Truyện ngắn Lê Văn Thảo: cái lạ, cái nhạt và cái thật (*)

 

Lên núi thả mây là tác phẩm thứ 18 của Lê Văn Thảo, sau năm cuốn tiểu thuyết và 12 tập truyện ngắn. Nhan đề của truyện ngắn đầu tiên được chọn làm tên chung cho tập truyện có thể khiến bạn đọc nhầm lẫn với một câu chuyện viễn mơ nào đó. Lê Văn Thảo chưa bao giờ là nhà văn viễn mơ. Văn học ta bây giờ cũng đã vượt qua sự phân ranh viễn mơ và tả thực. Nhưng câu chuyện về đỉnh núi mây mù đã đánh thức một điều gì mơ hồ trong lòng nhân vật an phận, “sống qua ngày, nhạt nhoà theo với năm tháng” của Lê Văn Thảo, như cái bãi bồi bên kia sông đã đánh thức giấc mơ phiêu lãng trong lòng một nhân vật trong Bến quê của Nguyễn Minh Châu. Lên núi thả mây cũng như Ngọn núi trong tuyết phủ lẫn lộn thực và hư, vừa nhắc ta ý thức về tình cảnh trong cõi đời này lại vừa kéo ta xa khỏi thế giới mà ta đang gánh chịu số kiếp của chính mình. Hai truyện ngắn mở đầu bằng những hình ảnh đầy chất thơ đã kết thúc với một ấn tượng nặng trĩu.

          Từ Chuyện nhỏ tình yêu, Con mèo…, ngòi bút Lê Văn Thảo đã chuyển từ người kể chuyện chiến tranh sang người kể chuyện trần gian. Chiến tranh chưa tắt trong lòng người nhưng bây giờ tiếng vọng của nó cộng hưởng với những xao động của một đời sống đang chuyển biến đến tận đáy. Và cũng như trong những chuyện kể thời chiến, một thiên hướng của văn xuôi Lê Văn Thảo là khai thác những cái lạ, biến cái lạ thành cái thẩm mỹ: một vùng đất lạ, một trận đánh lạ, một tính cách lạ, một số kiếp lạ… Đọc kỹ Đêm Tháp Mười (1969), ta thấy từ trước phim Cánh đồng hoang cả chục năm, Lê Văn Thảo đã hoà trộn chất phương xa với chất bi tráng trong cuộc chiến đấu gần như đơn tuyến của đôi vợ chồng nông dân ở một trạm giao liên giữa mênh mông đồng nước, cũng đã từng đương đầu với những chiếc máy bay trực thăng gầm rú trên không, từng phải cột đứa con bé bỏng vào chân cột của căn chòi lá để nó không rơi tõm xuống nước.

         Trong tập này, Hai người cha, Đứa con trở về, Người Sài Gòn, Chuyện đời con Mốc, Chuyến bay kinh hoàng… là những câu chuyện có cốt truyện lạ, nếu nhà văn không tưởng tượng ra thì cũng là may mắn lắm mới bắt gặp trong cuộc đời. Dù có khi phải cài đặt những yếu tố bất ngờ, nhưng nhìn chung, Lê Văn Thảo kể những câu chuyện lạ mà không tỏ ra sự ngạc nhiên của người kể chuyện, thành ra người đọc có cảm tưởng rằng cuộc đời vốn là như vậy, nhà văn chỉ kể lại thôi, không cần thêm thắt cho nó lạ lẫm thêm nữa làm chi. Đứa con trở về kết nối những hiện tượng kỳ lạ của vùng đất Nam bộ qua một tính cách thật cá biệt, thậm chí quái dị - hết cướp trâu, cướp bè, lại tự xưng là Phật sống rồi mở lò luyện võ - và một tình thương vô lượng của người cha 40 năm trông ngóng đứa con hoang đàng. Truyện ngắn này gợi nhớ đến dụ ngôn đứa con đi hoang trở về trong Tân ước (Lc 15: 11-32). Mô-típ thì giống, nhưng hoàn cảnh, tình tiết và tính cách lại khác: cho đến cuối cùng, đứa con ở đây vẫn chưa thật sự phục thiện như người con trong Kinh thánh. Nếu cái lạ cổ xưa gắn với xe bò, thuyền lá, thì cái lạ tân thời gắn với xe hơi, máy bay. Nghĩ đến vẻ mặt nhởn nhơ của cái ác hiện thân qua vẻ sang trọng của một doanh nhân trong Chuyến bay kinh hoàng, ta không khỏi rùng mình về sự nhẫn tâm lạ lùng của kẻ vừa có tiền vừa có học.

         Nhưng rồi nhà văn cũng không thể khai thác mãi cái lạ. Vả chăng những câu chuyện lạ ở miền Nam này, Lý Văn Sâm, Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc… đã khai thác không ít. Cuộc đời rộng lớn và đa dạng từ những điều bình dị, từ những con người vùi giấc mơ trong câm lặng, chấp nhận một cuộc sống tẻ nhạt. Khoảng hơn mười năm nay, một xu hướng khác của văn xuôi Lê Văn Thảo là khai thác cái nhạt của đời sống và tái hiện nó với sức ám ảnh như một hiện tượng thẩm mỹ. Cái nhạt trở thành cảm hứng và đối tượng của nghệ thuật. Viết về cái nhạt nhưng văn không nhạt. Nam Cao, Thạch Lam, Hồ Dzếnh… đã từng viết như vậy. Có gì nhạt trên đời hơn tình cảnh của người diễn viên đóng thế, luôn khuất sau cái bóng của những người nổi tiếng và chấp nhận làm một thứ cây cảnh cho những tình cảm phù phiếm của họ. Có cuộc đời nào lặng ngắt trong đất cát như cuộc đời thằng Cung trong xó tối của một làng quê. Lê Văn Thảo đã đưa cái nhạt vào nghệ thuật bằng một giọng kể chuyện bình thản, đạm mà không nồng, nhưng khi chuyện đã kể hết thì một nỗi buồn sâu thẳm thấm vào gan ruột.

        Lê Văn Thảo không thuộc loại nghệ sĩ bay bướm với những nét vẽ xuất thần. Một thế mạnh của ông là sự chạm khắc tỉ mỉ, tinh vi những tính cách giống như những hình tượng đắp nổi trên những bức phù điêu bằng kim loại. Truyện ngắn Bà nội tôi đã phát huy cao nhất thế mạnh đó của nhà văn, khi ông tuần tự tách bóc dần từng lớp biểu hiện của tính cách để chạm đến cốt lõi tinh thần của nhân vật. Một bà mẹ ki cóp từng đồng xu, chắt chiu từng hạt gạo, suốt đời tần tảo vất vả đến khô quắt cả hình hài để rồi nhắm mắt xuôi tay bỏ lại tất cả trên cõi trần. Những bà mẹ như vậy ngỡ như chẳng mảy may tác động đến đại sự, nhưng cuộc đời thầm lặng của họ đã làm chứng cho sự kết nối vững bền của lịch sử. Hai ông cháu là câu chuyện về lịch sử một miếng đất, qua đó lịch sử một cuộc đời và tình nghĩa giữa những con người, mặc dù cái kết thúc có hậu của thiên truyện không khỏi gợi lên ấn  tượng về sự lý tưởng hoá.

         Trên đây đã nói đến cái lạ và cái nhạt của đời sống trong truyện ngắn Lê Văn Thảo. Hai yếu tố này sở dĩ có sức thuyết phục nghệ thuật vì nó dựa trên nền tảng của cái thật. Lạ mà không bịa đặt. Nhạt mà không cố ý. Khi nào cái lạ, cái nhạt và cái thật kết hợp nhuần nhị trong một truyện ngắn, thì Lê Văn Thảo đặc biệt thành công. Theo thiển ý, trong tập này, hai truyện ngắn làm được điều đó là Người viết thư thuê và nhất là Anh cà khêu ghé qua làng.

          Viết thư thuê là công việc tẻ nhạt  - chẳng khác nào viết văn theo đặt hàng của người khác – nhưng cũng là một nghề lạ, không có tính chất “điển hình”. Nghề viết thư thuê giúp ông lão tiếp cận được những cảnh đời lạ lẫm, chứng kiến những hạnh ngộ trong một bối cảnh đầy chia rẽ, phân ly. Mỗi lá thư là một số phận. Đây gần như là một truyện khung (frame story), truyện ở trong truyện. Câu chuyện về người viết thư thuê ở một góc bưu điện bao hàm những câu chuyện nhỏ như được xâu chuỗi với nhau, có thể tách ra để đứng độc lập, nhất là câu chuyện cuối về đứa bé giúp việc bị nghi oan.

          Anh cà khêu ghé qua làng là một tính cách lạ trong một cốt truyện lạ. Anh muốn đem cái lạ của mình để khuấy động cái nhạt của những gia đình nơi một xóm quê ven sông, làm cho thế giới tù túng đó thông thoáng ra. Nhưng anh thất bại vì người ta đã quen sống với cái nhạt, người ta bằng lòng với cuộc sống trong nếp mòn của nó mà không muốn đổi thay. Người đời có thể chào đón anh đến góp vui đôi lúc, nhưng về lâu dài thì anh chẳng được tích sự gì cho họ. Khi nhận ra điều đó, anh cà khêu phải ra đi. Có thể rồi anh lại đến một cái làng khác làm một cuộc đối chứng với cái nhạt của cuộc sống ở đó. Cũng có thể rồi chính anh lại sẽ bị thuyết phục rằng cái nhạt chính là cái bình thường đó thôi mà ta phải chấp nhận sống với nó. Nhưng phải có đối chứng thì cuộc đời mới lên tiếng tự hỏi về chính mình. Đó cũng là sự đối chứng giữa hai cô gái trong Cô áo hồng, cô áo tím: nếu họ không có dịp gặp nhau, cọ xát với nhau, soi mình vào nhau thì cái lạ của người này đâu có làm xao xuyến cái nhạt của người kia và ngược lại. Cuối cùng giữa hai thái cực đó hiện ra cái thật, một cái thật trần trụi và cay đắng. Cái lạ, cái nhạt và cái thật đã thành một hợp thể thẩm mỹ. Trong yếu tố này chứa đựng những yếu tố kia và cùng dựa vào nhau để phát huy sức mạnh nghệ thuật.

          Lê Văn Thảo là nhà văn có trách nhiệm với ngòi bút. Năm năm trước, trong thời gian chuẩn bị chọn lựa những tác phẩm cho Tuyển tập của mình, ông đã dành không ít thời gian đọc lại và sửa chữa thật kỹ với ghi chú cẩn trọng: “Đây là bản được tác giả chỉnh sửa lần cuối cùng. Mọi trích đăng, phiên dịch… - sau khi được sự đồng ý của tác giả - dùng theo tuyển tập này”. Có lẽ hiện nay những nhà văn “kỹ tính” và coi trọng bạn đọc như vậy không nhiều. Lê Văn Thảo không chủ ý phủ nhận chính mình – những sửa chữa thường chỉ là phương diện kỹ thuật – nhưng ông cho rằng sáng tạo là một quá trình liên tục và nhà văn có nghĩa vụ đem đến cho người đọc một công trình mà mình tin là hoàn chỉnh nhất. Đọc kỹ văn bản một số truyện ngắn trong tập này, có thể thấy Lê Văn Thảo vẫn chưa ngừng sửa chữa, thậm chí cả đến nhan đề của truyện. Nhưng dù văn bản có đổi thay, giọng văn của ông vẫn ổn định: nhẩn nha, chậm rãi, đôi khi phớt tỉnh mà đay nghiến, pha chút humour nhẹ nhàng, dung dị mà để lại trong lòng độc giả nhiều dư vị.

(*) Lời Bạt in trong tập truyện ngắn Lên núi thả mây của Lê Văn Thảo, NXB Văn học – Cty văn hoá và truyền thông Nhã Nam, Hà Nội, 2011.

 

Thông tin truy cập

60427911
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
8886
6820
60427911

Thành viên trực tuyến

Đang có 242 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website