Nghĩ về tinh thần đại học khoa học xã hội và nhân văn

 

Nghĩ về tinh thần đại học, người ta nghĩ ngay đến những trường đại học có truyền thống hàng mấy trăm năm ở châu Âu, những trường đại học hàng đầu - nơi sản sinh ra nhiều nhà bác học được giải thưởng Nobel, các nhà lãnh đạo của các tập đoàn, các chính khách tên tuổi… Tôi cũng có nghĩ như vậy, nhưng trước khi nghĩ đến điều đó, tôi nghĩ đến trường học quốc lập – Quốc tử giám và những trường tư thục của các ông thầy Việt Nam – nơi đào tạo ra những nhân tài kiệt xuất xây dựng và bảo vệ đất nước này, đưa dân tộc ta trở thành một trong những dân tộc mạnh mẽ, thông minh trên thế giới. Những trường học ấy thực sự là những trường đại học khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV) của nước ta. Vì thế có thể nói: đại học KHXH&NV là đại học có truyền thống lâu đời nhất của Việt Nam, nếu tính từ năm 1070 – năm thành lập Quốc tử giám thì đại học KHXH&NV nước ta có đến gần 1000 năm lịch sử.

Quốc Tử Giám gắn liền với tên tuổi Chu Văn An, người thầy khả kính, vị hiệu trưởng danh tiếng, người đã tạo ra truyền thống đại học KHXH&NV của nước ta.

Chu Văn An xuất hiện vào giai đoạn nhà Trần bắt đầu suy vong. Mô hình Tam giáo đồng nguyên với Phật giáo là Quốc giáo đã bắt đầu tỏ ra lạc hậu. Phật giáo sau những thành công rực rỡ trong việc kiến thiết và bảo vệ quốc gia đã bắt đầu trở thành một lực lượng không thể kiểm soát được. Vương triều Trần sau chiến công hiển hách 3 lần đánh tan quân Nguyên đã bắt đầu xa rời đường lối thân dân, triều đình trở thành nơi dung chứa những kẻ tham nhũng, bè phái, bất tài. Trong bối cảnh đó Chu Văn An soạn sách Tứ thư thuyết ước để truyền bá Tống Nho vào nước ta. Vào thời bấy giờ Tống Nho là học thuyết còn khá mới mẻ, đầy sức sống, có thể đào tạo ra một tầng lớp trí thức mới làm rường cột cho quốc gia. Việc biên soạn Tứ thư thuyết ước cho thấy Chu Văn An đã tâm đắc với việc mở ra con đường lớn của học vấn – con đường đại học: học để hoàn thiện nhân cách của mình và phục vụ nhân dân mà sách Đại học đã trang trọng đề ra trong đoạn mở đầu: “Con đường lớn của đại học là ở chỗ làm sáng cái đức sáng của mình, ở chỗ đổi mới dân chúng và dừng lại ở chỗ chí thiện” (Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại tân dân, chỉ ư chí thiện).

Ông có nhiều học trò xuất sắc như: Phạm Sư Mạnh, Lê Quát…Từ những điều học được ở ông, những người học trò này đã phê phán một cách nghiêm khắc thế lực nhà chùa, mở đường cho Tống Nho vào nước ta. Chu Văn An được phong  làm Tư nghiệp Quốc tử giám (tức hiệu trưởng) thời Trần Dụ Tông. Thấy nền chính trị thối nát, ông dâng Thất trảm sớ xin chém 7 lộng thần. Đề nghị không được chấp thuận, ông treo ấn từ quan về ẩn dật ở Chí Linh. Hành động ấy được sử gia sau này xưng tụng: “Thất trảm sớ nghĩa động càn khôn” (Sớ chém 7 nịnh thần, nghĩa động đất trời - Việt giám thông khảo tổng luận), hay “Văn Trinh ngạnh trực” (Văn Trinh Chu Văn An cứng cỏi – Nam Ông mộng lục).

Từ câu chuyện về Chu Văn An, có thể thấy ông đã mở ra truyền thống gì cho đại học? Theo tôi có mấy điểm sau đây:

1-    Tinh thần yêu chuộng cái mới, cái tiến bộ

2-    Tinh thần phê phán, phản biện xã hội mạnh mẽ

3-    Chủ trương học tập để giúp nước, giúp đời

4-    Tinh thần cứng cỏi, thái độ tự trọng trí thức rất cao.

Công cuộc hiện đại hóa diễn ra vào TK.XX đưa nước ta hòa nhập vào quỹ đạo giáo dục đại học thế giới. Từ truyền thống dân tộc, từ sự hấp thu tinh hoa của các đại học KHXH&NV phương Tây, chúng ta có thể nghĩ đến tinh thần đại học KHXH&NV hiện nay:

1.     Tinh thần khoa học, tinh thần phản biện, tinh thần tự do trong nghiên cứu khoa học

Tinh thần chung giữa KHXH&NV hay khoa học tự nhiên, trước hết là phải tôn trọng khoa học. Tôn trọng khoa học bao gồm tôn trọng lý tính, tôn trọng sự thật, tôn trọng chân lý. Người sinh viên nào bước chân vào ngưỡng cửa đại học KHXH&NV cũng đều phải ghi nhớ câu nói nổi tiếng của Aristote, triết gia Hy Lạp về thầy và chân lý: "Platon là thầy tôi, thầy rất đáng quý, nhưng chân lý còn quý hơn thầy". Nghiên cứu khoa học là cuộc tìm kiếm không ngừng nghỉ chân lý, người ta không thể tìm được chân lý tuyệt đối, nhưng có thể ngày càng tiệm cận với nó.

Trong quá trình nghiên cứu khoa học, tìm kiếm chân lý thì tinh thần hoài nghi khoa học là không thể thiếu. Người học không bao giờ được bằng lòng với những tri thức đóng gói sẵn, không được coi lời thầy cô giáo, sách vở là thiên kinh địa nghĩa, là những chân lý hiển nhiên. Tất cả đều phải được suy nghĩ lại, phải được đặt ra trước với một thái độ hoài nghi khoa học: chân lý phải là sự chứng nghiệm của bản thân mình. Nói đến đây tôi lại nhớ đến câu châm ngôn nổi tiếng của Mạnh Tử: “Đọc sách mà tin hết cả vào sách thì thà đừng đọc sách còn hơn”.

Tinh thần phê phán, phản biện cũng là điều cốt tử của đại học. Phải phê phán, phản biện không ngừng để tìm ra chân lý, để không ngừng đổi mới và tiến bộ. Phê phán khoa học không phải là chỉ trích cá nhân. Một con người, một cơ sở hay rộng ra một xã hội, ở đâu tôn trọng, khuyến khích tinh thần phê phán, thì ở đó có tiến bộ và phát triển. Xã hội sẽ trở nên xơ cứng, già nua nếu chỉ còn những lời tán tụng, ngợi ca.

Khoa học xã hội cần tự do như cần dưỡng khí để thở. Tự do trước hết là tự do lựa chọn đề tài, tự do lựa chọn phương pháp nghiên cứu và tự do tiếp cận thông tin. Tự do càng nhiều, vùng cấm kỵ càng ít thì xã hội càng lành mạnh.

2.     Tinh thần dân tộc và tinh thần hiện đại, tinh thần nhân loại

Khoa học xã hội và nhân văn đặc biệt gắn bó với vấn đề dân tộc. Khoa học tự nhiên ít bị hạn chế bởi biên giới quốc gia, nhưng khoa học xã hội và nhân văn phần lớn đều gắn liền với một quốc gia cụ thể: văn học, ngôn ngữ, lịch sử, tư tưởng…là của một nước nào đó. Không có một trường đại học nào khác, ngoài trường đại học KHXH&NV phải gánh trách nhiệm nặng nề: nghiên cứu về lịch sử dân tộc, văn hóa, ngôn ngữ, văn học dân tộc... Trong bối cảnh toàn cầu hóa và trước những vấn đề khu vực đặt ra hiện nay, vấn đề dân tộc tưởng đã trở nên thứ yếu, thì lại nổi lên ngày càng quan trọng, buộc  KHXH&NV phải đặt ra và giải quyết.

Dân tộc và hiện đại, dân tộc và nhân loại, là những cặp phạm trù tưởng là đối lập mà không, nó tương tùy và tương hỗ lẫn nhau. Một dân tộc mạnh là một dân tộc biết đặt mình trong trào lưu phát triển chung của khu vực và nhân loại. KHXH&NV phải luôn tự làm mới mình, mở rộng cửa ra với thế giới, tiếp thu văn minh nhân loại và bổ sung những thành tựu của dân tộc mình vào kho tàng văn hóa chung của nhân loại. 

3.     Tinh thần hàn lâm và Tinh thần thực tiễn, phục vụ cộng đồng

Đại học KHXH&NV không phải là một đại học thiên về ứng dụng mà là đại học nghiên cứu, nó chú trọng đến khoa học cơ bản, những tri thức gốc và quá trình phát triển của tri thức ấy. Vì vậy học vấn của đại học KHXH&NV mang đậm tinh thần hàn lâm. Người trí thức đại học KHXH và NV luôn coi trọng sự uyên bác - “thông kim bác cổ”, vì vậy hơn bất cứ đại học nào khác, đại học KHXH&NV rất những chuyên gia thông thạo về cổ ngữ. Một đại học KHXH&NV lý tưởng ở Việt Nam phải là nơi có giảng dạy Hán Nôm, tiếng Latin, tiếng Phạn, bên cạnh việc giảng dạy sinh ngữ. Tuy nhiên đại học hiện đại có khuynh hướng đại học của số đông nên bên cạnh tính chất hàn lâm, nó vẫn chú trọng đến thực tiễn, phục vụ cộng đồng. Dù tính hàn lâm là tính chất nổi bật của đại học KHXH&NV, nhưng sắc độ của nó có sự đậm nhạt khác nhau giữa những khoa thiên về khoa học cơ bản và những khoa thiên về khoa học ứng dụng.

 

Kết luận:

Khoa học xã hội và Nhân văn trong quá khứ đã tạo ra những gương mặt trí thức tiêu biểu làm vẻ vang dân tộc. Chỉ trong vòng một thế kỷ qua, KHXH và nhân văn đã có được những  Đào Duy Anh, Cao Xuân Huy, Trần Đức Thảo, Trương Tửu,  Trần Văn Giàu, Bửu Cầm, Nguyễn Văn Trung… Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để tiếp tục có được những trí thức uyên bác, thông minh và có tư cách như thế, để cho tinh thần đại học KHXH&NV không ngừng phát triển, đóng góp xứng đáng vào việc xây dựng đất nước, phát triển tự do nhân cách con người, đảm bảo sự hùng mạnh và trường tồn của dân tộc. 

                                                     TP.HCM, ngày 22 tháng 3 năm 2011

   Đ.L.G

 



* PGS, TS, Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM

Bài viết cùng tác giả

Danh mục website