Nguyễn Đình Chú: tim đèn thắp sáng mãi

Tên cuốn sách là “Nguyễn Đình Chú: tim đèn thắp sáng mãi”, bởi chữ CHÚ 炷 trong tên của giáo sư có nghĩa là “hoả đăng tâm” 火 燈 心, tức tim của lửa đèn, tim đèn, bấc đèn – nơi để thắp lên ngọn lửa toả sáng. Và Tim Đèn ấy luôn toả sáng mãi với hơn 50 năm trong sự nghiệp trồng người của GS. NGND Nguyễn Đình Chú tại khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội và nhiều trường đại học khác (từ năm học 1957 đến nay), từng đào tạo nhiều thế hệ sinh viên, học viên Cao học và Nghiên cứu sinh trong nước và nước ngoài. Thầy đã sống, cống hiến cho nền giáo dục và học thuật nước nhà thời hiện đại đúng với danh xưng ấy do thân phụ của giáo sư – một nhà Nho từng đỗ đạt khoa thi Hương năm Giáp Ngọ (1894) – đã đặt cho.

Đáng lý ra, cuốn sách này đã đến tay quý vị độc giả khoảng gần hai năm trước, vào dịp mừng GS. NGND Nguyễn Đình Chú thượng thọ 80 xuân (tính theo âm lịch). Bởi lẽ, ý tưởng xuất bản cuốn sách viết về Thầy, làm sách Tuyển tập những công trình nghiên cứu của Thầy đã được PGS. TS. Nguyễn Đăng Na (nguyên Trưởng bộ môn Văn học Việt Nam 1, Khoa Ngữ văn, Trường ĐHSP Hà Nội) và tôi bàn bạc từ lâu, nhưng vì nhiều lý do khách quan nên chưa thực hiện được.

Cuốn sách được ra mắt bạn đọc lần này là Quà mừng sinh nhật Thầy lần thứ 82 của bạn bè, đồng nghiệp, học trò và người thân gởi đến Thầy, cũng là dịp cả nước ta hân hoan đón chào Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Có được cuốn sách để “trình làng” là nhờ sự nhiệt tâm của quý Thầy Cô, quý đồng nghiệp cùng các thế hệ học trò, qua những trang viết thấm đẫm nghĩa tình mà Quý vị đã dành cho thầy Nguyễn Đình Chú. Qua đó, hy vọng độc giả sẽ hiểu thêm tâm hồn, nhân cách, tình cảm của thầy trong các mối quan hệ.

Hơn nửa thế kỷ gắn bó với sự nghiệp giáo dục, hiện Thầy đang ở tuổi ngoại bát tuần, nhưng sức khoẻ vẫn còn rất trẻ tráng, bút lực vẫn sung mãn - thậm chí còn sung mãn hơn lúc đương chức, vẫn xông xáo trên các diễn đàn khoa học, và vẫn tiếp tục sự nghiệp trồng người qua việc giảng dạy, hướng dẫn và đánh giá các luận văn Cao học, luận án Tiến sĩ ở khắp ba miền của đất nước.

Hy vọng rằng với món quà tinh thần dâng lên Thầy lần này sẽ góp thêm niềm vui sống, giúp Thầy vượt qua “cái mốc 100”, dù vẫn biết “Nhân sinh bách tuế vi kỳ” (人 生 百 ), để vui cùng đất nước, gia đình và bạn bè, đồng nghiệp, học trò.

Rất tiếc, do thông báo chưa rộng khắp nên vẫn còn thiếu một số bài của bạn bè, đồng nghiệp và nhiều thế hệ học trò thân thiết của Thầy. Xin mong được cảm thông. Sau cuốn sách này, dự định sẽ xuất bản công trình của Thầy: “Nguyễn Đình Chú tác phẩm” với khoảng trên 3000 trang sách.

Nhân đây, chúng tôi chân thành cảm ơn và cảm tạ các tác giả đã có bài viết trong cuốn sách này. Xin cảm ơn Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội đã nhiệt tình tạo mọi điều kiện để cuốn sách ra mắt kịp thời và đúng dịp.

Xin trân trọng giới thiệu cùng quý vị bạn đọc.                                                                

Cuối thu Canh Dần (2010)

Kính bút,

PGS. TS. Nguyễn Công Lý

 

VÀI NÉT VỀ TIỂU SỬ

GS. NGND. NGUYỄN ĐÌNH CHÚ

 

- Sinh ngày 07 tháng 9 năm Kỷ Tỵ (tức ngày 09 tháng 10 năm 1929). Nhưng trong khai sinh thì ghi ngày 20 tháng 9 năm 1932.

- Quê quán: xã Thượng Xá (nay là xã Nghi Hợp), huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.

- Dòng tộc: hậu duệ của Thái sư Cương Quốc công Nguyễn Xí thời Lê sơ (thế kỷ XV).

- Xuất thân trong một gia đình Nho học, có truyền thống yêu nước, thân dân. Cụ thân sinh là Nguyễn Huy Côn (1866 – 1954), bạn học với cụ Giải nguyên Phan Bội Châu và Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, đỗ Tú tài khoa Giáp Ngọ (1894) cùng khoa thi Hương ở trường Nghệ với cụ Nguyễn Sinh Sắc, được ban Hàn lâm viện đãi chiếu. Cụ đã từng truyền lại cho con trai từ lúc 5, 6 tuổi những lời dạy của tiền nhân như:

皇 天 不 好 心 人.

Hoàng thiên bất phụ hảo tâm nhân.

(Trời không phụ người có lòng tốt)

廉 正, 不 得 以 公 .

Cần kiệm liêm chính, bất đắc dĩ công vi tư.

(Siêng năng, tiết kiệm, trong sạch và ngay thẳng, không được lấy của chung làm của riêng.)

事 能 知 足 心 常 ,

人 到 求 品 自 高.

Sự năng tri túc tâm thường lạc,

Nhân đáo vô cầu phẩm tự cao.

(Việc mà biết đâu là đủ thì lòng thường vui,

Người mà không mong điều gì thì tự đó đã có phẩm hạnh cao).

Thân mẫu: Cụ Bành Thị Nhật (1896 – 1995), một đời tần tảo và hết lòng, hết dạ với chồng con, hưởng thọ 100 tuổi.

- Nghề nghiệp: Dạy học và nghiên cứu văn học. Giảng dạy chính tại khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội từ 1957 cho đến nay. Từng là trợ lý cho Giáo sư Trần Đức Thảo và Giáo sư Đặng Thai Mai.

- Được Nhà nước phong học hàm Giáo sư (1991), danh hiệu Nhà giáo Nhân dân (1998).

 

Bài viết cùng tác giả

Danh mục website