Ngày thơ nói chuyện “lạm phát” thơ

       Tháng giêng, nhìn lên tờ lịch, thấy cứ vài ngày ở nước ta lại có một lễ hội, có ngày đến hai lễ hội. Từ chín năm nay, thêm một ngày hội văn hoá có tính chất hiện đại: Ngày Thơ. Nếu những ngày hội truyền thống chỉ diễn ra ở một địa điểm, một vùng đất, thì Ngày hội thơ trải dài trên nhiều địa điểm, từ thủ đô đến các địa phương. Có những nơi tổ chức Ngày Thơ ổn định nhiều năm, như Văn Miếu – Quốc Tử Giám ở Hà Nội, núi Truyền Đăng ở Quảng Ninh, núi Nhạn ở Phú Yên… Ở nhiều địa phương khác, địa điểm linh hoạt thay đổi hàng năm. Ngày Hội thơ đã đi vào trường học, câu lạc bộ, cả khuôn viên các ngôi chùa…

        Qua chín năm hoạt động, Hội Thơ ngày càng được trông đợi trên một đất nước yêu chuộng thi ca. Ngày Thơ trở thành một sáng kiến – theo một thông tin gần đây, người đề xuất ý tưởng này đầu tiên là nhà thơ Vương Trọng – mà những người quản lý các hoạt động văn hoá chắc chắn phải duy trì và tìm cách cải tiến. Nó đáp ứng nhu cầu có thật về sự thưởng thức, giao lưu của giới sáng tác và công chúng. Bắt mạch được nhu cầu đó, nếu biết cách tổ chức, Ngày thơ Việt Nam có thể trở thành một thành tựu văn hoá có sức lan toả như Ngày hội âm nhạc ở Pháp.

        So với những lễ hội truyền thống, Ngày Thơ có những nét riêng. Không kể ở Văn Miếu có những năm đông người tham dự phải mua vé vào cổng, nhìn chung Ngày Hội thơ không chen chúc, xô bồ như một số lễ hội ở các đình, chùa, đền, miếu. Thành phần tham dự cũng thuần dạng hơn: văn nghệ sĩ, người về hưu, sinh viên học sinh…Không gian tĩnh lặng và lắng đọng giúp con người có thể lắng nghe nhau và lắng nghe chính mình. Không có những hoạt động kinh doanh rầm rộ đi kèm với lễ hội. Cái mà người tham dự nhận được là những món quà tinh thần không mang tính thực dụng.

        Hiện nay có ý kiến than phiền về tình trạng mất cân đối giữa số lượng và chất lượng trong sáng tác và xuất bản thơ. Quả thật, chúng ta đang sống trong một thời buổi lạm phát trên nhiều lĩnh vực. Nhưng so với những thứ lạm phát trong đời sống, thì “lạm phát” thơ vẫn là điều dễ chịu nhất. Sở dĩ có “lạm phát” thơ là vì người ta còn nhiều điều muốn nói với nhau, chia sẻ tâm tình với nhau. Khi nào thiên hạ không còn gì để nói với nhau, mỗi người là một thế giới khép kín và biệt lập, thì người ta sẽ không làm thơ và không có nhu cầu đọc thơ nữa.

        Người Việt Nam làm thơ nhiều nhưng không phải ai cũng có điều kiện in thơ và xuất bản thơ. Ngày Hội thơ là dịp để mọi người cùng trao đổi và bình phẩm những tác phẩm thơ, rồi nhận ra tâm tình của mình đã được người khác nói hộ, và nói hay, nên mình không cần làm thơ hay in thơ nữa. Lại không hiếm trường hợp người ta in thơ không nhằm trở thành nhà thơ mà chỉ nhằm lưu giữ một kỷ niệm cho con cháu, bạn bè hay cho chính bản thân mình. Khi thơ nói lên những điều tốt đẹp, cả người viết và người đọc đều có thể soi mình trong đó. Đã có những thí nghiệm cho thấy nghe nhạc, xem tranh giúp con người xả stress, ổn định huyết áp. Làm thơ và đọc thơ, nhất là thơ hay, chắc cũng sẽ giúp cho tinh thần và tâm lý con người nhẹ nhàng và sảng khoái hơn.

         Thật không dễ thống kê hết số lượng các tập thơ được phát hành và các bài thơ được công bố trên báo chí, kể cả báo mạng, suốt một năm qua. Tiếng Việt hay hay dở một phần cũng nhờ các nhà thơ, vì thơ là nơi tinh luyện và lưu truyền ngôn ngữ. Một mặt, sự “lạm phát” thơ có thể dẫn đến chỗ làm hư hỏng ngôn ngữ văn học, qua đó làm thui chột cảm thức về cái đẹp. Mặt khác, thơ cũng là nơi tập dượt của tiếng nói, là biểu hiện của tâm hồn, là nơi kết nối cộng đồng dân tộc chung một ước mơ và khát vọng. Không ai phủ nhận bây giờ xuất hiện nhiều bài thơ, nhiều tập thơ trung bình. Nhưng nếu chịu khó đọc trên các kênh truyền thông, ta sẽ gặp không ít những bài thơ tiếng Việt rất hay của những nhà thơ đặc sắc, cho thấy những chân trời nghệ thuật mới.

         Vì vậy, không có gì phải bi quan về chất lượng thơ hiện nay. Cuộc sống rồi sẽ điều chỉnh tất cả. Thơ dở sẽ bị sàng lọc; thơ hay sẽ còn lại với thời gian. Đóng góp của một Ngày Hội thơ không phải là để phát động phong trào làm thơ mà là để hâm nóng tình yêu với thơ ca và tôn vinh những giá trị nghệ thuật đích thực. Muốn vậy, những hoạt động của Ngày Hội thơ phải đi vào thực chất, tránh quá nhiều hình thức màu mè, cờ xí; nhất là đừng nhân danh “xã hội hoá” mà rồi rơi vào thương mại hoá.

 

HUỲNH NHƯ PHƯƠNG

 

Bài viết cùng tác giả

Danh mục website