Ảnh hưởng của Kinh Dịch đối với văn hóa Trung Quốc


Dương Chấn Ninh hiện là Giao sư ĐH Thanh Hoa
Bắc Kinh và ĐH Hồng Công.

Trong bài phát biểu ngày 3/9/2004 tại Diễn đàn đỉnh cao văn hóa 2004 tại Bắc Kinh, GS Dương Chấn Ninh (Nobel Vật lý năm 1957), cho rằng Kinh Dịch ảnh hưởng sâu sắc đến cách tư duy trong văn hóa Trung Quốc và đây là một trong các nguyên nhân quan trọng làm cho khoa học cận đại không nảy sinh tại Trung Quốc.

Đề tài bài nói của tôi là Ảnh hưởng của Kinh Dịch đối với văn hóa truyền thống Trung Quốc; trong mấy chục phút sau đây tôi sẽ bàn về nhiều quan niệm: tinh giản, tỉ loại [1], thiên nhân hợp nhất, liên tưởng, thủ tượng, sự hình thành Hán ngữ và Hán tự, quy nạp. Trong một thời gian ngắn không thể nói rõ nhiều quan niệm như vậy, nên xin chỉ tập trung bàn 3 vấn đề sau: [Hình 1]

Tinh thần của Kinh Dịch là gì: cô đọng hóa, phân loại hóa, trừu tượng hóa, tinh giản hóa, ký hiệu [phù hiệu] hóa ... là tinh thần của Kinh Dịch. Tôi cho rằng tinh thần ấy xuyên suốt đến từng xó xỉnh trong nền văn hóa truyền thống Trung Quốc mấy nghìn năm.

1) Kinh Dịch ảnh hưởng tới phương thức tư duy của văn hóa truyền thống Trung Quốc; ảnh hưởng đó là một trong các nguyên nhân quan trọng khiến cho khoa học cận đại không thể nảy sinh tại Trung Quốc.

2) Kinh Dịch là một trong các nguyên nhân làm cho Hán ngữ trở thành ngôn ngữ đơn âm.

3) Kinh Dịch ảnh hưởng tới quan niệm thẩm mỹ của văn hóa Trung Quốc.

 
Hình 1. Chữ ở chính tâm vòng tròn:  “Dịch”
Các chữ ở trên vòng tròn, theo chiều kim đồng hồ, từ vị trí chính giữa trên: “Tinh giản”,  “Thiên nhân hợp nhất”, “Liên tưởng”,  “Hán ngữ”, “Hán tự”, “Quy nạp”, “Thủ tượng”, “Tỉ loại”


Tôi làm công tác nghiên cứu vật lý, chưa từng nghiên cứu sử học, khảo cổ học, ngôn ngữ học, mỹ học, triết học; nhưng gần đây tôi bắt đầu quan tâm tới nguồn gốc hình thành văn hóa Trung Quốc. Bởi vậy, nhân dịp này tôi xin mạnh dạn trình bày một số suy nghĩ của mình.

Mọi người đều biết Kinh Dịch là một văn bản rất cổ của Trung Quốc, nghe nói từ triều đại nhà Hạ đã có bản Kinh Dịch sớm nhất, gọi là Liên Sơn. Đời nhà Thương có sưu tập bảo quản nhưng đều thất truyền. Kinh Dịch mà chúng ta hiện nay được thấy là Chu Dịch thời Tây Chu. Cho nên thời gian thai nghén Kinh Dịch ít nhất trải qua hơn 1000 năm. Tôi nghĩ mọi người có thể đồng ý với kết luận đó.

64 quẻ của Kinh Dịch bắt đầu bằng quẻ Càn và quẻ Khôn. Nếu hỏi Kinh Dịch hình thành như thế nào, tôi cho rằng mọi người có thể chấp nhận cách nói như sau: Trung Quốc phát triển bói toán sớm nhất, vì muốn hiểu bói toàn một cách có hệ thống nên đã phát triển quái phù [ký hiệu của quẻ]. Tất cả 64 quẻ đều có quái phù. Càn là 6 vạch nét liền. Khôn là 6 vạch nét đứt. Sau khi có quái phù còn phải có tên gọi [quái danh] và chữ [tự] cho mỗi quẻ. Tên quẻ có âm [âm thanh]; có âm vẫn chưa đủ, bèn có một chữ [tự]. Có lẽ thứ tự trước sau quá trình phát triển này là như vậy. Vì tôi không nghiên cứu khảo cổ học nên tôi nghĩ rằng rất có thể cái thứ tự ấy ít nhiều có phần đúng.

Chúng ta biết rằng niên đại thai nghén Kinh Dịch cũng là niên đại Hán ngữ, Hán tự bắt đầu hình thành, là niên đại thai nghén nền văn hóa Trung Hoa. Những quẻ này là “Tượng”; trong Chu Dịch có nói như thế. “Tượng” là quan niệm đã cô đọng, là cái “Tượng” dùng quái phù, tên quẻ để phân loại sự biến thiên của trời, đất, người.

Có thể nói đoạn trình bày ở trên dùng ngôn ngữ ngày nay để thuật lại chuyện rốt cuộc tinh thần của Kinh Dịch là gì: cô đọng hóa, phân loại hóa, trừu tượng hóa, tinh giản hóa, ký hiệu [phù hiệu] hóa ... là tinh thần của Kinh Dịch. Tôi cho rằng tinh thần ấy xuyên suốt đến từng xó xỉnh trong nền văn hóa truyền thống Trung Quốc mấy nghìn năm.

Chẳng hạn có cực nhiều thí dụ về tinh giản phân loại. Ngày nay ta đều biết trong lý luận Trung Y có một điểm quan trọng là chia bệnh tật và y dược thành các loại âm dương, nóng lạnh, trong ngoài; dùng quan niệm phân loại này làm tiền đề lớn để phát triển lý luận Trung Y. Đó là thứ truyền lại từ truyền thống của Kinh Dịch. Ta có thể nêu ra rất nhiều thí dụ như vậy.

Nguyên nhân làm cho khoa học cận đại không nảy sinh ở Trung Quốc

Vì sao khoa học cận đại không nảy sinh tại Trung Quốc ? Vấn đề này đã có rất nhiều người bàn thảo. Quy nạp lại, đại để có 5 lẽ sau.

Thứ nhất, truyền thống của Trung Quốc là nhập thế chứ không phải xuất thế. Nói cách khác là tương đối chú trọng thực tế, không chú trọng lý luận trừu tượng.

Thứ hai, [Trung Quốc áp dụng] chế độ khoa cử.

Thứ ba, [văn hóa truyền thống Trung Quốc] có quan niệm cho rằng kỹ thuật không quan trọng, cho rằng đó chỉ là “Kỳ kỹ dâm sảo” [sản phẩm kỳ dị mà tinh xảo].

Thứ tư, [văn hóa] truyền thống Trung Quốc không có phương pháp tư duy kiểu suy diễn.

Thứ năm, có quan niệm Thiên nhân hợp nhất.

Tôi cho rằng điểm thứ 4 và 5 có quan hệ khăng khít với Kinh Dịch.

Trước hết nói về điểm thứ tư.

Nội hàm của Thiên nhân hợp nhất quyết không phải chỉ là “nội ngoại nhất lý” mà còn có “Thiên nhân hài hòa” quan trọng hơn. Thiên nhân hài hòa có ảnh hưởng cực lớn tới truyền thống Trung Quốc.

Phương pháp tư duy của khoa học cận đại có đồ thị như sau về hai loại phương pháp tư duy kiểu suy diễn và kiểu quy nạp. [Hình 2]

Quy nạp và suy diễn [tiếng Anh là Inductive method và Deductive method] đều là phương pháp tư duy không thể thiếu trong khoa học cận đại. Để trình bày rõ điểm này, ta hãy xem xét lịch sử xây dựng phương trình Maxwell do Maxwell (1831-1879) sáng lập.


Hình 2. Hình bên trái, từ trên xuống:  “Quy luật tự nhiên”;  chữ trong khung: “Quy nạp”
Hình bên phải, từ trên xuống:  “Quy luật tự nhiên”;  chữ trong khung: “Suy diễn”
Dòng chữ ở dưới: Hai phương pháp tìm kiếm quy luật tự nhiên của khoa học cận đại. Phương pháp quy nạp được biểu diễn bằng đường nét đứt thể hiện sự khó khăn của phương pháp này. Phương pháp suy diễn được biểu diễn bằng nét liền, thể hiện sự dễ dàng của phương pháp này.


Maxwell là nhà vật lý vĩ đại nhất thế kỷ XIX. Vào giữa thế kỷ ấy, ông viết ba bài báo đặt nền móng kết cấu chính xác cho sóng điện từ, qua đó làm thay đổi lịch sử nhân loại. Các phát minh sau này được phát triển trong thế kỷ XX như vô tuyến điện, truyền hình, thông tin mạng v.v... tất cả đều dựa trên cơ sở phương trình Maxwell. Vậy ông làm như thế nào để có được kết quả có tính chất đánh dấu thời đại như thế?

Trong bài báo thứ nhất, Maxwell đã sử dụng phép quy nạp; trong đó có một đoạn như sau :

“Chúng ta cần nhận thức được việc các nhánh của vật lý học rất giống nhau; tức là nói trong vật lý học có các nhánh khác nhau nhưng kết cấu của chúng lại có thể chứng minh lẫn cho nhau.”

Ông dùng quan niệm đó để nghiên cứu ra cách viết phương trình điện từ học, lấy một số phương trình cơ học chất lỏng làm bản gốc. Phương pháp nghiên cứu này tuân theo tinh thần của phép quy nạp.

Mấy năm sau, trong bài báo thứ ba, ông vận dụng phương pháp suy diễn vào phương trình điện từ (được lập nên bằng phương pháp quy nạp), đi tới kết luận : các phương trình đó thể hiện điện từ có thể truyền đi dưới hình thức sóng với tốc độ sóng phù hợp tốc độ ánh sáng lúc ấy đã biết, cho nên “ánh sáng tức là sóng điện từ”. Đây là một suy luận đánh dấu thời đại, nó đã thúc đẩy sự phát triển KHKT thế kỷ XX và phương thức sinh hoạt của loài người ngày nay.

Câu chuyện trên thể hiện rõ phương pháp quy nạp và suy diễn đồng thời là phương pháp tư duy cơ bản của khoa học cận đại.

Một đặc sắc lớn của văn hóa truyền thống Trung Hoa là có phương pháp quy nạp nhưng không có phương pháp suy diễn. Trong đó đâu là nguồn gốc của phương pháp quy nạp ?
“Dịch giả tượng dã”, “Thánh nhân lập tượng dĩ tận ý”, “Thủ tượng bỉ loại”, “Quan vật thủ tượng”.

Những câu này đều quán xuyến tinh thần của Kinh Dịch, đều là phép quy nạp, là phương pháp hướng lên trên tìm cái “Tượng” toàn bộ.

Thế nhưng văn hóa Trung Hoa không phát triển ra phép suy diễn. Làm sao ta có thể chứng minh khiếm khuyết ấy ? Mời quý vị xem một số câu nói của Từ Quang Khải (1562-1633), một vị đại thần cuối thời nhà Minh, cũng là một đại học giả. Mọi người đều biết ông là người đầu tiên hợp tác với Matteo Ricci [2] phiên dịch bản gốc tác phẩm hình học của Euclide; hai người đã dịch được 6 chương đầu tiên. Hiện nay trong nước còn giữ được mấy bản dịch gốc của họ. Tôi có lần đến Thư viện Bắc Kinh mượn đọc bản gốc đó.

Hình học Euclide là một cống hiến lớn trong lịch sử loài người, đầu tiên quy luật hóa phép suy diễn, có ảnh hưởng rất lớn, không thể tính toán được. Sau này Newton viết Principia Mathematica [Nguyên lý toán học của khoa học tự nhiên]. Nếu đọc cuốn sách ấy thì bạn sẽ thấy phương pháp viết của Newton hoàn toàn theo phương pháp trong bản gốc Hình học Euclide, tức là từ các tiên đề, định lý đi tới chứng minh v.v...Cuốn sách ấy sao chép hình thức phép suy diễn của Euclide. Điều không may là Từ Quang Khải dịch sách hình học Euclide tuy sớm (hồi đó Newton chưa ra đời) nhưng trong gần 300 năm sau khi dịch, sách này chưa gây được ảnh hưởng nên có tại Trung Quốc.

Sau khi dịch sách nói trên, Từ Quang Khải hiểu được một đặc điểm của phép suy diễn là “Dục tiền hậu cánh trí bất khả đắc [Không được thay đổi thứ tự trước sau].”

Tức là không được đảo lộn thứ tự các suy luận. Điều này khác với truyền thống của Trung Quốc. Truyền thống Trung Quốc không chú ý logic, không chú ý thứ tự thuyết lý, đòi hỏi người đọc tự mình hiểu ra kết luận cuối cùng. Từ Quang Khải còn có mấy câu rất nổi tiếng như sau:

Tự chí hối, thực chí minh [có vẻ tối tăm, thực ra là sáng sủa],

Tự chí phồn, thực chí giản [có vẻ phức tạp, thực ra đơn giản],

Tự chí nan, thực chí dịch [có vẻ khó, thực ra dễ].

Đây cũng là đặc điểm của phương pháp suy diễn. Sau khi hiểu được tinh thần của phương pháp suy diễn thì sẽ hiểu được suy diễn thực ra dễ hơn quy nạp. Xin xem hình vẽ 2.

Dưới đây xin nói về điểm thứ 5, tức quan niệm “Thiên nhân hợp nhất”

“Thiên nhân nhất vật”, “Lý nhất phân thù”, “Nội ngoại nhất lý” bắt nguồn từ chỗ mỗi một quẻ trong Kinh Dịch đều bao hàm đạo trời, đạo đất, và đạo người (nhân đạo), quy luật của trời và quy luật của người là một.

Chúng ta đều biết Vương Dương Minh khi tìm hiểu cây tre [nguyên văn : cách trúc tử ?] muốn dùng cái “Lý” [lý lẽ] trong đời người để tìm kiếm cái “Lý” trong giới tự nhiên. Dĩ nhiên làm như thế không thể nào sáng tạo được khoa học cận đại. Một đặc điểm của khoa học cận đại là phải thoát ra khỏi quan niệm Thiên nhân hợp nhất, phải thừa nhận đời người có quy luật của đời người, có các hiện tượng phức tạp của đời người; thiên nhiên có quy luật của thiên nhiên, có các hiện tượng phức tạp của thiên nhiên. Trời và người là hai chuyện khác nhau, không thể hợp làm một.

Tất nhiên tôi nói như thế sẽ làm cho rất nhiều người, nhất là những người nghiên cứu triết học Trung Quốc, cảm thấy tôi công kích triết học truyền thống Trung Quốc ghê gớm quá. Tôi hoàn toàn không có ý công kích. Nội hàm của Thiên nhân hợp nhất quyết không phải chỉ là “nội ngoại nhất lý” mà còn có “Thiên nhân hài hòa” quan trọng hơn. Thiên nhân hài hòa có ảnh hưởng cực lớn tới truyền thống Trung Quốc. Vả lại khi nói về hiện trạng thế giới ngày nay, chúng ta có thể hỏi, vứt bỏ Thiên nhân hợp nhất mà hoàn toàn dùng các biện pháp của phương Tây để phát triển thế giới phải chăng sẽ có hiện tượng Thiên nhân đối lập? Đây là một đề tài vô cùng quan trọng, nhưng nó không nằm trong phạm vi tôi có thể thảo luận hôm nay.

Nguồn gốc của Hán ngữ, Hán tự

Các ngôn ngữ nguyên thủy và ngôn ngữ chín muồi trên thế giới đều là ngôn ngữ đa âm [nguyên văn: phức âm]; rất hiếm có ngôn ngữ đơn âm. Tôi không nắm được bất kỳ một ngôn ngữ chín muồi nào khác là ngôn ngữ đơn âm như Hán ngữ. Gần đây các nhà khảo cổ phát hiện 16 nghìn năm trước, người dân Giang Tây đã thu thập lúa dại để làm lương thực chính. Cho nên hơn 10 nghìn năm trước đã hình thành văn hóa Trung Hoa. Ta có thể tin rằng hồi ấy họ đã có ngôn ngữ. Ta cũng có lý do có thể giả thiết những ngôn ngữ mà tổ tiên ta sử dụng hồi ấy là ngôn ngữ đa âm. Thế thì vì sao sau này lại biến ra thành Hán ngữ đơn âm?

Từ Hán ngữ đa âm biến thành Hán ngữ đơn âm nhất định phải trải qua một quá trình rất dài, hơn nữa nhất định phải có lý lẽ của nó, vì đây là một chuyện rất độc đáo.

Tôi cho rằng thời đại hình thành văn hóa Trung Hoa, thời đại hình thành Hán ngữ đã chịu ảnh hưởng từ tên gọi các quẻ trong Kinh Dịch, từ Kinh Dịch phát triển ra quan niệm ở tầng sâu cho rằng tinh giản là đẹp, cô đọng là đẹp

Tôi có một giả thiết mạnh dạn như sau : sự biến đổi đó chịu ảnh hưởng của Kinh Dịch. Tên quẻ [quái danh] là đơn âm. Càn, Khôn, .... đều đơn âm cả. Đó là những từ tầng lớp thống trị sử dụng, có tính chất thần bí, có ảnh hưởng lớn, đọc lên có sức mạnh. Lâu ngày nó sẽ hình thành một giá trị quan coi trọng ký hiệu [phù hiệu] đơn âm, về sau ảnh hưởng tới toàn bộ sự phát triển Hán ngữ.

Hôm nay tại đây có sự hiện diện của các chuyên gia ngôn ngữ; ý kiến của tôi là rất mạnh dạn, hy vọng sẽ không bị các nhà ngôn ngữ học đập cho tơi bời. Chúng ta xem : Nguyên, Hưởng, Lợi, Trinh, Cát, Hung, Âm, Dương, Nhật, Nguyệt, Thiên, Địa - những chữ đơn âm này có thanh có sắc, có sức nặng, nói ra có tác động, dĩ nhiên có ảnh hưởng quan trọng đối với sự phát triển của toàn bộ ngôn ngữ văn tự. Cho nên vừa rồi tôi nói tôi đoán là Hán ngữ, Hán tự sở dĩ biến thành ngôn ngữ văn tự đơn âm là có quan hệ khăng khít với Kinh Dịch.

Quan niệm thẩm mỹ của văn hóa Trung Hoa

Tinh thần cô đọng hóa, phân loại hóa, trừu tượng hóa, tinh giản hóa, ký hiệu hóa của Kinh Dịch có ảnh hưởng cực kỳ sâu rộng đối với văn hóa Trung Hoa. Dưới đây tôi xin bàn qua về ảnh hưởng của Kinh Dịch đối với Hán ngữ, văn phạm Hán ngữ, văn học, nghệ thuật, thư pháp.

Từ Word trong tiếng Anh thường được dịch là “chữ” (tự). Dịch như thế không thỏa đáng. Nên dịch là “từ”, cấu tạo bởi một hoặc vài chữ. Thí dụ “hiện đại”, “sở dĩ” đều là từ có 2 chữ. Từ có thể cấu tạo bởi một, hai hoặc nhiều chữ, nhưng tuyệt đại đa số là 1 hoặc 2 chữ, ít từ có 3 chữ trở lên. Phần lớn từ có 3 chữ hoặc trên 3 chữ là phức từ, hoặc là từ dịch âm. Thí dụ “ngoại tổ phụ [ông ngoại]”, “Động Đình hồ” là phức từ; “Thành Cát Tư Hãn” là từ dịch âm.
Thế kỷ XIX Trung Quốc bắt đầu phiên dịch tên các nguyên tố, khi ấy cũng chỉ dùng một chữ, như “Dưỡng [oxygen]”, “Lưu [sulphur]”, “Lôi [radium]”; những từ này trong tiếng Anh đều là từ đa âm, khi người Trung Quốc dịch đều biến thành một từ đơn âm.

Vì sao lại hà tiện [từ ngữ] thế? Tôi cho rằng thời đại hình thành văn hóa Trung Hoa, thời đại hình thành Hán ngữ đã chịu ảnh hưởng từ tên gọi các quẻ trong Kinh Dịch, từ Kinh Dịch phát triển ra quan niệm ở tầng sâu cho rằng tinh giản là đẹp, cô đọng là đẹp. Quan niệm thẩm mỹ đó đã ảnh hưởng tới sự hình thành từ.

Tất cả các ngôn ngữ trên thế giới đều có văn phạm [văn pháp] tầng sâu như nhau, sau đấy các ngữ hệ khác nhau tự phát triển trên cơ sở văn phạm tầng sâu đó. Đây là một phát hiện lớn của Chomsky. So sánh các ngôn ngữ khác nhau sẽ thấy mỗi loại ngôn ngữ đều có danh từ, động từ, tính từ [adjjective], giới từ [adverb] v.v...Nhưng Hán ngữ có một đặc điểm lớn là rất ít dùng giới từ. Thí dụ không nói “Bố của tôi” mà nói “Bố tôi”; không nói “chạy một cách chầm chậm” mà nói “chạy chậm”, bỏ bớt giới từ. Cho nên người phương Tây nói Trung văn là văn tự kiểu điện báo telex, nhất là cổ văn. Những áng cổ văn hay đúng là văn học cực đẹp. Một trong các nguyên nhân đẹp là cổ văn không tuân theo phương thức phát triển văn phạm thông thường và cố gắng dùng ít từ nhất để diễn đạt nhiều ý nhất. Quan niệm thẩm mỹ này là sự tiếp nối của tinh thần cô đọng hóa, tinh giản hóa trong Kinh Dịch.


Hình 3. Chữ trong vòng trên : « Phong »’ chữ trong vòng dưới: bên trái là “Phong”, bên phải là “Vân”


Trong bất cứ nền văn học nào trên thế giới, liên tưởng đều có vai trò quan trọng, mà trong văn học Hán văn thì nó có vị trí đặc biệt quan trọng, bởi lẽ các từ trong Hán văn thường thường cấu tạo bởi một số chữ đơn âm, thường hay được hình thành căn cứ theo liên tưởng. Thí dụ từ “phong khí”, “phong vân”, “phong lưu”, “phong cảnh”, “phong quan”, “phong vũ” đều là các từ hình thành từ sự liên tưởng. Có thể dùng hình vẽ sau để biểu thị từ “phong vân” (Hình 3)
Kết cấu của từ này càng tiến một bước thúc đẩy văn học Hán văn diễn biến trở thành văn học liên tưởng, “Vân tưởng y thường hoa tưởng dung” [3], “Tần thời minh nguyệt Hán thời quan” [4] đều là sự liên tưởng đã thăng hoa.

Ý cảnh được hội họa truyền thống Trung Hoa theo đuổi thì hoàn toàn khác với hội họa truyền thống phương Tây, là hình vẽ “quan vật thủ tượng [xem vật lấy hình]” chứ không phải hình vẽ chụp hình; là hình vẽ tinh thần chứ không phải hình vẽ giống nhau; là hình vẽ thiên nhân hợp nhất chứ không phải hình vẽ ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên. Tôi cho rằng tinh thần tư duy ấy bắt nguồn từ Kinh Dịch.
Còn nói về ảnh hưởng của Kinh Dịch đối với thư pháp [thư họa] thì càng rõ hơn. Thư pháp có vai trò cực kỳ quan trọng trong văn hóa Trung Hoa truyền thống, các nền văn hóa khác không có thư pháp.

Nhưng rõ ràng thư pháp có mối quan hệ trực tiếp với tinh thần cô đọng hóa, ký hiệu hóa, trừu tượng hóa của Kinh Dịch. Ông Hùng Bỉnh Minh bạn tôi, một nhà thư pháp, nhà điêu khắc, nhà văn, nhà bình luận văn học có viết trong sách “Hệ thống lý luận thư pháp Trung Quốc” rằng cốt lõi của văn hóa Trung Quốc là triết học, cốt lõi của cốt lõi văn hóa Trung Quốc là thư pháp. Sở dĩ tôi hoàn toàn đồng ý câu ấy của ông là do thư pháp đã cụ thể hóa, hiện thực hóa tinh thần của Kinh Dịch.

                                                                                      Nguyễn Hải Hoành  lược dịch

Ghi chú của người dịch:

[1] Gọi đầy đủ là “Thủ tượng tỉ loại”: một phương pháp tư duy vận dụng các khái niệm trực quan có cảm tính, hình tượng và ký hiệu để diễn tả ý nghĩa trừu tượng của thế giới được nghiên cứu, thông qua phương thức loại suy, tượng trưng. Còn gọi là phương pháp tư duy “ý tượng”. Có lẽ chỉ có ở TQ.
[2] Matteo Ricci (1552-1610), người Ý, nhà truyền đạo Thiên Chúa; 1582 đến TQ, quen nhiều học giả TQ; có công giới thiệu khoa học tự nhiên phương Tây cho TQ.
[3] Là câu đầu tiên trong bài thơ 4 câu Thanh Bình Điệu của Lý Bạch, nhằm tả vẻ đẹp của Dương Quý Phi, ý nói: Nhìn mây mà nghĩ tới xiêm y của Dương; nhìn hoa mà nghĩ tới dung mạo của Dương. Trần Trọng San dịch là : Mặt tưởng là hoa, áo ngỡ mây.
[4] Là câu đầu tiên trong 4 câu bài thơ thất ngôn tuyệt cú Xuất Tái (chu sai) của nhà thơ Vương Xương Linh đời Đường, ý nói : Nhìn trăng sáng mà nghĩ tới nơi biên ải (Vẫn là trăng sáng thời nhà Tần, vẫn là biên ải thời nhà Hán, nhưng quan san đã thay đổi, thời Tần Hán đã qua rồi. Câu tiếp sau là: tướng sĩ viễn chinh tới nay vẫn chưa trở về. Bài thơ nói lên sự tàn khốc của chiến tranh và ước vọng hòa bình).

 
杨振宁:《易经》对中华文化的影

 Nguồn: http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=115&CategoryID=41&News=4501

Danh mục website