Khảo sát type truyện cô Lọ lem của miền Nam Trung Quốc

     

Type truyện Cô Lọ Lem là một trong những type truyện phổ biến nhất thế giới. Trước đây, do hạn chế về thông tin, một số học giả phương Tây đã cho rằng Trung Quốc không lưu truyền type truyện này. Mãi đến những năm đầu thế kỷ XX, giới nghiên cứu mới chú ý đến các bản kể Cô Lọ Lem ở Trung Quốc. Nàng Diệp Hạn trong cuốn Dậu Dương Tạp Trở của Đoàn Thành Thức đời Đường được coi là bản kể được ghi chép sớm nhất về type truyện này trên thế giới.

 Type truyện Cô Lọ Lem được lưu truyền khắp Trung Quốc, nhưng chủ yếu tập trung phân bố tại miền Nam, bản kể của mỗi vùng có những đặc điểm riêng biệt do chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố như vùng địa lý và môi trường văn hoá, v.v… Nhưng xét về mọi mặt, type truyện này vẫn đậm đà màu sắc phương nam. Hiện trong tay chúng tôi đã có hơn 70 bản kể về type truyện Cô Lọ Lem của Trung Quốc, các bản kể chủ yếu được sưu tầm từ các địa phương thuộc miền Nam Trung Quốc. Phần lớn những bản kể này đều được sưu tầm vào những năm 80 của thế kỷ XX trong phong trào sưu tầm tư liệu văn học dân gian do Bộ Văn hoá, Uỷ ban dân tộc quốc gia, Hội nghiên cứu dân gian Trung Quốc phát động khi tổ chức biên soạn bộ sách lớn Tổng tập văn học dân gian Trung Quốc.Ngoài ra còn có một số bản kể được sưu tầm trước đó, từ những năm đầu đến những năm 60 của thế kỷ XX. Có thể coi chúng là những văn bản hiện đại. Trong tay chúng tôi tư liệu về quá trình lưu truyền từ xưa đến nay của type truyện Cô Lọ Lem ở Trung Quốc là không đầy đủ, do đó, trong bài viết này chúng tôi sẽ không đặt ra nhiệm vụ lý giải về nguồn gốc cũng như sự diễn biến của type truyện này theo dòng thời gian lịch sử. Chúng tôi chỉ xin khảo sát kết cấu và nội dung những văn bản hiện đại của type truyện này, để qua đó mọi người có thể hiểu biết ít nhiều về “bộ mặt hiện đại” của type truyện Cô Lọ Lem ở miền Nam Trung Quốc.

Type truyện này thường dùng tên hai chị em để đặt tên truyện (trong 47 bản kể chúng tôi khảo sát, có 15 bản kể thuộc trường hợp này), tên chị đặt trước tên em và nhân vật chính diện trong type truyện này hầu như là người chị, ví dụ: Chị Tấm và em Cám (dân tộc Kinh), Cốc Não - Cốc Đình (dân tộc Mèo), Á Biển và Á Lãng (dân tộc Dao, trong đó, Á Lãng là em và là nhân vật chính diện). Có một trường hợp đặc biệt là Muội Sẹo và Muội Xinh, bản kể của dân tộc Hán, trong đó Muội Sẹo là em và là nhân vật phản diện, Muội Xinh là chị và là nhân vật chính diện, nhưng tên Muội Sẹo vẫn được đặt trước Muội Xinh. Ngoài ra còn thấy hiện tượng lấy tên nhân vật chính diện để đặt tên truyện (trong 47 bản kể chúng tôi khảo sát, có 13 bản kể thuộc trường hợp này), ví dụ: Nàng A Từ (dân tộc Di), Thu Liên (dân tộc Hán), v.v… hoặc lấy vật hoá thân của người vợ cả để đặt tên truyện như: Bò cái xanh (dân tộc Pu-mi), Cây đàn hương (dân tộc Thái), Cây hoa thần kỳ (dân tộc Đơ-ang); hoặc lấy tên của hai vợ chồng cô gái hiền lành để đặt tên cho truyện như: Âu Lạc và Triệu Nạp (dân tộc Dao). Cũng có bản kể đặt tên truyện với motif tiêu biểu như Chiếc giầy thêu hoa (dân tộc Hán), v.v…

Chúng tôi tiến hành khảo sát type truyện Cô Lọ Lem của miền Nam Trung Quốc theo những nội dung sau: I. Mở đầu. II. Bạc đãi và người trợ giúp thần kỳ. III. Thành hôn. IV. Mưu hại. V. Biến hình tranh đấu. VI. Phần kết.

 

I. Mở đầu

 

Các bản kể thường bắt đầu bằng việc giới thiệu nhân vật như: “Ngày xưa, có một cô gái Mèo xinh đẹp tên là Cống Na. Sau khi mẹ chết, bố lấy vợ kế, người vợ kế có một đứa con riêng tên là Cống Trân. Không bao lâu người bố cũng qua đời” (bản kể 1). “Ngày xưa có một gia đình có ba đứa con gái… hai người chị lười biếng… người em út chăm chỉ… bố và bà nội đều rất yêu thương em út” (bản kể 4) “Ở miền Tây tỉnh Hồ Nam có một gia đình người Mèo nọ, nhà có hai chị em ruột, chị tên là Á Biển, em tên là Á Lãng” (bản kể 6). “Mẹ của A Yi Xử là vợ cả, tính tình ôn hoà hiền lành. Mẹ của A Yi Cẩu là vợ lẽ, tính độc ác hẹp hòi. Cho nên tuy A Yi Xử và A Yi Cẩu là hai chị em nhưng tính nết khác hẳn nhau” (bản kể 13). “Ngày xưa, thôn Hoa Trại có một lão nhà giàu tên là Lão Long… Lão có một con gái tên là A Hoa, đầu to chân nhỏ, mặt rỗ, rất xấu xí. Trong đám đầy tớ có một cô gái bằng tuổi với A Hoa tên là A Tra, mặt mũi thanh tú, tươi tắn như hoa (bản kể 18). “Ngày xưa có một cô gái tên là Nam Y sống với mẹ cùng dì và em họ” (bản kể 30). “Muội Duẩn mồ côi cha mẹ từ bé, sống dựa vào cô. Cô có một đứa con gái, tên là Muội Khả” (bản kể 43). “Ngày xưa có một tú tài nghèo tên là Vưu Cố Khởi… vợ là Hồ Thị, lấy nhau nhiều năm chưa có con… nhận nuôi một đứa con gái bị bỏ rơi đặt tên là Vưu Ái Hoa… năm Hoa lên hai tuổi, Hồ Thị sinh được một đứa con gái, đặt tên là Ái Đan” (bản kể 46). Qua những bản kể trên, chúng ta có thể nhận thấy rằng, nhân vật trong các bản kể thuộc type truyện Cô Lọ Lem ở miền Nam Trung Quốc rất đa dạng, mối quan hệ giữa các nhân vật có mấy dạng như sau: Dì ghẻ - con chồng (hai chị em cùng cha khác mẹ hoặc khác cha khác mẹ), cô - cháu (chị em họ đằng nội), dì- cháu (chị em họ đằng ngoại), chủ - tớ (cô chủ và gái hầu), bố mẹ đẻ - đứa con ruột (chị em ruột), bố và bà - đứa con cháu ruột (chị em ruột), mẹ nuôi - con nuôi (con nuôi và con đẻ). Nhưng nhìn chung, mối quan hệ dì ghẻ - con chồng (hai chị em cùng cha khác mẹ hoặc khác cha khác mẹ) vẫn chiếm phần chủ đạo.

Trong phần Mở đầu của hầu hết các bản kể đều xuất hiện nhân vật “người chồng”, nhưng nhân vật này hầu như không có hành động gì và đã bị bỏ quên. Nếu trong phần Mở đầu câu chuyện, nhân vật người mẹ đẻ của cô gái hiền lành xuất hiện thì sẽ nảy sinh thêm một motif là “sự biến hoá của mẹ”. Trong tổng số văn bản được khảo sát, số lượng bản kể có motif này chiếm tới 38%, trong đó “hoá bò” là phổ biến hơn cả. Trong các bản kể của dân tộc Di, người mẹ thường hoá bò để được ở bên cạnh con. Nội dung các truyện này thường là: vợ bị chồng đánh, bỏ nhà đi, con đi tìm, mẹ đành phải hoá bò cùng về với con. Nguyên nhân bị đánh thường là: chồng tưởng mình bắt được nhiều ếch bảo vợ nấu nướng, nhưng thực ra chỉ có một con thôi, người chồng cho là vợ nói dối nên đánh vợ. Có trường hợp là người mẹ tự nguyện hoá bò để giúp chồng con như: “Một đôi vợ chồng trẻ sinh được một đứa con đặt tên là Vũ Nặc, năm Nặc một tuổi gặp hạn hán, mất mùa… Một hôm hai vợ chồng mang con đi làm đồng, đến buổi trưa, họ mệt lả nằm bên bờ ruộng, đứa con khóc vì đói… Nhìn thấy bãi cỏ xanh mượt, người vợ than thở… Nếu có thể hoá thành con bò ăn bãi cỏ này để có sữa nuôi con thì hay biết mấy… Khi chồng quay về thì nhìn thấy vợ đã biến thành con bò đang ăn cỏ…” (bản kể 2). Trong 1 bản kể của dân tộc Choang thì người mẹ bị phù phép hoá thành bò: “Mẹ lên núi đốn củi cùng mụ phù thuỷ… bị mụ hoá phép biến thành một con bò” (bản kể 33). Ngoài ra còn có trường hợp người mẹ do ăn cỏ mà hoá thành bò, v.v…

Có 2 bản kể trong đó nhân vật người vợ cả hoá thành cá, ví dụ: “Ngày xưa có một cô gái tên là Nam Yi sống với mẹ cùng dì và em họ. Một hôm, mẹ và dì mang rổ đi hái rau quả, bà mẹ thấy ngứa đầu, bèn bảo dì bắt chấy cho. Họ đứng bên sông, người dì muốn chiếm hết tài sản liền đẩy chị xuống sông. Mẹ Nam Y hoá thành con cá lớn…” (bản kể 30).

 

II. Bạc đãi và người trợ giúp thần kỳ

 

Cảnh sống éo le của người con gái côi cút thường là: ăn đói mặc rét, làm việc quần quật suốt cả ngày. Nhưng cô không bao giờ cô độc, bởi luôn có người trợ giúp thần kỳ ở bên cạnh cô. “Người trợ giúp thần kỳ” trong phần lớn các bản kể là con bò. Trong 47 bản kể chúng tôi khảo sát, có 34 bản có người trợ giúp thần kỳ là con bò, chiếm tới 72%. Trong đó hầu hết bản kể đã nói rõ con bò là hoá thân của mẹ đẻ (có 7 bản tuy không có motif “hoá bò” của người mẹ, nhưng người kể đã chỉ ra rằng bò là hoá thân của mẹ, như trong bản kể 9: “… Mẹ Muội Xinh sau khi chết hoá con bò…”), ngoài ra có 11 bản kể không nói đến “xuất xứ thân phận” của con bò.

Con bò trong truyện thường giúp cô gái kéo sợi, dệt vải, thêu thùa. Con bò ăn đay mà ỉa ra sợi hoặc ăn sợi mà ỉa ra vải, như “Con bò nói: con đừng khóc, con lấy đay cho ta ăn, chiều tối ta sẽ ỉa ra sợi, Đạt Giá làm theo lời của bò, đến chiều tối quả nhiên ỉa ra sợi trắng mịn” (bản kể 33); Năm bản kể kể rằng khi cô gái đi chăn bò, người mẹ đã hiện ra để giúp con, như “Hàng ngày A Nặc Sở dắt bò lên dốc, bò hiện trở lại thành người mẹ kéo sợi giúp nàng” (bản kể 10). Có 2 bản kể con bò đã ỉa ra đủ thứ như: “Con bò bảo: Con cho ta ăn mấy hạt bông, tí nữa ta sẽ có quà cho con. Quả nhiên, con bò đã ỉa ra nhiều quần áo mới và giầy tất” (bản kể 47).

Bên cạnh “người trợ giúp thần kỳ” thường có motif “bắt chước thất bại và giết người trợ giúp”. Trong 34 bản kể có người trợ giúp thần kỳ là con bò thì có 30 bản có motif “bắt chước thất bại” này. Thấy cô gái được sợi đẹp, vải đẹp, mụ dì ghẻ bèn tra vấn, cô gái bảo là bò ỉa ra. Khi bắt chước (bản kể 21, 41 là dì ghẻ bắt chước, bản 27 là ông bà chủ bắt chước, ngoài ra đều là người con của dì ghẻ bắt chước) thì bò chỉ ỉa ra cứt loãng, dì ghẻ tức giận mà giết con bò, như “A Hoa trải tạp dề ra để đón vải lụa áo giầy, ai ngờ, con bò ỉa ra một đống cứt loãng hôi thối Nghe con gái khóc lóc kể chuyện, Lão Long nổi giận và cho giết con bò…” (bản kể 18). Trong bản kể 5 người mẹ đã hiện ra kéo sợi và làm thức ăn để con ăn và trở nên đẹp, nên đã xảy ra hai lần bắt chước: bắt chước để có sợi và để được đẹp hơn, nhưng đều đã thất bại.    

Chúng tôi còn tìm thấy 7 bản kể mà “con chim” là “Người trợ giúp thần kỳ”, trong 7 bản này có 3 bản nói rõ: chim là hoá thân của người mẹ; ngoài ra còn có 2 bản kể mà “người trợ giúp thần kỳ” là con cá, 1 bản kể là “con chó”. Trong những bản kể này, 2 bản kể có người mẹ hoá thân thành cá đã giúp con gái mình đuổi vịt, rồi sau đó “người trợ giúp thần kỳ” này cũng bị giết hại và hoá thành cây tiếp tục giúp đỡ con gái, như “Một buổi chiều, Bạc Toán lùa đàn vịt về nhà, có mấy con vịt trốn trong bụi hoa sen không chịu ra, đang băn khoăn, bỗng nhiên một con cá vàng lớn bơi đến đuổi mấy con vịt đến bờ ao… Cô gái bèn khấn: Cá vàng ơi cá vàng, nếu ngươi là mẹ ta thì hãy bơi sang bờ ao… Cô vừa khấn xong thì thấy cá vàng từ từ bơi sang bờ ao… Đứa con vợ cả cho người hút sạch nước ao, bắt cá vàng… Mấy năm sau, chỗ chôn xương cá mọc lên một cây đàn hương…” (bản kể 28). Còn trong bản kể 42, con chó đã đem thức ăn cho cô gái ăn khi đói, nhưng khi những thức ăn đó đến tay đứa em độc ác lại trở thành cứt và giòi, khi trở về tay cô gái lại thành thức ăn ngon, sau đó con chó cũng bị giết. Đây cũng có thể coi là một dạng biến dị của motif “bắt chước thất bại”.

Trước khi chết (bị giết hại, hoặc sau khi biết tin sẽ bị giết, con vật đã tự sát), “người trợ giúp thần kỳ” thường dặn dò cô gái đừng ăn thịt mình và chôn xương hoặc đổ canh vào một chỗ nào đó, về sau sẽ giúp ích cho nàng. Cách chôn và chỗ chôn rất đa dạng, trong khuôn khổ của bài viết không thể liệt kê ra hết được.

Dù “người trợ giúp thần kỳ” là con bò hay con cá và có là hoá thân của người mẹ hay không, theo V.Ia. Propp (Nga), chức năng (function) chứa đựng trong hành động, và người thực hiện chỉ là một biến số không mấy quan trọng. Ở đây chúng tôi cũng sẽ không bàn nhiều về “thân phận” thực của người trợ giúp. Sự khác nhau về người thực hiện chức năng trong các bản kể đã thể hiện sự khác nhau về văn hoá, nhưng không ảnh hưởng nhiều đến kết cấu truyện.

 

III. Thành hôn

 

Trong phần này, nhóm tình tiết “se duyên” là quan trọng hơn cả, chúng tôi khảo sát các bản kể theo nội dung “se duyên”.

1. Se duyên bởi giầy

Trong 24 bản kể, “giầy” là vật quan trọng trong quá trình se duyên, trong đó đại đa số các bản kể cho biết đôi giầy được tìm thấy ở chỗ chôn xương, trong một số bản kể là do người mẹ để lại, chỉ tìm thấy trong bản kể 6 tình tiết đôi giầy là do cô gái tự đan, một số bản kể lại không nói rõ xuất xứ của đôi giầy. Về vai trò của đôi giầy, chúng tôi nhận thấy có mấy trường hợp như sau:

Trong 4 bản kể (bản kể 1,16,26,27), đôi trai gái đã gặp nhau từ trước (bản kể 1,16,26 gặp trong lễ hội, bản kể 27 khi cô gái đang mải miết làm đồng); việc nhặt được giầy (bản kể 1,16 là cô gái trốn về đánh rơi giầy, chàng trai nhặt được; bản kể 27 là đến ngày hội, chàng trai đến tìm không gặp, cuối cùng nhìn thấy ở chỗ chôn xương trâu bên cạnh nhà nàng một đôi giầy đẹp) chỉ để chàng trai tìm lại người con gái mình yêu mà thôi, tức là ở đây, vai trò của giầy chỉ là “xác nhận thân phận”.

Ngoài ra, trong các bản kể khác thì “giầy” vừa có chức năng “se duyên”, vừa có chức năng “xác nhận thân phận”. Cô gái và chàng trai trước kia không hề biết nhau, chỉ vì chàng nhặt được chiếc giầy nên đã quyết định lấy chủ nhân của nó làm vợ. Có 2 bản kể là do con chim tha chiếc giầy đem bỏ trước mặt chàng: “Man Tra có một đôi giầy thêu rất đẹp, một hôm bị lợn đái ướt đem ra phơi, bị con chim tha đi một chiếc… bỏ trước mặt cậu công tử nhà giàu” (bản kể 4). Có 20 bản khác là cô gái qua cầu đánh rơi và chàng trai nhặt được ở dưới nước. Còn về hoàn cảnh đánh rơi chiếc giầy thì rất khác nhau. Có 8 bản kể là trên đường đi xem diễn trò, cô gái đã vô ý đánh rơi chiếc giầy: “Cô ăn mặc đẹp hớn hở đi xem diễn trò… khi qua cầu, một chiếc giầy bị rơi xuống nước”(bản kể 34). Có 5 bản kể là khi đi dự hội, như “… Rằm tháng sáu Hội Long Vương… cô đi dự hội, bởi đông người quá mà làm rơi mất một chiếc giầy…” (bản kể 25). Có 4 bản kể là đi dự tiệc, như “Nhà bà ngoại có đám cưới… khi dự tiệc về đánh rơi một chiếc giầy…” (bản kể 39). Có 1 bản kể là đi chăn trâu về qua cầu đánh rơi như “Một hôm đi chăn trâu… A Hoa cầm đôi giầy đẹp không nỡ đi, đến đầu cầu rơi mất một chiếc lúc nào không biết” (bản kể 18). Còn 1 bản kể vừa có sợi vừa có giầy, chúng tôi sẽ phân tích sau.

 

2. Se duyên bởi tụ họp (không có motif giầy)

Có 10 bản kể cô gái và chàng trai quen và yêu nhau trong ngày hội, như “Hội đuốc là ngày lễ tình nhân… Đoá Sa giơ cao đuốc múa hát vui vẻ cùng mọi người, cô hát hay múa dẻo, một chàng trai tên là Lạc Trại đem lòng yêu mến… trước khi chia tay, hai người đã tặng nhau những vật để làm tin…” (bản kể 11). Có 5 bản kể là trong bữa tiệc, như “Trong tiệc mừng, một chàng trai giàu có và tuấn tú đã đem lòng yêu cô…” (bản kể 13). Còn 1 bản kể là cô gái đi chợ “Trên đường, một hoàng tử đẹp trai nhìn thấy cô và đem lòng yêu, nhờ bà mối đi hỏi vợ…” (bản kể 17).

 

3. Những trường hợp khác

Trong bản kể 28, 30, người mẹ đã hoá thành cây, chỉ có con gái bà mới có thể nhổ được cây ấy. Người con gái nhờ nhổ được cây đã thành hôn với chàng trai. Bản kể 14, 40 là cơn gió cuốn sợi của cô gái vào hoàng cung, nhưng trong bản kể 40 lại có thêm tình tiết nàng đến xem hoàng tử chọn vợ, bị dì ghẻ nhận ra, nàng đã chạy làm rơi mất chiếc giầy, hoàng tử cũng đã nhìn thấy nàng và ra lệnh tìm chủ nhân của chiếc giầy. Ở đây, “sợi” đảm nhận chức năng se duyên, còn “giầy” thì đảm nhận chức năng “xác nhận thân phận”.

Trước hoặc sau nhóm tình tiết “se duyên” thường xen kẽ một chi tiết “gây khó dễ”. Thường là cô gái bị bắt nhặt riêng đậu, vừng đã trộn lẫn hay gánh nước bằng xô thủng hoặc rổ, gỡ tơ rối, v.v… Lúc đó, cô gái hiền lành nhận được sự trợ giúp, sự trợ giúp lúc này thường đến từ con chim.

Cho dù được se duyên như thế nào đi nữa, cô gái cũng luôn nhận được sự trợ giúp từ nhiều phía. Con chim (các bản kể dân tộc Choang hầu như là con quạ, bản kể của các dân tộc khác thì có chim sẻ, hoạ mi, diều hâu…) đã bày cho nàng cách làm. Trong một số bản kể, con chim là hoá thân của người mẹ, nhưng phần lớn bản kể không nói rõ thân phận của con chim. Con chim còn mách nàng đi tìm áo quần giầy tất đẹp đẽ ở chỗ chôn xương. “Người trợ giúp thần kỳ” ở phần II tuy đã bị giết, nhưng trong phần này nó tiếp tục giúp đỡ cô gái hiền lành dưới một hình thức khác – xương nó đã hoá thành những thứ cần thiết cho nàng: giầy hoặc cây để se duyên cho nàng, quần áo đẹp khiến cho nàng càng lộng lẫy và đã tìm được người yêu thương, ngoài ra cũng có thể là một tài sản lớn khi về nhà chồng.

Trước khi cô gái và chàng trai kết duyên, có 17 bản kể còn có motif  “đánh tráo không thành”. Bản kể của dân tộc Mèo, Di, Mu-lao là dì ghẻ muốn bôi thuốc vào đôi mắt của cô gái hiền lành nhưng vì hai chị em đổi chỗ ngủ nên mụ đã bôi nhầm mắt con mình. Bản kể của dân tộc Pu-mi là khi chàng trai đến đón dâu, mụ đã cho con mình đi thay, cô gái cưỡi con la đuổi theo, cơn gió thổi bay mất chiếc giầy vàng của nàng, chàng trai nhặt được, sau khi biết chuyện chàng đã đuổi con mụ dì ghẻ đi và đón vợ về. Bản kể 44 của dân tộc Choang lại kể rằng hôm đón dâu, dì ghẻ đã trói và giấu nàng Duẫn trong hai lớp bụi tre, cây đa, nhưng gà mái đều mách với chú rể; dì ghẻ lại muốn giấu tiếp, thì lúc đó cây đa cảnh cáo mụ là duyên số trời đã định sẵn rồi, nếu mụ tiếp tục làm việc ác thì trời sẽ không tha đâu. Một số bản kể khác của dân tộc Choang kể mụ dì ghẻ vu vạ rằng: đôi giầy là do cô gái ăn trộm của con gái mình, khăng khăng bắt chàng trai lấy con mình. Chàng đã chọn vợ qua “thần phán” (“thần phán” là một loại “tập quán pháp” để phán định đúng, sai, thật, giả nhờ vào một lực lượng siêu nhiên, đó là một phán quyết tối cao và cuối cùng, đương sự phải chấp nhận vô điều kiện), v.v…

Ngoài ra còn có motif đánh tráo bằng cách giết hại, tức là việc “Mưu hại” xảy ra trước lúc cô gái và chàng trai lấy được nhau, trường hợp này có các bản kể 36, 37, 39, 42, để tiện theo dõi, chúng tôi cũng sẽ xếp chúng vào phần “Mưu hại”.

 

IV. Mưu hại

 

Phần này có thể coi là “đánh tráo sau thành hôn”, gồm hai bước là “Giết hại” và “Thay thế”.

1. Giết hại

Trong các bản kể của dân tộc Hán, Choang, Bạch, Pu-mi hầu như đều kể rằng cô gái về thăm nhà và bị đẩy xuống giếng chết. Cô gái về thăm nhà nhân dịp lễ tết hoặc lại mặt theo phong tục các nơi; cũng có bản kể không nói rõ nguyên nhân về thăm nhà: “Mồng ba tháng ba là ngày tảo mộ của người Choang, hai vợ chồng mang gạo nếp ngũ sắc và các đồ lễ khác về thăm nhà… cô gái đang soi gương ở giếng sau nhà thì bị đẩy xuống…” (bản kể 44). Cách giết hại trong các bản kể khác hoặc là bị đẩy xuống sông hồ, hoặc là bị đẩy xuống hố sâu, v.v…; bản kể 1 là bị cắt cổ bằng dao chết bên sông, một số bản kể có cách giết hại là “đẩy xuống hố” đã miêu tả quá trình bị giết hại rất tỉ mỉ như: cấu cháu khóc để lừa lấy quần áo và các đồ trang sức của cô gái, lừa cô gái trèo cây hái hoa hoặc quả khiến cô bị ngã xuống hố chết. Trong bản kể dân tộc Va thì dì ghẻ nói dối là bố bị ốm bảo con đi đón chị về thăm bố, trên đường về, đứa con mụ lừa lấy quần áo và lừa cô chị trèo cây hái quả, nó ở dưới chặt cây, cô gái ngã xuống ao chết.

2. Thay thế

Có hai trường hợp: (1). Người chồng biết rõ là vợ mình đã chết. Trường hợp này chỉ tìm thấy ở ba bản kể của dân tộc Dao (bản kể 1: người chồng tìm thấy xác vợ mang về chôn bên đường gần nhà; bản kể 3,5: dì ghẻ nói dối là vợ chàng đã rơi xuống sông chết, vì thương chàng nên mụ đem con gái mình gả cho). (2). Kẻ mưu hại đóng giả làm vợ. Trong bản kể 4: hai chị em cùng là vợ chàng trai nên không còn motif thay thế nữa. Người vợ giả luôn có những biểu hiện khác thường so với vợ thật là: xấu hơn (môi hở, mặt rỗ…). Cũng có một số bản kể là hai chị em giống nhau quá đến nỗi người chồng không nhận ra, nhưng dần dần chàng cũng thấy tính nết vợ khác xưa nhiều (ngày xưa chăm chỉ siêng năng, giờ trở nên lười biếng và ngu dốt) hoặc vợ giả không quen cách bài trí các đồ dùng trong nhà. Nhưng tùy theo mỗi dân tộc, người vợ giả lại có những “biểu hiện khác thường” rất đặc sắc như: trong các bản của dân tộc Di, Pu-mi, người chồng thấy tóc vợ không còn đủ dài để cho mình gối; trong một số bản kể của dân tộc Choang thì khi vợ giả ngồi lên giường, quả trứng vốn để dưới chân giường bị vỡ, v.v…

Còn trong các bản kể có nội dung “đóng giả làm vợ” thì chi tiết thay quần áo của người bị hại vô cùng đa dạng, hoặc là lừa được quần áo rồi mới giết, hoặc là giết rồi mới thay quần áo, hoặc chỉ nói là trang điểm giống cô gái hiền lành mà thôi… Ở đây chúng tôi sẽ không liệt kê thêm nữa.

Một điều đáng chú ý là trong hầu hết các bản kể, người dì ghẻ đều  tham gia mưu hại con chồng.

 

V. Biến hình tranh đấu

Phần này gồm hai nhóm tình tiết: “biến hình tranh đấu” và “trở lại làm người”. Phần này không còn sự tham gia của dì ghẻ.

 

1. Biến hình tranh đấu

Trong các bản kể, sự biến hoá rất phức tạp, số lần biến hoá nhiều nhất là 4 lần, vật hoá thân có thể là chim, tre, cây, kéo, đá, hoa, v.v… Bản kể có số lần biến hoá là hai thường gặp hơn cả, chiếm gần một nửa. Biến hoá lần đầu hầu như thường là chim, trong một số bản kể còn nói rõ là hồn cô gái đã nhập vào chim. Motif “kiểm nghiệm để xác nhận thân phận người bị hại” thường đi kèm khi vật hoá thân là con chim, như “Chàng ngẩng đầu nói với chim: Chim ơi chim, nếu ngươi là vợ ta thì hãy bay vào ống tay có trầu cau, nếu ngươi không phải là vợ ta thì hãy bay vào ống tay có thóc. Chàng vừa dứt lời, con chim đã bay vào ống tay có trầu cau....” (bản kể 38). Có những bản kể chỉ có một lần biến hoá như: “Ở chỗ chôn xác Tấm mọc lên một cây Thị, đậu duy nhất một quả (bản kể 16).Một số bản kể không có sự biến hoá, vợ bị đẩy xuống giếng chết, xác được chồng mang về rồi sống lại, v.v…

Tất cả sự biến hoá đều nhằm mục đích trả thù kẻ mưu hại, quá trình biến hoá cũng mang ý nghĩa đấu tranh. Khi vật hoá thân là chim, phương thức đấu tranh nhằm vào kẻ mưu hại thường là mắng mỏ vạch tội ác của nó, như: “Cống Trân là đồ thối tha, cướp chồng người ta…”(bản kể 1). Trong một số bản kể, con chim còn có hành động trả thù mãnh liệt hơn như: “Chim nhìn thấy con trai rất vui mừng và chơi đùa với nó, khi nhìn thấy khoé mắt con có dử, chim lấy mỏ lau sạch dử giúp con, nhưng khi Vũ Thủ động đến chim thì nó vừa kêu vừa mổ… nó bay đến mổ mắt Vũ Thủ chảy máu” (bản kể 2). Thậm chí, con chim đã làm mù mắt của kẻ mưu hại. Kẻ mưu hại lại giết con chim, giết xong thì chôn hoặc vứt, hoặc đem ra nấu, người nấu thì hoặc là kẻ mưu hại hoặc là người chồng. Ý chí đấu tranh của kẻ bị hại là vô cùng bền bỉ, thậm chí trong nồi nó vẫn còn mắng nhiếc. Đến khi đem ra ăn, chồng ăn thì ngon, kẻ mưu hại hoặc con kẻ mưu hại ăn thì ngược lại, như: “Tú tài ăn thấy vừa thơm vừa ngon, ăn rồi còn muốn ăn nữa…nhưng khi nó ăn thì vừa tanh vừa thối” (bản kể 24). Ở đây chúng tôi nhận thấy có hai thái độ yêu ghét trái ngược. Bất kể hoá thân dưới dạng nào thì hai thái độ này của người bị hại cũng tồn tại song song với nhau, như khi hoá thân làm tre “Khi trời nóng ngồi dưới bụi tre mát mẻ dễ chịu, ngày nào chàng cũng thích nghỉ ngơi dưới bóng tre… nhưng khi nó đến thì tre lắc lư chìa cành móc tóc nó…” (bản kể 33), khi hóa thân là cây thì: “Khi chàng cùng đứa con và người chăn ngựa hóng mát ở dưới cây, họ ngẩng đầu là có quả đào ngon rơi xuống… nhưng khi Đạt Phật ngồi dưới gốc cây thì con rệp, con róm rơi xuống…” (bản kể 22). Hoá đá thì đá đập chân kẻ mưu hại, hoá kéo thì cắt rách áo nó, hoá làm mảnh chiếu thì chồng nằm thấy dễ chịu, nó nằm thì bị đâm, v.v… Số lần biến hoá càng nhiều thì sự xung đột càng gay gắt và ý chí báo thù càng mãnh liệt. Thân thiện với người mình yêu, có hành động trả thù đối với người mình ghét, hai thái độ đó đặt song song với nhau khiến cho xung đột giữa người bị hại và kẻ mưu hại ngày càng trở nên gay gắt hơn, làm hình thành một sự đối lập rõ rệt, nhấn mạnh vào ý nghĩa đấu tranh của sự biến hoá, hiệu quả đạt được cao hơn gấp bội.

 

2. Trở lại thành người

Lần biến hoá cuối cùng gắn liền với việc hiện trở lại thành người của người đã chết. Trong phần lớn các bản kể được khảo sát, tre thường là vật hoá thân cuối cùng. Trước khi trở thành một con người thật sự, các bản kể của dân tộc Hán, Choang hầu như đều có một tình tiết “trở lại nguyên hình”, như: “… Bà ôm lấy bóng đen hỏi: Ngươi là ai? sao lại làm cơm giúp ta? Bóng đen trả lời: Tôi là vợ tú tái hàng xóm của bà, tên là Muội Xinh, bị em gái Muội Xấu đẩy xuống giếng chết, giờ linh hồn tôi chưa tan, xin bà cho tôi cái muôi múc cơm để làm đầu, đôi đũa để làm đôi tay, mảnh giẻ lau bát để làm gan ruột, chiếc kẹp than để làm chân, như thế tôi mới có thể trở lại thành người bình thường được. Bà đưa cho Muội Xinh những thứ đó, quả nhiên, trong chốc lát, một cô gái xinh đẹp hiện ra đứng trước mặt bà” (bản kể 19). Đây là một cách trở lại nguyên hình bằng vu thuật xưa. Các bản kể khác thì thường là cô gái chứ không phải là bóng đen hiện ra để làm việc nhà, nhưng cũng cần phải đem các thứ gáo múc nước, muôi múc cơm, đũa, thừng, v.v… nấu nước rồi uống thì nàng mới trở lại làm người bình thường được.

Một số bản kể không có phần “Mưu hại” và “Biến hình tranh đấu”, ví dụ các bản kể 8, 15, 17, 29, 37, 41.

 

VI. Phần kết

Phần này có thể chia làm hai mục nhỏ là: “Đoàn tụ” và “Trừng phạt”.

 

1.   Đoàn tụ

Các bản kể hầu như đều kết thúc có hậu, tức là hai vợ chồng được đoàn tụ và sống hạnh phúc. Sau khi đã trở lại làm người, người vợ thường tìm cách làm cho người chồng chú ý. Ở các bản kể dân tộc Di, người vợ đã làm cho chồng chú ý bằng sợi tóc dài của mình, như “Một hôm chàng cưỡi ngựa qua nhà bà, khát nước bèn xuống ngựa xin chủ nhà cốc nước, con gái bà bèn mang nước cho chàng uống. Chàng uống xong thấy ở đáy cốc có một sợi tóc rất dài, kéo ra đo thì dài đúng chín trăm chín mươi chín thước. Chàng bèn để ý nhìn kỹ lại cô gái đó, nhận ra chính là vợ chàng A Nặc Sở” (bản kể 10). Trong rất nhiều bản kể, cô gái đã bảo bà lão mời chàng đến nhà ăn cơm, trong một số bản kể dân tộc Choang còn có thêm chi tiết là trong lúc con trai cô gái đang ăn đùi gà, một con mèo chạy đến cướp đùi gà, người chồng và đứa con đuổi theo thì gặp lại nàng. Bản kể của dân tộc Hán và Dao lại có chi tiết phân biệt vợ thật - vợ giả bằng “thần phán”, như “Ông chồng bảo: Hai người không phải cãi, tôi để trứng dưới chân giường, ai ngồi lên trứng không vỡ thì là Thu Liên thật…Vợ giả ngồi vào trứng bèn vỡ ngay, nhưng nó vẫn không chịu… Người chồng lại bảo:… ai nhảy qua được hố lửa là vợ thật…” (bản kể 23).

 

2.   Trừng phạt

Các bản kể thường ẩn chứa triết lý nhân sinh của nhân dân. “Ở hiền gặp lành”, “ác giả ác báo”, cùng với việc người hiền lành được sống một cuộc đời hạnh phúc thì kẻ xấu thường bị trừng phạt. Chỉ có trong một số bản kể, kẻ mưu hại bị xử nhẹ (đuổi đi ), còn lại tất cả đều bị “xử chết”.

Một hiện tượng khá lý thú là trong tay chúng tôi có 8 bản kể của dân tộc Mèo thì chỉ có bản kể 2 là cô gái đã thẳng tay trừng phạt kẻ mưu hại bằng cách nói dối chị mình rằng: gội đầu nước sôi sẽ có tóc dài, người chị bắt chước làm theo liền bị em đẩy xuống nước sôi chết. Tuy nhiên sau sự trừng phạt đó, kết cục của cô gái và chồng con nàng đã không được tốt đẹp: do bị hồn người chị quấy nhiễu, cả ba người đã buộc phải hoá thân làm loài vật khác để gặp nhau. Trong một số bản kể, việc trừng phạt kẻ xấu rất cầm chừng, hầu như đều là do một lực lượng vô hình ra tay trừng phạt, ví dụ như bị gió cuốn xuống sông chết. Thậm chí trong một số bản kể, người vợ còn dặn chồng rằng: không được hại người, kẻo sẽ không trở về được. Bản kể 6 còn có chi tiết, người chồng biết chuyện cô chị đã giết vợ, cũng chỉ nhốt cô ta vào cái rọ lợn mà thôi.

Ngoài ra, trong bản kể của những dân tộc khác, nếu kẻ xấu bị “xử chết” thì thường là do hai vợ chồng. Cách trừng phạt đối với kẻ mưu hại thường là: kẻ mưu hại hỏi người bị hại làm sao có thể đẹp bằng cô, sau đó ả bắt chước và chết. Trong đó, các bản kể của dân tộc Di thường là: kẻ mưu hại hỏi “làm sao có tóc đen và dài như thế”, ví dụ bản kể 10: “A Nặc Cấu thấy tóc A Nặc Sở vừa đen vừa dài, bèn hỏi: Chị ơi, sao tóc chị đẹp thế này? A Nặc Sở nói: Em hãy đi gánh chín bó củi và chín chum nước về, đun nước sôi gội đầu, sẽ có mái tóc đen và dài như chị… A Nặc Cấu cong lưng gội đầu ở bên nồi nước sôi, chẳng may rơi vào nồi nước sôi chết bỏng”. Còn các bản kể khác thì thường là kẻ mưu hại hỏi: làm sao cho trắng đẹp, kết quả là “bị xay chết” hoặc “tắm nước sôi chết bỏng”. Ví dụ: “Đạt Luân hỏi chị: … Chị làm cách nào để trắng đẹp được như thế? Đạt Giá trả lời: … bị xay trong cối mới được như thế đấy… Về nhà Đạt Luân bảo mẹ xay mình… chết” (bản kể 33). Nếu có tình tiết phân biệt vợ giả vợ thật bằng “thần phán” thì cái chết của kẻ mưu hại sẽ là: bị “rơi vào đống lửa” hoặc “rơi vào vạc dầu”.

Sự trừng phạt trong các bản kể 30, 40, 46, 24, 19, không chỉ dừng lại ở cái chết của kẻ mưu hại mà phát triển thêm motif “cho mụ dì ghẻ ăn thịt con” như: “Sau khi Nam Ngang chết, vua chặt xác nó làm mấy mảnh, đem chân tay nó muối thịt rồi gửi về cho mẹ nó… Mụ dì ghẻ ăn đến miếng cuối cùng mới phát hiện ra thịt muối là thịt của con, uất ức mà chết” (bản kể 30). Đây cũng chính là sự trừng phạt thích đáng cho những kẻ độc ác.

*

Qua những bước khảo sát trên, chúng tôi hy vọng đã cung cấp một bức tranh tương đối rõ nét về type truyện Cô Lọ Lem của các dân tộc miền Nam Trung Quốc. Nếu tiếp tục đi sâu lý giải về nội hàm văn hoá và những quy luật ẩn chứa trong truyện thậm chí đem so sánh với type truyện Tấm Cám của Việt Nam, chắc chắn chúng ta sẽ có thể khám phá ra nhiều điều lý thú.

 

Tác giả Đường Tiểu Thi

Đại học dân tộc Quảng Tây, Trung Quốc.

 

___________________

 

* Các bản kể chúng tôi đã dùng để khảo sát trong bài viết:

1. Cống Na xấu số (Mèo), Truyện dân gian dân tộc Mèo, Nxb. Nhân dân Vân Nam, 1988.

2. Hoa cây thuốc chàm (Mèo), Truyện dân gian Tuyên Uy, Nxb. Dân tộc Quý Châu, 1992.

3. Cốc Não Cốc Đình (Mèo), Tuyển chọn truyện dân gian các dân tộc thiểu số Trung Quốc, quyển thượng, Nxb. Văn nghệ dân gian Trung Quốc, 1981.  

4. Ba chị em (Mèo), Tư liệu văn học dân gian, tập 21. Phân hội Quý Châu Hiệp hội nhà văn Trung Quốc, Ban ngữ văn tỉnh Quý Châu, Trường Đại học Quý Châu biên soạn, những năm 1960.

5. Hỷ Lang và La Lễ (Mèo), Tư liệu văn học dân gian, tập 15, Phân hội Quý Châu Hiệp hội Nhà văn Trung Quốc, Ban ngữ văn tỉnh Quý Châu, Trường Đại học Quý Châu biên soạn, những năm 1960.

6. Á Biển và Á Lãng (Mèo), Tổng tập truyện dân gian Trung Quốc, quyển Hồ Nam, Trung tâm ISBN Trung Quốc, 2002.

7. Tư Nạn và Cốc Não (Mèo), Tư liệu văn học dân gian, tập 15. Sđd

8. Âu Lạc và Triệu Nạp (Mèo), Tổng tập truyện dân gian Trung Quốc, quyển Quý Châu. Trung tâm ISBN Trung Quốc, 2003.

9. Nàng A Từ (Di), Tuyển chọn truyện dân gian dân tộc Di, Nxb. Văn nghệ Thượng Hải, 5/1981.

10. A Nặc Sở và A Nặc Cấu (Di), Tuyển chọn truyện dân gian dân tộc Di, Nxb. Văn nghệ Thượng Hải, 5/1981.

11. Đoá Sa và Đoá Pha (Di), Tập truyện dân gian Tây Lâm, Cục Văn hoá, Uỷ ban dân tộc huyện Tây Lâm biên soạn, 5/1990.

12. Sa Từ Nhược A Ca và Dị Đô A Mỹ (Di), Tuyển chọn văn học dân gian dân tộc Di Huyện Bàn (miền Tây Quý Châu, nơi giáp giới ba tỉnh Vân Nam, Quý Châu, Quảng Tây), Cao Ngang chủ  biên, Nxb. Dân tộc Quý Châu, 7/2002.

13. A Yi Xử và A Yi Cẩu (Di), Tuyển chọn truyện dân gian các dân tộc thiểu số Trung Quốc, Nxb. Văn nghệ dân gian Trung Quốc, 1981.

14. Tập Giai (Bố Y), Truyện dân gian dân tộc Bố Y, Viện nghiên cứu văn học thuộc Viện KHXH Quý Châu biên soạn, Nxb. Nhân dân Quý Châu, 1981.

15. Truyện trên núi Quy Đãng (Động), Tuyển chọn truyện dân gian dân tộc Động, Dương Thông Sơn chủ biên, Nxb. Văn nghệ Thượng Hải, 1982.

16. Chị Tấm và em Cám (Kinh), Tổng tập truyện dân gian Trung Quốc, quyển Quảng Tây, Trung tâm ISBN Trung Quốc, 2001.

17. Con gái bò (Mu-lao), Tập truyện dân gian Long Lâm, Cục văn hoá, Uỷ ban dân tộc Huyện Long Lâm biên soạn, 2/1987.

18. A Hoa và A Tra (Hán), Tổng tập truyện dân gian Trung Quốc, quyển Quảng Tây, Trung tâm ISBN Trung Quốc, 2001.

19. Muội xấu và Muội xinh (Hán), Ba nguyện vọng, Lâm Lan chủ biên, Thư cục Bắc Tân, 1931.

20. Tỷ Hương và dì ghẻ (Hán), Tinh tuyển tác phẩm văn học dân gian Quảng Tây, quyển Ngọc Lâm, La Tú Hưng chủ biên, Nxb. Dân tộc Quảng Tây, 11/1991.

21. Chiếc giầy thêu hoa (Hán), Tinh tuyển tác phẩm văn học dân gian Quảng Tây, quyển Huyện Đằng, Tăng Nam Thành chủ biên, Nxb. Dân tộc Quảng Tây, 12/1993.

22. Mẹ bò, Truyện dân gian Quảng Đông (Hán), Thư cục Đông Phương Đài Loan photo xuất bản, 1969.

23. Thu Liên (Dao), Tổng tập truyện dân gian Trung Quốc, quyển Quảng Tây, Trung tâm ISBN Trung Quốc, 2001.

24. Truyện bò cái (Dao), Tư liệu văn học dân gian Quảng Tây.

25. Nàng kéo vàng (Bạch), Tổng tập truyện kể dân tộc Trung Hoa, quyển 5. Nxb. Văn nghệ Thượng Hải, 12/1999.

26. Trâu cái xanh (Pu-mi), Tổng tập truyện dân gian Trung Quốc, quyển Vân Nam, Trung tâm ISBN Trung Quốc, 2003.

27. Hai chị em (Va), Tổng tập truyện kể dân tộc Trung Hoa, quyển 7, Nxb. Văn nghệ Thượng Hải, 12/1999.

28. Cây Đàn Hương (Thái), Tổng tập truyện kể dân tộc Trung Hoa, quyển 6, Nxb. Văn nghệ Thượng Hải, 12/1999.

29. Hai mẹ con (Nộ), Tổng tập truyện dân gian Trung Quốc, quyển Vân Nam, Trung tâm ISBN Trung Quốc, 2003.

30. Cây hoa thần kỳ (Đơ-ang), Tổng tập truyện dân gian Trung Quốc, quyển Vân Nam, Trung tâm ISBN Trung Quốc, 2003.

31. A Tiện và A Quý (Choang), Tập truyện Sùng Tả.

32. Đạt Giá (Choang), Tinh tuyển tác phẩm văn học dân gian Quảng Tây, quyển Huyện Vũ Tuyên. Hội Văn học nghệ thuật dân gian Quảng Tây, Phòng văn nghệ dân gian Quảng Tây biên soạn, Nxb. Dân tộc Quảng Tây, 1/1991.

33. Truyện Đạt Giá (Choang), Tuyển chọn truyện dân gian dân tộc Choang, Lam Hồng Ơn biên soạn, Nxb. Văn nghệ Thượng Hải, 1984.

34. Đạt Giá và Đạt Ni (Choang), Tạp chí Văn hoá Quế Lâm, số 2/1982.

35. Nàng Đạt Giá (Choang), Tập truyện dân gian Phù Tuy. Ban biên soạn Bộ ba tổng tập văn học dân gian huyện Phù Tuy, 12/1987.

36. Đạt Giá và Đạt Luân (Choang), Tạp chí Văn học dân gian, số 3/1957.

37. Đạt Muội Giá (Choang), Tập truyện dân gian huyện Lộc Trại. Ban biên soạn Bộ ba tổng tập văn học dân gian huyện Lộc Trại, 8/1987.

38. Đạt Trát Đạt Luân (Choang), Tập truyện dân gian huyện Điền Dương. Ban biên soạn Tổng tập văn học dân gian huyện Điền Dương, 9/1988.

39. Điệp Tra (Choang), Tạp chí Xuân Duẫn của huyện, số 4/1980.

40. Độc Giả Độc Bình (Choang), Tập truyện Lăng Vân, 1987.

41. Mụ dì ghẻ độc ác (Choang), Tập truyện dân gian huyện Thượng Tư, 6/1988.

42. Nàng Kim Anh (Choang), Tập truyện dân gian huyện Long An, 10/1987.

43. Muội Duẫn (Choang), Tinh tuyển tác phẩm văn học dân gian Quảng Tây, quyển Nam Ninh. Hội văn học nghệ thuật dân gian Quảng Tây, Phòng nghiên cứu văn nghệ dân gian Quảng Tây biên soạn, Nxb. Dân tộc Quảng Tây, 5/1996.

44. Nàng Duẫn (Choang), Tập truyện dân gian Phù Tuy. Ban biên soạn Bộ ba tổng tập văn học dân gian huyện Phù Tuy, 12/1987.

45. Dĩ Giai và Dĩ Lãnh (Choang), Tập truyện Bách Sắc, 5/1986.

46. Vưu Ái Hoa (Choang), Tập truyện Nghi Sơn.

47. Truyện Tra và Lận (Choang), Tập truyện huyện Đức Bảo, 5/1987.



Tạp chí Nghiên cứu Văn học số 8/2007

 

Danh mục website