Hoạt động từ thiện xã hội của Phật giáo với những vấn đề xã hội của Việt Nam hiện nay

Đạo Phật luôn đề cao lòng từ bi, nhân ái. Từ khi truyền vào Việt Nam, tinh thần cứu khổ cứu nạn của đức Phật được phát huy rộng rãi ở một quốc gia bị nhiều cuộc chiến tranh tàn phá, thiên tai thường xuyên ập đến. Đây là nguyên nhân quan trọng giúp cho Phật giáo gắn chặt và đồng hành cùng với dân tộc Việt Nam qua những dặm dài lịch sử. Ngày nay, Việt Nam là quốc gia đang phát triển và có nhiều thành tựu nổi bật trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Tuy vậy, ngày càng có nhiều vấn đề xã hội bức xúc nổi lên như tình trạng nhập cư ồ ạt vào các đô thị lớn, môi trường bị tàn phá, nghèo đói và thất nghiệp ở nông thôn, bệnh dịch tái diễn liên tục, tệ nạn xã hội phát triển mạnh, học sinh bỏ học, gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội …Các vấn đề xã hội này đang trở thành thách thức cho nước ta hướng đến sự phát triển bền vững. Như vậy, trước tình hình đó, Phật giáo có vai trò quan trọng, góp phần hỗ trợ với nhà nước thực hiện tốt an sinh và đảm bảo công bằng xã hội. Thiết nghĩ, đây còn là cơ duyên quan trọng để Phật giáo Việt Nam gắn chặt với sự phát triển của dân tộc trước mắt và tương lai.

1. Hoạt động từ thiện xã hội - hành động cụ thể về chức năng xã hội của Phật giáo

Phật giáo, ngay từ buổi đầu hình thành, đã thể hiện tinh thần cứu khổ cứu nạn cho chúng sanh. Trong giáo lý của đức Phật, Lục độ (bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ) là con đường dẫn đến sự giác ngộ, mà điều đầu tiên phải thực hiện được là thực hành bố thí. Ngoài ra, giáo lý Phật giáo cũng quan niệm con người cần có lòng từ, bi, hỉ, xã (Tứ vô lượng tâm), đây là nhân tố chủ yếu giúp phát triển tâm từ bi, hạnh cứu khổ, đưa đến việc định hướng cho mọi hoạt động của Phật giáo cho con người và vì con người[1]. Trong kinh Dược sư, khi ngài A Nan hỏi bằng cách nào để thoát khỏi những tai nạn, đức Phật trả lời: “Nếu có chúng hữu tình nào ăn ở bất hiếu, ngũ nghịch, hủy nhục ngôi Tam Bảo, phá hoại phép vua tôi, hủy phạm điều cấm giới thì vua Diêm Ma pháp vương tùy tội nặng nhẹ mà hành phạt. Vì thế ta khuyên chúng hữu tình nên thắp đèn làm phan, phóng sanh, tu phước khiến khỏi được các tai ách, khỏi gặp những tai nạn[2]. Như vậy, trong quan niệm của Phật giáo, những việc làm như phóng sanh, tu phước, làm việc thiện chính là con đường để giúp con người có được một cuộc sống bình an, thoát khỏi tai họa. Ngoài ra, các kinh Khuyến phát bồ đề tâm văn, Diệu pháp Liên Hoa kinh,…đều nhắc đến tinh thần vô ngã, vị tha, tức khuyên con người sống có trách nhiệm với cộng đồng, biết thể hiện lòng nhân ái của mình đến với người khác. Kinh Diệu pháp Liên Hoa, một trong những bộ kinh quan trọng của Phật giáo: ”Dẫu cho tạo tội hơn núi cả/ chẳng nhọc Diệu Pháp vài ba hàng[3], đã đề cập đến công đức của người phát tâm từ bi giúp chúng sinh: “Nếu Thiện nam tử! Thiện nữ nhơn thành tựu bốn pháp, thời sau khi Như Lai diệt độ sẽ đặng kinh Pháp Hoa này: Một là được các đức Phật hộ niệm, hai là trồng các cội công đức, ba là trong chánh định, bốn là phát lòng cứu tất cả chúng sanh[4]. Như vậy, theo kinh này, khi con người hành thiện, làm công đức sẽ có được kinh Pháp Hoa để hướng dẫn tu tập và giải thoát. Tư tưởng hành thiện vì chúng sinh được lập lại khi một học giả Trung Quốc hỏi vị thiền sư về cốt tủy của đạo Phật là gì và đã được nhà sư ấy trả lời như sau: “Làm điều thiện/không làm điều ác/ thanh lọc tâm ý/ đó là lời Phật dạy[5]

Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp, thường xuyên bị chiến tranh tàn phá. Do vậy, đời sống con người phụ thuộc nhiều vào tự nhiên, thường xuyên gồng mình chống chọi với sự tàn phá của thiên tai, sự xâm lược của nhiều thế lực ngoại bang. Nên khi vào Việt Nam, tinh thần vì chúng sinh của Phật giáo nhanh chóng hòa quyện cùng những triết lý sống của người dân: “Lá lành đùm lá rách”, “Thương người như thể thương thân”, “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”,….Hay thậm chí là: “Dù xây chín bậc phù đồ, không bằng làm phúc cứu cho một người”. Sự tương đồng này là một trong những cơ sở quan trọng, là cơ duyên để Phật giáo tồn tại, phát triển, đồng hành cùng với dân tộc Việt Nam qua những thăng trầm của lịch sử. Chính vì vậy mà có nhận định: “Trong giai đoạn Phật giáo là hệ tư tưởng thống trị, nó đã góp phần đưa lại cho giai cấp cầm quyền một đường lối trị quốc có nhiều điểm tiến bộ. Đó là thái độ khoan dung, độ lượng, chia sẻ và cảm thông chung, có thái độ sống hướng đến tha nhân, vì tha nhân[6]. Bởi thế, từ trước đến nay, Phật giáo Việt Nam luôn thể hiện tinh thần nhập thế hành đạo, thường xuyên tổ chức các hoạt động từ thiện-xã hội, giúp đỡ những mảnh đời chẳng may gặp khốn khó và bất hạnh trong xã hội.

Hoạt động từ thiện- xã hội không chỉ là sự thể hiện tinh thần từ bi, cứu khổ cứu nạn của tín đồ Phật giáo mà còn là một biểu hiện quan trọng chức năng hỗ trợ xã hội của Phật giáo. Ở góc nhìn Tôn giáo học, chức năng hỗ trợ xã hội được hiểu: “Dù ít hay nhiều, con người thường phải đối mặt với khó khăn, hiểm nguy, thất bai, thiên tai, bệnh tật,…cái chết của những những người thân thuộc, yêu quí và cái chết của chính bản thân mình. Trong những lúc như thế, cuộc sống con người rất dễ bị tổn thương và trở nên vô nghĩa, niềm tin tôn giáo giúp cho con người khó bị rơi vào tuyệt vọng hơn. Một số tôn giáo còn cung cấp cho con người những biện pháp cầu nguyện, cúng bái thần linh trong niềm tin rằng rằng những việc làm như vậy sẽ giúp cải thiện được tình hình[7]. Ở đây, chức năng này của tôn giáo không chỉ dừng lại ở sự giúp đỡ con người bằng các liệu pháp tinh thần như cúng bái, cầu nguyện, tin tưởng,…, mà còn biểu hiện thông qua những hành động mang tính thực tiễn, nổi bật là sự hỗ trợ vật chất của các tôn giáo trong hoạt động hành đạo. Không chỉ có Phật giáo, các tôn giáo lớn trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng cũng thể hiện rõ nét điều này. Như vậy, những hoạt động từ thiện xã hội của Phật giáo mang đến cho con người sự hỗ trợ vật chất trong lúc cần thiết, đồng thời cũng là một niềm an ủi tinh thần lớn lao cho những ai được tiếp cận, thụ hưởng. Ngoài ra, đây còn được xem là một trong những nguồn vốn xã hội, vốn cộng đồng quan trọng. Vốn xã hội là một khái niệm mới dùng để chỉ một loài tài sản phi vật chất của mỗi cá nhân, mỗi gia đình, cộng đồng hay một quốc gia được tạo dựng qua quá trình thực hiện giữa các chủ thể xã hội (cá nhân, gia đình, nhóm người, cộng đồng, nhà nước). Chỉ số đo lường vốn xã hội được thể hiện ở khối lượng, chất lượng thông tin trao đổi, khả năng, mức độ hợp tác, sự hỗ trợ bên ngoài và độ bền vững của các mối quan hệ xã hội. Một người có thu nhập thấp nhưng họ cảm thấy yên tâm hơn trong cuộc sống khi họ thiết lập được xung quanh mình một mạng lưới xã hội gắn bó, thân thuộc gần gũi như anh em, họ hàng, bạn bè,…[8]. Ở đây, vốn xã hội được biểu hiện rõ nhất với các hoạt động an sinh xã hội ngay trong bản thân từng cộng đồng, thông qua việc giúp đỡ những người nghèo khó, góp phần duy trì mạng lưới xã hội, gắn kết và góp phần lớn trong việc nâng cao chất lượng sống của họ. Phật giáo, một tổ chức xã hội lớn và có uy tín ở Việt Nam, trước nay đã là nguồn vốn xã hội quan trọng, đồng cùng nhà nước và các tổ chức khác trong các hoạt động từ thiện xã hội để hỗ trợ người dân, góp phần lớn cho việc xây dựng hệ thống an sinh xã hội của nước ta. Gần đây nhất, trong một bài viết của mình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhắc đến tầm quan trọng của an sinh và phúc lợi xã hội: “An sinh xã hội và phúc lợi xã hội là hệ thống các chính sách và giải pháp nhằm vừa bảo vệ mức sống tối thiểu của người dân trước những rủi ro và tác động bất thường về kinh tế, xã hội và môi trường, vừa góp phần không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội không chỉ là bảo vệ quyền của mỗi người dân như đã nêu trong Tuyên ngôn thế giới về quyền con người, mà còn là một nhiệm vụ quan trọng của mỗi quốc gia trong quá trình phát triển. Tuy nhiên, mức độ, quy mô, phạm vi an sinh xã hội và phúc lợi xã hội của các nước có sự khác nhau, tuỳ thuộc vào quan niệm, chế độ chính trị - xã hội, trình độ phát triển và chính sách của mỗi quốc gia[9].

Tinh thần Phật giáo và dân tộc Việt Nam đều mang nét nhân văn sâu sắc, cùng hướng đến những con người chẳng may gặp bất hạnh trong xã hội. Đồng thời, những hoạt động hành thiện, giúp người, cứu đời của Phật giáo Việt Nam mang một ý nghĩa quan trọng, góp phần cùng nhau nỗ lực thực hiện an sinh, phúc lợi xã hội vì sự phát triển cộng đồng, thể hiện mối quan hệ tốt đẹp giữa đạo với đời, phản ánh rõ nét chức năng xã hội của Phật giáo. Vì vậy mà trong thời gian tới, theo người đứng đầu của Chính phủ Việt Nam: “An sinh xã hội và phúc lợi xã hội có bản chất xã hội sâu sắc gắn kết hữu cơ giữa quyền lợi và trách nhiệm của mỗi người với mỗi đơn vị, cộng đồng và toàn xã hội. Cùng với việc nâng cao vai trò, chức năng và tăng thêm nguồn lực của Nhà nước, phải thực hiện chủ trương “các chính sách xã hội được tiến hành theo tinh thần xã hội hoá”. Phải huy động các nguồn lực của toàn xã hội để nâng cao an sinh xã hội và phúc lợi xã hội. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm mở rộng sự tham gia của mọi chủ thể vào cung cấp ngày càng nhiều hơn với chất lượng tốt hơn các dịch vụ công cộng. Tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân đề cao trách nhiệm, nâng cao năng lực và tham gia thiết thực vào việc bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội. Khuyến khích phát triển các mô hình an sinh xã hội tự nguyện ở cộng đồng, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ công cộng theo cơ chế phi lợi nhuận và các hình thức hợp tác công - tư. Đẩy mạnh các cuộc vận động xã hội như: ngày vì người nghèo, phong trào tương thân tương ái, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết dân tộc... “[10]. Do vậy, hoạt động từ thiện xã hội của Phật giáo cần phải phát triển cả về chất lẫn lượng để đáp ứng nhu cầu xã hội và chủ trương của nhà nước hiện nay. Đồng thời, đây còn là một cơ hội để hoạt động này có điều kiện phát triển hơn trước với chủ trương xã hội hóa các chính sách xã hội ngày càng được nhấn mạnh.

2. Một số vấn đề xã hội của Việt Nam hiện nay

Khái niệm vấn đề xã hội được hiểu như: “Những điều kiện và kết quả xã hội ảnh hưởng xấu đến các nhóm và các loại thành viên xã hội (thậm chí có thể là toàn bộ dân chúng) trong hoàn cảnh sống của họ, được công luận hay một số bộ phận của công luận định nghĩa như là tất yếu phải thay đổi và được biến thành biện pháp chính trị. Như vậy, trong ngôn ngữ giao tiếp bằng khái niệm này người ta muốn nói đến một loạt các điều kiện xã hội ở những dạng hết sức khác nhau, thí dụ sự nghèo khổ, tình trạng tội phạm, thời gian rỗi, tình trạng cô đơn, các rối loạn về tâm lý[11]. Còn cụ thể hơn nữa, đó là các vấn đề xã hội theo nghĩa khoa học hiện nay xuất phát không từ sự yếu kém của từng cá nhân mà là hậu quả của các quá trình kinh tế xã hội. Sự phát triển nhà máy ở các thành phố lớn thu hút các lao động nông thôn. Rời bỏ làng mạc, xóm giềng, gia đình, họ sống đơn độc sinh ra rượu chè, cờ bạc. Thất nghiệp, họ biến thành đội quân nghèo đói thiết lập các khu ổ chuột. Phụ nữ thất nghiệp chỉ còn con đường mại dâm. Người già nua phải ăn xin kiếm sống[12]. Việt Nam đã tạo được hình ảnh là một quốc gia quyết tâm đổi mới, hội nhập với cộng đồng thế giới. Những thành tựu về kinh tế-xã hội trong thời gian qua đã chứng minh điều đó. Tuy nhiên, Việt Nam muốn trở thành quốc gia phát triển bền vững không nhất thiết duy chỉ có chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế mà phải tập trung giải quyết những vấn đề xã hội đang phát sinh hiện nay, hướng mục tiêu phát triển vì con người. Một chuyên gia của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: “Mô hình tăng trưởng những năm qua đảm bảo tăng trưởng cao nhưng thiếu bền vững, chất lượng tăng trưởng thấp và chưa gắn chặt với giảm nghèo, tuy mọi người đều hưởng lợi từ kết quả tăng trưởng, nhưng người giàu và khu vực thành thị được hưởng lợi nhiều hơn, còn hậu quả xã hội thì khu vực nông thôn và người nghèo lại gánh chịu nhiều hơn. Công nghiệp hóa, đô thị hóa tập trung dẫn đến tăng trưởng nóng và hậu quả xã hội là phân hóa giàu nghèo có xu hướng gia tăng, vấn đề nghèo tương đối ngày càng nghiêm trọng…Trong đó, khu vực nông thôn, nhất là nông thôn vùng khó khăn, vùng dân tộc, miền núi phát triển chậm chạp và do đó là nơi tập trung phần lớn người nghèo của cả nước, càng về sau công cuộc xóa đói giảm nghèo ở đây lại càng khó khăn. Mô hình tăng trưởng này cũng làm phát sinh nhiều vấn đề xã hội bức xúc như vấn đề nông dân mất việc làm ở vùng chuyển đổi sử dụng đất nông nghiệp, vấn đề di cư lao động từ nông thôn ra thành thị tìm việc làm tăng, vấn đề mất việc làm do tác động của hội nhập, khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu, trong đó, phần lớn là lao động kỹ năng thấp[13]. Còn theo chúng tôi, một số vấn đề xã hội đang nổi cộm ở nước ta hiện nay là:

_ Thứ nhất là còn tồn tại nghèo đói và kết quả giảm nghèo chưa bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo đã thoát nghèo nhưng nằm sát chuẩn nghèo rất lớn (70-80%), tỷ lệ tái nghèo còn cao khoảng 7-10%, hộ nghèo chủ yếu tập trung ở khu vực nông thôn (90%). Vùng miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số hiện có 62 huyện tỷ lệ hộ nghèo trên 50%. Phân hóa giàu nghèo có xu hướng tăng, chênh lệch về thu nhập của nhóm 20% dân số giàu nhất (nhóm 5) so với nhóm 20% dân số nghèo nhất (nhóm 1) lên tới 8,4 lần, chênh lệch mức sống giữa nông thôn và thành thị vẫn trên 2,5 lần[14].

_ Thứ hai là đời sống người nông dân ngày càng bấp bênh, xã hội nông thôn Việt Nam còn nhiều khó khăn và buộc phải có chính sách giải quyết thỏa đáng, căn cơ từ đói nghèo cho đến giáo dục, y tế, cơ sở hạ tầng, môi trường,… Trong đó, nổi bật hơn cả là tình hình người nông dân mất đất nông nghiệp và thiếu việc làm nên dẫn đến việc rời bỏ làng quê đến các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh để tìm kiếm việc làm, sinh sống trong một điều kiện khó khăn, vất vả với nhiều nguy cơ tổn thương xảy ra. Nạn mất đất nông nghiệp đang trở thành vấn đề cần báo động. Diện tích đất trồng lúa nước năm 2006 là 4.130.940 ha, giảm 206.810 ha so với năm 2000. Trong 5 năm qua, có 13% số hộ bị thu hồi đất, trung bình mỗi hộ là 2 mảnh, nhưng tỉ lệ đất chuyển nhượng qua thị trường mua bán chỉ có 9%[15].Lý do bị thu hồi là do bị nhà nước thu hồi, chủ yếu để phục vụ xây dựng các khu công nghiệp, các công trình công cộng, nổi bật nhất là các tỉnh: Lào Cai, Hà Tây, Phú Thọ, Nghệ An. Nhóm hộ nghèo là nhóm hộ bị nhà nước thu hồi nhiều nhất. Trong giai đoạn 2001-2005, tổng số hộ nông dân bị thu hồi đất trên cả nước là 627.495 hộ, trong đó Hà Nội là 138.291 hộ, Thành phố Hồ Chí Minh là 52.094 hộ, Bắc Ninh là 40.944 hộ, Hưng Yên là 31.033 hộ,….[16]Việc thu hồi đất dẫn đến việc hạn chế sản xuất. Nhiều nơi nông dân bán rẻ đất nông nghiệp, không đầu tư đất khiến đất đai bị bỏ hoang, không được chăm sóc. Một khảo sát của Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn năm 2006 ở tám xã thuộc Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam bộ và Đồng bằng Sông Cửu long cho thấy hầu hết các vùng nông thôn không còn lao động dưới 40 tuổi. Ở tỉnh Thái Bình, khoảng 45% lao động chuyển khỏi nông nghiệp, 20 vạn người làm ăn xa[17]. Vì vậy,  hiện nay một số làng chỉ còn lại người già, phụ nữ và trẻ con.

_ Thứ ba là tình trạng ô nhiễm môi trường khá nặng nề làm thiệt hại sản xuất, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Câu chuyện Vedan trong nhiều năm xả nước thải làm chết con sông Thị Vải và gây điêu đứng cho hàng ngàn người dân sinh sống ven sông trong những năm qua là một ví dụ điển hình. Theo báo cáo của Bộ Y tế năm 2006, một số địa phương có số người mắc và chết do bệnh ung thư cao, gây tâm lý lo lắng trong nhân dân. Hai xã Thạch Sơn và Yên Tập thuộc tỉnh Phú Thọ xuất hiện ung thư gan, phổi và đại tràng từ năm 1991 đến nay. Trong vòng 10 năm nay, ở thôn Lương Đình (xã Bắc Sơn) xảy ra hiện tượng ung thư vú trên phụ nữ, còn ở thôn Thống Nhất, xã Đông Lộ xuất hiện ung thư gan, phổi và dạ dày, vòm họng. Xóm An Tập thuộc thôn An Bắc, xã Nghĩa Kỳ có nhiều người dân bị mắc ung thư gan và hàng chục người đã chết. Nguyên nhân chính là do việc ô nhiễm môi trường sống từ các nhà máy, sử dụng nhiều thuốc trừ sâu, nguồn nước bị nhiễm độc nặng[18]. Ở các thành phố lớn, môi trường sống của người dân đô thị cũng đáng báo động do khói bụi, rác thải, tiếng ồn là cơ hội cho nhiều loại bệnh tật phát sinh. Gần đây, các nhà khoa học còn cảnh báo hiện tượng mực nước biển dâng gây ra nhiều ảnh hưởng nặng nề cho người dân Việt Nam như nạn mất đất, hạn hán, bão lụt, dịch bệnh,…Nếu mực nước biển tăng lên 1m có thể làm mất 12,2% diện tích đất nơi 23% dân số sinh sống, tương đương  với 17 triệu. Nghĩa là đến năm 2070, độ 8 triệu người Việt Nam có thể bị mất nơi sinh sống. Các địa phương ven biển của Bắc bộ và Đồng bằng sông Cửu Long là nơi chịu tác động nhiều nhất[19]. Các cơn bão gần đây đổ bộ vào nước ta, đặc biệt ở miền Trung, ngày càng dữ dội và tàn phá nặng nề. Sau bão là lũ quét, cuốn trôi nhà cửa, tài sản, ruộng vườn, vật nuôi. Ở những nơi đó, cuộc sống người dân bị tổn thương trầm trọng với cảnh màn trời chiếu đất, đói kém, tang tóc, bệnh dịch hoành hành,….mà phải mất nhiều thời gian mới ổn định được.

_ Thứ tư là tình hình người nhập cư đến các thành phố lớn là đáng báo động. Trong thời kỳ đổi mới, những thành phố lớn là nơi hấp dẫn, thu hút hàng triệu nông dân nghèo di cư đến. Sự mở rộng và có tính chất bùng nổ của các thành phố lớn vừa tạo nên những cơ hội thị trường to lớn cho hàng triệu nông dân ven đô, vừa đẩy họ đứng trước những thách thức lớn bởi những biến đổi nhanh về thị trường, đất đai, nghề nghiệp, lối sống mà họ hình như chưa hề được chuẩn bị để đối phó. Các thành phố lớn, có tốc độ tăng trưởng cao trong quá trình đổi mới, hội nhập mạnh mẽ vào nền kinh tế khu vực và thế giới, nơi tập trung hoạt động các cải cách những doanh nghiệp thuộc khu vực nhà nước, đã, đang và sẽ diễn ra những biến đổi xã hội sâu sắc, hình thành nhiều nhóm nghèo mới. Vấn đề nghèo khổ đô thị sẽ trở nên bức thiết hơn khi quá trình đô thị hoá được đẩy mạnh với mức gia tăng dân số đô thị gấp 2 lần trong vòng 20 năm tới và hàng triệu người nghèo di cư không hộ khẩu tràn vào đô thị. Tình trạng nghèo khổ và thất nghiệp ở nông thôn  sẽ di chuyển mạnh đến các đô thị. Người nghèo đô thị rất dễ bị tổn thương bởi nhiều lý do khác nhau liên quan đến nhà ở, quyền sử dụng đất, điều kiện sinh nhai không bảo đảm, bị đe doạ bởi bệnh tật và bạo lực. Ngoài ra họ còn bị cảm giác coi thường trong một xã hội có sự cách biệt giàu nghèo lớn hơn so với nông thôn. Người nghèo đô thị hiện diện ở hầu hết các khu vực đô thị, nhưng tập trung đông ở một số khu vực nhất định, hình thành nên những không gian riêng của người nghèo. Người nghèo đô thị thường hoạt động kiếm sống chung quanh khu vực cư trú, trên vỉa hè, dọc các đường phố. Các khu dân cư nghèo đô thị thường ở sâu, xa các trục giao thông chính, không thuận tiện cho các hoạt động thương mại-dịch vụ[20]. Câu chuyện những trẻ em phải lao động trong các xưởng sản xuất với đồng lương ít ỏi, điều kiện tồi tệ hay về những người già bán vé số nằm trong tay bọn chăn dắt vừa được phát hiện gần đây là những minh chứng điển hình nhất về cuộc sống của người nhập cư, người nghèo ở đô thị.

Như vậy, những vấn đề xã hội trên và nhiều vấn đề khác nữa đang là những trở ngại cho quá trình phát triển bền vững ở Việt Nam hiện nay. Giải quyết những vấn đề này không phải là chuyện đơn giản, “một ngày một bữa”, không hẳn là công việc của nhà nước mà còn là sự chung tay và góp sức của toàn xã hội. Vì vậy, Phật giáo Việt Nam với tư cách là một tổ chức xã hội sẽ là lực lượng quan trọng để góp phần giải quyết hiệu quả những vấn đề xã hội đang đặt ra. Qua đó nhằm mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho những con người chẳng may bất hạnh và khốn khó trong xã hội. Chắc chắn rằng những người con của đức Phật  luôn mang tinh thần từ bi, cứu khổ cứu nạn cho chúng sanh cũng đã và đang trăn trở trước những vấn đề của xã hội đang đặt ra hôm nay.

3. Phật giáo Bình Dương-một điển hình về hoạt động từ thiện xã hội

Để hiểu hơn và có một cái nhìn cụ thể về hoạt động từ thiện-xã hội của Phật giáo Việt Nam, chúng tôi xin giới thiệu một điển hình tiêu biểu: Hoạt động từ thiện-xã hội của Tỉnh hội Phật giáo Bình Dương. Trong những năm qua, Bình Dương là tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế cao và thu hút đầu tư mạnh mẽ của cả nước cùng nhiều thành tựu về kinh tế-xã hội khác. Mặt khác, một số vấn đề xã hội phát sinh trên địa bàn tỉnh như: Ô nhiễm môi trường, di dân từ các địa phương khác đến sinh sống, đời sống của người công nhân ở các khu công nghiệp, người nông dân bị ảnh hưởng từ quá trình đô thị hóa, phân hóa giàu nghèo, tệ nạn xã hội,....đang là những bước cản cho Bình Dương trên con đường phát triển của mình. Như vậy, những hoạt động từ thiện-xã hội của Phật giáo Bình Dương có gắn kết những vấn đề xã hội của địa phương đặt ra? Trong hoạt động này, Phật giáo Bình Dương có những thành tích và thế mạnh nào? Quá trình tìm hiểu vấn đề này của chúng tôi trong thời gian gần đây sẽ phần nào giải thích các câu hỏi trên.

Báo cáo Đại hội đại biểu Tỉnh hội Phật giáo Bình Dương nhiệm kỳ VII (2007-2012) đã khẳng định: “Hơn nữa đạo Phật là đạo từ bi cứu khổ ban vui, lấy hạnh phúc chúng sanh làm hạnh phúc chính mình, thấy chúng sanh đau khổ thì ra tay tế độ trên tinh thần phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật. Vì vậy mà từ trước tới nay, hàng năm ngành Từ thiện xã hội của tỉnh hội vận động Phật tử cứu trợ thiên tai bão lụt, ủy lạo đồng bào nghèo khổ,….Trong nhiệm kỳ tới, tỉnh hội quyết tâm duy trì và củng cố hơn nữa để giúp đỡ phần nào cho đồng bào nghèo còn cơ cực”[21]. Từ năm 2002-2007,  kết quả hoạt động từ thiện-xã hội của Phật giáo Bình Dương đã được ghi nhận: “Nuôi dưỡng được 11 Bà mẹ Việt Nam Anh Hùng, bảo trợ và cấp học bổng cho gần 100 trẻ em nghèo hiếu học trong tỉnh. Hằng năm thăm và tặng hơn 4.000 phần quà gồm: Gạo, mì, đường, bột ngọt, muối, áo quần, mùng mền, thuốc men,…và tiền mặt cho chương trình từ thiện trị giá mỗi phần từ 200.000 đ đến 500.000 đ. Tổng phần quà tặng trong 5 năm gần 2 tỷ đồng, tặng trên 50 chiếc xe lăn cho những người tàn tật. Xây dựng và bảo trợ được 2 lớp học tình thương chùa Thiên Hòa (Thuận An) cho 50 em, chùa Phật Học (thị xã Thủ Dầu Một) cho hơn 50 em,….Xây dựng nồi súp tình thương cho những bệnh nhân nghèo ở Bệnh viện Đa khoa và Bệnh viện Y học dân tộc tỉnh mỗi tuần 2 ngày. Xây dựng được trên 30 căn nhà tình thương và hơn 20 căn nhà tình nghĩa….Hằng năm, tỉnh hội đều tham gia tổ chức nhiều chuyến đi cứu trợ cho đồng bào miền Trung và miền Tây Nam bộ…Tổng cộng nhiệm kỳ qua, tổng kinh phí mà Phật giáo Bình Dương toàn tỉnh Bình Dương đã góp phần vào chương trình từ thiện-xã hội trên 14 tỷ đồng. Qua những việc làm thiết thực của tập thể và các cá nhân trong Tỉnh hội Phật giáo Bình Dương đã làm trong nhiệm kỳ vừa qua được Tỉnh ủy, Ủy ban và các ban ngành tỉnh Bình Dương đánh giá cao[22].

Gần đây nhất, trong năm 2009, kết quả hoạt động từ thiện-xã hội của Phật giáo Bình Dương được thể hiện bằng nhiều việc làm có ý nghĩa như thực hiện chương trình tết cho người nghèo, tặng quà cho người nghèo ở địa phương nhân ngày Phật đản, tài trợ mổ tim, xây dựng nhà tình thương cho người nghèo ở huyện Phú Giáo, tặng 171 xe đạp cho học sinh nghèo đến trường, tổ chức cứu trợ đồng bào nghèo vùng lũ, …Tổng số tiền mà Phật giáo Bình Dương phục vụ cho hoạt động từ thiện-xã hội trong năm 2009 lên đến 11.281.130.000 đồng[23]. Như vậy, chỉ riêng số kinh phí chi cho hoạt động này trong năm 2009 đã gần bằng tổng số tiền trong khoảng năm 2002-2007 (14 tỷ đồng). Với tiềm lực sẵn có, Phật giáo Bình Dương đang chuẩn bị cho một kế hoạch lớn với nhiều hoạt động từ thiện-xã hội nhằm chào mừng Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc 2011 tại Bình Dương, dự kiến được tổ chức qui mô, trọng thể từ ngày 11 đến 14/3/2011. Thượng tọa Thích Huệ Thông cho biết cụ thể: “Đó là một hội thảo, nhưng tôi muốn nhân nó lên thành một lễ hội….Đặc biệt, quan điểm của chúng tôi là tài pháp nhị thí, tức vừa thí pháp nhưng cũng đồng thời là thí tiền. Quan điểm được các vị hòa thượng ở Trung ương, nhất là Ban Hoằng pháp Trung ương đã tán thán công đức này. Chúng tôi đăng ký làm 100 căn nhà tình thương khoảng 2 tỷ, 1.000 chiếc xe đạp, khoảng hàng chục ca mổ tim và nhiều chương trình khác. Dự trù phải trên 5 tỷ….”[24]. Cũng trong năm 2010, thay mặt cho Tỉnh Hội Phật giáo Bình Dương, Hòa thượng Thích Minh Thiện đã đăng ký với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Dương sẽ ủng hộ 2 tỷ đồng cho các hoạt động nhân tháng cao điểm: “Vì người nghèo” và chương trình “Nối vòng tay lớn” vào ngày 31/12. Theo đó Tỉnh hội sẽ trao cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Dương 20 triệu đồng, số còn lại Tỉnh hội sẽ tự tổ chức các hoạt động đến với người nghèo như xây nhà, tặng quà, tài trợ chi phí mổ tim,…[25]

Nói chung, hoạt động từ thiện- xã hội của Phật giáo Bình Dương ở thời điểm hiện tại thật sự mạnh mẽ và có nhiều tiềm lực lớn để phát triển hơn trong tương lai. Đó là quá trình phát triển một cách lâu dài với nhiều sự cố gắng và nỗ lực vì cộng đồng, đồng thời cũng thể hiện rõ nét tinh thần: “Phụng sự chúng sanh là cúng dường cho chư Phật”. Do vậy, số lượng kinh phí năm này nhiều hơn năm trước, nhiệm kỳ sau cao hơn nhiệm kỳ trước. Sự có mặt ngày càng nhiều gương mặt của các vị tăng ni trong các tổ chức hoạt động chính trị - xã hội của nhà nước ở các cấp đã thể hiện rõ mối quan hệ giữa đạo và đời của Phật giáo Bình Dương. Cố Ni trưởng Thích Nữ Diệu Nghĩa và Thượng tọa Thích Huệ Thông là Ủy viên Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bình Dương. Riêng Cố Ni trưởng Thích Nữ Diệu Nghĩa còn là ủy viên Ban Chấp hành Liên hiệp Hội Phụ nữ tỉnh. Tham gia Ban chấp hành Hội Chữ Thập đỏ tỉnh, Hội Bảo vệ Người tàn tật và Trẻ em mồ côi có Hòa Thượng Thích Minh Thiện và Ni trưởng Diệu Nghĩa. Trong Ủy ban Bảo vệ Trẻ em, Hội Vì người bị nhiễm chất độc màu da cam và Ban Vận động hiến máu nhân đạo  của tỉnh Bình Dương có Hòa thượng Minh Thiện là thành viên Ban chấp hành,….Đặc biệt, cá nhân Hòa thượng Thích Minh Thiện còn là Chủ nhiệm câu lạc bộ những người tình nguyện của Hội Chữ Thập đỏ tỉnh Bình Dương. Nói như vậy cho thấy rằng, việc có mặt một số vị tăng, ni lãnh đạo Tỉnh hội Phật giáo Bình Dương trong các tổ chức này đã thể hiện được sự gắn bó ngày càng chặt chẽ giữa Phật giáo và chính quyền, cùng hướng đến việc hỗ trợ cho những đối tượng xã hội bị tổn thương. Một ý kiến tương tự cho biết: “Những thành quả khiêm tốn của giới Phật giáo Bình tuy không nhiều so với sự đóng góp to lớn của toàn dân, nhưng cũng nói lên được tinh thần hiệp lực, đồng tâm của tăng ni và Phật tử tỉnh nhà trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Ngoài những yếu tố cơ bản mà Phật giáo Bình Dương vận dụng qua phương châm Đạo pháp, Dân tộc, Xã hội chủ nghĩa, Phật giáo Bình Dương còn được sự quan tâm, giúp đỡ của quí lãnh đạo Đảng, chánh quyền, Mặt trận tổ quốc và các ban ngành, đoàn thể liên quan đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Phật giáo Bình Dương phát triển[26]. Mặt khác, hoạt động từ thiện-xã hội của Phật giáo Bình Dương ngày một phát triển cũng có nguyên nhân khách quan của nó. Đó là do tốc độ phát triển kinh tế khá nhanh và mạnh của tỉnh Bình Dương, do phát sinh nhiều vấn đề xã hội trong cuộc sống. Đồng thời, do khi tách tỉnh Sông Bé, một số vị là tấm gương đi đầu trong lĩnh vực từ thiện-xã hội của tỉnh Sông Bé trước đây lại tiếp tục điều hành các hoạt động Phật sự của Tỉnh hội Phật giáo Bình Dương. Họ đã có khá nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức, vận động thực hiện, có nguồn hỗ trợ lớn, uy tín cao với xã hội.

Đặc biệt, hoạt động từ thiện-xã hội của Phật giáo Bình Dương bước đầu thể hiện tính chuyên nghiệp qua việc Trung tâm Nuôi dạy trẻ mồ côi và người già neo đơn Bồ Đề ra đời vào năm 2007. Trung tâm này hiện tọa lạc trong khuôn viên chùa Bồ Đề Đạo Tràng, xã Bình Chuẩn, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương và do Ni Sư Thích Nữ Từ Thảo làm giám đốc. Hiện tại, trung tâm này nuôi dưỡng 33 cháu, trong đó có 18 nam và 15 nữ. Đây là một bước chuyển quan trọng trong lĩnh vực từ thiện xã hội của Phật giáo tỉnh Bình Dương, thể hiện ở chỗ là việc ngày càng đi vào chiều sâu, đòi hỏi kiến thức và kỹ năng chuyên môn, tập trung đi vào một trong những đối tượng xã hội rất cần được sự quan tâm sâu sắc của xã hội hiện nay là trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi. Trên Báo Người Lao động có nói đến nguyên nhân ra đời của trung tâm: “Cho đến  buổi sáng một ngày vào năm 2004, các sư cô đang quét dọn sân chùa thì nghe tiếng khóc của trẻ nhỏ chừng một tháng tuổi nằm bơ vơ trên mặt đất với bộ đồ mỏng manh và chiếc khăn quấn ngang người. Bằng tình thương vô bờ bến, các cô giữ em bé lại nuôi. Rồi từ đó, chùa lại tiếp tục nhận được đứa thứ hai, thứ ba, thứ tư bị bỏ rơi…”[27]. Cho đến nay, việc nuôi dưỡng các trẻ mồ côi này chủ yếu là do các sư cô trong chùa đảm nhận và một số Phật tử hỗ trợ. Phần lớn các trẻ em này có quê quán tại Bình Dương, có trẻ bị bỏ rơi và có trẻ bị mất cả cha mẹ nên được gửi vào đây. Về nguồn kinh phí hoạt động, theo Ni sư Từ Thảo: “Nguồn kinh phí ở đây là tự thu tự chi. Còn cơ quan chủ quản là Sở Lao động chỉ hỗ trợ mình về mặt giấy tờ….Về mặt ăn ở của các em ở chùa là các cô tư xoay sở, tự lo hết. Mấy cô tự sản xuất ở đây như sản xuất đèn cầy để bán, nước rửa chén, bán nhang, làm gia công bao bì giấy. Bên cạnh đó còn có các Phật tử ở chùa người ta hảo tâm ủng hộ tùy lòng hảo tâm. Cộng lại cũng đủ lo cho các em[28]. Các trẻ đến tuổi được cho đi học cấp mẫu giáo và tiểu học tại các trường công lập tại địa phương, trẻ nhỏ nhất là học lớp mầm chồi-cấp mẫu giáo và lớn nhất học đến lớp năm. Học phí, sinh hoạt phí và tiền khám chữa bệnh được chu cấp đầy đủ. Việc đưa đón các em cũng do các cô trong chùa phụ trách. Sở dĩ nói chuyên nghiệp vì trung tâm này có tư cách pháp nhân do Sở Lao động-Thương binh xã hội tỉnh Bình Dương cấp phép, các trẻ được nuôi dưỡng một cách chu đáo, bài bản, được chăm lo tốt về phương diện vật chất lẫn tinh thần để sau này có cơ hội hội nhập tốt với xã hội, nguồn tài chánh được duy trì đều đặn,… Để có điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng các em được tốt hơn, khu nhà dành riêng cho các em được động thổ xây dựng vào tháng 10/2008 và hiện đã gần hoàn thành. Khu nhà nằm trong khuôn viên của chùa, diện tích là 1.164 m2, 1 trệt, 1 lầu với tổng kinh phí xây dựng hơn 7 tỷ đồng. Hy vọng trong thời gian tới, trung tâm sẽ đón nhận và nuôi dưỡng các trẻ mồ côi và người già neo đơn và giúp họ có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Như vậy, qua một số thành tích trong hoạt động từ thiện-xã hội,  Phật giáo Bình Dương đã khẳng định thế mạnh của mình đó là việc kết nối nhiều nguồn lực khác nhau trong xã hội để cùng chung vai góp sức hỗ trợ cho những mảnh đời bất hạnh. Đồng thời, hoạt động này không ngừng lớn mạnh và phát triển, ngày càng phong phú và đa dạng về hình thức thể hiện, linh hoạt, chủ động và sáng tạo, có sự ủng hộ lớn từ chính quyền địa phương, sự đóng góp của đông đảo tín đồng phật tử trong và ngoài tỉnh hưởng ứng, lòng nhiệt tình của các vị tăng ni. Ngày càng nhiều các đối tượng xã hội cần hỗ trợ được các chương trình từ thiện-xã hội của Tỉnh hội hỗ trợ như: Người già neo đơn, người tàn tật, người mắc bệnh hiểm nghèo, học sinh nghèo, trẻ mồ côi, người nghèo lang thang cơ nhỡ,….

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đã đạt được, hoạt động từ thiện-xã hội của Phật giáo Bình Dương cần phải gắn kết với những vấn đề xã hội địa phương đang đặt ra như các chương trình hỗ trợ đời sống công nhân ở các khu công nghiệp, người nghèo nhập cư, các gia đình sống trong khu vực bị ô nhiễm nặng nề, khu vực bị giải tỏa, những hộ nông dân nghèo khó tiếp cận các chính sách xã hội về sức khỏe, giáo dục, y tế,…Đồng thời, các hoạt động này cần phải có chiến lược phù hợp với tình hình xã hội và tổ chức mang tính hệ thống, tránh tản mạn, mạnh ai nấy làm.

4. Gắn kết hoạt động từ thiện-xã hội của Phật giáo với những vấn đề xã hội ở Việt Nam hiện nay

Gắn kết hoạt động từ thiện-xã hội của Phật giáo với những vấn đề xã hội ở Việt Nam hiện nay là điều không đơn giản, đòi hỏi phải có tổ chức hệ thống, bài bản và chuyên nghiệp. Là đạo của từ bi, của lòng nhân ái, với truyền thống đồng hành cùng dân tộc, Phật giáo Việt Nam chắc chắn cùng nhà nước và xã hội nỗ lực để giải quyết những vấn đề xã hội đang đặt ra. Giúp xã hội ngày một ấm no, hạnh phúc và càng bớt đi những cuộc đời bất hạnh và khốn khó chính là thực hiện tinh thần cứu khổ cứu nạn của đức Phật vào cuộc sống hôm nay. Chính lúc đó,  Phật giáo Việt Nam tiếp tục nở hoa và tỏa sáng trong lòng dân tộc với tinh thần nhập thế, hành thiện cứu đời không ngăn ngại của giới tăng ni, phật tử.

Qua tìm hiểu hoạt động từ thiện-xã hội của Phật giáo Bình Dương, chúng tôi muốn nói rằng hoạt động này của Phật giáo Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung, bên cạnh những thành quả đã đạt được, cần phải nâng tầm và đi vào chiều sâu hơn nữa mới có thể gắn kết, giải quyết những vấn đề xã hội đang đặt ra. Ở đây, chúng tôi gợi ý một số giải pháp như sau:

_ Một là, để hoạt động từ thiện xã hội của Phật giáo Việt Nam nâng tầm và đi vào chiều sâu nhằm gắn kết giải quyết các vấn đề xã hội đang đặt ra thì nhất thiết phải nâng hoạt động này thành công tác xã hội (Social wokrs). Khác với hoạt động từ thiện xã hội với ý nghĩa hỗ trợ vật chất mang tính nhất thời, công tác xã hội thúc đẩy sự thay đổi trong xã hội, thúc đẩy việc giải quyết các vấn đề trong quan hệ giữa con người, trao quyền và giải phóng con người đem lại sự bình yên cho xã hội. Vận dụng lý thuyết về hành vi của con người và các hệ thống xã hội, công tác xã hội can thiệp vào các mặt ở đó con người tác động với môi trường sống của họ. Nguyên tắc về quyền con người và công bằng xã hội là cốt lõi của xã hội. Còn ở Việt Nam, khái niệm này được hiểu là một hoạt động có tính phát triển cao dựa trên những phương pháp và nguyên lý đặc biệt với mục đích hỗ trợ các cá nhân, nhóm người, cộng đồng giải quyết các vấn đề xã hội-vì thế công tác xã hội có nhiệm vụ là vì hạnh phúc của người dân và bình an của xã hội[29]. Các lĩnh vực thực hành của công tác xã hội gồm: Làm việc với người cao tuổi, người liên quan đến ma túy, phúc lợi trẻ em, phát triển cộng đồng ở làng/xóm, làm việc ở trại giam, làm việc với người khuyết tật, dịch vụ gia đình, bảo đảm thu nhập, chăm sóc y tế và sức khỏe, sức khỏe tâm thần, công tác xã hội trong các khu công nghiệp. Với thực trạng xã hội của một quốc gia đang phát triển, trong năm 2010, Chính phủ Việt Nam đã cấp mã nghề nhân viên xã hội để thực hiện nhiệm vụ công tác xã hội ở các địa phương và nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong những năm qua có một số hoạt động công tác xã hội của Phật giáo như việc thành lập các trường nuôi dạy trẻ mồ côi, cơ sở nuôi người già, người khuyết tật, đơn vị tham vấn HIV ở nhiều địa phương trong cả nước. Gần đây, hoạt động từ thiện-xã hội của Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã có bước chuyển trong việc vận dụng các kiến thức từ ngành Công tác xã hội, thông qua việc việc lập khá nhiều trường nuôi dạy trẻ mồ côi như: Chùa Long Hoa (quận 7), chùa Diệu Giác (quận 2), chùa Kỳ Quang 2 (quận Gò Vấp), chùa Huỳnh Kim (quận Gò Vấp), chùa Pháp Võ (huyện Nhà Bè). Hai cơ sở chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS đã được thành lập tại chùa Kỳ Quang 2 và chùa Diệu Giác với sự giúp đỡ của cơ quan UNICEF tại Việt Nam và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Những hoạt động này góp phần làm tăng cường sức khỏe cho cộng đồng, giảm thiểu sự lo âu, phiền muộn từ bệnh tật, tạo điều kiện cho xã hội phát triển, ổn định[30]. Tuy nhiên, những hình thức hoạt động này trong cả nước còn khá ít và thường tập trung ở các đô thị lớn. Muốn nâng cao và mở rộng hoạt động công tác xã hội thì phải có nguồn nhân lực được đào tạo công tác xã hội. Ban Từ thiện-xã hội Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp với Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM, Trường Đại học Mở Tp.HCM đào tạo 2 khóa cấp chứng chỉ công tác xã hội vào năm 1998 cho 120 tăng ni trẻ và năm 2007 cho 142 học viên tăng ni, phật tử. Thiết nghĩ, cần có nhiều lớp học về công tác xã hội được mở rộng hơn nữa ở các tỉnh trong cả nước cho tăng ni, phật tử tâm huyết với hoạt động từ thiện xã hội tham gia. Hiện nay, tại các trường đại học như: Đại học Lao động-Xã hội, Đại học Mở Tp.HCM, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Tp.HCM),…đều có đào tạo ngành học này với nhiều cấp bậc khác nhau. Tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Tp.HCM) có 2 đơn vị đào tạo, nghiên cứu và thực hành lĩnh vực này là Bộ môn Công tác xã hội và Trung tâm Tham vấn và Thực hành Công tác xã hội.

_ Hai là, hoạt động từ thiện xã hội của Phật giáo Việt Nam phải mang tính linh hoạt, sáng tạo với nhiều hình thức nhằm hướng đến nhiều đối tượng khác nhau bị tổn thương trong xã hội như: Người nhập cư, người nghèo, người sống trong các khu ổ chuột và vùng bị ô nhiễm môi trường nặng nề, người già lang thang, cơ nhỡ, người khuyết tật, trẻ em vô gia cư, công nhân trong các khu công nghiệp, người nông dân bị mất đất, mất việc làm trong vùng đô thị hóa, người dân trong các khu vực bị thiên tai, bệnh dịch tàn phá, người mắc bệnh hiểm nghèo…Những hoạt động đó không chỉ dừng lại ở phương diện hỗ trợ vật chất mà còn bằng tinh thần để giúp họ thân yên ổn và tâm an lạc trước những điều bất hạnh của cuộc sống chẳng may ập đến. Thiết nghĩ, thông qua các hoạt động tham vấn, tâm tình, trao đổi, vận dụng khéo léo giáo lý đạo Phật của tăng ni, phật tử chắc chắn sẽ giúp họ xả bỏ bớt những lo lắng, đau buồn và thêm nguồn vui sống để vươn lên. Muốn làm tốt điều này, người tham gia nên được trang bị những kiến thức về xã hội, về tâm lý và sức khỏe cùng với một số kỹ năng như tham vấn tâm lý, giao tiếp công chúng, truyền thông, tổ chức sự kiện,…Đạo Phật luôn chú trọng “tài pháp nhị thí” và trong kinh Ưu Bà Tắc, đức Phật đề cao pháp thí: “Vì chúng sinh nghe pháp, dứt trừ tâm sân, nhờ nhân duyên ấy, nên đời sau được thân hình xinh đẹp. Chúng sinh nghe pháp, tâm từ mở rộng, không giết hại chúng sinh, nhờ nhân duyên ấy, đời sau được thọ mạng lâu dài. Chúng sinh nghe pháp, không trộm tài vật của người, nhờ nhân duyên ấy, đời sau có nhiều vàng bạc, của cải. Chúng sinh nghe pháp, đời sau phát tâm hoan hỷ bố thí, nhờ nhân duyên ấy, đời sau thân được khỏe mạnh. Chúng sinh nghe pháp, không còn buông lung, nhờ nhân duyên ấy, đời sau thân được an lạc. Chúng sinh nghe pháp, từ bỏ tâm sân si, nhờ nhân duyên ấy, đời sau được biện tài vô ngại. Chúng sinh nghe pháp, lòng tin kiên cố, nhờ nhân duyên ấy, đời sau được tín tâm vững chắc. Tương tự, đối với trì giới, bố thí, đa văn, trí tuệ…cũng lại như vậy. Vì thế nên biết, bồ thí giáo pháp thù thắng hơn bố thí tài vật[31]

_ Ba là, hoạt động từ thiện-xã hội của Phật giáo Việt Nam phải hướng đến cơ sở, từng địa phương cụ thể và phải mang tính lâu dài, thông qua vai trò của các tăng, ni trụ trì ở các tự viện trong cả nước. Cách làm từ thiện-xã hội mang tính bền vững, hiệu quả và lâu dài không phải thỉnh thoảng đến dịp hay lúc địa phương gặp vấn đề mới tổ chức những chuyến đi từ thiện mà là thông qua vai trò của tăng, ni ở địa phương để thực hiện nhiệm vụ này một cách thường xuyên bằng những kế hoạch phù hợp với nhu cầu cần hỗ trợ của người dân địa phương, đặc biệt ở các vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Mặt khác, chúng tôi muốn nhấn mạnh đến các vị tăng, ni trẻ, có tâm huyết với hoạt động từ thiện, có kiến thức hiểu biết về xã hội. Đây là nguồn lực quan trọng để thực hiện các hoạt động xã hội giúp ích cho cộng đồng. Giáo hội Phật giáo Việt Nam nên giúp họ có điều kiện gắn bó với địa phương và trong quá trình hòa nhập cùng đời sống người dân, họ là người sẽ phát hiện ra nhu cầu cần thiết mà người dân sở tại cần giúp đỡ. Từ đó, các hoạt động xã hội của các vị tăng ni này sẽ hướng đến hỗ trợ cộng đồng một cách lâu dài, hệ thống và mang tính hiệu quả cao. Điều này sẽ thúc đầy các hoạt động từ thiện-xã hội của Phật giáo Việt Nam mang tính linh hoạt, sáng tạo, rộng rãi và nhiều hiệu quả xã hội thiết thực. Trường hợp nhà sư Thích Nhuận Tâm-trụ trì chùa Lá ở 12/2E, đường Quang Trung, phường 14, quận Gò Vấp là một điển hình tiêu biểu. Báo Lao động số 32 (từ ngày 20-22/8/2010) có một bài viết cảm động về nhà sư này. Năm 1995, khi mua đất xây chùa, khu vực này toàn là dân nghiện ma túy rất nặng, một băng xã hội đen hoạt động có tổ chức gần 100 tên được trang bị mã tấu, lựu đạn,…và ngay cả công an khu vực ban ngày cũng không muốn vô. Thông qua việc trò chuyện cởi mở, sống chân tình hết mình, hiểu được nỗi khổ riêng và hết lòng giúp đỡ, Thầy đã giúp cho không ít tay anh chị đã từ bỏ cuộc sống giang hồ, làm lại cuộc đời. Đặc biệt, đại ca chỉ huy của băng này, sau một lần tiếp xúc với Thầy, đã tự nguyện xuống tóc đi tu tại chùa với pháp danh là Đức Hậu ngày ngày bưng cơm, rót nước, giặt giũ quần áo cho mọi người, dọn dẹp và trông coi chùa chăm chỉ. Trong thời gian qua, nhà sư Nhuận Tâm và Đức Hậu đã chữa trị thành công theo phương pháp riêng cho một số người nghiện ma túy và phát nguyện xây một trung tâm cai nghiện ma túy tại cộng đồng để giúp những thanh niên lầm lỡ làm lại cuộc đời. Ngôi chùa còn thu hút nhiều văn nghệ sĩ đến làm từ thiện, xuất bản những tập thơ và cùng tham gia các hoạt động văn hóa gây quĩ. Thầy còn mở 5 lớp học dạy tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Hoa miễn phí cho 250 thanh thiếu niên nghèo để họ có cơ hội vào đời, có việc làm lương thiện. Nhiều sinh viên nghèo cũng nhận được học bổng từ sự vận động, quyên góp nơi các nhà tài trợ, các công ty của Thầy. Tác giả bài báo đã nhận định: “Với một nhà sư như thầy Thích Nhuận Tâm, tu là để nhập cuộc, là chữa trị trực tiếp và gián tiếp những căn bệnh của người đời, vì “chúng sinh đa bệnh, Bồ tát đa hạnh”. Căn bệnh xã hội hiện không chỉ là những tệ nạn, mà còn là những tổn thương tinh thần xuất phát từ sự lệch lạc trong giáo dục, và tìm sự giác ngộ, giải thoát cho giới trẻ chính là điều mà Thầy cho là quan trọng nhất hiện nay. Một mình Thầy làm không nổi, chỉ mong có sự tiếp sức của nhiều tổ chức, nhiều nhà hảo tâm hơn nữa, để thay vì xây chùa, thầy có thể mở trung tâm cai nghiện ma túy và giáo dục lẽ sống cho thanh niên[32].

_ Bốn là,  hoạt động từ thiện-xã hội của Phật giáo Việt Nam cần được tổ chức mang tính hệ thống, cơ chế hoạt động và giám sát, hỗ trợ vật chất từ trên xuống dưới đối với nhiều mảng khác nhau, nhưng quan trọng nhất vẫn là hệ thống các trường tình thương, trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi và người neo đơn, phòng khám từ thiện trên toàn quốc. Những cơ sở xã hội này, thông qua việc tổ chức mang tính hệ thống và giúp đỡ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, sẽ duy trì được hoạt động lâu dài, hiệu quả và được hỗ trợ khi gặp khó khăn, được trao đổi và học tập kinh nghiệm, tham gia tập huấn kỹ năng,…Đồng thời, với những mô hình hoạt động hiệu quả, Giáo hội cần nên biểu dương và nhân rộng trên toàn quốc, đặc biệt ở các địa phương vùng sâu vùng xa, vùng nông thôn nghèo. Song song đó, nên chăng Ban Từ thiện-Xã hội Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành lập những đội công tác xã hội tình nguyện bao gồm các vị tăng ni, phật tử có tâm huyết sẵn sàng đi hỗ trợ giúp đỡ bà con ở vùng thường xuyên bị thiên tai, lũ lụt tàn phá, vùng đồng bào nghèo, vùng dân tộc thiểu số hoặc các đối tượng xã hội cần được giúp đỡ hiện nay?

_ Năm là, Phật giáo là tổ chức có uy tín ở Việt Nam nên cần phát huy việc huy động rộng rãi các nguồn lực xã hội để tạo điều kiện  giúp đỡ nhiều mảnh đời cơ cực, bất hạnh trong xã hội. Thông qua các hoạt động từ thiện-xã hội, không chỉ bao gồm các tăng ni, phật tử, các thành phần xã hội khác sẽ cơ hội giúp ích cho đời. Qua đó giúp cho xã hội hướng thiện, hành thiện, tăng trưởng lòng từ bi cũng là góp phần đẩy lùi cái ác, cái xấu. Trong những năm qua, Phật giáo Bình Dương đã thành công trong vấn đề này. Ở Bình Dương, các cá nhân và tổ chức thường xuyên hỗ trợ hoạt động từ thiện của Tỉnh hội Phật giáo thì rất phong phú, đa dạng. Ngoài các doanh nghiệp lớn như: Công ty Sơn mài Thành Lễ, Công ty Gốm sứ Minh Long,…thường xuyên đóng góp, còn có các nhóm Phật tử chuyên làm từ thiện, luôn theo sát những đợt ủy lạo của các vị tăng, ni như: Nhóm Hoa Tình thương của Phật tử Thanh Trí, Nhóm nồi súp tình thương của Phật tử An Khiêm,…. Đặc biệt hơn nữa, trong năm 2008, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Thương mại Huệ Minh được thành lập, chuyên kinh doanh cung cấp gạo, lương thực, thực phẩm chay,…Lợi nhuận của công ty sẽ dùng làm Quỹ Từ thiện chùa Hội Khánh. Công ty này còn tài trợ chính cho chương trình “Ấm no tình thương”, mỗi tháng khoảng nửa tấn gạo để cung cấp cho từng hộ dân nghèo trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

  Thạc sĩ Dương Hoàng Lộc

 (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn-Đại học Quốc gia Tp.HCM)

 

(Nguồn: Tham luận tại Hội Thảo Hoằng Pháp năm 2011 do Ban Hoằng Pháp Trung Ưng Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức vào tháng 3/2011 tại Bình Dương)



[1] Trần Hồng Liên, Tìm hiểu chức năng xã hội của Phật giáo Việt Nam, Tp.HCM, Nxb. Tp.HCM, 2010, trang 39.

[2] Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Kinh Dược Sư bổn nguyện công đức (âm-nghĩa), Thích Huyền Dung dịch, Hà Nội, Nxb.Tôn giáo, 2002,trang 99.

[3] Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Kinh Diệu pháp Liên Hoa, Thích Trí Tịnh dịch, Hà Nội, Nxb.Tôn giáo, 2008, trang 15.

[4] Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Kinh Diệu pháp Liên Hoa, Thích Trí Tịnh dịch, Hà Nội, Nxb.Tôn giáo, 2008, trang 570.

[5] K.Sri.Dhamananda, Chúng ta phải làm gì trước những tệ nạn xã hội, Thích Tâm Quang dịch, Hà Nội, Nxb.Tôn giáo, 2006, trang 29.

[6] Nguyễn Đức Lũ (chủ biên), Lý luận về tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam, Hà Nội, Nxb.Tôn giáo, 2007, trang 129.

[7] Trần Hồng Liên, Tìm hiểu chức năng xã hội của Phật giáo Việt Nam, Tp.HCM, Nxb. Tp.HCM, 2010, trang 14..

 

[8] Nguyễn Hải Hữu: Cuộc chiến chống nghèo đói thực trạng và giải pháp. Trong: Nhiều tác giả, Đô thị hóa và vấn đề giảm nghèo ở Thành phố Hồ Chí Minh lý luận và thực tiễn, Hà Nội, Nxb.Khoa học Xã hội, trang 90.

[9] Nguồn: http://phapluattp.vn/2010082511008622p0c1013/bao-dam-ngay-cang-tot-hon-an-sinh-xa-hoi-va-phuc-loi-xa-hoi-la-mot-noi-dung-chu-yeu-cua-chien-luoc-phat-trien-kinh-texa-hoi-20112020.htm

 

[10] Nguồn: http://phapluattp.vn/2010082511008622p0c1013/bao-dam-ngay-cang-tot-hon-an-sinh-xa-hoi-va-phuc-loi-xa-hoi-la-mot-noi-dung-chu-yeu-cua-chien-luoc-phat-trien-kinh-texa-hoi-20112020.htm

[11] Gunter Endruweit và Gisela Trommsdorff, Từ điển Xã hội học, Hà Nội, Nxb. Thế giới, 2002, trang 552.

[12] Nguyễn Thị Oanh (chủ biên), Các vấn đề xã hội và an sinh xã hội, Khoa Phụ nữ học-Đại học Mở-Bán công Tp.HCM, 1994, trang 4.

[13] Nguyễn Hữu Dũng, Bảo đảm gắn kết chặt chẽ tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội trong chiến lược phát triển nước ta đến năm 2020, Tạp chí Kinh tế và Phát triển, số 163, tháng 1/2011, trang 10.

[14] Nguyễn Hữu Dũng, Bảo đảm gắn kết chặt chẽ tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội trong chiến lược phát triển nước ta đến năm 2020, Tạp chí Kinh tế và Phát triển, số 163, tháng 1/2011, trang 11.

[15]  Đặng Kim Sơn, Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam hôm nay và mai sau, Hà Nội, Nxb.Chính trị Quốc gia, 2008, trang 101.

[16] Đặng Kim Sơn,  Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam hôm nay và mai sau, Hà Nội, Nxb.Chính trị Quốc gia, 2008, trang 103.

[17] Nhiều tác giả , Nông dân nông thôn  và nông nghiệp những vấn đề đang đặt ra, Hà Nội,  Nxb Tri thức, 2008, trang 101.

[18] Mai Ngọc Anh, An sinh xã hội đối với nông dân trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam, Hà Nội, Nxb.Chính trị quốc gia, 2010, trang 298.

[19] Trần Văn Đạt (chủ biên), Tuyển tập vài suy nghĩ về phát triển nông nghiệp Việt Nam trong thế kỷ 21, Hà Nội, Nxb. Nông nghiệp, 2010, trang 51.

[20] Nguyễn Hữu Minh-Nguyễn Xuân Mai,  Đô thị hoá và nghèo khó đô thị ở Việt Nam- một số đặc điểm cơ bản.  Nguyễn Thế Nghĩa-Mạc Đường-Nguyễn Quang Vinh, Đô thị hoá và vấn đề giảm nghèo ở TP.HCM lý luận và thực tiễn, Hà Nội, Nxb.Khoa học xã hội, 2005, trang 55.

[21] Tỉnh hội Phật giáo Bình Dương, Báo cáo Đại hội đại biểu Tỉnh hội Phật giáo Bình Dương nhiệm kỳ VII (2007-2012), ngày 30/3/2007, trang 28.

[22] Tỉnh hội Phật giáo Bình Dương, Báo cáo Đại hội đại biểu Tỉnh hội Phật giáo Bình Dương nhiệm kỳ VII(2007-2012), ngày 30/3/2007, trang 20-21.

[23] Tỉnh Hội Phật giáo Bình Dương, Báo cáo Tổng kết công tác Phật sự năm 2009 và Phương hướng hoạt động năm 2010, ngày 25/1/2010, trang 11-12.

[24] Tư liệu phỏng vấn sâuThượng tọa Thích Huệ Thông, Phó Ban Trị sự  Tỉnh hội Phật Giáo tỉnh Bình Dương, tháng 9/2010, người thực hiện: Dương Hoàng Lộc.

[25] N.Trinh, Năm 2010: 2 tỷ đồng ủng hộ người nghèo. Trích trong: Tỉnh hội Phật giáo Bình Dương, Bản tin Hương sen số 11, ngày 15/1/2010, trang 3.

 

[26] Huệ Thông, Phật giáo Bình Dương góp phần giữ gìn và xây dựng mối đại đoàn kết toàn dân. Trích trong: Tỉnh hội Phật giáo Bình Dương, Bản tin Hương sen số 11, ngày 15/6/2009, trang 9.

[27] Xuân Danh, Mái ấm tình thương chùa Bồ Đề, Báo Người Lao Động, thứ hai, ngày 22/3/2010, trang 7.

[28] Tư liệu phỏng vấn sâu Ni sư Thích Nữ Từ Thảo, Trụ trì chùa Bồ đề đạo tràng, tháng 9/2010, người thực hiện: Dương Hoàng Lộc

[29] Nguyễn Hải Hữu (chủ biên), Khung kỹ thuật phát triển nghề công tác xã hội, Hà Nội, Nxb.Thống kê, 2009, trang 7.

[30] Trần Hồng Liên, Tìm hiểu chức năng xã hội của Phật giáo Việt Nam, Tp.HCM, Nxb. Tp.HCM, 2010, trang 43.

[31] Pháp sư  Đạo Thế (biên tập)-Thích Nguyên Chơn (chủ biên), Thiện ác nghiệp báo chư kinh yếu tập (tập 1), TP.HCM, Nxb.Phương Đông, 2009, trang 673.

[32] Nhật Lệ (thực hiện), Tôi muốn đóng góp thiết thực cho đời, Báo Lao động số 32 (từ ngày 20-22/8/2010), trang 3.

Danh mục website