồng. Nghi thức này do các nhà sư cùng một số ít phật tử được thỉnh từ chùa ở trong vùng cúng tại gian giữa chính điện, ở phía hương án ngoài, và có đặt bàn thờ Phật Thích Ca. Đại diện Ban Khánh tiết cử người quì lạy trong suốt khoảng thời gian cúng. Người đại diện đội sớ và lá sớ này được đốt sau khi cúng xong. Các nhà sư tụng kinh cầu an để cầu nguyện cho cộng đồng. Kinh cầu an với nội dung chính là phẩm Phổ Môn trong Diệu Pháp Liên Hoa kinh. Nội dung của phẩm này là đức Phật Thích Ca nói về công đức cũng như hạnh nguyện của đức Quán Thế Âm Bồ tát. Đây là vị  Bồ tát rất quan trọng trong Phật giáo Đại thừa cũng như ở Việt Nam. Mặt khác, theo phẩm Phổ Môn, Bồ tát Quán Thế Âm thị hiện để cứu độ chúng sinh, trong đó có những người làm nghề đi biển chẳng may gặp tai nạn: “ Nếu có một số đông người vào biển lớn tìm châu báu vàng bạc, lưu ly, xà cừ, mã não, san hô, hổ phách, trân châu,…rủi thay gặp “ gió đen” thổi, tàu thuyền trôi tấp vào chỗ của quỉ La sát. Lúc ấy có người chú tâm niệm danh hiệu Quán Thế Âm thì những người trên tàu đều thoát nạn quỉ dữ La sát. Do nhân duyên ấy nên ngài có danh hiệu là Quán Thế Âm” [3, trang 194]. Cũng theo kinh này, Bồ tát Vô Tận ý ca ngợi công đức này của Quán Thế Ấm:

                          “ Hoặc trôi dạt biển lớn

                            Các nạn cá quỉ rồng

                            Do sức niệm Quan Âm

                           Thoát khỏi nạn sóng gió” [ 3, trang 203].

     Theo quan niệm dân gian, mỗi khi tàu bè gặp nạn, những người trên tàu thường niệm Thập nhị đại nguyện sẽ được vị bồ tát này thị hiện cứu khổ. Việc tụng kinh cầu an ở cộng đồng ngư dân Bình Thắng mang ý nghĩa cầu bình an cho cộng đồng, cho tàu thuyền khi ra khơi xa, tránh bão tố và những điều không may ập đến với họ. Mặt khác, không riêng gì ở Bình Thắng, một số cộng đồng ngư dân khác ở Nam bộ như: Vàm Láng ( Tiền Giang), Phước Hải ( Bà Rịa- Vũng Tàu),…đều  tổ chức lễ cúng có sự tham gia của các nhà sư. Mặc dù đậm nhạt khác nhau, nhưng đó là sự tích hợp giữa tôn giáo và tín ngưỡng trong điều kiện ở vùng đất mới còn khá nhiều trở ngại, trong đó có lớp ngư dân ven biển. Sau nghi thức cúng cầu an, Ban Khánh tiết và phòng Văn hóa- Thông tin huyện Bình Đại tổ chức  sinh hoạt giao lưu đàn ca tài tử, thu hút khá nhiều người dân địa phương tham gia ở khu nhà khách. Những bài ca này do các nghệ nhân địa phương trong huyện Bình Đại, cũng như các nơi khác trong tỉnh hát phục vụ cho người dân, tạo điều kiện giao lưu học hỏi lẫn nhau.

         Độ chừng 4g sáng ngày chánh lễ ( 16/6 âm lịch), ở phía Lăng ông Bình Thắng có trống nổi lên dồn dập để báo thức mọi người cùng dậy, chuẩn bị cho  lễ nghinh ông bắt đầu. Lúc này, Ban Khánh tiết và những người liên quan có mặt đầy đủ, đợi đến giờ làm lễ ở chánh điện. Khoảng 5g sáng, ở chánh điện lăng, ông Chánh Niệm hương và Phó Niệm hương đến trước ban thờ Nam Hải trong sự chứng kiến của nhiều người. Ông Chánh Niệm hương thắp hương khấn nguyện với nội dung như sau: “ Hôm nay ngày 16 tháng 6 âm lịch, Ban Khánh tiết lăng ông Bình Thắng cung thỉnh Thành hoàng bổn cảnh, địa chủ, thần tài, thổ cộng, thổ chủ, thổ phủ, cho phép chúng tôi thỉnh Ông về chứng minh nhận lễ”. Sau đó, ông này tiến hành lạy 3 lạy và xá 3 xá rồi thỉnh lư hương đi trước, hai bên có lộng che, phía sau là khán thờ được lính khiêng. Khán thờ có dạng một ngôi miễu nhỏ, sơn màu xanh, hai bên có 2 thanh đòn dài làm bằng gỗ dùng cho 4 người khiêng. Các chức sắc trong Ban Khánh tiết và một số ngư dân cầm lộng, lỗ bộ, bát bửu đi theo phía sau. Tất cả mọi người tập trung ở phía ngoài sân. Sau khi “củ soát lễ vật” và sắp xếp theo trật tự, mọi người dần tiến về bến- nơi có chiếc ghe lễ đậu, ghe này được trang trí, chuẩn bị từ ngày hôm qua. Trong không khí tờ mờ sáng, dẫn đầu đoàn nghinh ông là đội lân đến lộng, rồi đến khán thờ. Khán thờ được khiêng bởi 4 người là ngư dân, họ mặc áo lính, trong khán có khắc 2 chữ “ Nam Hải”. Tiếp theo là ông Chánh Niệm hương tay cầm lư hương, hai bên có 4 học trò lễ, 2 đào thài, 2 kép theo cùng. Nối đuôi là đội nhạc lễ cùng đông đảo người dân tham gia, chật ních cả đoạn đường. Sau khi an vị khán thờ ở phía trước ghe lễ và đứng ổn định đúng theo vị trí, chiếc ghe này tiến hành xuất phát đi trước, theo sau khoảng hàng chục chiếc ghe cào của ngư dân địa phương. Hàng chục chiếc ghe được bật đèn sáng, trên mỗi ghe có đến hàng chục người tham dự. Đó là ngư dân và khách đến từ phương xa để tham gia lễ hội. Đoàn ghe nghinh ông dẫn đầu là ghe lễ đi từ rạch Bà Khoai ra sông Tiền và đến cửa Đại, độ chừng 10 km. Những chiếc ghe cào theo sau chạy đua tăng tốc với nhau, nhưng không được vượt qua mặt ghe lễ. Trên ghe, những ngư dân đặt hương án ở phía mũi ghe với khá nhiều lễ vật khác nhau như: heo quay, gà vịt luộc, trái cây, hương hoa,… Trong công trình Tìm hiểu một số hiện tượng Văn hóa dân gian Bến Tre, Nguyễn Chí Bền cho biết: “ Cả nghe lễ, nghe chở đoàn múa lân và các ghe của ngư dân, đều có thả một sợi dây xuống nước, cuối sợi dây là một cái giẻ. Người dân thả trôi chiếc giẻ này trên mặt nước” [ 1, trang 82]. Tác giả này đã giải thích thêm: “ Có lẽ, chính sợi dây buộc mảnh giẻ này là một dạng “ hèm” của tục thờ cúng. Nó liên quan đến truyền thuyết cá ông được sinh ra từ tấm lòng của Phật Bà Quan Âm. Nhưng hèm này còn ở dạng khá đơn giản, và không có đường dây gắn kết với trò diễn và cũng chỉ tiến hành khi các ghe thuyền khi ra khơi nghinh ông” [1, trang 93]. Qua tham gia và trao đổi với ngư dân địa phương trong lễ nghinh ông vào năm 2007, chúng tôi không còn thấy tục này. Phải chăng vì lý do thời gian nên nó dần phai nhạt và nay không còn nữa? Ra đến ngoài cửa Đại, chiếc ghe lễ dửng lại, ông Chánh và Phó Niệm hương chỉnh sửa khăn áo, tiến hành nghi thức nghinh ông. Có thể nói, đây là phần quan trọng, mang tính thiêng liêng nhất của lễ hội nghinh ông Bình Thắng. Đứng hai bên khán thờ là lính cùng học trò lễ, kép hát và đào thài. Ông Chánh Niệm hương quì trước khán thờ, thắp 3 nén nhang, sau lời xướng của học trò lễ: “ nguyện hương”, rồi khấn: 

           “ Nhất nhơn chi đáo lệ thời phùng,

             Lễ nghinh ông Nam Hải trong bổn hội thảy đều chúc nguyện.

             Nhất nguyện hương: Việt Nam củng cố,

             Quốc diệu thới xương,  phong điều võ thuận, vạn thọ vô cương.

            Nhì nguyện hương : Đinh ninh ngũ tưởng,

            Ngư, mục, canh, tiều trong thôn ấp thảy đều thạnh lợi.

            Tam nguyện hương: Cát kiến ngụ tùng, tịnh an trì nghiệp.

            Ngưỡng lạy lệnh ông Nam Hải, mạc ô hô phò trì.

            Trong bổn hội thỉnh tam đồng chúc nguyện.”

  Sau đó là nghi thức 3 lần dâng rượu ( tam tuần) và 1 lần dâng trà. Trong nghi thức dâng rượu, sau khi học trò lễ xướng: “ giai quì”, “ thượng hương”, “chúc tửu”, “ nguyện tửu”, ông Chánh niệm hương nâng chung rượu ngang trán và khấn:

              “ Quỳnh tương tiền vàng ngọc,

                Kính dâng chung cúc tửu sơ tuần ( nhị tuần, tam tuần),

                Chúc thánh kỉnh tư đơn,

                Chúc hà linh tấn tước.”

Kết thúc nghi này, học trò lễ xướng: “ cúc cung bái”, “ hương bình thân”. Sau nghi dâng rượu là nghi dâng trà. Cũng như nghi trước, học trò lễ xướng: “ giai quì”, “ thượng hương”, “ chúc trà”, “ nguyện trà”, ông chánh niệm hương dâng trà và khấn:

              “ Ô long kim thất thất,

                Tạ Nam Hải cảm ứng chứng thôn trung.

               Ngoảnh lại miên trường,

              Xin kính dâng chung trà đồng tân kỉnh”

     Theo quan niệm của ngư dân ở đây, sau các nghi này,  cá ông “ vọi” lên để chứng minh lễ cúng của họ. Những năm nào xảy ra hiện tượng này là ngư dân được mùa, cả năm bình an, phát đạt. Nếu ông không “vọi”, ông Chánh Niệm hương khấn và xin keo để thỉnh Ông Nam Hải về chứng minh, phù trợ cho cộng đồng ngư dân mình. Nội dung lời khấn như sau: “ Đệ tử tên là (…), Chánh Niệm hương của ấp 3 xã Bình Thắng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Hôm nay, ngư dân bổn hội chúng tôi đã tới đây để nghinh Ông về uống rượu, sau xem 3 xuất hát với anh em bổn hội chúng tôi, giúp cho mưa thuận, gió hòa, an cư, lạc nghiệp, nhà nhà yên vui. Xin ông Nam Hải cảm ứng chứng minh, đệ tử thành tâm xin một keo trở về sớm lo việc cúng ông Nam Hải năm(… ). Xin ông Nam Hải chứng minh”. Tiếp đó, chiếc ghe lễ quay về, trống và lân nổi lên tạo nên không khí nhộn nhịp khác hẳn trước đó. Đoàn ghe tăng tốc quay trở về, những chiếc ghe tham gia lễ nghinh đua nhau trên quãng sông từ cửa Đại về đến cảng cá Bình Thắng. Đến con rạch Bà Khoai,  khá nhiều chiếc ghe cào khác đã đậu chật kín chờ đợi, trên mỗi ghe là một bàn hương án với đầy đủ lễ vật. Mọi người cùng hướng về chiếc ghe lễ một cách thành kính. Chiếc ghe này đi sâu vào trong con rạch chừng 1km rồi quay trở ra cập bến tại cảng cá Bình Thắng. Sau khi lên bờ, đoàn nghinh đứng thành một hàng dài, có thứ tự giống như lúc đi nghinh buổi sáng sớm. Họ tiếp tục đi về lăng trong không khí rộn rã, có múa lân, nổi chiên trống, hàng trăm người nối đua hò reo trước sự chứng kiến khá đông ngư dân hai bên đường. Trước mỗi nhà, ngư dân địa phương đều thiết lập một bàn hương án, lễ vật tùy thuộc vào từng nhà, có heo quay, gà, vịt luộc, bánh trái, hương hoa, trà rượu, vàng bạc… để cùng tham gia nghinh ông. Về đến lăng, toàn thể Ban Khánh tiết khăn áo chỉnh tề tập trung để rước đoàn vào chánh điện. Ông Chánh niệm hương đặt lư hương lên bàn thờ chính, tiến hành nghi thức dâng rượu, trà. Đây là nghi thức ” Mừng sắc ông” . Sau đó, hàng loạt các gia đình ngư dân, trong đó có cả ngư dân người Hoa đến chánh điện  cúng tạ ông Nam Hải với khá nhiều lễ vật, nhưng lớn nhất phải là heo quay. Lúc này, ở nhà từng ngư dân, người ta tổ chức tiệc ăn mừng, có mặt người người thân và cả bạn bè từ phương xa đến. Đó là tinh thần “ tứ hải giai huynh đệ”, cởi mở, bao dung,… của con người xứ biển. Có thể nói, đây là cái “ tết” thứ 2 của ngư dân Bình Thắng sau một mùa đánh bắt xa bờ. Khoảng 10g sáng, Ban Khánh tiết tề tựu tại nhà Tiền vãng để làm tế Tiền vãng, tức cúng Tiền hiền và Hậu hiền. Những mâm thức cúng dọn ra thật đẹp mắt, có những mâm xôi đơm thật đều với nhiều màu sắc khác nhau. Sau 3 tuần rượu và 1 tuần trà, ông Chánh Niệm hương đọc văn tế Tiền hiền, Hậu hiền. Nội dung bài văn tế này là sự cảm tạ của ngư dân đối với những người “ lập ấp chiêu dân đặt thành làng xóm. Dựng đình, xây miếu, đèn hương lưu mãi trăm năm” (1, trang 83-84).  Bài văn tế được viết trên một tờ giấy đỏ, có hình chữ nhật, đặt ở dưới bàn thờ Tiên sư, và được đốt sau khi cúng xong. Sau nghi cúng này là nghi Chánh tế vào lúc 12g đêm ngày 16. Sau nghi thức Khời chinh cổ (mỏ, trống, chiên) là các nghi thức dâng trà, rượu như lần trước, có sự tham gia của học trò lễ, đào thài. Ông Chánh niệm hương sẽ đọc văn tế ông Nam Hải với nội dung cầu nguyện: “ Biển hóa hiển linh, giúp người trong mưa bão, đi đến nhẹ nhàng, cứu người giữa lúc sóng dâng” [1, trang 86-87].  Văn tế được đốt và nghi này hoàn tất, mọi người cùng dùng bữa khuya. Trước lễ Chánh tế là lễ Xây chầu đại bội tại nhà Võ ca. Tùy vào mỗi năm với số lượng kinh phí có được nhiều hay ít mới tổ chức lễ này.  Ngày 17 tháng 6 âm lịch là ngày cuối cùng, chủ yếu là diễn tuồng hát bội để phục vụ người dân. Nghi cuối cùng là nghi cúng Tống ôn, hay còn gọi là đưa khách, tiễn khách, tức tống đi những điều xui rủi, bệnh tật cho người dân. Ngày nay, theo quan niệm của ngư dân, đó còn là sự tiễn đưa những cô hồn, âm binh, gia tướng của ông Nam Hải sau khi tham dự 3 ngày hội với họ. Trước đây, nghi này được đem ra sông để thả, bao gồm:  Vàng bạc, mắm muối, đồ thí, củi,….cho “cô bác” mang về thụ hưởng. Gần đây, Ban Khánh tiết tổ chức nghi này ở phía ngoài cổng lăng.

      Qua lễ hội nghinh Ông của cộng đồng ngư dân Bình Thắng, chúng tôi có mấy nhận xét như sau:

           _ Thứ nhất, đây là một nhu cầu sinh hoạt văn hóa của cộng đồng như dân địa phương. Nó vừa mang ý nghĩa tâm linh, sự cầu mong một mùa đánh bắt thuận lợi, bình an nơi biển cả, nhưng cũng vừa là nhu cầu giải trí, giao lưu, và cố kết cộng đồng ngư dân với nhau. Lễ hội của cộng đồng ngư dân Bình Thắng mang tính tiêu biểu cho  lễ hội của cộng đồng ngư dân ven biển Bến Tre với đầy đủ các nghi thức, qui mô tổ chức, phản ánh chân thực đời sống văn hóa dân gian của họ. Mặt khác, phải đắm mình vào trong không khí của nó mới hiểu được vẻ đẹp, sự thăng hoa, lung linh nhưng không kém phần thiêng liêng, cao cả của những con người làm nghề “ thương hồ hạ bạc” này. Đó là một góc của văn hóa và con người vùng đất Bến Tre.

            _ Thứ hai, lễ hội này là một di sản văn hóa quí báu không riêng gì của Bình Thắng mà còn tiêu biểu cho Bến Tre. Bảo tồn và phát huy di sản này là một việc làm thiết thực, có ý nghĩa, góp phần giáo dục truyền thống văn hóa cho người dân địa phương. Đó phải  giữ được một không khí thấm đẫm tính dân gian với tín ngưỡng, sinh hoạt dân gian, kiến trúc,…tồn tại như một tổng thể văn hóa. Làm được điều đó sẽ tôn vinh được các giá trị văn hóa dân gian như những viên ngọc quí của người dân ven biển Bến Tre  được lưu truyền qua bao thế hệ.

_ Thứ ba, lễ hội nghinh ông Bình Thắng được tổ chức theo đúng qui định của nhà nước, tránh được sự lãng phí, mê tín dị đoan, phù hợp với tín ngưỡng như một nhu cầu chính đáng của người dân. Qua lễ hội này, các hoạt động như: Họp mặt ngư dân để trao giải gương tiêu biểu đánh bắt giỏi, tuyên truyền bảo vệ môi trường biển, nâng cao hơn nữa năng suất đánh bắt,…đã góp phần to lớn trong việc nâng cao nhận thức của ngư dân.

­          _ Thứ tư, trong thời gian qua, Bến Tre đã đưa lễ hội nghinh ông Bình Thắng vào trong danh sách những lễ hội lớn của tỉnh bên cạnh: Lễ hội tưởng niệm Nguyễn Đình Chiểu ( ngày 1-3/7 dương lịch), lễ hội trái cây ở Chợ Lách ( khoảng mùng 5/5 âm lịch),…Mặt khác, lễ hội này được đầu tư để thu hút khách du lịch trong và ngoài tỉnh tham gia. Việc khai thác các giá trị văn hóa truyền thống để phát triển du lịch, tạo nguồn thu kinh tế là việc làm cần thiết, phù hợp với điều kiện phát triển của tỉnh. Tuy nhiên, nếu làm được như thế thì cần phải đầu tư hơn nữa mang tính khoa học và bài bản, đó là về cơ sở hạ tầng, cách phục vụ, giữ môi trường tự nhiên, có lực lượng hướng dẫn am hiểu tường tận vấn đề để giới thiệu cho du khách trong và ngoài nước.

 

 

Tài liệu tham khảo:

1.     Nguyễn Chí Bền, Tìm hiểu một số hiện tượng văn hóa dân gian Bến Tre, Nxb.Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1997.

2.     Lư Xuân Chí, Bến Tre bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, Bảo tàng Bến Tre, tháng 4-2005.

3.     Trang Thanh Hiền, Hình tượng Quan Âm thiên thủ thiên nhãn ở Việt Nam, Nxb.Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2005.

4.     Trần Hồng Liên (chủ biên), Cộng đồng ngư dân Việt ở Nam bộ, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2004.

5.     Dương Hoàng Lộc và các tác giả, Các kiến trúc dân gian và kiến trúc thờ tự tiêu biểu ở tỉnh Bến Tre, Tạp chí Khảo Cổ học, số 2/2007.  

6.     Nguyễn Duy Oanh, Tỉnh Bến Tre trong trong lịch sử Việt Nam ( từ năm 1575 đến 1945), Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa, Sài Gòn, 1971.

7.     Thạch Phương-Đoàn Tứ ( chủ biên), Địa Chí Bến Tre, Nxb.Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2001

8.     Ngô Đức Thịnh, Về tín ngưỡng lễ hội cổ truyền, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2007.

9.     Nguyễn Duy Thiệu, Cộng đồng ngư dân ở Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2002.

10. Nguyễn Phương Thảo, Văn hóa dân gian Nam bộ những phác thảo, Nxb Giáo Dục, Hà Nội, 1997.

11. Huỳnh Ngọc Trảng-Trương Ngọc Tường, Đình Nam bộ xưa và nay, Nxb Đồng Nai, Đồng Nai, 1997.

(Nguồn: Tham luận Hội thảo khoa học Thông báo Dân tộc học 2007 do Viện Dân Tộc học –Viện Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức tại Hà Nội)