Bước đầu nhận diện diễn ngôn, diễn ngôn văn học, diễn ngôn thơ (Bài 1)

1.     Quan niệm diễn ngôn

Cho đến nay, về cơ bản, các vấn đề như tác giả, tác phẩm, văn bản đã được giới thiệu rộng rãi ở ta. Song sự hình dung về diễn ngôn, sự lí giải diễn ngôn văn học, diễn ngôn thơ còn có những điểm chưa rõ ràng. Đã đến lúc và đã có những điều kiện bước đầu thuận lợi cho một sự tổng hợp, khái quát nhất định về các quan điểm diễn ngôn được giới thiệu tản mạn, hoặc không tự giác ở ta thời gian qua(1). Chúng tôi nghĩ, nếu nhận diện được diễn ngôn là gì và thao tác hoá được cách nghiên cứu diễn ngôn, bước đầu chúng ta sẽ có một cách tiếp cận mới đối với văn học, trong đó có các sáng tác thơ. Đọc thơ, theo quan niệm diễn ngôn, sẽ không còn chỉ quanh quẩn trong sự bình tán những nhãn tự, thần cú, cũng không thể chỉ đọc cảm xúc, thái độ của chủ thể, đọc thơ trở thành đọc cách tạo nghĩa, đọc cái hiện thực được thơ tạo ra, đọc các quan hệ quyền lực chi phối sự tạo thành và vận hành của chúng trong thực tiễn đời sống…

Quan niệm về diễn ngôn được giới thiệu ở ta sớm nhất trong lĩnh vực ngôn ngữ học. Có thể kể đến các công trình: Hệ thống liên kết văn bản tiếng Việt của Trần Ngọc Thêm (1985); Văn bản và liên kết trong tiếng Việt, Giao tiếp diễn ngôn và cấu tạo văn bản của Diệp Quang Ban (1998, 2009), Đại cương ngôn ngữ học, tập 2 của Đỗ Hữu Châu (2001), Dụng học Việt ngữ của Nguyễn Thiện Giáp (2000), Phân tích diễn ngôn – một số vấn đề lí luận và phương pháp của Nguyễn Hoà (2003), Từ điển tu từ - phong cách – thi pháp học của Nguyễn Thái Hoà (2005),...

Bên cạnh những công trình biên khảo nói trên, cũng có một số công trình nghiên cứu về diễn ngôn của nước ngoài được dịch sang tiếng Việt, chẳng hạn: Dụng học, một số dẫn luận nghiên cứu ngôn ngữ của George Yule (Hồng Nhâm, Trúc Thanh, Ái Nguyên dịch, 1997); Dẫn nhập phân tích diễn ngôn của David Nunan (Hồ Mỹ Huyền, Trúc Thanh dịch, 1998); Phân tích diễn ngôn của Gillian Brown, George Yule (Trần Thuần dịch, 2002), Dẫn luận ngữ pháp chức năng của Mak Halliday (Hoàng Văn Vân dịch, 2004)… các công trình này tập trung vào mấy điểm sau: diễn ngôn là gì, đặc điểm và chức năng của diễn ngôn, các vấn đề về ngữ cảnh và ý nghĩa diễn ngôn, cấu trúc thông tin của diễn ngôn, bản chất quy chiếu trong diễn ngôn, các đường hướng phân tích diễn ngôn… Cũng có thể kể đến các bài viết: “Phân tích diễn ngôn phê phán là gì?” (tạp chí Ngôn ngữ, 2 -2005), “Khía cạnh văn hoá của phân tích diễn ngôn” (tạp chí Ngôn ngữ, 12 -2005), “Thực hành phân tích diễn ngôn bài Lá rụng(tạp chí Ngôn ngữ, 2 - 2009), “Một vài dạng cấu trúc nhân quả khó nhận biết trong diễn ngôn nghệ thuật ngôn từ” (tạp chí Ngôn ngữ số 4 - 2009),…

 Chúng tôi thấy có ít nhất năm nhóm quan niệm về diễn ngôn trong ngôn ngữ học. Nhóm thứ nhất sử dụng khái niệm diễn ngôn (discourse(2)) và văn bản (text) đồng nghĩa với nhau, hoặc phân biệt hai khái niệm này bằng cách đính kèm chúng vào một trong hai dạng tồn tại của ngôn ngữ(3). Nhóm thứ hai cho rằng diễn ngôn thuộc đơn vị của ngữ nghĩa, còn văn bản thuộc đơn vị của ngữ pháp. Nhóm thứ ba quan niệm diễn ngôn chịu sự phán xét của dụng học, còn văn bản trở thành đối tượng của ngôn ngữ học văn bản. Nhóm thứ tư đề nghị nên sử dụng tên gọi diễn ngôn để chỉ quá trình giao tiếp, sự kiện giao tiếp có tính chỉnh thể và có mục đích; còn thuật ngữ văn bản dùng để chỉ sản phẩm của quá trình giao tiếp, sự kiện giao tiếp(4) ấy. Nhóm thứ năm gồm chức năng luận(5) chủ trương đặt diễn ngôn vào ngữ cảnh văn hoá xã hội, và cấu trúc luận thiên về mô tả cấu trúc độc lập của diễn ngôn(6).

Quan niệm về diễn ngôn cũng đã được giới thiệu trong khoa học văn học, song còn ở tình trạng tản mạn, hoặc chủ yếu ở dạng thực hành phân tích. Có thể đến các công trình: Chủ nghĩa cấu trúc và văn học của Trịnh Bá Đĩnh (2002); Sự đỏng đảnh của phương pháp do Đỗ Lai Thuý biên soạn và giới thiệu (2004); Văn học hậu hiện đại thế giới, những vấn đề lí thuyết, Lại Nguyên Ân, Đoàn Tử Huyến tổ chức biên soạn (2003); Các khái niệm và thuật ngữ của các trường phái nghiên cứu văn học ở Tây Âu và Hoa Kỳ thế kỉ 20, Đào Tuấn Ảnh, Trần Hồng Vân, Lại Nguyên Ân dịch (2003); Logic học về các thể loại văn học của Kate Hamburger, Vũ Hoàng Địch và Trần Ngọc Vương dịch (2004); Tác phẩm như là quá trình của Trương Đăng Dung (2007); Thi pháp văn xuôi, Dẫn luận về văn chương kì ảo của Tzevan Todorov, Đặng Anh Đào, Lê Hồng Sâm dịch (2003, 2007); Bản mệnh của lí thuyết của Antoine Compagnon, Đặng Anh Đào, Lê Hồng Sâm dịch (2006); Nhập môn Foucault của L.A. Fillingham, M. Susser, Nguyễn Tuệ Đan, Tôn Thất Huy dịch (2006); Thi học và ngữ học của Jakobson, Trần Duy Châu biên khảo (2008); Lý luận – phê bình văn học thế giới thế kỉ XX, tập 1, 2, Lộc Phương Thuỷ chủ biên (2007); Mấy vấn đề phê bình và lí thuyết văn học của Nguyễn Hưng Quốc (2007); Những huyền thoại của R. Barthes, Phùng Văn Tửu dịch (2008); Hoàn cảnh hậu hiện đại của Jean-François Lyotard (2008), Ngân Xuyên dịch;  Những vấn đề lý luận văn học phương Tây hiện đại, Tự sự học kinh điển, Trần Huyền Sâm biên soạn, giới thiệu (2009) … Gần đây, xuất hiện  thêm nhiều bài viết giới thiệu quan điểm diễn ngôn của Foucault, hoặc vận dụng quan điểm của Foucault, và của trần thuật học… lý giải một hiện tượng văn học cụ thể, như: “Những bậc tiên phong của tư duy hậu hiện đại” (tạp chí Nghiên cứu văn học, số 5 -2008), “Vị thế của văn học trong sân chơi văn hoá trên tiến trình lịch sử” (tạp chí Nghiên cứu văn học, 7 - 2009) “Dịch và lí thuyết dịch như một hệ hình lí luận, phê bình mới” (tạp chí Nghiên cứu văn học, 12 - 2009), “Chủ nghĩa hậu hiện đại như một hệ hình thế giới quan” (tạp chí Văn hoá Nghệ An, 4 - 2009); Diễn ngôn về tính dục trong văn xuôi hư cấu Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến 1945 của Trần Văn Toàn (in trong Nghiên cứu văn học Việt Nam, những khả năng và thách thức, Nxb. Thế giới, 2009), Về diễn ngôn tiểu thuyết Việt Nam đương đại (tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, 3 - 2010), Tính chất nước đôi của chủ thể hậu thuộc địa trong Vu khống của Linda Lê (tạp chí Văn học nước ngoài số 3 - 2010), Tính chất nước đôi và mầm mống phá huỷ nhãn quan thực dân về Việt Nam tính trong bộ phim Đông Dương  (http://www.tienve.org).... Dưới đây chúng tôi hệ thống và giới thiệu ba quan niệm nổi bật, tập trung.

P.Ilin, nhà nghiên cứu người Nga cho rằng, khái niệm diễn ngôn được các nhà cấu trúc luận đặt ra đầu tiên. Cách hiểu được luận chứng lí thuyết kĩ lưỡng về diễn ngôn do A. I. Greimas và J. Courtès đưa ra trong công trình Từ điển giải thích lí luận ngôn ngữ. Cả Greimas và Courtès đều đồng nhất diễn ngôn với quá trình kí hiệu hóa(7) , tức quá trình tạo kí hiệu, sử dụng kí hiệu, và cho rằng quá trình này được thực hiện ở những dạng thức thực tiễn diễn ngôn khác nhau.

Thực vậy, nói đến diễn ngôn, trước tiên người ta muốn nói đến phương thức hoặc quy tắc đặc trưng của việc tổ chức hoạt động ngôn từ. Đôi khi người ta còn dùng thuật ngữ diễn ngôn tương đương thuật ngữ phong cáchbiệt ngữ. Điều này có lí do của nó. Một mặt, mỗi lĩnh vực khoa học hay mỗi phạm vi tri thức đời sống có một mã ngôn ngữ để diễn đạt, biểu hiện nó; mỗi mã ấy ứng với một kiểu loại diễn ngôn, chẳng hạn diễn ngôn khoa học, diễn ngôn văn học, diễn ngôn chính trị. Diễn ngôn nào cũng có nguyên tắc cấu trúc, cách thức vận hành và chức năng riêng trong đời sống xã hội. Diễn ngôn ở những trường hợp đó được dùng gần với thuật ngữ thể loại của phong cách ngôn ngữ chức năng. Mặt khác, do mỗi cá nhân trong một cộng đồng ngôn ngữ có quy tắc, cách thức tổ chức hoạt động ngôn từ đặc trưng cho mình, của mình, có những cách diễn đạt ưa thích riêng - nói cách khác, lời nói của họ có ranh giới, giọng điệu, mục đích, trọng lượng riêng, thậm chỉ cả hình thức cũng mang ý nghĩa riêng, cho nên đôi khi diễn ngôn còn được dùng tương đương với khái niệm “biệt ngữ”.

I.P.Ilin hiểu biệt ngữ tương đương với phong cách cá nhân nhà văn(8). Jakobson cũng cho rằng biểu hiện của biệt ngữ có thể tìm thấy rõ ở phong cách của một nhà văn này hay khác, dù phong cách đó có mang trên mình dấu ấn của các mô hình ngôn ngữ nào đấy được tiếp nhận từ truyền thống. Ở khía cạnh này, khái niệm diễn ngôn giúp ta nhận diện được bản sắc ngôn ngữ của cá nhân. So với tác giả I. P.Ilin, Jakobson, cách hiểu của R. Barthes về khái niệm biệt ngữ có phần rộng hơn. Barthes khẳng định có thể thấy rõ biểu hiện của biệt ngữ không những ở ngôn ngữ của người mắc bệnh ngôn ngữ, và phong cách sáng tác của cá nhân mà còn ở cả ngôn ngữ của một nhóm cá nhân có cùng một sự giải thích đối với mọi thông điệp ngôn ngữ. Ở góc độ này, chúng tôi thấy thuật ngữ diễn ngôn có nhiều điểm trùng với hiện tượng lối viết(9); diễn ngôn trở thành một hiện tượng ngôn từ, một hiện tượng lời nói được nâng lên mức thiết chế(10). Bàn về diễn ngôn, R. Barthes không chỉ đề cập đến thông điệp, mà còn chú ý đến cách tạo ra thông điệp đó(11). Quan niệm của R. Barthes về diễn ngôn không chỉ bó hẹp trong ngôn ngữ mà mở rộng đến các hệ thống kí hiệu khác. Ông nói: diễn ngôn có thể được viết ra, cũng có thể được thể hiện ở các hình thức chụp ảnh, phóng sự, thể thao, quảng cáo; và với tư cách một diễn ngôn, văn chương tạo thành cái biểu đạt, sự biểu đạt; hoặc trong tư cách hình thức, lối viết, cái biểu đạt trở thành diễn ngôn. Ở chỗ khác, R. Barthes còn giải thích: khái niệm diễn ngôn tương tự với văn bản do ngôn ngữ học nghiên cứu. Mỗi diễn ngôn bao gồm một đoạn lời nói hữu tận bất kì(12), tạo thành một thể thống nhất xét từ quan điểm nội dung, được truyền đạt cùng với những mục đích giao tiếp thứ cấp, và có một tổ chức nội tại phù hợp với những mục đích này, vả lại đoạn lời này gắn bó với những nhân tố văn hoá khác nữa, ngoài những nhân tố có quan hệ đến bản thân ngôn ngữ”(13). Quan niệm của R. Basthes chỉ rõ tính chỉnh thể, chức năng và cấu trúc của diễn ngôn. Theo đó, nghiên cứu diễn ngôn cần thực hiện được ít nhất hai nhiệm vụ. Nhiệm vụ thứ nhất: miêu tả cấu trúc nội tại của diễn ngôn; một văn bản có thể có nhiều diễn ngôn. Nhiệm vụ thứ hai: phân tích quan hệ của diễn ngôn với những cái hữu quan bên ngoài văn bản, trong đó cần xét đến dãy văn học trên đó diễn ngôn mới nảy sinh hoặc thích ứng.

 Cấu trúc luận “lược quy mọi hình thức diễn ngôn vào một hệ thống kí hiệu”(14), quan niệm hệ thống ngôn ngữ có tính tự trị, giữa kí hiệu và vật được chỉ định không có mối liên hệ tất yếu nào, kí hiệu ngôn ngữ có nghĩa vì nó ở thế đối lập với các kí hiệu khác trong cùng một hệ thống(15) chứ không phải nó quy chiếu về hiện thực. Chính “cái nhìn toàn trị về ngôn ngữ”, chính quan niệm về tính chuyên chế của mọi mã đã đưa các nhà cấu trúc luận đến sự phủ nhận dứt khoát tính quy chiếu của lời nói. Điều đó có nghĩa là diễn ngôn không mô phỏng thực tại, không có mối liên hệ quy chiếu với thế giới hiện thực; diễn ngôn do hệ tư tưởng tạo ra, rồi đến lượt mình diễn ngôn tạo ra hiện thực, mọi diễn ngôn đều có tính võ đoán, có quyền lực tuyệt đối, nó chuyên chế, và áp chế(16).

Theo Nguyễn Hưng Quốc nếu các nhà cấu trúc luận coi ngôn ngữ có tính tự tại, khép kín thì hậu cấu trúc luận coi ngôn ngữ  “bao giờ cũng thuộc về một cuộc đối thoại nào đó”, bao giờ nó cũng “ở trong quá trình vận động, gắn liền mật thiết với xã hội và lịch sử”; nếu các lí thuyết gia của chủ nghĩa cấu trúc chăm chú vào các đơn vị hình vị, âm vị, huyền tố,… thì các tác gia của chủ nghĩa hậu cấu trúc quan tâm đến ngôn ngữ đang sử dụng; nếu các nhà cấu trúc luận coi tất cả mọi hiện hữu đều là những kí hiệu, biểu đạt một cái gì đó, thì các nhà hậu cấu trúc luận coi tất cả đều là hình thức diễn ngôn, mọi diễn ngôn đều gắn liền với quyền lực, qua đó các thiết chế và kỉ cương được hình thành; các nhà cấu trúc luận đề cao vai trò của chủ thể trong việc tạo ra diễn ngôn, cấu trúc diễn ngôn, các nhà hậu cấu trúc luận nhận thấy hiện thực được xây dựng lên chứ không phải được phản ánh bởi diễn ngôn; con người do diễn ngôn tạo ra, bị diễn ngôn quy định, cá nhân cảm nghĩ, hành xử theo những diễn ngôn, con người bị diễn ngôn hoá, nó là tù nhân của diễn ngôn của nó(17). Cấu trúc luận “chỉ biết đến một cấu trúc diễn ngôn duy nhất”, hậu cấu trúc luận cho rằng diễn ngôn không tồn tại độc lập và biệt lập, nó có quan hệ với các diễn ngôn khác, hoặc bị lệ thuộc vào một diễn ngôn kiểu mẫu. Các đại biểu chủ chốt của chủ nghĩa hậu cấu trúc (Foucault, J. Derrida, G. Deleuze, J. Kristéva, R, Barthes…) đặt ngôn ngữ vào trung tâm chú ý, họ quan tâm đến ngôn ngữ đang sử dụng.

Cụ thể như sau. M. Foucault quan niệm tri thức bao giờ cũng được tạo tác từ các quan hệ quyền lực, do đó nó không thể trung tính hoặc khách quan. Quan điểm Foucault được các nhà hậu cấu trúc tiếp tục phát triển, với xác tín cho rằng trong xã hội hiện đại có sự đấu tranh giành “quyền lí giải” giữa các hệ thống tư tưởng khác nhau. Do đoạt được phương tiện thông tin đại chúng, hệ tư tưởng thống trị, đã áp đặt ngôn ngữ và lối nghĩ của mình cho các cá nhân, chính hệ tư tưởng không để cho cá nhân đó có được phương thức phù hợp để tổ chức lấy kinh nghiệm sống của bản thân nó bằng cách tước mất ngôn ngữ cần thiết của nó. Chủ nghĩa hậu cấu trúc nhận thấy ngôn ngữ bị đồng nhất với tư duy, ý thức của con người bị đánh đồng với văn bản, nội dung thông báo đồng nhất với hình thức thông báo(18).

 Foucault lược quy toàn bộ hoạt động của con người vào hoạt động ngôn từ, mọi thứ đều có quan hệ với ngôn ngữ; ngôn ngữ được biểu hiện dưới dạng thực tiễn diễn ngôn. Ông quan niệm mỗi thời đại lịch sử cụ thể có một trường vấn đề, một trạng thái tri thức, một trình độ tri thức văn hoá . Những trường vấn đề, trạng thái tri thức ấy được tạo nên từ diễn ngôn của từng bộ môn khoa học khác nhau, mà thời đại ấy đạt tới. Có thể hình dung như sau: mỗi thời đại có nhiều bộ môn khoa học, mỗi bộ môn khoa học đều có diễn ngôn của mình(19), những diễn ngôn này biểu hiện thành những hình thức tri thức đặc thù, sự đặc thù ấy được thể hiện rõ qua các công cụ khái niệm chuyên ngành. Sự tổng hợp các diễn ngôn khoa học của một thời đại tạo thành một hệ thống tri thức duy nhất hoặc chính thống cho thời đại mà nó nảy sinh. Đến lượt mình, hệ thống tri thức đó trở thành các trong thực tiễn ngôn từ của người đương thời. Những mã này được hợp pháp hoá, quy phạm hoá, gồm một tổng thể những mệnh lệnh răn cấm, một mặt, tiên quyết một cách vô thức hành vi ngôn ngữ và tư duy của từng cá thể người(20), con người bị quy chế hoá, mặt khác, mã đó có sức mạnh “điều khiển khung cảnh cảm nhận, sự trao đổi, hình thức cảm nhận và tái tạo, các giá trị và các bậc thang” của cả một nền văn hoá. Ông viết “các nhà tự nhiên học, kinh tế học, ngữ pháp học sử sụng những quy tắc giống nhau (mà họ không biết) để xác định đối tượng nghiên cứu của mình, để tạo ra khái niệm, xây dựng các lí thuyết”(21).

Foucault đồng nhất ý chí hướng tới hiểu biết, tức ý chí hướng tới tri thức(22) của các bộ môn khoa học với ý chí hướng tới quyền lực, theo nghĩa là chúng tranh đoạt quyền lí giải thế giới. Ông đề nghị cần phải phê phán lô gíc quyền lực và sự thống trị trong mọi biểu hiện của nó. Foucault cùng các nhà chủ nghĩa cấu trúc khác đã phê phán uy quyền chủ thể của cá nhân, và chính thái độ đó đã đưa đến các quan niệm về cái chết của chủ thể mà qua đó ngôn ngữ lên tiếng, cái chết của tác giả và cái chết của độc giả trước cái liên văn bản lớn của truyền thống văn hoá.

       Do chỗ con người sử dụng diễn ngôn để kiến tạo nghĩa về thế giới nói chung, thiết lập nghĩa về một hiện tượng, một vật thể nào đó nói riêng cho nên muốn lí giải diễn ngôn cần phải đặt nó trong quan hệ với sự vật, và tìm hiểu cách người ta nhìn sự vật, hiện tượng như thế nào. Công trình Từ ngữ và các vật (1966) của Foucault tiêu biểu cho hướng nghiên cứu này. Ở Từ ngữ và các vật, Foucault lí giải các điều kiện hình thành của khoa học về con người (một kiểu diễn ngôn) và cho rằng mỗi giai đoạn lịch sử có một cách bàn về tri thức (con người…). Ông chỉ ra rằng, ở thời Phục hưng các từ ngữ và các vật có quan hệ thống nhất; ở thời cổ điển ngôn ngữ không có quan hệ trực tiếp với các vật nữa mà trở thành công cụ của ý tưởng, biểu đạt ý tưởng; ở thời hiện đại tất cả đều trở thành ngôn ngữ và quá trình nhận thức của con người chuyển thành sự giải mã ngữ pháp học.

       Diễn ngôn tạo ra tri thức. Tri thức đồng nhất với sức mạnh(23). Sức mạnh tri thức không có sẵn, mà do một nhóm người nào đó dựng lên. Nhóm người này đặt ra các tiêu chuẩn để quyết định điều gì đúng, điều gì sai, và cũng chính họ quyết định sử dụng cái gì để định nghĩa, và sự định nghĩa của họ với tính cách tri thức sẽ có sức mạnh tác động đến nhiều người khác, qui định và chỉnh đốn hành vi của người khác. Chúng ta chấp nhận một cách vô thức hay có ý thức những quan niệm của họ vì họ có một quyền lực nào đó để tạo ra niềm tin. Như thế người nào dựng lên chân lí, tạo ra tri thức, quyết định tri thức thì người đó có quyền lực, xác lập được quyền thế đối với người khác, có sức mạnh để “tác động lên con người nói chung” và có thể dễ dàng tuyên bố rằng mình hiểu biết nhất - hiểu về chúng ta hơn cả chúng ta(24). Foucault đưa ra các ví dụ thực tiễn như: bác sĩ có quyền xác lập quyền thế của mình với người bệnh, nhà tâm lí học đoạt quyền định nghĩa về bệnh điên, nhà tội phạm học đưa ra tiêu chuẩn nhận diện những kẻ tội phạm, nhưng nhìn chung ít khi nào chúng ta được nghe người điên nói về nhà tâm lí học, kẻ tội phạm nói về nhà tội phạm học, người bệnh nói về bác sĩ, điều đó cũng có nghĩa là quyền được phát ngôn không thuộc về họ, những gì họ nói ra đều không phù hợp với chuẩn tri thức, là những kẻ không có quyền lực. Quyền lực(25) chủ yếu vẫn được tạo ra qua sự vận hành ngôn ngữ.

       Foucault nghi ngờ các xác quyết tri thức về một vấn đề nào đó. Ông chỉ ra rằng những định nghĩa về vấn đề ấy (hay tri thức của con người nói chung) biến đổi theo thời gian. Chẳng hạn, cùng một hành vi (dụng điển, dùng lại ý tưởng...), ở thời hiện đại có thể bị coi là đạo văn (trung đại), ở thời trung đại lại được xem là uyên bác.

       Chính con người tạo ra ý nghĩa của thế giới, và lọc thế giới qua ngôn ngữ. Con người tạo ra các kí hiệu, các diễn ngôn, các mã, đến lượt mình - các diễn ngôn lại tạo hình cho cấu trúc xã hội. Cũng có thể nói như vậy đối với ngôn ngữ, ngôn ngữ tạo ra hệ tư tưởng thống trị, rồi đến lượt mình hệ tư tưởng thống trị lại tạo ra các cá nhân. Chẳng hạn các nhà tâm lí học, tâm thần học tạo ra diễn ngôn về chứng điên, định nghĩa về chứng điên, rồi lại chính những diễn ngôn về chứng điên đó - trong quá trình vận hành - sẽ ngày càng có quyền lực với con người, kể cả nhóm người tạo ra chúng. Foucault chú ý đến vai trò của diễn ngôn trong việc chuẩn hóa, và thiết lập những quan hệ quyền lực đối với con người. Quyền lực có sức mạnh tác động, điều khiển hành động của con người. Con người với tính cách chủ thể - được tạo ra bởi quyền lực và các cơ chế khách thể hóa của sự chuẩn hóa.

       Foucault tập trung nghiên cứu các điều kiện hoạt động của các diễn ngôn đặc thù, ông đề nghị coi diễn ngôn ngang với những sự kiện, những hành động tạo nghĩa. Diễn ngôn là đơn vị của ngữ nghĩa chứ không phải của ngữ pháp, đơn vị của diễn ngôn là đơn vị ý nghĩa hoặc hành động của con người để diễn tả ý nghĩa chứ không phải các đơn vị của ngôn ngữ (từ, câu, mệnh đề)(26). Do lẽ này mà Foucault cho rằng cần thiết phải có nghiên cứu về những điều kiện hình thành các diễn ngôn. Trong bài viết Thế nào là tác giả, Foucault đã chỉ ra khá kĩ sự hoạt động của tên tác giả, chức năng tác giả và những điều kiện của sự hoạt động đó ở nền văn hoá phương Tây. Ông thấy không phải diễn ngôn nào cũng có chức năng tác giả, thí dụ một bức thư riêng, một hợp đồng có người bảo đảm,… có người viết, nhưng không có “tác giả”. Thực tế chỉ rõ không phải mọi diễn ngôn đều có nhu cầu có tác giả, những diễn ngôn khoa học ở thế kỉ XVII hoặc XVIII rõ ràng là không cần tên tác giả, tên tác giả ở đó chỉ được dùng để đặt tên cho một định lí, mệnh đề, hiệu ứng, đặc tính, vật thể, một nhóm yếu tố, một triệu chứng bệnh lí. Sự không có tên tác giả ở diễn ngôn khoa học cho thấy chân lí đã được công nhận, hoặc luôn có thể được chứng minh, nó thuộc về một toàn thể có hệ thống. Ngược lại, các diễn ngôn văn học hiện đại chỉ có thể được chấp nhận với điều kiện có chức năng tác giả: mỗi văn bản thơ ca hoặc tiểu thuyết đều phải có xuất xứ, tên người viết, thời điểm và hoàn cảnh sáng tác. Tên tác giả đóng một vai trò nhất định trong diễn ngôn: nó có chức năng phân loại, tập hợp một số văn bản, chỉ ra phạm vi, so sánh chúng với những văn bản khác; ngoài ra, nó còn có chức năng liên hệ các văn bản với nhau và có chức năng nêu đặc tính của một hình thức diễn ngôn: một diễn ngôn phải có tên tác giả để người ta có thể nói rằng “điều này đã được nói bởi người này”, và người này có một vị trí nhất định trong nền văn hoá. “Tên tác giả thể hiện sự kiện một nhóm diễn ngôn được tập hợp cùng nhau và nó chỉ ra địa vị của diễn ngôn đó trong một xã hội, và trong một nền văn hoá nhất định. Tên tác giả không nằm trong hộ tịch, mà cũng không nằm trong hư cấu của tác phẩm, nó nằm ở chính giữa giai đoạn cấu thành một số diễn ngôn và phương thức tồn tại đặc biệt của chúng”(27). Foucault đã nhấn mạnh: chức năng – tác giả gắn liền với hệ thống luật pháp và thể chế có nhiệm vụ xác định giới hạn và phân chia các phần trong thế giới diễn ngôn; chức năng này không tác động một cách đồng đều lên mọi diễn ngôn trong mọi giai đoạn lịch sử và hình thái văn hoá khác nhau. Cũng ở bài Thế nào là tác giả, Foucault còn nêu ra một loại hình tác giả đặc biệt - loại tác giả của một lí thuyết, một truyền thống tri thức, một bộ môn khoa học. Nói cụ thể hơn đó là loại tác giả sáng lập  ra một kiểu diễn ngôn, là những người tạo ra các phương pháp xây dựng tổ chức một loại văn bản, mở ra các cánh cửa cho phép sự tồn tại vô hạn của các diễn ngôn khác. Họ là những người đứng ở vị trí siêu - diễn ngôn, chẳng hạn Marx và Freud…

Khác với các nhà hậu cấu trúc luận, các nhà trần thuật học chịu sự tác động của lí thuyết giao tiếp và mỹ học tiếp nhận lại quan tâm nhiều hơn đến cấp độ cực tiểu của những diễn ngôn khác nhau được ghi lại ở văn bản. Các đại biểu của khuynh hướng này, gồm R. Barthes thời cuối, J. Kristéva, L. Dallenbach, Van den Heuvel, Genette, M.L. Pratt, R.  Riffaterre, J. Courtes,… Genette viết rằng: “truyện kể, đối với tôi chỉ là một hình thức của diễn ngôn”, “truyện kể là một diễn ngôn”(28), diễn ngôn này được Genette khảo sát ở các bình diện ngôi kể, người kể, vai kể, trật tự và tình huống trần thuật, thức, giọng, tiêu cự hoá, diễn ngôn của người kể và diễn ngôn của các nhân vật... Van den Hevel cũng viết: “Sự kể là cái bề mặt nhìn thấy rõ nhất của một diễn ngôn trần thuật”(29).

Các đại biểu chủ chốt của trần thuật học chủ trương mô tả các quan hệ qua lại giữa các diễn ngôn khác nhau trong văn bản, bao gồm: diễn ngôn của văn bản và diễn ngôn của các nhân vật, diễn ngôn về diễn ngôn (diễn ngôn của tôi về diễn ngôn của tôi, diễn ngôn của tôi về diễn ngôn của nó, diễn ngôn của nó về diễn ngôn của tôi), diễn ngôn trong diễn ngôn (của mình hoặc của người khác).  Quan niệm diễn ngôn ở đây có ý nghĩa tương đương với toàn bộ hoạt động lời nói của một chủ thể. Có thể tìm thấy những ví dụ có sức thuyết phục về điều đó trong công trình Dẫn luận về văn chương kì ảo (1970). Ở công trình này, tác giả Tzevan Todorov tập trung khảo sát ba phương diện của diễn ngôn kì ảo(30): điều phát ngôn, sự phát ngôncú pháp. Diễn ngôn kỳ ảo đề cập đến cái siêu nhiên (điều phát ngôn), có thể tìm thấy cái siêu nhiên trong những lời nói bóng gió, ngoa dụ, phóng đại; người kể chuyện ở văn chương kì ảo không được phép nói dối nên sự phát ngôn của anh ta thoát khỏi sự thử thách của sự thực, các nhân vật trong văn chương kì ảo vì có thể nói dối nên sự phát ngôn của nó phải được thử thách(31); truyện kì ảo không cho biết cái kết thúc của câu chuyện ngay từ đầu, nếu để lộ kết thúc đó trước thì trò chơi của nó sẽ bị phá hủy, diễn ngôn kì ảo nhấn mạnh đến thời gian cảm nhận tác phẩm – do đó độc giả cần phải đọc từ đầu đến cuối mà không được đảo ngược thời gian, nếu độc giả biết đến câu chuyện hai lần thì truyện ấy sẽ không hấp dẫn nữa, cú pháp của truyện kì ảo luôn luôn hướng đến hiệu ứng gây ngạc nhiên, đến sức hấp dẫn của cái mới, của sự thực. Dẫn luận văn chương kì ảo của Tzevan Todorov luận chứng kĩ lưỡng không chỉ diễn ngôn của văn bản, mà còn cả diễn ngôn của nhân vật, diễn ngôn của tác giả. Quan niệm về diễn ngôn của Todorov còn được bộc lộ rất rõ trong công trình Thi pháp văn xuôi (1978). Todorov quan niệm diễn ngôn là lời nói, kiểu loại diễn ngôn được ông đồng nhất với kiểu lời nói. Khảo sát Odyssée, Todorov nhận thấy Odyssée sử dụng hai kiểu diễn ngôn mà đặc tính của chúng hết sức khác biệt nhau: lời lẽ - hành động và lời lẽ - truyện kể. Lời nói – hành động quy chiếu đến “vật nào đó, nó bộc lộ sự táo bạo, cả gan, có tính lưỡng phân - đảm nhận một trách nhiệm, đồng thời đón nhận một hiểm nguy; lời nói - truyện kể hướng vào bản thân nó, mặc dù nó đã thoát khỏi sự lưỡng phân căn bản, nhưng lại buộc phải chấp nhận tiêu vong để sự sống và văn chương nảy sinh. Loại phát ngôn thứ nhất “được nhận thức như một thông báo”. Loại phát ngôn thứ hai “được nhận thức như một diễn ngôn”. Một đằng thuộc thức thực hiện(32), còn đằng kia thuộc thức kiểm nhận(33). Một đằng có tính trong suốt, còn đằng kia có tính mờ đục. Tồn tại bên cạnh hai loại diễn ngôn ấy, trong Odysée còn có nhiều kiểu diễn ngôn khác, ví dụ lời lẽ giả vờ - lời nói dối do các nhân vật thốt lên. Todorov chỉ rõ diễn ngôn nói dối thuộc thức kiểm nhận(34), song thức này lồng trong thức thực hiện, ở nó “có độ chênh rõ rệt giữa sự quy chiếu và vật quy chiếu, giữa ý nghĩa và sự vật”, ông nhấn mạnh “một khi đã ý thức được kiểu diễn ngôn này(35), ta sẽ thấy quan niệm cho rằng nghĩa của một diễn ngôn được tạo nên bởi cái được quy chiếu”(36) rất mong manh.

Todorov đặc biệt chú ý đến chủ ý của diễn ngôn, địa vị thái độ của chủ thể diễn ngôn. Ông chỉ ra có một sự khác biệt khá lớn giữa kiểu diễn ngôn nói dối và diễn ngôn dự ngôn(37). Ở diễn ngôn nói dối, các phát ngôn che đậy một vật quy chiếu đồng nhất, quá trình phát ngôn đồng nhất với nó. Ở diễn ngôn dự ngôn, các phát ngôn đồng nhất với nhau và đồng nhất với vật quy chiếu, chỉ có quá trình phát ngôn khác biệt. Đối với diễn ngôn được tạo lập ở thì tương lai, vật quy chiếu ở bên trong nó; còn đối với diễn ngôn được sử dụng ở thì hiện tại và quá khứ, vật quy chiếu nằm ở bên ngoài nó. Nghiên cứu cấu trúc của diễn ngôn, Todorov cho rằng mọi lí thuyết ngữ nghĩa về các bộ phận của diễn ngôn đều phải dựa trên sự phân biệt giữa miêu tả và định danh, hai chức năng này của ngôn ngữ được phân khối chủ yếu thành các đơn vị động từ và tính từ, ngoài ra có thể viện đến các phạm trù thức, giọng, thì, dạng… Chẳng hạn phạm trù thức giúp chúng ta nhận biết chủ thể của phát ngôn, của điều được phát ngôn, chỉ rõ mối quan hệ giữa nhân vật được đề cập đối với mệnh đề. Khảo sát tính chất của diễn ngôn, Todorov khẳng định “diễn ngôn có tính quy chiếu”, “chỉ có những câu có tính quy chiếu mới cho phép xây dựng” một thế giới tưởng tượng, một thế giới mà nó gợi lên, “những câu không có tính quy chiếu không được giữ lại khi đọc theo lối xây dựng”.

           Có thể nói thế này, trần thuật học dùng khái niệm chuyện để chỉ cấp độ nội dung, còn tên gọi diễn ngôn được họ sử dụng để chỉ hình thức hay cấu trúc bề mặt của một sản phẩm tự sự, bao gồm các yếu tố văn bản, tác giả, độc giả, vai, người kể, điểm nhìn, giọng, thức kể chuyện…(38). Các nhà trần thuật học quan niệm văn học có bản chất giao tiếp. Sự giao tiếp văn học được tiến hành trên cơ sở một chuỗi giao tiếp gồm người gửi, người nhận, thông báo, sự mã hoá các kí hiệu và hệ thống chế ước của việc sử dụng các kí hiệu. Các nhà trần thuật học chủ trương phân tích diễn ngôn giao tiếp. Đối với họ, mỗi văn bản trần thuật thống hợp trong mình nó diễn ngôn của người trần thuật với diễn ngôn của các vai; và mỗi diễn ngôn đó lại có thể phân chia thành các đơn vị nhỏ hơn.

         Chủ nghĩa hậu hiện đại được giới thiệu sớm ở ta qua bài báo “Văn học Pháp và chủ nghĩa hậu hiện đại” của Mai Nhi (Văn nghệ số 37, ngày 15.9.1990). Đến giờ những vấn đề lịch sử và lí thuyết của chủ nghĩa hậu hiện đại được giới thiệu phong phú hơn rất nhiều, trước tiên phải kể tới công trình Hoàn cảnh hậu hiện đại của Lyotard.

Trong Hoàn cảnh hậu hiện đại, Lyotard cho rằng: các trò chơi ngôn ngữ làm nên xã hội. Các trò chơi này có quy tắc, đặc điểm và cách thức hợp thức hóa riêng biệt, thí dụ trò chơi khoa học sử dụng diễn ngôn triết học, diễn ngôn chính trị để hợp thức hoá bản thân nó. Diễn ngôn nào cũng có những quy tắc dùng để hợp thức hóa phát ngôn, công nhận một phát ngôn nào đó thuộc vào nó. Sự thay đổi của một quy tắc cũng làm thay đổi bản tính trò chơi, một phát ngôn không thoả mãn các quy tắc thì không thuộc về trò chơi được xác định bằng các quy tắc ấy. Người ta có thể đi một “nước cờ” (tức phát ngôn) không phải để thắng mà có khi chỉ để thoả mãn thú vui nghĩ ra được nó. Có thể tìm thấy điều này ở diễn ngôn văn học. Cụ thể là, trong đó, người viết liên tục nghĩa ra các cách nói, các từ ngữ và các ý nghĩa ở cấp độ lời nói; và sự “nghĩ ra” này đem lại cho họ những niềm vui lớn, thậm chí cả cảm giác thành công, thấy được sự liên tưởng, sự âm vang, sự đồng cảm, chia sẻ.

  Lyotard chủ trương khảo sát đặc điểm, cấu trúc của diễn ngôn qua các yếu tố: người phát, người nhận, vật quy chiếu, “các quy tắc của trò chơi”, mục đích của trò chơi và tiêu chí của trò chơi đó. Ở luận chứng lí thuyết của Lyotard(39)  diễn ngôn = trò chơi ngôn ngữ, các trò chơi ngôn ngữ được triển khai dựa trên các quy ước của văn hoá, xã hội chứ không phải hoàn toàn do cá nhân tạo ra. Theo cách luận giải của Lyotard thì: muốn hiểu quá trình thu nhận tri thức của cá nhân qua ngôn ngữ chúng ra cần phải biết đến một kiểu mẫu diễn ngôn của cộng đồng, mà cá nhân đó đang lệ thuộc, cần phải biết đến các quy ước văn hoá của ngôn ngữ. Tựu trung, nội hàm khái niệm diễn ngôn được Lyotard đặt ra trên nguyên tắc liên văn bản, mọi ý nghĩa được tạo ra từ diễn ngôn phải dựa vào một ý nghĩa đã được thành lập trước đó và được chia sẻ bởi cộng đồng.

 

2.      Phân loại diễn ngôn

Người viết bài này sử dụng khái niệm diễn ngôn để chỉ ngôn ngữ trong hoạt động, ngôn ngữ được sử dụng trong ngữ cảnh văn hoá – xã hội. Cũng cần nói rõ thêm là chúng tôi dùng tên gọi diễn ngôn để chỉ ngôn ngữ trong tính sinh động của nó, chứ không phải đề cập đến ngôn ngữ đã tách khỏi ngữ cảnh phát ngôn, hoặc những mẫu văn bản đã được trừu tượng hoá, cái văn bản tách khỏi tư duy của chủ thể phát ngôn, của hệ tư tưởng và hoàn cảnh xã hội(40).

Diễn ngôn hành chức trong một ngữ cảnh văn hoá - xã hội cụ thể. Diễn ngôn được tạo ra, sử dụng và được giải mã ra sao phụ thuộc vào ngữ cảnh văn hóa xã hội, vào một cộng đồng ngôn ngữ cụ thể. Sử sách Trung Quốc ghi thời Tây Chu đặt ra phép kỵ huý. Nhà Chu dùng tục kị húy như một định chế xã hội, ngăn cấm dân gian đọc hoặc viết tên vua, sau lệ kỵ huý này có thêm tính chất đạo đức, ngoài tên vua người ta còn liên hệ đến sự thờ cúng tổ tiên, đến tên các vị thánh thờ trong đình đền. Cứ thế, quy tắc kỵ tên huý sinh ra các “trò chơi” như dùng tên tự, cải tự, chiết tự, bỏ bớt nét trong chữ phải kiêng huý, hoặc buộc “người chơi” phát âm trại đi. Ở Việt Nam, sử sách cũng chép tục lệ kỵ huý có từ sau thời Lê Đại Hành. Các diễn ngôn hành chính và văn chương đều phải theo quy định này. Có lẽ do nắm được sự vận hành của ngôn ngữ trong một ngữ cảnh cụ thể, gần đây GS. Nguyễn Tài Cẩn và PGS. Ngô Đức Thọ đã dựa vào những chữ kị huý để đoán định thời điểm Nguyễn Du sáng tác Truyện Kiều(41).

 Qua diễn ngôn có thể khảo sát được mối quan hệ liên nhân và các định chế, quy ước phát ngôn, chẳng hạn qua tấu, một loại diễn ngôn do thần tử tạo lập, trình bày sự việc, ý kiến lên vua. Qua ngôn ngữ chúng ta còn thấy được kinh nghiệm của chính chúng ta về thế giới khách quan, ngôn ngữ phản ánh khoảng cách quyền lực và mức độ phụ thuộc của người sử dụng ngôn ngữ đối với một tổ chức, định chế nào đó, và đối với hệ thống văn hoá tri thức của cả một xã hội. Trở lại ví dụ chiếu, cáo, dụ, hịch, mệnh… chúng ta thấy chúng chẳng những thể hiện rõ địa vị, quyền lực của chủ thể phát ngôn, mà cả cương vị xã hội của người tiếp nhận diễn ngôn đó(42).

 Chính văn hoá và các chuẩn mực của văn hoá đã quy định việc dùng ngôn ngữ, chi phối việc tạo dựng diễn ngôn, cách thức mã hoá - giải mã thông điệp. Ngôn ngữ chi phối quá trình tư duy của con người, đồng thời qua ngôn ngữ quá trình tư duy đó được hiện hữu(43). Đề cập đến diễn ngôn, trước hết, chúng tôi muốn nói đến văn bản ở góc độ dụng học, và ngữ nghĩa học. Chúng tôi cũng xem xét diễn ngôn từ lí thuyết trò chơi, đồng nhất diễn ngôn với “trò chơi ngôn ngữ”(44), và chính ở đây chúng ta cần khảo sát các yếu tố như người phát, người nhận, mã, thông điệp, vật quy chiếu, ngữ cảnh và “quy tắc trò chơi”...

Cấu trúc mỗi văn bản có thể thống hợp trong nó nhiều diễn ngôn, mỗi diễn ngôn cũng có thể gồm nhiều phát ngôn. Các phát ngôn này có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, được hợp thức hoá, chính thống hoá theo những quy tắc nhất định. Các quy tắc mã hoá diễn ngôn cùng các điều kiện giải mã diễn ngôn do cộng đồng quy ước, do chủ thể sáng tạo và chủ thể tiếp nhận thoả thuận với nhau. Cộng đồng văn hoá - xã hội cụ thể nào đó có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận một phát ngôn thuộc về một kiểu diễn ngôn nhất định(45), có thể quy định “những điều không được nói ra” và “những cách để nói” về chúng, có thể quy định “không chỉ những gì phải được nói ra để được nghe mà cả những gì phải được nghe để có thể nói”, có thể trao thẩm quyền được nói cho một chủ thể duy nhất nào đó(46), lại có thể tạo ra uy quyền cho một số loại phát ngôn nhất định.

 Diễn ngôn có thể tạo lập tri thức nhất định về một thời đại, một con người, sự kiện nào đó. Người phát ngôn và cả người diễn giải nó có thể sử dụng diễn ngôn để duy trì quyền lực, tái sinh các quyền lực. Thiên đô chiếu (1010) của Lý Thái Tổ dùng để hợp thức hoá sự kiện rời đô về Đại La. Thiện vị chiếu (1226) có ý nghĩa hợp thức hóa một cuộc chính biến, một sự chuyển nhượng quyền lực từ tay một dòng họ này sang tay một dòng họ khác….

Chủ thể phát ngôn có thể bị loại khỏi “cuộc chơi” nếu vi phạm những quy tắc chơi do văn hoá, cộng đồng ấn định, áp đặt. Nhưng anh ta cũng có thể tạo ra các phát ngôn mới, diễn ngôn mới nếu bản thân có khả năng đứng ngoài “hệ thống”, nếu anh ta không răm rắp tuân theo những mệnh lệnh và răn cấm của hệ tư tưởng thống trị và dám “nghi vấn cái lẽ phải của ngôn ngữ lôgíc và liên hệ nhân quả được chấp nhận chung”(47); nếu các thiết chế văn hoá được dịch chuyển hoặc tạo ra các quy tắc mới. Xung quanh vấn đề quy tắc tạo lập diễn ngôn, người nghiên cứu lại cần phải tìm hiểu xem có những tiền giả định, “những cơ sở chung” nào có thể được chấp nhận, hoặc được tiến hành mà không gây tranh cãi giữa người tạo lập diễn ngôn và người sử dụng, tiếp nhận diễn ngôn. Công việc phân tích diễn ngôn văn học sẽ rơi trở lại địa hạt phân tích ngữ pháp văn bản đơn thuần nếu không xét đến sự đọc, cách đọc của người tiếp nhận mà chỉ tính đến các hình thức, cấu trúc khép kín của văn bản. Cái khó của nghiên cứu diễn ngôn ở chỗ phải mô tả được một tổng thể các yếu tố văn hóa - xã hội chi phối đến việc thiết lập và sự hiểu diễn ngôn. Sự miêu tả cần được tiến hành song song với việc giải thích diễn ngôn đã được kiến tạo thế nào, vì sao nó lại tồn tại và hoạt động như thế.

Do các phát ngôn trong một diễn ngôn không chỉ bện kết với nhau theo tư tưởng, quan niệm của người phát mà còn liên kết theo các chức năng của chúng cho nên nghiên cứu diễn ngôn không thể chỉ dừng lại ở chức năng giao tiếp của diễn ngôn mà còn cần chú ý đến khía cạnh tư tưởng và quan hệ quyền thế được thể hiện trong diễn ngôn, hoặc chi phối đến sự kiến tạo diễn ngôn. Diễn ngôn không chỉ dựng lại diện mạo thế giới mà còn tạo lập cách nhìn mới thế giới, tạo ra thế giới mới, ở nó chứa đựng cả vô thức lịch sử lẫn tiềm thức, ý thức của chủ thể sáng tạo ra nó. Một mặt, diễn ngôn biểu hiện ý chí vươn tới quyền lực vì tự thân nó có khả năng tạo ra hiện thực, tạo ra tri thức, mặt khác nó còn tạo ra một cuộc chơi có quy tắc, có khế ước rõ ràng hoặc được ngầm hiểu giữa những người chơi. Người tạo ra các phát ngôn, các kí hiệu có khi chỉ để thoả mãn hứng thú thẩm mỹ “liên tục nghĩ ra các cách nói, các từ ngữ và các ý nghĩa ở cấp độ lời nói”, anh ta cũng có thể có cảm giác thành công khi tạo lập được các phát ngôn bộc lộ sự hiểu biết, cảm xúc, sự đánh giá có tính cá nhân, tính mới mẻ độc đáo của mình. Ở cấu trúc diễn ngôn, nguyên tắc trò chơi và nguyên tắc nhận thức không loại trừ, phủ định nhau.

        Diễn ngôn có tính chỉnh thể, nó được tổ chức, được cấu trúc theo những quy tắc, trật tự nhất định. Diễn ngôn có tính kí hiệu, nó quy ước rằng độc giả cần phải đọc nó theo cách của một hệ thống mã. Công việc nghiên cứu diễn ngôn đòi hỏi người nghiên cứu phải đặt diễn ngôn trong quan hệ với vật quy chiếu, với điều kiện hoạt động của diễn ngôn, với không gian, thời gian tạo ra diễn ngôn; và cần xét đến cả hệ thống các dòng quy chiếu trong văn bản, giữa các văn bản. Cơ sở của nhiệm vụ này bắt nguồn từ mối quan hệ có thực giữa người tạo ra phát ngôn với thế giới được đề cập; giữa ngôn ngữ được sử dụng với vật được nói đến; giữa điều đang được nói đến với những yếu tố đã được đề cập trước nó trong văn bản; giữa các kí hiệu với nhau và giữa các văn bản.

        Diễn ngôn văn chương có tính quy chiếu. Chính chủ thể phát ngôn đã làm cho các kí hiệu ngôn ngữ có tính quy chiếu chứ không phải tự thân diễn ngôn văn chương quy chiếu. Người nói thực hiện thao tác quy chiếu một biểu thức ngôn ngữ nào đó đến một thực thể xác định, đến các kí hiệu, các mã có trước. Sự quy chiếu của chủ thể phát ngôn thường được tiến hành trên cở sở đã có sự giả định trước với người nói về ngữ cảnh, về kinh nghiệm thế giới, về các quy ước xã hội hoặc các quy ước giao tiếp(48). “Sự quy chiếu giả định trước sự tồn tại, cái gì đó phải tồn tại để ngôn ngữ có thể quy chiếu về nó”(49). Quy chiếu, cả trong văn chương và ngôn ngữ thông thường, chẳng những hướng đến thế giới thực tại, mà cả “thế giới có thể có”, “những thế giới do ngôn ngữ sản sinh”. Sự quy chiếu ở văn học không nhằm tạo ra ảo tưởng về hiện thực - ảo tưởng đối chất với thực tại, ảo tưởng về sự hiện diện của vật, ngược lại, có thể nói rằng quy chiếu được tiến hành ở đấy để tạo nghĩa cho phát ngôn, để duy trì sự phát ngôn, hoặc để hợp lí hoá phát ngôn, và hợp thức hoá một hiệu quả của văn bản.

           Có nhiều cách phân loại diễn ngôn. Sau đây, chúng tôi thử điểm qua một vài cách phân loại, cùng đặc điểm của một số loại diễn ngôn.

           (*) Dựa vào dạng tồn tại của ngôn ngữ có thể chia diễn ngôn thành hai loại lớn: diễn ngôn nói và diễn ngôn viết.

           (*) Dựa vào các lĩnh vực tri thức có thể chia diễn ngôn ra thành các loại: diễn ngôn văn học, diễn ngôn khoa học, diễn ngôn tôn giáo, diễn ngôn đạo đức, diễn ngôn kinh tế, diễn ngôn chính trị, diễn ngôn báo chí, diễn ngôn hành chính, diễn ngôn hội thoại đời thường, diễn ngôn nghệ thuật, diễn ngôn phi nghệ thuật, diễn ngôn pháp lí, diễn ngôn quân sự… Diễn ngôn chính trị bao giờ cũng chịu sự chi phối rất mạnh của quan hệ quyền thế, của tôn ti trật tự; ở nó, chủ thể - cá nhân không tồn tại, bản sắc cá nhân cũng bị thủ tiêu, chỉ có các vai xã hội, và các hình thức phát ngôn nhân danh chiếm giữ vai trò chủ đạo. Diễn ngôn chính trị có mục đích tạo ra hiệu lực xã hội, hiệu lực chỉ đạo và điều hành, nó chịu sự chi phối của sức mạnh tập thể, cộng đồng, các phát ngôn của nó đầy ắp tư tưởng hệ, đầy ắp những dấu vết của chiến lược, sách lược. Diễn ngôn chính trị tạo ra tri thức và áp đặt tri thức qua vai xã hội. Diễn ngôn khoa học có tính đối thoại còn mạnh hơn cả diễn ngôn chính trị. Ở phát ngôn khoa học, người nhận và người phát có quyền bình đẳng trước tri thức. Ở phát ngôn chính trị, người nhận ít có cơ hội bình đẳng, tri thức được truyền đi(50) hơn là được kiểm chứng. Diễn ngôn khoa học coi trọng trò chơi biện giải lôgíc để hợp thức hoá tri thức, chưa bao giờ nó thoát khỏi sự thử thách của sự thật, diễn ngôn chính trị hợp thức hoá tri thức hoặc giành quyền quyết đáp mọi sự thể qua trò chơi nhân danh. Giá trị của phát ngôn khoa học do quan hệ quy chiếu của nó tạo ra, hiệu lực của phát ngôn chính trị do vai phát ngôn quyết định. Diễn ngôn pháp luật kiến tạo quyền lực và hiệu lực xã hội qua trò chơi quy phạm hoá các quy tắc xử sự chung; những quy tắc này thường xuất hiện dưới dạng những xác ngôn; ở đây cách nói mập mờ, nước đôi hoàn toàn vắng mặt, hoặc nếu có thì phải điều chỉnh lại…

           (*) Dựa vào nội dung phát ngôn có thể chia diễn ngôn thành các loại: diễn ngôn kì ảo, diễn ngôn về tính dục, diễn ngôn về con người, diễn ngôn về bệnh điên, diễn ngôn phù thuật, diễn ngôn hiện thực, diễn ngôn hậu thực dân… Diễn ngôn phù thuật kiến tạo một cách nhìn đầy bí ẩn về vũ trụ và con người; quyền lực mạnh mẽ và hiệu quả tâm linh của loại diễn ngôn này được nói đến qua các lá bùa của thầy pháp, thầy phù thuỷ; diễn ngôn phù thuật có chức năng tạo niềm tin, củng cố niềm tin, nó  được sử dụng và kiến tạo như một mã tâm linh, một kí hiệu văn hoá; các tài cấm kị, cầu ước, bệnh tật, trấn yểm… đã và đang trở thành “mồi” cho nó(51). Diễn ngôn về bệnh điên có sức mạnh gạt ra khỏi đời sống một loại người nào đó, chủ thể của nó trước tiên giành được quyền nói về bệnh điên, sau nữa và trên cơ sở đó giành được quyền phân loại con người, quyền định nghĩa về những kẻ không bình thường, họ có thẩm quyền soi một thứ ánh sáng lên chứng bệnh mà họ cần diễn giải, cũng chính họ chông trừng những người điên, và đặt ra những cách đối xử đặc biệt nào đó đối với chứng điên. Diễn ngôn về tính dục kiến tạo một cách lí giải con người nhằm giành quyền không chế chính con người so với các khoa học khác; diễn ngôn tính dục có thể truyền dẫn các quan hệ quyền lực nào đó đang ngự trị trong xã hội, song không phải vì thế mà nó đã thoát khỏi sức mạnh chi phối của bản năng, diễn ngôn tính dục bao giờ cũng tiềm tại một sức mạnh chống cự lại cái chết, nó được đồng nhất với sự sống. Diễn ngôn hiện thựcdiễn ngôn tượng trưng khác nhau ở chỗ: một bên dựa vào ưu thế của hoán dụ, còn một bên dành quyền ưu tiên cho ẩn dụ; diễn ngôn hiện thực tạo ra ảo ảnh dối lừa rằng nó đang nói về thế giới ở bên ngoài văn bản, nhưng thực ra nó có các quy tắc, quy ước riêng của mình; diễn ngôn tượng trưng luôn chứng tỏ rằng nó chỉ nói về bản thân mình, nó có khả năng tạo ra một hình ảnh mới, một cách nói về hiện thực.

           (*) Dựa vào thể loại, có thể chia diễn ngôn báo chí thành diễn ngôn tin tức, diễn ngôn quảng cáo, diễn ngôn phóng sự điều tra, diễn ngôn tường thuật; có thể phân loại diễn ngôn văn học thành diễn ngôn tự sự, diễn ngôn thơ, diễn ngôn phê bình hoặc diễn ngôn hội thoại đời thành diễn ngôn phỏng vấn, xin lỗi, giới thiệu, chào hỏi… Diễn ngôn xin lỗi chịu sự chi phối của quyền lực thể diện, tập quán, và quan hệ quyền lực giữa người nói và người nghe, ở đây cả mức độ tương thân giữa họ cũng có ảnh hưởng quan trọng đến chiến lược và cấu trúc của lời xin lỗi. Diễn ngôn quảng cáo có tham vọng giành lấy một lượng người tiêu dùng nào đó, nó định hướng sự tiêu dùng bằng cách ngụy tạo thông tin và phân phối thông tin; sự kiến tạo và hoạt động thực tiễn của diễn ngôn quảng cáo chịu sự chi phối của quyền lực của cải, của các phương tiện truyền thông; diễn ngôn quảng cáo giao dịch cả chính nó và sản phẩm mà nó tạo ra.

           (*) Dựa vào cấp độ của diễn ngôn có thể chia diễn ngôn thành: diễn ngôn và siêu diễn ngôn. Khổng Tử sáng lập ra siêu diễn ngôn Nho giáo, Thích ca Mâu ni (Siddharta Gautama) sáng lập ra siêu diễn ngôn Phật giáo, Freud sáng lập siêu diễn ngôn phân tâm học, Ann Radcliffe sáng tạo ra diễn ngôn tiểu thuyết kinh dị(52), Bakhtin tạo ra diễn ngôn đa thanh phức điệu. Chủ thể của các siêu ngôn không chỉ khai phá ra một loại diễn ngôn mới, một ngôn ngữ mới mà còn mở ra một con đường mới, mở ra các bước đi tạo ra các diễn ngôn khác. Các siêu diễn ngôn luôn tạo ra sau nó vô số các diễn ngôn đồng dạng, đồng chất với nó.

           (*) Dựa vào chủ thể diễn ngôn có thể chia diễn ngôn thành: diễn ngôn của cá nhân và diễn ngôn của tập thể, diễn ngôn có nhu cầu có tên “tác giả” và diễn ngôn không có nhu cầu có “tác giả”, diễn ngôn văn học nữ giới… Diễn ngôn bài giảng của giáo viên có quyền thế hơn hẳn diễn ngôn của học sinh; sự không cần bằng này được đánh dấu bằng những cơ hội không cân bằng giữa giáo viên và học sinh trong việc chỉ ra đề tài, sự luân phiên lượt lời; thí dụ giáo viên đặt ra một câu hỏi mà mình biết sẵn câu trả lời, một hoặc vài học sinh được yêu cầu phải trả lời câu hỏi đó, sau đó giáo viên sẽ đánh giá câu trả lời của học sinh, như vậy sự hợp thức hóa ở đây phần lớn do giáo viên quyết định. Diễn ngôn của bác sĩ đối với diễn ngôn của bệnh nhân cũng tồn tại sự bất bình đằng đó, ví dụ ở Mỹ, có thời kì bác sĩ độc quyền về y dược liệu, và cũng chỉ có họ mới được tiếp xúc với y học, cho nên diễn ngôn của bác sĩ có sức mạnh ngang với những “câu thần chú của các vị thần”, dĩ nhiên đặt trong hệ thống ngôn ngữ ấy, các bệnh nhân sẽ trở thành những kẻ ngốc chẳng biết gì(53). So với diễn ngôn cá nhân, diễn ngôn tập thể có tính phi sở hữu, phi cá nhân, có thể tìm thấy kiểu loại diễn ngôn này ở các văn bản thời trung đại, ở lời của dàn đồng ca trong kịch cổ đại(54).

           (*) Dựa vào cấu trúc có thể xác định diễn ngôn độc lập và diễn ngôn phụ thuộc; diễn ngôn nguồn, diễn ngôn phụ trợ và diễn ngôn bao chứa; diễn ngôn của người kể chuyện và diễn ngôn của nhân vật; diễn ngôn liên tục và diễn ngôn gián đoạn… Diễn ngôn văn học độc lập so với diễn ngôn khoa học; diễn ngôn về tính dục, diễn ngôn về đạo đức có thể nằm trong loại diễn ngôn văn học. Diễn ngôn phê bình bao chứa diễn ngôn chú thích, diễn ngôn trích dẫn. Diễn ngôn bình luận bóng đá phần lớn không có tính liên tục, nhưng diễn ngôn văn học lại tạo ra một mạch liên kết rõ rệt. Văn bản Chí Phèo có diễn ngôn của người kể ở ngôi thứ ba, diễn ngôn của nhân vật Chí Phèo, diễn ngôn của Bá Kiến, diễn ngôn của bà cô Thị Nở… Diễn ngôn của các vai có giá trị và hiệu lực khác hẳn so với diễn ngôn của người kể.

           (*) Dựa vào chức năng của ngôn ngữ (D. Nunan) có thể chia diễn ngôn thành hai loại: diễn ngôn giao dịch và diễn ngôn liên nhân. Diễn ngôn giao dịch được tạo lập khi người phát và người nhận quan tâm đến đến sự trao đổi thông tin và dịch vụ, ví dụ diễn ngôn chỉ đường của cảnh sát, diễn ngôn hướng dẫn sử dụng thuốc của bác sĩ... Diễn ngôn liên nhân được hình thành khi những người nói quan tâm đến việc sử dụng ngôn ngữ để thiết lập hoặc duy trì các quan hệ xã hội, ví dụ thư cảm ơn, thư tình.

           Diễn ngôn có tính đa chức năng. Ngoài chức năng giao dịch, liên nhân, diễn ngôn còn có chức năng thẩm mỹ. Dựa vào chức năng của văn bản lại có thể chia diễn ngôn thành nhiều loại, mỗi loại diễn ngôn ứng với một kiểu giao tiếp, một kiểu chức năng, ví dụ diễn ngôn chính chị, diễn ngôn quảng cáo và diễn ngôn của thẩm phán trong phòng xử án có chức năng khác so với diễn ngôn hội thoại đời thường.

 

Trần Thiện Khanh

 

 

1. Bài viết này trước hết nhận diện một vài quan niệm diễn ngôn đã được giới thiệu, chuyển dịch sang tiếng Việt… sau đó rút ra một cách hiểu chung, làm cơ sở cho việc khảo sát các trường hợp văn học cụ thể

2. Chúng tôi thấy từ Discourse được đề nghị dịch theo nhiều cách: giải trình ngôn ngữ, diễn trình ngôn ngữ, diễn ngôn, ngôn bản, ngữ trình, diễn từ, lời nói…

3. Những tác giả theo quan điểm này, sử dụng khái niệm văn bản để chỉ sản phẩm ngôn ngữ được ghi lại bằng chữ viết, còn diễn ngôn (ngôn bản, ngữ trình) được họ dùng để chỉ lời nói. Tuy nhiên, sự phân biệt diễn ngôn và văn bản dựa vào tiêu chí vừa nêu sẽ tỏ ra thiếu sức thuyết phục trước những bằng chứng cho thấy, có những văn bản ở dạng nói được chuyển thành dạng viết hoặc ngược lại.

4. Windowson cho rằng: “Diễn ngôn là quá trình giao tiếp. Kết quả về mặt tình huống của quá trình này là sự thay đổi về mặt sự thể: thông tin được chuyển tải, các ý định được làm rõ, và sản phẩm của quá trình này là văn bản”. Văn bản là bề mặt ngôn từ của diễn ngôn. Cùng quan điểm với Windowson có Hallyday, Hausenblas, Brown, Yule…

5. Các nhà chức năng luận cho rằng ngôn ngữ có một hệ thống chức năng nằm ngoài hệ thống ngôn ngữ và chức năng này có tác động đến việc tổ chức bên trong của ngôn ngữ, theo đó, diễn ngôn hình thành trong một ngữ cảnh văn hoá cụ thể. Chức năng luận quan niệm ngôn ngữ phản ánh hiện thực, ngôn ngữ thể hiện các mối quan hệ xã hội, các vai xã hội giữa các thành viên trong cộng đồng, các kí hiệu ngôn ngữ có nghĩa vì nó có quan hệ trực tiếp với đời sống xã hội; phân tích diễn ngôn không thể tách khỏi việc phân tích ngữ cảnh. Ví dụ, David Nunan định nghĩa diễn ngôn gồm một chuỗi ngôn ngữ, chuỗi ngôn ngữ này được tạo thành bởi một số câu; những câu đó có liên quan nhau… không chỉ theo ý tưởng mà chúng cùng có, mà còn theo các công việc (chức năng) mà chúng thực hiện trong diễn ngôn” [Dẫn nhập phân tích diễn ngôn,]. G. Cook dùng khái niệm diễn ngôn để chỉ “những chuỗi ngôn ngữ trọn nghĩa, được hợp nhất lại và có mục đích”; Cook đề nghị ngành ngôn ngữ học diễn ngôn cần “làm cho văn hoá và ngôn ngữ tương liên với nhau” [Văn bản và liên kết trong tiếng Việt]. Crystal dùng tên gọi diễn ngôn để chỉ một chuỗi nối tiếp của ngôn ngữ lớn hơn câu, cấu thành một chỉnh thể có tính mạch lạc, “với một chức năng giao tiếp có thể xác định được”. I. Bellert nhấn mạnh: diễn ngôn được tạo nên bởi chuỗi liên tục những phát ngôn S1,….Sn, trong đó việc giải thuyết nghĩa của mỗi phát ngôn Si (với 2 ≤ i ≤ n) lệ thuộc vào sự giải thuyết những phát ngôn trong chuỗi S1, …Si - 1. Nói cách khác, sự giải thuyết thoả đáng một phát ngôn tham gia diễn ngôn đòi hỏi phải biết ngữ cảnh đi trước” [Văn bản và liên kết trong tiếng Việt]. G.Brown và G.Yule cho rằng: phân tích diễn ngôn nhất thiết phải hướng vào sự phân tích ngôn ngữ hành chức, không thể giới hạn nhiệm vụ của phân tích diễn ngôn vào việc miêu tả các hình thức ngôn ngữ độc lập với mục đích hay chức năng mà các hình thức này được tạo ra để phục vụ các quan hệ người với nhau [Phân tích diễn ngôn]. Fairclough đồng nhất diễn ngôn với tập quán xã hội, hành động xã hội, thực tiễn xã hội; diễn ngôn thể hiện đời sống xã hội và tri thức, diễn ngôn được tạo lập và sử dụng để hợp thức hoá các vấn đề xã hội Sự tạo thành diễn ngôn, theo Fairclough, không chỉ bó hẹp trong các kí hiệu ngôn ngữ, mà còn được mở  rộng ra các kí hiệu khác của thực tiện xã hội (các hình ảnh, và các yếu tố phi ngôn ngữ khác), diễn ngôn mang tính xã hội [Phân tích diễn ngôn phê phán là gì?]. Đỗ Hữu Châu quan niệm mỗi diễn ngôn có thể do một hoặc một số hành vi ngôn ngữ tạo ra. Diễn ngôn có nội dung thông tin và nội dung liên cá nhân, hai nội dung này thống nhất với nhau thể hiện các chức năng khác nhau của giao tiếp trong diễn ngôn. Một diễn ngôn gồm nhiều phát ngôn, các phát ngôn này gắn bó với nhau, lệ thuộc nhau ở mức độ nhất định về nội dung và hình thức. Nguyễn Thiện Giáp giải thuyết diễn ngôn qua các khái niệm trường diễn ngôn, tính chất diễn ngônphương thức diễn ngôn. Cả Đỗ Hữu Châu và Nguyễn Thiệp Giáp đều dùng khái niệm diễn ngôn để chỉ ngôn ngữ đang hoạt động, ngôn ngữ trong sử dụng, ngôn ngữ trong ngữ cảnh [Đại cương Ngôn ngữ học, tập hai; Dẫn luận ngữ pháp chức năng]….

6. Xem: Chủ nghĩa cấu trúc và văn học (Nxb. Văn học, 2002), Dẫn luận ngữ pháp chức năng (Nxb. Đại học Quốc, 2004), Phân tích diễn ngôn, một số vấn đề lí luận và phương pháp (Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2008), Từ điển tu từ - phong cách - thi pháp học (Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2005)…

7. I.Pilin và E.A. A Tzurganova chủ biên (2003). Các khái niệm và thuật ngữ của các trường phái nghiên cứu văn học ở Tây Âu và Hoa Kỳ thế kỷ 20 (Đào Tuấn Ảnh, Trần Hồng Vân, Lại Nguyên Ân dịch), Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2003, tr. 157.

8. I.Pilin và E.A. A Tzurganova chủ biên. Các khái niệm và thuật ngữ của các trường phái nghiên cứu văn học ở Tây Âu và Hoa Kỳ thế kỷ 20 (Đào Tuấn Ảnh, Trần Hồng Vân, Lại Nguyên Ân dịch), Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2003, tr. 157.

9. Lộc Phương Thuỷ chủ biên. Phê bình văn học Pháp thế kỉ XX. Nxb Văn học, Hà Nội, 2005.

10. Trịnh Bá Đĩnh. Chủ nghĩa cấu trúc và văn học, Nxb. Văn học, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, 2002, tr. 87, 310, 316, 366, 448.

11. Roland Bathes. Những huyền thoại, (Phùng Văn Tửu dịch), Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2008, tr. 289, 290, 332, 333.

12. Todorov khẳng định: “Tác phẩm văn học cũng như mọi diễn ngôn khác được tạo thành không phải bởi những từ mà bởi những câu và những câu này lại thuộc về những kiểu ghi ngôn ngữ khác nhau”, Roman Jakobson cũng nói về diễn ngôn với các cập độ ngữ âm, ngữ pháp và từ vựng [Chủ nghĩa cấu trúc và văn học, Nxb. Văn học, 2002; tr. 466,112].

13. Đúng ra, quan niệm này của R. Barthes cần được xếp vào mục hậu cấu trúc luận. Bởi lẽ, sau năm 1968, các lí thuyết gia của cấu trúc luận đều trở thành các nhà hậu cấu trúc luận.

14. Nguyễn Hưng Quốc (1996). Thơ v.v… và v.v…, Nxb. Văn nghệ, California, 1996, tr. 332.

15. Nếu các nhà chức năng luận coi ngôn ngữ là một hiện tượng xã hội thì các nhà cấu trúc luận quan niệm ngôn ngữ là một hiện tượng tư duy, “ngôn ngữ là một hình thức, không phải là một chất liệu”

16. Antoine Compagnon (2006). Bản mệnh của lý thuyết (Lê Hồng Sâm và Đặng Anh Đào dịch), Nxb. Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2006, tr.178

17. Xem thêm: Nguyễn Hưng Quốc.  Mấy vấn đề phê bình và lý thuyết văn học, Nxb. Văn mới, USA, 2007; và  Đỗ Lai Thuý biên soạn và giới thiệu. Sự đỏng đảnh của phương pháp, Nxb. Văn hoá thông tin, Hà Nội, 2004…

18. Dẫn theo Pilin và E.A. A Tzurganova chủ biên. Các khái niệm và thuật ngữ của các trường phái nghiên cứu văn học ở Tây Âu và Hoa Kỳ thế kỷ 20 (Đào Tuấn Ảnh, Trần Hồng Vân, Lại Nguyên Ân dịch), Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2003.

19. Điều đáng lưu ý ở chỗ: Foucault cho rằng các nhà văn, nhà thơ (phạm nhân, người bệnh, người điên, hoạ sĩ…) đều “bị tâm thần phân lập”, họ chống lại diễn ngôn hệ tư tưởng thống trị, làm xói mòn ý đồ tự biện minh hợp pháp của nó; họ có ý thức đối lập với những khuôn mẫu suy nghĩ và ứng xử đương thời, họ không chấp nhận thế giới xung quanh, so với các văn bản khác loại (triết học, luật…) văn bản văn học “phá hoại” những hình thức diễn ngôn đã được hợp thức hoá. Hoạt động sáng tạo của nghệ sĩ nằm ở ngoại biên cấu trúc quyền lực, họ đi lệch khỏi những chuẩn mực.

20. Lyotard coi mọi hình thức tổ chức bằng lời về các tri thức văn hoá đều là những kiểu diễn ngôn trần thuật đặc biệt. Quan niệm đó đưa đến một cách cắt nghĩa về siêu truyện khá độc đáo. Ông dùng khái niệm siêu truyện để chỉ những câu chuyện và lịch sử được tổ chức theo lối tự sự, mà nhiệm vụ của chúng là hợp pháp hoá tri thức hay hình thành nên những “siêu diễn ngôn” của mình về tri thức. Lyotard quan niệm trước kỉ nguyên hậu hiện đại, hệ thống những siêu truyện này đã chiếm doạt ý thức con người, vì chúng được chính thống hoá và hợp pháp hoá; bước sang kỷ nguyên hậu hiện đại niềm tin vào những siêu truyện bị xói mòn; ở đó, con người hậu hiện đại từ chối mọi siêu tự sự, mọi hệ thống giải thích thế giới mà họ đã sử dụng để suy nghĩ về mình trong thế giới. Trái với Lyotard, F. Jameson, nhà nghiên cứu văn  học người Mỹ cho rằng siêu truyện không biết mất hoàn toàn mà còn tiếp tục ảnh hưởng đến ý thức con người, do nó tồn tại trong dạng “tản mạn” của hệ tư tưởng thống trị tồn tại vô hình nhưng có ở khắp nơi”.

21. Trịnh Bá Đĩnh. Chủ nghĩa cấu trúc và văn học, Nxb. Văn học, 2002, tr.35

22. Hay sự kì vọng chân lí khoa học

23. Quan điểm này của Foucalt gần với luận điểm của Francis Bacon: “Tri thức là sức mạnh”. Ở đây, thiết nghĩ cũng nên nhắc đến cách lí giải của Alvin Toffler, nhà tương lai học này cho rằng: nói đến quyền lực, thông thường trong tâm thức chúng ta không khỏi ấn tượng xấu, vì nhân loại có xu hướng lạm dụng quyền lực, nhưng bản thân quyền lực vốn không tốt không xấu, “con người có mối liên hệ chặt chẽ với quyền lực và không thể trốn khỏi nó...nó có ảnh hưởng sâu sắc đến mọi sinh hoạt của ta, từ liên hệ giới tính đến việc làm, “bạo lực, của cải và tri thức là ba nhân tố quyết định sự phân phối quyền lực trong xã hội” (Thăng trầm quyền lực. Nxb. Thông tin lý luận. tr.19). Horkhkheimer viết: quyền lực như nguyên tắc của mọi liên hệ (Phê phán tính hiện đại, tr.257), Foucalt nhấn mạnh: mọi thứ đều có quan hệ với ngôn ngữ (quyền lực)

24. Dẫn theo Lydia Alix Fillingham, Moshe Susser (2006), Nhập môn Foucault. Nxb. Trẻ, Hà Nội, 2006.

25. Alvin Toffler đưa ra một ví dụ thú vị để minh hoạ cho quan niệm coi “bạo lực sinh ra quyền lực”, đó là hình ảnh một tên cao bồi luôn mang bên mình khẩu súng lục, nhưng ông cũng chỉ ra có sự chuyển đổi quyền lực trong lịch sử, chẳng hạn những kẻ có tiền (ông chủ) và những người có trình độ văn hoá, tri thức (giáo viên) cũng đại biểu cho quyền lực. Có nhiều phương thức để nắm quyền lực - độc quyền phân phối,(đối với người buôn bán), chiếm được phiếu bầu (đối với chính khách), đại diện cho pháp luật, nắm giữ pháp luật (đối với thẩm phán,cảnh sát)…. Song, nói chung.tri thức (ngôn ngữ) vẫn chiếm vị chí chủ yếu.

26. Xem Nguyễn Minh Quân. “Chủ nghĩa  hậu hiện đại: những khái niệm căn bản” in trong Văn học hậu hiện đại thế giới, những vấn đề lý thuyết. Nxb. Hội Nhà văn, Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây,2003, tr.164

27, 28. Lộc Phương Thuỷ chủ biên. Lý luận - phê bình văn học thế giới thế kỉ XX, tập hai, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2007.

29. I.Pilin và E.A. A Tzurganova chủ biên. Các khái niệm và thuật ngữ của các trường phái nghiên cứu văn học ở Tây Âu và Hoa Kỳ thế kỷ 20 (Đào Tuấn Ảnh, Trần Hồng Vân, Lại Nguyên Ân dịch), Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2003, tr.211.

30. Tzevan Todorov. Dẫn luận văn chương kỳ ảo (Đặng Anh Đào, Lê Hồng Sâm dịch), Nxb. Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2008.

31. Tzevan Todorov cho rằng: sự thực được biểu hiện trong mối liên hệ giữa những từ ngữ và những vật chúng chỉ định (quy chiếu)

32. Diễn ngôn này vượt ra ngoài sự đánh giá đúng/sai.

33. Diễn ngôn này được đánh giá theo tiêu chí đúng/sai

34. Do đó, nó chịu sự thử thách của sự thật

35. Gồm những lời lầm lẫn, hoang tưởng và hướng đến cái kì diệu…

36. Tzevan Todorov (2004). Thi pháp văn xuôi  (Đặng Anh Đào, Lê Hồng Sâm dịch), Nxb. Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2004, tr.32

37. Được sử dụng ở thì tương lai, mang tính tiên tri, báo trước một sự thể sẽ thành hiện thực, ví dụ lời của các vị thần, của các thầy bói, kể cả dự định của con người... Các diễn ngôn thì tương lai, mang tính tiên tri chỉ có thể sai nếu điều nó báo trước đang đúng hoặc đã đúng rồi.

38. Xem: Chủ nghĩa cấu trúc và văn học, Nxb. Văn học; Từ điển tu từ - phong cách - thi pháp học, Nxb. Giáo dục; Các khái niệm và thuật ngữ của các trường phái nghiên cứu văn học ở Tây Âu và Hoa Kỳ thế kỷ 20, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội; Những vấn đề lý luận văn học phương Tây hiện đại, Tự sự học kinh điển, Nxb. Văn học….

39. Cả Foucault và Wittgenstein

40. Quan điểm này cũng tương tự với việc phân biệt giữa nghiên cứu câu và phát ngôn. Nếu nghiên cứu câu hướng đến “các câu đúng ngữ pháp của một ngôn ngữ”, các mẫu câu này được mô tả thành những khách thể tồn tại độc lập với người nói, người nhận thì nghiên cứu cứu phát ngôn luôn gắn phát ngôn với ngữ cảnh cụ thể, với người nói, người nhận. Một phía phân tích cấu trúc câu ở dạng chuẩn của một ngôn ngữ; xử lí câu như là sản phẩm cuối cùng, coi trọng việc chỉ ra “quy luật ngữ pháp, ổn định và luôn đúng 100%”. Một phía, mặc dù vẫn có liên hệ với sự mô tả và kiến giải của nhà ngữ pháp câu nhưng chủ yếu khảo sát câu trong trạng thái vận hành, khảo sát chức năng của câu, mục đích sử dụng câu, hiệu quả sử dụng câu, coi câu như một quá trình. Đối với người nghiên cứu phát ngôn, ngoài việc lưu ý đến sự ứng dụng những quy luật của một ngôn ngữ nào đó trong tình huống giao tiếp cụ thể, còn cần chỉ ra các quy tắc tạo dựng phát ngôn qua việc chứng thực sự xuất hiện với tần xuất cao và có ý nghĩa về nhận thức của các dữ liệu ngôn ngữ trong diễn ngôn.

41. “Truyện Kiều được sáng tác vào năm nàohttp://www.hanoimoi.com.vn.

42. Lại Nguyên Ân. Đọc lại người trước đọc lại người xưa, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội, 2002.

43. Nguyễn Hoà. “Khía cạnh văn hoá của phân tích diễn ngôn”, tạp chí Ngôn ngữ số 12 -2005, Hà Nội.

44. Theo quan điểm của Lyotard, Foucault, Wittgenstein…

45. Có thể chỉ ra một ví dụ thú vị về điều này trong tên gọi Hịch tướng sĩ.

46. Ở các diễn ngôn hành chính quan phương như Cáo, chiếu, dụ, hịch, mệnh… chỉ vua mới được phát ngôn. Chẳng hạn chính danh lời của Bình Ngô đại cáo thuộc về vua Lê Thái Tổ, ở đây Nguyễn Trãi chỉ đóng vai, chỉ giả định đứng ở vị trí của Lê Lợi để phát ngôn, Nguyễn Trãi thác lời Lê Lợi, ông phát ngôn cho kẻ khác,  hiệu lực xã hội của phát ngôn không do Nguyễn Trãi quyết định, hiệu lực thực tiễn của văn bản do vị trí xã hội của người chính danh phát ngôn đem lại, thậm chí có thể nói đến sự bị “tước quyền tác giả” phát ngôn của Nguyễn Trãi. Nguyễn Trãi - chủ ngữ phát ngôn bị thủ tiêu, chỉ có Nguyễn Trãi thác lời người đứng đầu triều đình.

47. Foucault cho rằng người điên, phạm nhân và những người sáng tác đều bị “tâm thần phân lập”

48. Gillian Brown, George Yule. Phân tích diễn ngôn (Trần Thuần dịch), Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2002.

49. Antoine Compagnon. Bản mệnh của lý thuyết (Lê Hồng Sâm và Đặng Anh Đào dịch), Nxb. Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2006, tr.192

50. Phạm Văn Hoà, Ngô Thị Thanh Mai. “Tìm hiểu đề ngữ liên nhân trong các bài diễn văn chính trị Anh - Việthttp://www.kh-sdh.udn.vn/zipfiles/So21/hoa_phanvan.doc.

51. Lê Văn Lân (2009). Phù thuật Việt Nam, Nxb. Nam Việt, USA.

52. Các loại từ điển, sách bách khoa tri thức, sách cẩm nang… đều là các siêu diễn ngôn

53. Alvin Toffler (1992). Thăng trầm quyền lực (phần tiếp) (Khổng Đức dịch), Nxb, 1992, tr.25

54. Nguyễn Thái Hoà (2005).  Từ điển tu từ - phong cách - thi pháp học, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2005, tr.61

 

 

Danh mục website