20042024Sat
Last updateFri, 19 Apr 2024 10am

Studies on Vietnamese and Korean Literature and Films

Vietnamese Literature

Sinology & Nom

Theater and Film

Linguistics

Vietnamese Folk Culture

Literary Theory & Criticism

Foreign Literatures & Comparative Literature

Lu Khe and the First Article Introducing Japanese Literature in Cochinchina

Sunday, 19 September 2021  |  Võ Văn Nhơn, Ngô Trà Mi

Lu Khe and the First Article Introducing Japanese Literature in Cochinchina

PGS.TS/ Assoc.Prof., Ph.D...

Loading...

Education

Dao Duy Anh – An erudite scholar and a respected educator

Dao Duy Anh – An erudite scholar and a respected educator

Saturday, 25 June 2016  |  Khoa Văn học

Abstract

Scholar and educator Dao Duy Anh had made outstanding contribution to our national culture. ...

Loading...

Vietnamese Cultural Links

Văn học Việt Nam ở Nhật Bản

Tuesday, 08 November 2016  |  KAWAGUCHI KEN’ICHI, Đoàn Lê Giang dịch

KAWAGUCHI KEN’ICHI

                     ...

Loading...

BA, MA, PhD. Theses

Narrative Art in Southern Novels before 1932

Narrative Art in Southern Novels before 1932

Tuesday, 21 February 2017  |  Phan Mạnh Hùng

(Summary)

Research Focuses and Expectations :

The studies the narrative art - the art of telling a stor...

Loading...

Calligraphy Club

Thu hứng

Thu hứng

Friday, 03 June 2016  |  Đỗ Phủ

Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm, 
Vu sơn, Vu giáp khí tiêu s&a...

Loading...

Diện mạo văn học dân gian xã Phú Lễ ( huyện Ba Tri - tỉnh Bến Tre)

          Bến Tre là vùng đất mà người Việt vào khai phá cách đây hàng trăm năm. Khác với một số địa phương khác ở Nam bộ, cho đến nay, hầu hết dân cư Bến Tre là người Việt. Do vậy, hiện tại, văn hóa dân gian Bến Tre gắn liền với tính thuần Việt, được mang từ miền Trung vào, không có sự tiếp xúc văn hóa trực tiếp với người Khmer, Chăm và còn một số nơi diễn ra quá trình giao thoa văn hóa với người Hoa. Văn học dân gian Bến Tre là bộ phận quan trọng của văn hóa dân gian địa phương, có trữ lượng khá lớn vì được bảo tồn khá lâu do điều kiện sông nước bao quanh (1). Nhắc đến văn học dân gian Bến Tre, người ta hay đề cập đến xã Phú Lễ (huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre). Đây là địa phương mà văn hóa dân gian, đặc biệt là văn học dân gian, mang nhiều điểm nổi bật, phong phú và đa dạng, không chỉ ở thể loại mà còn nội dung. Cao Huy Đỉnh, trong bài viết Vị trí của văn học dân gian từng làng của khoa nghiên cứu văn học dân gian Việt Nam, cho biết: “Cuộc sống của họ từ làng ra nước và từ nước về làng đã tạo nên những giá trị truyền thống tốt đẹp. Những giá trị ấy làm giàu cho vốn chung của đất nước và cũng nhờ vào vốn chung ấy mà ngày càng thêm giàu có. Nói rộng ra lịch sử làng hay bản là lịch sử Việt Nam xưa thu nhỏ, và văn học dân gian làng hay bản là biểu hiện cụ thể của văn học dân gian cả nước. Vì vậy có thể lần theo lịch sử, kinh tế, xã hội của làng mà tìm ra lịch sử văn hóa và văn học dân gian. Ngược lại, từ văn học dân gian trong một làng có thể lần ra lịch sử xã hội nông thôn Việt Nam” (2). Vì vậy, việc tìm hiểu văn học dân gian xã Phú Lễ có ý nghĩa quan trọng, cần thiết cho việc nghiên cứu văn hóa, văn học dân gian Bến Tre nói riêng và Nam bộ nói chung.

          I.Phú Lễ- Đất và người

          Làng Phú Lễ xưa và nay được gọi là xã Phú Lễ, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Hiện tại, xã Phú Lễ có tổng diện tích đất 1.048 ha, giáp với các xã Phú Ngãi, An Bình Tây, Vĩnh Hoà, Mỹ Nhơn, Phước Tuy và thị trấn Ba Tri. Toàn xã có diện tích đất nông nghiệp khoảng 480 ha dùng để trồng lúa. Hệ thống các kênh đào như: Kênh Tự Chảy, kênh 9A, kênh 9B,…góp phần phục vụ tưới tiêu đồng ruộng và cung cấp nước sinh hoạt cho người dân. Mặt khác, Phú Lễ còn nổi tiếng với bưng Lạc Địa có gần 113 ha, là nơi sinh sống lí tưởng của nhiều động vật (cá lóc, cá rô, cá sặc rằn, ếch, cua đồng…) và thực vật (trâm bầu, tre, sen, lục bình, dừa,…) (3). Đây là cánh đồng do phù sa trước đây bồi đắp chưa hoàn chỉnh hẳn. Mùa mưa, nước các xã chung quanh đổ dồn về lòng chảo Lạc Địa tạo nên một “địa cứ” hiểm trở giữa đồng ruộng thuộc các xã Phú Lễ, Phú Ngãi, Mỹ Nhơn, An Bình Tây (4). Có thể nói rằng, Phú Lễ là nơi phong phú về sản vật nông nghiệp, tiêu biểu cho hệ sinh thái “miệt ruộng” ở Bến Tre.

          Theo UBND xã Phú Lễ cho biết: Hiện tại, xã có khoảng 8.000 dân với 1.730 hộ. Dân cư Phú Lễ hầu hết là người Việt, có nguồn gốc từ miền Trung và đã vào đây khai hoang lập ấp từ lâu đời. Theo giai thoại địa phương còn lưu truyền, vị Tiền Hiền của Phú Lễ là ông Trần Công Lễ và bà Lê Thị Miền cùng với một số dòng họ như Hồ, Phan, Nguyễn,… theo lệnh chúa Nguyễn vào đây khai phá, lập làng. Ngoài ra, sách Văn học dân gian Bến Tre cho biết tư liệu khác: Tiền hiền của làng Phú Lễ xưa (tức xã Phú Lễ) là ông Trần Văn Định (không rõ tỉnh nào ngoài Trung). Sau ông có bốn người vào đây lập nghiệp: Ông Hồ Văn Ưa, quê Quảng Bình vào Quảng Nam rồi vào Biên Hòa cuối cùng xuống Ba Tri, ông Phạm Văn Hiền quê Quảng Ngãi vào An Đức rồi qua Phú Lễ, Nguyễn Phước Sĩ quê miền Trung (không rõ tỉnh nào) vào thẳng Phú Lễ, Huỳnh Văn Danh quê Quảng Bình vào thẳng Phú Lễ. Ông Định có 4 người con gái gả cho 4 người này họ này. Gia phả họ Hồ ghi như vậy: Ông Tiền Hiền, bà Tiền Hiền, hạ sanh tứ nữ, gả cho bốn họ, Phạm Nguyễn Huỳnh Hồ (5). Hằng năm, Ban Khánh tiết Đình Phú Lễ tổ chức lễ cúng Tiền Hiền vào ngày 17 tháng giêng âm lịch để tỏ lòng nhớ ơn tiền nhân, cùng nhắc nhở nhau về nguồn cội. Theo Tỉnh Bến Tre trong Lịch sử Việt Nam (từ 1757 đến 1945) của Nguyễn Duy Oanh, từ năm 1892 đến 1903, Phú Lễ là 1 trong 8 làng của tổng Bảo Trị, cù lao Bảo, Bến Tre hạt (6). Đến đầu năm 1945, Phú Lễ là 1 trong 5 làng của tổng Bảo Trị, quận Ba Tri, cù lao Bảo, tỉnh Bến Tre (7). Từ năm 1975 đến nay, xã Phú Lễ thuộc huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Vào buổi đầu khẩn hoang, cư dân Phú Lễ xưa đã cật lực đấu tranh chống lại bệnh tật, thú dữ,…để ổn định cuộc sống bằng nghề nông, xây dựng các thiết chế văn hóa, mở mang cơ nghiệp. Sách Địa Chí Bến Tre cho biết điều đó: “Việc phát hiện xương đầu cá sấu lớn ở đầm Liệt Địa (Ba Tri) nằm dưới đất sâu trong lúc nhân dân đào kênh thủy lợi năm 1980 càng chứng minh rằng vùng này rằng vùng này xưa kia từng là giang sơn của loài sấu và những truyện kể về con cá sấu lớn quật úp ghe thuyền để ăn thịt là có thật” (8). Trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ, người dân Phú Lễ nhiều lần đứng lên chống lại kẻ thù xâm lược. Lạc Địa trở thành khu căn cứ cách mạng. Thời chín năm kháng Pháp, một số đảng viên cộng sản đã xây dựng căn cứ ở Lạc Địa để từ đó bung ra hoạt động tại trung tâm của huyện Ba Tri. Có lúc bà con chạy vào Lạc Địa tránh giặc Pháp (9). Một sự kiện đáng nhớ vào đúng ngày 19-5-1947, dựa vào căn cứ Lạc Địa, bộ đội của đồng chí Đồng Văn Cống xuất quân chặn đánh giặc Pháp và tay sai tại đoạn Cồn Qui đến Phú Ngãi (10). Vào thời kháng chiến chống Mỹ, kẻ thù nhiều lần muốn san bằng Lạc Địa với nhiều hình thức từ dụ dỗ đến cho xe tăng, bộ binh càn quét, nhưng “dưới sự lãnh đạo của Đảng, bà con Phú Lễ không hưởng ứng mà còn chống lại chủ trương của chúng. Sau gần một năm rời nơi đây, lực lượng cách mạng các xã ven Lạc Địa lại bám về căn cứ cũ hoạt động. Địch đành bó tay, bất lực trước thế tấn công của cách mạng. Chuẩn bị cho ngày giải phóng hoàn toàn Ba Tri” (11).

          Người dân Phú Lễ sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa, trồng giồng và chăn nuôi. Ngày nay, Phú Lễ có khoảng 70% dân sinh sống bằng nghề trồng lúa nước. Bên cạnh đó, để tăng nguồn thu nhập và tận dụng thời gian nông nhàn, khai thác các nguồn nguyên liệu từ tự nhiên, người dân làm thêm hai nghề thủ công: Nấu rượu và đan lát. Riêng nghề nấu rượu Phú Lễ có hơn 100 năm, nổi tiếng khắp cả Nam bộ, sánh ngang với rượu Xuân Thạnh (Trà Vinh) và Gò Đen (Long An). Hiện tại, Phú Lễ với khoảng 180 hộ gia đình làm nghề nấu rượu. Nghề đan lát thì gần 265 hộ với sản phẩm là bội, thúng, nơm,… được làm từ chất liệu tre. Người dân Phú Lễ theo các tôn giáo chính như: Phật giáo, Cao Đài,…Do vậy, trên địa bàn xã có 2 ngôi chùa (Linh Phước, Bửu Huệ), 2 thánh thất Cao Đài (Ban Chỉnh Đạo và Tiên Thiên). Ngoài ra, đây còn có 1 đình và 5 miễu của các dòng họ. Đình Phú Lễ là một trong 3 ngôi đình tiêu biểu của Bến Tre, bên cạnh đình Bình Hòa và đình Tân Thạch, được xếp hạng di tích kiến trúc-nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 1993. Đình còn lưu giữ sắc thần của vua Tự Đức phong năm 1852 và nổi tiếng với “nhiều công trình mỹ thuật trên gỗ có giá trị thẩm mỹ cao của nghề chạm khắc, cẩn ốc, sơn son thếp vàng. Bàn tay tài hoa của những nghệ nhân đã tạo nên những đường nét tinh xảo, độc đáo trên các hoành phi câu đối, long trụ, bao lam thành vọng, đặc biệt là trên các hương án…Các công trình mỹ thuật trên gỗ ở đình Phú Lễ là kết quả lao động sáng tạo và công phu của các nghệ nhân khắc-chạm-lộng của Việt Nam thời bấy giờ” (12). Lễ hội kỳ yên ( ngày 18/3 âm lịch) của đình thu hút khá đông người dân các nơi về dự,…

          Các đặc điểm về điều kiện tự nhiên, lịch sử, kinh tế-xã hội và văn hóa trên có ảnh hưởng và chi phối diện mạo, định hình nội dung, thể loại và phương thức diễn xướng của văn học dân gian Phú Lễ. Hay nói cách khác, đây là một môi trường khá thuận lợi, cần thiết để văn học dân gian Phú Lễ nảy sinh và hình thành, phát triển với những nét chấm phá riêng.

         II. Vấn đề sưu tầm văn học dân gian xã Phú Lễ

          Từ sau 1975 đến nay, việc sưu tầm văn học dân gian ở Bến Tre được tiến hành bởi nhiều nhà nghiên cứu. Điều đáng ghi nhận là qua các đợt sưu tầm với nhiều thời điểm khác nhau, họ có khảo sát và giới thiệu văn học dân gian của Phú Lễ, đặc biệt là hát sắc bùa. Điều này chứng tỏ rằng, Phú Lễ là địa bàn quan trọng đối với các nhà nghiên cứu mỗi khi triển khai sưu tầm văn học dân gian ở Bến Tre. Có thể kể đến kết quả các cuộc khảo sát này như sau:

    _ Dân ca Bến Tre của Lư Nhất Vũ- Lê Giang sưu tầm, biên soạn, được xuất bản lần 1 năm 1981. Trong quyển sách này, các tác giả ghi lại một số bài hát sắc bùa và hò cấy ở Phú Lễ (13).

   _ Văn học dân gian Bến Tre của 2 tác giả Nguyễn Phương Thảo và Hoàng Thị Bạch Liên (sưu tầm, biên soạn), được xuất bản năm 1988. Qua đây, người viết có đề cập văn học dân gian Phú Lễ với thể loại hát sắc bùa, vè, ca dao, hò,…Đặc biệt, trong sách có hẳn một phần viết riêng về hát sắc bùa Phú Lễ (14).

    _ Quyển sách nhỏ Hát sắc bùa Phú Lễ của Huỳnh Ngọc Trảng (sưu tầm và biên soạn) là công trình nghiên cứu riêng về thể loại hát sắc bùa ở xã Phú Lễ (15). Tác giả đã giới thiệu về nguồn gốc, đặc điểm và khá nhiều bài hát sắc bùa được sưu tầm tại đây.

   _ Năm 2002, nhà nghiên cứu Lư Văn Hội (Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Bến Tre) tiến hành dự án Gìn giữ cho muôn đời sau-Các làn điệu dân ca Bến Tre thuộc chương trình Bảo tồn Văn hóa Phi vật thể. Kết quả khảo sát là quyển sách Các hình thức diễn xướng dân gian ở Bến Tre (16). Giống như các công trình trước, quyển sách giới thiệu một số bài thuộc thể loại hò, lý thu thập được tại Phú Lễ và một phần viết riêng về hát sắc bùa.

  _ Năm 2009, Khoa Văn học và Ngôn ngữ của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn (Đại học Quốc gia Tp.HCM) tiến hành sưu tầm văn học dân gian ở tỉnh Bến Tre, trong đó có xã Phú Lễ, huyện Ba Tri (17). Qua gần nửa tháng làm việc, kết quả thu thập là 619 đơn vị từ 46 cộng tác viên cung cấp. Việc sưu tầm văn học dân gian ở xã Phú Lễ lần này được tiến hành trong một thời gian tương đối lâu, có nhiều người tham gia và khá đông cộng tác viên hợp tác, giúp đỡ. Mặt khác, mục tiêu của đợt sưu tầm này vừa thực hiện thu thập văn học dân gian ở diện rộng với nhiều người dân, với nhiều thể loại khác nhau, nhưng đồng thời cũng tiến hành đi sâu vào sưu tầm thể loại hát sắc bùa-một thể loại nổi bật nhất của kho tàng văn học dân gian Phú Lễ. Có thể phân loại sơ bộ kết quả sưu tầm như sau:

              Phân loại sơ bộ kết quả sưu tầm văn học dân gian xã Phú Lễ  

STT

              Thể loại sưu tầm

           Số lượng

1

Truyền thuyết dân gian

   7

2

Truyện cổ tích

  12

3

Truyện cười

   1

4

Ca dao - dân ca  (hò, lý, hát ru, đồng dao,vè)

332

5

Thơ ca kháng chiến

     4

6

Thành ngữ

    81

7

Tục ngữ

    94

8

Gia huấn ca

      3

9

Hát sắc bùa

    34

10

Câu đố

    39

11

Nói lái

      2

12

Tổng cộng

 619

                                                                               (Người thực hiện: Dương Hoàng Lộc)

          III. Một số nội dung chính của văn học dân gian xã Phú Lễ

            Dựa trên các kết quả đã sưu tầm, đặc biệt từ kết quả thu thập của chúng tôi vào năm 2009, có thể phác thảo được phần nào nội dung của văn học dân gian xã Phú Lễ. Nội dung chính của văn học dân gian ở đây khá đa dạng, phong phú, biểu hiện đời sống tình cảm, tâm hồn và tinh thần của người dân qua bao đời nay, được lưu truyền và giữ gìn qua nhiều thế hệ. Mặt khác, qua đây có thể nhận biết được phần nào lịch sử, kinh tế, xã hội và văn hóa của họ được phản xạ vào đó. Như vậy, bước đầu có thể giới thiệu một số nội dung chính của văn học dân gian nơi đây:

          _ Thứ nhất, đó là giới thiệu những sản vật địa phương, ca ngợi về đất và người Phú Lễ nói riêng và Ba Tri, Bến Tre nói chung. Điều này thể hiện được lòng tự hào và yêu quê hương của người dân. Kết quả sưu tầm cho thấy có khá nhiều nội dung này qua:

_ Ai về Phú Lễ thì về

Mặc lụa Ba Tri, uống trà Phú Lễ

_ Lụa Ba Tri, chiếu Nhơn Thạnh

_ Bình Đại biển cá sông tôm

Ba Tri muối trắng, Giồng Trôm lúa vàng

_ Muối hột cầu Ngang, dưa gang Bảo Thạnh

_ Bến Tre ruộng đất phì nhiêu

Nơi đây nhiều lúa lại nhiều dừa khô

_ Thấy dừa thì nhớ Bến Tre

Thấy bông lý trắng nhớ quê Mỏ Cày.

_ Sông Ba Lai bên bồi bên lỡ

Đất Ba Lai đỏ thẳm phù sa

Nàng về kết bạn cùng ta

Ăn cá thay bánh, uống nước trà thay cơm.

                                                _ Nhất Phú Lễ, nhị Phú Cường.

          Qua đây, chúng ta được biết rằng Phú Lễ và Ba Tri xưa nổi tiếng với nghề dệt lụa và trà. Hiện tại, nghề dệt lụa ở Ba Tri không còn nữa, nhưng trước kia nghề này khá nổi tiếng không chỉ riêng ở Bến Tre mà còn cả Nam bộ. Do Ba Tri vốn là đất giồng, nên rất thích hợp cho sự phát triển của cây dâu. Theo đó, nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa mới hình thành. Sách Ba Tri đất và người cho biết: “Nhiều người khi giải thích địa danh Ba Tri, đã cho rằng Ba Tri là lụa đen dợn sóng (Ba là sóng, Tri là sắc lụa đen). Từ khi Gia Long lên ngôi cho đến lúc giặc Pháp chiếm đóng Nam Kỳ, mỗi năm huyện Bảo An phải nộp về Huế mười đượn lụa đen. Bộ Lễ ( của triều Nguyễn) gọi lụa đen này là lụa Ba Tri (tức lụa đen có dợn sóng) để phân biệt với lụa các vùng khác như lụa Tân Châu, lụa Hà Đông” (18). Mặt khác, qua “Lụa Ba Tri, chiếu Nhơn Thạnh” mới biết  Ba Tri cùng với Nhơn Thạnh (19) là hai nơi có nghề dệt nổi tiếng ở Bến Tre xưa mà qua thời gian không còn như trước. Như vậy, văn học dân gian góp phần lưu giữ hồi ức về nghề truyền thống một thời ở địa phương. Ở Phú Lễ còn lưu truyền một bài hát sắc bùa có nội dung nói về nghề trồng dâu nuôi tằm:

“Sắc bùa là sắc bùa âu

Bước qua năm mới trồng dâu để tằm

Để tằm vào lúc đầu năm

Đứa ăn đứa ngủ đứa nằm đứa chơi

............

Bạn hàng đến tay

Giá cả dư ngàn

Làm không kịp đủ

Khách chủ phong khê

Năm mới giàu sang

Gia quan tấn lộc.” (20)

          Bài sắc bùa này cho biết các công đoạn dệt và sự thịnh vượng của nghề dệt lụa ở Ba Tri một thời. Cũng có thể Phú Lễ là một địa điểm nổi tiếng của nghề này. Ngoài ra, những câu ca dao trên còn cho thấy Bến Tre là vùng đất với nhiều hệ sinh thái (ruộng, vườn, ven biển) nên có sản vật phong phú, đa dạng như: Dừa, lúa, tôm, cá, muối,…Có thể nói Phú Lễ là địa bàn mà văn học dân gian có khá nhiều nội dung về sản vật của Ba Tri, Bến Tre. Bên cạnh đó, riêng về Phú Lễ, ngoài nghề nấu rượu khá nổi tiếng, phải chăng trước đây còn có thêm nghề làm trà qua câu: “Ai về Phú Lễ thì về. Mặc lụa Ba Tri, uống trà Phú Lễ”? Trong thời gian khảo sát ở Phú Lễ, chúng tôi không thấy nghề làm trà và sản phẩm trà Phú Lễ. Bà con Phú Lễ lâu nay tự hào rằng: “Nhất Phú Lễ, nhị Phú Cường”. Hỏi thăm một số vị cao tuổi mới biết: Phú Cường là địa phương của thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Câu này có 2 vấn đề cần tìm hiểu. Thứ nhất, một số người cho rằng, khi nói “nhất Phú Lễ, nhị Phú Cường” là nhằm so sánh hai ngôi đình Phú Lễ và đình Bà Lụa (nay thuộc phường Phú Cường, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương). Theo sách Bình Dương miền đất anh hùng cho biết: Đình Bà Lụa là ngôi đình nổi tiếng không những ở Bình Dương mà còn cả Nam bộ, được người Pháp chọn làm mẫu đưa đi đấu xảo tại Pháp từ những thập niên đầu thế kỷ XX. Hằng năm, đình Bà Lụa tổ chức lễ Kỳ yên vào ngày rằm tháng giêng và lễ Thu tế vào ngày 1/10 âm lịch. Đình này được Nguyễn Liên Phong giới thiệu trong Nam Kỳ phong tục nhân vật diễn ca:

                                “ Đình thần phong cảnh tốt thay

                                    Trong rạch Bà Lụa ngoài này đại giang

                                  Nền cao thấp bước tợ thang

                              Trong gian chính điện nghiêm trang phụng thờ”

          Ngoài ra, Géorgette Naudin- nhà nghiên cứu của Bảo tàng Nam kỳ cũng nhận định: “Lúc đó đình Bà Lụa được xem là ngôi đình có kiến trúc đẹp nhất nhì Nam Kỳ, với những cột gỗ đẹp và quí, những mảng hoa văn ghép bằng sơn mài màu hồng, những binh khí cổ đẹp và hiếm…hấp dẫn đông đảo du khách đến thăm” (21). Vì thế, việc so sánh này không những thể hiện lòng tự hào của người dân Phú Lễ đối với đình của mình, mà còn cho biết đình Bà Lụa, đình Phú Lễ là 2 hai ngôi đình nổi tiếng ở Nam Bộ-gắn liền với những giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật tiêu biểu. Thứ hai, ở khía cạnh rộng hơn, câu này nhằm so sánh sự trù phú giữa hai địa phương trên. Sách Lịch sử truyền thống cách mạng phường Phú Cường (1930-2005) cho biết: Phú Cường là một trong 12 phường, xã và nằm phía Đông Nam của thị xã Thủ Dầu Một. Đất đai Phú Cường phì nhiêu, màu mỡ nên được lưu dân khẩn hoang từ sớm. Nhắc đến Phú Cường là nhắc đến địa phương có nhiều di tích nổi tiếng của Bình Dương như: Đình Bà Lụa, chùa Hội Khánh, chùa Tây Tạng, nhà thờ Phú Cường, miếu Thiên Hậu. Địa phương này còn nổi tiếng là chiếc nôi của nghề mộc, nghề điêu khắc gỗ ở Thủ Dầu Một. Ngoài ra, đây có nghề gốm phát triển, qua việc hình thành cụm Lò chén Phú Cường từ giữa thế kỷXIX, với các lò Quảng, lò Phúc Kiến, lò Tiều hoạt động. Sản phẩm gốm Phú Cường được tiêu thụ rộng rãi, đặc biệt ở miền Tây. Nghề sơn mài Phú Cường với nhiều sản phẩm độc đáo, có giá trị cao, phong cách dân tộc, hội tụ nhiều nghệ nhân giỏi, trong đó tiêu biểu là sơn mài Thành Lễ (22). Vì thế, người dân Phú Lễ đã chọn Phú Cường-miền đất trù phú, nổi tiếng của Bình Dương để so sánh với địa phương mình. Đồng thời, phải chăng giữa Phú Lễ và Phú Cường có mối quan hệ giao lưu kinh tế, văn hóa vào thời điểm trước đây chăng? Tuy nhiên, dù hiểu ở khía cạnh nào đi nữa, “nhất Phú Lễ, nhị Phú Cường” vẫn là lòng yêu mến quê hương, sự tự hào của người dân Phú Lễ đối với những giá trị lịch sử, văn hóa của vùng đất mà họ được sinh ra và trưởng thành. Mặt khác, Phú Lễ là địa phương của Ba Tri nổi tiếng về cá đồng. Cá ở đây có nhiều loài và rất ngon. Vì vậy, người dân còn lưu truyền bài vè cá đồng- như một lời giới thiệu về đặc sản của địa phương:

“Cá đồng mấy thứ

Cá ăn không cử là cá trê leo

Ăn bọt ăn bèo là con cá sặc

Ăn béo lách chách là cá lò tho

Ăn ở  không lo là con hủng hỉnh

Các loài cung kỉnh là con cá linh... »

          _ Thứ hai, truyền thống đấu tranh chống lại kẻ thù xâm lược là một nội dung quan trọng của văn học dân gian Phú Lễ, được lưu truyền đến ngày nay và thể hiện lòng tự hào lịch sử của người dân. Với một bề dày lịch sử, đặc biệt trong đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, người dân có cách thể hiện lòng tự hào của mình. Một số bài hát sắc bùa ở Phú Lễ là những bài ca lịch sử miêu tả rõ nét, chân thật và sinh động vô cùng về chiến công của quân dân Phú Lễ qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Bài Chống càn thể hiện rõ lòng quyết tâm, sự gan dạ của người dân khi đương đầu với một trận càn ác liệt của giặc Pháp:

“ Ra trận thì có ủy ban

Bố binh điểm tướng sắp hàng đông tây

             Thanh niên, du kích đông vầy

     Còn ăn hết chịu trận này cũng chơi” (23)

          Hay hồi ức về một trận chống Pháp ruồng bố của bà con Phú Lễ vào ngày sinh nhật Bác Hồ:

“Mười chín tháng năm sinh nhựt cụ Hồ

Pháp quân kéo chạy sáu chiếc vô

Xuống Phú Lễ đầu giồng ngừng máy lại

Đội chín phục binh bắn nhảy rô

F.M nổ rầm rầm mấy tiếng

Tây phiên bị đạn té ngã xô” (24)

          Bài hát sắc bùa Diệt Tiểu đoàn Ó Đỏ là một chiến công lớn của quân dân Phú Lễ vào năm 1964 dưới sự chỉ huy của Ba Đào:

“ Năm sáu tư là năm đẩy mạnh phong trào

Đánh trận Phú Lễ, Ba Đào chỉ huy

Đánh rồi dân chúng mừng vui

Toàn dân tiến tới, xách dùi mà đâm….” (25)

          Bưng Lạc Địa là nơi làm cho kẻ thù khiếp sợ qua câu ca dao:

           “Ai xui thằng Mỹ đi cùng

             Vô sâu ong đốt, ra đường gặp chông”

         Đó còn là phẩm chất yêu nước, không sợ kẻ thù qua bao thế hệ người dân Bến Tre:

             “Bến Tre mảnh đất anh hùng

              Bao nhiêu ngã xuống lại vùng đứng lên”

          Đặc biệt, qua tư liệu sưu tầm được, văn học dân gian Phú Lễ có nhắc đến một số nhân vật lịch sử nổi tiếng ở Bến Tre như: Phan Thanh Giản, Đồng Văn Cống, Ngô Quang Đằng (Ba Đào). Ở đây, chúng tôi muốn nhắc đến hình ảnh cụ Phan Thanh Giản (1796-1867), vị tiến sĩ khai khoa của đất Nam bộ, người con của quê hương Ba Tri-Bến Tre. Trong quá trình sưu tầm văn học dân gian, chúng tôi đã thu thập được một số giai thoại về cụ Phan do người dân kể lại. Một giai thoại kể rằng, vào lúc còn nhỏ, trong buổi đến trường học, cậu bé họ Phan gọi chiếc bè chuối tống ôn vào bờ (26). Sau đó, có người nhập đồng lên và nói rằng nếu mời được cậu bé này cho phép thì chư vị thần linh trên bè mới dám đi tiếp. Phải chăng dân gian đã phủ lên tiểu sử cụ Phan yếu tố linh thiêng, cho khác người thường? Hay nói cách khác, họ đã làm “thiêng hóa” Phan Thanh Giản. Có phải đó là cách mà người dân Ba Tri bày tỏ lòng ngưỡng vọng, tự hào đối với vị tiến sĩ khai khoa đất Nam bộ hay không? Tương tự, người dân còn truyền nhau giai thoại trước ngày cụ Phan về quê, cọp gầm liên tục mấy đêm ở vùng Bảo Thạnh, Bảo Thuận. Một điều rất riêng tư, mà chắc ít ai nhắc tới, của Phan Thanh Giản qua câu ca dao:

                             “ Anh đi lọng lụa ba bông

                            Bỏ em cấy mướn giữa đồng cây me”

         Cụ Phan đã để lại nỗi nhớ, nỗi buồn da diết trong lòng những người con gái Bảo Thạnh xưa- quê cụ trong lúc mỗi lần về thăm quê. Không riêng gì ở Phú Lễ, khi điền dã tại xã Bảo Thạnh (huyện Ba Tri), chúng tôi được bà con kể khá nhiều giai thoại về cụ Phan và gia đình. Qua đó cho thấy, người dân Bến Tre có cách nhận định, đánh giá riêng của mình về nhân vật lịch sử còn nhiều ý kiến khác nhau này. Và điều đó lại được thể hiện bằng tư liệu văn học dân gian. Chúng tôi nghĩ rằng, trong thời gian tới, việc tiến hành sưu tầm văn học dân gian về Phan Thanh Giản có ý nghĩa lớn, là hướng mới trong việc tìm hiểu, nhận định lại cuộc đời và vai trò của cụ Phan trong giai đoạn lịch sử đau thương của dân tộc. Bởi vì, về phương diện sử liệu, theo Giáo sư Hà Văn Tấn: “Nguồn sử liệu truyền miệng bao gồm tất cả những thông tin về lịch sử chưa được tập hợp, còn lưu truyền tự nhiên trong dân gian, và có nhiều dị bản khác nhau. Sự tồn tại của các huyền thoại, truyền thuyết, trải qua nhiểu thời kỳ được bao phủ lên một màu sắc kỳ bí, tuy nhiên tất cả đều có cốt lõi lịch sử của nó. Các nhà sử học cần phải biết tận dụng nguồn sử liệu này để nghiên cứu lịch sử” (27)

          _ Thứ ba, văn học dân gian Phú Lễ có nhắc khá nhiều đến phong tục, tập quán nói riêng và văn hóa-xã hội nói chung, phản ánh rõ hoạt động kinh tế ở địa phương. Hay nói khác hơn, văn học dân gian địa phương, không chỉ dừng lại chỉ là bộ phận sinh hoạt văn hóa tinh thần, mà còn như bức tranh thu nhỏ về đời sống kinh tế xã hội và văn hóa của người dân. Đó là hơi thở của đời sống ngày thường, là nguồn dinh dưỡng quan trọng để phần nào tạo nên sức sống và tính đặc thù, riêng biệt cho nội dung văn học dân gian Phú Lễ. Hát sắc bùa Phú Lễ (huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) là một sinh hoạt văn nghệ dân gian có tính chất lễ nghi nông nghiệp với pháp thuật Đạo giáo, chủ yếu diễn ra vào dịp tết nguyên đán (28). Như vậy qua đây có thể biết được tục vào dịp năm mới đội hát sắc bùa đi đến từng nhà hát diễn xướng giúp vui, cầu chúc cho gia chủ và tống trừ ma quỉ, chẳng hạn như:

“ Đêm ba mươi là đêm trừ tịch

            Nửa canh ba chính đán, quang tiêu…

           Trẻ già làm lễ rước xuân

           Rước xuân! Rước xuân!

           Pháo nổ tưng bừng…

Lòng xuân phơi phới

Ngũ phước lâm môn

Năm mới giàu sang

Gia quan tấn lộc”

         Theo nhận xét của sách Văn hóa dân gian người Việt ở Nam bộ: “Những nhân vật Đơn Hùng Tín, La Thông, Tiết Nhơn Quí, Phàn Lê Huê trong các tuồng Tàu, truyện Tàu cũng là những nhân vật quen thuộc trong các tuồng cải lương, nói thơ Nam bộ” (29). Ở đây cần nói thêm, trong văn học dân gian Nam bộ có sử dụng khá nhiều điển tích, nhắc đến nhiều nhân vật của Tuồng Tàu, Truyện Tàu,…vì do sự có mặt của người Hoa đến đây định cư khá lâu, do sự giao lưu văn hóa Việt-Hoa và thể hiện mối quan hệ giữa văn học dân gian với văn học viết, văn hóa bình dân và văn hóa bác học. Văn học dân gian Phú Lễ cũng không ngoại lệ, chẳng hạn như câu: 

“Tiền Đường hậu Tống

                                                            Tam quốc Chu Du

Anh thương em nói chuyện đưa đò

Giả chuyện Đắc Kỷ theo phò Trụ Vương"

          Đó là con người trong nền tảng luân lý, đạo đức phong kiến của văn hóa truyền thống trước đây:

“Dòm lên trời thấy cặp cu đứng đái

   Ngó xuống biển thấy cặp cá đương đua

Anh về lập miếu thờ vua

Lập tran thờ mẹ, lập chùa thờ cha.”

          Hát bội, một hình thức sân khấu phổ biến ở Nam bộ,  được người dân Phú Lễ chết mê chết mệt:

                       “Má ơi đừng đánh con đau

                                                                Để con hát bội làm đào má coi”

          Thậm chí đến nỗi một người mẹ nào đó phải răn chừng con gái mình:

                         “ Trồng trầu mà lộn với tiêu

                             Con theo hát bội gả liều con hư”

          Văn học dân gian Phú Lễ có nhắc đến tục cưới hỏi, mai mối:

                  _“Cây vần vì bởi trái sai

                   Xa em vì tại ông mai ít lời”

               _ “Má ơi con má hư rồi

                 Còn chi má gả mà đòi heo quay

          Hay chuyện người em thay thế vai trò của người chị ở nông thôn xưa:

“Cây tre trổ gốc lên trời

                                                         Cô chị qua đời lại thế cô em”

          Và phơi bày cảnh gia đình trong xã hội cũ:

                          “Trồng trầu một nắng hai sương 

                            Làm trai hai vợ phải thương cho đồng”

          Mặt khác, mối quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu là vấn đề thường gặp trong xã hội Việt Nam, trong đó có Phú Lễ:

“Em làm dâu sướng ít cực nhiều

Bữa cơm trưa em khóc, bữa cơm chiều em than”

         Bài vè Con gái hư là một sự phê phán, nhưng đồng thời cũng nhấn mạnh đến vai trò của người phụ nữ trong đời sống gia đình nông thôn:

“Nấu cơm bữa thiếu bữa dư

Bữa sống bữa nhão,bữa như cháo bồi

Nấu cơm  hay bốc hay chùi

Bận quần bận áo như nùi giẻ lau…

Thổi lửa té địt kho kho

Đổ thừa ông Táo ổng ho um sùm…”

          Ngoài ra, những hoạt động kinh tế của địa phương cũng được phản ánh rõ nét trong văn học dân gian. Đó là sự giao lưu kinh tế, buôn bán giữa Bến Tre và miền Trung qua ”mảnh vỡ” :  

“Anh về ngoài Huế, thắt rế tai bèo

Gửi vô em bán, đỡ nghèo nuôi con”

          Những chuyến khảo sát của chúng tôi ở vùng ven biển Bến Tre đã cho thấy: Xưa kia, cứ độ từ tháng 2 đến tháng 8 âm lịch (mùa gió Nam), các chuyến ghe bầu từ miền Trung men theo đường biển mang hàng hóa vào đây bán và mua lại sản vật như củi, gạo, mắm,….  Đến khoảng tháng 9 đến tháng 12 âm lịch (mùa gió chướng), họ mang hàng hóa đã mua được chở về ngoài ấy.  Mặt khác, một số bài hát sắc bùa Phú Lễ mang nội dung nhắc đến nghề làm ruộng, nghề trồng bông, nghề dệt vải, nghề thầy thuốc, nghề thợ đươn, nghề thợ mộc, nghề thợ mộc, nghề bán tạp hóa (30). Như vậy, văn học dân gian góp phần cho biết Phú Lễ có đời sống kinh tế khá phong phú, đa dạng, trong đó nghề nông là quan trọng nhất:

                                “Làm ruộng! làm ruộng!

                                       Chờ trời mưa xuống

                                        Sửa soạn cày bừa…

                                        Đặng ta lấy tiền

                                       Đặng mà sở phí

                                       Cả nhà tiêu phí

                                       Được cả an khương” (31)

          Vì quan trọng, nên có sự khuyên bảo của cộng đồng với những ai đang lơ là, bỏ bê việc đồng áng:

“Ai ơi đừng uống rượu say

Bỏ ruộng ai cấy bỏ cày ai coi”

  _ Thứ tư, một chủ đề quan trọng và không thể thiếu được của văn học dân gian Phú Lễ là phản ánh tình yêu đôi lứa với nhiều sắc thái khác nhau. Đó là những tình cảm sâu thẳm của con người được cất lên qua những bài ca, điệu hò, điệu lý để giao duyên, gặp gỡ và tâm sự nỗi lòng ở bờ ruộng, dưới cánh đồng, bên lũy tre hay trên dòng sông mát rượi. Chủ đề tình yêu đôi lứa là nguồn suối bất tận, ngọt ngào, góp phần nuôi dưỡng vẻ đẹp tâm hồn và chưng cất lên sự thăng hoa tình cảm nơi trái tim của bao người con Phú Lễ qua thời gian. Một buổi chiều trên dòng sông có đôi nam nữ đang tình tự với nhau qua hò đối đáp:

_Đối: Hò ơi…Sông sâu sóng bủa láng cò

Thương em vì bởi câu hò có duyên

Chưa chồng ở lại cho nguyên

Đặng anh sắm chiếc thuyền quyên rước về

Thấy em da trắng anh muốn kề

Hường nhan cũng đẹp sợ bề có đôi.

                         _ Đáp: “Hò ơi…Thấy em da trắng anh muốn kề

Hường nhan cũng đẹp sợ bề có đôi

 Anh đừng nói vậy anh ơi

Hường nhan cũng đẹp chớ có đôi bao giờ

Trăm năm tượng rách còn thờ

Lỡ duyên chịu lỡ cũng đặng chờ đợi anh…”

          Và cuối cùng là lời nhắn nhủ tha thiết, thể hiện quyết tâm của người con trai cho tương lai đôi lứa của mình:

“Hò ơi…Nguyệt Lão hồi trước có xem

Ông Tơ đã định anh với em vợ chồng

Cau non khéo bửa cũng dày

Dầu thương cho mấy cơ hội này cũng xa

Gửi lời thăm má với ba

Còn mình mai mốt sẽ qua thăm mình

Chừng nào hạc đáo về đình

Hạc xa hương án hai đứa mình cùng xa »

          Ở một đôi nam nữ khác, họ có cách giao duyên rất chân thành và mộc mạc, nhưng cũng rất thẳng thắn, rõ ràng, đặc sệt tính cách Nam bộ :

                   _  Đối: “Hò ơi…Dòm lên trời thấy trời cao lồng lộng

Ngó xuống biển thấy con cá chạch đỏ đuôi

Nước chảy xuôi con cá bơi nó lội ngược

Anh thương nàng không biết được hay không?”

         _ Đáp: “Hò ơi…Này bớ anh ơi cảnh đường xa xôi dịu vợi

      Anh có vợ chưa phân lại cùng em tường

                                Để bước vô vòng chồng vợ mà lỗi đạo luân thường của anh”

         Sau đó là cơ hội để họ đến gần nhau:

        “ Trắc mọc bờ ao kêu rằng trắc thủy

    Sài Gòn xa chợ Mỹ cũng xa

   Anh đi đâu cũng ghé lại nhà

                  Trước thăm phụ mẫu sau là thăm em”

         Nhưng đâu phải lúc nào chuyện tình cảm đôi lứa cũng được chấp nhận để đi đến hôn nhân. Đó là nỗi lòng của người con trai trước tình cảnh ấy:

     _ “Cây đa trốc gốc

Thợ mộc đang cưa

Anh với em tuổi tác cũng vừa

Còn cha với mẹ kén lừa sui gia”

_ “ Sông sâu sào ván khó dò

       Muốn qua thăm bậu sợ đò không đưa”

          _ “Đường đi xúm xịt bờ sình

                       Lời giao ngôn lỡ hẹn với mình tôi phải đi

                            Thương mình tôi đi xuống đi lên

                        Đi nát cả cổng mà không nên vợ chồng”

_”Thương em áo gấm cúc vàng,

                          Thân anh áo vải cơ hàn nắng mưa”

_ “Ví dầu nhà dột cột xiêu

                  Muốn đi lấy vợ sợ nhiều miệng ăn

                 Nhiều miệng ăn thì anh không sợ

                         Chỉ sợ duyên không thành thì hai đứa lại chia tay”

          Hay là sự tự hối tiếc, tự trách mình khi đã lỡ làng chuyện tình duyên:

                                                   _ “Tiếc công anh đào ao thả cá

Mấy năm trời cho người lạ đến câu”

     _ “Trách trời sao vội mưa giông

Trách em sao vội lấy chồng bỏ anh”

   _ ”Cò kia còn đậu trên bờ

Cò còn có bạn sao giờ mình lẻ loi”

          Trong  quan hệ tình cảm nam nữ, người con gái lúc nào cũng cẩn thận trước sau. Hãy lắng nghe họ bày tỏ:

                          _   “Anh ơi vợ anh còn con anh 

                        Sao anh còn thương gió lại nhớ mây

                       Anh bảo em vô đứng đó nắm mối dây chịu sầu”

                             _ ”Chết ba năm sống lại một giờ

                         Để coi người nghĩa thương thờ làm sao?

                           Thờ mình dĩa muối dĩa rau

                            Còn thờ phụ mẫu mâm cao cỗ đầy”

          Nhiều khi họ cũng rất thực tế trong cuộc sống, trong chọn lựa hôn nhân cho mình :

               _ “Bước lên cầu, cầu quằn cầu quại

                  Bước xuống tàu, tàu chạy tàu nghiêng

                Thương em cho bạc cho tiền

                           Đừng cho lúa gạo xóm giềng họ hay”                  

    _“ Em muốn ăn cơm cháy nồi đồng

            Muốn về nhà ngói đỏ mà tơ hồng không se”

          Nhưng thế nào đi nữa, người phụ nữ rất cần được đồng cảm trong chuyện đôi lứa:

           _  “ Sông sâu biết bắc mấy cầu

                Phận em là gái biết sầu mấy nơi”

_“Tay bưng dĩa muối chén gừng

     Gừng cay muối mặn xin đừng bỏ em”

    _ “Trăng lên khỏi núi

       án bụi chuối con trăng lờ

                        Tiếng anh ở chợ sao khờ hơn em”

  _” Trái dưa gang sọc dài sọc ngắn

   Cọng rau đắng trong trắng ngoài xanh

  Công em đắp lũy bờ thành

            Trồng cho có trái để dành ai đây?”

         Nói về tình yêu nam nữ mà không nhắc đến tình cảm vợ chồng là một thiếu sót lớn:

                    “Đèn nào cao bằng đèn ông chánh

                        Bánh nào trắng bằng bánh bò bông

                          Điệu nào thương cho bằng điệu vợ với chồng

                       Đêm năm canh hò vọng cho nước mắt hồng tuôn rơi…”

          Đó là sự nhắc nhở người chồng mỗi khi đi xa:

“Anh đi đâu ba bữa anh về

Buông câu nước đục chớ hề ở lâu”

          Thật xót xa cho cảnh người vợ chờ chồng trong đêm vắng:

  ”Anh đi đâu bỏ nhện giăng mùng

    Bỏ đôi chiếu lạnh, bỏ phòng quạnh hiu”

          Chuyện tình cảm vợ chồng đôi lúc bị tổn thương như lời nghẹn ngào của một người vợ:

“Gà lạc chuồng gà kêu chíp chíp

Em làm dâu sướng ít cực nhiều

Bữa cơm trưa em khóc, bữa cơm chiều em than.

Em than với anh em làm dâu thơ ấu

      Em làm dâu không phụ mẫu mình

 Phụ mẫu mà dằn mâm, xán chén

                                                       Em ở không bền quá anh ơi!”

           Nhìn chung, với chủ đề tình yêu đôi lứa, văn học dân gian Phú Lễ phản ánh rõ nét, không chỉ chân thực, sinh động mà còn thể hiện nhiều cung bậc, nhiều khía cạnh khác nhau, đóng góp tính trữ tình rất lớn cho nội dung văn học dân gian địa phương. Ngoài ra, đây còn là cánh cửa để khám phá tâm hồn, tình cảm của người dân qua nhiều thế hệ.

          _ Thứ năm, văn học dân gian Phú Lễ còn chứa đựng nhiều tri thức tự nhiên và tri thức xã hội.. Hay nói cách khác đó là trí tuệ của nhân dân lao động. Với điều kiện kinh tế là nông nghiệp đặc thù, người dân Phú Lễ có nhiều tri thức để phục vụ cho nghề nông, chẳng hạn như:”Tốt giống, tốt má, tốt mạ, tốt lúa”, “Trăng quầng trời hạn, trăng tán trời mưa”, “Nhất nước, nhì phân, tam cần. tứ giồng”, “Dừa giao lá ,cá giao đuôi”, “Thiếu đất trồng dưa, thừa đất trông cau”,….Ngoài ra, người dân có khá nhiều tri thức về xã hội, về kinh nghiệm sống, góp phần giáo dục con người và rất có ý nghĩa như: “Cháy nhà mới ra mặt chuột”, “Gừng càng già càng cay’, “miếng ăn là miếng nhục”, “Chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng”, “có bột mới gột nên hồ”, “trật con tán bán con trâu”… Còn có lời dạy của một người mẹ cho con gái về những kinh nghiệm cuộc sống thường ngày:

“Bây giờ tuổi đã nên người

Rằng thôi nghe nốt vài lời mẹ răn…

                                                    Mua cá thì phải xem mang

Mua bí xem vỏ, mua cau xem lòng

Ở cho cha mẹ bằng lòng

Để khi già yếu bạn phòng chạnh thương…

Trước là xấu mẹ xấu cha

Sau là hổ thẹn cùng bà cùng con”

          Trong chủ đề này, chúng tôi muốn nhắc khá nhiều câu đố mà nhóm đã sưu tầm được, mà nội dung của chúng: “là một thứ tri thức thực tiễn. Những tri thức này được tích lũy trong quá trình sản xuất. Lối quan sát của câu đố không phải là một lối quan sát từ xa, mà là một lối quan sát của những người trực tiếp tham gia vào quá trình lao động sản xuất, trong đó vật đem ra đố là những vật thường xuyên tiếp xúc với con người” (32). Đó là những câu đố về động, thực vật mà người nông dân Phú Lễ hằng ngày tiếp xúc:

_“Ngoài xanh trong đỏ như dương gian

                                            Đố ai kiếm được một ngàn hột tiêu?” (Đáp: Trái dưa hấu)    

   _ ”Mình vàng mặc áo cũng vàng

                            Một trăm con mắt đứng gian ngoài trời?” (Đáp:Trái khóm)                                                 

   _ “Bốn bên thành lũy đắp cao

                       Mưa nắng chẳng vào,  nước ngọt trắng trong?” (Đáp:Trái dừa)

 

                                _”Cây long tong, lá leo teo, ăn đặng khó trèo, lấy cù nèo dật?”

                                                                                       (Đáp:Cây lúa)

_” Ông già ông lội qua sông

                                   Hàm râu ổng ướt cái đầu ổng không?” (Đáp:bông lục bình)                                                 

_”Con gì tám xào chống cạn, hai nạng chống xiên, cặp mắt láo liên?”

                                                                                                (Đáp:Con cua)

                                       _”Tròn tròn như cái lục lạc

                                    Trong nạc ngoài xương

                                                                           Hứng khí âm dương

                                                               Trong xương ngoài nạc?” (Đáp:Trứng vịt)                          

            Còn khá nhiều câu đố về đồ vật mà họ sử dụng thường xuyên trong đời sống, có cả “đố tục giảng thanh”:

_“Cọng hành cọng hẹ cọng tía tô

                                  Rớt xuống ao hồ cọng ướt cọng khô?” (Đáp: Gáo múc nước)                                                          

                                  _”Người ngay chịu chữ bất trung

       Đến nơi thành thị tìm về thôn quê?” (Đáp:Cây đòn xốc)

                                _ “Một cái l… có bốn sợi lông

    Hai thằng nho nhỏ chổng mông giật hoài?” (Đáp:Cái gàu dài)

_ “Em ơi hãy bành háng ra

                  Cho anh đẩy một cái đặng mà có con?” (Đáp:Cây xiệc đẩy tôm cá)

             Nhìn chung, nội dung của văn học dân gian Phú Lễ là bức tranh khá cụ thể, sinh động về lịch sử, văn hóa, các hoạt động kinh động kinh tế-xã hội và chiều sâu tâm hồn của con người qua chiều dài lịch sử. Mặt khác, không dừng lại ở đấy, với những nội dung đã trình bày, văn học dân gian Phú Lễ phần nào phản ánh một không gian rộng hơn, đó là Ba Tri nói riêng và Bến Tre nói chung. Phải chăng vì vậy mà Phú Lễ là một địa bàn quan trọng, hấp dẫn cho việc nghiên cứu, sưu tầm văn học dân gian ở Bến Tre từ trước đến nay?

    IV. Một số nhận định về thể loại văn học dân gian xã Phú Lễ

          Văn học dân gian Phú Lễ không chỉ phong phú về nội dung mà còn đa dạng về thể loại, trong đó có thể loại hò cấy và hát sắc bùa khá độc đáo. Điều này cho biết việc người dân sáng tác, sử dụng, lưu truyền khá nhiều thể loại văn học dân gian đã biểu hiện được họ có đời sống văn hóa tinh thần khá sâu sắc và nhiều hoạt động kinh tế, xã hội và văn hóa, đặc biệt là hoạt động nông nghiệp chi phối mạnh mẽ đến đời sống người dân. Đây là cơ sở quan trọng dẫn đến việc hình thành, lưu truyền và phát triển khá nhiều thể loại văn học dân gian ở địa phương. Từ đây, có thể nhận định một số đặc điểm thể loại văn học dân gian xã Phú Lễ như sau:

          _  Văn học dân gian Phú Lễ có khá nhiều thể loại khác nhau cùng tồn tại và phát triển, được giữ gìn và lưu truyền qua nhiều thế hệ, bao gồm những sáng tác bằng thể văn vần (ca dao-dân ca, tục ngữ, câu đố, hát sắc bùa,…) và thể văn xuôi (truyện dân gian, truyện cổ tích, truyện cười,…). Qua đó thấy rằng, việc tồn tại nhiều thể loại văn học dân gian bắt nguồn từ sự đa dạng chủ thể sáng tác, nhiều vấn đề của cuộc sống cần được chuyển tải với nhiều hình thức khác nhau, nhiều sinh hoạt văn hóa tinh thần cùng tồn tại,…Đồng thời, phần lớn các thể loại văn học dân gian này thể hiện được tính thống nhất với các thể loại văn học dân gian Việt Nam nói chung và Nam bộ, Bến Tre nói riêng. Đặc biệt, qua phân loại sưu tầm ở Phú Lễ đã cho thấy thể loại ca dao-dân ca có số lượng nhiều nhất so với các thể loại khác. Điều này phù hợp với nhận định: “Trong văn hóa văn nghệ dân gian, qua kết quả khảo sát điền dã cho thấy, dân ca Bến Tre nói chung chiếm vị trí hàng đầu so với các loại hình văn hóa dân gian khác, cả về qui mô, nội dung và hình thức thể hiện” (33). Trong quá trình khẩn hoang ở ba dải cù lao xưa đầy ắp những khó khăn trở ngại từ nhiều phía, cộng với điều kiện tự nhiên khá phù hợp với nghề trồng lúa nước, đã buộc lưu dân phải gắn bó với nhau chặt chẽ. Do vậy, phải chăng đó là lý do mà ca dao dân ca-một thể loại văn học dân gian mang tính chất tập thể cùng sáng tạo được lưu truyền rộng rãi ở Bến Tre? Mặt khác, vùng đất Bến Tre được bồi đắp phù sa từ nhịp triều lên xuống của 4 con sông Hàm Luông, Ba Lai, Cổ Chiên, Cửa Đại. Chính những hạt phù sa óng mịn đã làm cho mảnh đất cù lao ngày một màu mỡ, ruộng vườn phì nhiêu, tâm hồn con người khoáng đạt, giàu cảm xúc. Đây là lý do để giải thích tại sao Bến Tre lại có nhiều văn nhân, thi sĩ và cũng là nơi nổi tiếng ở Nam bộ về trữ lượng ca dao dân ca: “Bến Tre là một trong những cái nôi của nguồn dân ca Nam bộ, là nơi kế thừa và phát triển nhiều làn điệu dân ca muôn màu muôn vẻ làm phong phú thêm kho tàng âm nhạc dân gian, mang dấu ấn một vùng sông nước và đồng bằng trên lưu vực các nhánh sông Cửu Long”(34). Việc thể loại ca dao dân ca chiếm số lượng nhiều nhất ở Phú Lễ là một minh chứng rõ nét cho nhận định trên.

          _ Qua nhiều thể loại văn học dân gian sưu tầm được ở Phú Lễ cho thấy vai trò khá quan trọng cho sự hình thành, lưu truyền, diễn xướng các thể loại này chính là điều kiện tự nhiên cùng hoạt động kinh tế nông nghiệp lúa nước, đời sống xã hội và văn hóa dân gian thuần Việt của người dân ở đây. Tất cả góp phần làm cho văn học dân gian Phú Lễ định hình một diện mạo phong phú, có nhiều nét riêng biệt so với các thể loại văn học dân gian lưu truyền tại các địa bàn ven biển và “miệt vườn” Bến Tre. Chẳng hạn ở vùng ven biển thuộc 3 huyện Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú thì phổ biến thể loại tục ngữ, câu đố có nội dung chứa nhiều tri thức dân gian về biển. Ở “miệt vườn” Bến Tre, chủ yếu là huyện Mỏ Cày, Chợ Lách, Châu Thành, thì nổi tiếng về thể loại lý có chủ đề gắn liền với cây trái, chim muông, bánh mứt….Qua khảo sát ở Phú Lễ-một địa phương chuyên nghề nông đã cho thấy, thể loại hò cấy lúa xuất hiện khá nhiều, bên cạnh hát sắc bùa được nhiều người nhắc đến. Phải chăng những điều đó đã góp phần làm nên đặc điểm về tính thống nhất mà đa dạng trong văn học, văn hóa dân gian đất Bến Tre?

          _ Trong thể loại ca dao dân ca mà chúng tôi đã sưu tầm được ở Phú Lễ, hò cấy chiếm một vị trí khá quan trọng và rất nổi tiếng. Hò cấy thường phổ biến ở miệt đất giồng như Giồng Trôm, Ba Tri, Thạnh Phú, Bình Đại (35). Riêng hò cấy Phú Lễ (huyện Ba Tri) khác biệt so với nơi khác (hò cấy Giồng Trôm, hò cấy Thạnh Phú, hò cấy Bình Đại,…). Đó là loại hò đậu 2, hò đậu 3, hò suông hoặc có đối đáp, làn điệu và khúc thức khác hẳn các loại hò cấy trên. Hò đậu 2 chỉ có 2 lớp mái, hò đậu 3 có 3 lớp mái và cả 2 đầu không có lớp trống, nghĩa là không có con xô tham dự (36). Hò cấy Phú Lễ được xuất phát từ hoạt động lao động nông nghiệp. Hay nói cách khác, lao động nông nghiệp là môi trường mang tính nguyên hợp để diễn xướng hò cấy và đã góp phần duy trì, bảo tồn và phát huy thể loại này qua biến thiên của thời gian. Xưa kia, mỗi khi đến mùa cấy (tháng 6,7,8 âm lịch), trên những cánh đồng làng Phú Lễ thật nhộn nhịp, sôi động và rộn rã tiếng nói cười của thanh niên nam nữ. Trong những ngày mùa, việc gặp gỡ trên ruộng đồng đã giúp cho họ xích lại gần nhau hơn, hiểu biết nhiều hơn và phần nào quên đi mệt nhọc vất vả. Ban đầu chỉ mới là:

                                     “Mạ non nhổ rễ, bắt nghệ lấy dài

                               Xin mời anh đó đứng đầu bài hò chơi”

           Và rồi họ cứ mải mê qua lại theo kiểu kẻ đối người đáp:

              1. Đối : “Hò ơi…. thấy anh ăn học đã tường

                           Lại đây em hỏi thử Vua Đường là con của ai?...hò ơi”

   Đáp : “Hò ơi….Anh đứng giữa trời anh nói hổng có sai

    Vua Đường thuở trước là con trai của Ngọc Hoàng…hò ơi…”

              2. Đối: “Hò ơi…Lại đây em hỏi  thứ đôi lời

                                  Này bớ anh ơi ai đầu sông con cá lội

                                     Ai chống trời mà con chim nó bay?…hò ơi…”

                             Đáp: “Hò ơi…Này bớ em ơi em làm người thục nữ

                 Em hỏi chi câu hỏi bất bình

                    Hồi tạo thiên lập địa hai đứa mình có đâu…hò ơi…”

           Sinh hoạt hò cấy có sức hấp dẫn và quyến rũ kỳ lạ. Trên cánh đồng Phú Lễ có nhiều đôi trai gái cũng vì mê nhau giọng hò rồi thành chồng, thành vợ, ăn đời ở kiếp với nhau. Đó là một nhu cầu xuất phát từ bản thân họ- những con người gắn mình với nhịp sống ruộng đồng:

                                   “ Bạn trao chín quận mười châu

                            Dựng cờ tam sắc đâu đâu cũng hò

                               Hò chơi một cuộc cho mê

                    Trai nam nhân lựa vợ mà gái hiền thê chọn chồng…”

          _ Nhắc đến văn học dân gian Phú Lễ thì không thể không nhắc đến thể loại hát sắc bùa nổi tiếng. Hầu hết các nhà nghiên cứu đều cho rằng hát sắc bùa Phú Lễ là hình thức diễn xướng dân gian mang tính tập thể ca - múa -nhạc, tức có xướng xô (cái kể và con xô) và nhạc cụ phụ họa, phách nhịp rõ ràng. Ngoài ra, thể loại này có nguồn gốc từ Nam Trung bộ và được truyền trực tiếp: “Hồ Đức Quang đậu cử nhân khoa Ất Mùi, làm Án sát, rồi Đốc học tỉnh Bình Định. Ông có người con rễ là Trần Văn Hậu đỗ Thái sinh đồ, thấy điệu hát sắc bùa ở Bình Định hay mới đem về dạy cho dân Phú Lễ” (37). Hát sắc bùa mang tính lễ nghi nông nghiệp pha tạp với Đạo giáo và chỉ diễn ra ở dịp tết Nguyên Đán ở những gia đình nào yêu cầu, gồm 2 phần: Hát nghi lễ và hát giúp vui. Một điều cần bàn đến là tại sao hiện nay hát sắc bùa chỉ còn lưu truyền ở Phú Lễ mà không phổ biến rộng rãi ở Nam bộ như ghi chép của Trịnh Hoài Đức trong Gia Định Thành Thông Chí? Qua sách này được biết: “Đêm 28 tháng chạp, Na nhân (tục gọi là Nậu sắc bùa) đánh trống mọi, gõ phách, một đoàn năm, mười người đi theo dọc đường, thấy nhà hào phú thì đẩy cửa gõ vào dán lá bùa nơi cửa, niệm thần chú, rồi nổi trống phách lên, hát những lời chúc mừng, chủ nhà dùng cỗ bàn chè rượu khoản đãi và gói tiền thưởng tạ, xong nhà này lại qua nhà khác, cũng làm như vậy, cho đến trừ tịch mới thôi, ấy là có ý đuổi tà ma, tiễn cũ rước mới” (38). Như vậy, hát sắc bùa là hình thức diễn xướng dân gian khá quan trọng vào dịp tết của đất Gia Định xưa mà nay không còn nữa. Nhưng ở Phú Lễ còn lưu truyền hát sắc bùa thì có nguyên nhân của nó. Chúng tôi tạm đưa ra 2 nguyên nhân chính. Thứ nhất, như đã trình bày, hát sắc bùa ở đây được truyền trực tiếp từ Bình Định và được tổ chức một cách bài bản, có nghệ nhân truyền nghề và tồn tại trong môi trường diễn xướng phù hợp. Còn phải chăng việc phổ biến hát sắc bùa ở đất Gia Định xưa chẳng qua chỉ là sự chuyển tiếp, kế thừa một hình thức văn hóa từ miền Trung vào và dần bị loại bỏ để phù hợp với các nhu cầu giải trí tinh thần khác của cư dân vùng đất mới? Thứ hai, ở một hướng khác, cũng không loại trừ vì Bến Tre là địa phương bị bao bọc sông nước, khó tiếp xúc với bên ngoài, tương đối xa vùng trung tâm Sài Gòn- Gia Định, nên đã trở thành vùng “ngoại biên”. Vùng trung tâm và phụ cận Sài Gòn-Gia Định, do tác động khá sâu sắc của quá trình giao lưu hội nhập văn hóa và sự phát triển kinh tế-xã hội, nên luôn thay đổi thường xuyên các hình thức văn hóa để phù hợp nhu cầu phát triển, trong đó có hát sắc bùa. Còn phải chăng vì ở Bến Tre - vùng “ngoại biên”, do văn hóa chậm biến đổi, mà thể loại này được “hóa thạch” cho đến nay? Cũng từ đó đã cho thấy, hát sắc bùa là một hình thức sinh hoạt văn hóa rất phổ biến ở Nam bộ vào buổi đầu khẩn hoang, đặc biệt đã từng được “lên khuôn” ở vùng Sài Gòn-Gia Định, mà qua thời gian không còn nữa. Mặt khác, khi tồn tại và phát triển ở Phú Lễ, thể loại này cũng không ngừng phát triển, hòa nhịp cùng lịch sử, kinh tế, văn hóa, xã hội của người dân. Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, hát sắc bùa Phú Lễ biến thành vũ khí như gậy tầm vông, như súng ngựa trời, cũng rầm rộ xuống đường và ngợi ca những chiến tích và miêu tả những biến cố địa phương mình như các bài Chống Tây ruồng Phú Lễ, Đánh trận Đầm Dơi,… (39). Hay một bài hát sắc bùa có nội dung rất hiện đại, tên là Luật đi đường, mà chúng tôi đã sưu tầm được:

                          “Ngoài đường xe chạy dập dìu

                                 Trẻ em nên giữ khỏi điều rủi ro

                              Đi bên mặt mới khỏi lo

                                   Chạy qua chạy lại gặp ngay hiểm nghèo…”

          Trước đây, hát sắc bùa ở Phú Lễ còn phổ biến ra một số xã lân cận như: Phú Ngãi, Phước Tuy, Bảo Thạnh, Bảo Thuận,… Vậy có thể gọi đây là vùng lưu truyền thể loại hát sắc bùa của Bến Tre chăng?

          V.Kết luận

          Tóm lại, xã Phú Lễ là một địa bàn khá quan trọng và tiêu biểu về văn học, văn hóa dân gian tỉnh Bến Tre. Không chỉ dừng lại sự phong phú, sinh động về nội dung, mà ở đây còn khá đa dạng về thể loại, trong đó nổi bật hơn cả là hò cấy và hát sắc bùa. Tất cả được bắt nguồn từ hoạt động kinh tế nông nghiệp lúa nước, một bối cảnh xã hội và văn hóa dân gian thuần Việt, một môi trường thiên nhiên với kênh rạch và ruộng đồng bao la, một chiều dài lịch sử. Những điều này đã để lại dấu ấn khá rõ nét qua nội dung, thể loại và hình thức diễn xướng của văn học dân gian Phú Lễ. Trong thời gian tới, thiết nghĩ các cơ quan có trách nhiệm nên tiếp tục tổ chức sưu tầm văn học dân gian tại Phú Lễ ở diện rộng hơn nữa. Đồng thời, cần lên kế hoạch bảo tồn, giữ gìn, phát huy thể loại hát sắc bùa và hò cấy ở Phú Lễ vì hiện chúng có nguy cơ bị mai một. Chúng tôi nhấn mạnh đến hướng bảo tồn động, tức để văn học dân gian tồn tại và phát triển trong môi trường đã hình thành và nuôi dưỡng chúng, bên cạnh hướng bảo tồn tĩnh bằng việc lưu giữ chúng qua hình ảnh, băng đĩa,…như đã từng làm. Bảo tồn và phát triển được hát sắc bùa, hò cấy Phú Lễ chính là chúng ta biết nâng niu, trân trọng những di sản hết sức quí báu của cha ông để lại. Đó là tài nguyên nhân văn vô giá của Bến Tre- một vùng đất đang tìm cách chuyển mình trong thời kỳ hội nhập và phát triển kinh tế-xã hội.  

        CHÚ THÍCH

 (1): Tỉnh Bến Tre gồm phía Đông giáp biển Đông 65 km và bị bao bọc, chia cắt bởi 4 con sông Hàm Luông, Ba Lai, Cổ Chiên và sông Cửa Đại.

(2): Cao Huy Đỉnh, Tuyển tập tác phẩm, Hà Nội: Nxb.Lao Động- Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2004,  trang 768.

(3): Các số liệu trên do UBND xã Phú Lễ cung cấp cho tác giả vào tháng 2/2009.

(4): Nhiều tác giả,  Ba Tri đất và người, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Ba Tri xuất bản, 1984, trang 44.

(5): Sở Văn hóa thông tin Bến Tre, Văn học dân gian Bến Tre, Hà Nội, Nxb.Khoa học Xã hội, 1988, trang 279-280.

(6): Nguyễn Duy Oanh, Tỉnh Bến Tre trong Lịch sử Việt Nam (từ 1757 đến 1945, Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xuất bản, Sài Gòn, 1971, trang 128 – 134.

(7): Nguyễn Duy Oanh, Tỉnh Bến Tre trong Lịch sử Việt Nam (từ 1757 đến 1945…. sđd, trang 140.

(8): Thạch Phương-Đoàn Tứ (chủ biên), Địa Chí Bến Tre (tái bản lần thứ 1)- Hà Nội, Nxb.Khoa học Xã hội, 2000, trang 222.

(9): Nhiều tác giả, Ba Tri đất và người,….. sđd, trang 44.

(10), (11): Nhiều tác giả, Ba Tri đất và người, ….. sđd, trang 45.

(12): Phạm Thị Lan, Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia đình Phú Lễ, Tạp chí Khảo cổ học số 2/2007, trang 128.

(13): Lư Nhất Vũ-Lê Giang, Dân ca Bến Tre, Sở Văn hóa Thông tin Bến Tre xuất bản, 1981.

(14): Sở Văn hóa Thông tin Bến Tre,  Văn học dân gian Bến Tre, Hà Nội: Nxb.Khoa học Xã hội, 1988.

(15): Huỳnh Ngọc Trảng, Hát sắc bùa Phú Lễ, Thành phố Hồ Chí Minh: Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1992.

(16): Lư Văn Hội, Các hình thức diễn xướng dân gian ở Bến Tre, Sở Văn hóa Thông tin Bến Tre xuất bản, 2005.

(17): Tổ sưu tầm văn học dân gian tại xã Phú Lễ, huyện Ba Tri ( từ ngày 9/2 đến 21/2/2009) do Ths.Dương Hoàng Lộc hướng dẫn và 8 sinh viên khoa Văn học và Ngôn ngữ (khóa 2006-2010): Trần Văn Hinh, Phạm Thái Hoàng Anh, Lưu Thị Hằng, Nguyễn Thị Hạnh, Bùi Thị Thúy An, Lê Thị Hoàng, Nguyễn Thùy Linh, Trần Thị Anh thực hiện.

(18): Nhiều tác giả, Ba Tri đất và người,…sđd, trang 52.

(19): Theo Địa chí Bến Tre: “Nghề dệt chiếu ở làng Nhơn Thạnh thuộc thị xã Bến Tre, đã có hơn một trăm năm nay, nhưng không phát triển rộng ra được, vì nguyên liệu ngành này không có mấy….Nhơn Thạnh chỉ dệt chiếu trắng, không dệt chiếu bông bằng sợi cói nhuộm màu. Sản phẩm làm ra cũng để đáp ứng cho nhu cầu địa phương”.Thạch Phương-Đoàn Tứ (chủ biên), Địa Chí Bến Tre (tái bản lần thứ 1), sđd…. , trang 498. 

(20): Huỳnh Ngọc Trảng,: Hát sắc bùa Phú Lễ,… sđd, trang 33.

(21): Nhiều Tác giả, Bình Dương miền đất anh hùng, Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb. Trẻ - Hội Văn học nghệ thuật Bình Dương, 2006, trang 59-65.

(22): Đảng bộ phường Phú Cường, Lịch sử truyền thống cách mạng phường Phú Cường (1930-2005), Phú Cường, 2006, trang 3-38.

(23): Huỳnh Ngọc Trảng, Hát sắc bùa Phú Lễ,…sđd, trang 60.

(24), (25):  Huỳnh Ngọc Trảng, Hát sắc bùa Phú Lễ,…sđd, trang 63-64-65.

(26): Trong cúng đình hay miếu ở Nam bộ, kết thúc lễ thường là nghi thức cúng tống ôn-tức cúng tống tiễn ôn dịch, ma quỉ ra khỏi làng để cho người dân một năm được sung túc, bình an, mùa màng bội thu. Nghi cúng này có nguồn gốc từ Đạo giáo. Sau khi cúng xong, người ta thường thả bè chuối, trên đó có khá nhiều lễ vật để thần linh, ma quỉ mang đi theo mà không trở lại quấy phá. Dân gian cho rằng duy chỉ có mục đồng- tức những đứa trẻ chăn trâu, vốn là con của Thần Nông, gọi được bè chuối vào bờ và có thể ăn các lễ vật ấy mà không sợ bị trừng phạt hay bắt tội. 

(27): Hà Văn Tấn, Một số vấn đề lý luận sử học, Hà Nội, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2007, trang 142.

(28): Huỳnh Ngọc Trảng, Hát sắc bùa Phú Lễ,…sđd, trang 3.

(29): Thạch Phương, Hồ Lê, Huỳnh Lứa, Nguyễn Quang Vinh, Văn hóa dân gian người Việt ở Nam bộ, Hà Nội, Nxb.Khoa học xã hội, 1992,  trang 44.

(30): Xem Huỳnh Ngọc Trảng, Hát sắc bùa Phú Lễ,…sđd.

(31): Xem Huỳnh Ngọc Trảng, Hát sắc bùa Phú Lễ,…sđd, trang 30-31.

(32): Đinh Gia Khánh (chủ biên), Chu Xuân Diên, Võ Quang Nhơn, Văn học dân gian Việt Nam, Hà Nội, Nxb.Giáo dục, 1998, trang 259.

(33): Lư Văn Hội, Các hình thức diễn xướng dân gian Bến Tre, Sở Văn hóa Thông tin Bến Tre xuất bản, 2005, trang 7.

(34): Lư Nhất Vũ-Lê Giang, Dân ca Bến Tre, sđd…, trang 9

(35): Lư Nhất Vũ-Lê Giang, Dân ca Bến Tre, sđd…, trang 21.

(36): Lư Nhất Vũ-Lê Giang, Dân ca Bến Tre, sđd…, trang 33.

(37): Xem Huỳnh Ngọc Trảng, Hát sắc bùa Phú Lễ,…sđd, trang 15

(38): Trịnh Hoài Đức, Gia Định Thành Thông Chí (bản dịch của Lý Việt Dũng), Đồng Nai, Nxb.Đồng Nai, 2006, trang 182.

(39): Lư Nhất Vũ-Lê Giang, Dân ca Bến Tre, sđd…, trang 87.

 

 Ths.  Dương Hoàng Lộc

(Nguồn: Bài được đăng trong sách Hội Khoa học Lịch sử Tp.HCM, Nam bộ đất và người (tập 8), TpHCM, Nxb.Đại học Quốc gia TpHCM, 2011)