19042024Fri
Last updateFri, 19 Apr 2024 10am

Studies on Vietnamese and Korean Literature and Films

Vietnamese Literature

Sinology & Nom

Theater and Film

Linguistics

Vietnamese Folk Culture

Literary Theory & Criticism

Foreign Literatures & Comparative Literature

Lu Khe and the First Article Introducing Japanese Literature in Cochinchina

Sunday, 19 September 2021  |  Võ Văn Nhơn, Ngô Trà Mi

Lu Khe and the First Article Introducing Japanese Literature in Cochinchina

PGS.TS/ Assoc.Prof., Ph.D...

Loading...

Education

Dao Duy Anh – An erudite scholar and a respected educator

Dao Duy Anh – An erudite scholar and a respected educator

Saturday, 25 June 2016  |  Khoa Văn học

Abstract

Scholar and educator Dao Duy Anh had made outstanding contribution to our national culture. ...

Loading...

Vietnamese Cultural Links

Văn học Việt Nam ở Nhật Bản

Tuesday, 08 November 2016  |  KAWAGUCHI KEN’ICHI, Đoàn Lê Giang dịch

KAWAGUCHI KEN’ICHI

                     ...

Loading...

BA, MA, PhD. Theses

Narrative Art in Southern Novels before 1932

Narrative Art in Southern Novels before 1932

Tuesday, 21 February 2017  |  Phan Mạnh Hùng

(Summary)

Research Focuses and Expectations :

The studies the narrative art - the art of telling a stor...

Loading...

Calligraphy Club

Thu hứng

Thu hứng

Friday, 03 June 2016  |  Đỗ Phủ

Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm, 
Vu sơn, Vu giáp khí tiêu s&a...

Loading...

Phê bình huyền thoại – những vấn đề lịch sử


Chales Eric Reeves trong mục “Lý thuyết và phê bình huyền thoại” của sách Hướng dẫn về lý thuyết và phê bình văn học[1] đã cho rằng phê bình huyền thoại không phải là một hướng tiếp cận phê bình trong các ngành nghiên cứu văn học. Tất nhiên, ở đây thuật ngữ phê bình là chỉ cả cho công việc nghiên cứu hay thực chất là công việc nghiên cứu dựa trên cơ sở một lý thuyết nhất định và nhất quán. Và như  thế,  Charles Eric Reeves như đã phủ nhận vai trò là một ngành nghiên cứu văn học của phê bình huyền thoại bởi lẽ theo ông phê bình huyền thoại là tên gọi chỉ cho “sự hội tụ của nhiều phương pháp và hình thức tra cứu về những mối quan hệ phức tạp giữa văn học với huyền thoại”. Rõ ràng cách đặt vấn đề của Charles Eric Reeves đã dẫn tới sự phân biệt phê bình huyền thoại với huyền thoại học. Đồng  thời nó cho thấy tính đa ngành và hiện trạng thiếu nhất quán hay đúng hơn, hiện trạng phức hợp về cơ sở lý thuyết của phê bình huyền thoại. “Những tra cứu này không đồng nhất, hỗn tạp, liên quan đến nhiều ngành và liên quan đến những vấn đề liên ngành đến nỗi tốt nhất nên nghĩ về phê bình huyền thoại như một quỹ tích của một loạt những vấn đề phức tạp, đầy hàm ý.” Thế nhưng khi triển khai thì Charles Eric Reeves không  thể dùng thuật ngữ nào khác hơn là phê bình huyền thoại, đồng  thời ông cũng chú ý tới các “nhánh” của phê bình huyền thoại là phê bình cổ mẫu, phê bình nghi lễ như các nhà nghiên cứu khác dẫu rằng ông có nhắc đến cách nhìn nhân học và tâm lý học về huyền thoại như một phản ứng đối với thuyết huyền thoại lịch sử (euhemerism).

Sở dĩ chúng tôi trình bày dài dòng về trường hợp ý kiến đề dẫn và cách triển khai của Charles Eric Reeves như vậy là  để xác tín rằng khái niệm phê bình huyền thoại dẫu nội hàm và ngoại diên của nó có phức tạp đến thế nào thì bản thân chúng về cơ bản đã được xác định, và vì thế thuật ngữ phê bình huyền thoại là chỉ cho một ngành nghiên cứu văn học nhất định,có cơ sở lý thuyết của nó, có nguồn gốc, sự ra đời và phát triển của nó; nghĩa là nó có lịch sử và những tác động nhất định đối với văn học và lịch sử lý luận, phê bình nghiên cứu văn học trên thế giới.

Từ triết lý về huyền thoại đến phê bình huyền thoại của thế kỷ 20 có một bước chuyển quan trọng. Đó là trường phái huyền thoại học trong nghiên cứu văn học ở thế kỷ 19 với các đại biểu ngữ học so sánh đầu tiên là J. Grimm và M. Muler và  đại biểu nhân học đầu tiên là E B. Tylor với công trình Văn hóa nguyên thủy (Primitive Culture, 1871). Có một sự khác nhau cơ bản giữa  trường phái huyền thoại trong nghiên cứu văn học của thế kỷ 19 với phê bình huyền thoại của thế kỷ 20 là một bên chủ yếu hướng vào lý giải văn học - văn hoá dân gian với một bên là giải thích toàn bộ nền văn học của loài người, đặc biệt nền văn học hiện đại. Việc nhấn mạnh tính phổ quát của huyền thoại trong toàn bộ hoạt động sáng tạo văn chương là một đặc điểm khu biệt cơ bản của phê bình huyền thoại. Đó là một tham vọng có nguy cơ đi vào cực đoan. A. S. Kozlov trong mục “Phê bình thần thoại học” của tập Các khái niệm và thuật ngữ của các trường phái nghiên cứu văn học ở Tây Âu và Hoa Kỳ thế kỷ 20 đã viết: “Trường phái thần thoại học trong nghiên cứu văn học thế kỷ XIX kỳ vọng  giải thich các hình thức sáng tác nghệ thuật xưa nhất, sáng tác dân gian, bằng cách phát hiện các đề tài và môtíp thần thoại ở truyện cổ tích, dũng sĩ ca, các bài hát… Phê bình thần thoại học thế kỷ XX kỳ vọng nhiều hơn, muốn quy toàn bộ văn học, thậm chí cả văn học đương đại vào thần thoại, không chỉ ở bình diện nguồn gốc mà còn ở các bình diện cấu trúc, nội dung, tư tưởng.”[2]

Thực ra, nội hàm của khái niệm phê bình huyền thoại chưa thật sự  được xác lập một cách thống nhất giữa các nhà nghiên cứu và mối quan hệ của nó với các “nhánh” cũng còn mơ hồ nơi này nơi khác. Tác giả mục từ “Hướng tiếp cận huyền thoại và cổ mẫu” trong công trình Sổ tay các hướng tiếp cận phê bình đối với văn học (A Handbook of Critical Approaches to Literature) cho rằng “Phê bình huyền thoại quan tâm đến việc tìm ra những yếu tố huyền bí. Những yếu tố huyền bí ấy thấm nhuần một số những tác phẩm văn chương và, với một sức mạnh hầu như kỳ lạ, gợi ra được những phản ứng đầy kịch tính và phổ quát của con người. Phê bình huyền thoại ước mong khám phá những  tác phẩm văn học nào đó, thường là những tác  phẩm đã trở thành hoặc hứa hẹn trở thành “cổ điển”, đã làm thế nào vẽ lên một kiểu hiện thực mà người đọc mãi có phản hồi – trong khi những tác  phẩm khác, hình như cấu trúc cũng  thế và thậm chí có cả một số hình thức hiện thực nữa, mà người đọc vẫn thờ ơ. Nói một cách hình tượng, phê bình huyền thoại nghiên cứu sâu “những con diều gỗ” của (tác phẩm) văn học lớn: những cái gọi là cổ mẫu hoặc những kiểu cổ mẫu mà nhà văn đã kéo về phía trước dọc theo sợi dây cấu trúc căng cứng của tác phẩm và những cổ mẫu ấy lay động sự cộng hưởng ngân vang trong sâu lòng người đọc.”[3] Sau này chúng tôi sẽ có dịp trở lại với ý kiến trên khi nói đến phê bình cổ mẫu. Nhưng điều cần nói ngay ở đây là L. Guerin,… đã đồng nhất phê bình huyền thoại với phê bình cổ mẫu. Trong khi đó, dẫu hoàn toàn thống nhất với ông về cơ sở lý thuyết của phê bình cổ mẫu là các công trình của Jung, nhưng Carol Schreter Rupprecht, tác giả mục từ “Lý thuyết và phê bình cổ mẫu” trong sách Hướng dẫn về lý thuyết và phê bình văn học lại cho rằng: “như thế khuynh hướng phê bình phát triển từ công trình của ông (tức Jung) được gọi chính xác hơn phải là “cổ mẫu” (archetypal) và hoàn toàn khác biệt với phê bình “huyền thoại” (myth)”[4]

Marc Manganara trong công trình trên khi viết mục từ “Lý luận và phê bình nhân học”[5] đã cho rằng sự nghiên cứu về con người (nhân học) đã tác động đến phê bình văn học trong những phương thức đa dạng và phức tạp suốt thế kỷ 20, còn cái ngành khoa học được gọi là phê bình nhân học thì không có được một định nghĩa rõ ràng. Marc Manganara đã đồng nhất phê bình nhân học với phê bình nghi lễ khi khẳng định ảnh hưởng của James Frazer đối với những nhà nghi lễ Cambridge. Đồng  thời tác giả cũng đã đề cập đến sự xuất hiện của phê bình huyền thoại trong bối cảnh có một sự dịch chuyển từ cơ sở tu từ học sang huyền thoại như một thách thức đối với ngành Phê bình Mới, và ngành phê bình huyền thoại ấy quan tâm nhiều đến “những mô hình huyền thoại rộng lớn hơn của tâm linh con người; những mô hình ấy sản sinh nghi thức, huyền thoại, truyện truyền kỳ, truyện diễm tình hiệp sĩ, và cuối cùng là văn học”. Rõ ràng, trong cách nhìn của Marc Manganara, phê bình huyền thoại bao hàm phê bình nhân học hay là nghi lễ, và nó ý thức rằng mình đang tham gia vào một nỗ lực có tính liên ngành trong phê bình, liên kết (theo hướng vận dụng) trong nó những thành tựu của nhân học (Frazer), huyền thoại học (Ernst Cassirer) và tâm lý học (chủ yếu của Jung) “để khám phá ra những phương thức mà loài người tạo nghĩa”. Và một điều quan trọng là, theo Marc Manganara, công trình mở màn cho phê bình huyền thoại là Nhân vật/anh hùng muôn mặt (Hero with a Thousand Faces) năm 1949 của Joseph Campbell. Điều đó có nghĩa là đối với ông phê bình huyền thoại ra đời sau phê bình nhân học và tiếp nối phê bình nhân học. Trong ý nghĩa này, sự bao hàm của phê bình huyền thoại đối với phê bình nhân học cũng có thể được chấp nhận một khi phê bình huyền thoại bổ sung, mở rộng phê bình nhân học. Còn mối quan hệ giữa huyền thoại học, nhân học và cả dân tộc học  thì đã rõ.

Một điều mà có lẽ hầu hết các nhà nghiên cứu đều thừa nhận là  phê bình huyền thoại là một khuynh hướng, trào lưu nghiên cứu, phê bình văn học được chú ý và có những tác động nhất định trong giới nghiên cứu, phê bình Anh, Mỹ thế kỷ 20. Nó được hiểu như là tổng thể của hai nhánh nghi lễ phát sinh từ công trình của J. Frazer và nhánh cổ mẫu phát sinh từ công trình về vô thức tập thể của Jung và một hợp lưu về sau này với W.Troy, và đặc biệt, với nhà nghiên cứu Canada là North Frye.

Trong sự phát triển của ngành nhân học so sánh tiến hoá, cùng với công trình Văn hóa nguyên thủy (1871) của E. B. Tylor, Cành vàng của James G. Frazer được xuất bản thành nhiều tập từ 1890 đến 1922 đã tạo nên sự tác động nhân học mạnh mẽ đối với nền phê bình văn học Anh Quốc. Chúng ta nói không quá đáng rằng những nhà nghi lễ Cambridge, tức các nhà Hellenists, đã xuất hiện dưới những ảnh hưởng như thế của nhân học so sánh tiến hóa khi mà những Jane Harrison, Gilbert Murray, F. M. Conford đã vận dụng những  thành tựu của nó vào nghiên cứu các tác phẩm kinh điển. Theo họ, huyền thoại và văn học Hy Lạp ra đời từ trong nghi thức nguyên thuỷ, một cách khác, từ những nghi thức cổ xưa phản ánh những phương thức tư duy huyền nhiệm nguyên thuỷ: nghi thức thờ cúng vật tổ, lửa, sấm chớp, thần-nhân…Nghi thức nguyên thuỷ, được nhìn từ góc độ của bản năng tồn tại hay là bản năng hướng về cái sống một cách tự nhiên, là những nghi thức thể hiện nỗ lực vượt lên trên cái chết như sự tuần hoàn của các mùa, và chính từ những nỗ lực này mà các bài ca, các điệu bộ ra đời với tư cách là  cội nguồn của thi ca và kịch.

 Trong cách nhìn nhận như thế, những năm đầu thế kỷ 20, Jane Harrison (trong Themis, 1912) và F. M. Conford (trong Origin of Attic Comedy, 1914) đã khám phá bản chất nghi thức nguyên thuỷ của nghệ thuật Hy Lạp, đặc biệt nhấn mạnh rằng cả bi kịch lẫn hài kịch Hy Lạp đều vận hành theo năm hoặc sáu chặng (nghi thức) nguyên thuỷ (primitive stages). Trong trường hợp bi kịch, đó là cuộc chiến đấu, cái chết hiến tế, người đưa tin thông  báo cái chết, sự than khóc, sự phục sinh. Hướng nghiên cứu này đã thực sự có những tác động đáng kể, đem lại những thay đổi đáng khích lệ cho phê bình văn học, và lập tức mở ra một chặng đường mới vươn tới các tác phẩm phi cổ đại, các nền văn học hiện đại. Công trình Hamlet và Orestes (Hamlet and Orestes) của Gilbert Murray  được coi là công  trình đầu tiên vận dụng hướng tiếp cận nghi thức đối với tác phẩm phi cổ đại là Hamlet của Shakespeare theo cách so sánh căn nguyên với kịch Hy Lạp*. Truyện diễm tình thời Trung cổ, sử thi Bắc Âu, truyện thần tiên, kịch dân gian rồi các mẫu nghi thức của nhân vật anh hùng…đều được các nhà phê bình nghi lễ  như Jessie Weston, Lord Raglan chú ý.

Và tại Mỹ, William Troy là người đầu tiên vận dụng hướng tiếp cận nghi lễ nghiên cứu các tác giả đương đại như D. H. Lawrence với “huyền  thoại gốc”, F. Scott Fitzgerald với nghi lễ thụ phong trong tiểu thuyết Gatsby vĩ đại. Điều thật sự quan trọng là ảnh hưởng của nhân học so sánh tiến hoá đối với sáng tác văn học hiện đại. W. B. Yeats, James Joyce, Eliot, Ezra Pound…đã thừa nhận những ảnh hưởng như thế, đặc biệt  T. Eliot trong những ghi chú dành cho tác phẩm Đất hoang (The Waste Land) của chính ông và trong bài nghiên cứu về Ulysses đã thừa nhận và ca ngợi những khám phá, tác động của Frazer. Một cách chung nhất, chính tầm khảo sát rộng rãi của các nhà nhân học so sánh đã mở ra cho giới sáng tác và phê bình Âu Mỹ bấy giờ những cơ may mới, những cơ sở lý giải mới một hiện tượng văn học. Điều đó  thật sự có một ý nghĩa lớn lao khi mà nền Phê bình Mới như một kẻ song hành đang hướng tới sự nghiên cứu phi so sánh và cô lập văn bản tác phẩm.

 Những gì chúng tôi vừa nói về W. Troy, Eliot, Ezra Pound cho chúng ta thấy rằng phê bình huyền thoại theo hướng Frazer đã có những ảnh hưởng nhất định trước khi phê bình huyền thoại theo hướng Jung hay là phê bình cổ mẫu thực sự được khẳng định tại Mỹ. Ngành tâm lý học chiều sâu phát triển tại Mỹ đã tạo nên những tác động đáng kể đối với các nhà phê bình văn học, nhất là khi họ chú ý đến hướng vận hành tâm lý và những dấu vết kinh nghiệm tâm linh phổ quát của người nghệ sỹ trong quá trình sáng tạo hằn lên trên tác phẩm như (một) giấc mơ vượt khỏi những kiểm soát của ý thức. Trong một cách nhìn nào đó, những khám phá nhân học của J. Frazer theo hướng so sánh tiến hoá đã xác tín tính phổ quát của các mô típ, và trong trường hợp này, tương đồng với bản chất của cổ mẫu trên cái nền vô  thức tập thể theo cách nhìn của Jung trong Wandlungen und Symbole der Libido, 1912 ( bản dịch tiếng Anh năm 1916 của B. M. Hinkle là Psychology of the Unconscious). Vì  thế, chính học thuyết của Jung trong quá trình vận hành của nó đã giúp các nhà phê bình huyền thoại (theo hướng Frazer) khắc phục được một số những nhược điểm của họ, và có lẽ đến một lúc nhất định, cả hai chảy thành một dòng. Có thể nói rằng với Hamlet và Orestes (1914), Gilbert Murray là người đầu tiên vận dụng kết hợp hướng phê bình nghi lễ với hướng phê bình cổ mẫu và, trong một cách nhìn nhất định, là người đầu tiên mở ra hướng  phê bình cổ mẫu khi ông chứng minh rằng Shakespeare không hề biết gì về huyền thoại Orest, và vì thế bằng vào vô thức tập thể, Shakespeare đã sáng tạo một dị bản huyền thoại Orest.

Nhưng có lẽ người đầu tiên chính thức khai sinh phê bình cổ mẫu là Maud Bodkin, một nhà nghiên cứu người Anh.. Chúng ta có thể nói rằng trong Những kiểu cổ mẫu trong thơ (Archetypal Patterns in  Poetry,1934), Maud Bodkin là người đầu tiên vận dụng một cách hệ thống tư tưởng cổ mẫu của Jung vào nghiên cứu văn học khi bà “ cố gắng đưa sự phân tích tâm lý và sự nghiền ngẫm tâm lý qui vào cho kinh nghiệm tưởng tượng được thứ thơ ca tuyệt tác truyền tải và khảo sát những hình thức hay là những mẫu hình kinh nghiệm kia mà trong những mẫu hình ấy những sức mạnh vũ trụ của bản chất con người chúng ta tìm được sự  thể hiện cụ thể.”[6]

Không kể nhà nghiên cứu người Mỹ là R. Chase, người mà về sau đã không nhắc đến những quan niệm thời còn trẻ của mình về huyền thoại như cho rằng “huyền thoại được phái sinh từ nghệ thuật chứ không phải ngược lại. Trong thực chất huyền thoại chính là nghệ thuật”[7] thì Northrop Frye (1912-1991), nhà nghiên cứu người Canada, là người có một ảnh hưởng đặc biệt đến phê bình huyền thoại. Một điểm tương đồng giữa R. Chase và N. Frye là cả hai ông đều xây dựng phương pháp luận cho phê bình huyền thoại. Thực chất phương pháp luận của R. Chase là sự tổng hợp quan niệm triết học của Giambiatista Vico với Shelling về mối quan hệ giữa huyền thoại và nghệ thuật, hơn nữa những vận dụng của ông không nhiều và không thuyết phục; trong khi đó từ những vấn đề phương pháp luận, N. Frye đối thoại với các nhà huyền thoại học, các nhà phê bình văn học và toàn tâm toàn ý mở ra một hướng đi mới cho phê bình huyền thoại. Đó là huyền thoại là hạt nhân của toàn bộ nền văn chương của nhân loại mà huyền thoại trung tâm hay huyền thoại gốc của nó là  huyền thoại- truy tìm (quest-myth). Và huyền thoại trong một cách nhìn nhất định đã định hình những suy nghĩ của chúng ta về văn học và về văn hoá. Trong công trình nổi tiếng Giải phẫu phê bình (Anatomy of Criticism,1957), N. Frye đã  phân loại toàn bộ văn chương thành bốn phạm trù hay là bốn thể tự sự (generic narratives) tương ứng với bốn huyền thoại tố (mythoi): mùa xuân – hài kịch, mùa hạ - truyện diễm tình, mùa thu – bi kịch, mùa đông – châm biếm và trào phúng. Khái niệm mythoi của N. Frye nhắc chúng ta nhớ đến khái niệm mythologems (các huyền thoại tố) của Jung và người cộng sự của ông là Carl Kerényl. Còn vòng tuần hoàn xuân, hạ, thu, đông lại gợi ta nghĩ đến huyền thoại trung tâm  theo cách nhìn của G. Frazer. Thật vậy, trong Giải phẫu phê bình, N. Frye đề cập đến cổ mẫu, theo cách nhìn của Jung, là hình ảnh nguyên thuỷ, một bộ phận của vô thức tập thể, và thừa nhận một số cổ mẫu của Jung như persona, aima, counseller, shadow, đồng thời ông cũng  định nghĩa lại và bố trí lại cổ mẫu trên những căn cứ mới, tách cổ mẫu ra khỏi tâm lý học chiều sâu theo cách nhìn của Jung. N. Frye cho rằng dùng lý thuyết vô thức tập thể để giải thích cổ mẫu là một việc làm không cần thiết trong phê bình văn học; ông coi khái niệm cổ mẫu như là một sự kiện văn học tự thân, một hiện tượng lặp lại đặc biệt mang tính liên văn bản giống như một qui ước. Đồng  thời với cách đặt lại vấn đề như thế đối với quan niệm về cổ mẫu của Jung, N. Frye đã gắn kết nó với tính chu kỳ (như là thứ nhịp điệu trong sáng tác văn học) với tư cách là thuộc tính cơ bản của tư duy huyền thoại; và từ đây, huyền thoại về lịch biểu được N. Frye coi là hướng lý giải một tổng thể nghi lễ -huyền thoại-cổ mẫu-văn học. Tôi xin trích ra đây một đoạn trong tiểu luận “Những cổ mẫu của văn chương” của Northrop Frye có liên quan đến vấn đề này.

“ Huyền thoại là một quyền lực thông tin trung tâm cung cấp ý nghĩa cổ mẫu cho nghi lễ và câu chuyện cổ mẫu cho lời sấm truyền. Vì thế huyền thoại là cổ mẫu, mặc dù có thể là thích hợp khi ta đề cập huyền thoại là ám chỉ đến tự sự, và cổ mẫu là nói về ý nghĩa. Trong chu kỳ mặt  trời của ngày, chu kỳ mùa của năm, và chu kỳ hữu cơ của cuộc sống con người, có một mẫu hình ý nghĩa duy nhất, từ mẫu hình này huyền thoại cấu tạo một câu chuyện trung tâm xoay quanh một nhân vật, nhân vật này một phần là mặt trời,  một phần là sự phì nhiêu sinh trưởng và một phần là vị thần hoặc con người cổ mẫu. Sự quan trọng cốt yếu của huyền thoại này đặc biệt đã được Jung và Frazer tác động lên các nhà phê bình văn học, nhưng nhiều quyển sách hiện nay có giá trị về vấn đề này không phải  chúng luôn luôn có tính hệ thống trong cách tiếp cận, bởi lý do đó tôi cung cấp một bản các  giai đoạn của nó như sau:

1.           Giai đoạn bình minh, mùa xuân và sự sinh. Những huyền thoại về sự sinh của người anh hùng, về sự sống lại hoặc sự phục sinh, về sự sáng tạo và (bởi bốn giai đoạn là một chu kỳ) về sự tiêu tan của những quyền lực bóng tối, mùa đông và sự chết. Những nhân vật phụ: người cha và người mẹ. Cổ mẫu của truyện diễm tình và của phần lớn thơ tụng ca (dithyrambic) và thơ khoa đại (rhapsodic).

2.           Giai đoạn thiên đỉnh, mùa hạ, và sự hôn phối hoặc chiến thắng. Những huyền thoại về sự phong thần, về cuộc hôn phối thần thánh và về việc đi lên thiên đường. Những nhân vật phụ: người bạn đồng hành, nàng dâu. Cổ mẫu của hài kịch, thơ đồng quê, thơ điền viên.

3.           Giai đoạn mặt trời lặn, mùa thu và sự chết. Những huyền thoại về sự sụp đổ, về thần chết, về sự chết và sự hiến tế mãnh liệt. Nhân vật phụ: kẻ phản bội, người đàn bà quyến rũ nguy hiểm. Cổ mẫu của bi kịch và bi khúc.

4.           Giai đoạn bóng tối, mùa đông và sự tan rả. Những huyền thoại về sự chiến thắng của những quyền lực, những huyền thoại về sự lũ lụt và sự quay trở lại của hỗn mang, về sự thất bại của người anh hùng, và những huyền thoại Gotterdammerung. Nhân vật phụ: yêu tinh, mụ phù thuỷ. Cổ mẫu của văn thơ châm biếm trào phúng (hãy xem, ví dụ, đoạn kết của tác phẩm The Dunciad)”[8]

 

Rõ ràng những kết hợp như thế đã tạo nên nhiều cơ hội hơn cho N. Frye lý giải các hiện tượng văn học nói chung, đồng thời cũng tạo nên một khu vực riêng dành cho những sáng tạo cực kỳ phóng túng và sâu sắc của N. Frye trong nghiên cứu, phê bình văn học. Phê bình huyền thoại đến N. Frye trở thành một hợp lưu, một dạng tổng đề, mở ra con đường thênh thang cho những khám phá mới, cho những trào lưu phê bình mới mở rộng phạm vi hoặc mang  tính liên ngành. Tất nhiên, trong những kiến giải rực rỡ và thường làm chúng ta choáng ngợp của N. Frye vẫn tồn tại một số điểm xem ra tư biện, ví dụ, cũng trong tiểu luận trên, khi ông cho rằng lũ lụt gắn với huyền thoại về sự tan rã. Nhưng nhìn chung, các kiến giải ấy đã tác động thực sự đến các nhà phê bình văn học nói chung, và buộc họ phải xác tín lại cách nhìn của mình về văn học. Đồng thời khi mở ra hướng văn hoá học, nhân học…, N. Frye hình như có tham vọng coi phê bình huyền thoại là toàn bộ phê bình văn học khi mà theo ông các bước lùi cần thiết trong hoạt động phê bình là nhằm mở rộng nhãn quan của nhà phê bình, và nhờ vậy, họ sẽ nhận ra tác phẩm chứ không chỉ là đường nét. Đó là thành công của bản thân N. Frye và cũng là thành công của nền phê bình huyền thoại của thế kỷ 20.

 

 

                      ĐÀO NGỌC CHƯƠNG



* PGS, TS, Trường Đại học KHXH & NV – ĐHQG TP.HCM

[1] Guide to Literary Theory and Criticism, Michael Groden and Martin Kreiswirth edited, The Johns Hopkins University Press, Baltimore and London 1994.

[2] I. P. Ilin và E. A. Tzurganova, Các khái niệm và thuật ngữ của các trường phái nghiên cứu văn học ở Tây Âu và Hoa Kỳ thế kỷ 20, người dịch Đào Tuấn Ảnh…NXB Đại học Quốc Gia Hàn Nội 2003, tr. 262-263.

[3] Wilfred L. Guerin and…, A Handbook of Critical Approaches to Literature, Oxford University Press, New York 1992, tr. 147-148.

[4] Guide to Literary Theory and Criticism, Michael Groden and Martin Kreiswirth edited, The Johns Hopkins University Press, Baltimore and London 1994, tr. 36.

[5] Sđd, tr.26-29.

*  Xin đọc công trình này trong Five Approaches of Literary Criticism, tr. 253-281

[6] Guide to Literary Theory and Criticism, tr. 37

[7] Các khái niệm và thuật ngữ của các trường phái nghiên cứu văn học ở Tây Âu và Hoa Kỳ, tr. 372.

[8] Northrop Frye, The Archetypes of Literature trong sách Twentieth Century Criticism, William J. Handy và  Max Westbrook chủ biên, The Free Press, tr.233-243.