Tào Tháo trong văn học Việt Nam

Lưu Hồng Sơn 

Nghiên cứu viên. Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa – Viện Phát triển Bền vững Vùng Nam Bộ, Tp. HCM



  Việt Nam là quốc gia nằm trong vùng văn hóa chữ Hán, tiếp xúc giao thoa với văn hóa Trung Quốc từ lâu đời và một phần của nó đã được chuyển hóa thành truyền thống của văn hóa Việt Nam. Tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc được truyền bá cũng như tiếp nhận ở Việt Nam từ khá sớm, góp phần quan trọng vào đời sống văn học của người Việt xưa, với hàng loạt những tác giả tác phẩm kinh điển tiêu biểu tạo nên thời kỳ hoàng kim của tiểu thuyết Trung Quốc. Trong số đó, có thể nói Tam quốc diễn nghĩa (thường được gọi tắt là Tam quốc) của nhà văn La Quán Trung là tác phẩm được truyền bá, tiếp nhận và có ảnh hướng lớn nhất trong số các tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc khi truyền lưu qua các nước lân cận khác, như Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên, Thái Lan… Đặc biệt, đến đầu thế kỷ XX, khi báo chí và chữ quốc chữ phát triển mạnh ở Nam bộ, thì việc dịch thuật, tiếp nhận và mô phỏng tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc (thường được gọi là truyện Tàu) đã trở thành một phong trào mạnh mẽ, rộng lớn, để lại nhiều dấu ấn trong văn hóa Nam bộ nói riêng và Việt Nam nói chung.

Khi vào Việt Nam, Tam quốc được nhiệt liệt hoan nghênh. Trong số các nhân vật của tác phẩm này, có thể nói Quan Vũ và Tào Tháo là hai nhân vật được nhiều người chú ý và có sức lan truyền, ảnh hưởng nhất. Quan Vũ đã được thánh hóa, trở thành một vị thần tượng trưng cho chính khí, trung nghĩa; còn Tào Tháo trở thành biểu tượng của sự gian ngoan hay một hình tượng/ chất liệu đặc biệt trong văn học.

Từ xưa đến nay, Tào Tháo (155 – 220) luôn là một nhân vật hấp dẫn cả người đọc lẫn người nghiên cứu. Ông là nhà chính trị, nhà quân sự lỗi lạc, đồng thời cũng là nhà thơ kiệt xuất. Và nếu xét trên cả ba phương diện ấy, nhìn lại suốt mấy ngàn năm qua, có thể nói Tào Tháo là nhân vật không tiền khoáng hậu trong lịch sử Trung Quốc.

Tuy vậy, khi nhắc đến Tào Tháo, người ta vẫn thường chỉ liên tưởng đến một con người tượng trưng cho những tính cách xấu như: “đa nghi”, “gian hùng”, “xảo quyệt”, “Tào tặc”, “Tào man”… Điều này do nhiều nguyên nhân đưa tới, nhưng hình tượng Tào Tháo phản diện trong tiểu thuyết Tam quốc của nhà văn La Quán Trung, với mức độ phổ biến đặc biệt sâu rộng của nó, có thể được xem là một nguyên nhân quan trọng bậc nhất. Và quả thật, Tào Tháo đã từ một nhân vật phản diện trong hý kịch và tiểu thuyết bước ra khỏi sân khấu và trang sách đi vào cuộc sống, không những ở Trung Quốc mà cả ở Việt Nam. Có lẽ không ai trong chúng ta chưa từng nghe đến tên “Tào Tháo”, hằng ngày chúng ta cũng thường nghe những câu cửa miệng như: “Đa nghi như Tào Tháo”, “Tào Tháo đuổi”, “Nhắc Tào Tháo, Tào Tháo đến”… Và trong văn học nghệ thuật, nhiều tác phẩm cũng lấy hình tượng Tào Tháo làm chất liệu sáng tác.

Như thế, Tào Tháo đã từ một nhân vật lịch sử, trở thành nhân vật, hình tượng văn học nghệ thuật, rồi thành một biểu tượng văn hóa có sức sống bền lâu, lan truyền rộng rãi, vượt qua giới hạn không gian (từ Trung Quốc sang Việt Nam cũng như nhiều nước khác) và thời gian (hình tượng Tào Tháo đã sống hơn một nghìn năm và vẫn đang tiếp tục sống). Tuy có lúc đậm lúc nhạt, song các vai trò khác nhau này của Tào Tháo luôn tồn tại song song. Đây là một hiện tượng đặc biệt, ít thấy trong lịch sử văn học nghệ thuật thế giới.

Dưới đây là một phác thảo của chúng tôi về tiến trình du nhập, tiếp nhận và diễn tiến của hình tượng Tào Tháo trong văn học Việt Nam, từ văn học dân gian, văn học trung đại đến văn học hiện đại. Qua đó cũng có thể nhìn thấy một khía cạnh nào đó của tiến trình du nhập, tiếp nhận và diễn tiến của Tam quốc nói chung và “truyện Tàu” nói chung tại Việt Nam trong năm thế kỷ qua.

1. HÌNH TƯỢNG TÀO THÁO TRONG VĂN HỌC DÂN GIAN

Văn học dân gian là sáng tác tập thể, gắn liền với tầng lớp bình dân trong xã hội, thể hiện thị hiếu thẩm mỹ của người lao động, lưu truyền bằng hình thức truyền miệng. Do vậy “tính cộng hưởng” về quan niệm, thẩm mỹ đối với một nhân vật hay vấn đề nào đó thường rất cao.

Sau khi được giới trí thức tiếp nhận, tiểu thuyết Tam quốc nhanh chóng lan truyền ra dân gian và góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú cho văn học nghệ thuật dân gian. Ví dụ bài hô Chồng nghiền trong bài chòi – một loại hình diễn xướng dân gian đặc biệt ở Liên Khu V:

Có chồng nghiền như ông tiên nho nhỏ

Thắp ngọn đèn sáng tỏ như sao

Tay cầm tiêm như Triệu Tử huơ đao

Miệng ngậm ống như Trương Phi ẩm tửu

Mắt liếc đèn, như Lưu Bị nhìn sao

Cẳng tréo hoe, như Khổng Minh nằm xem sách.

Ngoài Tam quốc, nhiều truyện Tàu khác cũng được du nhập Việt Nam, được mọi giai cấp tầng lớp, giới tính, lứa tuổi trong xã hội đón nhận. Từ vua chúa quan lại cho chí những anh chăn vịt, người ở đợ, chị làm đồng, thậm chí là cả tù nhân cũng thuộc lòng nhiều mẩu chuyện trong truyện Tàu và say sưa kể cho nhau nghe. Mức độ phổ biến của truyện Tàu đối với tầng lớp bình dân được thể hiện rất rõ trong văn học dân gian, chẳng hạn bài Vè ở tù:

Bước chân vào khám như hoàng tử vào lầu

Mặc áo không bâu như mình mang thiết giáp

Thầy chú đánh đập như thí võ Tràng An

Quần áo lang thang như mình mang giáp trụ

Tuông bờ lướt bụi như Khương Thượng kháng binh

Lặn suối dưới sình như Uất Trì tắm ngựa

Sáng mai ra cửa như Hà Tôn Tiến lập trận trường xà

Sắp hàng đi ra như vua sai trấn ải

Một giờ trở lại như nho sĩ nhập tràng

Dọn cơm hai hàng như làng ăn Trùng Cửu

Ăn rồi đi ngủ như Lưu Bị viếng Khổng Minh

Trống đánh ình ình như La Thông tảo bắc

……………….

Tào Tháo xuất hiện trong văn học dân gian, chủ yếu chỉ với vai trò là một nhân vật phản diện đi ra từ tiểu thuyết Tam quốc hay từ các vở tuồng, cải lương, tượng trưng cho cái xấu. Ở đây hầu như hoàn toàn không đả động hay chú ý gì đến vai trò lịch sử và vai trò văn học của nhân vật này. Và sự xuất hiện của Tào Tháo cũng khá mờ nhạt so với các nhân vật khác trong cùng tác phẩm Tam quốc, như: Quan Vũ, Trương Phi, Lưu Bị, Gia Cát Lượng…

Trong kho tàng các thành ngữ, có những câu rất quen thuộc với người Việt Nam từ ngày xưa mà ngày nay chúng ta vẫn rất thường nghe: Đa nghi như Tào Tháo để chỉ những người có tính hay nghi ngờ, Tào Tháo đuổi/rượt để chỉ trường hợp ăn uống không cẩn thận bị đau bụng, Nhắc Tào Tháo Tào Tháo đến để chỉ người mình vừa nhắc đã xuất hiện…

Dưới đây là một ví dụ về hình ảnh của Tào Tháo trong mắt dân gian Việt Nam qua bài chòi miền Trung: Quan Công phục Huê Dung (Quan Công mai phục ở Hoa Dung):

Vạn cổ trung can huyền nhật nguyệt

Thiên thu nghĩa khí quán kiền khôn

Quan công hầu tiết liệt nhứt môn

Lập đoạn văn, bắt Tào tặc chẳng tha hồn Tào man

Giữa chiến trường đoan thệ rõ ràng

Qua Huê Dung bắt Tào tặc mổ lấy gan anh hùng

Đem quân xin ngài không thuận tùng

E quan hầu dị lộ dạy cùng Tào gia

Quan công hầu bẩm với ca ca

Cho em xuất trận trả nợ ba cho Tào

Dầu cho Tào Tháo mưu cao

Em nguyền ra sức anh hào nợ trai

Em phân làm hai đạo binh oai

Tử Long, Dực Đức đón hai nẻo đàng

Cõi Huê Dung binh mã em sang

Phen này Tào tặc hết đàng đào sanh

Thiên táng ngã anh hùng, địa mai ngô hào kiệt

Tào Tháo:

Trăm lạy Quan công hầu

Ngàn lạy Quan công hầu

Xin quan hầu suy đi nghĩ lại

Lúc ở Tào về ngại cố tri

Từ ngày Quan Vũ ra đi

Tào không có một tiếng chi mách lòng

Dâng cẩm bào, xích thố cho ông

Cớ sao không nghĩ, đem lòng thứ tha

Dầu mà tha đặng Tào gia

Ơn ông sánh tợ hải hà cao thâm

Quan công hầu khi ấy hồi tâm

Diện tiền ông chẳng dám sánh cầm Tào nhơn

Ơn ông ví tợ Nam sơn

Nghĩa sánh tày Bắc hải, tôi cúi đầu vọng bái

Chỉ bắt Ngụy lui về. Xin quan hầu thứ ra đi

Tào tôi lạy tạ hồi qui.

Những ví dụ khác tương tự cho thấy, trong văn học dân gian, hình tượng nhân vật Tào Tháo ít khi xuất hiện riêng biệt, mà thường gắn liền với hình tượng của nhân vật Quan Vũ với câu chuyện ở Hoa Dung, khi Tào Tháo thua chạy về đó và Quan Vũ theo kế của Gia Cát Lượng đã mai phục sẵn. Ở đây, Tào Tháo chỉ là nhân vật phụ, làm nền, làm đẹp thêm cái “trung can”, “nghĩa khí” của nhân vật Quan Vũ. Điều này cũng bắt gặp ở các hình thức thể loại văn học dân gian khác, chẳng hạn một câu đố cũng về hai nhân vật Quan Vũ – Tào Tháo và sự kiện diễn ra ở Hoa Dung:

Trường giang thua trận hỏa công

Bôn ba chạy thoát, Hoa Dung băng miền

Tưởng là ngả tắt bình yên

Đón đầu đại tướng bên triền núi cao

Xuống yên uốn lưỡi kể nào

Ân xưa cám cảnh nao nao can trường

Đành tha, chịu tội trướng tiền.

Song qua đây chúng ta cũng thấy, hình tượng Tào Tháo trong văn học dân gian dù bị quy về phía xấu, phản diện, “tặc”, nhưng chưa không đến nỗi quá tàn ác xấu xa. Tuy chỉ đóng vai trò làm nền, vai phụ bên cạnh Quan Vũ, nhưng hình tượng Tào Tháo ở đây vẫn hiện lên với ít nhiều thiện cảm bởi tính cách liên tài, biết chiêu hiền đãi sĩ. Chúng tôi chưa tìm thấy những ví dụ trong văn học dân gian cho thấy sự lên án, đả kích gay gắt nhân vật Tào Tháo – điều rất thường thấy ở các nhân vật phản diện khác như Đổng Trác, Lữ Bố…

 

2. HÌNH TƯỢNG TÀO THÁO TRONG VĂN HỌC HÁN NÔM THỜI TRUNG ĐẠI

So với văn học dân gian, có lẽ hình tượng nhân vật Tào Tháo xuất hiện sớm hơn trong văn học viết. Điều này do đối tượng tiếp nhận tiểu thuyết Tam quốc ban đầu là tầng lớp trí thức Nho học, đọc nguyên tác qua bản Hán văn, sau đó kể lại hoặc soạn tuồng và từ đó lan truyền trong dân gian.

Trong sáng tác văn học thời trung đại, các nhà văn thường vận dụng điển tích điển cố trong truyện, kinh, sử Trung Quốc vào trong tác phẩm. Người ta có thể phán đoán được chủ ý, quan niệm của tác giả đối với các nhân vật sự kiện thông qua việc sử dụng các điển cố đó.

Tiểu thuyết Tam quốc ra đời vào cuối thế kỷ XIV tại Trung Quốc. Lật lại lịch sử văn học Việt Nam, ngay đầu thế kỷ XV, chúng ta đã thấy các câu chuyện và nhân vật Trương Phi, Lữ Bố xuất hiện ở Việt Nam trong tác phẩm của Nguyễn Trãi. Ví dụ, Lại thư dụ Vương Thông (1427) có đoạn viết: “Chỉ e người Nam trong thành nhớ mến chủ cũ, người Ngô ở đây khốn khổ không kham, thì những người chống các ông sẽ kế nhau ra hàng, các ông như Trương Phi, Lữ Bố lại bị chính bọn thủ hạ làm hại, đó là lẽ tất nhiên” (Văn học thế kỷ XV-XVII , tr.175).

Đây không hẳn là dấu hiệu cho thấy tiểu thuyết Tam quốc của La Quán Trung đã hiện diện ở Việt Nam từ đầu thế kỷ XV, mà có thể Nguyễn Trãi hay các trí thức Việt Nam đương thời lấy truyện tích từ sử sách Trung Quốc (ví dụ Tam quốc chí của Trần Thọ, thế kỷ III, hay các thoại bản, giảng sử ra đời trước tiểu thuyết Tam quốc). Song cũng có thể thấy rằng, ít ra các câu chuyện và nhân vật trong Tam quốc cũng đã đi sâu vào văn hoá của người Việt từ hơn năm thế kỷ trước. Song ở đây chúng tôi cũng không hoàn toàn loại trừ khả năng có thể tiểu thuyết Tam quốc du nhập Việt Nam từ thời Nguyễn Trãi dưới dạng nguyên tác Hán văn, vì đương thời người Việt cũng sử dụng chữ Hán như người Trung Quốc, không bị trở ngại về mặt ngôn ngữ. Hơn nữa, việc thông thương giữa hai nước bấy giờ cũng không phải là khó khăn, có điều kiện cho việc du nhập thư tịch từ Trung Quốc sang Việt Nam sớm.

Cũng vào khoảng thời gian này, ngoài Lại thư dụ Vương Thông của Nguyễn Trãi, chúng tôi cũng thấy các câu chuyện trong Tam quốc xuất hiện rải rác ở một số tác phẩm khác. Ví dụ Chí Linh sơn phú của Trần Thuấn Du có đoạn nhắc đến chuyện Tào Tháo tiến đánh Lưu Bị ở Trường Bản, nhằm so sánh sự gian nan của Lê Lợi còn hơn cả Lưu Bị khi xưa:

Nại cuồng khấu chi tính thôn

Nhi khổ diệm chi phương thịnh

Lưu ly phương thất dụ ư Trường Bản chi gian nguy

(Đương khi giặc nước tung hoành/ Gặp lúc cơn nguy còn thịnh/ Gian nan biết mấy, so Trường Bản thuở trước còn hơn) (Văn học thế kỷ XV-XVII , tr.243).

Như nói qua ở trên, ngay từ đầu thế kỷ XV, Tam quốc (1) đã được nhắc đến trong tác phẩm của Nguyễn Trãi, Trần Thuấn Du. Còn việc người Việt bình luận, đánh giá nhân vật Tào Tháo chưa rõ bắt đầu từ bao giờ và như thế nào. Hiện tại chúng tôi mới thấy từ lời bình cuối Truyện người con gái Nam Xương trong tập Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ (thế kỷ XVI). Đoạn đầu lời bình nhắc đến chuyện Tào Tháo đa nghi mà giết lầm cả nhà Lã Bá Xa: “Than ôi, những việc từa tựa như nhau, thật là khó tỏ mà dễ hoặc. Cho nên quăng thoi đứng dậy, tuy mẹ bậc đại hiền cũng phải phân vân, mất búa đổ ngờ tuy con người láng giềng cũng khó chối cãi, ý dĩ đầy xe, Quang Võ đổ ngờ lão tướng, “trói lại mà giết”, Tào Tháo đến phụ ân nhân, việc thị Thiết cũng giống như vậy” (Văn học thế kỷ XV-XVII , tr.706). Đây đương nhiên là những lời phê phán Tào Tháo, song xem lời lẽ thì thấy người bình cũng phê phán Tào Tháo với thái độ ôn hòa, không đến mức lên án gay gắt.

Cũng vào khoảng thế kỷ XVI, xuất hiện truyện thơ Nôm Đường luật Tam quốc thi với 340 bài vừa thất ngôn bát cú, vừa tứ tuyệt và một bức thư Quan Vũ để lại cho Tào Tháo gồm 34 câu làm theo thể thất ngôn trường thiên. Điều này chứng tỏ tiểu thuyết Tam quốc đã được tiếp nhận rộng rãi ở Việt Nam. Tác phẩm kể lại các tình tiết và sự kiện trong Tam quốc từ hồi 14 đến hồi 28. Trong số 341 bài này, có khá nhiều bài nói về Tào Tháo, ví dụ các bài: Tào Tháo hỏi chư tướng, Tuân bẩm Tháo, Tháo bảo Liêu, Chư tướng Tam quốc thi bẩm Tháo, Liêu bẩm Tháo, Tháo bảo chư tướng, Dục-Gia-Quắc bẩm Tháo, Tháo bảo Liêu, Tiểu quân bẩm Tháo, Dục bẩm Tháo, Tháo đối Quan… Đây cũng là đoạn tiêu biểu kể về tinh thần khát khao cầu hiền của Tào Tháo. Tào Tháo tìm mọi cách chiêu nạp Quan Vũ, chẳng riêng mình, mà còn không ngại nhờ cậy đến tất cả bá quan văn võ dưới trướng nghĩ cách kéo Quan Vũ về với Ngụy. Ví dụ bài Tháo bảo Liêu (Tào Tháo nói với Trương Liêu):

Quan công là đấng có tài năng

Chúng liệu điều nào dỗ được chăng

Đỡ chân tay phù nước trị

Làm nanh vuốt giúp đời bằng

Công nên lộc cả nghìn vàng thưởng

Chức đến quyền cao mấy bực thăng

Văn vũ trong triều ai nấy cả

Lẽ nào ta được cậy thời rằng.

Hay bài Tháo đối Quan (Tào Tháo nói với Quan Vũ, khi Quan Vũ bỏ Ngụy về với Lưu Bị):

Mỗ vốn tâm thành trị quốc gia

Xưa nay chi có dám sai ngoa

Vội nghe rằng đã đi hăm hở

Chẳng lấy chi đưa nghĩ đận đà

Diệu vợi đường trường ngoài mấy dặm

Ít oi lễ mọn gọi rằng là

Kìa ai nơi ấy bưng bàn lại

Của chẳng bao nhiêu gọi chút quà.

Mặc dù nội dung chính của Tam quốc thi là ca ngợi phẩm chất và khí tiết của Quan Vũ, nhưng ở đây ta cũng thấy Tào Tháo được miêu tả bằng những lời trân trọng đối với một người biết chiêu hiền đãi sĩ.

So với tiền nhân, có lẽ Nguyễn Du là người thể hiện khá rõ quan điểm của mình trong việc đánh giá nhân vật Tào Tháo. Trong thời gian đi sứ, ông đã qua nhiều nơi, nhiều di tích lịch sử văn hóa trên đất Trung Quốc và đều có ghi lại cảm nhận của mình trong tập Bắc hành tạp lục. Nguyễn Du đã đi qua đài Đồng Tước do Tào Tháo cho xây dựng để dưỡng già, rồi những ngôi mộ được truyền là do Tào Tháo xây để đánh lạc hướng kẻ thù và ông đã để lại hai bài thơ cảm tác nói lên suy nghĩ của mình về Tào Tháo. Trước tiên là Đồng Tước đài:

Nhất thế chi hùng an tại tai?

Cổ nhân khứ hề, kim nhân lai!

Bất kiến Nghiệp Trung Ngụy Vũ đế

Đãn kiến giang biên Đồng Tước đài

Đài cơ tuy tại, dĩ khuynh dĩ

Âm phong nộ hào thu thảo mĩ

Ngọc long kim phượng tẫn mang mang

Hà huống đài trung ca vũ kỹ!

Tư nhân thịnh thời, tùy cảm đương?

Diểu thị hoàng đế lăng hầu vương

Chỉ hận tằng đài không luật ngột

Tiểu Kiều chung lão giá Chu lang

Nhất triêu đại hạn hữu thời chí

Thượng thực tấu ca đồ duyệt quỉ

Phân hương mai lý khổ đinh ninh

Lạc lạc trượng phu hà nhĩ nhĩ?

Gian hùng biệt tự hữu cơ tâm

Bất thị minh ai nhi nữ khí

Thiên cơ vạn xảo tẫn thành không

Chung cổ thương tâm Chương giang thủy

Ngã tư cổ nhân thương ngã tình

Bồi hồi phủ ngưỡng bi phù sinh

Như thử anh hùng thả như thử

Huống hồ thốn công dữ bạc danh

Nhân gian huân nghiệp nhược trường tại

Thử địa cao đài ưng vị khuynh!

(Ở đâu nhỉ anh hùng thuở nọ?/ Người xưa đi lại có người nay/ Nghiệp Đô, Ngụy đế đâu đây/ Chỉ thấy Đồng Tước đài này bên sông/ Nền còn đó, nhà long tường đổ/ Gió vi vu ngọn cỏ rã rời/ Hai lầu Long, Phượng đâu rồi/ Nữa phường ca vũ trong đài mà chi!/ Thời oanh liệt người kia ghê gớm/ Coi nhẹ vua, khinh đám hầu vương/ Tiếc thay đài những bỏ suông/ Tiểu Kiều vẫn vợ Chu lang đến già/ Khi tận số đã qua kiếp khác/ Chuyện cỗ bàn tấu nhạc cúng ma/ Thiếp hầu hương dép chia ra/ Trượng phu lỗi lạc sao mà thế ư?/ Kẻ gian hùng tâm cơ sẵn có/ Nào phải tuồng nhi phụ kêu thương/ Muôn vàn khôn khéo dở dang/ Nghìn thu dòng nước sông Chương gợn sầu/ Nghĩ người trước đau lòng đòi đoạn/ Kiếp phù sinh ngao ngán nhường này/ Anh hùng như vậy cũng vầy/ Công danh một chút mảy may thá gì!/ Đời mà thịnh mãi không suy/ Thì đài Đồng Tước có khi vẫn còn!) (Phạm Khắc Khoan, Ngô Ngọc Can dịch).

Lời bài thơ cho thấy, bản thân Nguyễn Du cũng cho Tào Tháo là “nhất thế chi hùng”, “anh hùng”; nhưng đó là ông đưa ra để phủ nhận chứ không phải công nhận, đồng thời nhấn mạnh hơn mặt “gian hùng”, phi “trượng phu” của Tào Tháo. Tuy vậy, dù sao hình ảnh Tào Tháo trong Đồng Tước đài vẫn còn ít nhiều sáng sủa. Sang đến bài Thất thập nhị nghi trủng (Bảy mươi hai ngôi mộ giả), thể hiện cảm xúc của Nguyễn Du khi đứng trước cảnh hoang tàn tiêu điều của Nghiệp thành – nơi năm xưa Tào Tháo tung hoành ngang dọc, thì Tào Tháo bị Nguyễn Du phê phán rất nặng, với những từ gắt gao: “xú danh mãn quách” (tiếng thối đầy quan tài), “tặc cốt thiên niên” (xương giặc nghìn năm):

Nghiệp Thành thành ngoại dã phong xuy

Thu thảo tiêu tiêu cực sự phi

Uổng dụng nhất nhân vô hạn trí

Không lưu vạn cổ hứa đa nghi

Xú danh mãn quách tàng hà dụng

Tặc cốt thiên niên mạ bất tri

Hà tự Cẩm thành Tiên chủ miếu

Chí kim tùng bách hữu quang huy

(Bên ngoài thành Nghiệp gió thu đưa/ Cây cỏ tiêu điều việc khác xưa/ Dụng hết một đời mưu xảo quyệt/ Gây cho muôn thuở mối nghi ngờ/ Đầy săng danh xấu cần chi giấu/ Muôn kiếp xương tàn mắng cũng trơ/ Khác hẳn Cẩm thành đền Hán chúa/ Thông tươi bách tốt đến bây giờ) (Phạm Khắc Khoan, Ngô Ngọc Can dịch).

Bênh cạnh thơ, ca trù là một loại hình nghệ thuật đặc biệt của Việt Nam, phát triển mạnh mẽ ở thế kỷ XVIII và XIX, kết hợp chặt chẽ giữa thơ và nhạc. Ở đây hình tượng Tào Tháo cũng được xuất hiện, nhưng trong ca trù, hình tượng Tào Tháo xuất hiện không phải với vai trò phụ, làm nền mà có tính độc lập, vượt qua những đánh giá chính – tà của dân gian, nhưng băn khoăn anh hùng – gian hùng của tư tưởng chính thống phong kiến. Khi đi vào thế giới hưởng lạc với tư tưởng Thiền Lão, hình tượng Tào Tháo đã được nhìn nhận một cách bình đẳng, thậm chí còn thiên về khuynh hướng ngợi ca. Ví dụ bài hát nói Cạo râu mang phong vị trào lộng sau đây của Nguyễn Văn Bình (cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX) nhắc đến đến một sự kiện trong Tam quốc: Khi Tào Tháo đánh nhau với Mã Siêu ở Đồng Quan bị thua. Tháo cởi áo mũ chạy trốn. Quân Mã Siêu trông thấy hô: Người râu dài ấy là Tào Tháo. Tháo sợ quá vội lấy gươm cắt râu mà chạy. Quân Mã Siêu lại hô: Người râu ngắn kia là Tào Tháo. Tháo hoảng hốt lại đưa gươm lên cạo sạch râu đi. Vừa cạo xong lại nghe hô: Người không râu đó là Tào Tháo. Nguyên văn bài hát nói:

Mữu:

Đã sinh ra kiếp nam nhi

Ai không có vẻ tu mi ở đời

Để râu sợ chóng già người

Ừ thì cạo quách cho đời trẻ dai

Nói:

Bà mụ nặn ra người khéo xỏ

Đem miệng người máy mó cấy râu vào

Lồm xồm như búi rửa cầu ao

Ăn cũng vướng, cọ vào ai cũng ghét

Hôn vợ, vợ ngờ đem chổi quét

Nựng con, con ngỡ lấy rơm chùi

Buổi văn minh muốn đẹp mặt với đời

Tóc đã húi để râu dài chi chẳng cạo

Trường giả tu Tháo, đoản tu giả Tháo, vô tu giả diệc Tháo

Tiếng anh hùng còn dấu mãi nghìn thâu

Bất nghì nào phải không râu.

Các tác phẩm Hán Nôm trên đều thuộc vào văn học trung đại Việt Nam. Vậy một người có thành tựu và vai trò lớn lao đối với thơ ca Trung Quốc như Tào Tháo, không lẽ chỉ trở thành “chất liệu” trong sáng tác của các nhà văn Việt Nam thôi hay sao? Chẳng lẽ các tác phẩm của Tào Tháo không để lại dấu ấn gì cho các nhà văn Việt Nam thời trung đại?

Tào Tháo sống vào cuối thời Hán, ông là người có công xây dựng nên tao đàn đầu tiên ở Trung Quốc (Nghiệp Thành thi đàn), là người góp phần chủ yếu vào việc hình thành “phong cốt Kiến An”. Và thực tế, Kiến An là thời kỳ lịch sử ngắn ngủi (25 năm), loạn lạc, nhưng lại là một giai đoạn rực rỡ trong lịch sử văn học Trung Quốc với “Tam Tào” (Tào Tháo, Tào Phi, Tào Thực) và “Thất Tử” (Khổng Dung, Vương Xán, Lưu Trinh, Trần Lâm, Nguyễn Vũ, Từ Cán, Ứng Dương). Thơ ca trung đại Việt Nam chủ yếu ảnh hưởng thi pháp Đường – Tống, nhưng thi thoảng vẫn thấy các nhà văn nhà thơ nhắc tới các tác giả tác phẩm thời Kiến An như Tào Thực (Trần vương). Ví dụ một đoạn trong bài ca trù Tương tiến tửu của Nguyễn Đức Nhu:

Thánh hiền trước nay đều tịch mịch

Người say sưa tiếng để nghìn thu

Yến Trần Vương say tỉnh mặc tha hồ

Chủ sao nói ít tiền cho lỡ cuộc

Rượu đối ẩm mua về lại chuốc

Đổi rượu ngon sá tiếc ngựa cừu đâu

Cùng nhau cất tiếng tiêu sầu.

Hay Vương Xán – thi nhân đứng đầu Thất Tử, cũng được nhắc đến khá nhiều. Chẳng hạn ở bài Thuật chí của Lý Tử Cấu (thế kỷ XV):

Phong nguyệt trường cung thi xã hứng

Giang sơn chính tác túy hương du

Bình sinh vị cải Tang quân nghiễn

Đáo xứ liêu vi Vương Xán lâu

Túng sử thế nhân đa thốn đạp

Dã ưng vô nộ đáo hư châu.

(Chẳng rừng, chẳng chợ, chẳng khanh công/ Chẳng học Tô Tần áo rách bong/ Thi hứng gió trăng ngâm chẳng cạn/ Rượu say, sông núi dạo khôn cùng/ Tang quân nghiên cũ không thay đổi/ Vương Xán “lầu cao” luống nhớ trông/ Giả phỏng người đời nhiều quở trách/ Cầm bằng không giận, chiếc thuyền không) (Bản dịch trong Văn học thế kỷ XV-VII).

Chúng tôi cũng bắt gặp giữa Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu trong Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ, nhân vật Phùng Trọng Qùy ngâm một bài ngũ ngôn trường thiên, cũng có câu nhắc đến Vương Xán:

Phạ thụy Hoành sơn hiểu

Hành ca Diễn thủy tân

Đăng lâu Vương Xán lệ

Sách cú Đỗ Lăng cân

(Từng khi ngủ dưới Đèo Ngang/ Từng khi bến Diễn ngâm vang điệu sầu/ Lệ tuôn, Vương Xán lên lầu/ Sầu ôm, Đỗ Phủ ngâm câu cảm hoài) (Bản dịch trong Văn học thế kỷ XV-VII).

Tuy vậy, những nhà văn Việt Nam trên khi nói tới văn học Ngụy Tấn, chỉ chú ý khai thác tư tưởng hưởng lạc, cái “thông thoát” của các thi nhân Trung Quốc đương thời. Còn đặc trưng “khảng khái” của phong cốt Kiến An mà Tào Tháo là trung tâm, thì lại ít người nói tới. Qua lời phê bình của nhà bác học Lê Qúy Đôn (thế kỷ XVIII) trong tác phẩm Vân đài loại ngữ, có thể thấy ông đã khái quát được những đặc sắc và đóng góp của văn học Hán Ngụy: chân thực, khoáng đạt, có ý vị cổ: “Những bài ca, bài hành của nhạc phủ đời Hán, đời Ngụy còn có ý vị đời cổ. Từ đó về sau, thanh luật bị trói buộc, âm vị bị hạn chế, người có tài lo vấp váp, kẻ vô tài khổ về câu nệ, do đó lời thơ ở tự trong tâm phát ra không được thực” (Phạm Vũ, Lê Hiền dịch, tr.267).

Song đi vào chi tiết hơn, khi nói về văn học Kiến An, chỉ thấy Lê Qúy Đôn gián tiếp nhắc tới Tào Thực: “Cổ nhân đọc sách không cẩu thả. Thí dụ Hạ Tri Chương đời Đường, khi được vua Huyền tông đòi vào hỏi về bài phú U cư của Tào Thực, vì sao lấy cảnh vật ở xa, ý trỏ vào đâu. Hạ Tri Chương giải thích từng câu một, mỗi câu đến vài trăm điều. Nếu Tri Chương không thuộc kỹ từng thiên, làm sao giải thích nổi? Xem một việc này đủ biết: trong bụng có uẩn súc đã lâu, mới trả lời được thế” (Phạm Vũ, Lê Hiền dịch, tr.260). Lê Qúy Đôn cũng trực tiếp nói về Điển luận – Luận văn của Tào Phi: “Trong sách Điển luận, Tào Phi nói: Thể văn tấu nghị nên nhã nhặn, thể văn thư luận nên rành mạch, thể văn minh lụy nên chân thực, thể thi thể phú nên bóng bẩy” và phê bình: “Tào Phi nói: Làm văn lấy ý làm chủ, lấy khí làm phụ, lấy lời làm hộ vệ, những tác phẩm của danh gia đời xưa, không ngoài mấy câu châm ngôn ấy. Lời phê này chắc không của chính Tào Phi, mà hẳn rút từ đâu đó ra thôi” (Phạm Vũ, Lê Hiền dịch, tr.252). Còn nói riêng về Tào Tháo hay bàn về thơ ca của Tào Tháo thì ngoài Tuy Lý vương Miên Trinh (1820 – 1897), chúng tôi chưa tìm thêm được ai khác. Tư liệu này chứng tỏ rằng, giới văn học trí thức nước ta thời trung đại cũng có người đã đọc thơ ca của Tào Tháo rất kỹ và có những phát biểu thật sâu sắc. Đó là một đoạn trong bài tựa đầu Tĩnh Phố thi tập của Miên Trinh – một nhà thơ lớn thời Nguyễn:

Khách hữu vấn ư dư viết: “Phù nhân chi ư thi dã, do sơn chi hữu lam, thủy chi hữu ba, điểu chi hữu thanh, hoa chi hữu hương dã, giai nhân kỳ tâm chi động, phát chi vi thanh. Tâm động ư ai, kỳ thanh vi thê; tâm động ư hỉ, kỳ thanh vi nùng; tâm động ư lạc, kỳ thanh vi dâm; tâm động ư nộ, kỳ thanh vi hùng. Cố thi chi khả quý tại động, hoặc vi hoạt động, vi biến động, vi linh động, vi lưu động, vô phi động dã. Cổ nhân chi thi, diệc đa dĩ động kiến trường. Tạ Linh Vận đắc động chi manh dã, Tào A Man đắc động chi hùng dã, Thẩm Thuyên Kỳ đắc động chi hoa dã, Tống Chi Vấn đắc động chi tinh dã, Lý Thái Bạch đắc động chi ảo dã, Đỗ Tử Mỹ đắc động chi cực dã. Thử sổ giả diệc túc trưng dã. Túc hạ hà thủ ư  tĩnh, nhi dĩ tĩnh danh Phố, dĩ Tĩnh Phố danh thi hồ, ngưỡng hữu sở thuyết hồ? Kính tương tẩy nhĩ”.

(Có một ông khách tới hỏi tôi rằng: Phàm người ta đối với thơ, cũng như núi có sương, nước có tiếng sóng, chim có tiếng hót, hoa cỏ có mùi thơm, ấy đều bởi lòng người xúc động mà phát ra cả. Lòng người xúc cảm bởi đau thương, thì phát ra âm thanh bi thảm; mừng rỡ thì thanh âm nồng nàn; vui xướng thì thanh âm quyến rũ; tức giận thì thanh âm hùng tráng. Cho nên cái quý của thơ là ở chỗ động, đó có thể là hoạt động, là lưu động, là linh động, là biến động, thực không có gì ngoài cái động vậy. Thơ của cổ nhân cũng phần nhiều lấy động làm sở trường, ví như Tạ Linh Vận sở đắc cái linh diệu của động, Tào A Man sở đắc cái hùng vĩ của động, Thẩm Thuyên Kỳ sở đắc cái anh hoa của động, Tống Chi Vấn sở đắc cái tinh túy của động, Lý Thái Bạch sở đắc lẽ huyền ảo của động, Đỗ Tử Mỹ đạt tới tột đỉnh của động. Chỉ bấy nhiêu cũng chứng tỏ được động đối với thơ quan trọng đến mức nào. Vậy thì tại sao ngài lại cứ thủ lấy cái tĩnh, lấy tĩnh để đặt tên cho vườn là Tĩnh Phố, lại lấy hai chữ Tĩnh Phố đặt tên cho tập thơ. Phải chăng ngài có ý đồ riêng, mong được ngài bảo cho” (Nguyễn Đình Phức dịch).

Tào A Man ở đây chính là Tào Tháo. Như lời tác giả viết, thì người phát biểu quan điểm về cái “động” trong thơ là “khách”, tức có thể là một bạn thơ của Miên Trinh chứ không phải ông. Tuy nhiên chúng tôi cũng cho rằng rất có thể đó chính là quan điểm của Miên Trinh về cái “động” và “tĩnh” trong thơ, chẳng qua ông “phân thân”, “tách vai” để nói mà thôi.

Ngoài ví dụ trên, chúng tôi thấy một trường hợp một trường hợp khác, lam bản của bài ca trù này nguyên văn chữ Hán được Đào Nguyên Phổ diễn nôm:

Khách viết:

Nguyệt minh tinh hy

Ô thước nam phi

Thử phi Tào Mạnh Đức chi thi hồ!

(Khách rằng: Trăng sáng sao thưa/ Đàn chim ô thước lững lờ về nam/ Câu thơ ấy ai làm thuở trước/ Chẳng phải Tào Mạnh Đức đó không).

Ở đây Tào Tháo được nhắc đến và Đào Nguyên Phổ đã gián tiếp truyền bá một vài câu thơ của Tào (Nguyệt minh tinh hy/ Ô thước nam phi). Nguyên trên đây là bài Tiền Xích Bích phú của Tô Đông Pha, mà chúng tôi chỉ lược dẫn một vài câu.

 

3. HÌNH TƯỢNG TÀO THÁO TRONG VĂN HỌC HIỆN ĐẠI

Đầu thế kỷ XX, chữ quốc ngữ và báo chí Việt Nam phát triển mạnh mẽ, mà cái nôi của nó là đất Nam bộ.

Năm 1901, ngay từ số thứ nhất, trên tờ Nông Cổ Mín Đàm, lần đầu tiên Tam quốc được dịch ra chữ quốc ngữ và đăng tải dài kỳ với nhan đề Tam quốc chí tục dịch. Năm 1903, tuyển tập thơ bằng chữ quốc ngữ đầu tiên xuất hiện: Quấc âm thi hiệp tuyển, cuối tuyển tập, tác giả Lê Quang Chiểu dành nhiều bài vịnh các nhân vật trong Tam quốc, như Quan Vũ, Lưu Bị, Trương Phi, Lữ Bố, Điêu Thuyền, Khổng Minh, Đổng Trác… Riêng Tào Tháo, không thấy ông vịnh riêng thành một bài như các nhân vật khác, mà chỉ được nhắc tới trong bài Thơ ông Quan Đế (tức vịnh Quan Vũ):

Ngời nghĩa đởm chói trung cang

Khó sánh từ xưa đức Thánh Quan

Ba ước cùng Tào gan sắt đá

Một nguyền ở Hớn dạ son vàng

Rỡ ràng đuốc ngọc soi nhà tối

Linh ứng hồn hoa hiển núi toàn

Cao rạng với trời so chẳng kém

Muôn đời vỡ mật đảng tôi gian.

Hình ảnh Tào Tháo ở đây hiện lên hoàn toàn trung tính, cho nên chúng ta không biết được thái độ của Lê Quang Chiểu đối với nhân vật này thế nào. Trong khi đó, đối với những nhân vật phản diện như Lữ Bố, Đổng Trác… ông phê phán rất mạnh. Ví dụ bài vịnh Đổng Trác:

Đã vầy gia quyến ở My Ô

Mặt mốc còn mang lại đế đô

Số quỷ khiến lầm tay Lữ Bố

Mưu thần thêm sẵn sức Tư Đồ

Rồi đời cũng bởi vì tham sắc

Ỷ  thế cho nên phải nát mồ

Tướng tá rộn ràng coi dễ gớm

Vãn tuồng quân nịnh có xong mô.

Chúng tôi nghĩ, nguyên nhân Lê Quang Chiểu không vịnh Tào Tháo có lẽ không phải vì nhân vật này thiếu sức hấp dẫn, không để lại ấn tượng. Ở đây có thể vì Lê Quang Chiểu thấy Tào Tháo là người không dễ nhận xét đánh giá như những nhân vật toàn tốt hoặc toàn xấu khác, nên ông tránh.

Tình hình “Tào Tháo làm nền cho Quan Vũ” như thấy ở đây, cũng tương tự như đã thấy ở văn học dân gian mà phần trên chúng tôi đã phân tích. Và tình hình này vẫn tiếp tục ở nhiều tác giả, tác phẩm sau này. Ví dụ bài ca trù Tặng ông Quan công của tác giả Biện Có đăng trên Nông Cổ Mín Đàm số 198 (1905):

Tích Quan thánh phong hầu thuở trước

Miễu Tam Trung còn roi dấu muôn đời

Yến Tào công thết đãi khuyên mời

Cẩm bào thưởng cấp cho mỹ nữ

Trí hữu Hán chỉ quân thần trọng sự

Mục vô Tào mà đất Hứa phải kê thân

Lúc huyền lương khi quải ấn lúc phong kim

Tẩu xích thố xung khai thiên lý nhựt

Thanh long yển tân tam phân quốc

Xích diện cao huyền bách vạn thu

Kìa là ai bỉnh chúc quan thơ

Trong sử sách bia danh trung ngãi

Chí khẳng khái lưu danh vạn đại

Mới rằng hay nhứt trụ kình thiên

Bảng vàng treo thiên cổ nhứt nhơn

Ai ai cũng tràn ngâm vịnh tán... (2)

Tác phẩm cho thấy, lần này Tào Tháo xuất hiện không phải với vai trò làm nền cho Quan Vũ, mà đã được nhận định là “anh hùng” so sánh với Khổng Minh, cũng tương tự trường hợp bài Cạo râu của Nguyễn Văn Bình đã nói ở trước.

Sau khi phong trào truyện Tàu đầu thế kỷ XX đi xuống bởi phong trào giải Hán phục Việt và sự xâm nhập của văn hóa phương Tây, nhưng tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc vẫn được nhiều người tìm đọc. Thậm chí đọc truyện Tàu trở thành một cái “thú” của người Việt, không riêng ở Nam bộ mà còn sang cả những vùng miền khác.

Nếu ở miền Nam, Tào Tháo chủ yếu xuất hiện trong thơ ca, thì ở miền Bắc, Tào Tháo lại chủ yếu xuất hiện trong văn xuôi. Đặc biệt, ở đây nhiều nhà văn trở lại mượn hình ảnh của Tào Tháo trong tiểu thuyết Tam quốc và trong văn học dân gian để khắc họa tính cách nhân vật trong tác phẩm của mình.

Tác phẩm Đôi mắt (1948) của nhà văn Nam Cao ban đầu vốn có tên là Tiên sư anh Tào Tháo. Đoạn cuối tác phẩm này cũng cho thấy Tam quốc được giới trí thức đương thời thích thú đến thế nào. Như lời nói của Hoàng với Độ: “Trong tất cả các tiểu thuyết Ðông Tây, có hai quyển tôi mê nhất là Tam Quốc và Ðông Chu Liệt Quốc. Về cái môn tiểu thuyết thì thằng Tàu nhất. Nhưng cũng chỉ có hai bộ ấy thôi. Thuỷ Hử cũng hay, chẳng kém Tam Quốc và Ðông Chu Liệt Quốc. Những tiểu thuyết khác hay đến đâu, anh cũng chỉ đọc một câu. Ðọc đến lần thứ hai là giảm thú rồi. Nhưng Tam Quốc với Ðông Chu thì đọc đi đọc lại mãi vẫn thấy thú như mới đọc”. Và ở đây, cũng có thể thấy rằng tác giả, qua nhân vật chính diện là Độ, đã không trực tiếp phê phán Hoàng, mà thông qua việc để cho Hoàng say mê tán dương Tào Tháo khiến người đọc thấy được tính cách gian hùng cơ hội của Hoàng bật lên. Đoạn cuối tác phẩm:  “Chị Hoàng đã tìm thấy, bắt đầu cất tiếng thanh thanh đọc. Anh Hoàng vừa hút thuốc lá vừa nghe. Mỗi khi đọc đến đoạn hay anh lại vỗ đùi kêu : “Tài thật ! Tài thật ! Tài đến thế là cùng ! Tiên sư anh Tào Tháo”.

Nhân vật Tào Tháo trong Tam quốc không chỉ tồn tại trong dân gian bằng hình thức truyền khẩu để chỉ tính cách người hay nghi ngờ quá đáng, mà thành ngữ “Đa nghi như Tào Tháo” cũng được nhiều nhà văn Việt Nam hiện đại đưa vào tác phẩm. Nó góp phần khắc họa tính cách nhân vật một cách sinh động và sắc sảo hơn. Chẳng hạn trong truyện ngắn Tầm nhìn xa (1962), khi miêu tả tính cách khôn ngoan nhiều mưu mẹo của nhân vật Tuy, nhà văn Nguyễn Khải đã vận dụng rất đắt từ “ngón” đi kèm với thành ngữ “Đa nghi như Tào Tháo”:

“Biền khẽ bấu vào cánh tay anh cán bộ Ty kiến trúc: Ông ấy vẫn chưa chịu hở cái ngón chính ra với anh đâu”.

Anh kia chỉ mỉm cười e thẹn. Chuyến đi xuống xã đầu tiên của anh đã có những kết quả tốt đẹp, người ta đã yêu mến anh, đối đãi với anh hết sức bình đẳng, coi anh như một cán bộ chính trị, và bây giờ đây những người có trách nhiệm lớn trong xã lại còn mời anh tham dự vào một câu chuyện thầm kín của bọn họ.

Tuy vừa có vẻ giận dữ, vừa cười cợt: “Còn ngón nào nữa. Anh đa nghi như Tào Tháo ấy”.

Biền cuộn một điếu thuốc rời, cười mủm mỉm: “Chỉ có lão Sĩ là dại thôi. Bây giờ cả xã này họ đồn nhau là nhà ông Sĩ to nhất xã, nhưng theo tôi thì nhà ông Tuy Kiền mới to nhất xã”.

Trong tiểu thuyết Mẫn và tôi (1972) của Phan Tứ, thành ngữ “Đa nghi như Tào Tháo” lại xuất hiện thông qua lời của nhân vật “chị Tám” phê phán “tính đa nghi” của Thiêm khi Thiêm nghĩ ngợi băn khoăn về tình cảm của Mẫn đối với mình. Đoạn ví dụ:

Một búng hơi nóng thốc lên cổ. Tôi nuốt nó xuống. Nhắc đến Mẫn phải thờ ơ mới đúng chứ, người ta lạnh ngắt với tôi… Một búng nữa. Một nữa. Cái bình thủy ngoài mát trong sôi đã thổi bật nút, pưng một tiếng, bốc hơi cuồn cuộn. Thôi được, cứ kể hết một lần cho hả tức rồi sẽ nguội, nguội hẳn. Người ta còn giả bộ không biết, đợi tôi lạy lục nữa cơ, đời nào! Người ta hiểu tôi chán chê mê mải rồi chị ơi, từ những ngày cứu lụt, dạo nổ súng che chở nhau trên gò hoang, tới cái đêm trăng không bao giờ quên. Không biết, thì việc gì lại xảy ra cuộc lánh né như chuột tránh mèo hiện nay mà nghĩ kỹ tôi lại thấy là mèo vờn chuột? Nghĩa là gì? Mẫn không hề yêu tôi, dê-rô. Hay Mẫn nghĩ rằng càng thương càng phải rút vào cố thủ trong boong ke, đứng trong ấy mà ú tim ú òa, thương kiểu đó thì anh em xin kiếu. Hay Mẫn lỡ ưng tôi bây giờ hối lại, bắt đầu hỏi dò xem có ông cấp tỉnh hay ông trung đoàn nào chưa vợ?

Chị Tám nghe giọng Bình Định lấp gấp của tôi chắc chỉ lọt tai một phần, tới đấy bỗng cắt ngang, gắt: “Đừng nghĩ bậy, oan nó. Không hiểu con gái mà cứ nghi như Tào Tháo”.

Tôi mím môi ngậm cơn tức đang trào đầy miệng đòi bật ra”.

Ở đây, tác giả không có ý “mượn” Tào Tháo để phê phán mặt tiêu cực của nhân vật như đã thấy trong Đôi mắt của Nam Cao hay Tầm nhìn xa của Nguyễn Khải, mà chỉ “mượn” Tào Tháo để nhằm cho nhân vật chính bộc lộ tâm tư tình cảm. Cũng có thể nói, trong Mẫn và tôi, Phan Tứ đã vận dụng thành ngữ “Đa nghi như Tào Tháo” để nhấn mạnh tính “cả nghĩ” của nhân vật Thiêm, cho nên cơ bản nó không mang tính tiêu cực.

 

*

*        *

Chỉ tính từ thời Nguyễn Trãi đến nay, các câu chuyện trong Tam quốc đã hiện diện được hơn năm thế kỷ và hình tượng Tào Tháo với nhiều góc độ khác nhau cũng đã đi vào đời sống người Việt một quãng thời gian tương đương. Tính phức tạp của nhân vật Tào Tháo được phản ánh khá rõ nét trong văn học, từ văn học dân gian đến văn học trung đại và văn học hiện đại. Song ở mỗi thể loại, mỗi giai đoạn đều có những sắc thái riêng.

Đặc điểm của hình tượng Tào Tháo trong văn học dân gian chủ yếu được hình thành từ tiểu thuyết Tam quốc, tuồng, cải lương cùng các thể loại: thành ngữ, ca dao, hò, vè, bài chòi, câu đố… Tuy ở đây nhân vật Tào Tháo vẫn tồn tại tính song trùng (hai mặt: tốt – xấu), nhưng nói chung khuynh hướng chính vẫn xem Tào Tháo là tượng trưng của phía “tà”, “gian”, là nhân vật phụ, ít thấy tồn tại độc lập mà thường gắn liền với hình tượng Quan Vũ, đóng vai trò làm nền cho nhân vật Quan Vũ - tượng trưng cho “chính”, “nghĩa”.

Trong văn học Hán Nôm thời trung đại, hình tượng Tào Tháo không chỉ được xây dựng trên tiểu thuyết như thấy ở văn học dân gian, mà qua tầng lớp trí thức, hình tượng nhân vật Tào Tháo được tái hiện một cách đa diện hơn với cả vai trò lịch sử và văn học. Tính song trùng, phức tạp của tào Tháo trong văn học trung đại không phải được thể hiện ở sự phân định tốt – xấu như quan niệm dân gian, mà thể hiện ở hai chiều gian hùng – anh hùng. Tào Tháo xuất hiện ở đây với vai trò như một chất liệu điển tích điển cố trong sáng tác của các văn nhân. Đặc biệt, bài tựa Tĩnh Phố thi tập của Tuy Lý vương Miên Trinh (1820 – 1897) còn cho biết, thực tế tác phẩm văn học của Tào Tháo cũng được giới văn nhân nho sĩ Việt Nam rất chú ý và có những ý kiến phê bình, đánh giá cao.

Trong văn học thời kỳ sau, hình tượng Tào Tháo dựa trên mẫu hình trong tiểu thuyết Tam quốc và văn học nghệ thuật dân gian đã được các nhà văn hiện đại đưa vào sáng tác của mình với nhiều hàm nghĩa, góc độ khác nhau. Có người mượn hình tượng Tào Tháo trong tiểu thuyết để gián tiếp miêu tả tính cách gian hùng, cơ hội của nhân vật phản diện như Nam Cao trong truyện ngắn Đôi mắt; có người mượn hình tượng Tào Tháo trong thành ngữ dân gian để nói về những nhân vật khôn ngoan nhiều mưu mẹo như Nguyễn Khải trong truyện ngắn Tầm nhìn xa; có người lại mượn hình tượng Tào Tháo cũng từ thành ngữ dân gian “Đa nghi như Tào Tháo” để bộc lộ sự phức tạp trong tình cảm của nhân vật, song ở đây là nhân vật chính diện, như Phan Tứ trong tiểu thuyết Mẫn và tôi.

Sự khác biệt trong việc tiếp nhận và phản ánh hình tượng, hiện tượng Tào Tháo trong văn học Việt Nam qua các thời kỳ trên do nhiều nguyên nhân phức tạp dẫn đến. Nhưng nếu nói một cách thật đơn giản, thì: hình tượng Tào Tháo trong văn học dân gian do quan niệm đạo đức chi phối; hình tượng Tào Tháo trong văn học trung đại do quan niệm chính thống chi phối; hình tượng Tào Tháo trong văn học hiện đại do quan niệm đại chúng chi phối.

Trong số các tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc, hiện nay Tam quốc vẫn đứng ở nhóm đầu bảng về sự ưa chuộng mà độc giả Việt Nam dành cho nó. Và trong đó, hình tượng Tào Tháo tiếp tục sống, tiếp tục bước ra khỏi trang sách, trở thành một biểu tượng cho tính cách của một hạng người trong xã hội. Mà mức độ tiêu biểu, điển hình của nhân vật Tào Tháo du nhập từ Trung Quốc sang cũng có thể sánh với mức độ tiêu biểu và điển hình của các nhân vật phản diện của các nhà văn trong nước: Mã Giám Sinh của Nguyễn Du, Xuân Tóc Đỏ của Vũ Trọng Phụng, Chí Phèo của Nam Cao…

Trên đây chỉ là những phác họa về hình tượng Tào Tháo trong văn học Việt Nam qua các thời kỳ ở một số thể loại, tác phẩm. Chúng tôi tin rằng thực tế còn phong phú và phức tạp hơn nhiều. Hiện nay, ngoài văn học, Tam quốc nói chung cũng như Tào Tháo nói riêng còn được nhìn nhận, đánh giá dưới nhiều chiều hướng, góc độ khác như: chính trị hiện đại, kinh doanh, nghệ thuật sống, thuật dùng người, mưu trí… Như vậy có thể  thấy, Tào Tháo luôn là một nhân vật, một hình tượng, một biểu tượng có sức hấp dẫn đối với nhiều lĩnh vực, nhiều tầng lớp, nhiều giới, nhiều lứa tuổi, nhiều thời đại.

 

Chú thích:

(1)  Chỗ này ban đầu viết nhầm thành “Tào Tháo”, đúng là ra “Tam quốc”.

(2)  Dưới Bài ca trù tặng ông Quan Công, tôi dẫn tiếp bài Qúy vị xuân vịnh của Đặng Thúc Liêng in trên Nam kỳ tuần báo năm 1943, trong đó có câu: “Coi Đức Tháo với Khổng Minh mỗi người riêng một kiếp”. Tưởng “Đức Tháo” ở đây là Tào Tháo, mà thực ra là “Tư Mã Đức Tháo” – một ẩn sĩ khi Lưu Bị tìm đến, nhưng không ra, mà giới thiệu Khổng Minh.

Hai chỗ nhầm trên này đều được PGS.TS. Đoàn Thu Vân phát hiện và chỉ cho sửa lại. Nhân đây, tôi xin chân thành cảm tạ.

 

 

 


TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

 

SÁCH:

1.      Bằng Giang. 1992. Văn học Quốc ngữ ở Nam Kỳ 1865 – 1930. Nxb Trẻ, TP.HCM.

2.      Bùi Đức Tịnh. 1992. Những bước đầu tiên của báo chí, tiểu thuyết và thơ mới. Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh.

3.      Đỗ Bằng Đoàn, Bùi Khánh Đản. 1995. Việt Nam ca trù biên khảo. Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh.

4.      Hồ Anh Thái biên soạn. 2004. Câu đố Việt Nam. Nxb. Hải Phòng.

5.      Hoàng Chương, Nguyễn Có. 2007. Bài chòi và dân ca Liên khu V. Nxb. Văn hoá thông tin.

6.      Hoàng Văn Hành chủ biên. 1994. Kể chuyện thành ngữ tục ngữ. Nxb. Khoa học xã hội.

7.      Huỳnh Ngọc Trảng. 1998. Vè Nam bộ - Đồng Nai Gia Định. Nxb. Đồng Nai.

8.      Lê Quang Chiểu. 1903. Quấc âm thi hiệp tuyển. Sài Gòn.

9.      Lê Sum. 1919. Việt âm văn uyển. J.Viết, Sài Gòn.

10. Lưu Hồng Sơn. 2009. Ảnh hưởng của Tam quốc diễn nghĩa ở Nam bộ đầu thế kỷ XX. In trong: Nam bộ - Đất và Người, tập VII. Nxb. Đại học Quốc gia TP.HCM.

11. Lưu Hồng Sơn. 2009. Tam quốc chí tục dịch – Vấn đề văn bản và dịch giả. Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 9.

12. Nam Cao. 2006. Truyện ngắn. Nxb. Hội nhà văn.

13. Nguyễn Bá Thời. 1959. Câu hát đối đáp. Phạm Văn Cường xuất bản.

14. Nguyễn Công Chánh. 1967. Câu hát và hò góp. Thuận Hoà xuất bản.

15. Nguyễn Đình Phức. 2008. Thơ Đường – Một số vấn đề lý luận và phương pháp tiếp cận. Tài liệu đánh máy.

16. Nguyễn Khải. 1963. Hãy đi xa hơn nữa – tập truyện ngắn. Nxb. Văn học.

17. Nguyễn Văn Trung. Hồ sơ Lục châu học. Tài liệu đánh máy.

18. Nhiều tác giả. 1978. Thơ chữ Hán Nguyễn Du. Nxb. Văn học.

19. Nhiều tác giả. 2004. Tinh tuyển văn học Việt Nam: Văn học thế kỷ XV – XVII. Nxb. Khoa học xã hội.

20. Phan Tứ. 1976. Mẫn và tôi – tiểu thuyết. Nxb. Văn học.

21. Quế Đường Lê Quý Đôn. Vân đài loại ngữ. Phạm Vũ, Lê Hiền dịch và chú giải. 1973. Nxb. Miền Nam, Sài Gòn.

22. Tào Trọng Hoài. Tào Tháo – tiểu thuyết lịch sử. Dương Thu Ái, Dương Quốc Anh dịch. 1998. Nxb. Văn hoá thông tin.

23. Thạch Phương, Ngô Quang Hiển sưu tầm, tuyển chọn, giới thiệu. 1994. Ca dao Nam Trung bộ. Nxb. Khoa học xã hội.

24. Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng chủ biên. 1998. Địa chí văn hoá thành phố Hồ Chí Minh. Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh.

25. Trương Vĩnh Ký. 1888 – 1889. Thông loại khoá trình – Sự loại thông khảo. Sài Gòn.

26. Võ Văn Nhơn. 2007. Văn học Quốc ngữ trước 1945 ở Thành phố Hồ Chí Minh. Nxb Thành phố Hồ Chí Minh – Văn hoá Sài Gòn.

BÁO:

Nông Cổ Mín Đàm.

Lục Tỉnh Tân Văn.

Nam kỳ Tuần Báo.

Danh mục website