Ảnh hưởng của Nho giáo đối với quan niệm về "cái chết" trong văn tế Hán Nôm

Nguyễn Đông Triều[1]

Văn tế là những bài văn đọc khi cúng tế, trong đó có văn tế thần thánh, năm tháng, mùa màng (còn gọi là chúc văn), người (chủ yếu là người chết, vài trường hợp tế người sống). Ngoài ra, có một số bài văn tế mang nội dung trào lộng, đả kích, châm biếm. Tuy nhiên, khi nói đến văn tế Hán Nôm, người ta thường chỉ nghĩ tới loại văn tế người, bởi vì đây là loại chiếm số lượng nhiều và có giá trị cao ở nhiều phương diện, vượt khỏi phạm vi của một thể loại chức năng, vươn tới tầm cao nghệ thuật và giá trị tư tưởng. Ở đây chúng tôi cũng tạm thời dùng khái niệm “Văn tế Hán Nôm” trong phạm vi ấy.

Văn tế Hán Nôm chủ yếu ra đời, tồn tại, phát triển từ thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XX. Tuy không phải là một thể loại xuất hiện sớm, nhưng nó xứng đáng là một bộ phận không thể thiếu của văn học Việt Nam. Cũng như nhiều thể loại văn học khác của Việt Nam, văn tế được du nhập từ Trung Quốc và được “Việt hoá” thành một phương thức đặc biệt bày tỏ tình cảm xót thương chân thành, sâu sắc nhất dành cho người đã chết và gửi gắm ý nguyện thiết tha nhất cho người còn sống. Các yếu tố về chủ thể, đối tượng, nội dung, mục đích, phương thức sáng tác… của văn tế đều khá đa dạng. Chủ thể, và đối tượng (người chết và người sống) của văn tế có khi chỉ là cá nhân một người, có khi là nhiều người, cũng có khi là cả cộng đồng quốc gia dân tộc. Trong trường hợp chủ thể không phải là một người thì người viết văn tế có thể đại diện cho nhiều người (người thân của người chết, học trò của người chết…) hoặc nhân danh cả cộng đồng dân tộc vì một mục đích cao cả, thiêng liêng nào đó liên quan đến dân tộc, thậm chí liên quan đến sự tồn vong của đất nước. Chính vì thế, nội dung, mục đích, phương thức… cũng được thể hiện theo nhiều chiều hướng khác nhau tuỳ thuộc vào chủ thể và đối tượng; từ đó, diễn biến chiều sâu tâm lý và giá trị tư tưởng của văn tế cũng tăng tiến theo từng cấp độ: từ cấp độ thấp là tình cảm mang tính cá nhân, gia đình đến cấp độ cao hơn là tình cảm có tính xã hội, cuối cùng đạt đến cực điểm là mang tầm vóc tư tưởng dân tộc. Cho nên, như chúng tôi đã từng khẳng định trong một bài viết khác về văn tế, xét ở một phương diện nào đó, văn tế xứng đáng được ghi nhận vừa là một bộ phận nối tiếp của Chủ nghĩa yêu nước, vừa là một bộ phận song hành của Chủ nghĩa nhân đạo; cũng có thể nói nó bắt nguồn từ Chủ nghĩa yêu nước và Chủ nghĩa nhân đạo trong văn học trung đại Việt Nam.

Từ những điều trình bày sơ lược trên đây, có thể thấy rằng, văn tế Hán Nôm trong văn học Việt Nam thực sự là một mảng đề tài lớn để chúng ta nghiên cứu và tìm hiểu. Đương nhiên điều đó đòi hỏi nhiều thời gian và công sức. Trong phạm vi bài viết ngắn này, chúng tôi muốn trình bày đôi điều cảm nhận được về góc độ tâm linh thể hiện trong văn tế Hán Nôm qua lăng kính Nho giáo.

Nho giáo ra đời tại Trung Quốc từ thời cổ đại. Học thuyết Nho giáo do Khổng Tử đề xướng. Sau khi ông mất đi, các học trò đi khắp nơi tuyên giáo học thuyết ấy, truyền đến nhiều đời sau. Đến thời Chiến Quốc, Mạnh Tử là hậu duệ xuất sắc, trung thành và phát huy học thuyết của Khổng Tử. Đời sau gọi là đạo Khổng Mạnh, là một hệ thống đạo lý bảo vệ chặt chẽ chế độ chính trị - xã hội nhà Chu. Do đáp ứng được yêu cầu cai trị và tham vọng của các bậc đế vương (muốn thiên hạ phục tùng, sẵn sàng hi sinh vì vua, khép chặt dân chúng vào cái lưới thống trị…), trong nhiều triều đại sau đó, Nho giáo trở thành vũ khí tư tưởng thống trị của triều đình. Cũng từ đó, Nho giáo ăn sâu vào từng ngóc ngách của xã hội Trung Hoa do các nhà cầm quyền cố công giáo hoá.

Không chỉ tại cái nôi Trung Quốc, ở các nước Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam và một số nước khác, Nho giáo cũng có sức ảnh hưởng vô cùng sâu rộng trong nhiều lĩnh vực cho đến hiện tại và tương lai. Ở Việt Nam, một trong những lĩnh vực ảnh hưởng Nho giáo rõ nét là lĩnh vực sáng tác văn chương, mà ảnh hưởng của Nho giáo trong văn tế Hán Nôm là một trong những vấn đề chưa được nhiều người nghiên cứu.

Trong bài viết này, chúng tôi không có ý định nói về triết lý Nho giáo như một đối tượng nghiên cứu, việc này đã có các nhà Nho học thực hiện, mà chủ yếu trình bày sự lĩnh hội thiển cận của cá nhân về ảnh hưởng của Nho giáo đến quan niệm về “cái chết” trong văn tế Hán Nôm.

I. Phương thức biểu hiện cái chết: sự “ra đi” của bậc Thánh hiền

            Đối tượng chủ yếu của văn tế Hán Nôm là người đã chết. Những người này khi còn sống chắc chắn phải có công lao với đất nước, làng xóm, gia đình, được mọi người kính trọng, thương yêu. Sự ra đi của họ là một mất mát lớn không thể nào bù đắp. Vì vậy, ngoài mục đích bày tỏ lòng tiếc thương đối với người chết, văn tế còn mục đích thứ hai, thường quan trọng hơn, là ca ngợi công lao, ân huệ, đức hạnh… của những người ấy khi họ còn sống, xem đó như là sự hiện diện của họ, lấy đó làm tấm gương để hậu thế học tập và phát huy. Với lòng tiếc thương và tinh thần ca ngợi như thế, những người viết văn tế bày tỏ trạng thái tinh thần không tin là họ đã chết, càng không nỡ nói là họ đã chết. Các tác giả đều có cách “nói tránh” của riêng mình, không trực tiếp nhắc đến chữ “chết”, dường như cũng là một cách xoa dịu nỗi đau. Nổi bật trong một số bài văn tế, các tác giả đã mượn con người, sự kiện hoặc những hình ảnh liên quan đến Nho giáo để biểu đạt cái chết.

            Nho giáo gắn liền với đức thánh Khổng Tử. Khổng Tử không chỉ là người có công sáng lập học phái Nho gia mà còn là vị thầy vĩ đại của Trung Quốc đương thời. Ông mất đi, nhưng sách vở, giáo lý, nhân cách, tài năng… của ông vẫn được người đời lưu truyền, ca tụng. Nho sĩ Trung Quốc đời sau dù học ở đâu, thọ học với vị thầy nào, đều rất tự hào mình xuất thân từ Khổng môn, là học trò của vị Tổ sư Khổng Tử. Vì vậy Khổng Tử được hậu thế tôn xưng Vạn Thế Sư Biểu.

            Việt Nam với truyền thống hiếu học, đã tiếp thu tinh hoa Nho giáo một cách nhanh chóng, triệt để. Người Việt Nam xưa ít ai không biết đến những cái tên Khổng Tử, Mạnh Tử…, những quyển sách Tứ thư, Ngũ kinh… , những giềng mối Tam tòng, Tứ đức, Ngũ thường… Ngày nay, mặc dù có nhiều thay đổi trên nhiều phương diện, những yếu tố, giá trị của Nho giáo còn thích hợp với thời đại vẫn được giữ gìn và áp dụng ở Việt Nam.  Đồng thời, với truyền thống uống nước nhớ nguồn, Nho sĩ Việt Nam bên cạnh lòng biết ơn vị thầy mình trực tiếp thọ học, cũng không bao giờ quên công ơn của vị Tổ sư Trung Quốc. Đặc biệt, nhiều Nho sĩ kính ngưỡng, tôn sùng và tự ví thầy của mình như là hình bóng của chính Khổng Tử.

Sụ tôn sùng, so sánh ấy xuất phát từ tấm lòng chân thực, có thể được ôm ấp trong lòng, có thể được thể hiện qua việc làm thường nhật hoặc trong các sáng tác thơ văn, không nhất thiết phải thốt ra bằng lời nói. Nhưng có một trường hợp người học trò không thể không thốt ra lời, đó là lúc thầy mình ra đi mãi mãi. Một trong những sinh hoạt văn hóa tâm linh của người sống dành cho người chết là làm văn tế. Đây chính là dịp học trò bộc bạch tất cả nỗi lòng của mình đối với thầy: tôn kính, nhớ ơn, thương tiếc. Chúng ta có thể nhận thấy điều này qua một số bài văn tế do học trò làm để tế thầy, như trong Đông Ngạc Tham tụng quan thành phần tế văn do một người học trò của quan Tham tụng giữ chức quan Thiêm đô ở La Khê viết:

嗚呼!泰山其頹,小子安仰?;哲人其萎,小子安倣?

Ôi thôi!

Thái Sơn đã đổ, tiểu tử ta ngưỡng vọng vào đâu?

Triết nhân đã mất, tiểu tử ta học tập ở đâu?

“Thái Sơn” và “triết nhân” là những hình ảnh được chính đức Khổng Tử tự ví trước khi mất bảy ngày: “Khổng Tử ốm, Tử Cống đến thăm… Khổng Tử chống gậy đi dạo trước cửa… Nhân đấy hát: ‘Núi Thái Sơn sắp đổ, trụ cột nhà sắp gãy, bậc triết nhân sắp tàn’… Trong khi hát, nước mắt chảy ròng ròng… Bảy ngày sau Khổng Tử mất”(1). Tác giả bài văn tế ví thầy mình là núi Thái Sơn và bậc triết nhân không phải lời nói ca tụng đầu môi, mà là những lời ngợi ca chân thật về cuộc đời của thầy: “Nhớ ngày ở chiên đường đàm kinh, tài năng tùy lớn nhỏ đều có thành tựu. Khi Phu tử làm quan, trị chính cho dân trăm công nghìn việc…”, và “Sen dưới bùn nhơ không nhiễm bẩn, tùng qua sương tuyết vẫn kiên trinh. Chi lan dưới bệ, mỗi ngày sực nức thư hương; trăng gió trước sân, mỗi lúc thơm lừng đạo vị” . Vị thầy đúng là bậc triết nhân thật sự, đáng ngưỡng vọng như núi Thái Sơn thật sự. Tuy nhiên, điều quan trọng sau sự tôn kính ngợi khen ấy là mình đã mất đi một vị thầy, đời đã mất đi một núi Thái Sơn, một bậc triết nhân, không còn chỗ để “ngưỡng vọng” và “học tập”.

Cùng cảnh ngộ và tâm trạng như trên, người học trò của quan Tả thị lang cũng không dằn lòng được khi phải thốt lên:

嗚呼哀哉!泰山其頹兮,小子何仰? 樑木其壞兮,小子何依?

Ôi thương tiếc thay!

Thái Sơn đã đổ chừ, tiểu tử đơn độc;

Rường cột đã gãy chừ, tiểu tử chơi vơi.

                             (Tế tôn sư Tả thị lang văn)

Cùng với bài Đông Ngạc Tham tụng quan thành phần tế văn, đây là một bài văn tế khuyết danh được chép trong tập Dụ tế huân thần do Lê Quý Đôn và Phạm Quý Thích tuyển soạn. Hai tác giả của hai bài văn tế đã mượn những hình ảnh cùng một xuất xứ để bày tỏ lòng tôn kính, biết ơn và thương tiếc của mình đối với bậc minh sư.

Mượn sự “ra đi” của Khổng Tử thể hiện cái chết của thầy, trong Đông Ngạc Tham tụng quan thành phần tế văn còn nhắc đến giấc mộng của ngài khi bệnh nặng:

一旦奠楹之夢作,曵仗之歌殘。聞訃遠來,半是苹蓬之容。陞堂側聽,已非弦誦之聲。

Một hôm nằm mộng thấy ngồi giữa hai cái cột, kéo lê gậy ca hát nghêu ngao. Chợt nghe tin dữ từ xa tới, ngỡ là lời nói mơ hồ. Lóng tai nghe kỹ thì quả thực chẳng phải là lời đồn đại nữa.

Khi Khổng Tử đang ốm nặng, ngài nói với Tử Cống: “Thiên hạ không có đạo đã lâu rồi, không ai biết theo ta. Người đời Hạ đặt hòm ở phía tây, người đời Ân đặt nó ở giữa hai cái cột. Đêm qua ta nằm mơ thấy ngồi giữa hai cái cột. Chắc vì ta là con cháu nhà Ân.”(2) Đó là điềm báo mộng Khổng Tử mất vài ngày sau đó. “Lễ” là điều Khổng Tử rất coi trọng. Trong giấc mộng lúc bệnh nặng sắp chết, Khổng Tử thấy cả lễ nghi chôn cất người chết. Phải chăng đây cũng là một trong những bài học cuối đời ngài dành cho hậu thế.

Hình ảnh giấc mộng này không phải được sử dụng ngẫu nhiên, cũng không giống giấc mộng hóa bướm của nhà hiền triết Đạo giáo Trang Tử. Giấc mộng ở đây ngoài ý nghĩa biểu thị cái chết, nó còn liên quan chặt chẽ, sâu sắc đến tâm trạng tác giả. Nếu như giấc mộng của Trang Tử có ý nghĩa thoát tục vô ngã vô vật, thì ở đây tác giả dựng nó lên, cũng chính tác giả ngỡ nó là chuyện mơ hồ, để thể hiện dụng ý là: thông tin thầy mất cũng là “lời nói mơ hồ” như giấc mộng, lòng đau xót khiến tác giả không muốn tin đó là sự thật. Nhưng dù sao đó cũng chỉ là dụng ý thể hiện tâm trạng của tác giả. Trước mắt bây giờ là “Vài thước Hồng la, chính là họ tên Phu tử; một chồng hoàng thổ, chính là văn chương Phu tử. Sắc mây lành rực rỡ đầu xuân không còn trông thấy nữa, khí ôn hòa mát mẻ gió xuân không còn thoang thoảng nữa. Than ôi, tình luyến mộ biết gửi vào đâu?”

Khi người đáng tôn kính đã mãi đi xa, chúng ta thường mượng tượng đến bóng dáng của họ thông qua những gì gắn liền với họ. Sinh thời, Khổng Tử từng dạy học ở Hạnh đàn. Hình ảnh Khổng Tử dạy học ở đó cũng hiện lên trong Tế tôn sư Tả thị lang văn:

嗚嘑哀哉!杏壇龍去,華表鶴歸。

Ôi bi ai thay!

Hạnh đàn rồng đi mất;

Hoa biểu hạc quay về.

Di chỉ Hạnh đàn nay ở trước Đại Thành điện miếu Khổng Tử tại huyện Khúc Phụ tỉnh Sơn Đông. Đời Hán, Minh Đế thường đến đây, người đời sau nhân đó dựng điện. Đến đời Tống, Nhân Tông mở rộng thêm sân điện nhưng giữ nguyên nền nhà dạy học cũ của Khổng Tử, xung quanh trồng nhiều cây hạnh, dựng nhà bia khắc hai chữ triện “Hạnh đàn”. Từ đó, di chỉ có tên gọi là Hạnh đàn.

Hình ảnh “rồng” gắn liền với Hạnh đàn đương nhiên không ai khác hơn Khổng Tử. Trong câu trên, tác giả gián tiếp ví “rồng” là vị thầy đầy tài năng, đức độ của mình, xem thầy là bậc minh sư giống như Khổng Tử. Nhưng, càng tôn kính thầy thì càng đau xót khi mất thầy vĩnh viễn. Tác giả không sử dụng nhiều ngôn từ hoa mỹ, chỉ một câu “Hạnh đàn rồng đi mất” ngắn gọn cũng đủ nói lên mất mát không thể nào bù đắp được trong lòng mình. Hơn thế nữa, sự “đi mất” ở đây không có nghĩa đơn thuần là không còn gì để lại, mặc dù thầy đã “đi mất” nhưng những gì thầy để lại sẽ tồn tại muôn đời, đó là “Danh tiếng vang xa chừ, ơn giáo hóa như cơn mưa mùa hạ; Tới lui đĩnh đạc chừ, xem phong thái như hồng vũ dung nghi. Quy tắc tròn đầy, là mối giềng cho hậu học; Văn tài trác tuyệt, sánh tinh đẩu ở đương thời…”

Không chỉ xuất hiện trong những bài văn tế học trò làm để tế thầy, chúng ta còn bắt gặp sự so sánh người chết với bậc Thánh hiền ở một bài văn tế người đồng chí, đó là bài Văn tế Nguyễn Thượng Hiền của Phan Bội Châu:

Cây tàn núi lở, dấu sư nho không biết đâu tìm,

Trời sập đất già, nguồn đạo nghĩa chẳng bao giờ cạn.

Nguyễn Thượng Hiền từng giữ chức Đốc học Nam Định, là người đồng chí của Phan Bội Châu. Khi Pháp phế vua Thành Thái, Nguyễn Thượng Hiền đấu tranh đòi khôi phục ngôi vua nhưng không thành công. Ông từ quan sang Trung Hoa cùng Phan Bội Châu hoạt động cách mạng. Chính trong khoảng thời gian cùng chung sống và hoạt động cách mạng, Phan Bội Châu nhận ra Nguyễn Thượng Hiền là người đầy nhiệt huyết, có đức có tài. Chỉ vì không gặp thời nên đành chôn vùi tài năng và khát vọng cho đến lúc từ giã cõi đời nơi đất khách. Bài Văn tế Nguyễn Thượng Hiền ra đời như một nén tâm hương thay người thân ở quê nhà thắp cho hương hồn người đồng chí. Tác giả gọi Nguyễn Thượng Hiền là “Sư nho”(3) một cách kính trọng, có thể là cách tôn xưng, cũng có thể cho thấy đó là người xứng đáng cho mình học tập.

Người đọc dễ dàng hiểu được cảm xúc của tác giả qua hai câu trên. Cảm giác mất mát trong lòng tác giả trước cái chết của Nguyễn Thượng Hiền có thể nói còn mạnh mẽ hơn cả học trò của quan Tham tụng và quan Tả thị lang. Nó không dừng lại ở lời ngậm ngùi, than thở, tiếc thương nữa, mà là lời gào thét dữ dội như sự tan vỡ của thiên nhiên, vũ trụ.

Có thể Nguyễn Thượng Hiền, cả quan Tham tụng và quan Tả thị lang đều chưa đủ tầm sánh được với Thánh hiền. Nhưng chúng ta không nên so đo một cách máy móc. Dù so với Khổng Tử, họ là kẻ hậu học, nhưng họ cũng là những người có đầy đủ tài năng, đức độ: “Văn tài học vấn của ngài, đức hạnh của ngài, lời nói của ngài, việc triều chính của ngài, Thiên tử biết đến, triều đình biết đến, sĩ dân cả nước đều biết đến.” (Đông Ngạc Tham tụng quan thành phần tế văn), hay như Phan Bội Châu đã khẳng định về đạo nghĩa của Nguyễn Thượng Hiền: “Trời sập đất già, nguồn đạo nghĩa chẳng bao giờ cạn.” Bao nhiêu đó đủ thấy sự so sánh của các tác giả thật chẳng quá lời.

Chúng ta có thể thấy, đằng sau sự so sánh ấy là cả một tấm lòng trân trọng, trân trọng chính bản thân người thầy, người bạn, trân trọng những gì họ đã làm và để lại cho đời, trân trọng tình cảm giữa hai phía... Lòng trân trọng ấy không chỉ vài câu là có thể cạn bày, nếu càng nói lại càng không đủ. Các tác giả không nhiều lời ca tụng, không kể lể dài dòng, cũng không cần khoa trương, tâng bốc, mà đã thực hiện thủ pháp ẩn dụ xuất sắc, mượn một hình ảnh quen thuộc, đã trở thành khuôn mẫu muôn đời biểu đạt điều mình muốn nói. Qua đó, bao nhiêu trí tín nhân nghĩa, đối nhân xử thế, tài năng đức độ… của một đời người đều được thể hiện một cách rõ ràng, đầy đủ, chân thực.

II. Thuyết Thiên mệnh ảnh hưởng đến quan niệm về cái chết

            Ở trên, chúng tôi trình bày qua về một phương thức biểu hiện cái chết trong văn tế Hán Nôm. Đây chỉ là vấn đề ngoại biên. Phần này chúng tôi sẽ trình bày thêm một số quan điểm về cái chết trên nền tảng thuyết Thiên mệnh của Nho giáo.

            Nho giáo tin có Trời làm chủ tể vũ trụ, chi phối vạn vật bằng ý chí vô hình nhưng vô cùng mạnh mẽ. Ý chí ấy tác động đến vạn vật làm cho vạn vật vận hành cho hợp lẽ điều hòa. Đó chính là Thiên mệnh. Luận ngữ có câu: “Bất tri mệnh vô dĩ vi quân tử dã.”(4) (Không biết mệnh Trời thì không đáng là người quân tử.) Theo quan điểm Nho giáo, Thiên mệnh quyết định mọi thành bại, nên hư. Con người là một trong vạn vật của vũ trụ, đương nhiên không thể vượt thoát ra ngoài sự chi phối của Thiên mệnh. Số phận, vận mệnh, thành công, thất bại, kể cả sự sống chết của con người đều do Thiên mệnh quy định. Đã vậy thì con người phải biết “tri mệnh”, tức là biết vui theo mệnh Trời mà hành động, ứng xử cho đúng đắn. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, con người cũng phải an nhiên làm việc lành, không trái Thiên mệnh, không oán Trời, không trách người và phải đợi Thiên mệnh.

Nhiều tác giả văn tế Hán Nôm giải thích cái chết dựa vào Thiên mệnh của Nho giáo. Tuy nhiên, không phải tất cả đều tỏ ra “tri mệnh” trên tinh thần Nho giáo. Trong văn tế Hán Nôm, thuyết Thiên mệnh ảnh hưởng đến quan niệm về cái chết theo nhiều cấp độ khác nhau, từ chấp nhận đến hoài nghi, sau đó là xem Thiên mệnh như là một vòng kìm tỏa, cuối cùng là có ý phản kháng Thiên mệnh.

            II.1. Chấp nhận Thiên mệnh như là một quy luật tự nhiên

Quan điểm này nhìn nhận sự sống và cái chết hoàn toàn do Thiên mệnh.  Chứng kiến cái chết của con người không ai không thương xót. Nhưng vì thuyết Thiên mệnh đã ăn sâu vào tiềm thức mỗi người, con người cảm thấy mình quá nhỏ bé, yếu ớt trước Thiên mệnh, nên khi những gì không mong muốn xảy ra, con người thường ngậm ngùi, than thở:

噫! 榮瘁由天; 寄歸有數。嗟難測之化機; 慨昜稀之[歹+並]露。

Ôi!

Tươi héo do Trời, tử sinh có số;

Thương thay sương móc dễ tan, hiềm vì Hóa cơ chẳng rõ.

(Tham nghị ngu tế văn)

Nếu như học thuyết Phật giáo cho Tâm là chủ tể (“Nhất thiết duy tâm tạo”(5) nghĩa là mọi sự mọi vật trên thế gian đều từ tâm tưởng sinh ra), học thuyết Đạo giáo cho cái tạm gọi là Đạo là chủ tể (“Hữu vật hỗn thành, tiên thiên địa sinh… khả dĩ vi thiên hạ mẫu. Ngô bất tri kỳ danh, tự chi viết đạo”(6) nghĩa là có một vật hỗn độn mà thành trước cả Trời đất… có thể coi nó là mẹ của vạn vật trong thiên hạ. Ta không biết tên nó là gì, tạm gọi là đạo) thì Nho giáo cho “Thiên mệnh” là chủ tể. Nói một cách khách quan, Tâm, Đạo, Thiên mệnh là những tên gọi “đồng chất dị hình” nếu con người biết hành xử và nhìn nhận sự việc theo đúng quy luật của vũ trụ. Do nhận thức hạn hẹp, nói đúng hơn là do sự bó buộc về nhận thức trong khuôn khổ Nho giáo, con người thường tự giao phó vận mệnh của mình cho Thiên mệnh. Chữ “số” trong câu “Tử sinh có số” cũng chính là chỉ Thiên mệnh.

Thực ra, cái số mà họ nghĩ do Thiên mệnh vận hành này, chính họ cũng không hình dung ra, không hiểu rõ được (“Nhẽ đổi thay máy tạo khôn dò, cơn tan hợp đoạn tình kể xiết”-Văn tế Lê Ngọc Hân; “Ôi đau đớn thay! Khó lường thiên đạo, khôn đoán hóa cơ!”-Tế tôn sư Tả thị lang văn), lại không thể thoát khỏi (“Đành hay tu đoản chẳng Trời ru”-Nam Hải tế văn; “Một sớm không chừng, mơ màng đạn lạc tên bay, trường chiến đấu biết đâu là số hệ”-Văn tế Cao Thắng), cho nên họ gọi nó là Thiên mệnh. Khi đã khép nó vào Thiên mệnh thì chỉ còn biết “Đã thế thôi, Trời thực an bài; Ôi vậy rồi, người đành chịu thiệt.” (Bảng trung hầu tế tâm hữu Thuần trung hầu văn) Tuy nhiên, vì thấy mình “chịu thiệt” nên mặc dù “tri mệnh”, đôi khi họ vẫn có vẻ không cam chịu: “Hiềm vì Hóa cơ chẳng rõ.” Nỗi hận ở đây không bao hàm sự vùng lên hay mong muốn thoát khỏi. Nó xuất hiện là do con người không còn biện pháp gì để cải đổi số phận. Cho nên, dù có chấp nhận Thiên mệnh hay không, con người vẫn phải cam chịu.

“Tri mệnh” của Nho giáo hiểu theo cách khác là hiểu rõ và phục tùng Thiên mệnh. Nó cũng được thể hiện qua quan niệm “tài mệnh tương đố” trong văn tế Hán Nôm:

            Duyên đứt sáu năm

            Vui ít sầu nhiều

            Tài dài mệnh ngắn

                        (Văn tế Đoàn Thị Điểm-Nguyễn Kiều)

            Người tài hoa thường bạc mệnh. Nguyễn Du nhờ tri mệnh, khi nghe khúc Bạc mệnh tuyệt vời của Thúy Kiều, biết trước số phận của nàng sẽ ba chìm bảy nổi. Nguyễn Kiều sau khi mất vợ cũng chợt nhận ra “tài dài mệnh ngắn”. Quan niệm này được xem như một quy luật bù trừ của Tạo hóa để tạo ra sự công bằng, giúp con người an phận. Nhưng đâu có dễ! Con người một mặt tỏ ra tri Thiên mệnh, mặt khác lại thường không bằng lòng với thực tại, tức là muốn có tài lại muốn được sống lâu (“Cớ sao ông Trời ban tài lại thu rút phúc phận, cho danh lại dè xén tuổi thọ đến thế ru?”-Văn tế Đoàn Thị Điểm). Theo họ, như thế mới là công bằng. Điều này cũng đâu có dễ đạt được, nên phải thốt lên “vui ít sầu nhiều”, cuối cùng cũng phải tuân theo Thiên mệnh.

            Đạo giáo cũng có luật bù trừ, tức là luật phản phục: “Thiên chi đạo kỳ do trương cung dư! Cao giả ức chi, hạ giả cử chi… Thiên chi đạo tổn hữu dư, bổ bất túc.”(7) (Đạo Trời giống như buộc dây cung vào cung chăng! Dây cung ở cao quá thì hạ nó xuống, ở thấp quá thì đưa nó lên… Đạo Trời bớt chỗ dư mà bù chỗ thiếu.) Có người cho rằng luật bù trừ của Đạo giáo công bằng và đầy tình thương hơn Nho giáo. Điều này thật có lý.

            Thái độ chấp nhận Thiên mệnh ở đây đương nhiên không xuất phát từ sự tự nguyện. Thiên mệnh theo Nho giáo cũng không phải là một khái niệm thật có. Do xã hội phong kiến lấy Nho giáo làm hệ tư tưởng chính, con người sống trong đó, một mặt được những tư tưởng tốt đẹp của nó tôi luyện tâm hồn, nhân cách, mặt khác cũng bị những tư tưởng chậm tiến, trong đó một số đã bị nhà cầm quyền bóp méo, làm cho họ “tối tăm mặt mũi”. Từ đó, Thiên mệnh được họ chấp nhận theo hai chiều: chiều tích cực, là ngọn đuốc soi cho họ đi trên đường đời; chiều tiêu cực, khi thất bại họ cũng “đổ thừa” do Thiên mệnh. Điều này khó thể trách họ được, nhất là đối với những gì nằm ngoài tầm tay của họ như cái chết.

            II.2. Thái độ hoài nghi về Thiên mệnh

Theo Nho giáo, Trời là đấng vạn năng, con người luôn phải phục tùng. Người xưa cho rằng khi ta đã nỗ lực trong mọi sinh hoạt và công việc thì Trời mới tiếp thêm sức mạnh đưa đến thành công, còn ngược lại thì sẽ bị Trời tiêu diệt. Trung dung có câu: “Thiên chi sinh vật, tất nhân kỳ tài nhi đốc yên, cố tài giả bồi chi, khuynh giả phúc chi.”(8) (Trời sinh ra muôn vật, ắt theo cái tài sức của từng vật mà đôn đốc thêm, cho nên vật nào vun đắp được thì vun đắp, vật nào nghiêng lệch thì đánh đổ đi.) Đây là ý nghĩa rất tích cực. Nhưng con người vẫn cảm thấy mơ hồ khi chứng kiến nhiều chuyện ngược đời diễn ra hằng ngày xung quanh mình. Cho nên, một mặt họ tin Trời là đấng toàn năng, phải phục tùng, một mặt họ lại thấy Trời như một cỗ máy vận hành “tự phát”. Có lẽ vì thế, một số tác giả văn tế Hán Nôm hoài nghi về sự công bằng của Thiên mệnh:

            Ôi! Tạo vật làm sao, con người thế mà đến điều đau đớn thế?

(Văn tế chị-Nguyễn Hữu Chỉnh)

            Chị của Nguyễn Hữu Chỉnh là vợ của Phạm Nguyễn Du (Tiến sĩ cuối đời Lê), một người phụ nữ hiền thục đoan trang, chịu thương chịu khó. Những tưởng với đức tính đó bà sẽ được sống trọn tuổi đời nhờ đức hiếu sinh của Tạo hóa. Ngờ đâu, bà chết khi mới hai mươi chín tuổi, để lại hai đứa con nhỏ dại. Nỗi đau mất chị lại thêm tình thương hai cháu bơ vơ, Nguyễn Hữu Chỉnh như muốn “đối chất” với Trời để tìm lại lẽ công bằng cho chị. Cuộc đối chất này thực chất chỉ là đơn phương, cũng không phải tìm cho ra lời giải đáp. Nó là lời tự vấn pha chút hiềm nghi để bày giãi nỗi lòng.

            Cùng trong tình cảnh mất chị, một tác giả khuyết danh cũng không tránh khỏi đau lòng tự vấn:

嗚呼!天耶?命耶?吾姊胡為乎至此耶?莫非天誠難諶,而命誠不可測耶。

            Ôi thôi! Do Trời ư? Do mệnh ư? Chị tôi sao lại đến nỗi này? Chẳng những Trời đã khó lòng cam chịu, mà mệnh cũng thật khó biết lắm ru?

(Đại nội tử tế kỳ tỉ văn)

            Câu tự vấn ngoài bày tỏ sự bất bình (“Chị tôi sao lại đến nỗi này?”), còn bao hàm cả ý chí phản kháng Thiên mệnh (“Trời đã khó lòng cam chịu”). Điều này chúng tôi sẽ nói thêm ở phần sau.

            Không phải chỉ những người phụ nữ bé nhỏ yếu ớt chịu bất công, mà cả những tướng sĩ hiên ngang trên sa trường cũng rơi vào nghịch cảnh:

辰耶?命耶?乃或先而或後。天也?帝也?殊可惜而可憐。

Do thời ư? Do mệnh ư? Kẻ chết sau người chết trước.

Do Trời ư? Do Đế ư? Thật đáng thương thật đáng tiếc.

(Kinh lược quan điếu Lạng Sơn trận cố tướng sĩ văn)

            Các tướng sĩ hi sinh vì đại cuộc nên để lại trong lòng người niềm xót thương khôn dứt. Đáng lẽ những người như thế phải được sống an lành với Thiên mệnh, được Thiên mệnh chở che (“tài giả bồi chi”). Đằng này, họ lại rơi vào nghịch cảnh “kẻ chết trước người chết sau”. Sự thật phũ phàng trái ngược sao không khiến tác giả hồ nghi đến nỗi thốt lên hàng loạt câu hỏi: “Do thời ư? Do mệnh ư? Do Trời ư? Do Đế ư?” Tất cả đều không có lời giải đáp. Tác giả nghi ngờ nên mới hỏi, và câu hỏi cũng chính là câu trả lời-một câu trả lời không thuyết phục, cho nên chính câu trả lời vẫn còn trong vòng nghi vấn. Trong lòng họ bây giờ, Thiên mệnh là một thứ thật mơ hồ, sự đặt để của Thiên mệnh lại càng không thể nắm bắt, nên có người đã “cụ thể hóa” nó bằng những sự vật khác:

            Làm sao mà sương gió lại ghen với người, gươm mác lại nhầm hại đến người? (Văn tế các tướng sĩ bỏ mình sau mấy trận đánh nhau với Pháp-Lê Khắc Cẩn)

            Sương gió là hiện tượng thiên nhiên có ích cho nhiều lĩnh vực trong đời sống, gươm mác là những vũ khí có ích trong việc bảo vệ quốc gia. Chúng cũng chính là những thứ gây hại khôn lường khi con người đi ngược lại quy luật tự nhiên và không làm theo lẽ phải. Nhưng các tướng sĩ xông pha sương gió để chống kẻ thù, mang gươm đeo mác để bảo vệ quốc gia, mà lại bị “ghen”, bị “nhầm hại” đến nỗi phơi thây ngoài trận địa. Tác giả thay mặt cho các tướng sĩ bày tỏ sự bất bình, uất ức.

Qua đó, chúng ta thấy, thuyết Thiên mệnh của Nho giáo chỉ bắt con người phục tùng Thiên mệnh, nhưng sự vận hành của nó không thuyết phục được lòng người. Con người lại không biết dựa vào đâu để tìm ra lời giải đáp, đành chỉ biết dựa vào Thiên mệnh với nhiều sắc thái tâm trạng khác nhau.

            II.3. Thiên mệnh là một vòng kìm hãm khắc nghiệt trong cuộc sống

            Như trên đã nói, theo Nho giáo, Thiên mệnh là ý chí vô hình, mạnh mẽ thúc đẩy, tác động đến mọi vật để mọi vật vận hành hợp với lẽ điều hòa. Như vậy Thiên mệnh phải công bằng tuyệt đối, “vật nào có thể vun đắp thì vun đắp, vật nào nghiêng lệch thì đánh đổ đi”. Con người cũng vậy, “thiện giả thiện báo, ác giả ác báo”, nếu hành động đúng lẽ phải thì Trời giúp sức để được thành công, nếu làm điều nghịch lý sẽ bị Trời tiêu diệt. Nhưng nếu xét kỹ những sự việc xưa nay xảy ra trên thế gian theo thuyết Thiên mệnh của Nho giáo, thì chính Thiên mệnh cũng có nhiều nghịch lý. Kẻ ác ôn ngang ngược lại được phú quý uy quyền; Người đức hạnh hiền lành, biết tri mệnh thường gặp lắm tai ương. Kẻ cướp nước hung tàn thì dương dương tự đắc; Người yêu nước lại bị kẻ thù sát hại. Hơn ai hết, các tác giả văn tế Hán Nôm viết về những anh hùng nghĩa sĩ nhận ra điều này rõ ràng nhất:

            Làm ra cớ ấy, Tạo hoá ghét nhau chi

            Nhắc đến đoạn nào, anh hùng rơi luỵ mãi

(Văn tế Trương Định-Nguyễn Đình Chiểu)

            Trương Định là một anh hùng thời chống Pháp được nghĩa quân suy tôn làm “Bình Tây đại nguyên soái”. Giặc Pháp và cả triều đình Huế bạc nhược rất sợ uy danh của ông. Ngày 10-8-1864, một tên Việt gian đầu hàng Pháp là đội Tấn bí mật đưa lính Pháp về bắt ông ở làng Tân Phước. Sau một trận chiến đấu vô cùng anh dũng, ông bị trọng thương, không muốn rơi vào tay giặc, ông rút gươm tự sát.

Nếu tin tất cả đều do Thiên mệnh, thì nghịch lý trên cũng do Thiên mệnh gây ra. Đấng Tạo hóa không đem đến sự công bằng cho lẽ phải, người làm theo lẽ phải lại bị tiêu diệt. Chẳng khác nào bàn tay Tạo hóa đan dệt nên cái vòng kìm hãm khắc nghiệt bó buộc con người. Trong câu “Làm ra cớ ấy, Tạo hóa ghét nhau chi” Nguyễn Đình Chiểu dùng chữ “ghét” có thể nói là rất đắc. Thứ nhất, tác giả không xem Tạo hóa là đấng toàn năng có quyền ban phước giáng họa mà giống như một con người bình thường với những tình cảm hỉ nộ ái ố; Thứ hai, chỉ có kẻ xấu mới ghét người có tài năng, có lòng nhân nghĩa. Nếu không có Tạo hóa thì tốt hơn biết mấy! Lúc ấy, người anh hùng có thể thắng giặc, kẻ cướp nước và kẻ bán nước có thể bị tiêu diệt. Mọi thứ sẽ trở lại hài hòa, phát triển đúng với quỹ đạo vốn có, không còn bị kìm hãm.

Một tác giả khác là Võ Phát cũng có cái nhìn sâu sắc như Nguyễn Đình Chiểu. Trong bài Văn tế Cao Thắng, ông viết:

            Áo nhung trường một phút như không, con Tạo hoá ghét ghen chi lắm thế?

            Tính hay ghen ghét của Tạo hóa làm hại biết bao người. Từ kẻ hồng nhan đến người tài đức (“hồng nhan bạc mệnh”, “tài mệnh tương đố”), từ người yêu nước đến kẻ anh hùng. Cao Thắng là cánh tay đắc lực của Phan Đình Phùng trong thời kỳ chống Pháp. Ông vừa là người chỉ huy tác chiến, vừa là một “kỹ sư cơ giới” rất giỏi. Lúc ông Phan ra Bắc, Cao Thắng đã thay ông chỉ huy cuộc kháng chiến ở Hương Sơn. Lúc ông Phan về, thanh thế nghĩa quân càng lớn mạnh, Cao Thắng đã kéo quân về đồng bằng, định đánh chiếm lại thành Nghệ An, Hà Tĩnh đang nằm trong tay giặc. Đáng tiếc, trong trận đánh lấy đồn No, ông bị bệnh chết.

            Câu trên mang hơi hướng luật vô thường của Phật giáo “Áo nhung trường một phút như không” nhưng bị thuyết Thiên mệnh của Nho giáo áp đảo “Con Tạo hóa ghét ghen chi lắm thế?” Trương Định chết giữa chiến trường, có thể cho rằng do đường gươm mũi kiếm. Cao Thắng chết trên giường bệnh, theo thuyết Thiên mệnh thì giải thích thế nào, nếu không phải do “Tạo hóa ghét ghen”?

            Tạo hóa còn bất công đến độ không cho con người hưởng thành quả của họ ngay khi nó đã đến gần:

            Tiếc cho Tạo hoá khéo vô tình, ngàn năm một hội tao phùng, phận thuỷ có phận chung sao chẳng có?

(Tế trận vong tướng sĩ-Nguyễn Văn Thành?)

            Năm 1802, Gia Long thắng Tây Sơn, cử Nguyễn Văn Thành làm Tổng trấn Bắc thành. Nguyễn Văn Thành nhớ đến công ơn các chiến sĩ đã tử trận mà làm bài văn tế này (có người nói bài văn tế này do Vũ Lượng làm cho Nguyễn Văn Thành đọc).

            Cái “vô tình” của Tạo hóa ở đây không còn mang tình cảm con người như Nguyễn Đình Chiểu nói ở trên nữa. Ở đây là sự bất công của Tạo hóa. Tuy đây là cuộc nội chiến, không có ngoại xâm, nhưng vẫn có hai chiến tuyến. Các chiến sĩ sẵn sàng hi sinh xương máu giúp chủ chiến thắng đối phương, là cơ hội ngàn năm có một để giành lấy cơ đồ. Chiến thắng vinh quang nhờ công sức, sinh mạng của các chiến sĩ, nhưng họ chẳng được hưởng tơ hào mà đã vùi thân dưới miền đất lạnh. Đúng như Phan Bội Châu đã nói: “Khéo vô tình Trời chẳng chiều người, nên bất hạnh mừng mà hoá tủi” (Văn tế Phan Chu Trinh)

            Nhận ra cái vòng kìm hãm của Thiên mệnh, nhưng không thể thoát khỏi, đó là bi kịch của con người. Cái toàn năng của Thiên mệnh đã khiếm khuyết khi không biết chỉ dẫn con người cách thoát khỏi nó. Đôi khi con người biết tri mệnh nhưng không được sống an nhiên, trái lại bị Thiên mệnh gây thêm sầu khổ:

何其命之慳而之蹇,一至此耶?彼蒼者天,胡貽人以不窮之恨也耶?

            Sao mệnh lại keo kiệt, vây hãm đến thế? Trời xanh kia sao nỡ gây cho con người nỗi hận không cùng? (Tế trưởng vong tỉ văn)

            Có thể thấy, bên cạnh thuộc tính chủ tể, Thiên mệnh của Nho giáo trong văn tế Hán Nôm còn được nhận diện bằng những yếu tố khác rất “con người” và cũng rất thiên lệch. Thiên mệnh cũng có tình cảm như con người. Nhưng con người có cả yêu ghét, Thiên mệnh chỉ có “ghét” với “ghét ghen” mà thôi. Thiên mệnh cũng có tính cách như con người. Nhưng con người có cả keo kiệt bao dung, Thiên mệnh chỉ có “keo kiệt” với “vây hãm” mà thôi. Chính sự thiên lệch ấy khiến Thiên mệnh trong mắt con người trở nên “vô tình” đến bất công.

            II.4. Ý muốn phản kháng Thiên mệnh trong tuyệt vọng

            Nhận ra sự bất công, kìm hãm của Thiên mệnh, cùng với ý chí vượt qua nghịch cảnh, con người có ý muốn phản kháng Thiên mệnh. Đầu tiên là buông lời trách cứ:

            Cám cảnh Nam Trung, trách lòng Tạo vật.

(Văn tế nghĩa sĩ trận vong lục tỉnh-Nguyễn Đình Chiểu)

            Bài Văn tế nghĩa sĩ trận vong lục tỉnh do Nguyễn Đình Chiểu viết năm 1870, khi giặc Pháp đã chiếm xong sáu tỉnh Nam kỳ. Tác giả làm bài văn tế này để tưởng nhớ đến tấm gương anh dũng của những liệt sĩ hy sinh vì nước. Trong bài văn tế, tác giả nói lên sự oan ức của các nghĩa sĩ: “Lòng nghĩa dân thảo với Ngô quân, tiếng nghịch đảng lỗi cùng địch vực.” Việc nghĩa quân vùng lên chống lại kẻ thù là đúng với lòng phò vua (Ngô quân) giúp nước, nhưng lại bị triều đình hèn yếu coi là giặc (nghịch đảng) có lỗi với quân thù (địch vực).

Nguyễn Đình Chiểu tuy am hiểu cả Nho Phật Đạo nhưng là một nhà Nho chính thống. Đứng trước cảnh trớ trêu “Trong một phương sao mắc chữ lục trầm, người vì nước rủ nhau chết ngặt”, ông cũng nhận ra sự bất công của Tạo vật. Nhưng sứ mệnh một nhà Nho phục tùng Thiên mệnh, kết hợp với tính thâm trầm, đồng thời có sự bổ trợ của tư tưởng Phật giáo và Đạo giáo, ông chỉ phản ứng một cách nhẹ nhàng bằng lời trách cứ. Ông vẫn biết rằng, dù thế nào cũng không thể thay đổi được sự thật. Tuy nhiên, giống như tính cách của ông, lời trách cứ ấy không kém chiều sâu, vả lại còn có phần chua chát.

Lời trách cứ của Nguyễn Đình Chiểu tuy sâu cay nhưng có vẻ nhẹ nhàng. Câu sau đây đã mang giọng bất bình, hằn học:

Chẳng những Trời đã khó lòng cam chịu, mà mệnh cũng thật khó biết lắm ru? (Đại nội tử tế kỳ tỉ văn)

Con người ai cũng muốn được sống bình yên trong cuộc đời đầy sóng gió. Cho nên ai cũng có lòng cam chịu để vượt qua sóng gió cuộc đời. Nhưng sức người có hạn, sóng gió lại muôn trùng. Câu trên cho ta thấy tác giả chẳng những phải cam chịu trước sóng gió cuộc đời mà cũng đã từng cam chịu cả sự bất công của Thiên mệnh, bởi vì “Khéo vô tình Trời chẳng chiều người” (Văn tế Phan Châu Trinh). Ông Trời trớ trêu gây đủ chuyện khổ đau cho những con người nhỏ bé yếu ớt. Người chị trong bài văn tế này là một người hiền lành, hiếu thảo, thay cha mẹ già yếu chăm lo các em đến đỗ đạt nên người, thành gia lập thất. Một người mang đầy đủ đức tính tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam mà phải chịu cảnh khổ nghèo, bệnh tật. Thực sự người chị ấy đã cam chịu rất nhiều đau khổ. Nay lại vì bệnh tật từ bỏ cõi đời, bỏ lại cha mẹ già, xa lìa các em mãi mãi. Đến bây giờ thì tác giả không còn đủ sức cam chịu nữa, phải hằn học thốt lên “Trời đã khó lòng cam chịu”. Tác giả không muốn cam chịu, muốn vùng ra, muốn vượt thoát khỏi bàn tay đang bóp nghẹt của Trời. Nhưng “Trời” luôn đi kèm với “mệnh”, nên sau lời hằn học, bực tức, tác giả lại trở về trạng thái hoài nghi Thiên mệnh: “Mệnh cũng thật khó biết lắm ru?” Nghĩa là con người vẫn phải cam chịu ở trong vòng kìm tỏa khắc nghiệt của Thiên mệnh. Quanh quẩn, không lối thoát.

So với hai tác giả trên, nhà nho Bùi Hữu Nghĩa có một sự chống đối mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn. Ông chửi rủa, mắng nhiếc Trời:

            Giận bấy lão Kiền khôn bạc ác, chòng choẹ hắn không vì,

            Hiềm thay con Tạo hoá trớ trêu, mon men ta muốn mắng.

(Khóc con gái)

            Bùi Hữu Nghĩa có một cô con gái đầu lòng “Tánh rất thật thà, tình nên ngay thẳng. Ăn chơi ở lỡ vốn không, đôi mách ngồi lê cũng chẳng. Thảo với cha, lành với mẹ… Chị hay niềm, em hay nở….” Chẳng may bà mất sớm, ông Bùi thương xót khôn cùng. Chúng ta vẫn có thể hiểu được tấm lòng người làm cha làm mẹ, sau bao tháng năm ôm ấp nâng niu, đến khi con “nên vế nên vai” lại vội vàng “đi đâu mất một đàng thẳng rẵng”, ai mà không đau đớn. Từ cảm giác đau đớn tột cùng vì mất con, tác giả quay sang “trút cơn giận” lên đầu ông Tạo hoá. Trong Nho giáo ít khi thấy ai dám gọi Trời là “hắn”, chẳng ai dám “mắng” “lão Kiền khôn bạc ác” mặc dù lão đầy bất công. Trong văn tế Hán Nôm, có lẽ đây là sự phản kháng Thiên mệnh mạnh mẽ nhất.

            Bên cạnh sự phản kháng thể hiện một cách rõ ràng như những trường hợp trên, văn tế Hán Nôm còn thể hiện sự phản kháng một cách ngấm ngầm, khéo léo nhưng không kém phần quyết liệt:

歌殘伐木, 嗟求友之良難; 天奪子竒,慨知音之有幾。

Hát xong bài Phạt mộc, trách than tìm bạn thật khó thay; Trời cướp mất Tử Kỳ, bùi ngùi tri âm đâu có mấy.

(Bảng trung hầu tế tâm hữu Thuần trung hầu văn)

            Sau khi khéo léo vận dụng điển cố thiên Phạt mộc(9) trong Kinh Thi để diễn tả tình thân thiết với người tâm hữu, Bảng trung hầu lấy đó làm dụng ý bộc lộ cảm xúc đớn đau chưa từng có, mất đi người bạn tâm giao như mất đi chính cuộc đời mình: “Trời cướp mất Tử Kỳ, bùi ngùi tri âm đâu có mấy.” Điểm mấu chốt chính là chữ “cướp”. Tác giả vừa gián tiếp vừa thẳng thắn chỉ ra rằng, Trời chẳng khác nào một tên cướp, cướp đi những điều tốt đẹp của thế gian. Nếu sự phản kháng của Bùi Hữu Nghĩa tuy mạnh mẽ nhưng vẫn còn “giao thiệp” với Trời (“giận”, “hiềm”, “muốn mắng”), thì phản ứng của Bảng trung hầu tuy không thể hiện phản kháng, nhưng xem ra lại là mối thù “không đội trời chung”. Nếu chỉ nhìn thoáng qua, có thể chúng ta nghĩ rằng câu “Trời cướp mất Tử Kỳ” cũng là số phận do Trời định, cái chết của Tử Kỳ là thuộc về Thiên mệnh. Nếu vậy thì Bảng trung hầu đã không xem Trời là kẻ cướp.

            Thái độ của con người về ảnh hưởng của thuyết Thiên mệnh đối với cái chết trong văn tế Hán Nôm được thể hiện qua nhiều cấp độ khác nhau. Một phần là chấp nhận nó như một quy luật tất nhiên, nhưng phần lớn là hoài nghi, thù hận, chống đối. Tuy nhiên, nếu như chấp nhận là vì không còn biện pháp gì để cải đổi số phận, thì phản kháng là biện pháp cuối cùng khi không tìm được biện pháp khác. Dù hoài nghi, chống đối như thế nào, thì điều đó cũng chỉ xuất phát từ nỗi niềm đau xót, tiếc thương dành cho người chết, rốt cục vẫn phải quay về thực tại và chấp nhận thực tại.

III. Con đường quy hướng sau khi chết

            Cuộc sống có vô vàn những điều bí ẩn con người phải quan tâm, tìm hiểu. Nhưng cái chết chắc chắn là điều bí ẩn nhất từ bao đời nay và muôn đời sau. Thay vì chúng ta xem nó là một giai đoạn của cuộc đời, thì phần lớn con người chúng ta lại rất sợ chết, thậm chí không dám nói đến cái chết. Đơn giản vì cái chết là điều đương nhiên sẽ đến với bất kỳ ai, dù dân đen hay vua chúa, dù cùng khổ hay giàu sang, dù sớm hay muộn. Vì sợ và ghét cái chết nhưng không tránh được nó, con người quay sang tìm hiểu về những gì sau khi chết.

Quan niệm về sinh tử, Nho giáo cho rằng con người lúc sống thì có khí, có hồn, có phách. Hồn phách tụ lại gọi là sinh (“Nhân sinh hữu khí, hữu hồn, hữu phách. Hồn phách hội vị chi sinh”). Chết rồi hài cốt chôn xuống đất, còn cái khí tinh anh (tâm) thoát lên trên khoảng không và không bao giờ mất đi. Cho nên nói “sinh ký tử quy” (sống gửi chết về).

Trong văn tế Hán Nôm, các tác giả thường thông qua tâm thức chỉ cho người đọc biết con đường quy hướng của người được tế. Văn tế Hán Nôm thuộc phạm trù trung đại, nên quan niệm về con đường quy hướng cũng xuất phát từ triết lý của Tam giáo, đặc biệt là Nho giáo. Bằng cách chỉ ra con đường quy hướng này, các tác giả một mặt mong muốn người chết được thảnh thơi, an nghỉ, xứng đáng với những điều tốt đẹp họ còn để lại trên đời; mặt khác, các tác giả cũng gửi gắm suy tư, trăn trở về chính cuộc đời mình, cũng mong muốn sau khi chết mình sẽ được như thế.

III.1. Chết là được trở về

Khác với Phật giáo cho rằng sau khi chết, thần thức (Nho giáo gọi là linh hồn, khí tinh anh, tâm) sẽ tùy nghiệp nhân thiện hay ác lúc còn sống mà thọ lãnh nghiệp quả tương ứng, Nho giáo cho rằng sau khi chết linh hồn bay lên khoảng không, tồn tại mãi mãi ở đó. Đó là nguồn gốc quan niệm về chữ “quy”. Kinh Dịch là sách giải thích sự vận hành của vạn vật trong vũ trụ, thiên Hệ từ nói rằng: “Dịch có Thái cực, sinh ra hai Nghi, hai Nghi sinh ra bốn Tượng, bốn tượng sinh ra tám quẻ.”(10) Lại có ý kiến nói rằng: “Thái cực chia ra hai Nghi, thì Thái cực vẫn là Thái cực, hai Nghi vẫn là hai Nghi; hai Nghi chia bốn Tượng, thì hai Nghi lại là Thái cực, mà bốn Tượng lại là hai Nghi. Theo đó mà suy: bốn rồi tám, tám rồi mười sáu, mười sáu rồi thành ba mươi hai, ba hai rồi sáu tư, cho đến trăm, ngàn, vạn, ức vô cùng.”(11) Xét ra thì con người chúng ta là một trong trăm, ngàn, vạn, ức vô cùng ấy, có nguồn gốc sâu xa từ thủy tổ Thái cực. Vậy nên, Nho giáo cho rằng, sau khi chết linh hồn bay lên khoảng không, tồn tại ở đó, chính là trở về mái nhà lâu xa trước kia nơi mình xuất phát.

Tiếp thu quan niệm ấy, một số tác giả văn tế Hán Nôm đưa linh hồn người chết trở về một nơi nào đó, tuy không nói rõ ra, nhưng chắc chắn là nơi an lành với họ, theo đúng nghĩa “trở về”. Đồng thời, trong một số bài văn tế, quan niệm ấy được thể hiện với những nét sáng tạo riêng tùy theo đối tượng.

Nguyễn Văn Thành viết về cái chết của các tướng sĩ trận vong như sau:

            Cho hay sinh là ký mà tử là quy,

            Mới biết mệnh ấy yểu mà danh ấy thọ.

                                                            (Tế trận vong tướng sĩ)

            Trên kia tác giả đã nói “ngàn năm một hội tao phùng”, cũng có ý nói sự gặp gỡ nhau giữa cõi đời này (giữa các tướng sĩ với Nguyễn Ánh và tác giả) là giả tạm, ngẫu nhiên, vì mọi người đều là “sinh gửi”, đến khi chết tất cả đều “trở về”. Nhưng cái chết của các tướng sĩ không phải là mất hết. Nhờ sự hi sinh ấy, người còn sống mới có được cơ đồ to lớn “trời Đông Phố vận ra Sóc cảnh”. Giống như linh hồn của họ, chiến công và tinh thần anh dũng đáng tự hào của họ sẽ mãi vang dội trong trời đất, trong lòng người, sẽ được các thế hệ tương lai truyền tụng, phát huy không bao giờ dứt. Câu nói ấy còn thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của tác giả đối với các tướng sĩ.

            Hình ảnh tướng sĩ, nghĩa sĩ trong các bài văn tế Hán Nôm đều có điểm chung là kiên cường, dũng cảm, không sợ hi sinh. Những đức tính ấy thể hiện rất rõ qua Khâm sai điếu Hưng Hóa đạo trận cố tướng sĩ văn, Kinh lược quan điếu Lạng Sơn trận cố tướng sĩ văn, Văn tế các tướng sĩ bỏ mình sau mấy trận đánh nhau với Pháp (Lê Khắc Cẩn), Văn tế các tướng sĩ trận vong (Phan Huy Ích), Tế trận vong tướng sĩ (Nguyễn Văn Thành), Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc (Nguyễn Đình Chiểu)… Các tướng sĩ trong Văn tế các tướng sĩ trận vong thì “Ôm chữ trung thì xương thịt cũng liều, gánh việc võ dầu chông gai sá kể”, trong Tế trận vong tướng sĩ cũng xem cái chết nhẹ tựa lông hồng “Cái sinh không cái tử cũng là không”. Người nghĩa sĩ trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc đối diện với cái chết cũng cang cường không kém:

Một chắc sa trường rằng chữ hạnh, nào hay da ngựa bọc thây,

Trăm năm âm phủ ấy chữ quy, nào đợi gươm hùm treo mộ.

            Lòng trung quân ái quốc đã nâng bước chân người nghĩa sĩ vượt qua thử thách chông gai, vượt qua nỗi sợ hãi tan xương nát thịt. Hai câu nói “da ngựa bọc thây”, “gươm hùm treo mộ” từ những tấm gương của sự thật lịch sử trở thành hình tượng trong văn học càng nổi bật tính hào hùng. Tuy nhiên, hay hơn nữa là những từ “nào hay”, “nào đợi”. Người nghĩa sĩ xả thân cho đại nghĩa, không đoái danh lợi, không màng sống chết, không nghĩ đến cả sự hi sinhh oanh liệt của mình sẽ trở thành tấm gương cho hậu thế. Đúng như lời Nguyễn Văn Thành đã nói “cái sinh không cái tử cũng là không”. Cuộc sống đã kết thúc, trọng trách của đấng nam nhi với quốc gia xã tắc cũng đã hoàn thành, người nghĩa sĩ an nhiên “Trăm năm âm phủ ấy chữ quy”. “Âm phủ” tác giả nói ở đây không phải là nơi chốn cụ thể để người nghĩa sĩ trở về, mà mượn cách nói của tín ngưỡng dân gian (Âm phủ cũng không phải khái niệm thật có của Phật giáo) để chỉ cái chết.

            Ngoài ra, chúng ta còn thấy trường hợp do ảnh hưởng thuyết Thiên mệnh của Nho giáo, một tác giả khuyết danh đã gắn chữ “quy” với Thiên mệnh:

榮瘁由天,寄歸有數。

            Ôi! Sống chết do Trời, ký quy có số.

                                                (Tham nghị ngu tế văn)

            Như vậy, tác giả đã trực tiếp bày tỏ thái độ chấp nhận Thiên mệnh như là một quy luật tự nhiên quy định sự sống chết của con người.

            Với quan niệm linh hồn người chết được trở về, những người còn sống muốn bày tỏ hai thái độ. Thứ nhất, cái chết là một giai đoạn hiển nhiên của đời người, không thể tránh khỏi. Đối với những người chết vì tuổi già, bệnh tật, thì họ đã sống hết tuổi trời vốn có, đối với những người chết giữa sa trường, thì đó là sự hi sinh xứng đáng cho quốc gia, cho đại nghĩa. Vì vậy sẽ không có gì hối tiếc; Thứ hai, sau khi chết linh hồn sẽ đến một nơi thật bình yên. Vì vậy hãy yên lòng ra đi. Cả hai thái độ đều mang ý nghĩa an ủi linh hồn người chết, đồng thời cũng giúp cho người sống thêm một chút ấm lòng.

            III.2. Trở thành quỷ thần quán sát hành vi của con người và hộ trì thế gian

            Theo Nho giáo, quỷ thần là cái khí thiêng trong trời đất, không hiển hiện cụ thể nhưng lại ở trong tất cả muôn vật, bàng bạc khắp nơi. Trung dung nói về quỷ thần như sau: “Dương dương hồ như tại kỳ thượng, như tại kỳ tả hữu.”(12) (Mênh mông như ở trên đầu, như ở bên trái, như ở bên phải.) Quỷ thần là lẽ công chính, không thiên vị ai. Hễ người nào làm theo lẽ công chính, làm việc nhân nghĩa, cố gắng sống cho trọn đạo thì quỷ thần đều biết, không cần phải cầu xin thần ban phước. Chính hành động theo đúng lẽ Trời là cầu nguyện rồi. Nếu người nào sống bất nhân bất nghĩa, trái mệnh Trời, dù có cầu nguyện cũng chẳng ích gì, vì quỷ thần không chứng giám.

            Khái niệm quỷ thần của Nho giáo chỉ hai đối tượng. Đối tượng thứ nhất là “thiên thần”, quỷ thần thuộc phạm trù thiên nhiên, phần lớn ra đời từ tâm thức của con người. Dạng quỷ thần này có quyền năng thiên biến vạn hóa, có thể ban phước giáng họa, nên phát sinh việc tế thần. Đối tượng thứ hai là “nhân thần”, quỷ thần thuộc phạm trù thế gian, tức là linh hồn con người sau khi chết, như Văn tế Hầu Tạo nói “Mấy phen tự lực xưng hùng, đứng trong thiên hạ; Một phút vì thân xả mệnh, bạn với quỷ thần”. Dạng quỷ thần này tuy không có quyền năng to lớn như thiên thần, nhưng cái khí tinh anh của họ rất thiêng liêng, sáng suốt, có thể quán sát việc làm thiện ác của người đời, hộ trì người làm thiện và trừng phạt kẻ làm ác, như Lê Khắc Cẩn đã nói “Nghĩ như người ta ai là chẳng chết, nhưng chỉ hơn nhau là chết mà làm cái hồn thiêng.” (Văn tế các tướng sĩ bỏ mình sau mấy trận đánh nhau với Pháp).

            Người ta tin rằng, linh hồn người thân luôn quanh quẩn cùng con cháu. Vì thế, con cháu phải thương nhớ đến người đã chết để tỏ lòng tôn kính. Mỗi một hành vi, lời nói, thậm chí suy nghĩ của người sống, đều “có thể cảm thông đến cõi linh sàng” (Văn tế Đoàn Thị Điểm)”. Quan niệm này một phần nào đó giống với Phật giáo. Nhưng theo Phật giáo thì đây thuộc về ngạ quỷ đạo, một trong ba cảnh giới khổ đau tột cùng (súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục), tức là bị đọa lạc. Còn theo Nho giáo thì linh hồn người chết cũng là dạng quỷ thần linh thiêng, sáng suốt. Vì thế, con cháu phải sống và làm việc theo gương tốt của tổ tiên, ông bà, cha mẹ để được hồn thiêng của họ hộ trì. Nguyễn Thượng Hiền bày tỏ niềm tin như thế trong Văn tế Tôn Thất Thuyết:

            Hương lòng muôn dặm, rượu lạt một bình,

            Hồn thiêng đâu đây, chứng giám chút tình.

            Tôn Thất Thuyết là danh thần triều Nguyễn. Trước sự xâm lấn của giặc Pháp, năm 1885, ông rước vua Hàm Nghi chạy về Tân Sở, phát hịch Cần Vương, kêu gọi các sĩ phu và nhân dân kháng chiến. Lực lượng của địch lúc đó đang mạnh, ông cùng Đề đốc Trần Xuân Soạn sang Trung Quốc cầu cứu nhà Thanh. Nhà Thanh lúc này cũng đang bị các nước tư bản chèn ép, không cứu viện được. Phong trào Cần Vương bị dập tắt. Năm 1913 Tôn Thất Thuyết mất tại Thiên Quan thuộc Quảng Châu. Nguyễn Thượng Hiền là con rể Tôn Thất Thuyết, làm bài văn tế này nói lên tâm sự và thân thế Tôn Thất Thuyết, bày tỏ lòng tôn kính, xót thương; đồng thời cũng nói lên mong ước của mình về tiền đồ đất nước, quyết đánh tan giặc thù, hoàn thành chí nguyện của cha anh:

            Mong có một ngày, cầy cáo quét nhanh,

            Bêu đầu lũ giặc, cáo yết tiên linh.

            Không chỉ sự quán sát của hồn thiêng có thể khiến người sống cố gắng hoàn thành trách nhiệm, sự hộ trì của họ cũng có thể tiếp thêm sức mạnh đánh thắng kẻ thù:

            “Tinh phách ví dầu thanh sảng, hộ phen này cho tướng mạnh quân bền”

                                                                                                                                                            (Văn tế Cao Thắng)

            Có tác giả kết hợp tinh thần yêu nước, lòng căm thù giặc của hồn thiêng với tinh thần “trung quân” càng làm mạnh mẽ thêm khí thế tiêu diệt kẻ thù:

            “Sẽ xông lên ánh sao Đẩu mà hiện thành con dao, nhập vào cơn gió, giận mà hóa thành quả pháo; hồn thiêng còn luẩn quất ở đỉnh Trà Sơn, ở vùng Cần Hải, để đợi cái uy linh của mệnh vua mà làm tắt cái cuồng bạo của quân giặc Tây kia.”

                                                (Văn tế các tướng sĩ bỏ mình sau mấy trận đánh nhau với Pháp)

            Niềm tôn thân dù sinh tử chớ nề, thiêng thì giúp Hoàng triều cho bể lặng sóng trong, duy muôn kỷ chẳng rời ngôi bảo tộ. (Tế trận vong tướng sĩ)

            Sức mạnh của hồn thiêng giờ đây không chỉ là niềm tin, là mong ước, mà đã biến thành vũ khí đánh giặc. Con dao, quả pháo là những vũ khí đơn sơ, nhưng bên cạnh còn có cơn gió, sao Đẩu là sự hiện diện của công lý, chính nghĩa, lại thêm “cái uy linh của mệnh vua”, chắc chắn sẽ “làm tắt cái cuồng bạo của quân giặc Tây kia” trong một ngày gần nhất.

            “Mệnh vua” ở đây không phải hiểu hoàn toàn theo khái niệm trung thành tuyệt đối của Nho giáo. Nó đã biến thành hành động cụ thể. “Đợi mệnh vua” là để hành động vì nước vì dân. Cũng như câu “Thiêng thì giúp Hoàng triều cho bể lặng sóng trong, duy muôn kỷ chẳng rời ngôi bảo tộ”, một mặt biểu thị lòng trung thành “duy muôn kỷ chẳng rời ngôi bảo tộ”, một mặt vẫn đặt lợi ích, sự an nguy của quốc gia lên hàng cao nhất “giúp Hoàng triều cho bể lặng sóng trong”. Muốn như thế thì mệnh vua trước tiên cũng phải xuất phát từ lợi ích của quốc gia, dân tộc.

            Cùng với quan niệm linh hồn người chết được trở về, quan niệm cho rằng linh hồn trở thành quỷ thần quán sát và hộ trì thế gian cũng là một quan niệm cảm thức của con người. Nó có thể ra đời và tồn tại một cách mơ hồ từ ngàn xưa trong dân gian trước khi có Nho giáo. Nho giáo cũng rất có thể chịu ảnh hưởng dân gian mà đưa ra quan niệm này. Nhưng dù có đúng theo chiều hướng này thì sự ra đời của Nho giáo cũng góp phần khẳng định thêm niềm tin ấy của con người vào vấn đề sinh tử vốn tồn tại mơ hồ từ trước đó.

            Trong xã hội Việt Nam thời phong kiến, học thuyết Nho gia là hệ tư tưởng mang tính chủ đạo và có địa vị thống trị, chi phối rất nhiều lĩnh vực của đất nước, từ chính trị, kinh tế, học vấn đến phong tục, tập quán, lễ nghi… Từ những điều trình bày trong bài viết, có thể thấy Nho giáo còn góp mặt vào khía cạnh tâm linh để phần nào giải thích hoặc đưa ra cách nhìn của người xưa về cái chết. Những cách giải thích hoặc cách nhìn ấy tuy có thể chưa hoàn toàn phù hợp thực tế, nhưng nó phần nào giúp an ủi người sống, giúp họ chấp nhận hiện tại dù không ít khi cảm thấy mất mát đau thương, giúp họ biết trân trọng công ơn, tiếp nhận và phát huy thành quả tốt đẹp mà người chết để lại…; và, theo quan niệm của người sống, những cách giải thích, những cách nhìn, tinh thần trân trọng, niềm thương nhớ, lòng biết ơn của họ sẽ là những đôi cánh đưa linh hồn người chết trở về nơi quê cũ yên bình.

Chú thích

(1) và (2) Tư Mã Thiên, Sử ký – Khổng Tử thế gia (bản chữ Hán), Chu Học Cần chủ biên, Thượng Hải từ thư xuất bản xã, 2006

(3) Sư nho: trong chữ Hán dùng để chỉ thầy dạy ở làng. Ở đây chúng tôi cho rằng tác giả dùng từ này ý nói Nguyễn Thượng Hiền là người tài giỏi, đáng tôn kính như bậc Thánh hiền, vì chính tác giả nói về Nguyễn Thượng Hiền rằng “Trời sập đất già, nguồn đạo nghĩa chẳng bao giờ cạn.”

(4) Trích từ Luận ngữ - Nghiêu viết, dẫn theo Đoàn Trung Còn, Tứ thư, Nxb. Thuận Hóa, 2000

(5) Trích từ bài kệ trong Kinh Hoa Nghiêm, cũng nói “Vạn pháp duy tâm tạo”

(6) và (7) Trích từ Lão Tử, dẫn theo Nguyễn Hiến Lê, Lão Tử Đạo đức kinh, Nxb. Văn hóa, 1998

(8) Trích từ Trung dung, dẫn theo Đoàn Trung Còn, Tứ thư, Nxb. Thuận Hóa, 2000

(9) Phạt mộc: một thiên thuộc phần Tiểu nhã trong kinh Thi, nội dung nói về kết bạn và hậu đãi bạn bè.

(10) và (11) Trích từ Dịch kinh, dẫn theo Ngô Tất Tố, Kinh Dịch, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1997

(12) Trích từ Trung dung, dẫn theo Đoàn Trung Còn, Tứ thư, Nxb. Thuận Hóa, 2000

Những trích dẫn có dẫn chữ Hán là do tác giả bài viết dịch, các trích dẫn còn lại được rút từ Văn tế cổ và kim, Phong Châu - Nguyễn Văn Phú, Nxb. Văn Hóa, 1960.


[1] ThS. Khoa Văn học và Ngôn ngữ, ĐH KHXH&NV, TP.HCM

 

Bài viết cùng tác giả

Danh mục website