Nhà thơ mang đến Hội thơ

        Sau nhiều lần thay đổi địa điểm, năm nay Ngày hội thơ TP. Hồ Chí Minh được tổ chức ở Bến Nhà Rồng, nơi cách đây đúng 100 năm người thanh niên Nguyễn Tất Thành rời bến xuất dương trên con tàu Latouche-Tréville. Những năm trước, ngày hội thơ từng diễn ra ở Thảo cầm viên, công viên Bách Tùng Diệp, nhà văn hoá Lao Động, Lăng Ông Lê Văn Duyệt và nhà hát thành phố... Mỗi nơi có ưu thế và nhược điểm riêng: nơi có không gian thoáng đãng thì thơ bị tan loãng, nơi có không gian ấm cúng thì thơ lại quá nghiêm trang. Hy vọng năm nay Nàng thơ được thụ hưởng nguyên chất không khí Sài Gòn, dưới thuyền trên bến, và mở rộng tầm mắt chứ không bị chắn giữa những bức tường. 

Cùng với lễ hội chính thức, Ngày thơ cần thu hút nhiều hoạt động ở các câu lạc bộ, các trường học, có thể cả các nhóm bạn thơ ở những quán cà-phê. Mấy năm gần đây, vào dịp này, chùa Lá và một số văn nghệ sĩ phối hợp tổ chức triển lãm thơ, đọc thơ, nhà thơ giao lưu với bạn đọc trong không khí rất thân mật, gần gũi. Thật là thú vị khi cầm trên tay những tập thơ xuất bản hai, ba thập niên trước, được treo trang trọng như những quả lành trên các cội mai vàng ngay trong khuôn viên thiền viện Vạn Hạnh.

         Hình như có một sự hưởng ứng thầm lặng khi mà những tháng cuối năm, các nhà thơ nỗ lực chuẩn bị ấn hành tác phẩm cho kịp ra mắt trước Ngày hội thơ. Làm sao không sung sướng khi đến lễ hội, mang theo một tập thơ mới ký tặng bạn bè hay trưng bày trên kệ sách.

        Có lẽ không thể nào kể hết những nhà thơ có diễm phúc đó, năm nay, chỉ riêng ở TP. HCM. Niềm vui được nhân lên với những tác giả cùng hội ngộ trong một tập thơ. Còn thơm mùi mực mới là tập Giêng xanh của sáu nhà thơ xứ Huế: Tôn Nữ Hỷ Khương, Trần Hữu Lục, Tôn Nữ Thu Thuỷ, Cao Quảng Văn, Hồ Đắc Thiếu Anh và Trương Nam Hương. Ngay trước Tết âm lịch, bốn thi nhân họ Nguyễn gốc Quảng Nam định cư ở thành phố này cùng góp thơ chung trong một tuyển tập trang nhã: Nguyễn Tam Phù Sa, Nguyễn Vân Thiên, Nguyễn Hữu Thuỵ và Nguyễn Lương Hiệu. Hơn nửa năm trước, một sưu tập thơ khác, khá dày dặn và hiện đại, gồm 30 tác giả,  đã ra mắt dưới nhan đề Bông và Giấy.

        Nếu kể những tập thơ in riêng và tính trọn năm Canh Dần, thì danh mục sách mà các nhà thơ TP. HCM mang đến Hội thơ có thể lên đến năm chục tập. Làm sao để Ngày thơ là dịp giới thiệu cho bạn đọc được biết đến những thành tựu đó. Một quầy sách bán giá “hữu nghị” để các nhà thơ ký gửi có lẽ là việc nên làm. Ngày thơ năm ngoái, ở nhà hát thành phố, chỉ thấy những lá phướn treo thơ xưa cao ngất trên lầu, ngước mỏi cổ vẫn không đọc rõ chữ, còn các tập thơ hôm nay thì không thấy một bóng dáng gì bên trong và ngoài hội trường.

        Ngày thơ là một cách ghi dấu của thơ trong đời sống. Mỗi năm chỉ có một ngày, cả người làm thơ lẫn người đọc thơ đều muốn có một cái gì đọng lại trong tâm trí. Ai cũng biết đây là việc khó, vì vậy mà mọi người trông đợi vào Ban tổ chức mới được thành lập với nhiều sáng kiến để tôn vinh thể loại văn học vi diệu này.

        Ngày cuối năm Canh Dần, giới văn nghệ thành phố vĩnh biệt một nhà thơ đích thực ẩn mình bên trong một học giả: Nguyễn Tôn Nhan. Là người lặng lẽ, nếu còn sống, chắc ông sẽ không xuất hiện ở Hội thơ. Nhưng những câu thơ ông để lại xứng đáng để bạn bè ông mang đến Ngày thơ và chia sẻ với mọi người:

                               Tôi nằm nghe cây chuyển nhựa non

                               Bóng thiên thâu một mảnh trăng còm

                               Tôi nhớ vô cùng con dế gáy

                               Tóc người gầy dãy dụa bay điên.

                                          (Nguyễn Tôn Nhan, Gửi cho cõi im lặng).

 

H. N. P.

Nguồn: Báo Phụ Nữ, thứ sáu 11- 02 – 2011.

 

 

 

 

 

 

Bài viết cùng tác giả

Danh mục website