Đọc sách: Hát nói Nguyễn Công Trứ chuyên luận và tinh tuyển ·


1. Nguyễn Công Trứ (1778 – 1858) tự Tồn Chất, hiệu Ngộ Trai, biệt hiệu Hy Văn, người làng Uy Viễn, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, có tài “kinh bang tế thế”, văn võ kiêm toàn, lại giỏi quốc kế dân sinh. Ông là một nhà Nho hành đạo, suốt đời hành động để thực hiện lý tưởng sống, khát vọng sống, đồng thời lại là Nho tài tử, với một cá tính có một không hai trong lịch sử văn hóa Việt Nam thời trung đại. Không kể các bài nghiên cứu đăng trên các báo, tạp chí và các bộ văn học sử, chỉ tính riêng các loại sách chuyên luận, khảo cứu, sưu tầm về giai thoại, về cuộc đời và sự nghiệp, về thơ văn của Uy Viễn tướng công đã có trên 20 cuốn, mà nhà Hán học lão thành Lê Thước là người đầu tiên với công trình Sụ nghiệp và thi văn của Uy Viễn tướng công, nhà in Lê Văn Tân, Hà Nội, 1928; Tiếp đến là của Nguyễn Bách Khoa Trương Tửu: Tâm lý và tư tưởng Nguyễn Công Trứ, Hàn Thuyên, Hà Nội, 1944, mà chuyên luận này đã gây một tiếng vang trong giới văn nghệ lúc bấy giờ v.v..

Góp phần vào tình hình nghiên cứu chung về cụ Thượng Trứ, và cũng là để bày tỏ tấm lòng của hậu sinh đối với tiền nhân trong dịp kỷ niệm 230 năm ngày sinh, 150 năm ngày mất của danh nhân văn hóa Nguyễn Công Trứ, được sự ủng hộ của UBND huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh và Nxb Nghệ An, Nguyễn Đức Mậu đã cho xuất bản Hát nói Nguyễn Công Trứ chuyên luận và tinh tuyển.

Cũng cần nói thêm, trước khi Hát nói Nguyễn Công Trứ ra mắt công chúng độc giả thì anh Nguyễn Đức Mậu đã có một số công trình nghiên cứu hoặc biên soạn về thể loại Ca trù - Hát nói, về Nguyễn Công Trứ như: Ca trù Cổ Đạm (in chung, Sở Văn hoá Hà Tĩnh, 1999); Ca trù nhìn từ nhiều phía (biên soạn, in chung, Nxb Văn hoá Thông tin, HN, 2003); Nguyễn Công Trứ - về tác gia và tác phẩm (in chung, Nxb Giáo dục, HN, 2003); Mục từ Nguyễn Công Trứ trong Từ điển văn học (Bộ mới), Nxb Thế giới, HN, 2004. Và ngay cả công trình mà anh dành nhiều công sức tâm huyết là luận án Tiến sĩ (2001) cũng nghiên cứu về thể loại Hát nói, trong đó có Hát nói của cụ Uy Viễn tướng công (2001). Nói thế nhằm khẳng định rằng tác giả chuyên luận đã có sự chuẩn bị từ lâu, với nhiều công sức bỏ ra, có sự tích lũy và đã có một nội lực tương đối thâm hậu trước khi viết về Hát nói Nguyễn Công Trứ chuyên luận và tinh tuyển.

Chuyên luận và tinh tuyển này có dung lượng 256 trang, ngoài Lời giới thiệu (của ông Nguyễn Hiền Lương, chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân, quê hương cụ Thượng Trứ), Tiểu dẫn, Tài liệu tham khảo (với 86 danh mục sách Hán Nôm, quốc ngữ), thì nội dung trọng tâm gồm ba phần:

- Hát nói Nguyễn Công Trứ trong lịch sử văn học dân tộc (từ trang 9 – trang 102).

- Tuyển Hát nói (72 bài, từ trang 103 – trang 202).

- Các sự kiện trong cuộc đời (từ trang 203 – trang 242) 

2. Trước hết xin có đôi điều về phần chuyên luận Hát nói Nguyễn Công Trứ trong lịch sử văn học dân tộc. Với hơn 90 trang viết, dường như những tâm huyết về cụ Thượng  Trứ đã được tác giả chuyên luận trình bày một cách tương đối đầy đủ, trọn vẹn, với một kết cấu chặt chẽ, sáng rõ, giúp cho người đọc hiểu rõ hơn về cuộc đời, sự nghiệp, con người, văn chương Nguyễn Công Trứ.

Trên lĩnh vực văn chương, cụ Thượng Trứ là người khai sinh, là ông hoàng của thể loại Hát nói, đã biến một thể loại từ âm nhạc mang tính tài tử nơi ca lâu thành một thể loại văn học, với nhiều đóng lớn, mà sau này nhiều danh sĩ sử dụng và sáng tác ra nhiều tác phẩm xuất sắc, tạo nên sự phong phú, đa dạng, đa giọng điệu cho văn học trung đại Việt Nam. Đúng như tác giả chuyên luận đã khẳng định: “Trước và sau Nguyễn Công Trứ chưa từng có một tác gia văn học nào vừa là người có công tích đột xuất cho việc hoàn thiện một thể loại văn học, trước bạ nó vào bộ văn học sử, vừa là người kiến tạo đỉnh cao thể loại đó như Nguyễn Công Trứ đối với hát nói. Văn học Việt Nam cũng chưa từng thấy hiện tượng một thể loại văn học được hình thành và phát triển từ văn nghệ, từ âm nhạc như hát nói và quan trọng hơn nữa, vai trò lớn nhất là thuộc về một người, như trường hợp Nguyễn Công Trứ” (1). Bởi theo lẽ thông thường “các tác gia văn học lớn ở Việt Nam chỉ góp phần đưa thể loại lên đỉnh cao của nó như Nguyễn Du với truyện nôm, Nguyễn Gia Thiều với ngâm khúc, Nguyễn Công Trứ và Cao Bá Quát với phú nôm. Nếu đặt vai trò của các tác gia, trong tương quan so sánh, về phương diện thể loại, thì Nguyễn Công trứ là một ngoại lệ” (2).     

Trên lĩnh vực chính trị, cụ Thượng Trứ là con người hành động, giỏi quân sự, có tài kinh bang tế thế: “Trong lang miếu ra tài lương đống, / Ngoài biên thùy rạch mũi can tương. (…) Kinh luân khởi tâm thượng, / Binh giáp tàng hung trung.” như trong Luận kẻ sĩ – một bản tuyên ngôn về chí làm trai mà cụ đã viết lúc còn hàn vi; lại lừng danh trong việc khai khẩn, bằng cách biến vùng đầm lầy nước mặn thành ruộng đồng phì nhiêu, giúp dân an cư lạc nghiệp, để làm nên hai huyện Kim Sơn (Ninh Bình) và Tiền Hải (Thái Bình) cùng một số xã ven biển khác ở Bắc bộ.

Trong cuộc sống và trong văn chương, Nguyễn Công Trứ là người đa tài, và đa tình. Về đa tài thì tài nào ở cụ“cũng đạt độ xuất sắc, độc đáo”: tài để làm nên sự nghiệp lẫy lừng; tài để mà chơi. Nói chung, khác với nhiều người trước và sau ông, cụ Thượng Trứ thường hay tự nói về mình, hay cậy tài “khoe tài”, “thị tài” (3). Tình cũng vậy. Ông không hề giấu giếm, che đậy. Nếu nghiên cứu về Nguyễn Công Trứ mà không tìm hiểu về Tài và Tình, thì theo tôi là chưa hiểu gì về tác giả nhà Nho hành động – tài tử này. Vấn đề trên đã được chuyên luận trình bày kỹ càng và công phu, với những kiến giải xác đáng.

Ở phần chuyên luận, tác giả đã chia làm hai mục:

A. Cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Công Trứ - con người hành động.

B. Hát nói Nguyễn Công Trứ trong lịch sử văn học dân tộc.

Mục B, được tác giả nghiên cứu 7 khía cạnh qua 7 tiểu mục:

1.     Ý thức về tài – một trong những nội dung chính của hát nói

2.     Đa tình – một nội dung mang tính đặc trưng

3.     Hành lạc – một quan niệm sống, một tư tưởng

4.     Nhàn như một ý thức phản kháng

5.     Vần và nhịp

6.     Câu và từ

7.     Không gian và thời gian

Ở phần B, với sự sắp xếp như trên, người đọc dễ nhận thấy rằng tác giả chuyên luận đã tìm hiểu 4 khía cạnh về nội dung và khảo sát 3 khía cạnh về nghệ thuật Hát nói của Nguyễn Công Trứ. Tất cả đều được tác giả chuyên luận phân tích, dẫn giải khá hợp lý và thuyết phục, chẳng hạn “Tài” là một trong những nội dung chính mà cụ Uy Viễn đề cập rất nhiều trong Hát nói; hay “Tình” chính là nét đặc trưng trong Hát nói của ông; và “Hành lạc” đúng là một tư tưởng, một quan niệm sống, v.v..

Tuy nhiên, trong phần này, thiết nghĩ, có lẽ tác giả chuyên luận nên khai thác thêm nội dung “Thế thái nhân tình và cảnh nghèo”. Đây cũng là một nội dung chính bên cạnh “Tài”, “Tình”, “Hành lạc”, “Nhàn”, mà nội dung này, cụ Thượng Trứ có đề cập trong Hát nói, tuy chưa nhiều như trong thơ Nôm Đường luật của ông. Nếu sau này có điều kiện tái bản, tác giả nên bổ sung để chưyên luận này được đầy đủ, hoàn hảo hơn.

Về “hành lạc”, theo tác giả chuyên luận thì đây đúng là thể hiện một “quan niệm sống, một tư tưởng”, và tôi xin được bổ sung thêm đó còn là một triết lý sống, nhưng đồng thời theo cụ Uy Viễn, đây cũng là phần thưởng thích đáng mà xã hội, cuộc đời dành cho những người đã trả xong nợ tang bồng! Việc này, ngay từ thuở hàn vi, cụ Trứ đã tuyên bố, có điều, qua hoạn lộ thăng trầm, nếm trải nhiều mùi vị cuộc đời, càng về sau, việc hưởng nhàn và hành lạc của cụ có thiên về sắc dục, rồi đắm chìm với nó, có lúc được cụ đẩy lên tới mức gần như là cực đoan. Theo tôi, trong con người, cuộc đời và thơ văn Nguyễn Công Trứ có sự nhất quán: từ hành động đến hành lạc, tất cả đều xuất phát từ một động cơ tư tưởng, thể hiện một nhân sinh quan hoàn chỉnh của cụ: hành lạc và hành động là trách nhiệm và là quyền lợi của mỗi con người – kẻ sĩ. Vì thế mà cụ say sưa nói về hành lạc cũng như say sưa khi nói về hành động.    

3. Về phần tuyển Hát nói của Nguyễn Công Trứ, trên cơ sở kế thừa những thành tựu đã có, người biên soạn đã tuyển 72 bài.

Tư liệu xưa cho biết, từ nhỏ Nguyễn Công Trứ đã nổi tiếng thông minh, mẫn tiệp, ứng đối giỏi, có tài xuất khẩu thành chương, mà nhiều giai thoại văn chương về ông đã ghi chép lại thật thú vị. Ông sáng tác khá nhiều nhưng rất tiếc là không có tập thi văn để lại. Toàn bộ di sản văn chương của ông hiện còn (đa phần viết bằng chữ Nôm) là do người đời sau sưu tầm, tập hợp lại, trong đó non một nửa sự nghiệp là Hát nói.

Ở đây, khi tuyển chọn, tác giả công trình chưa làm công tác khảo dị văn bản. Đây là một thiếu sót đáng tiếc. Bởi chúng ta biết rằng những văn bản về thơ văn Nguyễn Công Trứ là do người đời sau, qua nhiều thế hệ dày công sưu tầm, nên có nhiều câu chữ, nhan đề các bài còn có sự xuất nhập khác nhau, dù bản thân tôi cũng rất thông cảm khi tác giả viết rằng: “Chúng tôi cũng trên cơ sở sưu tầm của các thế hệ trước mà xem xét, sàng lọc, tinh tuyển lại nhưng riêng phần chú thích, khảo dị thì cần thời gian nên chỉ điều chỉnh được ít nhiều và chưa thể hoàn chỉnh được, vì vậy trước mắt phần lớn vẫn tiếp tục sử dụng những thành quả của Lê Thước, Nguyễn Văn Ngọc, Đỗ Bằng Đoàn, Đỗ Trọng Huề và Trương Chính” (4). Việc này, dù cuối mỗi bài được tuyển, tác giả có nêu Dị bản, nhưng chưa làm triệt để. Thiết nghĩ, nếu người biên soạn làm tốt khâu khảo dị thì công trình sẽ có đóng góp, so với các bậc tiền bối. Ở đây, có những bài là tồn nghi hoặc cùng một bài mà ghi tên tác giả khác nhau. Chính vì thế mà có vài trường hợp, đơn cử như bài “Giai nhân nan tái đắc” (trang 111). Bài này trong nhiều tư liệu trước đây đều ghi là của Cao Bá Quát (5), thì anh Nguyễn Đức Mậu lại cho là của Nguyễn Công Trứ, mà không có một lời ghi chú, lý giải? Trường hợp bài “Tài tử với giai nhân” (trang 113) cũng vậy. Nhiều tư liệu trước đây cho tác giả bài này là của Dương Khuê hay của Cao Bá Quát, trong khi đó, tác giả chuyên luận ghi là của Nguyễn Công Trứ và cũng không giải thích (6). Chúng tôi muốn lưu ý là, dù khác tác giả, nhưng văn bản hai bài này ở các tư liệu đều giống nhau y hệt, không khác, dù chỉ một chữ.  

4. Các sự kiện trong cuộc đời là phần trích từ quốc sử triều Nguyễn: Đại Nam thực lục chính biên, các tập: tập IX, đệ nhị kỷ V; tập XI, đệ nhị kỷ VII ; tập XII, đệ nhị kỷ IX; tập XIII, đệ nhị kỷ IX; tập XV, đệ nhị kỷ XI; tập XVI, đệ nhị kỷ XIII; tập XVII, đệ nhị kỷ XIII; tập XVIII, đệ nhị kỷ XV; tập XIX, đệ nhị kỷ XV; tập XXIII, đệ nhị kỷ I; tổng cộng có 35 mục ghi chép về Nguyễn Công Trứ, mà theo tôi phần này là rất có ích cho những ai quan tâm nghiên cứu về Nguyễn Công Trứ nói riêng, về triều Nguyễn nói chung.

Ở đây, nếu tác giả chuyên luận bổ sung thêm mục Niên biểu Nguyễn Công Trứ thì công trình sẽ có giá trị và có đóng góp hơn.

5. Là một người có cái may mắn được gắn bó với văn học trung đại Việt Nam và nghiên cứu, giảng dạy văn học thời kỳ này trên 30 năm, trong đó có chương Thơ văn Nguyễn Công Trứ, dù trước đây, tôi có dịp đọc nhiều lần về tác giả Nguyễn Công Trứ trong nhiều bộ văn học sử, cùng bài giới thiệu trong một số tuyển tập thơ văn Nguyễn Công Trứ, nhưng tôi vẫn rất thích thú khi đọc chuyên luận này của Nguyễn Đức Mậu, đọc liền một mạch và đọc đến hai lần. Nói thế để thấy rằng, một vấn đề chuyên sâu như Hát nói của Nguyễn Công Trứ đã được tác giả chuyên luận này trình bày một cách hệ thống, mạch lạc, lớp lang nên ít nhiều đã có sức hấp dẫn riêng của nó.

Tóm lại, có thể nói lần đầu tiên Hát nói Nguyễn Công Trứ đã được TS. Nguyễn Đức Mậu nghiên cứu một cách tập trung, đầy đủ và chuyên sâu. Hơn thế, tác giả chuyên luận đã đặt Hát nói của Nguyễn Công Trứ trong lịch sử văn học trung đại Việt Nam, nhờ thế mà đã lý giải được những đóng góp to lớn của cụ Uy Viễn đối với văn học nước nhà, nhất là bổ sung thêm một tiếng nói khẳng định bản quyền của cụ Thượng Trứ về thể loại Hát nói. Đây là một chuyên luận có giá trị khoa học, có nhiều đóng góp, góp phần bổ sung cho văn học sử Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX. Và như tác giả chuyên luận đã nói, công trình này chỉ là “cái nền” cho một vài công trình dự định sắp tới “sẽ có một cái nhìn bao quát hơn về Nguyễn Công Trứ” (7), đó là: Thể loại Hát nói trong sự vận động của lịch sử văn học; Nguyễn Công Trứ và vai trò của ông trong lịch sử văn hóa, văn học. Hy vọng một ngày không xa, độc giả sẽ đón nhận hai chuyên luận tâm huyết trên của anh Nguyễn Đức Mậu.                          

Gò Vấp, Tp. HCM, tháng 6 – 2010

NCL

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 2-2011.

 

CHÚ THÍCH:

(1) Tiểu dẫn, sách Hát nói Nguyễn Công Trứ chuyên luận và tinh tuyển, Nxb Nghệ An, 2008, trang 9.

(2) Tiểu dẫn, sđd, trang 9-10.

(3) GS Trương Tửu là người đầu tiên dùng chữ này khi viết về Nguyễn Công Trứ trong Tâm lý và tư tưởng Nguyễn Công Trứ, Hàn Thuyên, Hà Nội, 1944; sau đó được GS Trần Đình Hượu tiếp thu và bổ sung thêm trong Nho giáo và văn học Việt Nam trung cận đại, Nxb Văn hoá Thông tin, HN, 1995.

(4) Tiểu dẫn, sđd, trang 7.

(5) Về bài “Giai nhân nan tái đắc”, trong rất nhiều tư liệu xưa nay, kể cả sách giáo khoa lớp Đệ Tứ (lớp 9), lớp Đệ Nhị (lớp 11) của các soạn giả ở miền Nam trước 1975 đều ghi là của Cao Bá Quát với nhan đề Giai nhân nan tái đắc. Gần đây trong công trình Cao Bá Quát toàn tập, tập 1, của Trung tâm Nghiên cứu Quốc học do GS. TS. Mai Quốc Liên chủ biên, Nxb Văn học, Hà Nội, 2004, trang 84, bài thơ này được trích lại với nhan đề là Giai nhân I.

(6) Bài “Tài tử với giai nhân”, Trần Trung Viên trong Văn đàn bảo giám, Nam Ký xuất bản, 1931, ghi là của Dương Khuê; còn Nguyễn Bỉnh Khôi trong Thơ văn Cáo Bá Quát, Nxb Văn học, Hà Nội, 1984 ghi là của Cao Bá Quát; Mai Quốc Liên cũng cho là của Cao Bá Quát trong Cao Bá Quát toàn tập, tập 1, trang 85, với nhan đề là Giai nhân II.

(7) Tiểu dẫn, sđd, trang 7.



· Hát nói Nguyễn Công Trứ chuyên luận và tinh tuyển

Nguyễn Đức Mậu (nghiên cứu và biên soạn)

Nxb Nghệ An – UBND huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, 2008.

 

Bài viết cùng tác giả

Danh mục website