Từ văn học thông tục Trung Quốc nghĩ về truyện thơ Nôm Việt Nam

 Nguyễn Văn Hoài

  Thạc sĩ, Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường ĐH KHXH 

Thể loại là vấn đề mà các nhà nghiên cứu văn học không thể bỏ qua khi viết về một nền văn học. Song, phân chia thể loại không phải là việc đơn giản. Thực tế việc phân loại văn học Việt Nam cho thấy vẫn còn tồn tại một số vấn đề cần thảo luận lại. Trong đó, đáng lưu ý là việc định danh phân loại, nghiên cứu truyện thơ Nôm. Văn học cổ điển Việt Nam có đặc điểm khá tương đồng với văn học cổ điển Trung Quốc, trong đó có thể loại. Vì vậy, những thành quả nghiên cứu của học giới Trung Quốc cũng đáng để cho học giới Việt Nam tham chiếu. Trên cơ sở tham khảo phương pháp luận nghiên cứu văn học thông tục của các nhà nghiên cứu Trung Quốc, chúng tôi sơ bộ nêu lên vấn đề xác định đặc tính thể tài truyện thơ Nôm, đồng thời đề nghị một hướng phân loại, nghiên cứu thể tài này một cách thích hợp hơn.

1. Kho tàng truyện thơ Nôm Việt Nam hết sức phong phú về số lượng tác phẩm và cũng khá phồn tạp về mặt chủng loại. Trong chuyên luận Truyện Nôm - lịch sử phát triển và thi pháp thể loại, nhà nghiên cứu Kiều Thu Hoạch thống kê được 120 tác phẩm truyện thơ Nôm [1, tr. 322 - 326]. Đây chỉ là con số tương đối, bởi một số tác phẩm vẫn còn lưu giữ trong dân gian hoặc lưu trữ trong các thư viện trong nước và ngoài nước mà tác giả chưa tiếp cận được. Chẳng hạn, trong danh mục chưa có tên các tác phẩm sau: Nam Kinh, Bắc Kinh truyện (Xin xem tài liệu [2]), Lưu Hương diễn nghĩa bảo quyển [3]. Và nếu như chúng ta xét đưa thêm kho “truyện thơ Nôm-Quốc ngữ Nam Kỳ” vào đây thì số truyện thơ bổ sung vào danh sách nói trên sẽ tăng lên rất nhiều. Cũng cần nói thêm rằng, con số 120 nói trên chỉ là đại diện cho tên một tác phẩm mà thôi, thực ra có một số tác phẩm cùng tên nhưng lại khác biệt không thể xem là dị bản của nhau. Ví dụ như cùng mang tên là Hảo cầu tân truyện (chuyển thể từ tiểu thuyết Hảo cầu truyện của Trung Quốc), nhưng bản AB.134 do Vũ Chi Đình diễn âm khác hoàn toàn với bản AB.218 do một tác giả khuyết danh diễn âm. Những trường hợp như thế này ta phải kể là hai tác phẩm khác nhau. Ngoài ra, trong bảng thống kê nói trên, chúng ta cũng cần kiểm chứng lại một số tác phẩm xem có đúng là truyện thơ Nôm hay không. Vì thực tế cho thấy có một số tác phẩm có hình thức thơ lục bát thoạt trông như truyện thơ Nôm, nhưng không phải là “truyện thơ” mà là “diễn ca”. Cái đơn vị biểu thị tên thể loại gắn sau tên tác phẩm như “diễn ca”, “diễn âm”, “truyện”, “tân truyện”,...rất dễ đánh lừa ta, vì nó có thể là truyện thơ, nhưng cũng có thể là diễn ca hoặc tuồng. Chẳng hạn, tác giả nên xem lại các tác phẩm sau đây có đúng là truyện thơ Nôm hay không: Lão Bạng sinh châu (theo Di sản Hán Nôm Việt Nam thư mục đề yếu thì đây là một vở tuồng), Long tiên cung văn, Văn chầu các bà, Tống Lục Văn Long diễn ca (theo văn bản chúng tôi có thì đây là một vở tuồng),...

Thực sự là, khá nhiều tác phẩm kê trong danh sách nói trên chúng tôi không tiếp cận được, vì chúng không có trong kho sách của thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm và một số thư viện khác. Trong tình hình tư liệu như vậy thì hi vọng xác lập một danh sách truyện thơ Nôm chuẩn xác và tương đối đầy đủ là việc bất khả thi. Vấn đề đặt ra trước mắt là, các nhà nghiên cứu nên xây dựng những tiêu chí căn bản để phân tách loại “diễn ca” và “truyện thơ Nôm”. Thực tế cho thấy, cái ranh giới mập mờ này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc xác định, phân loại và thống kê. Xác định thể loại không rõ ràng, tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến phương pháp nghiên cứu. Truyện thơ Nôm là một thể tài đã góp đại công tạo nên bản sắc Việt trong nền văn học cổ điển Việt Nam. Tuy nhiên, việc phân loại thể tài văn học này hiện tại hãy còn một số vấn đề bất ổn, chưa nhất trí. Trong chừng mực nào đó nó đã phương hại đến tính khoa học trong việc nghiên cứu truyện thơ Nôm.

Tình trạng bất ổn, không nhất trí đó, chúng tôi thấy trong chuyên luận Truyện Nôm - lịch sử phát triển và thi pháp thể loại đã được Kiều Thu Hoạch đưa ra mổ xẻ trong chương 1 của tác phẩm và nỗ lực đi tìm một hướng tiếp cận khả quan từ bản chất thể loại của nó. Chuyên luận của ông đã khơi gợi chúng tôi suy nghĩ về một vấn đề căn bản của thể tài văn học này, đấy là bản chất của truyện thơ Nôm. Thiển nghĩ, sở dĩ có những vấn đề bất ổn, chưa nhất trí nói trên, phải chăng là do chúng ta chưa nhận chân được bản chất của nó, và chúng ta còn thiếu một thuật ngữ, hay một hệ thống thuật ngữ phân loại văn học hợp lý?

2. Từ trước đến nay truyện thơ Nôm thường được các nhà nghiên cứu phân làm hai loại: “truyện Nôm khuyết danh” và “truyện Nôm hữu danh”, hoặc “truyện Nôm bác học” và “truyện Nôm bình dân”. Phân thành “truyện Nôm khuyết danh” và “truyện Nôm hữu danh”, tiêu biểu là những nhà nghiên cứu sau: Đỗ Đức Hiểu [4], Bùi Văn Nguyên [5],… Phân thành “truyện Nôm bác học” và “truyện Nôm bình dân”, tiêu biểu là những nhà nghiên cứu sau: Dương Quảng Hàm [6], Đinh Gia Khánh [7], Nguyễn Lộc [8],…Cách gọi tên, phân loại như thế thực tế đã dẫn đến những lấn cấn, bất ổn. Với cách gọi tên, phân loại thứ nhất, thì một “truyện Nôm khuyết danh” nào đó sẽ trở thành “hữu danh” khi chúng ta tìm thấy một tư liệu ghi chép tên tác giả của nó hoặc phát hiện ra một văn bản có đề tên tác giả. Cách phân loại “thuần túy có tính hình thức” này đã được nhà nghiên cứu Nguyễn Lộc cho là không khoa học khi nói về “truyện Nôm bình dân”. (Chẳng hạn, gần đây, trong cuộc triển lãm tại Thư viện Khoa học tổng hợp TP.Hồ Chí Minh từ ngày 25 đến 27 tháng 11 năm 2009, truyện thơ Nôm Phạm Công-Cúc Hoa lâu nay vốn “khuyết danh” đã có tên tác giả là Dương Minh Đức Thị. Người sở hữu bản Phạm Công-Cúc Hoa này là linh mục Joseph Nguyễn Hữu Triết. Đây là bản được xem là cổ nhất do Thiên Bảo Lâu thư cục xuất bản năm 1880, hiệu sách Quảng Thạnh Nam, Chợ Lớn phát hành). Nhà nghiên cứu Nguyễn Lộc mặc dù đã cẩn trọng đưa ra các tiêu chí giới thuyết ở đầu chương “Truyện Nôm bình dân” trong công trình nghiên cứu để đời của mình, nhưng xem ra cách định danh phân loại “truyện Nôm bác học” và “truyện Nôm bình dân” vẫn chưa được ổn thỏa [8]. Căn cứ vào các tiêu chí căn bản mà ông đưa ra, soi vào từng tác phẩm cụ thể chúng ta vẫn cảm thấy băn khoăn, không yên lòng. Thực tế cho thấy một số tác phẩm “có tác giả” hẳn hoi, “được viết dựa theo những cốt truyện trong văn học cổ Trung Quốc” và chúng viết ra có lẽ là “để đọc” chứ không phải “để kể”, nhưng về phương diện nghệ thuật (ngôn từ, tình tiết, kết cấu, các thủ pháp nghệ thuật,...) thì lại na ná một truyện Nôm bình dân; và ngược lại, một vài tác phẩm có dấu hiệu “để kể là chính”, sáng tác “có tính cách tập thể”, ngôn ngữ “không được trau chuốt, có chỗ còn thô vụng, ngữ pháp của câu thơ có khi cũng chưa thật chỉnh”, “dùng vần ép”,... nhưng hầu như được các nhà nghiên cứu mặc nhận là truyện Nôm bác học. Hơn nữa, tên gọi “bác học” và “bình dân” có vẻ giống như kiểu phân “chiếu trên” và “chiếu dưới” ở đình làng, giá trị của một tác phẩm hầu như đã được an bài khi ta “phân chiếu”. Về vấn đề này Kiều Thu Hoạch đã có ý kiến rõ ràng rằng, “việc phân loại truyện Nôm thành hai loại truyện Nôm bình dân truyện Nôm bác học, dầu sao cũng chỉ nên xem là một biện pháp tạm thời để tiện cho việc nghiên cứu trong một chừng mực nào đó, và đối với một số truyện Nôm nào đó mà thôi. Một quan niệm tuyệt đối hóa ở đây sẽ là phi thực tế và do đó, cũng là phi khoa học. Bởi trong thực tế, cái ranh giới chủng loại ấy cũng chẳng có gì là rõ ràng, nếu không muốn nói là nó khá mù mờ như chúng ta đã thấy” [1, tr. 57].

      Có lẽ cảm thấy những bất ổn trong hai cách định danh phân loại nói trên, nên trước đây trong chương “Truyện Nôm khuyết danh” của bộ Lịch sử văn học Việt Nam soạn giả Lê Hoài Nam đã đưa ra một cách phân loại khác. Ông cho rằng, không nên vì lý do hữu danh hay khuyết danh mà tách rời hay đối lập hai bộ phận truyện Nôm, bởi xét về căn bản, chúng giống nhau “hoặc về nguồn gốc đề tài, hoặc về khuynh hướng tư tưởng, hoặc là về phương pháp sáng tác.” [9, tr. 214]. Từ đó ông đã đưa ra hai kiểu phân loại khác.  

Kiểu thứ nhất. Căn cứ theo nguồn gốc đề tài, ông chia truyện Nôm làm 3 loại: - Loại truyện Nôm dựa vào truyện cổ tích, thần thoại, hay sự tích thần, Phật, như các truyện Trương Chi, Tấm Cám, Phương Hoa, Tống Trân-Cúc Hoa, Bích Câu kỳ ngộ,…; - Loại truyện Nôm dựa vào các tiểu thuyết Trung Quốc, như Nữ tú tài, Phan Trần, Nhị độ mai, Hoa tiên, Truyện Kiều,…; - Loại truyện Nôm sáng tác hoàn toàn dựa vào thực tế Việt Nam, như Lục Vân Tiên, Sơ kính tân trang, Mai đình mộng ký,…

Kiểu thứ hai. Căn cứ vào nội dung và hình thức, ông phân truyện Nôm thành 2 loại là: - Loại có tính chất quần chúng nhiều hơn gồm các truyện Nôm có tính tư tưởng cao, phản ánh các vấn đề xã hội có liên quan mật thiết với vận mệnh của quần chúng hơn, nhưng tính nghệ thuật thì thô sơ, mộc mạc, nhiều khi vụng về nữa (như các truyện: Phạm Công-Cúc Hoa, Tống Trân-Cúc Hoa, Phạm Tải-Ngọc Hoa,v.v.); - Loại có tính quần chúng ít hơn, gồm các truyện Nôm có tính nghệ thuật cao hơn (ngôn ngữ trong sáng, lưu loát hơn, kết cấu chặt chẽ hơn, nhân vật có sinh hoạt tâm lý phong phú hơn,…), nhưng về tư tưởng lại chịu nhiều ảnh hưởng của ý thức hệ phong kiến cùng với các thứ tư tưởng tôn giáo, triết học tiêu cực khác. Tác giả của loại truyện này là các nho sĩ thuộc tầng lớp trên. Tác phẩm thuộc loại này như: Nhị độ mai, Quan Âm Thị Kính, Phan Trần,v.v. [9, tr. 220 – 221].

Chúng ta thấy kiểu phân loại thứ hai, trên thực tế sẽ gặp nhiều vướng mắc, bởi “tuy Lê Hoài Nam không dùng thuật ngữ truyện Nôm bình dân truyện Nôm bác học, nhưng thực chất tác giả đã phân loại theo hướng đó” [1, tr. 40]. Kiểu phân loại thứ nhất khả quan hơn nhiều, có thể tránh được tình trạng “gọt chân cho vừa giày” khi xếp từng truyện Nôm cụ thể vào nhóm loại này hay nhóm loại kia. Tuy nhiên, để vững chãi hơn, không phải lấn cấn, mù mờ trong phương pháp nghiên cứu ta vẫn cần một thuật ngữ rộng hơn để đặt thể tài truyện thơ Nôm vào đấy.

Vấn đề bức thiết thứ hai là nên đặt nhóm truyện được gọi là “truyện Nôm bình dân” vào mảng văn học nào? Văn học viết, văn học dân gian, hay một mảng văn học khác? Vấn đề đặt ra không phải đơn thuần là việc phân loại mà nó còn liên quan đến đối tượng nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu đối với một thể tài văn học.

Lâu nay, khi viết về thể tài truyện Nôm thì các nhà nghiên cứu dễ dàng công nhận “truyện Nôm bác học” là văn học viết hay văn học bác học (?), nhưng với “truyện Nôm bình dân” (hoặc “truyện Nôm khuyết danh”) thì hầu như chưa có tác giả nào khẳng định dứt khoát nó là văn học viết hay văn học dân gian. Kiều Thu Hoạch sau khi tìm hiểu vấn đề này đã đưa ra nhận xét: “Thật lạ lùng là trong khi phân tích những đặc điểm cụ thể của truyện Nôm bình dân (hoặc khuyết danh), ở nội dung tư tưởng, đề tài, cốt truyện, hình thức nghệ thuật, ngôn ngữ thơ ca,… thì các tác giả đều thấy rõ những đặc điểm của văn học dân gian, nhưng khi kết luận vấn đề thì lại không một tác giả nào công nhận đó là văn học dân gian” [1, tr. 46]. Điều thú vị, đáng lưu tâm là khi kết luận, đánh giá chung về truyện Nôm hoặc truyện thơ Nôm bình dân, thì ba nhà nghiên cứu uy danh Đinh Gia Khánh, Cao Huy Đỉnh, Nguyễn Lộc lại có những dòng nhận định tương tự nhau. Đinh Gia Khánh viết rằng: “Truyện Nôm nói chung là loại tác phẩm bắc cầu giữa văn học dân gian và văn học bác học” [7, tr. 272]; Tương tự như thế, Cao Huy Đỉnh coi văn học Nôm bình dân “là một cái cầu nối giữa hai dòng văn học bác học và văn học dân gian trong những thế kỷ cận đại” [10, tr. 122]; So với hai nhà nghiên cứu trên khác một chút, Nguyễn Lộc nhận xét rằng: “Có thể nói truyện Nôm bình dân là cái cầu nối liền văn học dân gian với truyện Nôm bác học” [8, tr. 284].

Vì sao không một nhà nghiên cứu nào công nhận truyện Nôm bình dân (hay khuyết danh) là văn học dân gian? Ắt có nguyên do. Theo chúng tôi, có lẽ nguyên do căn bản nhất là tính văn bản thành văn của nó. Mặc dầu niên đại thành hình văn bản của hầu hết truyện thơ Nôm không sớm lắm, chủ yếu nằm trong khoảng từ thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX, và phần lớn là khuyết danh, nhưng không thể vì thế mà chúng ta phủ nhận tư cách thành văn của thể loại văn học này. Kho văn học thông tục đồ sộ của Trung Quốc không thiếu những tác phẩm khuyết danh đậm dấu ấn dân gian, nhưng không vì thế mà người ta xếp chúng vào văn học dân gian. Ngôn từ, câu cú thô vụng thì chỉ làm cho tác phẩm kém giá trị nghệ thuật thôi chứ không thể khiến cho nó thành tác phẩm văn học dân gian. Nhiều tác phẩm văn học viết có tác giả hẳn hoi cũng thô vụng như thế! Có tính sáng tác tập thể thì cũng không hẳn là tác phẩm văn học dân gian. Nếu chỉ vì thế thì Lục Vân Tiên sẽ bị loại khỏi văn học viết! Và ai dám khẳng định rằng ngôn ngữ trong Truyện Kiều ngày nay 100% là của Nguyễn Du? Vay mượn truyện dân gian cải biên thành tác phẩm mới cũng không phải là độc quyền của loại truyện thơ Nôm. Hình thái cấu trúc truyện có công thức giống nhau, “kết thúc có hậu” cũng không phải là đặc điểm chỉ riêng có ở văn học dân gian và truyện thơ Nôm. Tóm lại, ta chỉ có thể vận dụng phương pháp nghiên cứu văn học dân gian vào truyện Nôm bình dân, chứ không thể xếp nó vào văn học dân gian. Vì nếu làm như thế không khéo tình hình còn rối hơn.

Vì sao truyện Nôm bình dân (hay truyện Nôm) là chiếc cầu nối giữa văn học dân gian và văn học bác học? Có lẽ nguyên do chính yếu là cái đặc tính vừa ở bên này vừa ở bên kia của nó. Như trên đã nói, xét về nội dung tư tưởng, đề tài, cốt truyện, hình thức nghệ thuật, ngôn ngữ thơ ca,… thì truyện Nôm bình dân có những đặc điểm của văn học dân gian. Nhưng, tính văn bản thành văn của nó đã khiến các nhà nghiên cứu ngần ngại, bởi ai cũng nhận thấy việc xếp hẳn truyện Nôm bình dân vào văn học viết hay văn học dân gian đều bất ổn. Tuy nhiên, theo cảm nhận của chúng tôi, thì dường như đa số các nhà nghiên cứu đều mặc nhận nhóm truyện thơ Nôm có tính “lưỡng thê” này thuộc địa hạt văn học viết (hay văn học thành văn). Chính vì vậy mà năm 1978, khi đề cập đến truyện Nôm khuyết danh nhà nghiên cứu văn học dân gian Đỗ Bình Trị đã băn khoăn: “Cho đến nay, vấn đề nên xếp những truyện Nôm gọi là khuyết danh vào bộ phận nào của văn học Việt Nam, văn học (chắc là ông chỉ văn học viết – NVH) hay văn học dân gian, vẫn làm day dứt một số nhà nghiên cứu văn học. Theo dõi những ý kiến đã phát biểu, những người nghiên cứu văn học dân gian đến lượt mình không khỏi cảm thấy băn khoăn” [11, tr. 120].

Với tình hình phân loại và xác định loại hình văn học truyện thơ Nôm như đã nói ở trên, chúng tôi nghĩ học giới cần có một phương hướng tháo gỡ, khai thông, nếu không thì tiền đồ nghiên cứu thể tài này sẽ giống như “con kiến mà leo cành đa...” trong bài ca dao mà hẳn ai cũng thuộc.

3. Trước đây, trong bài viết Từ thư tịch tục văn học Việt Nam nhìn đến tương lai của việc nghiên cứu văn học Đôn Hoàng và nghiên cứu văn thể [Trung Quốc], nhà nghiên cứu Vương Tiểu Thuẫn đã cho chúng ta một cái nhìn tổng quát về mảng văn học thông tục trong thư tịch cổ Việt Nam. Trong bài viết này ông xếp các thể tài sau đây vào mảng “tục văn học”: 1. Tục phú; 2. Diễn ca lục bát thể; 3. Ca trù; 4. Chèo, tuồng; 5. Tiểu thuyết (được phân thành 4 loại là: tiểu thuyết bút ký; tiểu thuyết truyền kỳ; tiểu thuyết chương hồi và truyện thơ). Trong tiểu loại truyện thơ, căn cứ vào chữ viết, ông chia thành 2 loại là truyện thơ viết bằng chữ Hán và truyện thơ viết bằng chữ Nôm (tức truyện thơ Nôm hay truyện Nôm). Theo ông, truyện Nôm có 2 loại chủ yếu là: Thứ nhất, kể chuyện tình duyên nam nữ; thứ hai, kể lại cuộc đời của các nhân vật anh hùng (Xin xem tài liệu [12]). Mặc dầu việc xếp một số thể tài vào mảng văn học thông tục của tác giả cần phải xem xét lại, sự phân loại cũng cần phải thảo luận lại, và một số nhận định còn chủ quan, khiên cưỡng, nhưng Vương tiên sinh đã gợi mở cho chúng ta một số vấn đề đáng chú ý về việc nhận diện và phân loại mảng văn học thông tục của Việt Nam nói riêng và văn học Việt Nam nói chung (Xin xem thêm tài liệu [13] và [14]).

Nếu khái niệm văn học thông tục được dùng rộng rãi ở Việt Nam, thì chúng ta có xếp thể tài truyện thơ Nôm vào mảng văn học này hay không? Chúng tôi nghĩ rằng, khi ta xếp thể tài này vào mảng văn học thông tục thì những vấn đề bất ổn, băn khoăn, chưa nhất trí, gây tranh luận trong việc phân loại truyện thơ Nôm và xếp nhóm truyện thơ Nôm được gọi là “bình dân” vào mảng văn học nào, có thể sẽ được giải quyết dễ dàng hơn.

Trước hết, chúng tôi xin giới thuyết thuật ngữ “văn học thông tục” (người Trung Quốc gọi là “tục văn học” 俗文 hoặc “thông tục văn học” 通俗文学), vì nói chung, thuật ngữ này chưa được dùng phổ biến ở Việt Nam. Có thể hiểu một cách sơ giản, đó là mảng văn học có tính bình dân đại chúng, đối lập với mảng văn học chính thống bác học. Trung Quốc văn học đại từ điển định nghĩa “văn học thông tục” như sau: “Là tên gọi chung các loại văn học thông tục cổ đại của Trung Quốc. Người đề xuất khái niệm này là Trịnh Chấn Đạc và được các học giả chuyên về văn học cổ Trung Quốc dùng theo. Tục văn học bao gồm các loại dân ca, ca dao, khúc, các loại tiểu thuyết thông tục như giảng sử, thoại bản, các loại văn học giảng xướng từ đời Tống-Nguyên như Nam Bắc hí khúc, hí kịch địa phương, biến văn, đàn từ, cổ từ, bảo quyển, các truyền thuyết dân gian, truyện cười, câu đố v.v...” [15, tr. 1893]. Trong chương 1 của công trình có tính “khai sơn” Trung Quốc tục văn học sử của mình Trịnh Chấn Đạc định nghĩa: “ “Tục văn học” là văn học thông tục, là văn học dân gian, và cũng là văn học đại chúng. Nói cách khác, tục văn học là những thứ (những thể loại hay tác phẩm – NVH) vốn không được bước lên ngôi nhà Đại nhã, không được giới học sĩ đại phu xem trọng, chúng lưu hành trong dân gian, trở thành cái mà mọi người say mê, yêu thích”. Ông còn nhấn mạnh rằng: “ “Tục văn học” không những trở thành một bộ phận chủ yếu trong lịch sử văn học Trung Quốc, mà nó còn trở thành trung tâm của lịch sử văn học Trung Quốc.” [16, tr. 1]. Ông xác định “tục văn học” có 6 đặc tính cơ bản là:

1. Đại chúng; 2. Sáng tác tập thể, vô danh; 3. Truyền miệng; 4. Tươi mới nhưng thô phác; 5. Sức tưởng tượng cao, luôn dâng trào mãnh liệt; 6. Mạnh dạn đưa vào những cái mới mẻ từ bên ngoài [16, tr. 3 - 4].

Qua những định nghĩa trên chúng ta thấy, khái niệm “văn học thông tục” bao gồm cả “văn học dân gian”, tức văn học dân gian là một nhóm loại trong khái niệm này. Có nghĩa là ở đây các nhà nghiên cứu văn học Trung Quốc phân loại văn học theo kiểu “nhị phân pháp”, tức phân làm hai loại lớn là “nhã văn học” (hay “văn học cao nhã”, “văn học chính thống”, “văn học nghiêm túc”, “văn học thuần túy”) và “tục văn học”, chứ không phải “tam phân pháp” như cách phân loại của các nhà nghiên cứu phương Tây mà hiện tại chúng ta thường sử dụng (tức phân làm ba loại lớn là: tự sự, trữ tình và kịch). “Nhị phân pháp” nói trên khác với “nhị phân pháp” mà chúng ta vẫn thường sử dụng khi phân văn học làm hai loại lớn là văn học viết (hay văn học thành văn) và văn học dân gian.

Theo nhà nghiên cứu Đàm Phàm, “nghiên cứu “tục văn học” là môn “hiển học” trong việc nghiên cứu văn học Trung Quốc ở thế kỷ XX, đã có một địa vị hết sức quan trọng. Nó manh nha từ đầu thế kỷ XX, được xác lập vào thập niên 30, phồn vinh trong thập niên 40, tiêu trầm trong hai thập niên 50-60, rồi dấy nổi tươi mới lại vào giữa thập niên 80, nghiên cứu “tục văn học” đã bước vào một giai đoạn lịch sử sôi nổi nhưng lại lên xuống bất định”. Và ông cho rằng, “trong một thế kỷ trở lại đây, nó đã đạt được những thành quả to lớn, nhưng những tệ hại bộc lộ trong bản thân nó cũng hết sức rõ ràng. Trong đó cái nổi rõ lên nhất là sự mơ hồ về tính chất của học khoa “tục văn học”, và từ đó dẫn đến sự lộn xộn không rõ ràng về đối tượng nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu,... Điều đó đã chế ước nghiêm trọng đến sự phát triển của việc nghiên cứu tục văn học” [17].

Đàm Phàm cho rằng, nguyên tắc phân loại khoa học phải dựa vào “tam phân pháp”, tức “nhã văn học”, “tục văn học” và “văn học dân gian”, tức là cần loại “văn học dân gian” ra khỏi “tục văn học”. Trên cơ sở nghiên cứu của những người đi trước, tác giả đã giới định đặc tính của văn học thông tục như sau:

“1. Tục văn học là một hiện tượng văn học, trên các phương diện “giá trị chức năng”, “nội dung biểu hiện”, “thị hiếu thẩm mĩ” và “truyền bá tiếp thụ” thì cơ bản nhất trí, nó ở giữa “nhã văn học” và “văn học dân gian”. Cho nên “tục văn học” là một khái niệm “văn loại” (loại hình văn học).

2. Tục văn học là chỉ tác phẩm văn học do văn nhân gia công, chỉnh lý hoặc sáng tác, lấy sự tiếp nhận từ đại chúng làm cơ sở, nhưng là “văn học thành văn”.

3. Tục văn học lấy sự giáo hóa đạo đức, truyền bá tôn giáo, phổ cập tri thức và tiêu khiển giải trí làm giá trị chức năng cơ bản nhất.

4. Tục văn học là một loại tác phẩm văn học trên phương diện nội dung biểu hiện, hình thức nghệ thuật và thị hiếu thẩm mĩ đều theo đuổi sự thế tục hóa.

5. Tục văn học có đặc tính truyền bá phổ cập hóa, có tính thương mại tiêu dùng ở mức độ nhất định” [17] (Xin tham khảo thêm [13, tr. 41] ).

Trong phần “kết ngữ”, đối với tính chất của học khoa “Nghiên cứu tục văn học Trung Quốc” tác giả tổng kết rằng: “1. Nghiên cứu tục văn học Trung Quốc lấy “tam phân pháp” trong văn học, tức “nhã văn học”, “tục văn học” và “văn học dân gian” làm nguyên tắc phân chia, để nghiên cứu sự phát sinh, phát triển, cơ chế sáng tác, cơ chế truyền bá cùng những vấn đề văn học tương quan. Việc nghiên cứu tục văn học Trung Quốc phải có một học khoa độc lập mang tính đặc thù tự thân về mục đích nghiên cứu, đối tượng nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu; 2. Tục văn học là một khái niệm “văn loại”, có đặc tính cơ bản tương đồng, có quan hệ đến sự phồn đa văn thể trong văn học cổ đại, nghiên cứu một hiện tượng văn học có thể giúp nắm bắt một cách toàn diện quy luật phát triển của văn học Trung Quốc, càng có ích cho việc tìm hiểu luồng tuyến phát triển của một dòng mạch đặc thù trong văn học Trung Quốc; 3. Chữ “tục” trong “tục văn học” nên dựa vào thư tịch truyền thống mà tìm hiểu, có “tục” trong “phong tục”, “tục” trong “thế tục”, “tục” trong “nhã tục” và “tục” trong “thông tục”, tục văn học là hợp nhất của nội hàm đa trùng này, nhưng lấy “tục” trong “thế tục” làm thuộc tính bản chất của nó. Vì vậy nghiên cứu tục văn học không thể lấy “dân tục tính” trong tục văn học làm nội hàm chủ yếu, mà nên lấy “thế tục tính” trong việc nêu lên vấn đề sáng tác, văn bản và truyền bá tục văn học làm đối tượng chính yếu; 4. Nghiên cứu tục văn học là một loại nghiên cứu văn học có tính chất chung trong nghiên cứu văn học, nhưng càng phải có tính đặc thù của nó, phương pháp nghiên cứu cần phải thống nhất với tính chất bản nhiên của tục văn học, cho nên việc nghiên cứu tổng hợp dung thông nhiều loại phương pháp trong các chuyên ngành như văn nghệ học, xã hội học, dân tục học, lịch sử học,...phải là phương pháp chủ yếu. Đồng thời, lấy văn học làm tiêu chuẩn nghiên cứu thì không nên triển khai quá mức, cần phải xem tục văn học là hiện tượng lịch sử văn hóa và tư liệu tư tưởng để tìm hiểu một cách đa chiều hơn” [17].

4. Văn học cổ điển Việt Nam có đặc điểm tương đồng với văn học cổ điển Trung Quốc. Đấy là điều ai cũng dễ dàng nhìn thấy. Sự tương đồng đó là cơ sở để chúng ta tham chiếu lẫn nhau và giải quyết các vấn đề đặt ra trong mỗi nền văn học. Người láng giềng có mảnh đất giống ta đã chế ra một cái cày xem ra cày khá tốt trên mảnh đất của mình. Vậy tại sao ta không mượn cái cày ấy xài thử xem sao? Thiển nghĩ, chúng ta nên mượn thuật ngữ “văn học thông tục” của các nhà nghiên cứu Trung Quốc để giải quyết những vấn đề hãy còn bất ổn nêu ra ở trên. Và nếu chúng ta dùng khái niệm này thì chúng tôi nghĩ rằng văn học Việt Nam cũng nên chia làm ba loại lớn là “văn học bác học” (hay “văn học chính thống”, “văn học thuần túy”, hoặc...?), “văn học thông tục” và “văn học dân gian”. Chúng ta có thể tham khảo những đặc tính loại hình mà các nhà nghiên cứu văn học Trung Quốc đưa ra, căn cứ vào thực tế văn học Việt Nam mà giới định ba loại hình văn học này. Như trên đã trình bày, nếu chúng ta không phân loại văn học một cách thích hợp, thì đối tượng nghiên cứu sẽ sai lệch và phương pháp nghiên cứu sẽ bất ổn, không hiệu quả. Vấn đề này đặt ra không phải chỉ để giải quyết thể tài truyện thơ Nôm mà còn liên quan đến nhiều thể tài văn học cổ điển khác nữa. Chẳng hạn những thể tài mà Vương Tiểu Thuẫn nêu ra: tục phú; diễn ca; ca trù; chèo, tuồng; tiểu thuyết văn xuôi. Sẽ có không ít các nhà nghiên cứu không đồng ý chỗ này chỗ nọ trong việc xếp loại nói trên của Vương tiên sinh, nhưng trước khi phủ nhận chúng ta cũng nên viết vài dòng chứng minh rằng việc xếp ca trù hay tiểu thuyết văn xuôi cổ điển vào loại văn học thông tục là khiên cưỡng, thiếu cơ sở khoa học. Thiết tưởng, những dòng thảo luận ấy đúng sai chưa bàn, nhưng rõ ràng là nó hoàn toàn có ích cho khoa học, cho tương lai nghiên cứu văn học Việt Nam.

Cần nói thêm rằng, việc phân giới tuyến giữa nhã văn học và tục văn học trên thực tế cũng không phải dễ dàng. Ở Trung Quốc vấn đề này vẫn thường dẫn đến những cuộc thảo luận, nhất là việc xếp một tác phẩm cụ thể nào đó vào loại nhã văn học hay tục văn học. Có những trường hợp đến nay vẫn không có đáp án rõ ràng. Ngoài những tác phẩm nhã tục phân minh ra, còn có một số tác phẩm “trung tính” xếp vào loại nào cũng thiếu chuẩn, “dường như không nghiêng không dựa vào bên nào cả”! Giống như kiểu người “không béo cũng không gầy” mà Lỗ Tấn ví von trong bài văn Lại bàn về loại người thứ 3 (又论第三种人).

Ở Trung Quốc, khi phân chia văn học nhã tục thời cổ, thông thường người ta lấy việc sử dụng ngôn ngữ của tác phẩm làm tiêu chuẩn. Nếu như dùng văn ngôn thì xem là nhã văn học, còn dùng bạch thoại thì xem là tục văn học. Tiêu chí xác định này cũng na ná như ở Việt Nam ta: đại để tác phẩm viết bằng chữ Hán thì là bác học, viết bằng chữ Nôm thì là bình dân. Nhưng vấn đề không đơn giản như vậy. Trong văn học Trung Quốc, “Liêu trai chí dị tuy dùng văn ngôn, nhưng nó lại là tiểu thuyết thông tục; và Ngọc Lê hồn xuất hiện vào thời cận hiện đại, dùng thể văn biền ngẫu để viết, cũng phải đưa vào loại tiểu thuyết thông tục. Đấy là bởi vì ngôn ngữ chỉ là một nhân tố về phương diện, mà nội dung đề tài của tác phẩm cũng là một tiêu chuẩn cân đo” [18, tr. 9 ]. Về phương diện ngôn ngữ biểu đạt, tác phẩm thông tục đòi hỏi tác giả phải dùng ngôn ngữ thông tục để viết về nhân tình thế thái. “Dùng bạch thoại để viết về nhân tình thế thái là chính cách; Dùng văn ngôn để viết về nhân tình thế thái là biến cách” (Ngô Viết Pháp吴曰法, Tiểu thuyết gia ngôn 小说家言. Dẫn lại từ: [18, Tr. 9]). Trường hợp Liêu trai chí dị, Ngọc Lê hồn là “biến cách”. Có nghĩa là, khi xem xét một tác phẩm văn học nào đó thuộc loại “nhã” hay “tục”, ngoài tiêu chuẩn ngôn ngữ, văn tự ra, chúng ta còn phải xét nội dung đề tài của nó nữa.

Đối với tác phẩm thuộc loại tự sự, chúng ta phải chú ý xem xét hình thức tự sự của tác phẩm, xem tác giả xây dựng cốt truyện như thế nào, diễn biến ra sao. Thông thường, kết cấu truyện của các thể tài văn học thông tục có tính mô hình, còn ngược lại chúng ta khó có thể xây dựng mô hình chung cho các tác phẩm văn học bác học (hay nhã văn học). Quan sát văn học thế giới ta có thể dẫn ra nhiều thể tài văn học có đặc tính như thế, và người ta căn cứ vào mô hình để xếp một tác phẩm cụ thể vào thể tài nào. Thí dụ:

- Thể tài tiểu thuyết tài tử giai nhân Trung Quốc có mô hình là: Gặp gỡ – Tai biến – Đoàn viên.

- Thể tài truyện thơ Nôm Việt Nam phần lớn có mô hình như trên.

- Thể tài truyện trinh thám có mô hình phổ biến là: Phát hiện án – Điều tra – (Lầm lạc) – Phá án.

Thậm chí ta còn có thể xây dựng mô hình về mối quan hệ tác động qua lại giữa các nhân vật. Hình thức tự sự của chúng tuy có tính mô thức, nhưng nếu tác giả giỏi tạo hiệu quả lạ hóa trên phương diện nội dung tự sự thì tác phẩm có thể khiến người đọc mê mẩn bỏ cả ăn lẫn ngủ. Hiện tượng nghiện đọc truyện Tàu, truyện kiếm hiệp ở Việt Nam trước đây (giống như hiện nay xem phim truyền hình nhiều tập Trung Quốc, Hàn Quốc) đã cho ta thấy mức độ “bỏ bùa” của văn học thông tục mạnh mẽ như thế nào.

Cho nên, khi xét đặc tính của văn học thông tục người ta không bỏ qua tính hấp dẫn, hay nói một cách “bác học” hơn là chức năng giải trí của nó. Tại sao người ta đổ xô vào nhà sách mua Harry Potter trong khi các tác phẩm đoạt giải Nobel nằm lăn lóc ở lề đường? Rất dễ trả lời: vì phần lớn tác phẩm đoạt giải Nobel đọc “đau đầu” quá! Nói chung, văn học bác học xem trọng việc “xây dựng điển hình”, còn văn học thông tục thì thiên ái “những chuyện ly kỳ”. Đúng như câu nhận xét trong Văn tâm điêu long: “Nhiên tục giai ái kỳ” (然俗皆爱奇). Phải chăng chính vì vậy mà Tam quốc diễn nghĩa, Thủy hử truyện, Tây du ký, Kim Bình mai được tôn là “tứ đại kỳ thư”?

Vì vậy, có người chỉ đưa ra 3 tiêu chuẩn giản dị để xác định một tác phẩm văn học thông tục, đó là: “1. Có “tương thông với thế tục” hay không, 2. Có “giản dị, rõ ràng dễ hiểu” hay không, 3. Có chức năng “tiêu khiển, giải trí” hay không” [18, tr. 15]. Chúng tôi thấy, 3 tiêu chuẩn trên suy cho cùng chỉ là một. Tiêu chuẩn 2 và 3 là điều kiện để tác phẩm đạt đến tiêu chuẩn 1, và ngược lại đạt tiêu chuẩn 1 ắt sẽ có tiêu chuẩn 2 và 3.

Chắc rằng sẽ có nhiều bậc tiền bối, nhiều nhà nghiên cứu “phát hoảng” lên khi thấy chúng tôi “cả gan” xếp tuyệt phẩm Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du vào loại văn học thông tục, ở cùng xóm với Phạm Công - Cúc Hoa, Lâm Sanh - Xuân Nương, Thoại Khanh - Châu Tuấn, Hoàng Trừu, Lý Công,...Nhưng xin thành tâm thưa rằng, chúng tôi chỉ mạo muội đưa ra một đề nghị giữa rừng bút để cầu xin các bậc tiền bối cao minh xem xét, chỉ chính cho ý nghĩ nông cạn, bộp chộp của mình. Sở dĩ dám “múa rìu qua mắt thợ” cũng là vì muốn góp ích cho sự nghiệp nghiên cứu văn học nước nhà. Vả lại, chúng tôi trộm nghĩ, không phải tác phẩm văn học thông tục nào cũng kém giá trị văn học. Học giới Trung Quốc xếp các tác phẩm được liệt vào hàng “kinh điển” như Tam quốc diễn nghĩa, Thủy hử truyện, Tây du ký, Hồng lâu mộng, Liêu trai chí dị, Nho lâm ngoại sử, Tây sương ký, Tì bà ký,...vào loại văn học thông tục, không có nghĩa là chúng kém giá trị văn học, không còn là tác phẩm kinh điển nữa. Sở dĩ người ta xếp chúng vào đấy là vì chúng có những đặc tính thuộc về loại văn học thông tục. Nói như nhà nghiên cứu Đàm Phàm, “ “kinh điển” cũng có phân ra “nhã tục”, “nhã văn học” có “kinh điển” của nhã văn học, “tục văn học” cũng có “kinh điển” của tục văn học, tiêu chuẩn, thước đo của hai loại này có sai biệt” [17].

Như trên đã nói, nếu chúng ta xếp thể tài truyện Nôm vào loại văn học thông tục thì vấn đề phân loại sẽ dễ dàng hơn nhiều. Chẳng hạn, ta có thể chia làm 2 nhóm. Nhóm thứ nhất, là những truyện được chuyển thể (hoặc cải biên, diễn Nôm,...) từ các tác phẩm văn học Trung Quốc, như: Song Tinh Bất Dạ, Hoa tiên, Truyện Kiều, Phan Trần, Nhị độ mai, Tây sương truyện, Ngọc Kiều Lê tân truyện, Tì bà quốc âm tân truyện, Hảo cầu tân truyện,…Nhóm thứ hai, là những truyện có nguồn gốc bản địa, gần gũi với tích truyện dân gian, hoặc có ảnh hưởng về mặt thể tài với các tác phẩm ở nhóm thứ nhất, như: Ông Ninh cổ truyện, Cai Vàng tân truyện, Chàng Chuối tân truyện, Phạm Công - Cúc Hoa, Thoại Khanh - Châu Tuấn, Thạch Sanh, Phương Hoa, Hoàng Trừu, Lý Công, Sơ kính tân trang, Lục Vân Tiên,...Nếu cần thiết thì ta có thể chia nhóm thứ 2 này thành các tiểu loại nữa. Hoặc là tách nhóm này ra làm 2 nhóm riêng như Lê Hoài Nam đã chia. Cái lợi thứ nhất dễ thấy là, chúng ta không vướng phải những trường hợp “khó xử”, hay khiên cưỡng khi phân loại. Ngoài ra, mỗi một nhóm loại như thế có những đặc tính riêng và ta có thể thuận lợi hơn trong phương pháp tiếp cận từng nhóm loại. Thứ nữa, chúng ta có thể xây dựng cho truyện thơ Nôm một phương pháp luận nghiên cứu thích hợp, không chỉ đơn thuần ở địa hạt văn học, giống như đề nghị của nhà nghiên cứu Đàm Phàm.

Sau khi thảo xong bài viết này, chúng tôi nhờ nhà nghiên cứu Đoàn Lê Giang (Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường ĐH KHXH và NV, ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) đọc góp ý. Ông Đoàn Lê Giang cũng quan tâm đến mảng truyện thơ Nôm, nên rất tâm đắc với vấn đề chúng tôi khơi ra và đã có những góp ý hết sức thích đáng. Trong đó, ông có gợi ý là, phân loại truyện thơ Nôm theo thể tài như Lê Hoài Nam là đúng hướng, nhưng chúng ta cần triển khai thêm một bước nữa, ví dụ nên phân thành: loại tài tử giai nhân, loại truyền kỳ, loại truyền thuyết, loại cổ tích, loại tự thuật,v.v. Ông cho rằng chia nhỏ như vậy rất có giá trị cho việc nghiên cứu, từ đó ta có thể dùng thi pháp các tiểu thể loại này để nghiên cứu truyện thơ Nôm. Trên cơ sở gợi ý của nhà nghiên cứu Đoàn Lê Giang, chúng tôi thử phân truyện thơ Nôm thành các tiểu loại như sau:  

1. Truyện thơ Nôm tài tử giai nhân (như: Truyện Kiều, Hoa Tiên, Song Tinh Bất Dạ, Ngọc Kiều Lê, Nhị độ mai, Hảo cầu tân truyện,...).

2. Truyện thơ Nôm truyền k (như: Bạch Viên Tôn Các, Bích Câu kỳ ngộ, Lưu Nguyễn nhập Thiên Thai tân truyện, Từ Thức tân truyện,...).

3. Truyện thơ Nôm truyền thuyết (như: Chử Đồng Tử diễn ca, Đổng Thiên Vương tân truyện, Chàng Chuối tân truyện,…).

4. Truyện thơ Nôm cổ tích (như: Thạch Sanh, Tống Trân - Cúc Hoa, Thoại Khanh - Châu Tuấn, Lâm Sanh - Xuân Nương, Lưu Bình - Dương Lễ,...).

5. Truyện thơ Nôm ngụ ngôn (như: Truyện Trinh thử, Truyện Trê Cóc, Lục súc tranh công,…).

6. Truyện thơ Nôm sử tích (khu biệt với diễn ca lịch sử), như: Chúa Thao cổ truyện, Ông Ninh cổ truyện, Trung quân đối diễn ca,…

7. Truyện thơ Nôm tôn giáo (như: Quan Âm tống tử bản hạnh, Quan Âm Thị Kính, Mục Liên Thanh Đề, Lưu Hương diễn nghĩa bảo quyển,…).

8. Truyện thơ Nôm tự thuật (hay tự truyện), như: Sơ kính tân trang, Lục Vân Tiên, Mai đình mộng ký,…).v.v.

Thực tế có một số truyện chúng tôi thấy không xếp được vào loại nào trong 8 loại kê trên, cần phải có thời gian suy nghĩ cho chúng một tên gọi. Cá biệt, ngoại lệ là chuyện thông thường, với một bài viết chúng tôi không dám cầu toàn. Danh sách định danh phân loại trên chỉ là một phác thảo có tính bước đầu, muốn hoàn thiện cần có sự quan tâm thảo luận thêm của các nhà nghiên cứu. Để có một cơ sở khoa học vững vàng, trước hết ta cần xây dựng các đặc tính làm tiêu chí khu biệt giữa các tiểu loại. Phạm vi bài viết không cho phép chúng tôi đi sâu vào vấn đề này. Rất mong học giới xem qua và chung tay xây dựng.

Trong bài viết tạo nên sự chú ý của học giới Trung Quốc được dẫn ở trên, Đàm Phàm có đề cập đến thực trạng nghiên cứu văn học ở Trung Quốc rằng: Bấy lâu nay đối với văn học thông tục Trung Quốc, học giới chỉ tập trung vào mổ xẻ “tứ đại kỳ thư” thời Minh và Hồng lâu mộng, Nho lâm ngoại sử thời Thanh mà thôi, “còn phần lớn những tiểu thuyết thông tục khác thì đến nay vẫn ở trong tình cảnh bụi phủ đầy” [17]. Tác giả cho rằng, sở dĩ dẫn đến tình cảnh trên là vì các nhà nghiên cứu đã “nhã văn học” hóa về góc nhìn và tiêu chuẩn giá trị khi nghiên cứu văn học thông tục. Nghĩa là nhà nghiên cứu lấy tiêu chuẩn “tư tưởng, hình tượng, kết cấu, ngôn ngữ” khi nghiên cứu nhã văn học để làm thước đo đánh giá văn học thông tục. Từ đó đã dẫn đến thành quả nghiên cứu mảng văn học này chẳng được là bao. Quả thật, hình như bấy lâu nay ở Việt Nam chúng ta, việc nghiên cứu mảng truyện thơ Nôm cũng lệch hướng như thế. Đối tượng ưu tiên của các nhà nghiên cứu chỉ là các truyện thơ Nôm có giá trị văn học, vì những tác phẩm làng nhàng khác thì chẳng có gì để nói, chẳng lẽ cứ chê thì kỳ quá! Hệ quả là tình trạng “cổ thư bụi đã phủ mờ”, vì không ai muốn phí công khai thác. Nay đọc bài viết của Đàm Phàm mới biết: hóa ra nhà hàng xóm cũng giống mình. Quả là “đồng cảnh tương lân”! Xin đừng để nàng “truyện thơ Nôm bình dân” và “họ hàng gần gũi” trong xóm văn học thông tục phải “giật mình mình lại thương mình xót xa”!

Trước khi dừng bút, rất mong học giới quan tâm thảo luận các vấn đề mà chúng tôi mạo muội đưa ra. Thứ nhất, chúng ta có nên sử dụng thuật ngữ “văn học thông tục” hay không? Nếu thuật ngữ này được thu dụng, thì tất nhiên chúng ta phải chung sức xây dựng các tiêu chí đặc tính để xác định thể tài nào thuộc mảng văn học này, vì tình hình thể loại và quan niệm “nhã tục” trong nền văn học Việt Nam và Trung Quốc không hoàn toàn tương đồng. Thống nhất được vấn đề cốt lõi đặc tính, phạm vi của văn học thông tục Việt Nam, thì chúng ta mới có nền tảng vững chắc để triển khai tiêu chí loại hình cho các thể tài trong mảng văn học này. Từ đó chúng ta mới xác lập được phương pháp luận nghiên cứu cho mảng văn học thông tục và các thể tài cụ thể của nó. Như trên đã nói, nếu chúng ta sử dụng phương pháp nghiên cứu không tương thích với đối tượng nghiên cứu, nếu chúng ta đánh giá dựa trên những tiêu chuẩn giá trị không phù hợp với đối tượng nghiên cứu, thì khó hi vọng có được hiệu quả như mong muốn, và có thể nó sẽ dẫn đến hệ quả: việc nghiên cứu một số thể tài nào đó sẽ lâm vào tình trạng “hiu hắt chợ chiều”. Theo ngu ý của chúng tôi, giải quyết được những vấn đề đặt ra ở trên, biết đâu chúng ta mở ra được một tương lai tốt đẹp cho những thể tài văn học ít được ngó đến, và tình trạng “trần phong” (尘封) các thể tài này không còn nữa. Dẫu biết rằng những cái lạ và mới thường khó được chấp nhận, nhưng người viết cũng không ngại mang danh “tọa tỉnh quan thiên” trình bày đôi điều sở đắc. Rất mong các bậc thức giả cao minh hạ cố chỉ chính cho.

Tô Chi Thất, tháng 8 – 2011

                                                                                                                                            NVH  

Tài liệu tham khảo:

1.         Kiều Thu Hoạch, Truyện Nôm – lịch sử hình thành và thi pháp thể loại, NXB Giáo dục, 2007.

2.         Nguyễn Đông Triều, “Nam Kinh Bắc Kinh truyện - Một tác phẩm sắp được bổ sung vào kho tàng truyện Nôm ở Việt Nam”, Tạp chí Hán Nôm, số 2 (75) – 2006.

3.         Lưu Hương diễn nghĩa bảo quyển, Phan Thanh Đào giới thiệu và phiên âm, Hội Khoa học lịch sử Bình Dương, 2006.

4.         Nhóm Lê Quý Đôn, Lược thảo lịch sử văn học Việt Nam, tập II, NXB Xây dựng, Hà Nội, 1957.

5.         Bùi Văn Nguyên, “Truyện Nôm khuyết danh, một hiện tượng đặc biệt của văn học Việt Nam”, Tập san Nghiên cứu văn học, số 7 – 1960, tr. 12 – 22.

6.         Dương Quảng Hàm, Việt Nam văn học sử yếu, Hà Nội, 1941.

7.         Đinh Gia Khánh – Chu Xuân Diên, Văn học dân gian, tập I, NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1972.

8.         Nguyễn Lộc, Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII – nửa đầu thế kỷ XIX, tập II, NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1978.

9.         Lê Trí Viễn - Phan Côn - Đặng Thanh Lê - Phạm Văn Luận - Lê Hoài Nam, Lịch sử văn học Việt Nam, tập III, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1965.

10.    Cao Huy Đỉnh, Tìm hiểu tiến trình văn học dân gian Việt Nam, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1974.

11.    Đỗ Bình Trị, Nghiên cứu tiến trình lịch sử của văn học dân gian Việt Nam, Đại học Sư phạm, Hà Nội, 1978.

12.    王小盾: 《从越南俗文学文献看敦煌文学研究和文体研究的前景》, 中国古代文学研究高层论坛论文集,中华书局, 2004,18-54.(Vương Tiểu Thuẫn, “Tùng Việt Nam tục văn học văn hiến khán Đôn Hoàng văn học nghiên cứu hoà văn thể nghiên cứu đích tiền cảnh”, Trung Quốc cổ đại văn học nghiên cứu cao tầng luận đàn luận văn tập, Trung Hoa thư cục, 2004, tr. 18 – 54.)

13.    Trần Nho Thìn, “Tăng cường hơn nữa tinh thần đối thoại quốc tế trên nghiên cứu văn học”, Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 1- 2009, tr. 35 – 41.

14.    Nguyễn Văn Hoài, “Mấy vấn đề về văn học thông tục trong thư tịch Hán Nôm Việt Nam”, Bình luận văn học (Niên giám 2009), NXB. Văn hóa Sài Gòn, TP. Hồ Chí Minh, 2010, tr. 158 – 179.

15.    钱仲联-傅璇琮-王运熙-章培恒-陈伯海-鲍克怡 总主编:《中国文学大辞典》(修订本)下册,上海辞书出版社,2000. (Tiền Trọng Liên - Phó Toàn Tông - Vương Vận Hi - Chương Bồi Hằng - Trần Bá Hải - Bào Khắc Di tổng chủ biên, Trung Quốc văn học đại từ điển (tu đính bản) hạ sách, Thượng Hải từ thư xuất bản xã, 2000).

16.    郑振铎:《中国文学,商务印书馆,2005. (Trịnh Chấn Đạc, Trung Quốc tục văn học sử, Thương vụ ấn thư quán, 2005).

17.    谭帆 : 俗文学辨, 文学评论, 2007年第. (Đàm Phàm, “Tục văn học biện”, Văn học bình luận, 2007 niên đệ 1 kỳ). Văn bản sử dụng tải từ trang web中国期刊: http://www.qikanchina.net/Class_Fifteen.asp?Oneid=1&Oneqid=47&Onewid= 1202&step=cis

18.    范伯群-孔庆东 主编: 《通俗文学十五讲》,北京大学出版社,2003. (Phạm Bá Quần - Khổng Khánh Đông chủ biên, Thông tục văn học thập ngũ giảng, Bắc Kinh đại học xuất bản xã, 2003).

 

Danh mục website