Đôi điều nguồn gốc tác phẩm âm nhạc

 

Có người nói rằng mọi thứ đều có nguồn gốc, đều có những câu chuyện riêng. Tùy vào người diễn đạt và người tiếp thu thì ý nghĩa của mỗi câu chuyện sẽ khác đi ít nhiều. Ví như ta kể về một mẩu tin trên báo, một bản tóm tắt hội thảo công ty, hay về một cuộc gặp gỡ lãng mạn của một cặp tình nhân, thì đó là những câu chuyện đấy thôi.

 

Người thưởng thức và người phân tích âm nhạc

Cái khái niệm về mọi thứ đều có nguồn gốc, đều có những câu chuyện riêng có thể áp dụng vào âm nhạc. Thường thì chúng ta không bao giờ biết chính xác câu chuyện gì đã xảy ra, câu chuyện gì đã tạo cảm hứng sáng tác cho các nhà sáng tác nhạc, nhưng điều này đâu có quan trọng. Để thưởng thức được một tác phẩm âm nhạc, thực ra chúng ta không cần phải biết quá tỉ mỉ về tác phẩm đó. Với hầu hết các tác phẩm âm nhạc, để hiểu, để thưởng thức thì chúng ta không cần có thêm những tờ chỉ dẫn như những tấm bản đồ đầy ký hiệu để làm gì. Vì nếu diễn giải không khéo thì tác phẩm chỉ trở nên rắc rối khó hiểu hơn, và chúng ta có thể bị lạc phương hướng cùng với những tấm bản đồ loằng ngoằng trừu tượng đó. Những ký hiệu trong bản nhạc, những câu chuyện đi kèm là một trong những cách để miêu tả tác phẩm đó, nhưng nếu không có những điều đó thì cũng không sao. Nếu không phải từ chính tác giả, thì những sự diễn giải bên cạnh tác phẩm âm nhạc là hòng cho chúng ta đồng ý với cái ý tưởng của những người diễn giải, mà cũng có thể sự cảm nhận âm nhạc riêng của mỗi chúng ta lại hoàn toàn khác nhau, có thể là không ai giống ai.

Những nhà lý luận âm nhạc có thể mổ xẻ một tác phẩm ra thành những phần bé tí, rồi sau đó họ phân tích tác phẩm đó bằng những thuật ngữ âm nhạc rắc rối và cho chúng ta những bản phân tích tỉ mỉ li ti đầy tính kỹ thuật cứng nhắc. Mục đích của chúng ta không phải để trở thành những nhà lý luận âm nhạc này kia, mà chỉ là những người thưởng thức âm nhạc mà thôi. Để thưởng thức âm nhạc, chúng ta cần vận dụng trí tưởng tượng phong phú mà ai cũng có và để cái việc phân tích tác phẩm một cách chi tiết cho lúc nào đó trong tương lai. Mỗi lần nghe đi nghe lại một tác phẩm âm nhạc, có thể chúng ta sẽ cảm nhận được những yếu tố kỹ thuật, những câu chuyện nào đó phía sau bức màn âm thanh thì đó cũng là dấu hiệu tốt. Điều đó nhắc lại cho chúng ta khái niệm rằng mọi thứ đều có nguồn gốc, đều có những câu chuyện riêng.

Thực vậy, trong kho tàng âm nhạc, chúng ta có rất nhiều tác phẩm âm nhạc nổi tiếng được sáng tác theo nội dung từ những tác phẩm văn học như là từ bài thơ “The Afternoon of a Faun” (Buổi chiều của Thần Đồng Áng) của Mallarmé được nhạc sĩ Debussy sáng tác thành tác phẩm âm nhạc cùng tên cho dàn nhạc hòa tấu, câu chuyện “Romeo và Juliet” đã là chủ đề sáng tác cho nhạc sĩ Tchaikovsky, nhạc sĩ Prokofiev (người Nga), viết về truyền thuyết “Thánh Gióng” có nhạc sĩ Doãn Nho, nhạc sĩ Trần Trọng Hùng viết về sự kiện lịch sử chiến thắng “Điện Biên Phủ”, hoặc nhạc sĩ Beethoven viết về “Wellington’s Victory” (Chiến thắng của Wellington), hoặc với cảm xúc từ những tác phẩm hội họa là tác phẩm “Những bức tranh trong phòng triển lãm” của nhạc sĩ Mussorgsky, và nhạc sĩ Vivaldi (người Ý) đã nói về bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông qua tác phẩm “Bốn mùa” thật nổi tiếng của mình.

Nhưng chúng ta lại có một cách tiếp cận âm nhạc khác đi một chút. Tức là chẳng có câu chuyện gì phía sau những nốt nhạc cả, mà nguồn gốc của tác phẩm là từ khu vực sáng tạo trong não bộ của nhà sáng tác nhạc phát ra. Sự sáng tạo này là một phần trong năng khiếu nghệ thuật trời cho của một số người. Đó là âm thanh, nét nhạc, thậm chí toàn bộ tác phẩm vang lên trong đầu, và rồi người nhạc sĩ có nhiệm vụ đem món quà trời cho này tới những người khác. Trong trường hợp thứ âm nhạc mà không gắn với câu chuyện, hoặc ý nghĩa đặc biệt nào thì được gọi là âm nhạc thuần túy âm nhạc (pure music hoặc absolute music). Thuật ngữ này dùng để phân biệt với âm nhạc tiêu đề (programme music). Thông thường, những tác phẩm âm nhạc có nội dung, có cốt chuyện nào đó thì sẽ có tiêu đề. Nhưng không hẳn lúc nào những tác phẩm có tiêu đề cũng có nội dung rõ ràng. Ví như tác phẩm “Für Elise” (Bức thư cho Elise) của nhạc sĩ Beethoven vẫn là một sự bí hiểm về nội dung thực sự của tác phẩm. Tác phẩm này vẫn là chủ đề cho các nhà lý luận, các nhà nghiên cứu âm nhạc khai thác, vẫn là nguồn cảm hứng cho nhiều tâm hồn bay bổng tưởng tượng ra những câu chuyện ly kỳ, lãng mạn, hấp dẫn. (*)

Người sáng tác và người biểu diễn âm nhạc

Ngày xưa, các nhà sáng tác nhạc thường là những người tham gia biểu diễn luôn tác phẩm của mình. Còn ngày nay có nhiều nhạc sĩ chỉ chuyên sâu vào việc sáng tác và giao phó những đứa con tinh thần của mình cho người khác thể hiện. Thay vì thể hiện mình trên sân khấu, các nhạc sĩ này chọn cách biểu diễn trên giấy. Có lần, một nhạc sĩ được phỏng vấn là tại sao lại không tham gia biểu diễn, chẳng nhẽ khi làm nhà sáng tác nhạc, hay nhà soạn nhạc thì không còn khả năng biểu diễn nữa. Nhạc sĩ đó đã trả lời là:

“Đâu có, chúng tôi vẫn tham gia biểu diễn đấy chứ, chúng tôi biểu diễn trên giấy”. Nhưng ở một số trường hợp tới tận ngày nay, mà có thể là cả mai sau nữa, các nghệ sĩ biểu diễn ngẫu hứng trong âm nhạc dân gian, hoặc nhạc Jazz … cũng vẫn là những nhà sáng tác nhạc và trực tiếp tham gia biểu diễn âm nhạc của họ như những nhạc sĩ từ thời xa xưa. Ví như, sau một vụ mùa bội thu, dân làng tổ chức lễ hội, và trong không khí tưng bừng ấy, những nghệ nhân dân gian sẽ ứng tác những điệu nhạc vui vẻ để cho vui thêm vui, nhưng cũng có thể sau một hồi vui vẻ, thì người nhạc sĩ có thể sẽ thể hiện những tâm tư buồn buồn đến não lòng, vì nhớ về những lần mất mùa, đói kém. Hoặc có thể tại một quán bar nho nhỏ, trong đơn độc, bên cây đàn piano cũ, có anh chàng nhạc sĩ si tình bỗng nhiên ngẫu hứng những âm thanh đầy lãng mạn quyến rũ lòng người, vì cảm xúc anh đang dâng trào theo một bóng hồng vừa lướt qua tấm cửa kính ngoài kia. Như vậy, âm nhạc sáng tác ra có thể chỉ là diễn tả tâm trạng của người nhạc sĩ lúc đó, và nếu không được thể hiện ngay bằng âm thanh, bằng sự biểu diễn, thì sẽ được chuyển tải sang dạng văn bản, đó là bản nhạc.

Thực ra, cả hai cách là nhạc sĩ trực tiếp biểu diễn hoặc để người khác thể hiện tác phẩm của mình đều có cái những cái hay riêng. Nếu như tự mình biểu diễn tác phẩm của mình thì có thể tiện hơn, vì nếu thực sự mình sáng tác ra, tức là mình đã từng nghe âm thanh đó từ trong tâm trí, đã có nhiều cảm xúc với bao sự tưởng tượng, và chắc chắn là thấm đẫm tác phẩm đó đến mức mà dòng âm thanh có thể tuôn trào ra ngoài. Do vậy việc biểu diễn sẽ tiến hành được nhanh hơn, tác phẩm sẽ được ra công chúng nhanh hơn, và có thể rất nhanh nếu tác phẩm đó là tác phẩm ứng tác ngay nơi biểu diễn. Không những thế, cho dù vì lý do hoàn cảnh nào, hơn ai hết, tác phẩm do chính tác giả thể hiện thường bộc lộ được nhiều ý tưởng thực sự của tác giả hơn. Nhưng nếu nhà sáng tác nhạc lại chỉ huy tác phẩm cho dàn nhạc của mình, thì đôi khi làm khó khăn cho các nhạc công trong dàn nhạc, vì tác giả hay sửa chữa tác phẩm của mình nhiều lần từ trong lúc tập với mọi người, thậm chí ngay trước khi biểu diễn. Đó cũng là logic , vì khi nhà sáng tác nhạc đặt nốt nhạc xuống bản nhạc thì nốt nhạc đó mang thông tin của thời điểm đấy một cách chính xác nhất, chỉ đúng lúc đấy tác giả mới thực sự biểu diễn cảm xúc của mình. Đến khi hoàn chỉnh thành văn bản, thì cảm xúc khi sáng tác tác phẩm đó đã ra khỏi tâm trí và nằm im lìm trên giấy. Việc tác giả tự thể hiện tác phẩm của mình cũng gần như là việc hồi tưởng lại những cảm xúc đã qua. Và nếu cảm xúc cũ không quay lại được, hoặc là thay đổi ý định, ý tưởng thì quyền được chỉnh sửa tác phẩm của tác giả sẽ có hiệu lực, đó là nguyên nhân của những phiền toái khác nhau cho những ai được may mắn làm việc với tác giả. Có ý kiến cho rằng việc sáng tác thì cứ sáng tác, còn người biểu diễn thì lo phần biểu diễn, như vậy sẽ hiệu quả hơn. Vì người sáng tác sẽ có cơ hội được sáng tác nhiều hơn, sẽ không bị phân tán thời gian vào việc tập luyện lại những tác phẩm của mình để biểu diễn, cũng như là thời gian cho việc tham gia biểu diễn. Hơn nữa, người sáng tác có thể sáng tác cho những nhạc cụ mà chính mình không có khả năng thể hiện được. Tuy rằng đã có khái niệm, có lý thuyết và ý tưởng, âm thanh trong kho kiến thức, nhưng nhà sáng tác sẽ không phải tự mình biểu diễn tất cả các nhạc cụ mà mình sáng tác cho. Nếu có khả năng biểu diễn thông thạo được càng nhiều nhạc cụ thì càng tốt, nhưng với nhạc sĩ sáng tác thì điều đó không quá quan trọng. Hơn nữa, nếu được kết hợp thêm tri thức của những cái đầu khác, có thể tác phẩm đó sẽ được hồi sinh một lần nữa, sẽ được tươi mới dưới ánh sáng mới, cái nhìn mới.

Nhưng cũng không hẳn mọi sự kết hợp luôn thành công. Nếu người thể hiện lại tác phẩm không thể thưởng thức được tác phẩm, không cảm thụ được tinh thần, hay sự tưởng tượng bị gây nhiễu hoặc không tưởng tượng nổi do học lại từ những sự diễn giải không khéo, thì một tác phẩm đơn giản có thể trở nên rối như mớ bong bong không thể hiểu nổi. Mỗi lần biểu diễn là một lần tác phẩm được hồi sinh. Và như vậy, nếu vào tay “người này” thì một tác phẩm đơn thuần âm nhạc cũng sẽ có đầy ý nghĩa, tác phẩm có nội dung thì sẽ nổi bật những điểm lấp lánh, tất cả sẽ được làm đẹp hơn, hay hơn. Nhưng nếu vào tay “người kia” thì chẳng khác nào “gửi trứng cho ác”; khi đó một tác phẩm có ý nghĩa sẽ mất ý nghĩa, nếu là tác phẩm đơn thuần âm nhạc thì sẽ không còn âm nhạc nữa. Thay vì được hồi sinh, tác phẩm có thể sẽ được bóng tối bảo vệ, và không ai muốn nghe nữa.

————–

Tham khảo:

Nếu có điều kiện, chúng ta thử tìm xem những bộ phim âm nhạc sau:

  • Amadeus” về nhạc sĩ Mozart– phim Mỹ năm 1984, đạo diễn Milos Forman, diễn viên Tom Hulce.
  • “Immortal Beloved” về nhạc sĩ Beethoven– phim Anh, Mỹ năm 1994, đạo diễn Bernard Rose, diễn viên Gary Oldman.
  • “The Legend of 1900” về một nghệ sĩ Piano sống cả đời trên biển– phim Ý năm 1998, đạo diễn Giuseppe Tornatore, diễn viên Tim Roth.

Chú thích:

(*) Elise tinh tế & xúc cảm

 

Danh mục website