Hình tượng Tôn Trung Sơn trong đạo Cao Đài ở Nam Bộ

 Võ Thị Hoa*

 

1.Vài nét về sự ra đời đạo Cao Đài

Đạo Cao Đài xuất hiện ở Việt Nam vào giữa thập niên 20 của thế kỷ XX, trong lúc thực dân Pháp đang đẩy mạnh khai thác thuộc địa, cách mạng Việt Nam đang trong thời kỳ khủng hoảng đường lối cứu nước, chính sách cai trị của thực dân Pháp đang đẩy nông dân Nam Bộ vào con đường cùng không lối thoát. Trong bối cảnh đó, nhiều tổ chức ra đời, trong đó có một nhóm xuất thân từ công chức và địa chủ đứng ra thành lập đạo Cao Đài. Đạo ra đời gắn liền với tên tuổi của các ông Ngô Minh Chiêu, Lê Văn Trung, Phạm Công Tắc.

Đạo ra mắt bằng một đại hội long trọng ở chùa Từ Lâm, ấp Gò Kén, tỉnh Tây Ninh. Dự đại hội có Toàn quyền Đông Dương, Thống đốc Nam Kỳ, nhiều quan chức cao cấp Pháp, Việt. Hiến chương Cao Đài được tuyên bố. Từ đây tuy gặp nhiều trở ngại, nhưng đạo Cao Đài vẫn phát triển mạnh, lan rộng khắp các tỉnh Nam Bộ, lên tận Cao Miên và ra tới một số tỉnh miền Trung.

Đạo Cao Đài sớm phân hóa nhiều hệ phái. Trước năm 1975 có khoảng gần 20 hệ phái, hiện nay còn khoảng trên dưới 10 hệ phái, với hơn 2 triệu tín đồ, hơn 2 ngàn chức sắc, chức việc. Các phái này tuy vẫn sử dụng Tân luật, Pháp chánh truyền, Thánh ngôn trong hành đạo, nhưng tổ chức, lễ nghi có phần khác với Cao Đài Tây Ninh và tuy công nhận Đền thánh là kiến trúc Tổ, nhưng không công nhận Cao Đài Tây Ninh là hệ phái chính.

Hạt nhân lãnh đạo Cao Đài là những trí thức, công chức do Pháp đào tạo và làm việc cho Pháp, nên định hướng của từng chi phái ảnh hưởng khá mạnh tinh thần yêu nước, hoặc mưu cầu danh lợi cá nhân của hạt nhân lãnh đạo. Tín đồ Cao Đài đa số là nông dân, nhân dân lao động nghèo khổ ở khắp các tỉnh miền Nam, một số tỉnh ở Trung Bộ và Campuchia. Đạo Cao Đài được tổ chức theo một hệ thống chức sắc từ trên xuống, theo kiểu nhà nước quân chủ lập hiến, thấp thoáng cơ chế của chính quyền tư sản, với các tổ chức chính là:

Bát quái đài: là cơ quan thiêng liêng, không có thực. Bát quái đài đại diện cho thần linh mà đạo thờ phụng tôn kính.

Hiệp thiên đài: là cơ quan hữu hình, nắm toàn quyền cơ bút, có quyền cầu cơ, giữ vị trí quan trọng trong quá trình hoạt động của đạo.

Cửu trùng đài: là cơ quan trá hình, có 9 viện, tương đương 9 bộ, có quyền hành pháp.

Phước thiện: thuộc chi đạo của Hiệp thiên đài, lo việc xã hội và hậu cần.

Đạo Cao Đài đã dùng “cơ bút”1 để truyền đạo và để giải quyết các vấn đề trong đạo. Cơ bút được đông đảo tín đồ tin tưởng tuyệt đối. Cơ bút là điều quan trọng nhất trong đạo, đạo nên hư cũng do cơ bút. Mấy vạn nhân sinh sống chết cũng do cơ bút. Cơ bút có nguồn gốc từ tục “cầu hồn”, “cầu tiên” và nhất là tư tưởng “Tam giáo đồng nguyên” (Phật –Lão- Nho) vốn có ở nước ta từ lâu đời. Đặc biệt là phong trào “Thần linh học”, một hình thức mê tín của các nước phương Tây đầu những năm 1920. Từ đó đã nhanh chóng hòa nhập với tục “cầu tiên”, trở thành phong trào cầu cơ, giáng bút (gọi tắt là cơ bút) khá sôi nổi trong những năm1924,1925,1926 ở Sài Gòn, Gia Định, Cần Thơ, Mỹ Tho, Tân An…, dẫn đến việc ra đời đạo Cao Đài. Trong lịch sử đạo Cao Đài, Hộ pháp Phạm Công Tắc đã nắm quyền cơ bút từ năm 1926 đến năm 1955 và trở thành nhân vật số một của đạo. Thông qua cơ bút, ông đã tự phong là Chưởng quản nhị hữu hình đài.

Nội dung giáo lý của đạo là “sự vay mượn, kết hợp các giáo lý của các tôn giáo đã có”2; đó là sự hòa trộn các yếu tố cần thiết của các tôn giáo để đúc nên một tôn giáo hợp với tâm lý xã hội người Nam Bộ. Đạo Cao Đài đã đưa các yếu tố tôn giáo truyền thống vào sinh hoạt trong tôn giáo, đó là tục thờ Nữ thần và tục thờ cúng Tổ tiên. Vì vậy, Cao Đài đã chủ trương “Quy nguyên Tam giáo” (Phật - Lão - Nho) và thống nhất 5 ngành đạo (Nhân đạo - Khổng Tử, Thần đạo - Khương Thái Công, Thánh đạo - Giêsu, Tiên đạo - Lão Tử, Phật đạo - Thích Ca Mâu Ni).

Trong giáo lý tổng hợp đó, đạo Nho được coi là căn nguyên nền tảng. Tranh “Tam thánh sáng lập”3 đạo đã thể hiện hình tượng Tôn Trung Sơn cầm nghiên mực- đại diện nền tảng đạo Nho để Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm cầm bút lông viết câu chữ Hán: “Thiên Thượng, Thiên Hạ, Bác Ái, Công Bình” và Victo Hugo cầm bút lông ngỗng viết câu tiếng Pháp: “Dieu et Humanité Amour Justice”, đó là “Tam Thánh Kí Hòa Ước” cùng đem “Bác Ái” - “Công Bình” đến với công chúng đạo hữu.

Vì vậy, “Bác Ái”, “Công Bình” là nội dung giáo lý, là tôn chỉ của đạo Cao Đài. Đạo đã thờ Tôn Trung Sơn như một trong “Tam thánh sáng lập” đạo. Đây là một trong những nét đặc sắc nhất của đạo Cao Đài. Hình tượng Tôn Trung Sơn cầm nghiên mực và chủ thuyết “Tam dân” của ông đã trở thành ngọn đuốc soi đường cho nền tảng giáo lý Cao Đài, có ý nghĩa thức tỉnh các chức sắc và tín đồ toàn đạo nhận thức đúng vận mệnh dân tộc để đấu tranh giành độc lập, tự do và bảo vệ sự trong sáng của nền đạo trong các thời kỳ bị chủ nghĩa thực dân, đế quốc đô hộ.

2. Tôn Trung Sơn và hình tượng Tôn Trung Sơn trong Thánh Cao Đài

Tôn Trung Sơn sinh ngày 12 tháng 11 năm 1866 và mất ngày 12 tháng 3 năm 1925. Ông là một nhân vật đặc biệt của Trung Hoa cận đại, vốn tên là Văn, tự là Dật Tiên, xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo ở Làng Thúy Hạnh, huyện Hương Sơn, tỉnh Quảng Đông (nay là Thành phố Trung Sơn), Trung Quốc. Ông là nhà cách mạng dân chủ Trung Quốc, sáng lập chủ nghĩa “Tam dân” (dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc), người lãnh đạo Cách mạng Tân Hợi năm 1911, lật đổ triều đại Mãn Thanh và khai sinh nước Trung Hoa dân quốc.

Chủ nghĩa “Tam dân” của Tôn Trung Sơn là một bản cương lĩnh cách mạng dân chủ tư sản tương đối hoàn chỉnh, là bộ phận huy hoàng nhất, tinh hoa nhất, có giá trị thức tỉnh về ý thức dân tộc, dân chủ của nhân dân Trung Hoa. Bản cương lĩnh đó còn có ảnh hưởng quan trọng tới phong trào cách mạng ở các nước Đông Á, nên rất gần gũi với các dân tộc phương Đông, trong đó có đạo Cao Đài ở Nam Bộ. Quá trình hình thành và phát triển đạo Cao Đài Nam Bộ gắn liền với chủ thuyết “Tam dân” và nền tảng đạo Nho.

 Hình tượng Tôn Trung Sơn trong Thánh Cao Đài xuất phát từ câu chuyện truyền nhau trong đạo rằng: Trên trời có một động tên là “Bạch Vân Động”, đó là nơi ở của 3 vị cao đồ: một vị thác sinh ở Việt Nam với phàm kiếp Nguyễn Bỉnh Khiêm; một vị thác sinh ở Pháp, phàm kiếp Victo Hugo; một vị thác sinh ở Trung Quốc, phàm kiếp Tôn Trung Sơn. Ba vị này nghe lệnh Thượng đế xuống thế gian giúp đời, sau khi làm tròn thiên mạng, ba vị trở về “Bạch Vân Động”. Trong Tam kỳ phổ độ này, ba vị còn có nhiệm vụ lập Hội thánh ngoại giao tại Campuchia, dưới quyền trưởng đạo của Nguyệt Tâm Chân Nhân mà phàm kiếp cuối cùng là Victo Hugo.

Theo những truyền tụng trong đạo thì ba vị này thường xuyên “giáng cơ” dạy đạo; nhân loại trước đây đã phạm nhiều tội lỗi, Thượng đế trách tội, nhưng nhân loại quyết không nhận, nói rằng: “các nền tông giáo trước cầu Đức chí tôn, nhưng “Phật giả vô ngôn”, “Phật tôn vô giáo” (ý nói thờ Phật mãi mà phật không có lời dạy bảo), nếu Thượng đế không khai mối đạo khác thì nhân loại không biết tội gì mà tránh”. Cho nên “Tam Thánh” nguyễn Bỉnh Khiêm, Victo Hugo, Tôn Trung Sơn cùng đứng trước mặt Thượng đế, Thần, Thánh, Tiên, Phật và nhân sanh để cùng kí “Hòa ước”. Nội dung “Hòa ước” là: “Thiên Thượng, Thiên Hạ, Bác Ái, Công Bình”. Hay nói cách khác, các ngài vâng mệnh Thượng đế hạ trần giao cho nhân loại thực hiện hòa ước thứ ba: “Bác Ái - Công Bình”. Đến năm 1926 (Bính Dần), Thượng đế khai đạo, ba ông lại có nhiệm vụ dìu dắt Hội thánh và con người, đem “Bác Ái - Công Bình” đến với công chúng.

Ý nghĩa của “Hòa ước” là: Trời- người hiệp làm một. Đức Thượng đế cùng kí với nhân loại đệ tam hòa ước, buộc nhơn sanh thi hành hai điều kiện tối cần là “Bác Ái” và “Công Bình”, lúc đó Thượng đế mới mở cửa “Bạch Ngọc Kinh” cho về ngôi vị.

Năm 1947, Hoạ sĩ Hiền tài Lê Minh Tòng đã vẽ tranh “Tam Thánh Kí Hoà Ước”. Ngày 14-8-1948, bức tranh được treo ở bức bình phong, gian Hiệp Thiên Đài tại Toà thánh Tây Ninh nhân lễ Trấn Thần Toà thánh. 

Hình tượng Tôn Trung Sơn cầm nghiên mực tượng trưng cho sự hòa hợp từ Đông sang Tây. Muốn hiểu biết nhau và viết thành văn đều phải nhờ mực từ “Cái nghiên” này. “Tam Thánh Kí Hòa Ước” răn dạy con người, phải biết giữ mình, ăn năn hối lỗi, tu hành để đến ngày Đức Chí Tôn phán xét. Đây là một tư tưởng chung của nhiều tôn giáo trên thế giới.

3. Chủ nghĩa “Tam dân” của Tôn Trung Sơn với giáo lý đạo Cao Đài

Chủ nghĩa “Tam dân” là gì? Từ năm 1925 đến năm 1929, trên sách báo công khai hợp pháp ở Việt Nam lúc bấy giờ không có chủ nghĩa nào được bàn luận, phiên dịch, phổ biến nhiều bằng chủ nghĩa “Tam dân” của Tôn Trung Sơn. Chủ nghĩa “Tam dân” gồm ba bộ phận: chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa dân quyền, chủ nghĩa dân sinh4.

Chủ nghĩa dân tộc: là đánh đổ “thể chế” của Mãn Thanh, giải phóng Trung Quốc, nhưng không trả thù người Mãn, mà cùng bình đẳng tồn tại với các dân tộc trong nước và thế giới, bảo vệ nền độc lập, văn hóa dân tộc, tiếp thu văn hóa thế giới và đi đến đại đồng.

Chủ nghĩa dân quyền: Trung Quốc phải từ bỏ chế độ quân chủ để lập chế độ dân chủ, vì ba lẽ: dân là gốc của một nước thì tất phải làm chủ, quân chủ Mãn Thanh gây quá nhiều ác cảm với dân, nếu lập quân chủ thì sẽ loạn lạc do có nhiều người muốn làm vua.

Chủ nghia dân sinh: tức chăm lo quyền lợi cho dân, đó là chủ nghĩa quốc gia sản nghiệp, là sự quốc hữu hóa các xí nghiệp lớn và cơ bản, là chủ nghĩa tư bản nhà nước…

Chủ nghĩa “Tam dân” với giáo lý Cao Đài

      Chủ nghĩa “Tam dân” khoảng giữa năm 20 xuất hiện như một học thuyết cách mạng và tiến bộ. Tuy chưa phải là chủ nghĩa xã hội nhưng cao hơn các học thuyết cách mạng dân chủ tư sản đã lưu hành ở Việt Nam. Chủ nghĩa “Tam dân” đơn giản, dễ hiểu, dễ gần với nhiều người yêu nước Việt Nam, có sức hấp dẫn đối với một số tri thức mới cũng như đối với phần lớn các nhà Nho cũ. Tất cả điều kiện đó đã góp phần cổ vũ cho chủ nghĩa tôn Trung Sơn trên đất nước ta. Giáo sư Sử học Trần Huy Liệu đã có lời nhận xet: “Học thuyết Tôn Văn và chủ nghĩa Tam dân đã mở cho các nhà cách mạng cấp tiến Việt Nam một phương trời mới. Có người đã tìm cách biến chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc thành chủ nghĩa dân tộc Việt Nam bằng cách đem vào một nội dung Việt Nam”5

Lý tưởng của Tôn Trung Sơn là đấu tranh cho một thế giới hòa bình, bác ái. Tôn Trung Sơn đã cống hiến trọn đời mình cho chủ thuyết “Tam dân”. Chủ nghĩa “Tam dân” không dừng lại trong phạm vi dân tộc mà đã mở rộng với thế giới. Tranh “Tam Thánh Kí Hòa Ước” là một biểu hiện sinh động về sự lan tỏa của học thuyết ấy. Những người sáng lập đạo Cao Đài đã đưa học thuyết Tôn Trung Sơn cho nền tảng giáo lý của mình:

“Cao thượng chí tôn đại đạo hòa bình, dân chủ mục

Đài tiền sùng bái tam kỳ cộng hưởng tự do quyền”6.

Với tôn chỉ này, đạo Cao Đài khi mới xuất hiện ít nhiều đã mang tính phản kháng xã hội đương thời, một số tư tưởng thích hợp với truyền thống yêu nước của những người dân vùng đất mới. So với các tôn giáo khác trước đây, chủ yếu người tín đồ chỉ mong chờ sự siêu thoát, sự cứu rỗi, thì mục tiêu này rất mới, đã đáp ứng với yêu cầu của nông dân, đó là: đoàn kết, độc lập, tự do, hạnh phúc, tương trợ, thương yêu, đùm bọc trong sản xuất và trong sinh hoạt xã hội. Trong khi vô vàn sự bất công về xã hội đè nặng lên người dân và bất lực trước thiên nhiên đang uy hiếp đời sống thì tôn chỉ này đã tạo sự bấu víu để tin tưởng, để hy vọng.

Tôn chỉ nêu hòa bình, dân chủ, tự do, làm cho mọi người ai cũng thấy bóng dáng các đấng thiêng liêng mà mình hằng tôn kính, thờ phụng. Tôn chỉ  mang lại một viễn cảnh và hy vọng mới cho những người bị áp bức đang đấu tranh để loại bỏ những bất công, bất bình đẳng của xã hội. Tôn chỉ vừa phản ánh mối quan hệ khăng khít giữa chủ thuyết “Tam dân” với giáo lý Cao Đài, vừa phản ánh quy luật khách quan của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Biểu tượng “Bác Ái”, “Công Bình” trên nền tảng đạo Nho là đường lối để thực hiện mục đích “Thế đạo đại đồng, Thiên đạo giải thoát”. Đây là cơ sở cho đạo Cao Đài đủ khả năng để xây dựng con người chân chính, xây dựng xã hội an lạc (Nho), con người biết tu dưỡng thể xác và tinh thần để sống thong dong tự tại (Lão giáo) và giải khổ (Phật giáo). Tôn chỉ của đạo Cao Đài là đường lối tổng hợp nhất quán, cứu cánh hoàn thiện và giải thoát nhân sinh của vạn giáo.

 Trên nền tảng của đạo Nho, hòa hợp các yếu tố cần thiết của các tôn giáo, đạo Cao Đài không đối đầu giữa các tôn giáo. Trong xu thế hòa nhập các tôn giáo, đạo Cao Đài vẫn đặt lên trên hết và trước hết việc thờ cúng Tổ tiên. Thờ cúng Tổ tiên trở thành một nội dung sinh hoạt chủ yếu của đạo. Với ảnh hưởng của nền tảng giáo lý, ta có thể bắt gặp đặc điểm quan trọng nhất của Cao Đài trong sinh hoạt là xây dựng một cơ sở xã hội mang tính cộng đồng.

Nét độc đáo của cộng đồng Cao Đài là đời và đạo quyện chặt với nhau ngày từ buổi đầu. Có thể nói mọi công việc trọng đại của mỗi gia đình như tang ma, cúng giỗ, cưới xin, sinh con, dựng nhà, bệnh tật…đều được tập thể cộng đồng tham gia một cách tự nguyện, các nghi thức được thực hiện như một tập quán.

Tính cộng đồng Cao Đài còn được thực hiện qua các nghi lễ tổng hợp của các tôn giáo, như lễ phẩm, lễ sĩ, lễ phục, đặc biệt là các lễ hội tôn giáo. Lễ hội Cao Đài ở Nam Bộ đã thật sự trở thành ngày hội của quần chúng. Nhân dân đến với lễ hội không chỉ để ngưỡng vọng các đấng thiêng liêng, mà còn để trở về với thiên nhiên, chiêm ngưỡng vẽ đẹp trong các công trình kiến trúc, di tích, tìm hiểu ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa huyền thoại của lễ hội địa phương để cùng vui chơi, hòa nhập với cộng đồng. Thông qua lễ hội đã phần nào giải thoát những ẩn uất, bế tắc của đời thường, để sống một cuộc đời đẹp hơn. Lễ hội Cao Đài có cơ sở xã hội chặt chẽ, được tổ chức chu đáo với sự tham gia tự nguyện của toàn thể cộng đồng. Đó là nét đẹp văn hóa của tôn giáo này.

Có thể nói lễ hội Cao Đài đã mang đến cho tôn giáo này một sức sống, gắn bó với đời sống văn hóa, tâm linh của người dân Nam Bộ, tạo nên bản sắc văn hóa riêng biệt của địa phương. Tuy đạo Cao Đài mang tư tưởng hòa hợp tôn giáo, nhưng vẫn dựa nền tảng của đạo Nho và truyền thống văn hóa của dân tộc. Đây là yếu tố quan trọng để giải thích tại sao đạo Cao Đài được đông đảo quần chúng tín đồ đón nhận. Đó là giá trị bền vững của tôn giáo này.

4.Chủ nghĩa “Tam dân” và cuộc đấu tranh yêu nước của đồng bào Cao Đài trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do, vì sự trong sáng của nền đạo

Đạo Cao Đài ra đời và phát triển trong những điều kiện phức tạp của đời sống xã hội, lại có nhiều thời kỳ bị đế quốc, thực dân và những kẻ xấu lợi dụng, xuyên tạc. Chính sức mạnh của văn hóa đã làm nên sức sống mãnh liệt, giúp cộng đồng Cao Đài vượt qua mọi sóng gió để tồn tại và phát triển cùng với lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của đất nước.

Nếu chủ thuyết “Tam dân” tìm sự bình đẳng, tự do, hạnh phúc cho nhân dân Trung Hoa, thì đó cũng là điểm tương đồng của nhân dân thế giới, trong đó có Việt Nam. Chủ thuyết “Tam dân” của Tôn Trung Sơn có ảnh hưởng sâu sắc đến phong trào đấu tranh giành độc lập ở Việt Nam, đặc biệt là phong trào đấu tranh của Việt Nam Quốc dân đảng của Nguyễn Thái Học và tầng lớp tri thức yêu nước Việt Nam trong những năm 1920 - 1930. Sau đó, Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Mặt trận Việt Minh do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập cũng được tổ chức theo khuôn mẫu của Trung Quốc Đồng minh hội do Bác sĩ Tôn Dật Tiên sáng lập tại Trung Quốc năm 1905. Thuyết “Tam dân” cũng được Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa vào Bản Tuyên ngôn độc lập mà Người đã đọc vào ngày 2-9-1945. Như vậy độc lập – tự do – hạnh phúc là chân lý, là điểm tương đồng trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của hai nước Việt – Trung.

Trong những thời kỳ đất nước bị thực dân, đế quốc đô hộ, vấn đề tôn giáo luôn đặt trong và dưới vấn đề dân tộc. Tự do tôn giáo chỉ có thể có khi đất nước được độc lập tự do. Vì vậy chân lý “không có gì quý hơn độc lập - tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và chủ nghĩa “Tam dân” của tôn Trung Sơn là ánh sáng của những viên ngọc quý, là bó đuốc soi đường cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, loại dần lối tư duy đối đầu giữa vô thần và hữu thần, giữa cộng sản và tôn giáo, tìm kiếm những giá trị tương đồng giữa các hệ ý thức, xem nó như chỗ bắt gặp để những người yêu nước có thể đối thoại, vận động người có tôn giáo vào mặt trận cách mạng, mà Cương lĩnh “Hòa bình chung sống”7 của Hộ pháp Phạm Công Tắc đưa ra vào ngày 2 tháng 3 năm 1956 là một minh chứng cho sự gặp gỡ ấy.

Bản cương lĩnh đó được gửi cho hai Chính phủ Bắc- Nam, Liên hợp quốc, Giáo hoàng Vatican, các Tổ chức quốc tế, nhiều nguyên thủ quốc gia trung lập đề nghị giúp đỡ thực hiện. Nội dung của Cương lĩnh: “Tán thành thống nhất hòa giải Nam- Bắc để Hiệp thương Tổng tuyển cử; mỗi miền đều giữ quyền tự trị của mình; một Chính phủ duy nhất do toàn dân đề cử; điều kiện để hòa giải dân tộc là hai miền phải hoàn toàn tự chủ; quyền lợi của nhân dân phải được chú trọng và cải thiện; các tôn giáo phải được tự do lãnh đạo”8.

 Cương lĩnh “Hòa bình chung sống” là những nỗ lực chính trị cuối cùng theo khuynh hướng tích cực của Hộ pháp Phạm Công Tắc, vì sau ba năm, ngày 17 tháng 5 năm 1959 ông đã trút hơi thở cuối cùng tại Campuchia, thọ 69 tuổi.

Dưới ánh sáng tư tưởng độc lập, tự do của Hồ Chí Minh; chủ thuyết tam dân của Tôn Trung Sơn và tuyên bố “Hòa bình chung sống” của Hộ pháp Phạm Công Tắc, trong các thời kỳ đấu tranh cách mạng, nhất là trong kháng chiến chống Mỹ, đại đa số tín đồ và số đông chức sắc theo đạo đã sát cánh cùng nhân dân cả nước đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào. Những năm 1957, 1958, 1959, nhất là năm 1959 chính quyền Ngô Đình Diệm đẩy mạnh các hoạt động “tố cộng”, “diệt cộng” ở khắp miền Nam. Dưới sự lãnh đạo của các chức sắc yêu nước và sự hỗ trợ chỉ đạo của các tổ chức Đảng địa phương, các phái Cao Đài, như Cao Đài Minh Chơn, Cao Đài Ban Chỉnh, Cao Đài Tiên Thiên, Cao Đài Chiếu Minh Long Châu,… vẫn giữ lòng tin vào cách mạng. Tín đồ, chức sắc các phái Cao Đài này lấy cớ là tổ chức tôn giáo thuần túy, tẩy chay các cuộc mít tinh “tố cộng”, “diệt cộng”, không tham gia các đảng phái chính trị thân Diệm, không nhận viện trợ của Mỹ-Diệm dưới bất kỳ hình thức nào. Phong trào Đồng Khởi những năm 1960-1961; phong trào đấu tranh chống Mỹ- ngụy thời kỳ 1965-1975, các phái này đã có những đóng góp tích cực bằng hình thức cầu nguyện hòa bình, từ cầu nguyện hòa bình chuyển sang đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, đòi Mỹ và chính quyền Sài Gòn thi hành Hiệp định Pari9.

 Những thành tích của đồng bào Cao Đài trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đã được các địa phương báo cáo về Trung ương như sau:

- Cao Đài Minh Chơn đạo có 19.000 tín đồ, chức sắc trực tiếp tham gia cách mạng, trong đó có 1.494 liệt sỹ, 114 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 4 anh hùng lực lượng vũ trang10.

- Cao Đài Ban Chỉnh đạo có 46.000 tín đồ, chức sắc trực tiếp tham gia cách mạng, trong đó có 3.346 liệt sỹ, 58 bà mẹ Việt Nam anh hùng11.

- Cao Đài Tiên Thiên có hàng ngàn tín đồ, chức sắc trực tiếp tham gia cách mạng, trong đó có 219 liệt sỹ, 15 bà mẹ Việt Nam anh hùng12.

- Cao Đài Minh Chơn Lý có 1.210 tín đồ, chức sắc trực tiếp tham gia cách mạng, trong đó có 60 liệt sỹ, 23 bà mẹ Việt Nam anh hùng13.

- Cao Đài Chiếu Minh Long Châu có gần 1 ngàn tín đồ, chức sắc trực tiếp tham gia cách mạng, trong đó có 21 liệt sỹ, 23 chức sắc tham gia Mặt trận dân tộc các cấp14.

- Cao Đài Bạch Y có 2.500 tín đồ, chức sắc trực tiếp tham gia cách mạng, trong đó có 43 liệt sỹ, 2 bà mẹ Việt Nam anh hùng15.

- Cao Đài Cầu Kho Tam Quan có khoảng 2 ngàn tín đồ, chức sắc trực tiếp tham gia cách mạng, trong đó có 55 liệt sỹ, 7 bà mẹ Việt Nam anh hùng16.

Cùng với các hệ phái trên, phái Cao Đài Tây Ninh là Hội thánh có đông tín đồ và chức sắc. Tuyên bố “Hòa bình chung sống” của Hộ pháp Phạm Công Tắc đã được đông đảo tín đồ và chức sắc Cao Đài Tây Ninh đón nhận. Tuy mỗi nhóm chức sắc khai thác, vận dụng bản tuyên bố đó theo những hướng khác nhau, nhưng đều có điểm chung là “Tận trung Báo quốc”, đấu tranh “vì độc lập dân tộc, cơm áo, hòa bình, dân chủ, vì tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận”, vì “Nước Vinh, Đạo Sáng”. Theo Thừa sử Lê Quang Tấn có khoảng gần 2 ngàn chức sắc, tín đồ đạo Cao Đài Tây Ninh tham gia hoạt động hòa bình chung sống bị Mỹ- Diệm bắt bớ, tù đày, có người bị chết như Chơn nhơn Trịnh Phong Cương, Thừa sử Phan Hữu Phước17

Tuyên bố “Hòa bình chung sống” của Hộ pháp Phạm Công Tắc là cơ sở của Ban Củng cố hòa bình chung sống (3/1963). Đây là một tổ chức yêu nước và tiến bộ của chức sắc và tín đồ Cao Đài Tây Ninh. Ban thật sự đã trở thành tiếng nói chung, khắc phục kịp thời những xung đột, phức tạp về tư tưởng, là trung tâm để hội tụ đông đảo các tầng lớp chức sắc và tín đồ toàn đạo đấu tranh chống đế quốc và tay sai. Vì vậy, trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ, dù bị thần quyền khống chế và bộ máy cai trị của nhiều tầng lớp đạo - đời o ép, nhưng dưới ngọn cờ dân tộc của Hồ Chí Minh, chủ thuyết “Tam dân” của Tôn Trung Sơn, đường lối “Hòa bình chung sống” của đạo Cao Đài, đồng bào Cao Đài đã chung sức, chung lòng, luôn đồng hành cùng dân tộc đấu tranh giải phóng đất nước, bảo vệ  “Nước Vinh, Đạo Sáng”. Đó cũng là tiền đề vững chắc cho đạo Cao Đài tiếp nối đường hướng “Nước Vinh, Đạo Sáng” trong những thời kỳ tiếp theo.

Qua thực tiễn đấu tranh của đồng bào, chứng tỏ chủ thuyết “Tam dân” đã góp phần xứng đáng là vai trò hạt nhân, khơi dậy, thổi bùng ngọn lửa yêu nước tiềm ẩn của quần chúng tín đồ, hướng đồng bào vào điều thiện, tránh điều ác, hướng họ thấy những điều giáo lý răn dạy là phù hợp với tiến bộ xã hội. Chủ thuyết “Tam dân” xứng đáng là nền tảng giáo lý, định hướng cho các chức sắc và tín đồ toàn đạo nhận thức và hành động đúng vận mệnh dân tộc. Vì vậy, đồng bào đã không quản hy sinh, gian khổ, sống “tốt đời, đẹp đạo” trong cuộc đấu tranh vì độc lập tự do, vì sự trong sáng của nền đạo.

Chủ thuyết “Tam dân” của Tôn Trung Sơn là ánh sáng dẫn đường cho sự phát triển của đất nước Trung Hoa. Thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, trong đó có cuộc đấu tranh yêu nước của đồng bào Cao Đài, càng làm cho lý luận và thực tiễn của ông luôn vận động và tỏa sáng theo thời gian, càng làm khởi sắc và tăng cường truyền thống văn hóa của hai nước Việt- Trung.

Chủ thuyết “Tam dân” là tinh hoa văn hóa thế giới, có khả năng nối  liền các dân tộc trên thế giới, là tài sản chung của nhân loại, là đỉnh cao của văn hóa loài người, là của báu không dành cho riêng ai. Sự hiểu biết lẫn nhau, sự tôn trọng nhau từ trước đến nay giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc đều thể hiện sâu sắc qua văn hóa, nơi tập trung những biểu hiện rực rỡ nhất của tâm huyết và sức sáng tạo của hai dân tộc. Chủ thuyết “Tam dân” thuộc về thế giới, là chân lý, hòa bình và bất diệt.

Đạo Cao Đài từ khi hình thành và phát triển cho đến nay đã trải qua hơn 8 thập kỷ, với phương thức hành đạo mang màu sắc phương Đông và dân tộc, tư tưởng “Tam dân” của Tôn Trung Sơn và đạo Nho cùng nhiều luật lệ, lễ nghi, cách thức tiến hành đạo đã ăn sâu vào cuộc sống, trở thành phong tục tập quán, lối sống, lẽ sống của đông đảo đồng bào Cao Đài.

  

CHÚ THÍCH

1. “Cơ bút” là công cụ mang lớp vỏ “thiêng liêng”, “huyền diệu” để thần thánh hóa ý đồ của những người lãnh đạo Cao Đài. Thực chất của “cơ bút” là công cụ để lừa bịp, củng cố và phát triển nền đạo của giới lãnh đạo Cao Đài và Mỹ-ngụy, một khi quần chúng còn chưa giác ngộ cách mạng.

2. Ban Tư tưởng văn hoá Trung ương (2006), Vấn đề tôn giáo và chính sách tôn giáo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr. 59.

         3. “Tam thánh sáng lập” đạo được Họa sĩ Hiền tài Lê Minh Tòng vẽ tranh với tên gọi: “Tam Thánh Kí Hoà Ước” vào năm 1947. Tranh được treo tại Tòa thánh Cao Đài, tỉnh Tây Ninh.

4,5. Trần Văn Giàu (1993), Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng tháng Tám, tập II, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 567-568,570. 

6. Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Tây Ninh (1984), Đảng bộ Tây Ninh với nhiệm vụ lịch sử: Vận động quần chúng Cao Đài đấu tranh cách mạng, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Tây Ninh xuất bản, tr. 7.

7,8. Lê Quang Tấn, Tiểu sử Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc,933 Woodside Dr  Holland, Mi 4924 xuất bản.

9,17. Nguyễn Thanh Xuân (2006) - Tiến sĩ Sử học, Phó truởng ban- Ban Tôn giáo Chính phủ, “Phong trào yêu nuớc của đồng bào theo đạo Cao Đài trong kháng chiến chống Mỹ” Tạp chí Công tác tôn giáo, số 8, tr. 28-31.

10,11, 12, 13, 14, 15, 16. Báo cáo về đạo Cao Đài từ 1954 đến 1960 (1965), tài liệu lưu trữ- Ban Tôn giáo Chính phủ, Hà Nội.



* TS, Khoa Lịch sử - Trường Đại học KHXH&NV

 

Danh mục website