Ông Bụt của Khoa tôi

Hẳn quý vị hơi ngạc nhiên về nhan đề bài viết này. Bởi làm gì có và khó lòng có mẫu hình như Bụt, như Tiên trong thời buổi hiện đại này? Nhưng xin thưa với quý vị là có đấy. Đó là Phó Giáo sư Nhà giáo ưu tú Mai Cao Chương, vị Trưởng Khoa đầu tiên và lâu năm nhất của Khoa Ngữ văn và Báo chí, nay là Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Thầy đảm nhiệm cương vị Trưởng Khoa từ năm 1975 đến năm 1990. Năm nay, 2010, Thầy vừa tròn 80 xuân, xin ghi lại nơi đây vài kỷ niệm về Thầy và cũng là món quà bé nhỏ kính mừng Thầy thượng thọ.

Tôi không có may mắn trực tiếp học Thầy. Bởi từ trước năm 1975 thì Thầy giảng dạy tại Khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội; còn tôi thì ở trong Nam. Sau ngày giải phóng, Thầy về Nam, giảng dạy và giữ cương vị Trưởng Khoa ở Trường Đại học Văn khoa (từ 30 – 4 – 1977 đổi thành Trường Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), thì bấy giờ tôi đang học ở Đại học Sư phạm.

Ấy thế mà dường như tôi lại có cơ duyên với Thầy. Không được trực tiếp nghe Thầy giảng bài thì tôi học gián tiếp qua giáo trình và qua các bài viết của Thầy trên sách báo. Nhớ lại hơn 30 năm trước, hồi ấy, sách báo, giáo trình và tài liệu tham khảo rất khan hiếm, nên vớ được tài liệu chuyên môn nào là chúng tôi đọc ngấu đọc nghiến, ghi chép lại cẩn thận để dùng làm tư liệu cho riêng mình. Cùng với bộ giáo trình Lịch sử văn học Việt Nam của Đại học Sư phạm Hà Nội, do GS. Lê Trí Viễn chủ biên, Nxb Giáo dục in, thì còn có bộ giáo trình Văn học Việt Nam của Đại học Tổng hợp Hà Nội, do GS. Đinh Gia Khánh chủ biên, Nxb ĐH và THCN in. Ở bộ giáo trình này, Thầy được phân công viết về văn học Việt Nam thế kỷ XV. Tôi nói học gián tiếp là vì thế.

Một cơ duyên nữa là Thầy và tôi cùng một chuyên môn hẹp. Nhờ thế mà, từ ngày được về công tác tại bộ môn Văn học Việt Nam của Khoa đến nay đã gần 07 năm, tôi có may mắn được làm việc cùng với Thầy thường xuyên trong chuyên môn, học thuật. Gần gũi Thầy, tôi nghiệm ra nhiều bài học quý giá và bổ ích cho mình.

***

Nhận xét về một Con Người (xin được viết hoa), thông thường, người ta hay nghĩ đến sức chi phối và ảnh hưởng của con người ấy đối với mọi người, tập thể, xã hội, cộng đồng. Người xưa thường chia ra làm ba loại: Uy quyền, Trí quyền và Tâm quyền. Trước hết là Uy quyền, tức uy thế và chức quyền. Con người có uy quyền thường chi phối người khác rất mạnh mẽ, nhanh chóng, nhưng có thể là không bền lâu, bởi khi chức vụ và quyền lực không còn thì cái uy ấy cũng tan theo. Thứ đến là Trí quyền. Cái quyền này có được là nhờ sức mạnh của trí tuệ, tư tưởng, nhờ thế mà nó có được ảnh hưởng lớn và sâu đối với mọi người. Nhưng một tư tưởng nào đó dù có sâu sắc, độc đáo và hấp dẫn mọi người đến đâu đi nữa, thì theo quy luật của thời gian, thế nào cũng bị tư tưởng đến sau hoặc kế thừa và phát triển, hoặc phủ định. Cho nên Trí quyền chưa chắc bền vững, dài lâu. Cuối cùng là Tâm quyền. Đây là sự chi phối, ảnh hưởng từ một tấm lòng đến mọi tấm lòng. Nó là tình, là nghĩa. Chỉ có tình nghĩa mới có thể cảm hoá được người khác, khiến người khác phải quy phục. Nên Tâm quyền là thứ quyền lực bền vững nhất, một thứ quyền lực vĩnh cửu, mà xưa nay không có một thứ quyền lực nào sánh bằng.

Thầy Mai Cao Chương có uy quyền, bởi Thầy từng giữ cương vị thủ trưởng của một Khoa,. mà nếu không có khoa này thì không thể thành trường Văn khoa, thành trường Khoa học Xã hội và Nhân văn. Nhưng uy quyền này không to, không lớn. Thầy có trí quyền. Gần nửa thế kỷ giảng dạy ở Đại học Tổng hợp Hà Nội, rồi ở thành phố Hồ Chí Minh, Thầy đã đào tạo biết bao nhiêu thế hệ để họ có thể có đóng góp cho đời trên lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Thầy cũng đã có những công trình nghiên cứu, tuy không nhiều, nếu so với các đồng nghiệp cùng thế hệ với Thầy. Vì thế trí quyền này của Thầy cũng chưa thể nói là ảnh hưởng sâu rộng. Còn tâm quyền? Đúng là Thầy có một tâm quyền bền vững và có sức ảnh hưởng sâu đậm, thể hiện rõ trong cách sống, trong đối nhân xử thế, trong từng việc làm cụ thể. Tâm quyền ấy là vẻ đẹp của lòng nhân ái, vị tha, bao dung. Mà tấm lòng này, không phải ai cũng có được, nhất là trong thời buổi hôm nay, khi đời sống vật chất xã hội càng cao thì càng làm biến dạng bao nhiêu giá trị đạo đức truyền thống! Được làm việc cùng chuyên môn với Thầy, gần gũi Thầy, tôi nhận thấy ở Thầy có cái Tâm quyền ấy. Nó toả sáng và tự nó buộc uy quyền phải quy thuận theo. Không chỉ riêng tôi nhận thấy điều này mà nhiều đồng nghiệp cùng thế hệ với Thầy, hay lớp đàn anh của Thầy, hoặc các thế hệ đàn em, học trò của Thầy đều có chung nhận xét như thế. Thầy không là một đạo gia, không luyện đan tịch cốc, nhưng phong thái của Thầy sao mà lúc nào cũng ung dung, phóng nhiệm, tự do, thanh thản, thảnh thơi chẳng khác gì một Tiên ông đắc đạo, Thầy chỉ còn thiếu “cưỡi hạc vàng bay lên đàn tiên nữa thôi” (Mộng kỳ hoàng hạc thướng Tiên đàn - Mộng sơn trung) như cụ Ức Trai đã từng mộng, từng mơ !. Thầy không cũng không phải là Thiền sư, nhưng cái Tâm của Thầy, tấm lòng của Thầy sao mà tịnh tĩnh, lặng lẽ, trong veo thế! Dường như đối với Thầy, mọi thứ “hỷ, nộ, ái, ố, ai, lạc, dục” Thầy không còn bận tâm hay sao ấy! Tấm lòng ấy, cái Tâm ấy là cái Tâm của vị chân tu đắc đạo, của vị Thiền sư đốn ngộ, đã đạt cứu cánh, chân như, đã “đáo bĩ ngạn”, nhận chân “bản lai diện mục”. Xin kể lại một câu chuyện nhỏ. Tôi từng nghe vài bạn đồng nghiệp trẻ - rất trẻ  trong Khoa chúng tôi kể rằng: Có lần trong giờ học, ngồi nghe Thầy giảng bài, mắt Thầy nhắm lim dim, cất giọng đều đều như ru sinh viên vào áng văn chương bất hủ của cha ông, bạn ấy tưởng Thầy không thấy gì, nên lén lấy xôi (bánh) ra ăn. Một lúc sau, Thầy hỏi bạn ấy: “Xôi (bánh) có ngon không?”. Thầy chỉ hỏi và cười, chứ không trách phạt gì cả. Cũng không gọi bạn ấy đứng dậy. Thế mới thấy cái Tâm của Thầy  trong sáng và tấm lòng của Thầy bao dung biết bao! Có thể nói cái Tâm ấy là cái Tâm của Phật; Tấm lòng ấy là Tấm lòng của Bồ tát. Viết đến đây, tôi nhớ lại lời khuyên của Quốc sư Viên Chứng Trúc Lâm đại sa môn nói với vua Trần Thái Tông, khi nhà vua buồn vì chuyện nhà mà bỏ ngôi lên núi Yên Tử để cầu Phật: “Sơn bản vô Phật, duy tồn hồ tâm. Tâm tịch nhi tri, thị danh chân Phật” (Trong núi vốn không có Phật, Phật chỉ ở trong lòng. Lòng lặng lẽ, tịch tĩnh mà biết, ấy chính là Phật vậy). Cái Tâm, tấm lòng của Thầy Mai Cao Chương quả lặng lẽ, tịch tĩnh như thế.

Hồi chân ướt chân ráo về công tác tại Khoa, tôi là anh lính mới tò te, nào có biết gì về nhân tình thế thái, lại mang bản chất của “hai lúa”, bộc tuệch, chẳng biết sự đời, Thầy đã ngầm giúp tôi nhiều thứ. Tuy Thầy không nói ra, nhưng tôi vẫn nhận biết và hàm ơn ông. Thầy đã tạo điều kiện cho tôi bằng cách bảo tôi cùng đứng tên chung để hướng dẫn Nghiên cứu sinh làm luận án Tiến sĩ. Thầy chỉ nói với tôi một câu rất gọn: “Cậu còn trẻ, tôi đứng tên để cậu làm việc. Cố gắng nhé!”. Tôi chỉ biết “Vâng vâng, dạ dạ” và cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Có lần, Thầy kể cho tôi nghe hồi nhỏ ở quê nhà (quê Thầy ở Bình Định) đi học chữ Hán như thế nào. Rồi Thầy lim dim nhớ lại, đọc thuộc lòng hàng trang sách chữ Nho ngày xưa. Ngắm nhìn Thầy, tôi thấy dường như lúc này hồn Thầy đang thả trôi theo thời dĩ vãng, mà nay chỉ còn vang bóng. Hình ảnh này gây trong tôi một ấn tượng đẹp. Thầy biết nhiều, nhớ nhiều, biết rộng và sâu về cổ văn Trung Hoa, cổ văn Việt Nam. Nói chung là ở Thầy có cả một kho trí tuệ uyên bác về phương Đông!

Rất tiếc là, hơn ba năm nay, sức khoẻ của Thầy không còn được như trước. Tuổi già, mắc bệnh gút, lại thêm tiểu đường, nên Thầy không lên lớp nữa. Tôi đến thăm Thầy, Thầy bảo: “Cậu cố gắng gánh hết nhé!”. Tôi thưa: “Thầy sắp xếp để lên lớp cho vui, quên tuổi già, Thầy ạ!”. Thầy chỉ cười, không nói. Mấy lần đến thăm Thầy, thấy Thầy rất vui. Do bận quá nhiều việc nên nhiều tháng nay, tôi chưa có dịp đến thăm Thầy. Chắc là Thầy rất cảm thông thôi, bởi cái Tâm của Thầy là Tâm Phật, tấm lòng của Thầy là tấm lòng của Bụt, của Bồ tát mà. Thầy đúng là ông Bụt của Khoa chúng tôi.

                    Cuối tháng Mười, 2010 (Quý Thu, Canh Dần) - NCL

Bài viết cùng tác giả

Danh mục website