Truyện kể về cọp và sấu ở đất Gia Định xưa*

 

           Đất Gia Định thuở ấy, từ vùng đất giồng Hóc Môn cho đến vùng sát duyên hải ở đâu cũng có thú dữ đáng sợ. Trong Gia Định thành thông chí, Trịnh Hoài Đức đã chép lại hai câu ngạn ngữ:                                   

- Dữ như cọp Vườn Trầu                                   

 - Ác như sấu Vũng Gấm   

     

Đó chỉ là hai nơi tiêu biểu, còn ở đâu không cọp thì sấu là thú dữ cản trở cuộc khẩn hoang và gây tai hại cho con người, cho cuộc sống. Do vậy, không phải vô cớ mà hầu hết các đình làng đều lập miếu thờ “Sơn quân”. Lúc bấy giờ, cách nay hơn 300 năm, trình độ nhận thức của người Gia Định không còn như buổi bình minh của lịch sử, do đó, cọp không trở thành Tô-tem của những di dân. Nhưng họ sợ cọp nên họ thờ cọp ở đình, họ cử cọp làm “ông cả” trong làng, họ gọi cọp là người, là “ông thày”, ông “ba mươi”… Nhưng không phải chỉ sợ cọp, thờ cọp, một việc được đặt ra khá cấp bách là muốn tồn tại, muốn phát triển là phải đánh bại những thế lực tự nhiên ấy và trong thực tế, họ đã đương đầu thắng lợi. Bắt được sấu, đánh được cọp là thành tích to lớn của thời kỳ ấy. Nó gắn liền với công cuộc khai thác đất đai, mở rộng diện tich canh tác và đảm bảo an toàn cho cuộc sống ở vùng đất mới. Có giết được cọp mới phá được rừng vì “rừng nào cọp nấy”. Có giết được sấu mới đi lại yên lành trên sông rạch. Chính vì vậy, truyện kể về cọp và sấu, nhất là chuyện đánh cọp, giết sấu là một thể tài nổi bậc nhất của loại hình tự sự dân gian trong buổi đầu khai phá vùng đất Gia Định.           

Truyện kể về cọp có bốn dạng thức chính:           

1) Những mẫu ký ức về cọp được ghi chép trong một số gia phả, dưới dạng từ nguyên địa danh dân gian. Tổng Ăn Thịt ở Duyên Hải là một ví dụ.           

2) Truyện Cả Cọp kể về tục cử cọp làm hương cả của một số làng.           

3) Truyện kể về những người đánh cọp là rất phổ biến, tiêu biểu là truyện Hồng Ân và Trí Năng đánh cọp ở chợ Tân Kiểng. Đây là một truyện kể về sau được chép trong Đại Nam nhất thống chí dưới dạng một truyện ký lịch sử. Một truyện khác, cũng được ghi chép trong sách này, truyện Tăng Ngộ (ở huyện Phước Lộc, phủ Tân An, tỉnh Gia Định) lại mang màu sắc thần kỳ. Tăng Ngộ được miêu tả là người có khả năng siêu phàm khiến cọp beo khi gặp ông phải cúi đầu đi không dám làm hại.            

4)Một dạng truyện khá phổ biến khác là truyện Bà Mụ đỡ đẻ cho cọp.           

Còn truyện kể về cá sấu có hai dạng: Truyện giải thích địa danh và truyện kể về người câu sấu. Trong Gia Định thành thông chí Đại Nam nhất thống chí, thuở xưa ở sông Bến Nghé có rất nhiều sấu. Chúng thường bơi lội trên sông và kêu nhu nghé rống. Do vậy sông này có tên là sông Bến Nghé. Truyện câu sấu đến nay chỉ còn một truyện chép trong Thối thực ký văn của Trương Quốc Dụng. Truyện kể rằng: Thuở nọ ở Vũng Gấm có một con sấu rất to. Nó thường làm hại nhiều người qua lại trên sông này. Nó ăn thịt một ông Tri bộ nọ và từ đó nó trở thành con “ma trành” rất hung dữ. Có một người thợ câu bắt vịt làm mồi móc vào lưỡi câu, bơi ra sông nhử sấu. Sấu táp bị mắc câu, dân chúng cùng nhau kéo sấu vào bờ đập chết. Truyện kể này có nét gần gũi với tài nghệ của người giết được con sấu, gọi là ông Luông, ở sông Tiên Thủy (trấn Vĩnh Thanh, nay thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) được chép trong Gia Định thành thông chí           

Truyện kể về cọp và sấu chính là một trong những truyền thuyết kể về các biến cố lớn lao nhất trong đời sống của những di dân và được coi là có thực, mặc dù chúng bị khúc xạ trong tri tưởng tượng của người dân Gia Định, nhưng cái lõi hiện thực vẫn chiếm ưu thế hơn những yếu tố hư cấu. Thể loại truyền thuyết lịch sử trong buổi khai thác đất Gia Định nổi bật lên hàng đầu có hai tiểu loại: truyện kể về người đánh cọp, bắt sấu và truyện kể về người có công đầu khai phá đất đai lập nên thôn làng, tức là truyện kể về các bậc “tiền hiền khai khẩn” và “hậu hiền khai cư”. Loại truyện này xuất hiện trong những thời điểm khác nhau tùy theo từng làng. Nó truyền đi và tồn tại qua kể miệng hoặc ghi chép trong các gia phả, hay dưới dạng truyện giải thích tên đất, tên sông, tên cầu, tên chợ. Đa số truyện kể dưới dạng tiểu sử của mỗi con người cụ thể. Họ là những người phá rừng làm ruộng, đào rạch, xẻ mương, lập làng, lập chợ…(Ông Tố, Ông Nhiêu, Ông Trì, Ông Lãnh, Bà Chiểu, Bà Hạt, Bà Quẹo, Bà Hom,…) hoặc họ là người tạo lập ra phương tiện phục vụ đời sống (Bà Nghè, Ông Cộ). Những truyền thuyết này liên quan đến lịch sử quá khứ của đất Gia Định. Nó là một loại sử thi của địa phương, có chức năng giáo dục, khai hóa tạo thành ý thức lịch sử và phát triển thụ cảm thẩm mỹ, kinh nghiệm lịch sử của quần chúng.            

Tất cả “dạng” truyện kể về cọp nêu trên đã cung cấp cho chúng ta những nhận thức về lịch sử của buổi đầu khai thác vùng đất Gia Định cùng với thiên nhiên, phong tục tập quán của người dân trên vùng đất mới. Nhưng điều quan trọng hơn hết là nó đã giúp chúng ta hiểu được những bí ẩn trong tình cảm và tâm hồn của người dân ở đây. Một mặt, họ vừa sợ vừa kiêng nể cọp và phải thờ cọp làm “Sơn quân chi thần” và mặt khác là phải đánh cọp để tự vệ, để bảo vệ cuộc sống. Rõ ràng đó là bước trì hoãn tạm thời, trong thực tế, yêu cầu bảo vệ cuộc sống, phát triển sản xuất và mở rộng địa bàn làng xã là rất bức thiết. Đánh cọp, giết sấu là việc to lớn của thời kỳ ấy. Chính vì vậy mà nó trở thành những truyền thuyết phổ biến sâu rộng và bền bỉ trong ký ức người dân. Đó là những việc làm và những thành tích của tập thể mà nổi bật là những cá nhân xuất sắc đại biểu cho lòng can đảm và ý chí chiến thắng của người dân Gia Định.           

Truyện kể về cọp, bên cạnh những yếu tố hiện thực lại có các yếu tố hoang đường. Các yếu tố hiện thực thể hiện ở tính chất chỉ định về tên người, tên đất và thời gian xảy ra câu chuyện. Xu hướng này bắt nguồn từ đặc trưng thể loại của truyền thuyết và giai thoại. Còn yếu tố hoang đường là cơ sở hình thức, tức là phương thức nhận thức hiện thức và phản ánh hiện thực. Đánh cọp là thành tích to lớn của thời kỳ ấy. Do đó, những người đánh cọp phải được khắc họa là những con người có khả năng võ nghệ đặc biệt hay một thần lực nào đó khiến cọp phải khuất phục. Điều đáng lưu ý là yếu tố hoang đường trong truyện kể về cọp đã xuất hiện những yếu tố bắt nguồn từ quan niệm đức hóa. Tăng Ngộ là bậc chân tu, giàu lòng vì nghĩa, và các bà mụ tài giỏi hăng hái cứu đời đã cảm hóa được cọp. Tuy nhiên quan niệm này bộc lộ không rõ bằng tính chất phóng đại và siêu nhiên thần bí.           

Nét chủ đạo của truyện đánh cọp, diệt sấu là tính chất hào hùng của cuộc chiến đấu chống lại những thế lực hắc ám của tự nhiên. Những truyện này có nét gần gũi với chiến công của Lạc Long Quân: diệt Mộc tinh ở rừng núi, diệt Hồ tinh ở đồng bằng, diệt Ngư tinh ở biển trong thời dựng nước. Nhưng ở đây, những sự kiện này xảy ra cách nay chừng hai ba thế kỷ và các truyện cũng ra đời trong khoảng thời gian ấy. Lúc đó, trình độ nhận thức của con người đã tiến bộ và tư duy sáng tạo không còn là tư duy thần thoại hồn nhiên trong buổi bình mình của lịch sử dân tộc. Ý nghĩa lớn lao của truyện đánh cọp, giết sấu là ở chỗ nó khẳng định quyền làm chủ chân chính của người Việt trên mảnh đất này. Chính những người đã chiến đấu và chiến thắng cọp và sấu nơi rừng rậm, sông rạch sình lầy, để biến đổi vùng đất hoang vu này thành ruộng thành làng và trở thành người chủ của những thành quả ấy.             

Mặt khác, ở tất cả các loại truyện, đã xuất hiện những nét cơ bản làm tiền đề cho tính cách và tâm lý của người Việt ở Gia Định. Đó là tinh thần trọng nghĩa. Hai thầy trò nhà sư Hồng Ân và Trí Năng thấy cọp ở chợ Tân Kiểng liền xin vào đánh cọp giúp dân, khác nào Lục Vân Tiên “ghé lại bên đàng, bẻ cây làm gậy nhắm làng xông vô” để diệt bọn người “quen thói hồ đồ hại dân”. Con người đạo hạnh như Tăng Ngộ lại rất đời. Thấy rừng rậm, hùm beo cản trở công việc làm ăn của dân làng lại phát tâm chặt cây, đắp lộ cho dân. Thấy dân bị nạn dịch là tuyệt thực, thấy cha bị bệnh lại tuyệt ẩm để cầu trời phật cho dân tai qua nạn khỏi. Gạt bỏ những hạn chế có tính chất tôn giáo và mê tín bao quanh câu chuyện ấy đi thì cái cốt lõi đó là tinh thần vì nghĩa, cái chủ đề mà về sau này trong thời điểm khác của lịch sử, Nguyễn Đình Chiểu đã khẳng định “giúp đời cái nghĩa đáng làm nên hư nào nại” (Điếu Trương tướng quân văn). Rồi đến người câu con sấu ở Vũng Gấm kia hành động một cách dũng cảm vì “nào đợi ai đòi ai bắt, phen này xin ra đoạn kình”. Đó là những yếu tố tiềm ẩn đằng sau những câu chuyện có tính chất ký sự kể về người thật việc thật. Đến loại truyện Bà mụ đỡ đẻ cho cọp, những yếu tố này tồn tại như những ẩn dụ của thể loại ngụ ngôn. Ở đây, truyện đề cập đến ba vấn đề lớn:           

- Tài hộ sản của bà mụ;           

- Đức tính vì nghĩa (y đức của người thầy thuốc nói một cách cụ thể) của bà mụ không phân biệt đối tượng cứu giúp ( ngay cả cọp là loài ác thú bà vẫn giúp cho).           

- Tinh thần trọng ân nghĩa (cọp mà còn biết đem heo rừng để đền ơn cho bà mụ).           

Cả ba vấn đề ấy đều tập trung đề cao tinh thần vì nghĩa cụ thể là y đức của bà mụ, người thầy thuốc có vai trò quan trọng và cần thiết ở bất cứ làng xã nào lúc bấy giờ. Ở đây nghĩa nhân và đạo lý xử thế ở đời quyện lại thành chủ đề lớn của câu chuyện hoàn toàn hư cấu nhưng được truyền tụng như một sự kiện có thật.             

Theo những tư liệu mới sưu tầm ở ngoại thành trong những năm gần đây, có thể khẳng định rằng loại truyện kể về những người đánh cọp, bắt sấu, những bậc tiền hiền, hậu hiền, những người có công khai phá và bảo vệ thành quả lao động, bảo vệ cuộc sống nói chung là rất nhiều. Nhưng chúng bị mất dần theo thời gian và chỉ còn tồn tại chủ yếu dưới dạng từ nguyên địa danh dân gian. Loại truyện này được hình thành trên cơ sở những sự kiện có thật ở địa phương, gắn bó hữu cơ với quá trình khai khẩn đất đai và tạo lập làng xã. Nó được phản ánh theo hướng lịch sử hóa và yếu tố hoang đường nói chung là mờ nhạt. Nó lấy tinh thần dũng cảm và lòng hào hiệp vì nghĩa làm tiêu chuẩn giá trị, lấy những công tích cụ thể làm nội dung và lưu truyền miệng hay ghi chép trong các tư liệu thành văn....          

(*) Tên bài viết do Ban biên tập chúng tôi tạm đặt. Nguồn của bài viết: trích từ bài “Văn học dân gian Gia Định-Sài Gòn” của nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng trong sách Địa chí văn hóa thành phố Hồ Chí Minh, tập II.Văn học, nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1998, trang 11-13.

Danh mục website