18042024Thu
Last updateThu, 18 Apr 2024 12am

Studies on Vietnamese and Korean Literature and Films

Vietnamese Literature

Sinology & Nom

Theater and Film

Linguistics

Vietnamese Folk Culture

Literary Theory & Criticism

Foreign Literatures & Comparative Literature

Lu Khe and the First Article Introducing Japanese Literature in Cochinchina

Sunday, 19 September 2021  |  Võ Văn Nhơn, Ngô Trà Mi

Lu Khe and the First Article Introducing Japanese Literature in Cochinchina

PGS.TS/ Assoc.Prof., Ph.D...

Loading...

Education

Dao Duy Anh – An erudite scholar and a respected educator

Dao Duy Anh – An erudite scholar and a respected educator

Saturday, 25 June 2016  |  Khoa Văn học

Abstract

Scholar and educator Dao Duy Anh had made outstanding contribution to our national culture. ...

Loading...

Vietnamese Cultural Links

Văn học Việt Nam ở Nhật Bản

Tuesday, 08 November 2016  |  KAWAGUCHI KEN’ICHI, Đoàn Lê Giang dịch

KAWAGUCHI KEN’ICHI

                     ...

Loading...

BA, MA, PhD. Theses

Narrative Art in Southern Novels before 1932

Narrative Art in Southern Novels before 1932

Tuesday, 21 February 2017  |  Phan Mạnh Hùng

(Summary)

Research Focuses and Expectations :

The studies the narrative art - the art of telling a stor...

Loading...

Calligraphy Club

Thu hứng

Thu hứng

Friday, 03 June 2016  |  Đỗ Phủ

Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm, 
Vu sơn, Vu giáp khí tiêu s&a...

Loading...

Ý nghĩa của motif tái sinh trong việc thể hiện tư tưởng chủ đề của truyền thuyết và truyện cổ tích

Motif tái sinh có thể được xem là một motif khá quen thuộc trong kho tàng văn học dân gian nước ta và nhiều nước trên thế giới. Motif này xuất hiện nhiều trong thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích dân gian và trong những tác phẩm truyện truyền kỳ của văn học thành văn… Trên cơ sở định nghĩa chung về motif như là một tình tiết góp phần tạo nên đề tài cốt truyện, chúng tôi đã định nghĩa motif tái sinh là những tình tiết dùng để miêu tả hiện tượng chết đi và sống lại của nhân vật trong truyện kể, bao hàm hình thức sống lại thành người và cả sống lại thành vật.

Qua kết quả khảo sát sơ bộ riêng thể loại truyền thuyết và truyện cổ tích, chúng tôi thấy có thể phân loại các dạng thức khác nhau của motif tái sinh trên cơ sở dựa vào những cách thức “sống lại” khác nhau và những hình dạng của nhân vật sau khi đã sống lại. Trong quá trình khảo sát, chúng tôi thấy nổi lên ba loại dạng thức chính của motif tái sinh:

Nhân vật sống lại thành người chỉ qua một lần tái sinh.

- Nhân vật sống lại thành người sau khi đã hóa thân thành nhiều hình dạng khác nhau.

Nhân vật sống lại thành vật

Có thể thấy rằng sự khác nhau về mặt nhân vật trong hai thể loại truyền thuyết và truyện cổ tích, cũng như sự khác nhau về đặc điểm nội dung và nghệ thuật của chúng cũng khiến cho việc thể hiện tư tưởng chủ đề của truyện đối với cùng một motif cũng biến đổi. Căn cứ vào sự biến đổi này, có thể tìm kiếm ý nghĩa của motif tái sinh dựa vào các dạng thức biểu hiện của motif ở mỗi thể loại, nội dung của câu chuyện có chứa đựng motif, vai trò của motif trong việc biểu hiện chủ đề truyện.

1. Ý nghĩa của motif tái sinh trong thể hiện tư tưởng – chủ đề của truyền thuyết:

Theo quan điểm của nhà nghiên cứu Nguyễn Đổng Chi thì truyền thuyết là một thể loại “kế thừa nhiệm vụ của thần thoại và phát triển theo hướng xây đắp thêm, làm phong phú và sắc nét dần lên những hình tượng vốn còn mộc mạc của thần thoại”[1] . Vì thế, các nhân vật trong truyền thuyết cho dù là những anh hùng có công trong việc đấu tranh với các thế lực ngoại bang hung ác hoặc là những con người trần tục có sức khoẻ phi thường, đánh nhau với yêu ma quỷ quái để đem lại bình yên cho nhân dân thì hầu hết họ đều mang trong mình một nửa dòng máu thần linh do thiên nhiên cảm ứng vào cơ thể người mẹ mà họ được sinh ra. Đây cũng là một trong những motif phổ biến trong truyện kể dân gian của các dân tộc trên thế giới – motif mang thai và sinh nở thần kỳ. Mẹ của Doãn Công thụ thai khi thấy một ngôi sao rơi vào miệng (Sự tích Doãn Công dẹp giặc Tô Định). Hoàng hậu của vua Hùng Nghị Vương chiêm bao thấy bị xà tinh quấn quanh bụng rồi mang thai hoàng tử Câu Mang (Sự tích Câu Mang thời Hùng Vương). Mẹ của Đà Công thì nằm mơ thấy giao long rồi mang thai và sinh ra ông (Sự tích Đà Công thời Hùng Vương). Một bà lão ướm chân vào một vết chân to trong rừng và sinh ra Thánh Gióng (Thánh Gióng)…

Chính đặc điểm xuất thân của nhân vật truyền thuyết cũng là một trong những nguyên nhân tạo nên ý nghĩa của motif tái sinh đối với việc thể hiện tư tưởng chủ đề của đề tài – cốt truyện.

a. Theo sự  phân tích của Kiều Thu Hoạch trong Tổng tập văn học dân gian người Việt (tập 4) thì “khi sáng tạo nhân vật truyền thuyết, tác giả dân gian dường như đã gặp một nghịch lý trong quan niệm về người anh hùng: một mặt họ nhìn thấy được tính chu kỳ trong thời gian đời người, mặt khác họ không muốn tin người anh hùng phải chết. Để giải quyết nghịch lý này, tác giả truyền thuyết sử dụng motif hóa thân để chỉ sự bất tử của người anh hùng. Khi chết, người anh hùng có thể biến thành giao long (Thánh Linh Lang trong Truyền thuyết ven Hồ Tây), có thể theo đám mây vàng bay lên trời (ba vị thần ở Tam bảo châu trong Truyền thuyết Hùng Vương, Thánh Gióng) hay đi xuống biển (Truyền thuyết An Dương Vương)”[2]. Và sự hóa thân thành linh vật của các vị anh hùng ít nhiều có liên quan đến nguồn gốc ra đời của họ, dường như nội dung của các câu truyện truyền thuyết muốn nói rằng những vị anh hùng ấy ra đời từ thế giới siêu nhiên nên đến khi chết cũng trở về với thế giới siêu nhiên của họ, và vẫn tiếp tục tồn tại bất tử trong quan niệm tâm linh của quần chúng nhân dân.

Ý nghĩa của motif tái sinh trong truyền thuyết ở dạng này chính là quan niệm của dân gian về sự tồn tại bất tử của các vị anh hùng dân tộc. Sự tồn tại bất tử của các vị anh hùng dân tộc được thể hiện ở sự trở về thế giới siêu nhiên, sự trở về này bao hàm ý nghĩa của việc hóa thân vào hồn thiêng sông núi. Sự trở về thế giới siêu nhiên còn bao hàm cả quan niệm của dân gian về bản chất thiêng của người anh hùng, họ sinh ra từ tự nhiên, trở về với tự nhiên thành khí thiêng sông núi, hồn thiêng dân tộc, trường tồn với lịch sử. “Chết tức là mở ra một đời sống mới ở mức độ tinh thần cao hơn, người anh hùng được xây dựng để vượt qua sự hữu hạn của một cá nhân trở thành bất tử”[3]

Như trên đã nói, chính vì mang trong mình một nửa dòng máu của thần linh nên các vị anh hùng trong truyền thuyết đều có những số phận kỳ lạ với những tính cách nửa thần thánh, nửa trần tục. Tất cả họ ngay từ trước khi ra đời đều đã được thần linh giao phó những nhiệm vụ quan trọng, có thể còn làm thay đổi vận mệnh của cả một dân tộc. Trong địa vị của một hoàng tử hay một vị tướng tài, họ xông pha trận mạc, hy sinh thân mình đánh đuổi giặc để mang lại bình yên cho dân tộc.

 Tất nhiên, vì là người trần nên tất cả các vị anh hùng dân tộc trong truyền thuyết cuối cùng rồi cũng phải chết cho dù họ có sức mạnh vô địch đến đâu như thánh Linh Lang hay được thần linh ban cho những báu vật có thể chống lại được mọi kẻ thù hung dữ như vua An Dương Vương. Nhưng người kể và người nghe tin rằng những người anh hùng ấy không chết mà đã tái sinh thành các linh vật hay thiên thể và mãi mãi bất tử trong những hình dạng đó.

Chẳng hạn, truyền thuyết kể lại rằng hai vị anh hùng Cương Nghị và Hùng Cường thời Hùng Vương đã cùng anh trai của mình là Thông Công vì hết hạn ở dưới trần gian cứu đời nên đã hóa thành ba con hổ bay lên trời (Sự tích Thần Thông, Cương Nghị, Hùng Cường thời Hùng Vương). Hay như trong truyền thuyết Doãn Công, người anh hùng ấy đã hóa thân thành một ngôi sao và bay về trời (Sự tích Doãn Công dẹp giặc Tô Định thời Hùng Vương). Cũng như thế, trong Sự tích Bát Nàn công chúa, Thục Nương là một cô gái xinh đẹp tài giỏi, khi chồng bị Tô Định giết hại nàng về đầu quân Hai Bà Trưng đánh tan Tô Định. Sau Thục Nương bị Mã Viện truy bức phải tự vẫn đã hóa thân thành một bóng màu đỏ dài hơn một trượng bay lên trời.

b. Sự tái sinh của các vị anh hùng truyền thuyết dưới dạng hóa thân hay đầu thai còn có ý nghĩa là gieo sự sống và truyền thống anh hùng ở các thế hệ con cháu mai sau.

Vì là một người trần trong hình dáng của một con người trần tục nên cho dù có nhiều tài phép đến đâu, được thần linh phù trợ đến đâu và có khả năng giết được nhiều quân giặc hung ác và mạnh mẽ đến đâu thì cuối cùng những người anh hùng ấy cũng phải chết (ít ra là chết đi trong thân thể trần tục để linh hồn quay về lại thế giới thần linh và trở thành bất tử trong hình dạng của các linh vật khi đã nhập vào sông núi). Nói chung, cho dù hóa thân dưới bất kỳ hình dạng gì đi nữa thì các vị anh hùng dân tộc này vẫn tiếp tục hiển linh âm phù cho nhiều đời sau. Trong hình dạng của các linh vật hay từ việc nhập vào sông núi, những người anh hùng ấy sẽ tiếp tục truyền lại dòng máu anh hùng của mình cho nhiều thế hệ con cháu mai sau. Vì thế mà sự hóa thân trong truyền thuyết còn có một ý nghĩa là gieo sự sống. “Ông Thần Đỗ nhờ chim thần tưới máu mình khắp quê hương, nàng Trăm Sắc đề nghị băm xác mình thành ngàn mảnh để gieo sự sống và chí khí. Từ máu thịt của họ sẽ mọc lên con cháu đời sau tiếp nối truyền thống anh hùng… Sự biến thể của motif hóa thân đã diễn tả một cách sinh động sự tiếp nối thế hệ, sự liên tục của truyền thống trên mảnh đất quật cường mấy ngàn năm văn hiến”[4].

c. Motif tái sinh trong truyền thuyết do đó có ý nghĩa quan trọng trong việc thể hiện tư tưởng truyền thống anh hùng, truyền thống dân tộc - một trong những đặc điểm đặc trưng của thể loại truyền thuyết.

Trong những tác phẩm truyền thuyết có chứa đựng motif tái sinh mà chúng tôi sưu tầm được hầu hết đều giữ lại được những nét chính yếu của những sự kiện và con người có thật trong lịch sử như truyện về các vị anh hùng dân tộc An Dương Vương, Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Bà Triệu… Đồng thời ở một số truyện, người kể khi kể lại các sự kiện lịch sử này thường nhằm mục đích giải thích lý do vì sao nhân dân ở các địa phương lập đền thờ các vị anh hùng đã được tôn lên làm thần thánh.

Những nhân vật truyền thuyết này sau khi đã chết đi và hóa thân thành bất cứ hình dạng gì đi nữa thì họ vẫn được nhân dân cả nước ở các địa phương thờ cúng. Một mặt là để tỏ lòng biết ơn đối với những người anh hùng đã hy sinh thân mình để đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân. Mặt khác, cũng là để ghi lại lịch sử đấu tranh hào hùng của dân tộc, để xây dựng nên truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đó là một truyền thống anh hùng, hiên ngang, bất khuất, sẵn sàng đấu tranh chống lại mọi thế lực gian ác cho dù chúng có mạnh mẽ đến đâu, để giữ vững độc lập tự do cho dân tộc. Sự thờ cúng các vị anh hùng trong truyền thuyết còn là một hình thức nhắc nhở con cháu đời sau ghi nhớ và noi theo tấm gương anh dũng của những người đi trước, tiếp tục giữ vững truyền thống đấu tranh hào hùng của dân tộc từ thế hệ hôm nay đến thế hệ mai sau và mãi mãi.

Ý nghĩa của môtíp tái sinh trong truyền thuyết ở dạng thức này gắn liền với tín ngưỡng dân gian của dân tộc ta như thờ cúng thành hoàng và thờ cúng các vị anh hùng dân tộc. Với lòng tin vào sự tồn tại thiêng liêng của các vị anh hùng, nhân dân ở nhiều địa phương nơi có đền thờ họ, vẫn đến đó khấn vái cầu xin để được họ phù hộ độ trì cho những ước mơ của mình thành hiện thực.

2. Ý nghĩa của motif tái sinh trong thể hiện tư tưởng – chủ đề của truyện cổ tích.

Khi thể hiện trong các tác phẩm truyện cổ tích, ý nghĩa của motif tái sinh đã có những biến đổi quan trọng, những biến đổi này được quy định do tính chất của thể loại. Và ý nghĩa của motif tái sinh trong việc thể hiện tư tưởng chủ đề của thể loại truyện cổ tích cũng không giống với ý nghĩa của nó trong truyền thuyết.

a. Ý nghĩa đầu tiên của motif tái sinh ở dạng hóa thân hay đầu thai trong truyện cổ tích thể hiện trong các nguyên nhân xã hội gây nên cái chết cho nhân vật chính.

Với nhóm truyện nhân vật tái sinh do đầu thai trong cổ tích thì cái chết của họ thường có nguyên nhân là do tự tử vì bị ép duyên hoặc do người khác hãm hại mà chết đi một cách tức tưởi. Sau khi chết đi, họ đầu thai vào xác của một người khác hoặc đầu thai làm con của một gia đình khác. Và trong hình dạng mới ấy, thực ra họ cũng chính là con người cũ, nhận biết tất cả những sự việc đã diễn ra trước khi chết. Sau khi đầu thai họ được toại nguyện lựa chọn tình yêu và hạnh phúc hoặc có nhân vật thì tố cáo những kẻ trước đây đã hãm hại mình. Chủ đề của kiểu truyện này là chủ đề đấu tranh xã hội, nhân vật trong truyện đã bằng mọi cách phải dành lấy công bằng cho mình, nếu không thực hiện được ở kiếp này thì tiếp tục thực hiện ở những kiếp sau (Duyên nợ tái sinh, Mối tình chung thủy).

Ý nghĩa đấu tranh xã hội của motif tái sinh trong truyện cổ tích còn thể hiện ở nhóm truyện nhân vật tái sinh thành người sau khi đã hóa thân thành nhiều hình dạng khác nhau từ động vật, cho đến thực vật và đồ vật. Nguyên nhân gây ra cái chết của các nhân vật trong kiểu truyện này thường là do họ bị những người thân quen ghen ghét với hạnh phúc mà họ đang có được. Đa số nhân vật là những cô gái hiền lành, cả tin và vì cả tin nên họ đã bị chính những người thân của mình hại chết. Những người thân đó có thể là chị em ruột của họ, có thể là chị em cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha, hay cũng có thể là do chính người cha hoặc người dì ghẻ gây ra. Những người này sẽ  tìm mọi cách hành hạ và cuối cùng là hãm hại, giết chết nhân vật chính để tranh giành hạnh phúc. Thế cho nên chủ đề của kiểu truyện này cũng là chủ đề đấu tranh xã hội, chủ đề về những xung đột trong các mối quan hệ gia đình (Nàng Ả Voi, Pơria Pơró).  

Ý nghĩa của motif tái sinh do hóa thân hay đầu thai trong truyện cổ tích còn là sự  phản ánh quan niệm của dân gian về sức sống mãnh liệt của các nhân vật đại diện cho cái thiện. Như trên đã phân tích thì tất cả các nhân vật được tái sinh do dầu thai hay hóa thân đều là những con người hiền lành, nhân hậu và ngây thơ, cả tin vào người khác đến mức gây hại cho chính bản thân mình. Họ là những cô gái ngoan hiền, chăm chỉ như cô Ba, như Gơliu, như Tấm… một mình gánh vác công việc gia đình mặc cho người chị, người em của họ suốt ngày nhàn rỗi vui chơi. Đã thế, những nhân vật ấy còn bị hắt hủi, đánh đập, hành hạ mà không dám oán than, một chút niềm vui nhỏ nhoi bình dị như nuôi một con cá bống cũng bị người ta cướp mất (Tấm Cám). Những nhân vật ấy còn tốt bụng và nhân hậu, sẵn sàng giúp đỡ mọi người, ngây thơ xuống suối gội đầu để bị người ta cướp công bắt cá, hồn nhiên trèo lên cây thật cao hái trái để rồi bị kẻ ác đẵn gốc cây hại chết… Tuy nhiên bên trong những con người hiền lành ấy cũng tiềm ẩn một khả năng chịu đựng ghê gớm với một sức sống dai dẳng, mãnh liệt mà không một thế lực gian ác nào có thể tiêu diệt được. Dù có bị truy sát đến đường cùng, họ cũng tìm mọi cách đấu tranh để bảo vệ cho sự tồn sinh của mình. Cuối cùng thì cái thiện cũng thắng, người thiện cho dù đã bị hãm hại chỉ còn một chút tro tàn rồi cũng được tái sinh.

Nhìn chung, nếu như ở truyền thuyết, các dạng thức tái sinh do đầu thai hay hóa thân mà tác giả dân gian dùng để thay đổi cái chết của các vị anh hùng thành một đời sống tinh thần ở mức độ cao hơn nhằm nâng họ lên thành những tượng đài để thờ phụng thì ở truyện cổ tích, các nhân vật được tái sinh lại trở thành những tấm gương soi biểu hiện ý nghĩa đạo đức và luân lý. Sự tái sinh của các nhân vật trong cổ tích là biểu hiện của lòng yêu thương con người, sự cảm thông sâu sắc của dân gian với những số phận bất hạnh, những con người hiền lành luôn gặp rủi ro hay với những mối tình éo le của những con người không có quyền được lựa chọn cho mình hạnh phúc.

Bên cạnh đó, sự thưởng phạt công bằng cũng là một ý nghĩa sâu sắc của motif tái sinh trong dạng thức này. Càng yêu thương, cảm thông với những số phận hiền lành, bất hạnh, dân gian càng căm ghét những thế lực xấu xa, độc ác. Và theo quan niệm của dân gian bao đời nay thì những thế lực ấy đáng bị trừng phạt, chúng phải gánh chịu lấy những tội ác mà chúng gây ra cho người khác. Do đó, các câu chuyện cổ tích thuộc kiểu này thường kết thúc bằng cái chết của các nhân vật phản diện, có thể là do người bị hại trả thù, cũng có thể là do bị thần linh trừng phạt.

Ý nghĩa của motif tái sinh thể hiện trong tư tưởng chủ đề của thể loại truyện cổ tích ở dạng này còn chính là những ý nghĩa xã hội, ý nghĩa nhân sinh mà dân gian đã gởi gắm vào cuộc đời hạnh phúc của các nhân vật sau khi đã sống lại thành người. Về phương diện này, sự tái sinh mang ý nghĩa là sự thay đổi số phận. Các nhân vật cổ tích khi hóa thân qua một kiếp hay nhiều kiếp khác nhau tuy cuối cùng trở về với hình dáng ban đầu là một con người trần tục với thân thể, linh hồn và tính cách như xưa nhưng hoàn hảo hơn. Họ sẽ trở nên xinh đẹp hơn và quan trọng hơn cả là có được một số phận, một vị trí khác xưa. Từ số phận của một người cực khổ bị ngược đãi, hành hạ, bức hại trở thành số phận của một người hạnh phúc, giàu sang, có vị trí xã hội cao (Mùi Mụi Mùi Nái, Rắn thần, Bảy chị em…). 

Bên cạnh việc biểu hiện tư tưởng chủ đề về sự tồn tại mãnh liệt của người thiện, việc thiện, của chân lý và sự công bằng, motif  tái sinh còn có ý nghĩa trong việc biểu hiện những quan niệm của dân gian về giá trị của sự sống và hạnh phúc. Quan niệm ấy được thể hiện trong quá trình đấu tranh gian khổ, trong những khó khăn thử thách mà nhân vật phải trải qua để dành lấy sự sống và song song với nó là quan niệm về hạnh phúc, một hạnh phúc mà loài người cần phải đấu tranh với sự sống còn và phải nỗ lực hết mình mới mong có thể vươn tới được. Để được tái sinh, các nhân vật cổ tích phải hóa thân nhiều lần dưới hình dạng của nhiều kiếp vật khác nhau. Theo Nguyễn Đổng Chi thì hiện tượng này đã phản ánh quan niệm của dân gian về số mệnh, nhân vật không phải lúc nào cũng làm chủ được vận mệnh của mình mà thường bị một lực vô hình dẫn dắt để chịu đựng hết nạn nọ đến nạn kia, thử thách này sang thử thách khác… Nhân vật được đặt trong nhiều thế giới khác nhau và phải ứng xử trong nhiều tình huống đầy nghịch lý. Những tình huống này có tác dụng làm cho tính cách của nhân vật hay sự trớ trêu của số phận ngày càng lộ rõ [5].

Chính những tình huống đầy khó khăn và thử thách ấy đã góp phần khẳng định giá trị của sự sống và hạnh phúc mà nhân vật đã phải đấu tranh để dành lấy, một hạnh phúc không dễ gì có được. Tấm, Ú, Gơliu, Tua Gia… đều bị người khác hại chết để tranh chồng, họ đã phải ẩn thân trong rất nhiều hình dạng từ chim vàng anh đến cây xoan đào, từ quả trứng đến chiếc nhẫn, có khi chỉ là một đống tro tàn còn le lói chút ánh lửa nhưng nào có được yên thân, bởi những thế lực gian ác ấy cứ đuổi theo, truy sát họ đến cùng. Nhưng cuối cùng bằng chính tinh thần đấu tranh dai dẳng và được sự trợ giúp của các lực lượng thần linh, những nhân vật ấy cũng đã chiến thắng và được đền bù xứng đáng bằng một cuộc sống giàu sang, hạnh phúc.

b. Ở dạng thức nhân vật tái sinh thành vật, ý nghĩa của motif tái sinh còn thể hiện được nhiều chủ đề phong phú trong nội dung câu chuyện mà nó thể hiện. Trong dạng thức này, nhân vật không sống lại thành người như cũ mà tái sinh dưới nhiều hình thức động vật, thực vật và đồ vật đa dạng. Phong phú nhất là nhóm truyện nhân vật tái sinh thành đá, thành các loại động vật và thực vật.

Trong các truyện có chứa đựng motif này, chủ đề tư tưởng xoay quanh các vấn đề về mối quan hệ giữa người và người. Từ các mối quan hệ ấy, truyện nêu bật được những tính cách điển hình của con người như chung thuỷ, gắn bó trong tình yêu, tình chồng vợ, tình anh em… Motif tái sinh ở đây được xây dựng trên cơ sở niềm tin về mối quan hệ gắn bó giữa con người với nhau và đời sống của con người với giới tự nhiên, có ý nghĩa trong việc nhấn mạnh tư tưởng chủ đề của truyện.

 Với nhóm truyện có nhân vật tái sinh thành đá, chủ đề của truyện là sự ca ngợi tình yêu, tình cảm gia đình, ca ngợi những tấm lòng kiên trung, biết chọn lấy cái chết để giữ mình trong sạch. Đó là những tình cảm anh em, vợ chồng gắn bó, dẫu đã chết đi rồi vẫn mong muốn được ở cạnh nhau, ôm ấp chở che nhau, quấn quýt mãi không rời (Truyện cây cau, Sự tích trầu cau vôi). Đó là những người vợ mỏi mòn ôm con chờ đợi người chồng thương yêu của mình quay về trong tuyệt vọng, để rồi cuối cùng hóa thân thành đá và lại tiếp tục đợi chờ trong dáng hình của ngọn núi thủy chung (Sự tích núi Vọng Phu, Đá trông chồng, Nàng Tô Thị). Đó còn là những người vợ trung trinh sẵn sàng hy sinh để cho chồng mình được sung sướng, hạnh phúc (Sự tích núi vàng) hay sẵn sàng nhận lấy cái chết chứ không chịu trao thân cho kẻ ác tâm, hung bạo đã giết chết chồng mình (Núi Trường Lệ).

Về phương diện đề tài, những câu chuyện có nhân vật hóa thân thành các loài động vật, thực vật hay đồ vật, thiên thể… có mục đích giải thích cho nguồn gốc ra đời của các sự vật và hiện tượng của thế giới tự nhiên. Đây là loại đề tài phổ biến của thần thoại và truyền thuyết. Loại đề tài này phản ánh nhận thức của con người về thế giới xung quanh mình trên cơ sở liên tưởng tới chính những đặc điểm của thế giới con người. Do đó, những con vật xấu xí thường gây hại cho con người như con vắt, con muỗi, con dòi, con bìm bịp… sẽ được cho là do những con người tham lam, độc ác, không ngay thẳng hóa thành khi họ chết đi (Con mụ Lường, Sự tích con bìm bịp, Sự tích con muỗi). Một nhà sư tham lam không có lòng nhân từ sẽ là tiền thân của chiếc bình vôi để cho người đời moi ruột (Ông sư hóa thành bình vôi). Nguồn gốc ra đời của chiếc kiềng ba chân quen thuộc trong gian bếp của mỗi gia đình sẽ là một người vợ và hai người chồng vì yêu thương nhau mà đã cùng nhau chết chung trong một đám lửa (Sự tích ông táo, Sự tích ông đầu rau). Và những con người xấu tính, tham lam hay áp bức kẻ khác sẽ hóa thành giống khỉ, giống đười ươi xấu xí (Sự tích loài khỉ vượn, Chàng đực rựa)…

 Như vậy, motif tái sinh dưới dạng hóa thân thành vật ở đây gắn liền với những tư tưởng và ý niệm về các vấn đề đạo đức – xã hội của con người. Khi quan sát đời sống gắn bó, quấn quýt của những đôi chim, đôi bướm, dân gian đã sáng tạo ra những câu chuyện về những cuộc tình chung thuỷ, về tình yêu trong sáng, đẹp đẽ nhưng đầy ngang trái của những đôi trai gái vì không lấy được nhau nên đã tái sinh thành loài vật để được sống bên nhau mãi mãi (Đôi chim Tử Qui, Chàng Tsampéc và nàng Én Tái). Liên tưởng với đặc tính chuyên đi hút máu người của loài muỗi là câu chuyện về người đàn bà không chung thủy phải trả lại cho chồng ba giọt máu và khi chết đi thì  bị hóa thân thành con muỗi (Người đàn bà hóa thành con muỗi, Sự tích con muỗi). Dựa vào mùi hương thơm ngát, thuần khiết của hoa sen dù phải sinh trưởng trong bùn lầy, truyện cổ tích đã giải thích rằng đó chính là do một cô gái xinh đẹp, ngây thơ, trong sáng hóa thành (Lấy chồng rắn, Sự tích hoa sen và bướm). Dựa vào công dụng có khả năng nuôi sống con người trong lúc khó khăn, thất bát là nội dung của câu truyện kể về hai vợ chồng vì thương con không có gì ăn nên đã hóa thân thành củ mài cho con ăn đỡ đói (Sự tích củ mài)…

3. Kết luận

Khi tìm hiểu ý nghĩa của motif tái sinh được thể hiện như thế nào trong tư tưởng chủ đề của hai thể loại truyền thuyết và truyện cổ tích, có thể thấy rằng so với truyền thuyết thì hầu hết các dạng thức thể hiện của motif tái sinh đều xuất hiện trong truyện cổ tích với tần số nhiều hơn cả.

Về phương diện nội dung, motif tái sinh trong truyền thuyết và truyện cổ tích có chức năng khác nhau trong việc nhận thức, phản ánh hiện thực và tư tưởng của mỗi thể loại. Sự thay đổi thành phần cấu tạo nên cốt truyện ở mỗi thể loại cũng dẫn đến sự biến đổi về ý nghĩa của các motif cấu tạo nên truyện. Nếu như ở truyền thuyết, motif tái sinh thể hiện quan niệm về bản chất thiêng liêng của các anh hùng truyền thuyết và sự tồn tại bất tử của họ thì ở truyện cổ tích, motif tái sinh có ý nghĩa hướng tới một mục đích nhân sinh cao cả, về sự giữ gìn và vun đắp cho sự sống của loài người. Motif tái sinh trong truyện cổ tích còn có ý nghĩa là ước mơ về sự tồn tại bất tử của loài người, về sự hiện hữu của những thế lực thần kỳ có thể giúp cho sự tồn sinh của con người là mãi mãi, vượt qua được mọi rủi ro của vòng sinh tử, là sự khát khao khám phá loài người và muôn vật đã được sinh ra từ đâu..

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.              Vũ Ngọc Phan (1975); Truyện cổ dân gian Việt Nam; NXB Giáo Dục; HN.

2.              Võ Quang Nhơn (1993); Văn học dân gian các dân tộc ít người Việt Nam; NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp; HN.

3.              Nguyễn Đổng Chi (2000); Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam; Tập 1 và 2; NXB Giáo Dục.

4.              Vũ Ngọc Khánh, Phạm Minh Thảo, Nguyên Vũ (2000); Từ điển văn hóa dân gian; NXB Văn hóa Thông tin, HN.

5.              Nhiều tác giả, Trung tâm Khoa học Xã hội & Nhân Văn Quốc gia, Viện Văn học (2002); Tổng tập văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam, Tập 2 – Truyện cổ dân gian; NXB Đà Nẵng.

6.              Nhiều tác giả (2004); Từ điển văn học (bộ mới); NXB Thế Giới.

7.              Nhiều tác giả, Viện Khoa học Xã hội VN (2004); Tổng tập văn học dân gian người Việt; Tập 4 và 5; Truyền thuyết dân gian người Việt; NXB Khoa học Xã hội; HN.

Ths. La Mai Thi Gia

Khoa Văn học & Ngôn ngữ

ĐH KHXH & NV, Tp.HCM



[1] Nguyễn Đổng Chi (2000); Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam; Tập 1; NXB Giáo Dục, tr.61.

[2] Viện Khoa học Xã hội VN (2004); Tổng tập văn học dân gian người Việt; Tập 4; Truyền thuyết dân gian người Việt; NXB Khoa học Xã hội; HN, tr.48

 

[3] Viện Khoa học Xã hội VN (2004); Tổng tập văn học dân gian người Việt; Tập 4; Truyền thuyết dân gian người Việt; NXB Khoa học Xã hội; HN, tr.49

 

[4] Viện Khoa học Xã hội VN (2004); sđd, tr.49

[5] Nguyễn Đổng Chi (2000); Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam; Tập 2; NXB Giáo Dục,tr.1597