Ba cuốn sách, một tấm lòng

        Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Hà Minh Đức là nhà nghiên cứu văn học hàng đầu của nước ta. Phạm vi quan tâm của ông rất rộng, từ những vấn đề lý luận đến những hiện tượng văn học sử, bao gồm nhiều thể loại đa dạng: tiểu thuyết, truyện ngắn, ký, thơ… Trong đó, lĩnh vực mà ông đi sâu hơn cả là lý thuyết văn học và những đặc điểm, thành tựu của thơ Việt Nam hiện đại. Ông không chỉ là nhà lý luận – phê bình mà còn là một nhà văn viết truyện ngắn, bút ký và một nhà thơ với năm tập thơ đã xuất bản.

        Ở tuổi 76, Hà Minh Đức vẫn làm việc cần mẫn. Dù đã công bố hàng chục công trình nghiên cứu về các tác gia văn học Việt Nam thế kỷ XX, ông vẫn tiếp tục hệ thống hoá tư liệu, phân tích và đào sâu suy nghĩ về những phong cách nghệ thuật nổi bật. Chỉ trong hai năm vừa qua, ông đã cho xuất bản thêm năm cuốn sách dày dặn về chủ đề này, đặc biệt là bộ ba công trình về những tác gia tiêu biểu của thơ lãng mạn và thơ cách mạng: Xuân Diệu – vây giữa tình yêu (NXB Giáo dục Việt Nam, 2009), Huy Cận – ngọn lửa thiêng không tắt (NXB Giáo dục Việt Nam, 2010), Chế Lan Viên – người trồng hoa trên đá (NXB Văn học, 2010).

        Cả ba cuốn sách đều có cấu trúc giống nhau: phần đầu là tiểu luận nghiên cứu về nhà thơ; phần tiếp theo là trò chuyện, ghi chép về những cuộc gặp gỡ; phần cuối cùng là phụ lục gồm một số bài viết của những tác giả khác góp phần soi sáng sự nghiệp và phong cách của nhà thơ.

        Mở đầu cuốn sách về Huy Cận là một chuyên luận chặt chẽ gồm sáu chương, bao quát toàn bộ đời thơ của tác giả Lửa thiêng. Trong hai cuốn sách về Xuân Diệu và Chế Lan Viên, phần nghiên cứu tập hợp những bài tiểu luận về hai tác gia này, tuy được viết trong những thời gian khác nhau, nhưng bổ sung cho nhau và đem đến cho người đọc một cái nhìn toàn diện về mỗi tác gia.

        Cũng như trong các công trình trước đây của Hà Minh Đức, văn phong nghiên cứu trong ba cuốn sách này luôn giữ sự mực thước, điềm tĩnh. Hà Minh Đức là nhà nghiên cứu có thiên hướng xã hội, nhưng ông kết hợp việc tìm hiểu nội dung thể hiện với chức năng biểu cảm và chức năng thi ca của văn bản. Trong sự phân tích của mình, ông luôn nhìn nhận văn học như một chỉnh thể thống nhất giữa tư tưởng và nghệ thuật. Càng về sau, ông càng chú ý hơn đến việc vận dụng thi pháp học vào việc phân tích tác phẩm thơ ca, tuy luôn giữ một khoảng cách với quan niệm hình thức chủ nghĩa.

        Nếu ở phần một, bạn đọc không mấy bất ngờ với những đóng góp về mặt nghiên cứu của một cây bút đã ổn định về phương pháp và phong cách, thì ở phần hai, chắc chắn bạn đọc sẽ ngạc nhiên về những thông tin thú vị mà Hà Minh Đức tích luỹ được qua một quá trình lâu dài tiếp xúc với các nhà thơ. Muốn hiểu thơ, cần phải hiểu người thơ, cả trong cuộc đời thường nhật. Qua những trang ghi chép của Hà Minh Đức, có thể thấy ông là người được các nhà thơ tin cậy và trọng thị. Đó thực sự là một thái độ ứng xử có văn hoá giữa người sáng tác và người nghiên cứu, phê bình.

        Những năm 60 – 70 thế kỷ trước, Hà Minh Đức hãy còn là một nhà phê bình trẻ. Nhưng nhờ năng lực nghiên cứu, cùng với thái độ hoà nhã, điềm đạm trong giao tiếp, ông có nhiều dịp làm việc chung với các nhà thơ lớn. Tiếp cận với tác phẩm qua bản thảo nguyên gốc của nó, ông nắm được đặc trưng của lao động sáng tạo và ngôn từ nghệ thuật của nhà thơ. Với cuốn sổ tay bên mình, ông cẩn trọng ghi lại những ý kiến thẳng thắn, sắc sảo mà họ bày tỏ trong việc đánh giá đồng nghiệp cũng như tự đánh giá bản thân mình. Một số ý kiến như vậy trước đây chỉ được phát biểu trong phạm vi hẹp, nay có thể công bố để các nhà nghiên cứu tham khảo, chẳng hạn những nhận xét không kém phần gai góc của Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Huy Cận, Tế Hanh… trong cuộc họp xét tặng giải thưởng văn học 1956 – 1972 mà Hà Minh Đức có tham dự.

       Trong phần ghi chép này, người đọc còn có thể bắt gặp những câu nói hay, những hình ảnh đẹp. Khi tâm sự với các nhà nghiên cứu ở Viện Văn học, Xuân Diệu nói: “Thơ Xuân Diệu không phải là cái đền để mọi người đi qua cúi đầu mà ngưỡng mộ, kính cẩn. Thơ tôi là căn nhà cho mọi người đến trò chuyện. Tôi muốn họ yêu đương nhau, cãi cọ nhau trong thơ tôi”. Hà Minh Đức cũng là người viết bút ký có chất liệu và có duyên. Những đoạn văn ông miêu tả Xuân Diệu, Chế Lan Viên đến thăm căn hộ của ông ở phố Hàng Ngang, “phải đi qua một mê lộ”, cùng gia đình ông ăn một bữa cơm thường thời bao cấp, là những đoạn văn thấm đẫm tình thương mến.

        Trong sự nghiệp nghiên cứu của mình, nói riêng trong những cuốn sách được xuất bản gần đây, thành công của Hà Minh Đức có thể  quy về ba yếu tố: có một lý thuyết và phương pháp nhất quán, có năng lực cảm thụ văn chương tinh tế và có tư liệu phong phú tích luỹ được nhờ sự lao động bền bỉ, kiên trì. Đằng sau những điều đó là một tấm lòng sâu nặng, một tình yêu không suy suyển với văn học. Cho đến nay, Hà Minh Đức vẫn là một nhà nghiên cứu chưa làm quen với máy tính và internet. Nhìn hàng ngàn trang bản thảo viết tay chưa công bố của ông, ta càng hiểu được lòng yêu nghề đã thành lẽ sống và nguồn sống của một nhà khoa học như thế nào.

HUỲNH NHƯ PHƯƠNG

 

 

Bài viết cùng tác giả

Danh mục website