Sách cho thiếu nhi

       

Có lẽ một trong những nỗi lo lớn nhất về đời sống tinh thần hiện nay là sự nghèo nàn trong hưởng thụ văn hoá của lứa tuổi thiếu niên và nhi đồng. Một mặt, chương trình học tập ở nhà trường quá nặng nề, lấy mất hết thì giờ giải trí, thư giãn của các em, kể cả trong mùa hè. Mặt khác, ngay cả khi tìm được thời gian để hưởng thụ văn hoá, thì các em cũng không có nhiều phương tiện để chọn lựa: sân khấu, rạp chiếu phim cho các em quá ít, hồ bơi quá tải, sân vận động không đủ chỗ phải đá bóng ngoài đường, công viên để sinh hoạt tập thể ngày càng thu hẹp…

          Trong hoàn cảnh như vậy, đối với nhiều phụ huynh, đọc sách là giải pháp hợp lý nhất để giúp các em sử dụng thời gian nhàn rỗi. Cuối tuần cha mẹ thường dẫn con đến hiệu sách tìm tác phẩm hay. Dịp nghỉ Tết hay nghỉ hè, phần thưởng quen thuộc nhất của nhà trường, gia đình cho các em là những cuốn sách mới. Cứ nhìn vào sức hút của bộ truyện tranh Doraemon, bộ truyện Harry Potter trước đây hay những tác phẩm mới của Nguyễn Nhật Ánh gần đây thì đủ biết sự khao khát sách nơi thiếu nhi, mặc dù có bị lấn át bởi phim vidéo và các trò chơi điện tử, vẫn còn lớn biết nhường nào!

          Trước tình hình đó, phải nói là người lớn không chu toàn trách nhiệm nếu không chăm lo bồi dưỡng văn hoá đọc cho thế hệ thiếu nhi. Đội ngũ nhà văn viết cho thiếu nhi ngày càng thưa vắng, không biết bao giờ mới xuất hiện những cây bút thay chỗ cho những tài năng đã ra đi: Đoàn Giỏi, Xuân Sách, Xuân Quỳnh, Trần Thanh Địch, Trần Hoài Dương, Minh Quân… Số lượng bản in sách dành cho thiếu nhi ở nước ta có lẽ thuộc loại thấp so với các nước châu Á. Điều đó cũng dễ giải thích, vì với dân số phát triển như hiện nay, số nhà xuất bản (NXB) chuyên làm sách cho thiếu nhi quả là quá ít: trên thực tế chỉ có hai đơn vị là NXB Kim Đồng và NXB Trẻ! Riêng NXB Trẻ thì việc làm sách thiếu nhi chỉ là một phần chức năng vốn tiếp quản từ NXB Măng Non trước đây.

           Ý thức được nhu cầu ngày càng lớn về sách thiếu nhi, một số đơn vị đang tìm cách bổ sung nguồn sách này cho xã hội. Các nhà xuất bản ở trung ương và địa phương, khi có những bản thảo giá trị, vào hàng “kinh điển” của văn học thiếu nhi (như của H. C. Andersen, S. Lagerlof, A. France, A. Daudet, Saint-Exupéry, S. Marshak, Tô Hoài…) vẫn sẵn sàng đầu tư để phục vụ bạn đọc. Gần đây một số tác phẩm trong tủ sách Tuổi hoa trước 1975, được sự hỗ trợ của NXB Phương Đông, đã được tái bản. Dù sao, đây cũng chỉ là hoạt động có quy mô nhỏ và không thường xuyên nên chưa có tác dụng mạnh mẽ đến thị trường sách thiếu nhi.

           Luật xuất bản của ta hiện nay chưa cho phép thành lập NXB tư nhân. Điều đó có cái lợi là Nhà nước dễ quản lý nhưng cũng hạn chế sự cạnh tranh trong việc tạo ra những sản phẩm văn hoá phục vụ cho công chúng. Thiết nghĩ, chăm lo đến giáo dục thiếu nhi, cần phải tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sự hình thành một thị trường sách thiếu nhi đa dạng, lành mạnh và có giá thành hợp lý. Vì vậy, chúng tôi mạnh dạn đề nghị chính phủ cho phép thành lập NXB tư nhân về sách thiếu nhi. NXB này sẽ lo tổ chức bản thảo, biên tập, đăng ký, xét duyệt và xuất bản sách dành riêng cho bạn đọc thiếu nhi gồm các thể loại khác nhau: sách giáo dục lẽ sống và kỹ năng sống, sách phổ biến tri thức khoa học, sáng tác văn học nghệ thuật… So với sách dành cho người lớn, sách thiếu nhi ít có nội dung chính trị trực tiếp và những vấn đề “nhạy cảm” nên việc biên tập chắc cũng không phức tạp lắm. Bộ Thông tin và Truyền thông, thông qua Cục Xuất bản, giữ vai trò chỉ đạo, quản lý và định hướng trong việc cấp phép thành lập cho những người có uy tín và trách nhiệm giữ cương vị giám đốc hay tổng biên tập, xét duyệt những đầu sách có giá trị và kiểm tra sản phẩm sau khi nộp lưu chiểu. Luật pháp sẽ áp dụng biện pháp chế tài đối với những trường hợp vi phạm.

            Chúng tôi hiểu việc cho phép thành lập NXB tư nhân phục vụ thiếu nhi, hiện chịu sự điều chỉnh của luật xuất bản, là việc chưa có tiền lệ. Nhưng trước yêu cầu của cuộc sống, vì tương lai của thế hệ trẻ, nhà nước có thể áp dụng thí điểm để rút kinh nghiệm. Chúng tôi tin chắc rằng, nếu được cho phép, nhiều nhà văn hoá có kinh nghiệm, nhiều doanh nhân có tâm huyết sẵn sàng tham gia vào lĩnh vực này để tiếp sức với những NXB đang có, làm phong phú món ăn tinh thần của độc giả thiếu nhi.

Bài viết cùng tác giả

Danh mục website