Di thực và diễn hoá mẫu hình văn hoá: Hình tượng đế sư Trương Lương trong văn chương nhà Nho Trung Quốc thời Đường( thế kỷ 7-10) và văn chương nhà nho Việt Nam thời Lê-Trịnh-Nguyễn (thế kỷ 18-19) - nhìn từ so sánh loại hình nhân vật đế sư

Trịnh Văn Định

NCS Chuyên ngành Văn học Việt Nam

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội

Đặt vấn đề

Trong số loại hình nhân cách văn hoá Trung Quốc di thực và bứng vào lịch sử tư tưởng và lịch sử văn học Việt Nam, có thể nhóm họp thành những nhóm sau:

Trước hết, là nhóm nhân vật sáng giáo. Đây là nhóm nhân vật hiếm, một loại hình đặc biệt trong lịch sử tư tưởng khu vực. Họ là những nhân vật sáng lập ra các giáo phái, thường được định vị như những giáo chủ của giáo phái đó. Trong văn hoá tư tưởng Trung Quốc tiêu biểu là Khổng Tử và Lão Tử. Đây là hai loại hình nhân cách văn hoá thuộc loại quan trọng nhất khu vực. Họ được bàn luận xuyên suốt cổ kim.

Hai là, nhóm nhân vật là hoàng đế khai mở triều đại Trung Quốc. Nét quyền uy là đặc sắc của loại hình nhân vật này. Những hoàng đế tiêu biểu trong lịch sử Trung Hoa như: Tần Thuỷ Hoàng, Hán Cao Tổ, Đường Thái Tổ, Triệu Khuông Dận, Thành Cát Tư Hãn, Chu Nguyên Chương…Nhóm nhân vật này cũng được nhiều nhà nghiên cứu tập trung lý giải

Ba là, nhóm nhân vật là những nhà tư tưởng. Họ là những nhà tư tưởng lớn của những thời đại khác nhau. Đặc sắc loại hình của họ làm mới kinh điển nho gia và có ảnh hưởng sâu sắc tới thời đại họ và thời đại sau và những nước lân bang, như: anh em nhà họ Trình: Trình Di, Trình Hạo (Tống), Vương Dương Minh (Minh)…

Bốn là, nhóm những nhân vật là những tác giả văn chương. Đặc sắc nhất của họ là những trước tác văn chương của họ nổi tiếng toàn Trung Quốc và ảnh hưởng toàn khu vực như: Khuất Nguyên, Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Tô Đông Pha…

Năm là, nhóm nhân vật là những võ tướng: Hạng Võ, Hàn Tín, Quan Vũ, Trương Phi….vẻ đẹp của họ là vẻ đẹp “tráng mỹ”, tức sức mạnh võ lực hơn người và nét chính nghĩa trung trực.                                                                                     

Sáu là, nhóm những nhân vật là những mưu thần, mưu sĩ, quân sư. Đặc sắc của họ là dùng tấc lưỡi để tạo tác sức mạnh và thực thi sự nghiệp đời mình. Loại nhân vật này sẽ nổi bật trên sân khấu chính trị thời loạn với những bàn mưu tính kế từ trong màn trướng và quyết định chiến thắng ngoài nghìn dặm, tiêu biểu: Khương Tử Nha, Phạm Lãi, Trương Lương, Khổng Minh, Lý Tĩnh….                      

Trong số những nhóm nhân vật trên, mỗi nhóm nhân vật là những vấn đề lớn trong lịch sử tư tưởng và lịch sử văn học. Thậm chí mỗi một loại hình nhân cách trong nhóm là một vấn đề chính trị tư tưởng và vấn đề văn học quan trọng của khu vực, ví dụ vấn đề Khổng Minh, Quan Vũ chẳng hạn, họ với tư cách là nhân vật lịch sử  như thế nào, họ được diễn hoá trong Tam Quốc qua các thời đại ra sao, trong giai thoại như thế nào và khi đi vào Việt Nam diễn hoá như thế nào, nhà Nho Việt Nam tiếp nhận Khổng Minh từ nhân vật lịch sử nguyên gốc hay hình tượng văn học đã được huyền thoại hoá, tại sao thế kỷ 17 Khổng Minh được bàn nhiều trong nhà nho Việt Nam như vậy? Tâm thức hai nước tiếp nhận có gì giống và khác nhau….tất cả những vần đề trên nhìn từ quan hệ giao lưu văn học, văn hoá Việt Nam-Trung Quốc về cơ bản vẫn là vấn đề còn bỏ ngỏ. Nhìn từ so sánh loại hình trong văn học Trung Quốc và văn học Việt Nam sẽ cho phép rút ra nhiều kết luận quan trọng về những đặc sắc loại hình và những đặc sắc trong quy luật giao lưu, tiếp nhận mẫu hình văn hoá trong văn hoá, văn học hai nước. Nghiên cứu Trương Lương thuộc nhóm mưu thần mưu sĩ là nghiên cứu trường hợp trong nhóm và nghiên cứu ban đầu về hệ thống loại hình nhân vật nêu trên.

1. Cở sở hình thành ý tưởng

1.1.           Quan sát từ trong thực tế lịch sử trước tác văn chương nhà Nho Trung Quốc và trước tác văn chương nhà Nho Việt Nam

Nhìn từ bộ phận văn chương của nhà Nho Trung Quốc, theo khảo sát của chúng tôi số lượng tác phẩm đề vịnh và dẫn Trương Lương con số lên tới hàng 1000 tác phẩm, trong đó thời đại Đường nổi bật với số lượng vượt trội khoảng trên 500 đơn vị tác phẩm. Còn lại là rải rác xuyên suốt trong lịch sử văn chương nhà nho Trung Quốc. Với số lượng tác phẩm như vậy và có sự quy tụ cao độ vào thời đại Đường chính là cơ sở thực tiễn chúng tôi nghiên cứu hình tượng Trương Lương trong văn học Trung Quốc và xoáy sâu vào thời kỳ Đường.

       So với số lượng tác phẩm nhà Nho Trung Quốc, số lượng trước tác văn chương nhà Nho Việt Nam khiêm tốn hơn. Khảo sát Tổng tập văn học Việt Nam và những tư liệu sử học và toàn tập của những nhà nho lớn Việt Nam, tổng số tác phẩm đề vịnh và dẫn điển về Trương Lương trên 400 trăm đơn vị tác phẩm. Tuy nhiên điều đặc biệt là 300 trên tổng số 400 đơn vị tác phẩm nằm ở giai đoạn thế kỷ 18-19.

Như vậy, căn cứ quan trọng nhất đặt vấn đề so sánh một hình tượng văn học trong văn chương nhà nho hai nước chính là ở chỗ chúng tôi lựa chọn hai thời đoạn có sự quy tụ và nở rộ nhất trong trước tác văn chương của cùng một loại hình tác giả (nhà nho) về cùng một loại hình hình tượng nhân vật (đế sư). Bởi lẽ, sức quy tụ và nở rộ của cùng một hình tượng trong văn chương nhà nho hai nước chính là trạng thái vận động cao nhất, đánh dấu sự kết tinh cao nhất của hình tượng văn chương hai nước, thể hiện rõ nhất đặc sắc hình tượng. Đồng thời có thể thấy rõ nhất sự giống và khác nhau trong tiến trình vận động này. Hơn nữa, còn thấy được quy luật di thực và diễn hoá của loại hình nhân vật mang tính khu vực.

 

1.2.           Thuật ngữ “đế sư’ và đế sư Trương Lương

 

Trước hết cần bạch hoá một chuyện có tính chất cơ sở để bàn tiếp về định hướng bài viết. Thuật ngữ đế sư không phải do người viết tự đặt ra. Thuật ngữ đế sư được nhà Nho Trung Quốc dùng từ cách đây hơn hai ngàn năm. Theo sự khảo sát của chúng tôi, lần đầu tiên thuật ngữ này xuất hiện trong Sử ký của Tư Mã Thiên. Nhưng thú vị và lôi cuốn là ở chỗ, thuật ngữ này được định ngôi cho Trương Lương. Chúng ta cùng quan sát một đoạn trong Sử ký. Trong  Lưu hầu thế gia, đoạn Trương Lương nhận sách dưới cầu, Tư Mã Thiên chép : Đọc quyển sách này thì làm được thầy bậc vương giả [1]  (nguyên bản Tư Mã Thiên dùng từ đế giả sư). Sau này khi Trương Lương hoàn thành đại nghiệp, Truơng Lương nói với Hán Cao Tổ: Gia đình tôi đời đời làm tướng quốc nước Hàn. Đến khi Hàn mất, tôi chẳng tiếc số tiền vạn lạng vàng, đối phó với nước Tần mạnh, để báo thù cho nước Hàn, làm cho thiên hạ đều rung động. Nay tôi lấy ba tấc lưỡi mà làm thầy bậc đế vương, được  phong vạn hộ , ở ngôi chư hầu, kẻ áo vải được thế là tột bậc (nguyên bản là đế giả sư).”.[2]  . Sau đó ông ra đi. Điều thú vị là ở chỗ, Tư Mã Thiên lần đầu tiên trong sử của mình định ngôi Trương Lương là đế giả  sư.

Cứ liệu phong phú và thuyết phục hơn là ở chỗ, sau Tư Mã Thiên, nườm nượp nhà Nho “tự nhiên” dùng từ đế sư, hoặc đế giả sư, đế vương sư định ngôi và nhiều dấu hiệu định loại, loại biệt Trương Lương. Sự việc này diễn ra trường thiên trong văn chương nhà Nho Trung Quốc và văn chương nhà Nho Việt Nam, đặc biệt là giai đoạn Đường Trung Quốc và thế kỷ 18-19 ở Việt Nam. Lạ là, nhiều nhà nho lớn nhất của Trung Quốc và Việt Nam say mê dùng thuật ngữ này.

Trong Giản đồng chí”, Ôn Đình Quân, viết Lưu Hầu công nghiệp hà dung dị, nhất quyển binh thư tác đế sư [3] . Thi nhân Từ Dần, trong bài Ấn cựu sơn viết: Đào cảnh luyến thâm tùng hội ảnh, Lưu Hầu phao khước đế vương sư  [4] .  Bạch Cư Dị, trong Hoà đáp thi thập thủ. Đáp tứ hạo miếu, ông viết : Cảnh tạp bá giả đạo, đồ xưng đế giả sư  [5]   ….còn rất nhiền lần khác, trong trước tác của mình nhà nho thời Đường và nhà nho Tống nhiều lần dùng danh xưng này định ngôi đế sư Trương Lương.

Trong trước tác các nhà nho thế kỷ 18-19 danh xưng đế sư định ngôi Trương Lương xuất hiện đột biến. Ở đây chúng tôi dẫn hai tác giả lớn nhất Nguyễn Hữu Chỉnh và Nguyễn Công Trứ.

Ngôi đế sư này chốc phúc tâm,

Việt trù sách vận trong duy trướng

(Trương Lưu hầu phú)  [6] 

Ở một đoạn khác, Nguyễn Hữu Chỉnh say mê dùng lại danh xưng này định ngôi Trương Lương

Đế sư cao một bậc, trọng đức tôn danh,

Hầu tước hậu ba muôn, luận công hành thưởng

(Trương Lưu hầu phú)  [7]

 Ở đoạn khác, Nguyễn Hữu Chỉnh lặp lại từ đế sư trong một bài phú

Ngẫm từ trên như Trọng Liên,Phạm Lãi nào hơn.

So về dưới dầu Lý Tĩnh, Khổng Minh chưa đáng

Ngôi đế sư mà danh cao sĩ; ngoài vật há còn trong bụng, nghìn thu chữ thắm chẳng phai vàng”

(Trương Lưu hầu phú)  [8].

Trong bài phú Trương Lương, Nguyễn Công Trứ cũng dùng danh xưng này định vị Trương Lương:

“Đẩy đưa tấc lưỡi đứng bậc đế sư

Xốc vác năm năm, dựng nền vương giả

 [9]   

 

     Như vậy, trên đây là những căn cứ từ tư liệu văn chương và lịch sử trong trước tác nhà nho Trung Quốc và trước tác văn chương nhà nho Việt Nam làm cơ sở để chúng tôi hình thành ý tưởng nghiên cứu về so sánh loại hình đế sư trong văn học thời Đường Trung Quốc và văn chương nhà Nho Việt Nam giai đoạn 18-19.

Tuy nhiên đến đây nảy sinh một vấn đề mang tính chất giao thoa giữa lịch sử, lịch sử tư tưởng và văn chương. Trương Lương vốn là một nhân vật lịch sử vào tác phẩm văn học. Như vậy, Trương Lương mang chứa trong mình hai loại giá trị, nhìn từ lịch sử, lịch sử tư tưởng, Trương Lương mang chứa những giá trị tư tưởng, nhìn từ trước tác văn chương, Trương Lương mang chứa giá trị mỹ học hình tượng nghệ thuật văn chương nhà Nho. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi không thể đi hết hai phương diện lớn nêu trên, mà chỉ có thể chỉ ra và phân tích một phương diện chính trị tư tưởng Trương Lương, với lý do, trước nhất là ông mang chứa những giá trị tư tưởng chính trị. Mỹ học hình tượng văn chương đế sư Trương Lương phái sinh từ ý nghĩa này và tồn tại cùng với sự xuất hiện trước tác văn chương. Vấn đề này, sẽ là chủ đề của một bài viết khác.

Để thuận lợi hình dung Trương Lương trong trước tác văn chương nhà nho hai nước, trước tiên và cần thiết tìm hiểu những nét cơ bản nhất chân dung đế sư Trương Lương trong lịch sử. Đế sư Trương Lương được ghi chép sớm nhất và có ảnh hưởng nhất  Lưu hầu thế gia trong Sử ký của Tư Mã Thiên. Vì vậy, dựng lại chân dung Trương Lương chúng tôi chủ yếu căn cứ vào Sử ký, ngoài ra chúng tôi tham bác thêm Hán thư và một số sử liệu khác.

 

2.       Trương Lương- chân dung trong lịch sử

 Trương Lương (?-188TCN). Cuộc đời ông về cơ bản nằm gọn trong thời loạn, giữa cuối Tần đầu Hán. Theo Sử ký của Tư Mã Thiên, tổ tiên Lưu Hầu là người nước Hàn, người ông là Khai Địa, làm tướng quốc Hàn Chiêu Hầu, Tuyên Huệ Vương, Tương Ai Vương; Cha là Bình làm tướng quốc của Ly Vương, Điệu Huệ Vương. Năm thứ hai mươi ba đời Điệu Huệ Vương . Bình chết (250 trước công nguyên). Lương còn ít tuổi, chưa từng làm quan nước Hàn. Khi nước Hàn bị phá tan, Lương có ba trăm người tôi tớ trong nhà. Em Lương chết, Lương không lo chôn cất, đem tất cả gia tài tìm thích khách giết vua Tần để báo thù cho nước Hàn, bởi vì cha và ông làm tướng quốc năm đời vua Hàn. Lương thường học Lễ ở đất Hoài Dương, đi về Đông yết kiến Thương Hải Quân tìm được một lực sĩ làm một cái chuỳ sắt nặng một trăm hai mươi cân. Tần Thuỷ Hoàng đi chơi miền Đông, Lương và người khách rình đánh Tần Thuỷ Hoàng ở bãi cát Bác Lãng, đánh nhầm phải xe tuỳ tùng. Tần Thuỷ Hoàng nổi giận sai lùng khắp thiên hạ, tìm người thích khách rất gấp, cốt lùng cho được Trương Lương. Lương bèn đổi tên học, trốn tránh ở Hạ Bì.

Ở Hà Bì Lương được Hoàng Thạch Công tặng cho thái công Binh pháp. “Đọc quyển này thì sẽ làm thầy bậc vương giả”. Lương đi theo phò Lưu Bang. Thương xuyên đem Bình pháp này nói với Lưu Bang. Lưu Bang rất thích và sẽ dùng sách lược này.

Từ  đó Trương Lương giúp Lưu Bang trước tiên tiêu diệt nước Tần sáu đó tiêu diệt Sở, thống nhất Trung Quốc, sáng lập ra nhà Hán.

Sau khi nhà Hán thành lập, được phong vạn hộ, nhưng ông bỏ tất cả và quyết định đi tu tiên. Ông mất năm 188 TCN. [10]   

 

3.So sánh loại hình đế sư trong văn học Trung Quốc thời Đường và Việt Nam thời Lê-Trịnh-Nguyễn.(khảo sát phương diện nhân vật chính trị-tư tưởng)

3.1.Mô tả tổng quan Trương Lương trong văn học Trung Quốc

3.1.1.Nhìn lướt Trương Lương trong văn chương nhà nho Trung Quốc

Có thể nói về một sự bất tận trong cảm hứng về Trương Lương trong trước tác văn chương nhà nho Trung Quốc. Từ khi Trương Lương tạo tác một sự nghiệp vô tiền khoáng hậu trong lịch sử, liên tiếp trong nhiều nhà nho các thời đại khác nhau, từ nhà nho lừng danh đến nhà nho ít tên tuổi hơn trong sự nghiệp truớc tác của mình hoặc ít hoặc nhiều đều thuộc lòng sự nghiệp của ông và đều thể hiện ra bằng ngôn từ. Từ thời Hán, qua Nguỵ-Tấn- Nam Bắc triều, đến Tuỳ-Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh số lượng trước tác đề vịnh về Trương Lương thời đại nào cũng có. Nhưng trong đó nở rộ và chụm vào  thời đại Đường. Trong phạm vi bài báo chúng tôi chỉ dừng lại mô tả kỹ hơn về Trương Lương trong thời đại này

3.1.2.TrươngLương trong thời đại Đường Trung Quốc

Như trên chúng tôi đã đưa ra số lượng trước tác văn chương nhà Nho thời Đường Trung Quốc đề dẫn Trương Lương lên tới trên 500 đơn vị tác phẩm. Tuy nhiên trong khuôn khổ bài viết, chúng tôi xin dẫn ra những tác giả lớn, tiểu biểu nhất viết về Trương Lương: như Vương Duy, Bạch Cư Dị, Lý Bạch…trong số những thi nhân thời Đường, Lý Bạch dành cho Trương Lương sự quan tâm sâu hơn cả, vì vậy, chúng tôi sẽ dẫn nhiều hơn một đơn vị tác phẩm những đề vịnh dẫn Trương Lương trong trước tác văn chương của Lý Bạch

Trong bài Cố thái tử Thái sư từ công vãn ca tứ thủ, Vương Duy viết về Trương Lương như sau:

Công đức quán quần anh

Di luân hữu đại danh

dịch nghĩa

(Trương Lương côn đức vượt tất cả anh tài

Đại danh dầy ắp) [11]

Lưu Trường Khánh trong bài : Quy Bái huyện đạo trung vãn bạc Lưu Hầu thành, ông vịnh Trương Lương như sau:

Vận trù phong trần hạ

Năng sử thiên địa khai

Công danh mãn thanh sử

dịch nghĩa

(Tử Phòng vận trù ở dưới trần

Nhưng có thể làm cho khai mở trời đất

Công danh ông tràn đầy trong sử xanh) [12]

 Trong bài Tằng vệ mật thư tử xuân nhị thủ, Lý Bạch viết:

Chung dữ an xã tắc

Công thành khứ Ngũ Hồ

dịch nghĩa

(Cuối cùng an được xã tắc

Công thanh đi Ngũ Hồ) [13]

Trong một bài khác, Lý Bạch tiếp tục mạch viết về Trương Lương

Trí dũng quán chung cổ

Tiêu Trần nan dữ quần

dịch nghĩa

Trí dũng xuyên thời cổ đại

Tiêu Hà, Trần Bình khó sánh được với ông [14]

Trong một bài khác, Lý Bạch viết tiếp

Hoài cổ khâm anh phong

dịch nghĩa

(nhớ về thời cổ khâm phục anh phong)  [15]

Trong bài Phong hoà phổ công đãi trung mông trừ Lưu thủ hành cập lạc sư cảm duyệt phát  trung phỉ  nhiên thành vịnh chi tác, Bạch Cư Dị dẫn vịnh Trương Lương

Thương Sơn Lão Hạo tuy tu khứ

Chung thị Lưu hầu môn hạ nhân

dịch nghĩa

Thương Sơn Tứ Hạo tuy đã ở ẩn

Nhưng cuối cùng là môn hạ của Tử Phòng  [16]

Trương Bích, trong bài Hồng Câu viết

Ngọc quang đoạ địa kinh Côn Lôn

Lưu Hầu khí hạo thốn thái hoà

Dịch nghĩa

Anh sáng quang ngọc làm kinh động Côn Lôn

Lưu Hầu khí phách nuốt thái hoà  [17]

Phí Quán Khánh, trong bài Nhàn cư tức sự viết:

Tử Phòng tiên khứ Khổng Minh tử

dịch nghĩa

Tử Phòng đi theo tiên, Không Minh chết [18]

….

Ngoài ra còn rất nhiều tác giả và tác phẩm khác như: Đỗ Phủ, Nguyên Chẩn, Từ Dần…đề dẫn thờ về Truơng Lương, tuy nhiên những dẫn chứng trên cũng đủ để chúng ta hình dung về những đặc sắc nhất của hình tượng đế sư Trương Lương trong trước tác nhà nho thời Đường.

3.2.Mô tả tổng quan Trương Lương trong văn chương nhà Nho Việt Nam

3.2.1 Nhìn lướt Trương Lương trong văn chương nhà Nho Việt Nam

Theo sự khảo sát của chúng tôi, lần đầu tiên trong trước tác văn chương nhà Nho Việt Nam đề dẫn Trương Lương vào thế kỷ 14. Tác giả của nó là thân phụ đại Nho Nguyễn Trãi, Nguyễn Phi Khanh. Trong một bài Ký Động Thanh Hư nói về Trần Nguyên Đán, tức bố vợ mình, Nguyễn Phi Khanh ví chí rút lui về Côn Sơn của Trần Nguyên Đán là giống với chí của Lưu Hầu. [19] Tiếp đó liên tục các thế kỷ, qua các đại Nho như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nhà nho và vua tôi Lê Thánh Tông, Lê Quý Đôn, Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Hữu Chỉnh, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Thượng Hiền, Phan Bội Châu là những mạch nối dài những đề vị phú luận về Trương Lương, tạo thành một vệt hết sức đặc sắc, trong đó đến thế kỷ 18-19, số lượng tác phẩm và tác giả đột xuất, nhiều tác phẩm lớn xuất sắc xuất hiện. Tác giả của nó là những danh nho, anh hùng của thời đại.

3.2.2. Trương Lương trong trước tác nhà Nho Việt Nam thế kỷ 18-19

3.2.2.1.Nhìn lướt những đặc điểm của đề vịnh, phú về Trương Lương trước thế kỷ 18.

Trước thể kỷ 18, mặc dù Trương Lương đã được nhiều nhà nho lớn lưu tâm đề vịnh. Tuy nhiên, nhìn vào trước tác văn chương của những nhà nho lớn nhất thời kỳ này, như Nguyễn Trãi và Nguyễn Bình Khiêm thì hình tượng nhân vật Trương Lương trong giai đoạn này còn khá mờ nhạt. Nguyễn Trãi viết về Trương Lương như sau

Khám hạ Lưu Hầu chắng khứng ỏ

Tìm tiên để nộp ấn phong hầu

(Quốc âm thi tập) [20] 

Nguyễn Bỉnh Khiêm băn khoăn với toan tính của Trương Lương

Hán gia tam kiệt trong ba ấy

Ai chẳng hay toan, ai kheo toan

(Bạch Vân Quốc ngữ thi tập) [21]

3.2.2.2.Nhìn sâu những trước tác văn chương nhà nho về Trương Lương thế kỷ18-19

Trong gia đoạn này, những nhà nho lừng danh nhất của thời đại ở những mức độ khác nhau đều dành sự quan tâm đặc biệt đến Trương Lương: Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Hữu Chỉnh, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Thượng Hiền, Phan Bội Châu…. Điều đặc biệt đáng chú ý là, tần suất Trương Lương không chỉ xuất hiện đột biết trong nhiều nhà nho lớn của thời đại này, quan trọng hơn, trong chiều sâu của nhiều nhà Nho Trương Lương trở thành định hướng lựa chọn hình mẫu. Sự ám ảnh đặc biệt sâu đi vào ba tác giả Nguyễn Hữu Chỉnh, Nguyễn Công Trứ, Phan Bội Châu. Cùng với nó là những tác phẩm lấy Trương Lương làm đối tượng phú vịnh chính diện, với hình tượng Trương Lương hiện lên tổng thể, sinh động. Không chỉ dừng lại ở lấy Trương Lương làm đối tượng chính diện mà trong trước tác của họ Trương Lương là cảm hứng của nhiều hơn một đơn vị tác phẩm. Nguyễn Công Trứ có tới hai bài vịnh, một bài phú, Phan Bội Châu có cả hơn  trên 30 tác phẩm, Nguyễn Hữu Chỉnh có cả một bài phú với hàng trăm câu phú nổi tiếng, trở thành kiệt tác trong lịch sử văn chương dân tộc. Chúng tôi xin dẫn ra một số bài và một số đoạn đặc sắc có giá trị biểu trưng cao.

Vịnh Trương Lưu hầu I (Nguyễn Công Trứ)

Năm năm uốn lưỡi trong màn,

Một mình ơn Hán nợ Hàn giả xong

Trương Lưu hầu là Hàn công tử,

Dõi năm đời chung đỉnh đai cân.

Liều một dùi chưa giả nợ cố quân

Uốn ba tấc lấy thân thờ Hán chúa

Thuốc độc phun Tần lây đến Sở

Mùi thơm ngậm Hán trún cho Hàn.

Trong năm năm gầy một mối giang san,

Đền nợ trước ơn sau đều vẹn xóng.

Tràng phú quý xem bằng mây mỏng,

Túi Xích Tùng riêng đủng đỉnh mái thanh sơn

Nhục vinh gác chuyện Tiêu, Hàn

 

Vịnh Trương Lưu hầu II (Nguyễn Công Trứ)

Trương Lưu hầu là Hàn Công Tử

Dõi năm đời chung đỉnh nước Hàn

Tới chưng khi quốc vận gian nan,

Niềm ưu ái trăm bề báo phục.

Cơn xung đột biết mấy lần lăn lóc,

Tới Trần Lưu xảy gặp Lưu quân.

Năm năm ba tấc lưỡi kinh luân,

Màn thao lược vây Tần nhốt Hạng.

Ơn Hán vẹn nợ Hàn chẳng vướng,

Túi vương hầu treo gửi gánh Hoàng Công.

Một mình lui tới thung dung

[22].

Đây là vài đoạn trong Trương Lưu hầu phú của Nguyễn Hữu Chỉnh

Trương Lưu hầu! Truơng Lưu hầu

Ngao cực gây thiêng, hồ tinh cấu sáng

Vằng vặc mi thanh mục tú

Kỳ sĩ phong tư

Nhơn nhơn thức viễn tài cao

Danh nho khí tượng

Y bát theo một mối cầm thư

Chung đỉnh dõi năm đời khánh tướng

Rỡ rỡ thư son khoán sắt

Lời lãi ông dù chỏ núi thề sông

Thênh thênh non đá am thông

Thuyền tiên tử đã quen mây nhuộm ráng

Giá đã cao nên khủng khinh phong hầu

Mình được nhẹ nên tiêu dao ngày tháng

ở giang hồ thì danh sĩ phong lưu

Vào lang miếu lại đại thần thể dạng

đế sư cao một bậc trọng đức tôn danh

Hầu tược hậu ba muôn luận công hành thưởng

….

Ngẫm từ trên như Trọng Liên, Phạm Lãi nào hơn

So về dưới dầu Lý Tĩnh, Khổng Minh chưa đáng

Ngôi đế sư mà danh cao sĩ

Ngoại vật há còn trong bụng

Nghìn thu chữ thắm chẳng phai vàng

Nền nho giả mà giá danh thần

Chẳng tiên nhưng cũng khác phàm

Muôn kiếp sử xanh còn để sáng

Nay độc danh thần truyện xem thượng hữu thiên

Trách ai thượng hữu cổ nhân sao chẳng nguyện hi Tử Phòng lại nguyện hi Gia Cát Lượng.

Giá đã cao nên khủng khỉnh phong hầu

Mình được nhẹ nên tiêu dao ngày tháng

Ra vào đế tử tiên ông, lồng trí thuật dễ ngự trong lai vãng

Nghĩa thuỷ chung biện bạch cũng em

Đường tiến thoái thong dong chẳng vướng

(Trương Lưu hầu phú)  [23]  

Như vậy, các nhà nho Việt Nam giai đoạn này quan tâm đến toàn bộ sự nghiệp vĩ đại của Trương Lương. Nếu như trước đây, Nguyễn Trãi và Nguyễn Bỉnh Khiêm băn khăn và khâm phục ý chí rút lui, những toàn tính của Trương Lương thì đến giai đoạn này, cuộc đời vĩ đại Trương Lương được đưa ra bàn luận trong trước tác nhiều nhà nho lớn.

Nhưng có lẽ qua trọng nhất và đặc sắc nhất của hình tượng Trương Lương trong giai đoạn này chính là sự tự do lựa chọn Trương Lương. Xuyên suốt trong trước tác của nhà nho lớn nhất thời kỳ này ngoài quan tâm đến sự nghiệp vĩ đại nói chung họ say sưa hơn cả với tự do lựa chọn Trương Lương, trong đó tự do lựa chọn, tự do hành động, sự tự do ứng xử và tự do trong xử lý kết cục đời mình được nhà nho vô cùng say mê bàn luận. Trong hai bài vịnh của Nguyễn Công Trứ mà chúng tôi vừa dẫn ở trên, sau khi diệt Tần, diệt Hán, báo thù Hàn, trở ơn Hán, Nguyễn Công Trứ say mê hoá nhập trạng thái ra đi của Trương Lương

Đền nợ trước ơn sau đều vẹn xóng.

Tràng phú quý xem bằng mây mỏng,

Túi Xích Tùng riêng đủng đỉnh mái thanh sơn

Nhục vinh gác chuyện Tiêu, Hàn

( Vịnh Trương Lưu hầu I)

Ơn Hán vẹn nợ Hàn chẳng vướng,

Túi vương hầu treo gửi gánh Hoàng Công.

Một mình lui tới thung dung

(Vịnh Trương Lưu hầu II)

Đặc biệt trong bài phú nổi tiếng của mình, Nguyễn Hữu Chỉnh thường xuyên nhắc đi nhắc lại sự tự do lựa chọn Trương Lương

Rỡ rỡ thư son khoán sắt

Lời lãi ông dù chỏ núi thề sông

Thênh thênh non đá am thông

Thuyền tiên tử đã quen mây nhuộm ráng

Giá đã cao nên khủng khinh phong hầu

Mình đựơc nhẹ nên tiêu dao ngày tháng

ở giang hồ thì danh sĩ phong lưu

Vào lang miếu lại đại thần thể dạng

đế sư cao một bậc trọng đức tôn danh

 và một đoạn khác

Ra vào đế tử tiên ông, lồng trí thuật dễ ngự trong lai vãng

Nghĩa thuỷ chung biện bạch cũng êm

Đường tiến thoái thong dong chẳng vướng

(Trương Lưu hầu phú)

Trong bài Trương Lương từ Hán vương quy Hàn, Phan Bội Châu say mê với toan bước đi vượt ra ngoài tầm nghĩ của Lưu Bang

Đi một bước tình sâu như bể, chàng Lưu Bang chưa hẳn biết ta

Ngẫm tương lai việc lớn tày trời, khách Ba Thục ngăn sao được tớ.

[24]  

3.3. Nhìn so sánh sự giống và khác nhau giữa hình tượng đế sư Trương Lương trong trước tác văn chương thời Đường Trung Quốc và trước tác văn chương nhà Nho Việt Nam thế kỷ 18-19

 

3.3.1. Những tương đồng

3.3.1.1. Các nhà Nho Trung Quốc thời Đường(thế kỷ 7-10) và nhà Nho Việt Nam (thế kỷ 18-19) đều ngợi ca sự nghiệp vô tiền khoáng hậu, đạo đức mẫu mực, và triết lý bảo thân minh triết

a. Về sự nghiệp vô tiền khoáng hậu

Không chỉ trong hai thời đại vừa nên trên đều ngợi ca và thán phục đại nghiệp kỳ diệu của Trương Lương, nhưng  đại nghiệp Trương Lượng được quy chụm vào hai triều đại lớn Trung Quốc thời Đường và Việt Nam thời Lê-Trịnh-Nguyễn. Đặc biệt hơn nữa là nhà nho càng lớn càng say mê đại nghiệp Trương Lương và dành cho Trương Lương sự quan tâm hết sức đáng chú ý. Công đức quán quần anh, di luân hữu đại danh (Vương Duy). Nguyễn Công Trứ viết: Thuốc đuộc phun Tần lây đến Sở, mùi thơm ngậm Hán trún cho Hàn

b. Về đạo đức mẫu mực

Như trên đã dẫn ra tuy chưa thật tập trung nhưng chúng ta có thể thấy rõ được, các nhà Nho say mê bàn về con người đạo đức Trương Lương. Phương diện đạo đức Trương Lương được nhà nho xoáy sâu vào ứng xử toàn mỹ với cả Hàn và Hán. Như trên chúng tôi đã dẫn ra. Vương Duy viết “công đức quán quần anh”. Nguyễn Công Trứ viết “ơn Hán vẹn nợ Hàn chẳng vướng”. Nguyễn Hữu Chỉnh viết, “nghĩa thuỷ chung biện bạch cũng êm, dường tiến thoái thong dong chẳng vướng”. “đế sư cao một bậc, trọng đức tôn danh”.

c. Về minh triết bảo thân

Nhà nho hai nước đều chúng khẩu đồng từ khẳng định, ông cùng với Phạm Lãi là hai “tuyệt thế chí mưu suốt cổ kim”, hiếm hoi bảo toàn thân mạng trong khi công lao trùm thiên hạ của những công thần thường là nạn nhân của thanh trừ của hoàng đế. Nhà nho hai nước đếu say sưa và bái phục bước ra đi vĩ đại vô tiền khoáng hậu này của Trương Lương. Nguyễn Hữu Chỉnh viết:

Giá đã cao nên khủng khỉnh phong hâu

Mình được nhẹ nên tiêu dao ngày tháng

Ở giang hồ thì danh sĩ phong lưa

Vào lang miếu lại đại thần thể dạng

..Rỡ rỡ thư son quán sắt , lời nãi ông dù trỏ núi thề sông

Thêng thêng non đá am thông, nguyền tiên tử đã quy mây nhuộm dáng

Ra vào đế tử tiên ông, lồng trí thuật dễ ngự trong lai vãng

Nghĩa thuỷ chung biện bạch cũng êm, đường tiến thoái thong dong chẳng vướng

Đế sư cao một bậc trọng đức tôn danh

Lý Bạch viết, công thành đi Ngũ hồ

Như vậy, với tư cách đế sư, Trương Lương đế sư là hình mẫu mẫu mực trong trước tác văn chương của nhà nho. Trương Lương mẫu mực trên cả ba phương diện, đại công lao, mẫu mực đạo đức và bảo thân minh triết. Như vậy, ông là hình mẫu của nhân vật đế sư trong trước tác nhà nho.

3.3.1.2. Nhìn sâu nhất, có một sự thật mang tính chung nhất là có nhiều dấu hiệu cho thầy một sự ám ảnh Trương Lương đối với nhiều thế hệ nhà nho lớn của Trung Quốc và Việt Nam.

Những chỉ dẫn và phân tích về sự giống nhau trong nội dung tư tưởng trong đánh giá về đế sư Trương Lương, đặc biệt là sự đồng thuận cao, đi vào nhiều nhà nho lớn và có sự kết tinh trong hai thời đại lớn nhất trong văn học hai nước và kéo dài trong suốt thời đại văn chương nhà nho là sự thể hiện sinh động cho một nhân vật có sức ảnh hưởng lâu dài, có sức sống và có sự ám ảnh sâu và rộng trong quần nho.

Mặt khác, quan sát sâu trong trước tác nhà nho lớn, nhiều nhà nho lớn Trung Quốc như Lý Bạch, Bạch Cư Dị, Vương Duy… số lượng tác phẩm dành cho Trương Lương thật hết sức đáng chú ý. Ở Việt Nam, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Hữu Chỉnh, Ngô Thì Nhậm, Phan Bội Châu… số lượng tác phẩm và dung lượng tác phẩm cũng vô cùng lớn và hết sức đáng lưu tâm. Hẳn là có một sự ám ảnh, một sức hút hết sức đặc biệt Trương Lương trong văn chương nhà nho hai nước.

Quan sát sâu hơn, chúng ta sẽ thấy, trong trước tác nhiều nhà nho có nhiều dấu hỏi, những câu cảm thán, những băn khoăn và cả những phân tích trái chiều về nhiều phương diện Trương Lương. Sự ám ảnh không chỉ là tổng thể cuộc đời, sự nghiệp Trương Lương, mà đôi khi từng chi tiết cũng gây ra những sự thắc mắc băn khoăn đối với hậu nho. Chẳng hạn, sự kiện Trương Lương bỏ đi hoặc thái độ ứng xử với Hán và Hàn. Nguyễn Công Trứ nhìn Trương Lương từ sự toàn mỹ ơn Hán vẹn nợ Hàn chẳng vướng(Vịnh Trương Lưu hầu I). Nguyễn Hữu Chỉnh và Phan Bội Châu nhìn từ một chiều khác . Phan Bội Châu viết đi một bước tình sâu như bể, chàng Lưu Bang chưa hẳn biết ta (Trương Lương từ Hán quy Hàn), Nguyễn Hữu Chỉnh viết: Lòng này ai biết Hán hay Hàn (Trương Lưu hầu phú). Một dấu hiệu của nhân cách văn hoá nhiều trị, nhiều cực, nhiều khuôn mặt tinh thần là cơ sở của những sự đánh giá khác nhau, thậm chí là trái chiều. Sự ám ảnh đa diện, nhiều mặt là đặc trưng của loại hình nhân cách đế sư Trương Lương

3.3.2 Những khác biệt

3.3.2.1. Sự khác biệt trong khai thác phương diện nhân vật chính trị tư tưởng đế sư Trương Lương trong hai thời đại của hai nền văn học

Thời Đường: Tổng thể cuộc đời vĩ đại Trương Lương ở những nét chung nhất. Như trên chúng tôi đã chỉ ra,  thời đại Đường có cám hứng, hứng thú với sự nghiệp lớn nói chung của Trương Lương. Thời đại này xuất hiện một lượng tác phẩm đồ sộ nhưng có một điểm chung là họ say mê với mỹ học hình tượng lý tưởng Trương Lương. Đây là đặc điểm mỹ học hình tượng Trương Lương giai đoạn này và cũng là mỹ học chung hình tượng nhân vật Trương Lương trong trước tác văn chương nhà nho Trung Quốc

Trương Lương trong trước tác văn chương nhà nho Việt Nam thế kỷ 18-19 ngoài say mê chung đến sự nghiệp lớn nói chung của Trương Lương, nhà nho Việt Nam hứng thú hơn, say mê hơn với sự tự do lựa chọn Trương Lương. Nếu như mỹ học hình tượng Trương Lương đế sư trong văn học Trung Quốc thời Đường là hứng thú với hình mẫu lý tưởng kỳ vĩ lớn lao thì mỹ học hình tượng văn học Trương Lương đế sư giai đoạn 18-19 là mỹ học hình tượng nhân vật tự do Trương Lương. Đây là sự khác biệt cơ bản, thể hiện tâm thức hai thời đại khác nhau trong khai thác mẫu hình văn hoá nhân cách đế sư. Đây là đặc điểm đồng thời cũng là đặc sắc của quá trình diễn hoá và quy luật giao lưu văn hoá văn học hai nước qua sự diễn hoá của mẫu hình nhân vật đế sư Trương Lương trong trước tác văn chương nhà nho hai nước.

Với số lượng đồ sộ tác phẩm đề vịnh về Trương Lương, nhưng ¾ trong số đó là những dùng điển, và phần còn lại là những đề vịnh về Trương Lương. Tuy là những đề vịnh về Trương Lương nhưng như trên đã phân tích sự ám ảnh Trương Lương đối với nhà nho thời kỳ này đi mạnh theo hướng lý tưởng hoá đại nghiệp vĩ đại Trương Lương tạo ra. Sự đánh giá một chiều, khẳng định là đặc trưng nổi bật của giai đoạn này. Trong số những nhà nho lớn nhất hai thời đại như: Lý Bạch, Nguyên Chẩn, có số lượng tác phẩm quan tâm tới Trương Lương khá nhiều, nhưng quan sát cho kỹ, về cơ bản không có một tác phảm của nhà nho nào, kể cả Lý Bạch trưng Trương Lương ra làm đối tượng phú, vịnh, đề thơ chính diện. Đặc biệt, không có một nhà nho Trung Quốc nào ngả cuộc đời lặp lại hành trạng Trương  Lương.

Thế kỷ 18-19, trong trước tác văn chương nhà nho Việt Nam có sự đột biến kỳ lạ, không chỉ số lượng tác phẩm đột biến so với giai đoạn trước, mà những gương mặt anh hùng lớn nhất thời đại đều dành sự quan tâm đặc biệt, có nhiều kiệt tác xuất hiện, rầm rộ là những tác phẩm phú, vịnh trực diện với dung lượng tác phẩm rất lớn về Trương Lương xuất hiện. Nếu như thời Đường chủ yếu vịnh, đề thơ về Trương Lương thất ngôn, thất ngôn bát cú hoặc thể thơ kéo dài thì giai đoạn này vịnh, phú Nôm chiếm số lượng chủ yếu. Đặc biệt nhất sự ám ảnh thể hiện sâu nhất ở trên nhiều bước trên cuộc đời và hạnh trạng của nhiều nhà nho lớn lặp lại nhiều chặng của Trương Lương, chẳng hạn cuộc đời và toan tính của Nguyễn Hữu Chỉnh và Phan Bội Châu.

Như vậy, mức độ ám ảnh Trương Lương giai đoạn thế kỷ 18-19 trong văn chương nhà nho Việt Nam sâu hơn so với nhà nho thời Đường.

3.3.3. Nguyên nhân sự giống và khác nhau trong khái thác nhân vật Trương Lương trong thời đại Đường Trung Quốc và thời đại Lê-Trịnh-Nguyễn của Việt Nam.

3.3.3.1. Nguyên nhân của những tương đồng

a. Nhìn từ Trương Lương

* Công lao Trương Lương

Trương Lương khai mở một đề chế vĩ đại bậc nhất nhất Trung Quốc, đế chế Hán. Ba sự kiện sau đây có thể cho thấy rõ tầm vóc vĩ đại Trương Lương. Trước hết là sự lựa chọn minh chúa. Trong thời đại ông, Trương Lương có nhiều sự chọn, Cảnh Câu, Sở Vương, Tôn thất Hàn, Lưu Bang. Cuối cùng Trương Lương lựa chọn lưu Bang. Trong số những người này, thời đó Sở Vuơng là mạnh hơn cả. Tôn thất Hàn không đủ sức mạnh. Trương Lương lựa chọn Lưu Bang. Lưu Bang về sức mạnh không bằng Hạng Võ. Về nền tảng và sự hậu thuẫn không bằng Hạng Võ. Hạng Võ có cả một nước Sở hùng mạnh và nhiều tướng tài giỏi và một quân sư Phạm Tăng tài ba. Tuy nhiên, Lưu Bang hơn Hạng Võ ở một điểm hết sức đơn giản nhưng rất cơ bản là Lưu Bang biết nghe lời. Theo Sử ký, khi Trương Lương đem Thái Công binh pháp ra nói với Lưu Bang, Lưu Bang nghe theo. Và sau này, Lưu Bang đều nhất nhất nghe theo những chỉ dẫn của Trương Lương (đốt đường Sạn Đạo chuyển bị lực lượng, phản công Hạng Vũ)…Như vậy, Trương Lương lựa chọn Lưu Bang là bởi Lưu Bang biết nghe lời ông khuyên nhủ.

Sự kiện thứ hai là, Trương Lương bố trí những con người xoay chuyển thời cuộc cho Lưu Bang hoàn thành đại nghiệp. Hai nhân vật quan trọng nhất là Kinh Bố và Hán Tín. Khi Lưu Bang ngồi xổm hỏi Trương Lương, ta muốn thống nhất thiên hạ làm cách nào, Trương Lương nói, muốn thống nhất thiên hạ cần có Cửu Giang Vương Kình Bố, Bành Việt và Hàn Tín. “Quân Hán tới Bành Thành, bị đánh bại quay về. Hán Vương đến Hạ Ấp xuống ngựa, ngồi xổm trên yên ngựa mà hỏi Trương Lương: Ta muốn bỏ tất cả đất đai từ Hàm Cốc Quan sang phía đông, bây giờ giao cho ai thì có thể cùng ta lo nghiệp lớn. Lương nói: Cửu Giang Vương Kình Bố là viên mãnh tướng của sở, có hiểm khích với Hạng Vương. Bàng Việt theo Tề Vương là Điền Vinh làm phản ở đất Lương, hai người này nên dùng ngay. Trong số các tướng của Hán Vương chỉ có một mình Hàn Tín là có thể giao được việc lớn, chống giữ được một mặt. Nếu muốn bỏ đất đai cứ giao cho ba người ấy thì có thể phá được nước sở” [25] . Sự thật, sau này chính những thắng lợi quyết định là do Cửu Giang Vương Kình Bố, Bành Việt và đặc biệt là Hàn Tín.

Sự kiện thứ ba là, khi nhà Hán đã kiến lập. Có nhiều dấu hiệu của sự thay đổi thái tử, Lữ Hậu nhờ Trương Lương thuyết phục Lưu Hầu thuyết phục Hán Cao Tổ. Trương Lương nói: “Xưa kia hoàng thường thường ở trong cảnh nguy khốn cấp bách, nhờ đó mà dùng mưu kế của tôi. Nay thiên hạ đã yên rồi, hoàng thượng vì cớ yêu thương, muốn thay đổi thái tử, đó là việc ở trong gia đình, cốt nhục, tuy có hơn trăm người như tôi cũng không ăn thua” [26]. Trương Lương biết giá trị của mình trong từng thời điểm, ông bày kế mới Thương Sơn Tứ Hạo thay đổi ý định thay đổi thái Tử của Hán Cao Tổ

 Như vậy, sự kiện thứ nhất Trương Lương tìm và gây dựng minh chúa Tương lại. Sự kiện thứ hai, giúp Lưu Bang những nhân sự cần thiết để thống nhất thiên hạ. Sự kiện thứ ba, giúp triều Hán vững vàng bốn trăm năm trước những sự kiện tranh giành ngôi báu trọng nội tộc Hoàng đế. Ông xứng đáng với ngôi vị “đế sư”, bậc thầy vua chúa”là kiến trúc sư đại đế chế Hán 400 năm.

Mở đầu cho một đế chế Nho giáo trong lịch sử Trung Hoa. Nhà Tần đánh dấu tiến trình đại thống nhất Trung Quốc. Xuân Thu-Chiến quốc là thời đại liệt quốc, nhiều nước phân tranh. Nước Tần làm nhiệm vụ thống nhất đế chế Trung Hoa. Phương thức tồn tại của đế chế Trung Hoa cần có cách cai trị và phương thức cai trị khác, hòng đảm bảo cho một đế chế vĩ đại tồn tại. Pháp gia được áp dụng như một phương thức thử nghiệm trên tiến trình tìm tòi sự tồn tại của đế chế. Đế vị được tuyệt đối hoá, thần dân, ngoài vua ra tất cả đều nằm trong trường quy định của hình luật. Nho gia là tử thù cần diệt tận gốc. Phần thư khánh nho là một minh chứng điển hình, nét luật hình hoá kiểu phương Tây xuất hiện trong xã hội Trung Quốc thất bại. Nhà Tần diệt vong. Nhà Hán kiến lập, sau những bước đi đầu tiên, Hán Vũ Đế đã “bạch truất bách gia, độc tôn Nho thuật”. Nho giá và hệ thống nhà Nho hồi sinh, chính thức tìm lại vị trí của mình trong xã hội, hình thành một tầng lớp sĩ đại phu gắn chặt với quyền lời của dòng họ làm vua. Tuy độc tôn nho thuật, nhưng Pháp không mất đi mà ngầm trở thành một thành tố ẩn tối quan trọng trong kết cấu “Nho Pháp tỉnh dụng”. Bí quyết tồn tại có thể nói xuyên suốt trong xã hội Trung Quốc. Nhà Hán không chỉ là một đế chế vĩ đại mà còn kiến tạo ra cả một cơ chế kết hợp tối quan trọng cho sự toàn thịnh hệt thống chính trị cổ đại Trung Quốc. Công lao đầu tiên kiến tạo hẳn không thể phủ nhận vai trò của đế sư Trương Lương.

* Đức độ

Trương Lương không chỉ nổi bật với công lao chùm thiên hạ, phương diện đạo đức Trương Lương cũng hết sức mẫu mực. Qua Sử ký, chúng ta thấy rõ một đạo đức nho gia mẫu mực Trương Lương. Trương Lương vốn là quý tộc nước Hàn. Gia đình năm đời tướng quốc nước Hàn. Nhưng Trương Lương lại thành danh với Hán. Trong ứng xử, Trương Lương đã xử lý hết sức mẫu mực với cả Hàn và Hán. Sau khi nước Hàn bị Tần tiêu diệt, Trương Lương bán cả gia sản, thuê thích khách giết Tần Thuỷ Hoàng, báo thù cho Hàn. Việc thất bại, ông bị đẩy xuống thường dân, mất đi địa vị trước đây. Khi Tần suy yếu, anh hùng nổi dậy, Trương Lương tìm minh chủ mục tiêu trước tiên là tìm cơ hội khôi phục Hàn. Trương Lương đã thuyết phục sở Vương tìm Hàn Thành Hầu khôi phục Hàn. Sau này khi Hàn Thành Hầu bị Hạng Vương bức tử, Trương Lượng dốc sức phò Hán, nhưng mục tiêu truớc tiên vẫn là báo thù Hàn. Khi diệt Tần, diệt Sở, kiến tạo Hán, trước tiên trương Lương báo ân được vua Hàn. Ứng xử với Hàn ở Trương Lương trở thành mẫu mực. Ăn lộc chúa báo ơn chúa là tâm thức đau đáu cả đời nho. Từ phương diện này, Trương Lương là mẫu mực trong con mắt của nhà nho. Nhưng như vậy, có nghĩa Hán chỉ là một phương tiện Trương Lương báo thù Hàn. Thực tế có thể nhìn nhận như vậy. Tuy nhiên, sự tinh tế và đức độ trong ứng xử lại được thể hiện ở sự ứng xử mẫu mực với cả Hán. Từ khi đem Binh pháp nói cho Lưu Bang nghe, Lưu Bang tiếp thu, đến trước khi quyết định cuối cùng về với Hán,Trương Lương còn phân vân với Hàn. Tuy nhiên từ khi về với Hán Lưu Bang, Trương Lương một lòng dốc sức vì Hán Vương. Không chỉ đưa ra những quy hoạch chiến lược về nhân sự và những trận đánh quyết định, Trương Lương còn giúp Lưu Bang củng cố ngôi vị hậu Lưu Bang, giúp củng cố nhà Hán khi có những dấu hiệu lung lay, như chuyện phế lập thái tử. Thái độ ứng xử của ông với Hán vương là thuỷ chung trước sau như một.

* Bảo thân

Một trong những bi kịch đối với mỗi công thần công lao trùm thiên hạ kiểu Trương Lương đã diễn ra nhan nhản trong lịch sử và đặc biệt diễn ra ngay trước mặt Trương Lương, người cùng chiến tuyến với Trương Lương, Hàn Tín. Hành động ra đi của Trương Lương có thể có nhiều cách giải thích, tuy nhiên một trong những lý do quan trọng là xuất phát từ minh triết bảo thân của ông. Cở sở của minh triết bảo thân xuất phát từ thực tế trong lịch sử, thực tế ông chứng kiến cảnh Tiêu Hà và Hán Tín bị xử như thế nào?. Đặc biệt quan sát kỹ chính ông là người hiểu sâu nhất của quy luật tiêu diệt công thần này. Đọc sâu đoạn văn sau đây trong Sử ký, cho thấy Trương Lương hiểu rõ giá trị của mình trong từng hoàn cảnh. Khi Lữ Hậu nhờ Trương Lương khuyên nhủ Hán Cao Tổ không nên phế thái tử, Trương Lương nói với Lữ Hậu,“Xưa kia hoàng thường thường ở trong cảnh nguy khốn cấp bách, nhờ đó mà dùng mưu kế của tôi. Nay thiên hạ đã yên rồi, hoàng thượng vì cớ yêu thương, muốn thay đổi thái tử, đó là việc ở trong gia đình, cốt nhục, tuy có hơn trăm người như tôi cũng không ăn thua”. Rõ ràng, Trương Lương thấu hiểu cái giá của bản thân mình, chỉ có giá trị trong thời loạn, khi Thiên Tử đã có quyền, Trương Lương hết giá trị. Chính vì lý do này, Trương Lương rõ ràng bằng minh triết của mình đã cao tay hơn, hiểu rõ bản thân và hiểu rõ Hán Cao Tổ, đồng thời với uy tín lừng lẫy trong giới ẩn sĩ mời được Thương Sơn Tứ Hạo, thay đổi được ý đồ của Hán Cao Tổ. Và cuối cùng là một quyết định ra đi đầy minh triết và ám ảnh trong lịch sử, vừa mở ra một cung cách ứng xử phi bi kịch trong lịch sử.

Như vậy, với lập công kỳ vỹ, đạo đức mẫu mực, và bảo thân minh triết, và đặc biệt với vai trò kiến tạo đế chế Hán hùng vĩ, đế chế mẫu mực đầu tiên đưa Nho gia làm nền tảng hệ tư tưởng, và thử nghiệm thành công  phương thức cai trị đối lập Nho-Pháp…Trương Lương trở thành một anh hùng thời loạn vĩ đại, mẫu mực, đi vào lịch sử và đi ra ngoài nhiều vết xe của lịch sử. Chính những điều này, trước ông chưa từng nhân vật nào làm được, sau ông không ai vượt nổi ông, nên ông được đánh giá là mưu thần, mưu sĩ vĩ đại nhất, và chính vì vậy họ dành cho ông một danh xưng riêng biệt, chỉ duy ông xứng đáng, đế sư, đế vương sư, đế giả sư, vương giả sư (bậc thầy của hoàng đế). Đặc sắc của danh xưng này là quy chiếu cao hơn đế vương về tầm vóc.

3.3.3.2. Nguyên nhân của những sự khác biệt

Đặc điểm thời đại Đường Trung Quốc và thời đại Lê-Trịnh-Nguyễn Việt Nam là nguyên nhân căn bản dẫn đến sự khác biệt trong khai thác hình tượng Trương Lương trong hai thời đại

Như trên chúng tôi đã chỉ ra, Trương Lương trở thành hình mẫu lý tưởng trong văn học Đường, phương diện lý tưởng và đại nghiệp lớn nói chung là khát vọng  nhà nho Đường. Tuy nhiên, Trương Lương trong văn học Việt Nam thế kỷ 18-19,  ngoài say mê với đại nghiệp vô tiền khoáng hậu nói chung, nhìn sâu  họ say mê hơn với sự tự do lựa chọn, tự do hành xử Trương Lương.

Trương Lương là một loại hình nhân cách văn hoá đa trị nhiều cực, một nhà nho mẫu mực, tôi trung đức độ và một phong cách Lão - Trang, nhân vật Trường phái đạo gia thoát tục. Do vậy, ông là hình mẫu trong mọi thời đại hướng tới thể hiện sự ngưỡng mộ và thực hiện hành vi tâm tính học nho gia. Thời Đường là thời đại lớn bậc nhất, thời đại thịnh đạt về mặt văn hoá, tư tưởng. Đồng thời đây cũng là  thời  đại Trung Quốc đại thống nhất sau nhiều năm loạn lạc kéo dài. Do vậy, hứng thú với cảm hứng mẫu mực của một truơng Lương huyền thoại về công lao, đức độ và bảo thân là một cảm thức hợp lý của nhà nho thời đại này.

Nhưng Truơng Lương, trước sau là một anh hùng thời loạn. Trong thời loạn, nổi bật trên sân khấu chính trị có mẫu hình nhân vật anh hùng sáng nghiệp và mẫu hình đế sư. Trương Lương là một đế sư trong thời loạn. Toàn bộ đại nghiệp Trương Lương tạo tác trong lịch sử ở thời loạn. Nên về lôgíc mỗi khi thời đại có loạn ly, những khát khao cháy bỏng của những nhà nho sẽ tìm đến với Trương Lương ở tận chiều sâu và tiếp cận Trương Lương ở giá trị tổng thể. Nhà Đường thời đại đại thống nhất, cảm hứng ngợi ca tổng thể nhiều hơn là cảm hứng trở thành một Trương Lương thứ hai. Thế kỷ 18-19 Việt Nam là thời đại loạn nội bộ Việt Nam. Sắc thái đại loạn trong tiến trình đế chế hoá là đặc điểm nổi bật nhất về lãnh thổ và chính trị của Việt Nam giai đoạn này. Thời đại này về bản chất gần với thời đại mà Trương Lương sống. Khát vọng kiến tạo đế chế như công lao của Trương Lương là khát vọng có tính thời đại của nhiều anh hùng thời đại. Đây là lý do cở bản nhất giải thích cho sự kết tinh hình tượng Trương Lương trong trước tác văn chương nhà Nho thế kỷ 18-19. Khổng Minh vốn là một anh hùng ngả theo hướng trở thành đế sư nhưng không thành công. Nếu như Trương Lương kiến tạo ra một đế chế thì Khổng Minh léo sáng cùng với sự chôn vùi của đế chế Hán. Khát vọng của một thời đại lớn cần tìm đến với mẫu hình vĩ đại và một thời đai vĩ đại khai mở. Chúng ta sẽ hiểu tại sao Nguyễn Hữu Chỉnh viết đầy quyết liệt như vậy:

Ngẫm từ trên như Trọng Liên, Phạm Lãi nào hơn

So về dưới dầu Lý Tĩnh, Khổng Minh chưa đáng

( Trương Lưu hầu phú)

4. Kết luận

4.1. Như vậy, nằm trong nhóm anh hùng thời loạn mưu sĩ, mưu thần, quân sư nhưng Trương Lương được hậu nho định ngôi là “đế sư”, là hình mẫu của nhóm này. Như vậy, trong hàng nghìn năm lịch sử tư tưởng Trung Hoa tạo tác ra một đế sư duy nhất trong lịch sử, Trương Lương là một trường hợp ngoại lệ, tính chất ngoại lệ Trương Lương thể hiện không chỉ ở đại nghiệp có một không hai, đạo đức mẫu mực, bảo thân minh triết mà ở chỗ ông vượt ra ngoài nhiều mô thức có sẵn, nhiều những suy nghĩ thông thường và nhiều bi kịch trong lịch sử. Ở đó, ông kiến tạo một cung đường khác, hình thành một loại hình nhân cách riêng biệt., đặc biệt, tức loại hình nhân cách chỉ có một người duy nhất thành công, ngoài ông ra, không có người thứ hai. Đây chính là lý do giải thích tại sao hình tượng đế sư Trương Lương kết tinh và nở rộ trong những thời đại khác nhau trong văn học, văn hoá hai nước. Đồng thời cũng hiểu tại sao Phí Quán Khanh viết : Tử Phong tiên khứ Khổng Minh tử, (Tử Phòng đi theo tiên, Khổng Minh bỏ mạng) và tại sao Nguyễn Hữu Chỉnh viết: Ngẫm từ trên như Trọng Liên, Phạm Lãi nào hơn, So về dưới dầu Lý Tĩnh, Khổng Minh chưa đáng.

4.2. Nhìn từ quy luật giao lưu văn học. Trương Lương với tư cách là một mẫu hình gốc từ trong lịch sử, khi đi vào tác phẩm trong mỗi thời đại văn học Trung Quốc, Trương Lương được khai thác ở những chiều kích khác nhau, những phương diện khác nhau. Những phương diện Trương Lương được nhà nho khai thác phản ánh giá trị sâu nhất của tâm thức thời đại. Thời Đường, đại đế chế với tam giáo đồng lưu, nhiều giá trị văn hoá đỉnh cao được kiến tạo, Trương Lương được khai thác với giá trị lý tưởng hình mẫu. Ở Việt Nam thế kỷ 18-19, khát vọng kiến tạo một đế chế được thời đại tạo hứng thú cho anh hùng thời đại, khát vọng một mẫu hình vừa tổng thể vừa chi tiết, nhiều cực, nhiều trị, hoành tránh là khát vọng có tính thời đại trong trước tác anh hùng thời đại giai đoạn này.

Rõ ràng, bản thân nhân vật lịch sử Trương Lương tạo ra những ma lực, những ám ảnh.Tuy nhiên, mỗi thời  đại khai thác ông từ những phương diện và cảm hứng khác nhau. Quy luật của giao lưu văn học, văn hoá hai nước cần chú ý nhiều đến những sắc thái và nét chủ đạo trong tiếp nhận hình tượng mỗi thời đại. Sắc thái khác nhau trong sự tiếp nhận hình tượng nhân vật, không chỉ làm mới làm sâu, văn hoá hoá hình tượng, còn ảnh xạ nhiều góc, nhiều tâm thức mỗi thời đại, là cái khu biệt đặc sắc văn học, văn hoá mỗi thời đại và của mỗi dân tộc. Nhiều khi sự sáng tạo ra hình tượng văn học ở những nước không phải là nơi mẫu hình gốc sản sinh lại kết tinh nhiều giá trị mới và làm phong phú thêm cho hình tượng. Trương Lương trong văn học và tưu tưởng Việt Nam thế kỷ 18-19 là một hiện tượng như vậy. Đây chính là cái mà các nhà nghiên cứu văn hoá lý thuyết hoá là hoá thạch ngoại biên trong giao lưu văn học, văn văn hoá.

4.3. Như vậy, Trương Lương đế sư là hình mẫu mang tính khu vực, từ nhân vật lịch sử trở thành một hình tượng văn học mẫu mực, dần được văn hoá hoá, khu vực hoá trở thành mẫu hình văn hoá toàn khu vực.

 

 

Chú thích

 

[1][Sử ký Tư Mã Thiên, Nxb Văn học, 1996, Phan Ngọc dịch, tr. 281, tập 1]

[2][ Sử ký Tư Mã Thiên, Nxb Văn học, 1996, Phan Ngọc dịch. tr. 299; 2]

[3] [Toàn Đường Thi, quyển 538, trang 6762, tập 17, NXb Trung Hoa Thư Cục, tháng 4/1960]

[4] [Toàn Đường Thi, quyển 708, trang 8154, tập 21. Nxb Trung Hoa thư cục, 4/1960]

[5] [Toàn Đường thi, quyển 425, Trung hoa thư cục xuất bản, 4/1960]

[6]  [Phú Việt Nam cổ và kim, Nxb Văn hoá Thông tin, 2002, Phong Châu-Nguyễn Văn Phú giới thiệu, sưu tầm, biên soạn, tr. 161-166]

[7] [Phú Việt Nam cổ và kim, Nxb Văn hoá Thông tin, 2002, Phong Châu-Nguyễn Văn Phú giới thiệu, sưu tầm, biên soạn, tr. 161-166]

[8] [Phú Việt Nam cổ và kim, Nxb Văn hoá Thông tin, 2002, Phong Châu-Nguyễn Văn Phú giới thiệu, sưu tầm, biên soạn, tr. 161-166]

[9] [Đoàn Tử Huyến  (chủ biên), Nguyễn Công Trứ  theo dòng lịch sử,  Nxb Nghê An,Trung tâm ngôn ngữ văn hoá Đông Tây, 2008, tr. 206.]

[10] [Sử ký Tư Mã Thiên, Nxb Văn học, 1996, Phan Ngọc dịch, tập 1, tr 281-299]

[11] [Toàn Đường thi, quyển, 126, tr. 1284, Trung Hoa thư cục, 4/1960]

[12] [Toàn Đường thi, quyển 149, tr. 1542, Trung Hoa thư cục; 4/1960]

[13][Toàn Đường thi, quyển 168, tr. 1734, Trung Hoa thư cục, 4/1960]

[14] Toàn Đường thi, quyển 177, Tống Trương tú tài yết”, tr. 1806, Trung Hoa thư cục, 6/1964]

[15] [Toàn Đường thi, quyển 181, bài Kinh Hạ Bì Dĩ Kiều hoài Trương Tử Phòng, tr. 1847. Trung Hoa thư cục, 4/1960]

[16] [Toàn Đường thi, quyển 454, tr. 5148, Trung Hoa thư cục, 4/1960]

[17][Toàn Đường thi, quyển 469, tr.5333-5339, Trung Hoa thư cục, 4/1960] [18][Toàn Đường thi, quyển 495, tr.5611. Trung Hoa thư cục, 4/1960]

[19] [Thơ văn Lý - Trần, tập 3, Nxb Khoa học Xã hội …) 

[20] [Nguyễn Trãi Toàn tập, Nxb Khoa học Xã hội Hà Nội, 1978, tr.496-497]

[21],Thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nxb Văn học, 1983. tr 105

[22] Nguyễn Công Trứ theo dòng lịch sử, Nxb Nghệ An, Trung tâm ngôn ngữ văn hoá Đông Tây, 2008.tr 179-180

[23]Phú Việt Nam cổ và kim, Nxb Văn hoá Thông tin, 2002, Phong Châu-Nguyễn Văn Phú giới thiệu, sưu tầm, biên soạn, tr. 161-166]

[24] Phan Bội Châu toàn tập, Nxb Thuận Hoá, 1990, tập 1. tr. 123

[25] [Sử ký Tư Mã Thiên, Nxb Văn học, 1996, tr. 286-287]

[26] [Sử ký Tư Mã Thiên, Nxb Văn học, 1996, Phan Ngọc dịch, tập 1, tr. 294]

Danh mục website