Liên văn bản – sự triển hạn đến vô cùng của tác phẩm văn học

Liên văn bản (intertextuality) và phi tâm hoá (decentralization) là hai khái niệm lý thuyết gắn liền với giải cấu trúc (deconstruction); đồng thời, đóng vai trò nền tảng cho một trào lưu rộng lớn hơn: chủ nghĩa hậu hiện đại (postmodernism); ở giới hạn bài viết này, tôi chỉ trình bày những lý thuyết căn bản và sự ứng dụng của khái niệm liên văn bản trong phạm vi phê bình văn học hậu hiện đại (postmodernist literary criticism).

Liên Văn Bản – Những Khái Niệm Tổng Quát

Một cách khái quát (và cũng rất tương đối), người ta chia ra hai loại liên văn bản: Kinh Điển Và Hậu Hiện Đại.

Liên văn bản theo quan niệm kinh điển, biểu hiện bởi sự liên hệ trực tiếp giữa văn bản này và những văn bản khác, ví dụ, trên phương diện thực hành, ghi chú rõ ràng nguồn gốc tài liệu tham khảo trong một bài viết nghiên cứu văn học (hay khoa học), hoặc sự sử dụng các điển cố trong Kiều chẳng hạn. Theo cách nhìn (khá hạn hẹp) như thế, quan hệ liên văn bản chỉ có ích và một chừng mực nào đó, đem lại sự thú vị cho người đọc mang bệnh kém tiêu hoá các chế phẩm tinh thần cao cấp, giúp họ có thể cảm nhận một cách nhanh chóng (theo kiểu fast food, đói - có ăn, khát - có uống, không cần phải đợi lâu); hoặc, trí tò mò được thoả mãn ngay lập tức với sự vận dụng óc thông minh ở mức tối thiểu. Một văn bản được xem là có “chất lượng cao” khi mọi ẩn ý hay mọi ám chỉ, thậm chí những trích dẫn hay phụ chú, phải được ghi ra một cách thật rõ ràng, giải thích một cách chi li tường tận, không thể nhầm lẫn, kiểu như giải toán số, hai cộng hai thành bốn vậy; cẩn thận hơn, có người còn tỉ mẩn diễn âm cả thuật ngữ nước ngoài, rồi bỏ không ít tâm huyết vào sự truy tìm nguồn gốc của ngữ nguyên.

Sự ứng dụng một cách quá máy móc và bệnh hoạn quan niệm cổ điển của tính chất liên văn bản, sẽ rất dễ dàng, đưa đến hai hệ luỵ cho người làm công việc phê bình văn học: (a) thứ nhất, nếu là người công tâm và chăm chỉ, hắn ta, giỏi lắm, sẽ dừng lại ở mức học giả hàn lâm (academic scholar); (b) thứ hai, muôn đời hắn ta sẽ, và cũng sẽ chỉ là một người làm công việc nghiên cứu có tính cần cù. Trong cả hai trường hợp, con người làm công việc “phê bình văn học,” sẽ không bao giờ trở thành một nhà phê bình văn học; có chăng, là nhà trích tuyển, viết tựa hay viết bài giới thiệu cho các bài phê bình xuất sắc (nếu còn có chút khả năng); hoặc, tệ hơn, chỉ là nhà… sưu tầm các bài phê bình để đóng lại thành sách!

Dẫu sao, vào lúc này, tôn trọng và ứng dụng tính chất liên văn bản theo quan niệm cổ điển hạn hẹp vẫn có ích cho văn học Việt Nam; chí ít, cũng loại trừ được thói ăn gian và biển lận tư tưởng đối với không ít người viết thích cầm nhầm tư duy của kẻ khác, cố tình quên trích dẫn (để làm loé mắt người đọc với những ý tứ vay mượn của một vĩ nhân nào đó khuất xa tầm nhìn của người đọc); và thứ đến, giáo dục người đọc tuân thủ một lối đọc nghiêm túc – tìm hiểu một vấn đề đến nơi đến chốn để tránh đi hai cố tật: hàm hồ và nói leo.

Khái niệm liên văn bản kinh điển sẽ không đóng góp bao nhiêu vào việc sáng tạo, nhưng, trong nghiên cứu văn học và nhất là trong khoa học văn chương (khoa học tự nhiên sẽ còn vận dụng khái niệm này triệt để hơn nữa), vai trò này hết sức quan trọng; và hiện nay, những nhà nghiên cứu văn học đứng đắn, cũng là chủ trương của Việt, đang cố gắng vận động cho giới nghiên cứu lẫn giới phê bình văn học, trong cũng như ngoài nước, cần phải tôn trọng hơn lề luật về sự trích dẫn thông thường vừa đề cập ở trên.

Quan niệm thứ hai về liên văn bản, cũng là trọng tâm chính của bài viết, sẽ nói đến khía cạnh hoàn toàn có tính chất lý thuyết trong giới sáng tác văn học và quan trọng hơn, trong lý thuyết của việc đọc – hành vi đầu tiên và chủ yếu của một nhà phê bình văn học hậu hiện đại, một phong trào chi phối mạnh bởi lý thuyết giải cấu trúc do Jacques Derrida khởi xướng: lý thuyết của việc đọc.

Khái niệm liên văn bản gắn liền với ba tên tuổi Jacques Derrida, Roland Barthes và Julia Kristeva – những lý thuyết gia tiên phong trong trào lưu giải cấu trúc và phê bình hậu hiện đại. Nếu Jacques Derrida là người đầu tiên khơi động ý tưởng “không có gì ngoài văn bản” để manh nha những ý thức phôi thai về vai trò của intertextuality; thì, Roland Barthes mới là kẻ đi đầu trong sự cổ xuý và quảng bá tư tưởng này như một bước đột phá lớn - đưa văn học từ điểm nhìn gò bó và tù hãm dựa trên hệ lý thuyết cấu trúc luận (structualism), sang một cách nhìn rộng hơn, sâu hơn và nhiều tự do hơn của lý thuyết giải cấu trúc (deconstruction), qua tác phẩm Cái Chết Của Tác Giả (The Death of the Author, 1968) – lần đầu tiên, một nhà phê bình đánh dấu sự cáo chung vai trò của người viết áp đặt lên nguồn gốc của một tác phẩm văn học (sẽ được giải thích chi tiết ở phần dưới.)

Trong luận văn trên, Barthes tuyên xưng sự giải phóng của văn bản ra khỏi mọi ràng buộc của tác giả – văn bản tồn tại độc lập và hoàn toàn miễn nhiễm, đối với bất cứ động hướng chủ ý nào của người sáng tạo ra nó. Thay vào đó, văn bản luôn hàm chứa một ý nghĩa rộng hơn: một văn bản thuần tuý là một đơn vị nhỏ trong mạng lưới vô cùng rộng lớn của hằng hà sa số những văn bản khác. Xa hơn, Barthes còn nhấn mạnh, văn bản của hôm nay, thực ra, chỉ là sự viết lại của những văn bản đã tồn tại từ trước, những nghi vấn về khởi thuỷ của một tác phẩm dần dần bị bôi xoá và không còn đóng một vai trò quan trọng như đã từng khẳng định trong nhiều thế kỷ mà đỉnh cao nhất của nó trở thành một đặc trưng của chủ nghĩa lãng mạn (romanticism). Văn bản, theo Barthes, là một bức tranh khảm kết dính các trích dẫn và ghi chú (mosaics of citations), là âm vang dội lại từ nơi vô tận của các ý tưởng đã từng tồn tại từ bao đời.

Chính văn bản mới là động lực hướng dẫn sự hành ngôn chứ không phải chủ thể của hành động hành ngôn – một khi đã bắt đầu, tính chất liên văn bản sẽ khởi động một động hướng có tính cách dây chuyền để làm bộc lộ càng lúc càng nhiều thêm những văn bản khác.[1] Kết quả, người đọc (và cả người viết) sẽ có một cuộc du hành kỳ thú qua nhiều chặng đường lịch sử, xã hội, tâm lý hay trải nghiệm sự tương tác giữa các nền văn hoá khác nhau.

Tuy không thể chối bỏ công lao của Jacques Derrida và nhất là Roland Barthes, trong sự hình thành khái niệm quan trọng liên văn bản, nhưng Julia Kristeva mới là người tiên phong, đặt nền móng, xây dựng một lý thuyết hoàn chỉnh và đặc biệt, biện luận cho vai trò của nó trong hoạt động phê bình văn học hậu hiện đại.

Kristeva quy chiếu văn bản vào một biểu đồ gồm hai trục: trục ngang (horizontal axis) – thể hiện sự liên kết giữa tác giả và người đọc; và trục đứng (vertical axis) – biểu tượng cho sự liên kết một văn bản này đến những văn bản khác.[2] Kết hợp sự quy chiếu của cả hai trục một cách đồng thời lên một văn bản nhất định, nhà phê bình (hay, hẹp hơn, người biết đọc) sẽ tìm thấy một nguyên tắc chung: tất cả mọi văn bản được viết và đọc đều phải lệ thuộc vào những quy ước đã hiện diện từ trước: “mọi văn bản ngay từ khi bắt đầu đã chịu ảnh hưởng và nằm trong phạm vi tác động của những giải trình ngôn ngữ khác nhau, mà mỗi giải trình ngôn ngữ như thế, luôn luôn chịu chi phối bời một vũ trụ gồm nhiều văn bản khác”.[3] Bà tranh luận với các nhà lý thuyết cấu trúc, “thay vì phải khoanh vùng sự chú ý của chúng ta vào giới hạn cấu trúc của văn bản, tại sao chúng ta không thử nghiên cứu tính chất cấu trúc ấy bắt nguồn từ đâu?” Kristeva đã thực hiện điều này bằng cách đặt văn bản nghiên cứu vào một mạng liên văn bản rộng lớn hơn bao gồm những văn bản xuất hiện từ trước cũng như những văn bản đồng đại, để dần tìm sự chuyển thể hoặc dấu vết của sự chuyển thể có căn nguyên từ những văn bản khác, công việc này đã giúp bà xây dựng nên một lý thuyết mạnh mẽ bảo vệ cho quan điểm của hầu hết các nhà phê bình hậu hiện đại.[4] Cũng cần phải nhấn mạnh một lần nữa quan điểm của Kristeva, ở đây, sự dần tìm dấu vết của một văn bản, không có mục đích truy nguyên, thay vào đó, chỉ nhằm thể hiện sự liên kết chằng chịt, chồng chất của văn bản này đến văn bản khác. Như đã khẳng định ở trên, xuất phát điểm của một văn bản là điều vô phương tìm kiếm, vì “bất cứ văn bản nào cũng được tạo nên như một bức tranh khảm chứa đựng cả một thiên hà các trích dẫn, bất cứ văn bản nào cũng mang dấu vết của sự hấp thụ và chuyển thể từ các văn bản khác.” Khái niệm liên văn bản đưa ra nhằm thay thế tính chất tương liên giữa các chủ thể (những cái biểu đạt, signifiers SFR), và người ta sẽ đọc ngôn ngữ thơ ít nhất theo hai chiều, đọc thơ như thơ và đọc thơ như văn xuôi, biên giới thơ và văn xuôi bị xoá mờ.

Liên Văn Bản: Sự Cáo Chung của Chủ Thuyết Cấu Trúc Luận

Mặc dầu Saussure nhấn mạnh đến tầm quan trọng về quan hệ giữa các đơn vị căn bản – các ký hiệu của ngôn ngữ (Signs) hay giữa những cái biểu đạt (SFR, signifiers), nhưng điểm yếu kém và lỏng lẻo trong sự vận dụng lý thuyết của Ferdinand de Saussure vào cấu trúc luận, bộc lộ rõ nét nhất, khi đặt văn bản như một đối tượng nghiên cứu hữu hạn và tách biệt – một bản thể hoàn chỉnh độc lập, tách ly hẳn mọi ảnh hưởng khác, để chỉ chú tâm đến mục tiêu duy nhất: cấu trúc của văn bản. Những nhà cấu trúc luận đồng ý mỗi văn bản sẽ đóng vai trò như một PAROLE và một trào lưu văn học hay một nền văn học sẽ được xếp loại như một bối cảnh lớn của ngôn ngữ: LANGUE. Thế nhưng, cũng chính những nhà cấu trúc luận lại tự mâu thuẫn, khi, mỗi văn bản bị giới hạn trong phạm vi bản thể mà không tìm sự liên hệ giữa các PAROLE, càng hạn chế hơn, các nhà cấu trúc luận hầu như lãng quên sự tương tác của các LANGUE: các nền văn hoá và văn học khác nhau. Với lối nhìn nhận như vậy, các nhà cấu trúc luận không thể nào giải thích được sự phát triển và chuyển hoá cũng như sự tương tác của nhiều động hướng xã hội đối với văn học, và càng không thể nào lý giải được tác động qua lại giữa các nền văn học hay các giai đoạn phát triển văn học trong lịch sử nhân loại.

Ngay cả trong trường hợp nhiều văn bản được nghiên cứu và xếp loại như một tập hợp, ít hoặc nhiều, sẽ khơi dậy một ý tưởng của sự gắn kết hay ít nhất phải có một sợi dây mong manh nào đó để đem chúng đến với nhau, về khía cạnh lịch sử lẫn văn hoá, các nhà cấu trúc không hề để tâm đến khía cạnh này. Với họ, điều duy nhất cần biết đến khi chúng được xếp chung vì có cùng một cấu trúc về thể loại (similarly generic structrure); lý do vì sao có sự đồng dạng ấy không làm bận tâm bất cứ một nhà phê bình cấu trúc luận nào – những người tự đặt cho mình công việc đầu tiên là sự phân tích đơn vị cấu trúc hiện diện trong văn bản để từ đó giúp xoá đi biên giới của một hệ thống (vì đơn vị phân tích không còn nằm ở đơn vị văn bản mà nằm ở những đơn vị cấu trúc trong văn bản, nên biên giới giữa hai văn bản sẽ bị loại bỏ.) Đối với những nhà cấu trúc luận, vũ khí quan trọng vào bậc nhất là ngôn ngữ - ngôn ngữ không những có quyền năng vượt ra ngoài sự kềm toả cá nhân, mà còn, đóng vai trò quyết định tính chất chủ thể (subjectivity). Tuy nhiên, chính những nhà cấu trúc luận – những người từng chủ trương “chính ngôn ngữ nói thay cho người viết,” lại là những người tìm mọi cách để đóng khung những hoạt động của ngôn ngữ vào giới hạn của cấu trúc; liên văn bản đã làm điều ngược lại, phá vỡ những hàng rào của cấu trúc để kéo dài biên cương của ngôn ngữ đến vô tận.

Liên Văn Bản: Cái Chết Của Tác Giả

Ý thức hệ về chủ nghĩa cá nhân (ideology of individualism) – gắn liền với những khái niệm liên quan đến tính khởi thuỷ (originality), tính sáng tạo (creativity) và khả năng diễn đạt (expressibility) - những thuộc tính của tác giả, là di sản của thời kỳ hậu phục hưng (post-Renaissance) mà đỉnh cao của nó bộc lộ rõ ràng trong trào lưu lãng mạn, cho tới bây giờ, sự dây dưa của ý thức hệ này vẫn còn khá phổ biến trong các hành ngôn đại chúng.[5] Và tại Việt Nam, lãng mạn chủ nghĩa và ý thức hệ cá nhân hầu như còn in đậm nét trong hầu hết các dạng thức văn chương, văn xuôi chưa rũ bỏ được những hình ảnh tình tứ của chàng và nàng, thơ còn đọng lại khung cảnh lung linh mờ ảo của cây, hoa, gió, mưa, lá rụng vân vân – những sáng tạo của tác giả.

Ý thức hệ về chủ nghĩa cá nhân – cha đẻ của nguồn gốc tác giả (authorship), thực ra là một khái niệm mang tính lịch sử; những khái niệm kiểu như nguồn gốc tác giả hay sự đạo văn (plagiarism) không tồn tại trong thời trung cổ (Middle Ages). Trước thế kỷ thứ 16 (khoảng năm 1500 trở về trước), người đọc không để tâm đến tác giả của một cuốn sách hay lưu ý đến xuất xứ của một trích đoạn.[6] Ferdinand de Saussure cùng những nhà cấu trúc luận và giải cấu trúc đã làm sống dậy khái niệm “phi chủ quyền” trong văn chương của thời kỳ trung cổ bằng cách loại trừ cặp đối lập nhị phân Quyền Tác Giả/sự đạo văn (authorship/plagiarism). Saussure lý luận, ngôn ngữ là một hệ thống ký hiệu tồn tại từ trước, và đã sẵn có khi chủ thể dụng ngôn xuất hiện; như vậy, con người sinh ra sẽ được đặt vào, và chịu chi phối bởi, một hệ thống ký hiệu đã hiện hữu – một ý tưởng hết sức cấp tiến và hiện vẫn còn được công nhận trong lý thuyết văn học hậu hiện đại.

Dựa trên cơ sở lý luận của Saussure, Barthes đã phát triển thêm: “chính ngôn ngữ là chủ thể hành ngôn, không phải tác giả; viết là một hành động mà tại đó chỉ có ngôn ngữ hoạt tác, ‘biểu diễn’, và không còn có ‘tôi’…”.[7] Theo Barthes, người viết khi thực hành chức năng viết bản thân người viết cũng được viết lại; nói một cách dễ hiểu hơn, để truyền đạt một tư tưởng, một ý nghĩ hay một câu tr(ch)uyện bằng văn bản, kẻ truyền đạt (addresser) phải sử dụng những khái niệm và quy ước tồn tại trước đó – những quy ước được sự công nhận của xã hội, của cộng đồng, hay của một tập thể nhỏ hơn, bao gồm ít nhất hai thành viên: người truyền đạt và kẻ thụ nhận (receiver). Trong quá trình sắp xếp, chọn lọc, và tìm kiếm những ký hiệu ngôn ngữ phù hợp với những điều cần truyền thông, chính người viết đã được viết bởi ngôn ngữ; hậu quả là, chủ định truyền đạt và ngôn ngữ truyền đạt đều mang một tầm quan trọng như nhau nhưng lại hoạt động độc lập với nhau, do đó, ý nghĩa của văn bản ở mức độ hoạt tác của ngôn ngữ, sẽ trượt ra ngoài giới hạn chủ định của người viết, vào thời điểm ấy, người viết phải chịu sự ảnh hưởng của ngôn ngữ. Chúng ta có thể tự kiểm chứng lại quan điểm này khi dừng lại để tìm kiếm từ ngữ nhằm diễn đạt một ý tưởng, dù không ý thức được sự tác động của ngôn ngữ, nhưng sau một qua trình tìm kiếm, ý tưởng ban đầu sẽ bị xoáy vặn, biến đổi để thích hợp với ngôn ngữ truyền thông; xem ra, không phải chúng ta sử dụng ngôn ngữ, cơ hồ, ngôn ngữ đang chơi một trò chơi riêng ngay trong suy nghĩ và trên ngọn bút của chúng ta!

Sự gò ép ý nghĩa văn bản (meaning of the text) vào vai trò chủ định của người viết đã bị phê phán và gần như loại bỏ trong thời kỳ xuất hiện phong trào Phê Bình Mới (New Criticism), trong đó chủ định của tác giả ảnh hưởng lên ý nghĩa của văn bản bị xếp vào khái niệm hoang tưởng chủ định (intentional fallacy).[8] Chúng ta, trong nhiều trường hợp làm công việc truyền thông mà không hề có ý thức gì về điều đó cả, tỉ như việc con người đứng dậy và bước đi, trong đầu chỉ nhắm vào đích đến mà không hề chú ý gì đến hành động đi. Như Michael de Montaigne đã viết vào năm 1580: “viết, bởi chính sức mạnh và vận hội của nó, có thể chỉ là hành động của chủ thể, nhưng đôi khi ‘viết’ vượt khỏi tầm kiểm soát của người viết, trượt ra ngoài sự phát hiện và kiến thức của tác giả”.[9]

Roland Barthes, đi sâu hơn, khi ông nhấn mạnh đến tính chất tái phối trí và điều hợp của văn bản đã tồn tại trong quá trình viết: “văn bản là một thế giới đa phương, trong đó, nhiều loại văn bản, không có văn bản nào là nguyên thuỷ, hoà trộn lẫn đối kháng với nhau. Văn bản là mô kết hợp (connective tissue) của các trích dẫn… Người viết chỉ có thể bắt chước những thể thức đã xuất hiện trước thời điểm đó nhưng không bao giờ chứa đựng tính nguyên thuỷ (vì vậy, không thể khẳng định tính chủ quyền hay tính nguyên thuỷ của người viết lên bất cứ văn bản nào được viết ra). Quyền lực duy nhất của một người viết là trộn lẫn các loại văn bản với nhau, đối chiếu so sánh văn bản này với văn bản khác, theo cách, không có văn bản nào đóng vai trò nền tảng về xuất xứ”.[10] Nói khác đi, theo Barthes, người viết không phải diễn tả tư tưởng cá nhân bằng ngôn ngữ mà chính ngôn ngữ đã tạo nên những tư tưởng ấy – tư tưởng xuất hiện ở khoảnh khắc ngôn ngữ được giải phóng và trở thành yếu tố tự do, thời điểm người viết (tác giả) trở thành trò chơi của ngôn ngữ (game of language).

Sau này, Claude Lévi-Strauss đã phân tích sâu hơn khía cạnh trên của Barthes và làm rõ thêm tính biểu đạt của ngôn ngữ trong hành động viết – viết sẽ không bao giờ là hành động ký âm của tư tưởng, ý nghĩ, cảm nhận, vân vân, thông qua ký hiệu ngôn ngữ (ngôn ngữ trong trường hợp như thế là một công cụ thụ động); viết là trò chơi của ngôn ngữ, tạo nên sự hoạt tác của ngôn ngữ, để từ đó, tư tưởng và cảm nghĩ sẽ được hình thành trong sự tương tác giữa ngôn ngữ và người viết (ngôn ngữ ở đây sẽ lột xác để trở thành một tác nhân tích cực và chủ động). Một trạng huống nào đó, ngôn ngữ sẽ giống như một dòng chảy tự động vượt thoát hẳn sự chi phối của người viết, ngôn ngữ trở thành một yếu tố tự do – ngay tại khoảnh khắc ấy, tính biểu đạt (signifier, SFR) và cái được biểu đạt (signified, SFD) trong ngôn ngữ không còn một lằn ranh nào nữa: viết thuần tuý là một hành vi bùng vỡ của ngôn ngữ, như một vết dầu loang ra mọi hướng trên mặt nước lặng, ngôn ngữ chỉ là những yếu tố biểu đạt tự tương tác với nhau mà không nhắm đến một đối tượng được biểu đạt nào.

Tính chất nguyên lý của cấu trúc luận bị khủng hoảng, ngôn ngữ phá vỡ những định chế của chủ thuyết sáng tạo nên vai trò của nó – cấu trúc luận phủ nhận vai trò của tác giả để đưa văn học về một đơn vị chung: ngôn ngữ, nhưng ngôn ngữ không thể là đơn vị cố định và hằng hữu để đóng vai trò công cụ cơ bản, trái lại, người viết mới là một đơn vị chuyển tiếp (relay) cơ bản của ngôn ngữ – y hệt như một trạm tiếp vận các sóng phát thanh hay sóng truyền hình vậy, trong đó ngôn ngữ là dòng lưu chuyển của các điện tử chuyển tải các thông tin. Tiếp nhận được hay không các dòng thông tin điện tử này, tuỳ thuộc rất nhiều vào các dụng cụ thu nhận tín hiệu. Dụng cụ thu nhận càng tốt, tín hiệu thu nhận càng đầy đủ và càng rõ ràng; thế nhưng, không ít dòng tín hiệu vẫn cứ mãi lơ lửng trong không gian bao la, và đôi khi, những lỗ tai từ rất xa đã nghe thấy, nhưng những con mắt thật gần vẫn cứ mãi mù loà trong thế giới tăm tối của u mê. Một hành động đọc hay viết theo lối liên văn bản cũng mang một dạng thức tương tự, viết là đưa vào không gian đa môi trường một tín hiệu thông tin có khả năng tương tác và hoà trộn với các tín hiệu khác; trong khi đó, đọc là sự thu nhận một cách đầy đủ các dòng tín hiệu trên mà không cần phải lưu tâm đến việc xuất xứ của nó từ đâu. Tương tự như chúng ta đến nghe một buổi hoà nhạc, sự trộn lẫn các âm thanh phát ra từ nhiều nhạc cụ khác nhau sẽ tạo nên một thế giới âm thanh kỳ diệu, không có âm thanh của nhạc cụ nào trở nên tách biệt và chúng ta không thể nào nhặt ra từng âm thanh một để nghe lấy một cách riêng tây.

Để minh hoạ cho khía cạnh lý thuyết có vẻ “khá rối rắm” này, chúng ta thử để ý và thực hành một trò chơi nhỏ: dự định viết một truyện ngắn, viết dự định ấy ra, rồi viết truyện ngắn theo dự định, đọc lại hai văn bản ấy, người đọc tự khắc sẽ hiểu được khái niệm vượt thoát và yếu tố tự do trong ngôn ngữ như vừa giải thích ở phần trên. Nếu vẫn còn nghi vấn, bạn đọc thử chơi thêm một trò chơi nhỏ khác, đọc một truyện ngắn, đọc thôi chứ không học thuộc lòng, sau đó hãy kể truyện ngắn vừa mới đọc xong cho người khác nghe; không chừng sau khi làm hai công việc ấy, bạn sẽ phát hiện ra mình không phải chỉ là người đọc mà cả người viết lại truyện ngắn vừa mới đọc xong. Trong trường hợp này, người ta sẽ nói rằng, không phải bạn viết lại truyện ngắn bạn vừa mới đọc mà ngược lại, truyện ngắn bạn vừa mới đọc xong đã viết ra sự cảm nhận của bạn bằng chính ngôn ngữ của nó. Ai sẽ là tác giả nguyên thuỷ của truyện ngắn vừa được kể? Nếu phủ nhận vai trò của bạn – người đọc, quả thật bất công, nhưng nếu công nhận hoàn toàn bạn là tác giả của câu tr(ch)uyện vừa kể, thì có vẻ hơi … gian lận. Dù theo đuổi chiều hướng nào đi chăng nữa, chúng ta vẫn có thể rút ra một kết luận không sai: tính chất chủ quyền tác giả của câu tr(ch)uyện vừa kể không xác định được ngoại trừ ngôn ngữ sử dụng để tạo nên câu tr(ch)yện kể ấy!

Để làm rõ thêm “tính chất mập mờ vai trò chủ quyền tác giả,” chúng ta thử khảo sát nguồn gốc cuốn sách được xem là đóng vai trò cơ bản và quan trọng nhất trong ngành ký hiệu học (semiotics) đồng thời là nền tảng đầu tiên của cấu trúc luận: Cours de linguistique générale . Trong khi nhà xuất bản Payot tại Paris phát hành cuốn sách trên mang tên tác giả Ferdinand de Saussure vào năm 1916, thì Saussure đã mất từ năm 1913 và không để lại lấy một chữ hay bất cứ dấu vết nào cho thấy ông là người viết đề cương của lý thuyết tổng quát về ngôn ngữ do ông đề xướng. Hai học trò của Saussure, Charles Bally và Albert Sechehaye (cùng sự góp sức của Albert Riedlinger), đã dựa vào những bài giảng ghi được từ bảy người học trò khác nhau cùng một ít ghi chú của chính Saussure, để viết nên cuốn sách nổi tiếng trên. Những bài giảng này của Saussure, xuất xứ từ ba khoá học về lý thuyết ngôn ngữ tổng quát, sinh viên đã ghi chép lại trong thời gian ông giảng dạy tại trường đại học Geneva từ 1906 – 1911. Mặc dù mọi người gắn tên tuổi Ferdinand de Saussure vào cuốn sách trên, chính bản thân Saussure, đã không viết và cũng không đọc lấy một dòng trong cuốn sách mang tên ông; và về sau, cũng không có gì ngạc nhiên, khi người ta phát hiện ra những điểm mâu thuẫn và thiếu nhất quán trong cuốn sách nổi tiếng này. Nhiều nhà nghiên cứu phê bình rằng, công trình đó, đã không phản ánh một cách trung thành tư tưởng của Saussure, nhưng, tư tưởng thực sự của Saussure như thế nào, không ai trả lời được, mỗi nhà bình luận, sau mỗi lần phê bình, lại trở thành một tác giả mới về tư tưởng của Saussure!

Để tăng thêm tính chất thiếu rõ ràng về văn bản gốc, có đến hai bản dịch tiếng Anh được chuyển ngữ trực tiếp từ Cours de linguistique générale – Saussure 1974 và Sausure 1983; hai dị bản chuyển ngữ này lại chưá đựng những điểm tương phản với nhau. Mỗi bản dịch trở nên một văn bản mới được viết lại từ, và liên hệ trực tiếp đến, bản gốc – ai cũng công nhận rằng không thể nào có một bản dịch trung dung để có thể làm mọi người vừa ý, vì như chính Saussure đã nêu ra trong các bài giảng của ông: “ngôn ngữ luôn gắn liền với những hệ thống giá trị ý nghĩa khác nhau.” Khi một người đọc bản tiếng Anh, sẽ xuất hiện thêm một bình phẩm mới về Cours de linguistique générale và thật khó để người dịch và người đọc có cùng một quan điểm, mỗi người dịch sẽ có quan điểm riêng của họ khi chuyển dịch và không chừng người dịch sẽ được viết lại để có một cái nhìn mới về chính cuốn sách mà họ vừa mới dịch xong. Cứ như thế mà sự liên kết từ văn bản này sang văn bản khác kéo dài ra mãi đến vô tận, trong khi vai trò của tác giả càng lúc càng xa hút đến mức không còn nhận thấy nữa. Như Barthes đã rất nhạy bén chỉ ra từ năm 1968, “sự cáo chung vai trò chủ quyền của tác giả cũng là sự ra đời của người đọc và vận mệnh của một văn bản không phải tuỳ thuộc vào xuất xứ mà được xác định bởi dích đến của nó: người đọc”.[11] Giản dị hơn, chúng ta có thể nói, tính chất liên kết từ văn bản này đến văn bản khác không phải chỉ hàm chứa hành động chủ ý của người viết mà thực ra, ở nhiều trường hợp, ý nghĩa của một văn bản nằm ngoài mọi hành động ý thức của người viết, thay vào đó nó được phát hiện bởi người đọc – người đọc và chỉ có người đọc đã tạo nên tên tuổi của tác giả văn bản.

Liên Văn Bản – Đặc Trưng Của Chủ Nghĩa Hậu Hiện Đại

Như đã có dịp đề cập trong luận văn “Lý Thuyết và Phê Bình Văn Học Đương Đại: Từ Cấu Trúc Luận Đến Giải Cấu Trúc” (xem Nguyễn Minh Quân, Việt số 8, 2001), theo Saussure, cấu trúc ngôn ngữ là một mô hình phẳng và đơn tuyến, Jacques Derrida, ngược lại, ông quan niệm mọi cấu trúc đều mang tính chất không gian và chứa đựng một trung tâm. Trung tâm (center) có chức năng kết hợp hay bảo chứng cho mọi yếu tố khác của một cấu trúc/hệ thống quy chiếu vào, liên kết lại, là nơi tạo cho cấu trúc/hệ thống giữ được ‘hình thể’ hay dạng thức của nó.

Trong khi trung tâm giúp gìn giữ chặt chẽ cấu trúc tổng thể của một hệ thống, chính nó lại là đối lực nhằm hạn chế đến mức tối đa tính chất giải phóng của các yếu tố hình thành nên hệ thống – động hướng dẫn đến sự hoạt tác các yếu tố tự do (play). Khác với cấu trúc luận, lý thuyết hậu hiện đại tìm mọi cách để tất cả các yếu tố trong cấu trúc/hệ thống trở nên hoạt tác và tồn tại như những yếu tố tự do. Trong lý thuyết ngôn ngữ hiện đại, Jacques Derrida cũng như các lý thuyết gia hậu hiện đại, đã chứng minh có sự khủng hoảng trong cặp đối lập nhị phân cái biểu đạt (SFR)/cái được biểu đạt (SFD) để từ đó, những cái biểu đạt tự tương tác với nhau mà không cần nhắm đến một đối tượng cái được biểu đạt nào (SFD) và có thể biến những cái được biểu đạt trở thành những cái biểu đạt để tạo ra một ý nghĩa hoàn toàn mới, như trong kỹ thuật bricolage (kỹ thuật khảm kết.)

Vì vậy, trong hầu hết các tác phẩm (văn bản) hậu hiện đại, người viết tạo ra càng nhiều yếu tố tự do trong ngôn ngữ bao nhiêu sẽ càng tốt bấy nhiêu (trò chơi của ngôn ngữ), và việc tạo nghĩa từ các trò chơi này tuỳ thuộc vào người đọc. Trong những trò chơi ngôn ngữ như thế, lằn ranh của mọi thể loại (genre) bị xoá mờ và biên giới của nhiều lãnh vực nghệ thuật dần dần biến mất; điều này đã dẫn đưa các lý thuyết gia hậu hiện đại đến sự cấp thiết phải xây dựng một nền tảng lý thuyết đặc trưng cho trào lưu này – lý thuyết liên văn bản, và đây là tâm huyết đồng thời là thành quả chói sáng của Julia Kristeva, người sau này trở thành lý thuyết gia hết sức lừng lẫy về phong trào nữ quyền luận (feminism) của Pháp.

Ngày nay, khi nói đến lý thuyết hậu hiện đại, người ta thường gắn liền với nó tính chất đặc trưng nhất – liên văn bản. Trong các phần trước đây, tôi đã đề cập đến sự xoá bỏ vai trò của tác giả, nguồn gốc của văn bản… trong phân đoạn dưới đây, tôi sẽ đi sâu hơn những tính chất lý thuyết đặc thù của khái niệm này, trong cách viết cũng như cách đọc, để từ đó, chúng ta có thể trang bị cho mình một kiến thức vững chắc khi ứng dụng lối đọc liên văn bản đối với một vài tác phẩm tiêu biểu của văn học Việt Nam, phần nào mang tính chất phôi thai của trào lưu hậu hiện đại.

Sự kéo dài biên cương của văn bản này đến văn bản khác, đôi khi là hành vi có ý thức của người viết, nhưng trong rất nhiều trường hợp viết chỉ là một trò chơi của ngôn ngữ. Viết đã vượt thoát hẳn sự kềm chế của chủ thể để dạt trôi về những chân trời xa thẳm, một lần nào đó thoáng qua trong đời, lưu lại nhạt nhoà trong ký ức và bây giờ bùng dậy, hoà nhập vào trò chơi ngôn ngữ, khi bất chợt được đánh thức, bởi một dòng ý tưởng tạo ra từ sự tương tác của chính trò chơi ngôn ngữ ấy. Trong những trường hợp như thế, chính người đọc – người đọc đứng đắn và đúng nghĩa, đóng vai trò phát hiện để làm đầy và làm dày thêm văn bản, hơn thế, người đọc trả văn bản về lại thế giới mênh mông, bao la và rộng mỡ của nó. Khi đọc dòng thơ của Xuân Diệu, “ngẩng đầu ngắm mãi chưa xong nhớ”, hành động ngắm vòi vọi lên trời cao không chừng dẫn đưa ai kia đến một dòng thơ khác, cũng có ý nghĩa tương liên giữa trời cao và nỗi nhớ:

Trời còn có bữa sao không mọc,

Anh chẳng đêm nào không nhớ em

(Nguyễn Bính)

Nhưng đâu dễ gì chúng ta có thể dừng lại ở câu thơ này, nỗi nhớ với trời đêm, với lặng thầm day dứt giữa không gian cao vút, giữa ngóng đợi xa vời như những vì sao cô đơn tít tắp ở trời cao, khơi dậy trong ai nỗi lòng người lữ thứ:

Vầng trăng ai xẻ làm đôi,

Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường

(Nguyễn Du)

Tuy nhiên, đây mới chỉ là lối đọc theo thể thức liên tưởng và so sánh – đặc tính bậc thấp của liên văn bản, càng giàu có kiến thức về văn chương, càng làm giàu thêm sự thú vị khi thưởng thức một văn bản văn học. Nhưng nếu trước đây, giữa những dòng thơ trên đã được đọc một cách riêng lẽ và tồn tại như những thực thể độc lập, rất có thể từ nay, những vần thơ này lại liên kết với nhau, dù trên thực tế, chẳng có sự liên hệ hay suy tưởng nào về nhau khi ba nhà thơ viết nên những tấc lòng tơ vương ấy. Mà cũng chả phải tôi hoàn toàn liên kết chúng lại với nhau, hình như trước tôi đã có rất nhiều người làm công việc ấy rồi, ít nhất, Nguyễn Hưng Quốc hơn một lần nói đến nỗi nhớ thương thể hiện tài tình từ các thi nhân lãng mạn Việt Nam trong cuốn sách của ông: Nghệ Thuật Thơ Việt Nam . [12]

Như vậy, trước tôi, đã có người đọc những dòng thơ của Xuân Diệu, của Nguyễn Bính và dĩ nhiên của cả Nguyễn Du, như Frederic Jameson, nhà lý thuyết tân Marxist hậu hiện đại đã biện luận:"Văn bản đến với chúng ta như những dòng văn đã được đọc bởi người khác; chúng ta tiếp nhận chúng thông qua những lớp trầm tích của những sự diễn dịch trước đây; hay cứ cho là chúng ta có cơ may tiếp xúc với một văn bản hoàn toàn mới đi chăng nữa, cách đọc của chúng ta vẫn mang tính chất liên văn bản, vì ngay khi chúng ta đọc chúng, chúng ta phải sử dụng những thói quen và những phương pháp đọc để lại từ di sản của những truyền thống diễn dịch thu nhận được qua kiến thức của chúng ta."[13]

Một cách cô đọng hơn, Terry Eagleton kết luận: "Một văn bản nổi tiếng thường gắn liền với nó một lịch sử của những hành động đọc. Vì vậy, mọi công trình văn học đều là sản phẩm của sự viết lại, ngay cả khi không ý thức, các văn bản ấy cũng được viết lại bởi nhửng nền văn hoá của các xã hội đã đọc chúng."[14]

Trong bối cảnh thế giới hôm nay, không ai, cho dẫu là lần đầu tiên, có thể đọc một cuốn tiểu thuyết hay một bài thơ nổi tiếng, chiêm ngưỡng một bức tranh hay một tượng điêu khắc tuyệt tác, lắng nghe một bản giao hưởng bất hủ hoặc xem một bộ phim, một vở kịch lừng danh, mà hoàn toàn không có một ý thức gì về những bối cảnh, dựa vào đó, các văn bản đã được tái tạo, rút ra, hàm ý đến, hay ngay cả sự mỉa mai châm biếm nhắm vào những bối cảnh xã hội, văn học hay lịch sử nhất định. Những bối cảnh này trở thành nền tảng căn bản mà không một người đọc nào có thể né tránh được trong quá trình đọc hay diễn dịch một văn bản – đọc theo phương pháp hậu hiện đại luôn luôn đi liền với sự liên tưởng, so sánh, đối chứng và phản biện; trong quá trình đọc như thế, ý nghĩa của văn bản cứ triển hạn mãi đến vô cùng, người ta gọi hành động đọc này là phương pháp đọc liên văn bản theo khuynh hướng hậu hiện đại.

Khái niệm liên văn bản nhắc nhở cho người đọc nhận biết một cách có ý thức rằng, mỗi văn bản tồn tại trong sự liên hệ với văn bản khác, có thể xuất hiện trước hoặc cùng thời; thực tế, văn bản lệ thuộc vào những văn bản khác còn nhiều hơn vào chính người tạo ra nó. Tính chất này đã được Michel Foucault, cha đẻ của một trong những trường phái Tân Lịch Sử (New Historicism) thuộc trào lưu hậu hiện đại nhấn mạnh: "Những biên thuỳ của một cuốn sách không bao giờ rõ ràng: bên kia trang bìa ghi ra tựa đề cuốn sách, bắt đầu từ những dòng đầu tiên cho đến khi cuốn sách ngưng lại ở dấu chấm cuối cùng; vượt ra ngoài cấu trúc nội tại và hình thức tự thân của cuốn sách ấy; thực chất, cuốn sách bị trói chặt vào một mạng nhện các trích dẫn từ nhiều cuốn sách khác, những văn bản khác, hay những dòng văn lắng lại trong ký ức thu nhận được trong nhiều quá trình đọc trước đây. Cuốn sách chỉ là một điểm nối kết nhỏ bé trong một mạng lưới vô cùng rộng lớn…Cuốn sách không phải là một vật thể độc lập mà người ta có cầm nắm một cách tách biệt trên tay mình, tính chỉnh thể thống nhất của nó rất mong manh, dễ thay đổi và hết sức tương đối."[15]

Văn bản được đóng khung và tái tạo từ những văn bản khác bằng nhiều yếu tố, phần lớn những sự vay mượn hay hoá thân của một văn bản này sang văn bản khác ít khi được thừa nhận một cách chính thức bởi người viết, ngoại trừ các nhà nghiên cứu có tính chất hàn lâm. Một người viết sáng tạo, thậm chí càng không có ý thức gì về những “món nợ” khổng lồ hắn ta đã vay mượn từ những nguồn tri thức khác, viết đối với hắn, đôi khi chỉ là một hành động nằm ngoài ý thức khi ngôn ngữ tự khơi dậy một dòng tư tưởng trong đầu.

Việc đọc của một nhà phê bình hậu hiện đại là lần tìm những sự tương liên và sự ẩn tàng trong văn bản để xác định một nền tảng hết sức tương đối, một ngữ cảnh, một hoàn cảnh xã hội, một giai đoạn lịch sử hay thuần tuý là một mẩu tin thời sự chẳng hạn, để từ đó bắt đầu cuộc hành trình của sự tái tạo và diễn dịch. Một khi bắt đầu, từ một góc độ văn hoá, một quan niệm đạo đức hay một ẩn dụ trong văn bản, tính chất liên văn bản của việc đọc sẽ càng lúc dẫn chúng ta đi xa và đi sâu trong sự phân tích. Khi đạt đến mức độ đủ sức phá vỡ tính chất trung tâm của cấu trúc, sự hoạt tác của các yếu tố trong cấu trúc/hệ thống (văn bản) tự thân sẽ trở thành các yếu tố tự do và tương tác lẫn nhau trong bối cảnh của một trò chơi ngôn ngữ. Lúc ấy, sự diễn dịch văn bản sẽ trở nên vô cùng phóng túng và hầu như giải phóng khỏi mọi gò bó của các định chế hay quy luật hẹp hòi; hơn thế nữa, chính nhà phê bình sẽ được viết lại bởi chính ngôn ngữ hoạt tác trong quá trình phân tích và chứng minh; đến đây, thiết tưởng, tôi rất mong độc giả thử đọc lại thêm một lần bài phê bình: 'Thơ Con Cóc: Một Bài Thơ Hay' (Nguyễn Hưng Quốc).

Đọc theo lối liên văn bản, như vừa trình bày, bao gồm hai quá trình, trước hết, tái tạo văn bản và sau đó, diễn dịch. Trong khi lối đọc của phê bình mới, nặng nề về phân tích và lối đọc của hình thức luận Nga và cấu trúc luận Pháp, chú tâm quá mức đến cấu trúc ngôn ngữ và cấu trúc văn bản, lối đọc liên văn bản trong khuynh hướng hậu hiện đại là một quá trình gồm bốn giai đoạn, phân tích, kết hợp, tái tạo và diễn dịch. Do đó, cái đọc của nhà phê bình hậu hiện đại, thực chất là một sự sáng tạo mới lạ dựa trên nền tảng văn bản phân tích. Tựa như trò chơi Rubic vậy, xoá đi những hình thể màu sắc được sắp xếp từ trước, để tạo nên những hình thái khác lạ trên cùng một nền tảng màu sắc sẵn có. Chúng ta thử đọc và đọc thật kỹ bài phê bình "Em Đi Qua Đời Tôi" của Nguyễn Hưng Quốc dựa trên văn bản của Ngu Yên[16] để thấy thực chất đó là một chuyện tình hết sức lãng mạn, được viết bởi nhà tiểu thuyết Nguyễn Hưng Quốc, chứ đâu phải của nhà thơ Ngu Yên. Và sau đó, chúng ta sẽ vô cùng ngạc nhiên, khi biết rằng người Viết là một nhà phê bình chứ đâu phải là nhà tiểu thuyết. Đố ai dám bảo phê bình không mang tính chất sáng tạo của một nhà văn và đố ai dám nói phê bình phải dựa vào văn học để tìm đất sống! Không đâu, có vẻ như văn học rất cần những nhà phê bình lỗi lạc để làm lộng lẫy hơn, sang trọng hơn, những làn da sần sùi của con cóc hay những vết ngôn ngữ chấm phá trong bài thơ viết về người con gái có tên gọi rất đàn bà: Nữ.

Khái niệm liên văn bản giúp bộc lộ tính chất đa tầng của văn bản, trong đó, văn bản này sẽ trở thành một ngữ cảnh để một văn bản khác được tạo dựng và có cơ sở để diễn dịch, theo Ernst Gombrich, nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật, tất cả mọi văn bản nghệ thuật (bức hoạ, tượng điêu khắc, tiểu thuyết, thơ, bản nhạc…) về thực chất chỉ là sự là trộn lẫn các đơn vị ký hiệu (parole) chứ không chứa đựng một tính chất gì liên quan đến sự mô phỏng hay phản ánh về thế giới chung quanh.[17] Văn bản có thể được tạo nên từ nhiều nguyên tắc khác nhau ở phạm vi ngữ cảnh rộng lớn, trong đó, lịch sử, xã hội và văn hoá trở thành những nguồn cung cấp chất liệu. Sự hoà trộn nhiều thể loại trong một văn bản hậu hiện đại thường được quy kết cho tính chất đặc trưng liên văn bản, chính đặc điểm này đã đẩy một văn bản hậu hiện đại đi ra ngoài mọi quan niệm và định chế trước đây về văn bản.

Liên văn bản đã không những kết hợp, trộn lẫn mà còn xoá đi tất cả những ranh giới của các thể loại, ví dụ như những ý tưởng về chiến tranh không phải chỉ thể hiện trong phim ảnh, phim thời sự, tin tức hay truyền thanh, truyền hình mà còn hiện diện trong thơ, trong tiểu thuyết, trong các trào lưu xã hội. Một tác phẩm có thể bắt đầu từ một mẫu quảng cáo, liên kết với những dòng tin báo chí có thực và rồi xen kẻ những hư cấu tưởng tượng của người viết. Nhưng ngay cả những hư cấu ấy, người ta vẫn dần tìm ra dấu vết của những ảnh hưởng về văn hoá, xã hội, môi trường sống, kiến thức, tôn giáo vân vân, đã tồn tại một cách tiềm tàng trong bản thân người viết, khi những dòng đầu tiên viết xuống, rất có thể chủ thể hành ngôn vẫn còn có một ý thức nào đó về hành động của mình, nhưng dần dần ý thức của sự viết sẽ được thay thế bởi những tương tác ngôn ngữ và trở thành một dòng chảy của ngôn ngữ – ngôn ngữ nói thay cho người viết.

Tính chất liên văn bản trong trào lưu hậu hiện đại, có lẽ không có gì đặc trưng hơn qua những ứng dụng của kỹ thuật collage, một hình thức kết hợp và trộn lẫn những chất liệu hạn chế có sẵn. Một trò chơi ngôn ngữ như thế, sẽ không bao giờ có tính nguyên thuỷ của văn bản, sự tái tạo và sáng tạo văn bản nằm ở khả năng kết hợp ngôn ngữ; thoạt tiên làm cho chúng ta cứ ngỡ là sự chủ định của tác giả, nhưng khi phân tích và phá vỡ những trục trung tâm trong một tác phẩm collage, chính chúng ta, người đọc thuần tuý hay nhà phê bình, sẽ thu lượm những ngẫu nhiên kỳ thú khi đặt tác phẩm qua lăng kính của liên văn bản. Kỹ thuật collage, hay bricolage theo thuật ngữ của Claude Lévi-Strauss, kỹ thuật khảm kết, thường dùng những chất liệu đời thường để tái tạo và kết hợp nhằm tạo nên những khuôn mẫu mới, biến nó thành một tác phẩm nghệ thuật hoàn toàn mới lạ. Claude Lévi-Strauss quan sát các cấu trúc huyền thoại ở nhiều xã hội khác nhau và ông cho rằng, đó là kết qủa của sự lạ hoá trong quá trình khảm kết, tạo ra bởi các thành viên trong một xã hội hay một cộng đồng.[18]

Tác phẩm khảm kết xây dựng lên những lâu đài ý tưởng dựa trên những mảnh vụn vỡ nát của những nền văn hoá đã tan loãng theo thời gian, rất có thể một thời đóng vai trò chính yếu trong hành ngôn đại chúng của xã hội. Trong quá trình sáng tạo, người làm công việc khảm kết sẽ xây dựng lại một hệ thống gồm nhiều hệ biến hoá khác nhau với sự phân mảnh của các vật liệu (màu sắc, ngôn ngữ, hình ảnh vân vân), nhưng chúng tồn tại với nhau có vẻ như rất hài hoà, thống nhất của một tổng thể.

Về phương diện lý thuyết, người làm khảm kết, bricoleur, xây dựng tác phẩm dựa trên sự sắp xếp các ký hiệu (signs), ở đây sự sáng tạo không phải tìm ra những hệ thống ký hiệu mới mà ở sự sắp xếp những cái được biểu đạt (SFD) đã hiện hữu trong một giới hạn, phạm vi nhất định, biến chúng thành những cái biểu đạt (SFR), một sự hoán chuyển vai trò của SFD và SFR, và từ đó, hệ thống những cái biểu đạt sẽ tạo nghĩa qua những tương tác với nhau trong môi trường mới.

Liên văn bản - Cách đọc mới

Khái niệm liên văn bản trong trào lưu hậu hiện đại đã tạo nên một lối đọc mới, lạ và mang tính chất cách mạng khi tiếp cận một văn bản, để thưởng thức đối với người thuần tuý biết đọc hay để thẩm định, phân tích dưới quan điểm của một nhà phê bình. Sẽ không còn biên giới của văn bản, của thể loại, sẽ không còn có bất cứ nghi vấn nào về trong hay ngoài văn bản, sẽ không còn khởi thuỷ và sẽ không có chung cục, ngay cả sự phân biệt giữa văn bản và ngữ cảnh (context) cũng dần dần biến mất khi ứng dụng lý thuyết liên văn bản. Một kịch bản chuyển thể từ tác phẩm văn học sang phim ảnh là một ví dụ minh hoạ điển hình cho sự xoá đi các biên cương của văn bản, hay ngược lại một cuốn sách được viết sau khi một bộ phim đã trình chiếu, chẳng hạn như cuốn Love Story – cuốn sách đã được viết lại sau khi Ryan O’neal và Ali McDraw làm rung chuyển màn bạc trong bộ phim cùng tên. Những bộ phim truyện truyền hình nhiều tập là một dòng chảy liên tục (continuous flow, dùng theo chữ của Raymond Williams – lý thuyết gia của khuynh hướng tân lịch sử, New Historicism, trong trào lưu hậu hiện đại), trong đó, sự kết hợp và hoà lẫn giữa văn học, văn hoá, bi kịch vân vân, tạo nên một dòng thông tin lưu chuyển giữa nhiều thể loại, nhiều văn bản. Khái niệm này càng rõ nét hơn trong hệ thống thông tin liên mạng toàn cầu (World Wide Web, www), kỹ thuật tạo ra sự liên kết đồng thời của nhiều thể loại, nhiều văn bản khác nhau, như văn bản ngôn ngữ, hình ảnh, âm thanh; và ngay trong một văn bản nhất định cũng có thể là sự kết hợp của nhiều thể loại, như hư cấu, tin tức thời sự, khoa học giã tưởng vân vân: một thể loại văn học mới, văn học liên mạng hay văn bản điện tử – hypertext.

Những lý thuyết gia hậu hiện đại còn cho rằng, văn bản trong bất cứ môi trường nào, không nhất thiết phải là văn bản điện tử (hypertextual text), đều chứa đựng một đặc tính tương tự; một kịch bản có thể liên hệ đến nhiều văn bản văn học, lịch sử, văn hoá, xã hội hoặc ngược lại. Biên thuỳ của văn bản sẽ hoà tan và thẩm thấu, như Michael Foucault đã đề cập đến, mỗi văn bản tồn tại trong một “cộng đồng rộng lớn” bao gồm nhiều thể loại và môi trường: không bao giờ có một văn bản nào hiện hữu như một ốc đảo cô độc. Vì lý do đó, nhà phê bình hậu hiện đại, không nên và không thể tự giới hạn mình trong một lãnh vực hay trong một phạm vi cố định, phê bình một tác phẩm nghệ thuật cũng có nghĩa phải phóng chiếu ở nhiều góc độ khác nhau bằng cách đứng ở phía đối lập với tác phẩm, phá bỏ đi những hàng rào xung quanh nó, xé nát những đơn vị cấu trúc để kiến tạo và sắp xếp chúng thành một trật tự mới, mỗi động tác như thế sẽ tạo ra một cách diễn dịch mới, làm giàu và làm lớn thêm giá trị một văn bản.

Lý thuyết liên văn bản, cho đến hôm nay đã được chứng minh bằng thực tế, một khái niệm trong văn học đã đi vào thực tế của đời sống khi con người đạt được những tiến bộ về kỹ thuật vi tính và liên mạng. Trong môi trường điện tử, khái niệm intertextuality đã thực chứng bằng hypertextuality – văn bản điện tử trên hệ thống liên mạng thông tin World Wide Web; và đọc một văn điện tử trên www, sẽ liên kết trực tiếp và tức thời đến một văn bản khác mà không cần phải quan tâm đến tác giả hay nguồn gốc xuất xứ của văn bản đó. Phương pháp đọc loại văn bản hypertext này sẽ phá bỏ tất cả mọi quy ước tuyến tính của lối đọc truyền thống.[19]

Theo Kristeva,[20] tuy có sự quy chiếu hai chiều trên hệ toạ độ, trục ngang và trục đứng, bà nhấn mạnh rằng, sự minh hoạ chỉ có tính cách tượng trưng hơn là sự xếp đặt cứng nhắc và máy móc vào một hệ thống như thế. Theo bà, liên văn bản sẽ là sự toả lan ra mọi chiều không gian và thời gian, và việc theo đuổi một hướng nào đó là tuỳ thuộc vào sự chọn lựa của người đọc, của nhà phê bình và của người viết. Trong lý thuyết của việc đọc theo lối liên văn bản, các lý thuyết gia hậu hiện đại thường lưu ý đến những khía cạnh sau đây:

● Tính Tự Giác (reflexivity): phân tích và chứng minh tính chất tự giác hay tính chất bản năng của văn bản sử dụng kỹ thuật hoặc biểu hiện tính chất liên văn bản. Thông thường, một văn bản được viết theo lối liên văn bản một cách có ý thức, thường làm cho văn bản đó vượt hẳn ra ngoài chủ định của người viết. Tác động của ngôn ngữ làm cho văn bản đi ra ngoài tầm nhận thức của chính tác giả sáng tạo ra nó, trong khi đó, một văn bản được viết theo tính chất bản năng tự phát, bằng lối đọc liên văn bản chúng ta có thể dễ dàng khám phá ra những động hướng ẩn tàng bên trong văn bản. Sự diễn dịch từ lối đọc liên văn bản có thể làm rộng và sâu thêm một tác phẩm nhưng rất khó để có thể triển hạn thật xa một văn bản được viết không chủ ý.

● Tính Biến Đổi (alterationality): tính chất biến đổi một sự kiện, một tư liệu, một văn bản gốc bằng chính ý thức của người viết, sẽ giúp chứng minh thêm tính tự giác của người viết sử dụng kỹ thuật liên văn bản. Liên hệ đến tính biến đổi của intertextuality thể hiện bằng cách bắt chước (pastiche), châm biếm (parody) hay xoáy vặn (twisting), hoặc thuần tuý sắp xếp lại những chất liệu sẵn có (collage), có thể là tiểu sử cá nhân (biography) như các tác phẩm của Peter Arkroyd viết về Oscar Wilde, T. S. Eliot, Charles Dickens và Ezra Pound; về một quan niệm xã hội như Michael Foucault viết về tính dục trong Archaeologhy of Knowledge, hay sự chuyển thể của phim Tân Romeo và Juliet do Leonardo DiCaprio thủ vai chính, vân vân. Tính biến đổi càng tế vi bao nhiêu, ý thức về liên văn bản của người viết càng sâu sắc bấy nhiêu.

● Tính Minh Bạch (explicitness): tính minh bạch ở đây không phải là sự ghi chú rõ ràng xuất xứ tư liệu tham khảo như trong một luận văn nghiên cứu văn học hay trong các đề tài nghiên cứu khoa học. Tính minh bạch ở đây nói đến những nguồn tư liệu lịch sử và văn học được các nhà Tân Lịch Sử sử dụng để “lịch sử hoá một tác phẩm văn học và văn học hoá một sự kiện lịch sử” (Louis Montrose).[21]

● Tính Phê Bình Trong Sự Nhận Thức (criticality in comprehension): Như đã trình bày ở trên, một quá trình đọc theo lối liên văn bản đối với một văn bản được viết theo lối liên văn bản phải được tiến hành theo bốn giai đoạn, phân tich, phá vỡ, kiến tạo và diễn dịch. Dĩ nhiên, bước đầu tiên, người đọc phải nhận diện mức độ liên văn bản hiện diện trong một tác phẩm văn học.

● Mức Độ Tiếp Nhận và Hợp Nhất (scale of adoption and incorporation): người đọc nên ý thức về kỹ năng tiếp nhận, đan xen và hợp nhất các chất liệu từ nhiều nguồn khác nhau vào trong một văn bản. Nhiều khi, sự kết hợp khéo đến nổi, nếu không chú ý, chúng ta khó mà nhận ra được tính chất tương liên của những tầng ý nghĩa trong việc xếp đặt các dữ kiện.

● Tính Vượt Thoát Cấu Trúc (structural unboundedness): tìm hiểu xem văn bản được trình bày như thế nào trong một bối cảnh lớn về thể loại, hoàn cảnh, hay ngôn ngữ vân vân, để từ đó giúp người đọc phân tích và diễn dịch. Nhưng động tác đầu tiên trong lối đọc như thế, điều cần thiết nhất là phải phá bỏ trung tâm cấu trúc để giải phóng tất cả mọi thành tố và tạo cho chúng một sự hoạt tác tự do. Đây là nơi thể hiện tài năng của người đọc vì hầu hết các tác giả khi viết, ít khi ý thức được sự vượt thoát này và ngôn ngữ đã biến người viết thành một trạm chuyển tiếp của các tương tác giữa những yếu tố tự do.

Từ ngàn xưa, thuở văn học có những dấu vết phôi thai của lý thuyết, như thuyết mô phỏng của Socrates và học trò của ông, Plato, đã phát triển thêm, cho đến thời cực thịnh của hiện thực chủ nghĩa vào thế kỷ 18 – 19, người ta bảo, nghệ thuật bắt chước đời sống và thế giới xung quanh; cuối thế kỷ thứ 19, trào lưu Avande-Garde và Dadaism chủ trương nghệ thuật bắt chước nghệ thuật; với khái niệm liên văn bản, các nhà lý thuyết hậu hiện đại không những chứng minh sự đúng đắn của quan điểm nghệ thuật bắt chước nghệ thuật, mà còn đẩy quan điểm này đi xa thêm một bước nữa: đời sống bắt chước nghệ thuật. Lời tuyên bố này, thực chất không mới, giản dị, từ gần hai thế kỷ trước, khi sống lưu vong tại Paris, Oscar Wilde đã tuyên bố một cách đầy khiêu khích như vậy.

Ngày nay, ai cũng thừa nhận rằng, văn bản không phải là công cụ được sử dụng để làm chất liệu kiến tạo nên một văn bản khác, văn bản còn là nền tảng căn bản để tạo nên kinh nghiệm sống của hầu hết các thành viên trong xã hội. Dễ hiểu, phần lớn những gì chúng ta biết về thế giới chung quanh, về lịch sử, văn hoá, về cuộc sống của loài người, nhờ vào sách, báo, tạp chí; kiến thức của chúng ta thu nhận, không phải chỉ bằng cách đến trường qua sách vở mà còn từ phim ảnh, truyền hình, truyền thanh và hôm nay, chính chúng ta phải tự hỏi, không biết mình đang sống trong thế giới nào khi ngồi trước máy vi tính nối vào mạng Internet để du hành thật xa đến một nơi chúng ta chưa hề biết đến bằng thực tiễn.

Thực sự đời sống được kiến tạo và xây dựng lên từ văn bản ở một mức độ vô cùng lớn lao và sâu rộng, nó đã trở nên tự động hoá nên chính đối tượng tiếp nhận như chúng ta đã lãng quên. Có lẽ khái niệm liên văn bản sẽ kéo chúng ta về với hiện thực, trong đó, “chúng ta đang sống trong một xã hội, nơi mà, những tri thức, quan niệm trừu tượng của con người đã được biểu hiện như một hiện thực cuộc sống, chứ không phải chúng ta thu nhận tri thức ấy qua cuộc sống. Liên văn bản, không những xoá nhoà đi ranh giới giữa những văn bản (ở nhiều thể loại khác nhau), mà còn làm biến mất sự phân chia giữa văn bản và thế giới của kinh nghiệm”.[22]

Ứng dụng một lối đọc liên văn bản đúng đắn, không phải chỉ làm cho người đọc, nhà phê bình làm giàu thêm kiến thức của mình, lối đọc ấy sẽ giúp phát hiện những tư tưởng thâm thuý, những kỹ thuật cách tân hay những lý thuyết cấp tiến ẩn tàng sau văn bản văn học.

(14/12/2001)

_________________________

[1]Plett, H. (1991), Intertextuality: Research in Text Theory. Berlin: de Gruyter, pp. 1-4.

[2]Kristeva, J. (1980), Desire in Language: A Semiotic Approach to Literature and Art. New York: Columbia University Press, pp. 66-9.

[3]Culler, J. (1981), The Pursuit of Signs: Semiotics, Literature, Deconstruction. London: Routledge & Kegan Paul, p. 105.

[4]Coward, R. & Ellis, J. (1977), Language and Materialism: Developments in Semiology and the Theory of the Subject. London: Rouledge & Kegan Paul, p. 52.

[5]Sturrock, J. (1986), Structuralism. London: Paladin, p. 87.

[6]Goldschmidt, E.P. (1943), Mediaeval Texts and Their First Appearance in Print. Oxford: Oxford University Press, p. 88.

[7]Barthe, R. (1977), Image-Music-Text. London: Fontana, p. 143.

[8]Wimsatt, W.K. & Beardsley, M.C. (1954), The Verbal Icon: Studies in the Meaning of Poetry. Lexington, K.Y: University of Kentuckey Press.

[9]Michael de Montaigne (1580), Of the Art of Conferring, Essay III, 8, translated by Charles Cotton.

[10]Barthe, R. (1977), sđd, p. 146.

[11]Barthe, R. (1968), “The Death of the Author” in trong Image-Music-Text, sđd. 148.

[12]Nguyễn Hưng Quốc (1988), Tìm hiểu nghệ thuật thơ Việt Nam. Paris: Quê Mẹ.

[13]Jameson, Fredric (1984) "Postmodernism, or The Cultural Logic of Late Capitalism," New Left Review, no. 146, 53-92.

[14]Eagleton, T. (1983), Literary Theory: An Introduction. Oxford: Basil Blackwell, p. 12.

[15]Foucault, M. (1974), The Archaeology of Knowledge. London: Tavistock, p. 23.

[16]Nguyễn Hưng Quốc (1996), Thơ, v.v... và v.v... California: Văn Nghệ, pp. 261-263.

[17]Gombrich, E.H. (1982), The Image and the Eye: Further Studies in the Psychology of Pictorial Representation. London: Phaidon, pp. 70, 78 & 100.

[18]Levi-Strauss, C. (1962, 1974), The Savage Mind. London: Weidenfield & Nicolson, pp. 16-33, 35-6, và 150.

[19]Xem bài Nguyễn Minh Quân, “Về văn học hypertext”, Việt số 6, pp. 150-163.

[20]Xem chú thích số 2.

[21]Brannigan, J. (1998), Transitions: New Historicism and Cultural Materialism. New York: St. Martin’s Press.

[22]Lash, S. (1990), Sociology of Postmodernism. London: Rouledge, pp. 24-50

Nguồn: http://www.tienve.org/home/literature/viewLiterature.do;jsessionid=06780090C8DD71FFE50A457FADCA2885?action=viewArtwork&artworkId=792

Danh mục website