Hiểu thêm về quan niệm thơ của nhóm "Xuân thu nhã tập"

Phải nói rằng người đề cao tột bậc phong trào Thơ mới là nhà phê bình Hoài Thanh, tác giả Thi nhân Việt Nam (1942). Nhưng cũng không ai khác, chính Hoài Thanh cũng là người tiên cảm sớm nhất chỗ dừng lại, hay nói đúng hơn là số phận của Thơ mới. Tác giả viết với một tâm trạng bùi ngùi rằng: "Đời chúng ta nằm trong vòng chữ tôi. Mất bề rộng ra đi tìm bề sâu. Nhưng càng đi sâu càng thấy lạnh (...). Cùng lòng tự tôn, ta mất luôn cả cái bình yên thuở trước", "... ta thấy thiếu một điều cần hơn trăm nghìn điều khác, một lòng tin đầy đủ". Tác giả Thi nhân Việt Nam gọi hẳn đó là "bi kịch". Liệu có một giải pháp nào để cứu vãn bi kịch đó không ? Hoài Thanh vừa tiên liệu, vừa đề xuất: Tìm vào tình yêu tiếng Việt, vào tinh thần nòi giống, vào "dĩ vãng để vin". Con đường vận hành của Thơ mới (1932 - 1941) là quá trình đi tới sự trọn vẹn, hoàn tất ngay trong bản thân nó. Trong sự sung mãn và phong phú tận độ của cái tôi thơ mới đã bắt đầu vẳng lên hồi chuông báo động vế số phận lịch sử của nó. Cho nên như một tất yếu, vào những năm 1941 - 1942, được coi là những năm cuối của phong trào Thơ mới, đã xuất hiện một đôi tiếng nói khác lạ, đi chệch khỏi con đường đi của Thơ mới. Thực chất đây là một sự tự thức tỉnh, một nhu cầu muốn cải tạo thơ ca hiện hành, để tìm một tiếng thơ khác hơn. Xuân Thu nhã tập (XTNT) ra đời nhờ sự tự ý thức ấy và đã nồng nhiệt trình bày quan niệm của mình.

 


Trở lại với quan niệm thơ của Hoài Thanh. Khi ông coi nội dung trữ tình của thơ là cái tôi cá nhân với tất cả các biểu hiện phong phú của nó ("Hồn thơ rộng mở như Thế Lữ, mơ màng như Lưu Trọng Lư, hùng tráng như Huy Thông, trong sáng như Nguyễn Nhược Pháp, ảo não như Huy Cận, quê mùa như Nguyễn Bính, kì dị như Chế Lan Viên... và thiết tha, rạo rực, băn khoăn như Xuân Diệu") thì đó hẳn là cái tôi trần thế, thuộc về con người - một thế giới khả nhiên, thân mật, gần gũi, có thể chia sẻ và cảm thông được. Và như vậy, nó dị ứng với những gì siêu nhiên, huyền bí, khác lạ với con người. Chính vì quan niệm như thế, mà Hoài Thanh đã chê Bích Khê và Xuân Sanh (mà sau đó Xuân Sanh là một trong những thành viên của nhóm XTNT) rằng: "Các ông Bích Khê và Xuân Sanh noi theo gương Mallarmé, Valéry không thèm gìn giữ gì hết. Trong tác phẩm của họ vẫn chừng ấy tiếng ta rất quen, nhưng thảng hoặc ta mới tìm được dấu tích những ý tứ, những tình cảm ta vẫn quen gửi vào đó. Họ chạm trổ rất tỉ mỉ, không phải những rồng những phượng ngày trước, mà những gì chẳng ai biết tên. Những gì đó đôi khi cũng đẹp. Đôi khi hình như họ đã diễn tả được những điều sâu kín, nhưng lời thơ rắc rối quá, dầu sao phần đông chúng ta cũng đành... kính nhi viễn chi". Dị ứng với đôi bài thơ đi chệch quỹ đạo cái tôi trần thế  như vậy, trong khi đó loại thơ này ngày một xuất hiện, nội điều này chứng tỏ quan niệm thơ của Hoài Thanh cần phải được điều chỉnh, bổ sung. XTNT ra đời trong tình hình ấy không nhằm phủ nhận Thơ mới nói chung, mà là một tiếng nói khác có khả năng đón nhận và phát triển một bộ phận thơ đang cựa quậy đòi vượt khỏi quỹ đạo thơ mới đại trà.

Xuân Thu nhã tập đã kết nạp vào cái tôi cá nhân hiện có của Thơ mới những tín điều huyền diệu, linh thiêng, khó nắm bắt, có màu sắc siêu nhiên. Cũng là đề cao bản ngã thuần tuý, cái bản ngã của thi nhân, họ cho rằng: "Thơ chỉ hình dung cái bản ngã thuần tuý, cái bản ngã cuối cùng của thi sĩ hay sự vật. Thơ chỉ là một sự nhớ lại, một cuộc trở về của thi sĩ trong cái tôi của mình nằm trong sự vật". Đây chính là cái bản ngã, cái tôi đã thoát khỏi cái tôi trần thế thông thường, đã "Từ cái tôi dày đặc, tăm tối biến trong khoảnh khắc đến cái ta sáng suốt, không cùng", "cái ta đã giác ngộ, đã giải thoát, hoà lẫn với khinh thanh, rung động nhịp nhàng với Nhạc thiên thu, theo Điệu tuyệt vời và tuyệt đối". "Cái ta" trong lập luận của XTNT cũng không phải là cái ta thông thường, cái ta cộng đồng xã hội, mà là cái ta siêu hình, không tưởng, huyền hoặc, thực chất vẫn là cái tôi, cái bản ngã trên kia. Có thể gọi đó là cái tôi linh thiêng với những nội dung không xác thực của nó. XTNT đã lấy cái tôi linh thiêng làm nội dung trữ tình cho thơ hòng vựơt thoát khỏi Thơ mới đương thời, mở rộng bờ cõi không cùng cho sự sáng tạo thi ca nói chung. Bản thân nỗ lực tìm tòi này rất đáng được trân trọng ghi nhận.

Từ quan niệm về cái tôi trữ tình của thơ như thế, XTNT xác định quan niệm cụ thể về tác phẩm thơ và các yếu tố nghệ thuật của thơ. Trước nhất, họ cho rằng muốn trở thành một tác phẩm thơ thì yếu tố quan trọng đầu tiên mà nếu không có nó sẽ không có gì hết, đó là chất thơ. Cũng cần nói ngay rằng, nội hàm khái niệm chất thơ ("tính chất thơ") trong cách hiểu XTNT, được đặt trong sự đối lập với "tính chất văn": "Một là tính chất giãi bày, thuộc lí trí, vụ ích lợi, nói gồm là tính chất "văn". Hai là tính chất hàm súc, tiềm thức, thuần tuý, gọi là tính chất "thơ"; và cả hai tính chất này có thể cùng có mặt trong bất cứ tác phẩm nào cho dù văn xuôi hay văn vần với những tỉ lệ khác nhau. Đến khi xem xét cụ thể chất thơ trong tác phẩm thơ, họ lập luận tiếp: "Là bài thơ nếu bài văn chương (dù ở thể nào, loại nào) có chất "thơ", hàm súc cái rung động siêu thoát, phảng phất cái hương vị tuyệt vời... Và giá trị của nó định ở cái lượng hàm súc cùng cái phẩm phảng phất kia, truyền diễn nhịp nhàng trên cánh Nhạc, bồng tới chỗ Trong, Đẹp, Thật: Đạo trong nghệ thuật" (...). "Bài thơ" theo nghĩa chặt chẽ (kết bằng những câu có vần điệu, hay theo những niệm luật rõ rệt hay tiềm tàng) có được trọn vẹn cái lượng và cái phẩm nói trên kia". Quan niệm về chất thơ như vậy thực ra là đã đi vào địa hạt siêu hình, song có phần hợp lí của nó là đã biết chú trọng đến sự rung động của tình cảm, tính hàm súc và tính nhạc trong thơ. Vậy là khái niệm chất thơ của họ được hiểu trong hai mức độ: 1) Bất kể tác phẩm văn chương dù ở thể loại nào cũng có thể có chất thơ, và khi đã có chất thơ tức đã là "Bài thơ" theo nghĩa rộng; 2) Còn bài thơ theo nghĩa hẹp, tức là tác phẩm thơ thì nhất thiết phải có chất thơ và là chất thơ được tập trung ở mức cao nhất, được kết tinh mới thành; tác phẩm thơ này gạt bỏ hoàn toàn "tính chất văn" ra khỏi lãnh địa của mình, để được là nơi ngự trị hoàn toàn của chất thơ thuần khiết. Ngày nay, lí thuyết hiện đại về thơ xác nhận "chất thơ (chỉ phẩm chất của những sáng tác bằng văn vần hoặc văn xuôi giàu xúc cảm, nội dung cô đọng, ngôn ngữ giàu hình ảnh và nhịp điệu - VG) là điều kiện cơ bản của bài thơ, không có chất thơ thì nhất quyết không thể có thơ hay" (1)

Không chỉ dừng ở đây, XTNT đã tiếp tục xem xét đơn vị tác phẩm thơ. Họ cho rằng, tác phẩm thơ là một chỉnh thể trọn vẹn, toàn khối, duy nhất, không thể thay thế, là sự thống nhất cao độ giữa nội dung và hình thức, giữa hồn và xác, giữa mỗi yếu tố và toàn bài. Họ khẳng định: "Tiêu chuẩn về hình thức "thơ" là tính cách độc nhất. Đọc xong "bài thơ" ta bị y nguyên những câu, những tiếng của toàn bài chi phối. Hình thể, cùng một lúc với hồn, sống mãi trong ta (lưỡng tính của thơ). Và ta không thể di dịch một âm thanh, một hình ảnh mà không phản bội và tàn phá". Đây là một quan niệm rất chuẩn xác và hiện đại về tính chỉnh thể của tác phẩm thơ. Họ không chỉ coi đây là một tiêu chuẩn đánh giá chất lượng nghệ thuật của thơ, mà còn quy định cách ứng xử đối với thơ, cách đọc, thưởng thức, phê bình thơ. Nó dõng dạc đoạn tuyệt với cách đọc truyền thống - lối phê văn, điểm bình, khen chê tuỳ hứng, tầm chương trích cú. Mà cách đọc truyền thống này đã trở thành một tập quán, một nếp tư duy, một sức ì rất lớn, cho đến tận hôm nay chưa phải đã hết. Quan niệm về tính chỉnh thể của tác phẩm thơ mà XTNT có được rõ ràng là một tìm tòi đáng trân trọng.

Chúng tôi muốn nói thêm một điều cuối cùng: Nhóm XTNT đã lên tiếng chối từ nguồn ảnh hưởng của phương Tây đối với thơ Việt Nam. Họ cho rằng sự ảnh hưởng này không phải đơn thuần ở cú pháp, hình thức kĩ thuật bên ngoài, mà là ở kiểu tư duy: Một đằng của phương Tây là tư duy duy lí, phân tích, "lối diễn tư tưởng... có phương pháp" và một đằng của Á Đông là duy cảm, "lối diễn cảm giác"; một đằng là "mặt sáng của ý thức (chỉ là phần tương đối, ích lợi, phần "văn"), có lợi cho "văn" hơn cho "thơ", và một đằng là "những lớp dày đặc của tiềm thức và vô ý thức, nơi ẩn lẽ thật, cái thuần tuý, cái "thơ" - điều mà "người Á Đông ta có cái trí cổ sơ, trực giác ngay tự lúc đầu, nhờ một ngôn từ đặc biệt". Cái tác giả XTNT nhận định: ở Pháp cuối thế kỉ XIX, dòng thơ tượng trưng với tên tuổi Rimbaud, Mallamé, Valéry đã tìm tòi, từ bỏ lối diễn đạt phân tích sáng sủa để đạt tới chỗ "uẩn súc, huyền ảo" của Á Đông. Từ đó, họ đề cao một khía cạnh trong quan niệm thơ truyền thống: Thơ "phải chứa nhiều sức khêu gợi, ý ở ngoài lời". Và họ đã tiến tới định giá thơ: "Vậy thơ không cần lúc nào cũng rõ nghĩa, vì nó không chủ động trong địa hạt ý nghĩa; không phải lúc nào cũng sáng sủa vì nó không vụ phát biểu cái phần sáng sủa của tâm linh, nó giữ phần sâu kín, nó giữ phần sâu sắc; không phải lúc nào cũng theo lí luận, vì nó chịu sức chi phối của những luật vô hình; không lúc nào cũng để chỉ bảo một cái gì, vì nó không vụ ích lợi thực tế". Trong cái nhìn của lí luận hiện đại ngày nay, nhận định này không thể bỏ qua và phải được trân trọng để tiếp tục xem xét. Rõ ràng luận điểm này rất đúng với một bộ phận thi ca có thực, và nó mở ra những chân trời rộng rãi cho sáng tạo thi ca nói chung. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở đây, luận điểm này có thể gia nhập được với lí thuyết thơ hiện đại. Nhưng ngay sau đó, các tác giả XTNT lại đẩy thơ vào địa hạt của triết học cổ phương Đông - "Triết học nguyên thuỷ" theo cách nói của họ, nên không tránh khỏi màu sắc huyền hoặc: "Thơ là Đạo, cái đệ nhất nguyên lí, sẽ sáng tạo vạn vật, khi đã chia âm dương. Âm dương phải tương phối mới có sáng tạo, phát huy được cái Đạo nguyên thuỷ".

Có thể nói trong một số tiểu đoạn cụ thể, khi các tác giả XTNT dừng lại ở những luận điểm có tính bản thể luận về thơ, tức là bàn về thơ như một đối tượng nghệ thuật, ta có thể tìm thấy nhiều ý kiến xác đáng. Về phương diện đóng góp của XTNT trong khu vực lí thuyết thơ nói riêng và lí luận nghệ thuật nói chung, một số bài viết đã đề cập (tính đa nghĩa của thơ, tiếp nhận thơ...), ở đây chúng tôi xin phép không nhắc lại nữa(2). Nói là đóng góp cũng cần được hiểu trên hai mức độ: Những đóng góp cụ thể và những gợi ý kích thích tìm tòi sáng tạo. Lí thuyết về thơ của XTNT đã có được cả hai điều đó. Cũng cần phải nói thêm rằng, từ những luận điểm cơ sở có tính hiện thực đáng trân trọng ấy, các tác giả XTNT đã đẩy chúng lên hoà nhập vào lí thuyết huyền vi đạo Phật (tuệ giác, giác ngộ, tự giác nhi giác tha, khai giác...) và triết lí cổ phương Đông (thuyết âm dương tương sinh tương khắc) làm cho lí thuyết thơ có chỗ trở nên huyền bí, lơ lửng trên vòm trời không tưởng, thiếu tính khả thi, biểu hiện một mong muốn hơn là một giải pháp hữu hiệu nhằm thay đổi thơ ca đương thời. Một cuộc cách mạng thi ca thực sự không nằm ở các luận giải tự biện, các tuyên bố giáo điều, mà nằm ở thi pháp với một quan niệm thực sự mới mẻ về con người, và một hệ thống các phương thức, phương tiện thể hiện mới, tương ứng. Nhóm XTNT nặng về những tuyên bố có tính tư biện về thơ, với những giáo điều siêu hình, trong khi đó chưa kịp tạo ra một thi pháp mới ở các sáng tác cụ thể. Công cuộc tìm tòi đổi mới thơ ca của họ còn dang dở. Cho dù thế, quan niệm thơ của XTNT vẫn cứ là một đối tác quan trọng tác động đến các tiếng nói thơ khác cùng thời, hạn chế những biểu hiện vụ lợi, thực dụng đến mức thô thiển của thơ. Thêm nữa, chúng đã góp phần kích thích cho việc đi tìm những mô hình thơ khác có thể có, không chịu bằng lòng với những gì đang có.
Có thể nói rằng lí thuyết thơ của XTNT không chỉ là sự tìm tòi biểu thị khát vọng thay đổi và phát triển thơ ca Việt Nam sau năm 1942, mà ở những phần ôn hoà và mẫn cảm nhất, đã có những luận điểm mới mẻ mà đến nay vẫn còn giá trị, đáng được trân trọng kế thừa.

                                                         Hà Nội, 1996


(1) Lê Bá Hán- Trần Đình Sử- Nguyễn Khắc Phi, Từ điển thuật ngữ văn học (mục từ Thơ), Nxb Giáo dục, 1992.
 (2) Xem các bài sau:
-Lại Nguyên Ân, Cuộc cải cách của Phong trào thơ mới và tiến trình thơ tiếng Việt" ; Mã Giang Lân, Xuân Thu nhã tập, một hướng tìm tòi cuối cùng của thơ mới, in trong Nhìn lại một cuộc cách mạng trong thi ca, Nxb Giáo dục, H.1993.
-Trần Lê Văn, Vài cảm nghĩ về Xuân Thu nhã tập, TC Tác phẩm mới, số 3-1992.
-Nguyễn Bao, Cảm nhận từ Xuân Thu, Lời nói đầu cuốn Xuân Thu nhã tập, tái bản lần thứ nhất, Nxb Văn học, H.1991.

 

Danh mục website