Giới thiệu báo Sống

 
VH-NN – Mảng văn học trên báo “Sống” là tiểu luận nghiên cứu khoa học sinh viên năm 2009 do Nguyễn Thị Phương Thúy làm chủ nhiệm (TS. Võ Văn Nhơn hướng dẫn). Tiểu luận được đánh giá xuất sắc. Hiện nay Nguyễn Thị Phương Thúy là giảng viên BM Văn học Việt Nam Khoa Văn học và Ngôn ngữ, cô đang học cao học ở Úc bằng học bổng của Bộ Giáo dục và Đào tạo. VH-NN xin giới thiệu Mục 1.2. của tiểu luận: “Khái quát báo Sống”

1.2.1. Sự thành lập và quá trình hoạt động của báo Sống

Mãi đến 1935 báo Sống mới xuất hiện trên văn đàn, nhưng nó lại được phôi thai trong những trái tim tâm huyết với văn chương, tiếng nói dân tộc từ rất lâu trước đó. Nữ sĩ Mộng Tuyết kể lại trong hồi ký Núi Mộng gương Hồ “Trong suốt thời kỳ dạy học, mở Trí Đức học xá (1926-1934), Đông Hồ cùng một nhóm bạn thân: Trần Thiêm Thới (Trúc Hà), Trần Văn Quyện (Trúc Phong) là hai anh em ruột cũng là cháu gọi Đông Hồ bằng cậu, từ nhỏ vẫn ở chung nhà, Trọng Toàn Nguyễn Văn Kiên, Lê Quang Phấn tự Bạch Như bạn đồng tuổi cũng là bạn dạy học, Nguyễn Văn Tượng bút tự Quang Đẩu cũng cùng chí hướng chơi thân với nhau, có khuynh hướng yêu quốc văn, ngâm thơ vịnh phú. Các bạn thường có ý mở một tờ báo để truyền bá quốc văn, quốc ngữ”[1]. Đến cuối 1934, sau khi bị nhà cầm quyền đóng cửa, Trí Đức học xá của Đông Hồ ở Hà Tiên dự trù cho xuất bản một cơ quan ngôn luận ở Sài Gòn để tiếp tục cổ động cho việc dạy và học quốc ngữ. Từ giáo dục đến báo chí, những người tâm huyết của Trí Đức học xá năm xưa đã không mệt mỏi trên con đường giữ gìn, tô sáng tiếng nói và văn chương xứ sở. Trang bìa của số báo đầu tiên có ghi người sáng lập báo là Trần Phước Phận, chủ nhiệm là Trần Thiêm Thới. Mộng Tuyết cũng đã kể lại trong hồi ký của bà chi tiết này “Anh (tức Trúc Hà - người viết chú thích) đang sinh sống ở Sài Gòn thì đứng tên xin phép xuất bản một tờ tuần báo mà từ lâu mấy anh em hằng ước mơ”[2].

Công cuộc đầu tiên khi cho ra đời một tờ báo là tìm tên cho đứa con tinh thần. Báo chí ngày ấy theo lệ thường thì đặt tên bằng danh từ Hán Việt như Nam Phong, Hữu Thanh, Phong Hoá, Ích Hữu, Công Luận, Phụ Nữ Tân Văn… hoặc tiếng Nôm như Tiếng Dân, Ngày Nay, Đuốc Nhà Nam, Đàn Bà Mới… đều là tên đôi, tên ba, tên tư. Những người chủ trương quyết định chọn một tên cộc lốc cho lạ tai, để lưu ý độc giả, nhân tiện cũng để quảng cáo cho tờ báo nhỏ của bọn học trò nhà quê lên kinh đô ánh sáng tranh hùng với các bạn đồng nghiệp. Và họ chọn tên Sống. Xuất phát của tên gọi này là từ một câu nói trên báo Nam Phong: “Con cá nó sống vì nước, nước ta sống vì tiếng ta đó”, nhưng khi đưa đơn xin phép thì nhà chức trách nghĩ đó là một tờ báo tranh đấu, nên gác lại chờ điều tra đến ba bốn tháng trời mới cho phép. Đến khi báo ra mắt độc giả, cái tên của báo vẫn còn khuấy động dư luận trong một thời gian dài, đơn giản bởi nó khiến người ta liên tưởng đến câu tiếng Pháp: “Vivre c’est lutter” (Sống là tranh đấu) hoặc câu “Ceux qui vivent sont ceux qui luttent” (Những ai sống đều tranh đấu).  Nhân đó mà có dư luận cho rằng báo Sống là cơ quan Việt ngữ của tờ báo Pháp ngữ La Lutte.

Qua bao trắc trở, cuối cùng báo Sống cũng đã ra số đầu tiên vào ngày 22/1/1935. Tòa soạn báo đặt ở 43 Frère Louis Saigon (nay là đường Nguyễn Trãi, Quận 1, Tp HCM), dưới quyền giám đốc của Trí Đức văn đoàn. “Đó là tờ tạp chí văn học đầu tiên do những nhân tài đất Hà Tiên sáng lập và hợp lực viết bài, được anh em gọi là Hội bạn Trí Đức. Nhóm này gồm Đông Hồ, Trúc Hà, Trúc Phong, Lư Khê, Trọng Toàn, Quang Đẩu, Bạch Như, Mộng Tuyết là tám người”[3]. Báo ra ngày thứ ba hàng tuần, đến số 13 thì đổi sang ngày thứ tư. Khi được giấy phép ra báo, Trúc Hà cùng bè bạn lo toan mọi việc, chỉ có Trúc Phong là có thể từ quê nhà lên Sài Gòn trực tiếp giúp việc. Đông Hồ vẫn còn dạy học ở Hà Tiên, vì “phụ mẫu tại đuờng bất khả viễn du” và ông bác cũng đang thời kỳ không khỏe nên Đông Hồ chỉ gửi bài, góp ý và có thư mời các cụ Đồ Nam, Tản Đà giúp bài vở thêm cho tuần báo Sống. Ban đầu, Đông Hồ chỉ phụ trách mục Nguồn thơ, gửi bài từ Hà Tiên lên. Mãi đến số 8, ra ngày 19/3/1935 ông mới thật sự giữ vai trò chủ bút, trực tiếp lên Sài Gòn coi sóc tờ báo, từ khâu biên tập đến khâu in ấn với tất cả sự tỉ mỉ và tâm huyết. Chính từ số này báo mới bắt đầu viết đúng chính tả, đặc biệt là dấu hỏi ngã như các báo ngoài Bắc. Báo ra vào thời kỳ kinh tế suy sụp, những người nặng lòng với báo phải oằn lưng gánh vác nhưng cũng không sao kham nổi trước cơn giông bão của khủng hoảng. Phụ Nữ Tân Văn lẫy lừng phương Nam ngày ấy, từng tổ chức hội đấu xảo nữ công, cấp học bổng du học nước ngoài cho hai học sinh, vậy mà cũng đình bản. Trúc Phong thường liên lạc với Mộng Tuyết về vấn đề tài chính vốn rất bấp bênh của tờ báo. Trong hội bạn Trí Đức, “hằng tâm” thì ai cũng có, nhưng “hằng sản” thì không, mà dầu có “hằng sản” đi nữa cũng đâu ai dám bỏ ra cho tờ báo chưa đầy tuổi năm. Chính gia đình Trúc Hà – Trúc Phong cũng khá giả, nhưng đâu dễ bỏ tiền ra cho con cái theo đuổi cái nghề “nhật trình” bấp bênh đó. Thế là Mộng Tuyết gửi bao nhiêu tư trang lên Sài Gòn gọi là góp vốn nuôi sống tờ báo. Đồng thời, nhân dịp nữ sĩ Manh Manh xuống Hà Tiên cổ động cho Phụ Nữ Tân Văn, Mộng Tuyết cũng học theo, bắt đầu công việc cổ vũ cho báo Sống trên chính mảnh đất quê hương của những người sáng lập ra báo. Ngoài ra báo Sống còn có ba đặc phái viên thường trực là Lê Thị Đức, Lê Thị Thượng và Trần Hữu Trang, chính là soạn giả lừng danh của sân khấu cải lương đã nổi tiếng từ ngày ấy với vở Đời cô Lựu.

Ra được 30 số thì báo Sống phải tự đình bản vì kinh tế quá khó khăn. Ngoài bắc, báo Tinh Hoa cũng không tiếp tục được, báo Phụ Nữ Tân Văn cũng nghỉ luôn vào thời kỳ đó. Thế là giấc mộng dùng văn chương cứu văn chương, dùng chữ viết cứu chữ viết của bằng hữu vườn Trí Đức lại một lần nữa gác lại, mỗi người tứ tán mỗi nơi. Rồi kẻ sống người chết, người lưu lại danh thơm, kẻ chìm vào quên lãng, nhưng những gì họ đã làm được qua báo Sống thì không phải không đáng kể, dẫu tuổi đời của báo ngắn ngủi vỏn vẹn một năm.

1.2.2. Tôn chỉ mục đích của báo Sống

Số báo đầu tiên có đăng đầy đủ các tôn chỉ, mục đích của báo Sống:

-                  Trong làng báo, trong làng văn, chúng tôi giữ một địa vị trung lập, không theo một đảng phái nào, tôn trọng tự do cá nhân.

-                  Ngay thẳng trình bày cho quốc dân cái dư luận, cái khuynh hướng chung của người trước.

-                  Làm cho quốc dân biết cái địa vị, cái thân phận của mình trong trường sinh hoạt ganh đua của thế giới.

-                  Gây cho nước ta một nền văn chương sáng sủa, giản dị, vui vẻ, hợp với sự sống ngày nay.

-                  Tùy lúc, đem văn chương mà bài bác, chỉ trích những luân lý cũ kỹ, những phong tục lễ giáo tồi tệ không hợp thời, không thích nghi với sự sống của người ta nữa.

-                  Đem văn chương mà ca tụng, bày tỏ, tả vẻ những cái hay, cái đẹp của phong cảnh non sông đất nước nhà, cái cách sinh hoạt êm đềm thú vị, cái linh hồn trong sạch khảng khái, cái tâm tính chất phác, nhẫn nại, chăm làm việc của hạng người bình dân trong nước, khiến cho nước ta ai ai cũng có lòng yêu nòi giống, yêu đất nước một cách giản dị mà thành thật, thiết tha.

Như vậy, có thể thấy, báo Sống hướng đến hai mục đích chính, thứ nhất là dùng văn chương như một công cụ cải tạo xã hội nhân sinh. Ở khía cạnh này, báo vạch ra nhiều mục tiêu, dựa trên chức năng nhận thức, giáo dục của văn chương: trước tiên là làm cho người ta thấy, từ thấy đến hiểu vị thế của mình, đất nước mình, thời đại mình. Đây là yêu cầu tất yếu của thời buổi giao lưu văn hóa, có quá nhiều thứ mới mẻ tràn vào khiến người dân ngỡ ngàng và hoang mang. Bao nhiêu thứ cũ xưa bấy lâu ngỡ là chân lý vững như bàn thạch đã không còn đúng đắn nữa. Con người cần phải thoát ra khỏi giấc mơ tự kỷ, nghĩ rằng mình tốt, mình hay mà phải biết nhìn xa trông rộng, biết người biết ta. Báo cổ vũ cho cái mới tiến bộ, bài bác cái cũ lỗi thời, những hủ tục kìm hãm con đường phát triển. Đây cũng là khuynh hướng chung của báo chí đương thời. Cuộc đấu tranh mới - cũ thời điểm ấy vẫn đang gay gắt, nói như Hoài Thanh “một bên giành quyền sống, một bên giữ quyền sống”. Bên cạnh đó, văn chương còn phải nuôi dưỡng hồn người, làm cho người ta sống tốt đẹp hơn. Mục đích thứ hai hướng vào chính bản thân văn chương, vào giá trị thẩm mỹ của nó, khiến văn chương phát triển theo hướng càng ngày càng trở nên trong sáng, giản dị, vui vẻ. Ngay cả chức năng đạo đức, giáo dục nói trên cũng khác với kiểu giáo dục của văn chương truyền thống. Tôn chỉ “đem văn chương mà ca tụng, bày tỏ cái hay cái đẹp của phong cảnh non sông đất nước nhà (…) khiến cho nước ta ai ai cũng có lòng yêu nòi giống, yêu đất nước một cách giản dị mà thành thật thiết tha” thì đó là cách giáo dục đánh vào thẩm mỹ, từ cảm xúc, rung động mà dẫn đến yêu thương, và sống tốt đẹp hơn. Từ đó, bản thân văn chương cũng thay đổi, mới mẻ và gần gũi hơn.

Có thể thấy mục tiêu xã hội được nhắc đến nhiều hơn bản thân văn chương. Điều này cũng dễ hiểu. Trước tiên, đó là ảnh hưởng của tư duy truyền thống, văn chương trước hết phải có ích cho đời, phải dạy cho người ta cái gì đó. Thứ hai, đó là điều tất yếu, báo chí ra đời là để tác động và ảnh hưởng đến xã hội, cổ xúy cái này, bài bác cái kia. Thứ ba, và quan trọng hơn cả, đó là do hoàn cảnh xã hội. Trong buổi giao thời, có quá nhiều vấn đề cần nói tới, có nhiều thứ phải tranh cãi, tâm hồn con người cũng đầy biến động. Tình hình xã hội bấy giờ được báo Sống khái quát “Gần đây, vì ở trong chỗ gặp khó khăn của lịch sử, ở trong chỗ bực bội của hoàn cảnh, tình thế nước nhà nên phần nhiều người dân nước ta sống một cách buồn rầu yếu đuối, chán nản, hững hờ, sống một cách lạnh lùng gượng gạo. Đó là về phần chung của cả quốc dân, còn về phần riêng của cá nhân thì bị một bầu không khí mờ mịt tối tăm, là bầu không khí nặng nề khó thở của luân lý lễ tục vây bọc bao trùm, khiến người mình càng dễ sinh lòng mềm yếu, ghét đời, sợ sống. Lại nữa, ngọn sóng kinh tế khủng hoảng mấy năm nay tràn ngập khắp nơi nơi, làm cho cuộc sinh hoạt của người mình càng thêm khó khăn quẫn bách, sự sống càng thấy thiếu thốn, khổ sở.” Tóm lại, báo Sống ra đời là để cổ vũ sự sống lành mạnh, tốt đẹp, hướng lòng người đến cuộc sống, xua tan nỗi chán nản, đau thương. Tôn chỉ này được thể hiện ở những dòng đầu tiên của số báo đầu tiên:

Đạo trời tiến hành mạnh mẽ, người ta cũng coi theo cái lẽ đó mà sống mạnh mẽ mãi không thôi. (Thiên hành kiện, quân tử dĩ tư cường bất tức – Kinh dịch)

Sống là chiến đấu. (Ceux qui vivent sont ceux qui luttent – Victor Hugo)

Việc chọn hai câu nổi tiếng, một từ Kinh dịch, một của đại văn hào Pháp, xuất phát từ hai nền văn hóa lớn ảnh hưởng đến Việt Nam thời bấy giờ làm tôn chỉ của báo cho thấy ý thức muốn dung hòa, gạn đục khơi trong trong giao lưu, tiếp biến văn hóa. Báo cổ vũ cái mới từ phương Tây, nhưng không gạt bỏ những giá trị văn hóa ngàn năm mà ta đã từng tiếp thu từ Trung Hoa và cải biến đậm tinh thần Việt. Dù ở đâu, Đông hay Tây, người ta cũng đều hướng về sự sống.

1.2.3. Hình thức – nội dung của báo Sống

Báo Sống có khổ 25cm x 35cm, lúc đầu gồm 20 trang nội dung, về sau tăng lên 24 trang, bìa màu. Riêng số 2 là số xuân, cả cuốn báo đều in màu. Chính giữa phía trên bìa 1 là măng-sét SỐNG viết theo kiểu thư pháp chữ Việt. Từ số 18, măng-sét thay đổi, viết theo kiểu chữ in hoa. Phía dưới măng-sét là những thông tin về người sáng lập, chủ bút, chủ nhiệm, thay phiên nhau có mặt trên bìa của các số báo, có khi lại được thay thế bằng dòng chữ “Dưới quyền giám đốc của Trí Đức văn đoàn”. Bên cạnh là địa chỉ tòa báo 43 Frère Louis Saigon, giá báo: 0đ10. Góc trái phía trên ghi số báo và năm thứ của báo (chẳng hạn: số 1 – năm đầu). Góc phải phía trên ghi ngày ra báo. Góc trái phía dưới là logo của Trí Đức văn đoàn, gồm 2 chữ T và Đ lồng vào nhau trong một vòng tròn. Logo này còn được sử dụng nhiều lần trong các số báo. Phần chính giữa trang bìa thường in mục lục các bài nổi bật trong số đó. Một vài số báo phía dưới măng-sét thay phiên nhau in hai câu tôn chỉ của báo, trích từ Kinh dịch và Victor Hugo, đã được giới thiệu trong số đầu tiên. Trang 1 của phần nội dung cũng in lại măng-sét và một vài trong số những thông tin trên ở phía trên cùng của trang báo. Bìa 2, bìa 3, bìa 4 in quảng cáo và thông báo.

Về nội dung, báo tập trung vào các vấn đề kinh tế, xã hội, triết học và đặc biệt là văn chương. Đầu mỗi số luôn có bài bình luận của tòa soạn về cuộc sống, các triết lý sống, những giãi bày của tòa soạn, những nhận xét về các sự kiện trong xã hội (thường đây chính là những bài viết của Trúc Hà, Đông Hồ)… Kế đến là những bài xã luận, hoặc phóng sự, đặc biệt là các phóng sự nghề nghiệp: Điều tra về nghề hát Triều của Liên Tiếu, Trên vùng đất đỏ của Trúc Hà: phóng sự về những người công nhân nông trường cao su, Trong quãng tối tăm của Trí Dưỡng viết về người thất nghiệp, Quãng đời mô phạm, Đời thầy giáo ở Việt Nam viết về nghề giáo, Điều tra nghề làm nước mắm ở Phú Quốc của Lư Khê, Một cảnh khổ của nhà nông của Tô Mai, Nghề làm ruộng của Văn Liễn, Nghề làm giấy súc ở Tây Ninh… Báo rất tập trung phản ánh đời sống nhân dân, đặc biệt là những người lao động nghèo khổ, bàn luận những vấn đề kinh tế. Thậm chí có một số báo chuyên đề kinh tế (số 6), chỉ nói về việc làm, thu nhập, tình hình kinh tế chung và hoàn cảnh khốn khổ của người lao động, thậm chí hướng dẫn cách tiết kiệm cho người dân cày và người thầy giáo, đưa ra những bảng tính toán thu chi hết sức chi li. Chuyên mục Phải chăng dành để bàn luận tin tức thời sự, mục Trích dịch báo sách trích lược và tóm tắt nội dung, tin tức đặc sắc từ các báo khác như Phụ nữ tân văn, Nam Phong, một kiểu đọc báo giùm bạn. Chuyên mục này về sau phải bỏ vì nhiều độc giả than phiền nó choán giấy vô ích. Tuy rằng có ý kiến độc giả khác phản bác lại, phân tích hẳn hoi ích lợi và đề nghị phục hồi nhưng chuyên mục này về sau không xuất hiện nữa. Mục Tiểu phẩm có những tác phẩm vui để giải trí đơn thuần hoặc phản ánh các vấn đề xã hội. Báo đặc biệt quan tâm nhiều đến triết học, có những bài viết khá công phu về tư tưởng của những triết gia như: Kant, Henri Bergson, Decartes, Corneille, Pascal, vấn đề giáo dục của Gandhi… Bên cạnh đó còn có chuyên mục bàn luận về những tri thức khoa học trên thế giới, về chính trị thế giới… Cuối báo thường đăng tin tức gần xa một cách hết sức ngắn gọn (mục Tin tức) hoặc tin tức từ nước ngoài trong mục Chuyện nước ngoài.

Văn chương được báo Sống tập trung hơn cả với rất nhiều chuyên mục: Truyện ngắn, Truyện dài (tiểu thuyết), Nguồn thơ, Văn hồi ức, Phê bình… các bài nghiên cứu lý luận văn học, các tranh biện về văn chương, dịch văn học nước ngoài, cụ thể là văn học Pháp. Báo đặc biệt quan tâm đến việc bồi dưỡng văn chương, chữ quốc ngữ cho học trò, cho những người yêu mến văn chương, bởi những người làm báo cũng chính là những người có tâm huyết với sự nghiệp giáo dục và phát triển văn chương. Mục Tặng bạn trẻ là một hình thức khuyến khích những bài văn hay của học trò, mỗi kỳ đăng tải một đề bài và bài luận xuất sắc cho đề bài ấy. Mục Trong vườn Trí Đức lại là một kiểu khích lệ dành cho những người tập viết văn, dìu dắt những người mới chập chững vào làng văn. Đông Hồ có lời tỏ rõ mục đích ở đầu chuyên mục trong mỗi số báo:

“Từ khi báo Sống xuất bản thì công việc giảng tập quốc văn của Trí Đức học xá ở Hà Tiên tạm ngừng lại.

Nay trình với các nơi xa gần những ai có cảm tình với T.Đ.H.X lâu nay muốn học Quốc ngữ, muốn nhờ chữa những bài văn, bài thơ mới tập làm, xin cứ gởi về cho tên tôi ở tòa báo Sống.

Công việc giảng tập cứ làm lại như trước, bằng lối hàm thụ.

Tôi nhận chữa giúp những bài tản văn, vận văn, tùy người làm muốn viết lối nào cũng được: hoặc tùy bút, cảm tưởng, ký sự, luận thuyết, khảo cứu, tiểu thuyết.

Trong các bài gởi lại, có bài nào khá, sau khi chữa xong, tôi cho đăng lên báo Sống ở mục Trong vườn Trí Đức.

Đông Hồ

Thời kỳ này các cô giáo vừa tốt nghiệp sư phạm hoặc các nữ sinh trường Áo Tím (trường Nguyễn Thị Minh Khai ngày nay) ưa thích tập quốc văn nên gửi bài về rất nhiều. Mộng Tuyết kể lại, “Sau này khi đất nước thống nhất, nhà văn Bùi Hiển vào Nam (…) vui miệng kể trước kia anh cũng từng gửi bài về “Trong vườn Trí Đức” của báo Sống được thầy Đông Hồ coi lại. Việc này Bùi Hiển cũng có nhắc trên báo Văn Nghệ”[4].

Báo có những bài về công dụng của quốc văn, quan tâm đến chính tả, đến việc phát triển chữ quốc ngữ. Như ở mục trên chúng tôi đã nói, báo chí Sài Gòn viết sai chính tả đầy rẫy, một phần do chênh lệch giữa chính tả và lối phát âm, một phần do quan niệm. Rất nhiều người cho rằng nên nói sao viết vậy. Những người làm báo Sống chủ trương không phân biệt Nam Bắc trong chữ viết. “Khi báo Sống mới ra đời, chúng tôi chủ ý chen trong câu văn ít nhiều tiếng Bắc, mục đích là muốn làm cho tiếng nói được thống nhứt, và không có sự chia rẽ người trong hai xứ Bắc – Nam. Trong khi viết văn, chúng tôi chỉ chọn lựa những chữ nào thanh nhã hay không thanh nhã, đúng nghĩa hay không đúng nghĩa – tất nhiên là theo ý của chúng tôi – chớ không còn nhớ nó là tiếng Nam hay tiếng Bắc nữa. Chúng tôi đều coi là một tiếng chung của cả nước: tiếng Annam.”[5]. Báo Sống, từ số 8 đã thông báo với độc giả: “Báo chí in trong Nam mà in được dấu hỏi dấu ngã là một sự rất khó khăn mà là một sự không nên xem thường bỏ qua. Chúng tôi hết sức thu xếp với nhà in và nhiều công phu xem xét để từ đây báo Sống cũng in được đúng dấu hỏi dấu ngã như các báo ở Bắc. Vì chúng tôi bao giờ cũng lưu tâm đến sự học sự viết quốc ngữ, và chúng tôi muốn báo Sống là tờ báo bổ ích cho các học trò quốc ngữ.”[6] Và cũng từ số báo này, các bài viết được in rất đúng chính tả, nhất là không sai dấu hỏi, ngã. Đây là tờ báo đầu tiên của Gia Định – Sài Gòn in đúng chính tả. Và để có được kết quả này, Đông Hồ đã trực tiếp đọc đi đọc lại bản thảo, xuống tận nhà in Bảo Tồn xem xét công việc in ấn một cách cẩn thận, đổ biết bao công sức. Trúc Hà còn viết một loạt bài hướng dẫn một số mẹo luật trong chính tả quốc ngữ: Một vài “mẹo luật” trong quốc ngữ.  Thật ra những mẹo luật này chỉ là những đúc kết của riêng tác giả trong quá trình đọc và viết quốc ngữ, bởi khi này chữ quốc ngữ chưa hoàn thiện. Những nguyên tắc này có những điểm còn lỏng lẻo, còn nhiều ngoại lệ, và đôi khi quá rườm rà, khó nhớ, nhưng cũng đã giúp rất nhiều trong việc phổ biến cách viết chữ quốc ngữ sao cho đúng chính tả. Đó là một đóng góp lớn. Bên cạnh đó, báo còn có loạt bài hướng dẫn cách hành văn cho trôi chảy, trong sáng và giản dị, cách chấm câu cho chính xác, loạt bài Cách học và viết quốc ngữ. Hai loạt bài này về sau được in thành sách,  như một cuốn cẩm nang dành cho những người học và viết quốc ngữ. Đầu số 20 còn có một bài xã luận của Hà Nhơn (bút danh khác của Trúc Hà) bàn về công dụng của quốc văn. Có thể thấy những người chủ trương báo Sống đã hết sức tâm huyết với văn học quốc ngữ, chỉn chu và trau chuốt từng con chữ, từng dấu thanh, gửi vào đấy tất cả tình yêu tiếng Việt.

1.2.4. Lực lượng cộng tác và phạm vi ảnh hưởng

Tuy là báo trong Nam, nhưng Sống lại ảnh hưởng sâu đậm từ báo chí ngoài Bắc, mà cụ thể là báo Nam Phong. Khi Nam Phong đình bản, Sống đã có hẳn một bài viết dài phân tích và ngợi ca Nam Phong. Thậm chí, báo còn có riêng một bài bài bác, cãi lại những người chê bai Nam Phong. Văn phong trên báo phảng phất lối văn chương ngoài Bắc. Bản thân những người chủ trương báo Sống cũng thường xuyên cộng tác với các báo phía Bắc như Trúc Hà, Đông Hồ, Mộng Tuyết… Đông Hồ có 10 năm viết báo Nam Phong từ 1923 đến 1933, biên soạn, khảo cứu, ký sự, tùy bút, và dĩ nhiên là cả thơ ca. Chính bởi mười năm ấy mà các nhà văn học sử thường xếp ông vào nhóm Nam Phong. Trúc Hà viết cho Nam Phong ít hơn, chỉ khoảng từ 1927 đến 1932, nhưng cũng đã lưu lại một số tác phẩm gây chú ý. Mộng Tuyết còn gửi truyện ngắn của mình đã đăng trên báo Sống ra Bắc dự thi và đoạt giải truyện ngắn của nhà xuất bản Nam Ký. Chính vì vậy mà báo Sống có ảnh hưởng rộng rãi trong Nam ngoài Bắc. Báo thu hút rất nhiều người cộng tác. Lực lượng sáng tác chú yếu của báo đương nhiên là hội bạn Trí Đức của xứ Hà Tiên, mà nòng cốt nhất là bốn cây bút Trúc Hà, Đông Hồ, Mộng Tuyết, Trúc Phong. Hầu như số báo nào cũng có sự xuất hiện của những tác giả này, có thể dưới nhiều bút danh khác nhau. Những cây bút khác của Trí Đức có thể kể đến như Trọng Toàn, Bạch Như, Quang Đẩu… Ngay cả Lư Khê, năm ấy mới 19 tuổi cũng đã kịp góp cho Sống một bài thơ trước khi báo đình bản (Nhủ nhau - số 30), và sau này góp mặt vào hàng danh sĩ xứ Phương Thành, trở thành người em út tài hoa của Hà Tiên tứ tuyệt. Ngoài ra còn có các tác giả miền Nam khác như Thiếu Sơn, Minh Đức, Tô Mai, Liên Thành (Phan Hữu Bích), Liên Tiếu (Lê Thọ Xuân)… có những tác giả ghi rõ quê quán: Lê Văn Nhuận (Cao Lãnh), Lê Trung Hằng (Giá Rai, Bạc Liêu), Nguyễn Hữu Trí (Tây Ninh), Huỳnh Văn Nghệ (Bình Dương) còn có bút danh khác là Huỳnh Văn, Huỳnh Nghệ Sĩ… những tác giả đất Bắc nổi tiếng như Tản Đà, Á Nam Trần Tuấn Khải, Vân Đài, và các tác giả khác như Thái Phỉ - Nguyễn Đức Phong (Hà Nội), Hạc Thủy (Thanh Hóa), Ngô Chung Tử (Nam Định)… Sống còn được trân trọng giới thiệu trên một tờ báo phía Bắc, nguyên văn: “Nếu các bạn muốn biết đến nhữngg câu chuyện về học thuật văn chương, những vấn đề thiết thực về sự sống của một dân tộc, những chuyện hay, mới, vui, viết bằng một lối văn giản dị, nhẹ nhàng thì bạn hãy gửi mua tuần báo Sống. Sống là tờ tuần báo có giá trị nhất trong Nam, ở số 43 đường Frère Louis Saigon, do các bạn của Trí Đức học xá chủ trương, có ông Đông Hồ đứng giám đốc và ông Trần Thiêm Thới đứng chủ nhiệm.”. Tin này đăng trên Văn học ngày nay, số 2, phát hành ngày 25.5.1935, tòa soạn số 193 Hàng Bông, Hà Nội. Tuy lời lẽ trong đoạn văn này mang nhiều chất quảng cáo, nhưng nó cũng nói lên giá trị của tờ báo với đời sống đương thời và mức độ phổ biến của nó.

Tiểu kết

Như vậy, báo Sống ra đời trong một thời kì văn học, báo chí rất sôi động trong Nam ngoài Bắc. Báo sinh thành và phát triển ở một thành phố năng động bậc nhất trên con đường giao lưu và tiếp biến văn hóa, văn chương, đã đạt được những thành tựu bước đầu giữ vai trò nền tảng, tạo tiền đề cho một giai đọan phát triển như vũ bão của văn học, báo chí quốc ngữ cả nước. Bên cạnh đó, khi văn học, báo chí Sài Gòn vẫn còn những hạn chế, đặc biệt là vấn đề chính tả thì báo Sống đã đi tiên phong trong việc tuân thủ chuẩn chính tả quốc ngữ ở đất phương Nam này. Về nội dung, báo quan tâm nhiều đến những vấn đề kinh tế, xã hội, triết học và đặc biệt là văn học, lưu ý đến việc bồi dưỡng văn chương, chính tả quốc ngữ cho bạn đọc, thu hút sự quan tâm, cộng tác của bạn đọc trong cả nước, từ Bắc chí Nam.

 

 

MỤC LỤC

MỤC LỤC.. 5

PHẦN MỞ ĐẦU.. 7

1. Tính cấp thiết của đề tài 7

2. Tình hình nghiên cứu đề tài 8

3. Mục đích và nhiệm vụ của đề tài 9

4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu. 9

5. Giới hạn của đề tài 10

6. Đóng góp mới của đề tài 10

7. Ý nghĩa lý luận và ý nghĩa thực tiễn. 10

8. Kết cấu của đề tài 11

Chương 1. 12

KHÁI QUÁT.. 12

1.1. Báo chí và văn học quốc ngữ Gia Định – Sài Gòn cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.. 12

1.1.1. Báo chí quốc ngữ Gia Định – Sài Gòn cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.. 12

1.1.2. Văn học quốc ngữ Gia Định – Sài Gòn cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.. 18

1.2. Khái quát báo Sống. 26

1.2.1. Sự thành lập và quá trình hoạt động của báo Sống. 26

1.2.2. Tôn chỉ mục đích của báo Sống. 28

1.2.3. Hình thức – nội dung của báo Sống. 30

1.2.4. Lực lượng cộng tác và phạm vi ảnh hưởng. 33

Chương 2. 35

TÁC GIẢ ĐÓNG GÓP CHO BÁO SỐNG.. 35

3.1. Những cây bút chủ lực. 35

3.1.1. Trúc Hà. 35

3.1.2. Đông Hồ. 44

3.1.3. Mộng Tuyết 50

3.2. Một số tác giả khác. 54

3.2.2. Liên Thành. 55

3.2.3. Phạm Văn Ký. 57

3.2.4. Huỳnh Văn Nghệ. 59

3.2.5. Lư Khê. 60

3.2.6. Tản Đà, Á Nam Trần Tuấn Khải, Vân Đài 61

Chương 3. 63

TÁC PHẨM TRÊN BÁO SỐNG.. 63

2.1. Mảng sáng tác văn chương. 63

2.1.1. Thơ. 63

2.1.2. Truyện ngắn. 70

2.1.3. Tiểu thuyết 75

2.2.4. Tùy bút, văn hồi ức, phóng sự. 81

2.2. Mảng lý luận, nghiên cứu, phê bình văn học. 85

2.2.1. Lý luận, nghiên cứu văn học. 85

2.2.2. Phê bình văn học. 87

KẾT LUẬN.. 94

 


 



[1] Mộng Tuyết, Núi Mộng gương Hồ, Nxb Trẻ, Tp HCM, 1998, tr.56

[2] Mộng Tuyết, sđd, tr.57

[3] Nguyễn Phước Thị Liên, “Chuyện ít người biết”, Chiêu Anh các, số đặc biệt kỷ niệm 300 năm thành lập trấn Hà Tiên, 2008, tr. 49.

[4] Mộng Tuyết, sđd, tr.58

[5] Báo Sống, số 11, trang 11

[6] Báo Sống, số 8, trang 11

Bài viết cùng tác giả

Danh mục website