Khởi sùng Nho bất như Thích chi thâm tai!

ThS. Tạ Đức Tú

Bộ môn Ngữ văn, Khoa KHXH &NV, ĐH Cần Thơ

Đó là một câu hỏi tu từ có phần chua xót của Hoàng Đức Lương khi nói về thơ văn đời Lý - Trần. Trong Trích diễm thi tập tự, Hoàng Đức Lương nêu lên bốn lí do khiến “thơ không thể truyền (lại) hết cho đời (sau)” (Thi bất tận truyền ư thế). Lí do thứ nhất là chỉ có nhà thơ mới thấy được cái hay cái đẹp của thơ, từ đó mà yêu thơ và gìn giữ chúng. Lí do thứ hai là những người có học (làm được thơ và yêu thơ) thì ai cũng chăm lo cho công việc mình, không chú ý đến việc biên chép, giữ gìn thơ (họ xem thơ như là thú tiêu khiển, nhàn thì, chứ không phải là sự nghiệp). Lí do thứ ba là cũng có người muốn biên chép để giữ gìn văn hiến nhưng lại lo trách nhiệm của công việc ấy quá nặng nề mà sức mình có giới hạn nên đều bỏ dỡ (người xưa có câu “khôn văn điếu dại văn bia”, tức họ ái ngại việc viết để lưu truyền dài lâu, dễ bị người đời đánh giá). Lí do thứ tư là chỉ kinh sách nhà Phật được tự do lưu hành, còn thơ văn nói chung, nếu không nhìn thấy “thánh chỉ” thì không ai dám đem in.

Ở bài viết này chúng tôi xin mạn bàn đến lí do thứ tư khiến thơ không truyền hết cho đời sau của Hoàng Đức Lương.

Riêng bản dịch nghĩa đoạn này đã có ba cách dịch khác nhau, nhưng không lớn lắm, vì tinh thần mà Hoàng Đức Lương muốn nói đến vẫn được đảm bảo. Trước hết ta cần biết nguyên văn:

李 陳 之 書 籍 見 行 于 世 者, 唯 禪 家 為 多, 豈 崇 儒 不 如 釋 之 深 哉? 蓋 禪 家 無 禁, 皆 得 鋟 板, 詩 文 非 得 窺 聖 旨 不 敢 刊 行 .

Phiêm âm: Lý Trần chi thư tịch kiến hành vu thế giả, duy thiền gia vi đa, khởi sùng Nho bất như Thích thâm tai! Cái Thiền gia vô cấm, giai đắc tẩm bản, thi văn phi đắc khuy thánh chỉ bất cảm san hành.

Dịch nghĩa:

- Bản dịch của Trần Văn Giáp trong Tìm hiểu kho sách Hán Nôm (tập 2, xuất bản năm 1970): Sách vở về thời Lý, Trần được lưu hành ở đời, phần nhiều chỉ là sách nói về việc “Thiền gia” (nhà Phật), chẳng phải chuộng Nho không sâu sắc bằng chuộng Phật đó sao! Bởi vậy, nếu nhà chùa không cấm đoán, (các sách) đều được khắc ván đem in; còn thơ văn, hễ chưa có sắc chỉ của vua thì không dám khắc in lưu hành. [tr 809]

- Bản dịch của Lê Trí Viễn trong Cơ sở ngữ văn Hán Nôm (tập 3, xuất bản năm 1986): Sách vở đời Lý - Trần được lưu hành ở đời, duy (của) nhà chùa là nhiều; (như thế) há tôn sùng đạo Nho không sâu bằng đạo Thích chăng! Có lẽ (sách vở) nhà chùa không (bị) cấm, (nên) đều được khắc bản in, (còn) thơ văn (khác) nếu không được thấy chỉ nhà vua thì không dám in ra. [tr 433]

- Bản dịch của Phạm Trọng Điềm trong Sách giáo khoa Ngữ văn 10 (tập 2, xuất bản năm 2009): Sách vở về đời Lý - Trần phần nhiều chỉ thấy công việc nhà chùa là được lưu hành, như thế đâu phải vì lòng tôn sùng Nho học không sâu bằng Phật học, mà chỉ vì nhà chùa không ngăn cấm, cho nên được khắc ván để truyền mãi lại cho đời sau, còn như thơ văn, nếu chưa thấy được lệnh vua, không dám khắc ván lưu hành. [tr 29]

Về các bản dịch, đoạn này có hai câu đáng chú ý:

- Câu thứ nhất: Khởi sùng Nho bất như Thích chi thâm tai! Ở câu này, bản dịch của cụ Trần Văn Giáp và Giáo sư Lê Trí Viễn dịch sát thực hơn: “Há là chuộng đạo Nho không sâu bằng đạo Phật chăng!” Đây là một câu hỏi tu từ có ý ta thán, trách cứ, nhưng đồng thời cũng ngầm thừa nhận sự thật lịch sử của Hoàng Đức Lương. Ở bản dịch của ông Phạm Trọng Điềm không thể hiện rõ điều cốt lõi này, nó mới là một vế làm tiền đề khẳng định cho câu thứ hai.

- Câu thứ hai: Cái Thiền gia vô cấm, giai đắc tẩm bản, thi văn phi đắc khuy thánh chỉ bất cảm san hành. Đây là câu giải thích rõ hơn, nêu thực tế cụ thể cho câu thứ nhất. Ở bản dịch của ông Phạm Trọng Điềm cũng cho thấy điều đó thông qua cụm liên từ “mà chỉ vì”, những chưa minh bạch cho lắm. Trong khi đó, cách dịch của cụ Trần Văn Giáp và Giáo sư Lê Trí Viễn là cụ thể, rõ ràng hơn, nêu đúng tinh thần mà Hoàng Đức Lương muốn nói. Dù vậy, giữa hai bản dịch này vẫn có sự khác biệt về cách hiểu. Ở bản Trần Văn Giáp là nêu lên giả định: “Nếu nhà chùa không cấm đoán”, tức là muốn nói, chỉ cần sự đồng ý từ phía nhà chùa thì “(sách vở) đều được đem in để lưu hành”. Ở bản Lê Trí Viễn lại nêu lên một cách nghĩ: “Có lẽ (sách vở) nhà chùa không (bị) cấm”. Ta hiểu sự cấm này không phải xuất phát từ nhà chùa như bản Trần Văn Giáp mà là sự cấm từ chính quyền đương thời trong tương quan với vế sau: “(còn) thơ văn (khác) nếu không được thấy chỉ nhà vua thì không dám in ra”.

Như vậy, cụ Trần Văn Giáp hiểu là sách vở ở nhà chùa, do nhà chùa tự quyết định, nếu thấy phù hợp thì chủ động khắc ván đem in để phổ biến, lưu truyền. Giáo sư Lê Trí Viễn thì hiểu trong tầm xã hội, sách vở nói chung phải có lệnh vua thì mới được in, nhưng triều đình lại không cấm đoán, kiểm soát kinh sách nhà chùa. Theo chúng tôi, cách hiểu này sát thực hơn trong bối cảnh xã hội trung đại Việt Nam, đặc biệt là ở thời Lý - Trần. Sách vở nói chung thuộc tầm quản lí quốc gia, tức phải thông qua sự kiểm duyệt của triều đình. Ở phạm vi nhà chùa không bị cấm đoán chẳng qua là một sự ưu ái đặc biệt mà thôi.

Khảo qua thống kê sách vở ở thời Lý - Trần, đúng là chỉ có kinh sách nhà chùa được lưu hành rộng rãi, trong khi “tao nhân tài tử” thời này không phải là ít, vậy mà tác phẩm thơ văn được in ấn lại rất hạn chế. Theo cụ Trần Văn Giáp trong công trình Tìm hiểu kho sách Hán Nôm (2 tập) thì thơ văn thời Lý - Trần chỉ có 17 tác phẩm (*). Trong số đó, đã có quá nửa là của các vua nhà Trần (7 tác phẩm) và nhà sư (3 tác phẩm). Tác phẩm được lưu hành trong hệ thống nhà chùa, ngoài kinh sách Phật giáo thì có thể thấy thời Lý - Trần nở rộ thể loại văn học Phật giáo đặc trưng, đó là thể Lục, gồm Tạp lục, Ngữ lục, Thiền lục, Dịch lục, Bí lục (không kể Thực lục). Điều này cho thấy, kinh sách nhà chùa và văn học Phật giáo đã đạt thế thượng phong, áp đảo hoàn toàn văn học nghệ thuật (thi ca từ phú … ).

Xét về lí do, có hai lí do nổi bật: Thứ nhất, phải thừa nhận, Phật giáo thời Lý - Trần là Quốc giáo. Hệ thống chùa chiền rất nhiều, cần có nhiều kinh sách để tụng đọc cho thống nhất nên chắc chắn ở hệ thống nhà chùa có “nhà in” riêng để thực thi việc đó. Có nghĩa là hệ thống nhà chùa lúc này có tiềm lực rất lớn và có “thị trường” rộng rãi ở khâu phân phối nên việc khắc in tác phẩm liên quan đến Phật giáo là khá dễ dàng. Ngược lại, thơ thời kỳ này giống như “nhật ký” của riêng một người, viết để thưởng lãm, trao tặng nhằm tìm sự đồng cảm hay gửi gắm điều gì đó. Nghĩa là ở cấp độ cá nhân thì rất khó lưu hành. Thứ hai, hệ thống chính quyền phong kiến Lý - Trần vốn sùng mộ đạo Phật, thậm chí xuất thân từ nhà chùa như Lý Công Uẩn. Đặc biệt ở đời Trần, các vua sau một thời gian trị vì thường truyền ngôi cho Thái tử để lo bề tu đạo và đắc đạo, như trường hợp của Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Cho nên chính sách ưu ái đối với nhà chùa là không tránh khỏi.

Ngoài ra, vấn đề kinh sách nhà chùa được khắc in nhiều hơn thơ văn nói chung còn do quan niệm “văn sử triết bất phân” của thời trung đại. Ở đây, trong chu cảnh cụ thể này là mối quan hệ giữa văn và triết. Quả vậy, ở thời Lý - Trần, một tác phẩm văn chương không đơn thuần đảm nhận chức năng của riêng nó. Các sáng tác nói chung, sáng tác văn chương nói riêng đều đảm nhận chức năng riêng, ngoài văn học. Trong đó chức hành chính - công vụ là phổ biến nhất, nó rải khắp các thể loại văn học thời kỳ này. Bên cạnh đó, các sáng tác trong nhà chùa không chỉ thực thi chức năng nghi lễ - tôn giáo, mà chức năng văn học của chúng cũng vô cùng phong phú. Biểu hiện rõ nhất là các bài kinh, kệ thường được thể hiện dưới hình thức văn vần, hay những thi phẩm của các cao tăng cũng vậy, vừa khuyên răn, gửi gắm (thực hiện chức năng) nhưng lại cũng rất văn chương, tài tử. Vậy, nói không ngoa, những tác phẩm được khắc in để lưu hành trong nhà chùa cũng là những tác phẩm văn chương đích thực. Ganh giới giữa văn (nghệ thuật) - triết (tôn giáo) ở đây là rất mờ nhạt.

Thêm nữa, nhìn vào ba lí do mà Hoàng Đức Lương đã nêu ở trên cũng cho ta thấy rõ rằng thời Lý - Trần chưa có một công trình thơ văn nào lớn đến mức được khắc in để lưu hành và truyền đọc rộng rãi. Phải đến đâu đời Lê mới có công trình đầu tiên là Việt âm thi tập của Phan Phu Tiên (Chu Xa bổ sung). Sau đó là Tinh tuyển chư gia luật thi hay Cổ kim chư gia tinh tuyển của Dương Đức Nhan rồi mới đến Trích diễm thi tập của Hoàng Đức Lương. Trong Kiến văn tiểu lục, Lê Quý Đôn đã nhận định về ba bộ thi tuyển này như sau: “Hồi đầu quốc triều, Phan Phu Tiên biên chép được một số thơ của vua quan, sứ thần triều Trần và các bài vịnh của đức Cao Đế (Lê Thái Tổ), đức Văn Đế (Lê Thái Tông) và các Nho thần bản triều, biên soạn thành sách Việt âm thi tập. Sau đó, Dương Đức Nhan biên soạn thêm những bài thơ không có trong Việt âm thi tập của Phan Phu Tiên, soạn thành Tinh tuyển tập. Kế đó, Hoàng Đức Lương lại soạn những bài còn thiếu trong 2 bộ trên, làm thành sách Trích diễm thi tập. Gộp cả ba tập ấy lại mà đọc thì có thể thấy được toàn bộ thi ca nước nhà”.

 Như vậy, thơ văn đời Lý - Trần không phải là ít, có điều, chúng chưa được các “hiền giả đương thời” lưu tâm đúng mức. Vì thế mà Hoàng Đức Lương mới đặt vấn đề “Há là chuộng đạo Nho không sâu bằng đạo Phật chăng!”. Ai cũng biết Nho học trong xã hội phong kiến là quan trọng, nó giúp duy trì trật tự xã hội rất hiệu quả, những người trong giới Nho lâm cũng là gường cột cho nước nhà (quốc gia chi lương đống), tức là không thể thiếu. Trong khi đó, cái cốt của Phật là tu hành truyền đạo, dẫu rằng cũng có nhiều người xuất chúng, đứng ra chấp chính, nhất khi Nho học chưa khởi phát như ở thời Lý. Vậy mà triều đình lại “chuộng đạo Nho không sâu bằng đạo Phật”, không để nhà Nho tự do khắc in lưu hành tác phẩm của mình cho đời sau. Xuất thân khoa trường, thuộc hàng “hiển Nho”, lại lưu tâm đặc biệt với văn hiến nước nhà nên Hoàng Đức Lương chua xót cho cảnh đó. Nhất là mỗi khi muốn nghiên cứu thơ, đều phải đọc thơ nhà Đường, thơ văn nước nhà thì lưu lạc tản mát, không có cơ sở để khảo đính. Ở đây không phải ông nêu lên để so sánh hay “ganh tị” với Phật giáo, mà là chua xót cho thơ văn, cho văn hiến nước nhà nói chung không được gìn giữ đúng mức. Đến ông, ông đã vượt những phiền ngại của tiền nhân, cất công “bàng sưu quảng phỏng” để soạn bộ thi tuyển cho đời. Đáng quý thay những con người như thế!

TĐT

Chú thích:

(*) Các tác phẩm ấy là: Ngộ đạo tập của sư Khánh Hỷ, Trần Thái Tông ngự tập, Phi sa tập (thơ Nôm) của Hàn Thuyên, Trần Thánh Tông thi tập, Ngọc Tiên tập của sư Huyền Quang, Đại hương hải ấn thi tập của Trần Nhân Tông, Trần Nhân Tông thi tập, Thuỷ vân tuỳ bút của Trần Anh Tông, Trần Minh Tông thi tập, Trần Nghệ Tông thi tập, Đoan sách lục của sư Pháp Loa, Cúc Đường di thảo của Trần Quang Triều (cháu nội Trần Quốc Tuấn), Giới Hiên thi tập của Nguyễn Trung Ngạn, Tiều Ẩn thi tậpTiều Ẩn quốc ngữ thi của Chu An, Hiệp Thạch tập của Phạm Sư Mạnh, Nhị Khê tập của Nguyễn Phi Khanh.

Tài liệu tham khảo:

1. Trần Văn Giáp - Tác phẩm được giải thưởng Hồ Chí Minh (Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, 2 tập) - NXB KHXH, H - 2002

2.Phan Trọng Luận (tổng chủ biên) - Ngữ văn 10 (tập 2) - NXB GD, H - 2009.

3. Lê Trí Viễn - Một đời dạy văn, viết văn (tập 7 - Cơ sở ngữ văn Hán Nôm, tập 2&3)- NXB GD, H - 2006.

Danh mục website