Khi nhà giáo viết sách

        Nhà giáo có thể viết nhiều loại sách: sáng tác, sưu tầm, biên khảo, dịch thuật…; ở đây chỉ xin nói về các loại sách sử dụng trong nhà trường: sách giáo khoa, giáo trình, chuyên luận, tài liệu tham khảo…

        Trước hết, nói về các nhà giáo ở trung học. Sách giáo khoa hiện nay thường được xem là “pháp lệnh”, mặc dù báo chí đã chỉ ra không biết bao nhiêu lỗi. Là “pháp lệnh”, nên không phải ai cũng có thể tham gia biên soạn. Nhiều nước trên thế giới áp dụng một chương trình giáo dục thống nhất, còn sách giáo khoa thì có thể có nhiều bộ khác nhau, phát huy năng lực sáng tạo của nhiều soạn giả hay tập thể soạn giả, để cho các trường, các thầy cô giáo có khả năng chọn lựa bộ sách hay nhất mà dạy cho học sinh. Ngay ở miền Nam trước đây, cả khoa học xã hội và khoa học tự nhiên đều có nhiều bộ sách giáo khoa, và dư luận đều biết bộ nào thực sự có uy tín. Sau 1975, một thời ở nước ta có hai bộ sách giáo khoa dùng cho hai miền, sau hợp nhất thành một bộ, còn bây giờ thì trở lại hai bộ: một dành cho chuyên ban, một dành cho ban cơ bản; nhưng tuyệt đại đa số học sinh học ban cơ bản, vì vậy mà bộ sách thứ hai này giữ vai trò áp đảo.

         Biên soạn sách giáo khoa là một vinh dự và trách nhiệm lớn lao như vậy nên chỉ có những nhà giáo tiếng tăm, có trình độ cao mới được chọn lựa. Đã từng có chuyện eo sèo về việc tranh giành để có chỗ đứng trong ban biên soạn hay tìm cách hạ uy tín đồng nghiệp là tác giả bộ sách đối trọng với mình. Điều đáng phiền nhất là vì cần những người thông thái và nổi tiếng nên hầu hết soạn giả sách giáo khoa trung học là những giáo sư và giảng viên đại học, trong đó có nhiều vị chưa dạy trung học ngày nào. Hậu quả là kiến thức trong sách thì rất cao sâu nhưng lại không hợp với tâm lý tiếp nhận của học sinh, dẫn đến tình trạng quá tải trong dạy và học như xã hội báo động mấy năm gần đây.

         Trước tình hình đó, đóng góp của các thầy giáo có kinh nghiệm trực tiếp dạy học về mặt này chỉ có thể là trên lĩnh vực viết sách tham khảo, hướng dẫn luyện thi tú tài và đại học. Không thể phủ nhận rằng có những bộ sách tham khảo, bồi dưỡng văn hoá… có ích cho học sinh; nhưng nhìn chung đây là thị trường sách hỗn loạn nhất hiện nay. Dường như là một quy luật có tính bù trừ: khi có sự siết lại trong xuất bản sách giáo khoa chính phẩm thì đồng thời lại có sự bung ra thoải mái cho các sách phụ trợ, thứ phẩm.

         So với các nhà giáo trung học, việc viết sách của các nhà giáo đại học gắn với chuyên môn hẹp nên sự cạnh tranh không khốc liệt bằng. Số lượng in và nhuận bút đều thấp, trong khi tài liệu tham khảo nước ngoài phải mua giá cao là những lý do không khuyến khích nhà giáo đại học viết sách. Một thực trạng dễ cắt nghĩa là hiện nay đại đa số giảng viên đại học sẵn sàng nhận nhiều giờ dạy cho các trường khác nhau để tăng thu nhập mà không mấy hăng hái nhận các đề tài nghiên cứu, biên soạn. Đó là chưa kể một thực trạng khác: có những đề tài hay chương trình nghiên cứu được cấp kinh phí khá lớn, nhưng sau khi nghiệm thu thì đưa vào cất kỹ trong ngăn kéo mà không hề được công bố thành sách.

         Viện biên soạn sách ở đại học còn gặp một vấn nạn nan giải, đó là tình trạng vi phạm bản quyền. Thỉnh thoảng báo chí đưa tin nơi này nơi khác có hiện tượng “luộc” giáo trình, nhưng đây chỉ là một khía cạnh của vấn đề. Việc đáng kêu cứu hơn nữa là nạn photocopy thả dàn các giáo trình, chuyên khảo, tài liệu tham khảo trong sinh viên. Chỉ cần dạo qua những con phố hoạt động chính của các cửa hiệu photocopy gần các trường đại học, thì có thể thấy hàng ngàn cuốn sách được “nhân bản” sẵn sàng cung cấp cho người có nhu cầu. Trong việc này, cả người bán lẫn người mua đều xem là bình thường chuyện “ ăn cướp cơm chim”, bóc lột sức lao động, tâm huyết và mồ hôi nước mắt của một trong những lớp người khó khăn nhất hiện nay là nhà giáo. Ngay giáo án, giáo trình điện tử là một sáng kiến nhằm cải tiến chất lượng đào tạo hiện nay cũng có thể có tác dụng ngược đến động cơ sáng tạo của nhà giáo: một giáo án hay giáo trình vừa được trường đại học này đưa lên mạng để sinh viên tham khảo, thì tháng sau đã thấy bị “xào nấu” và “tái chế” thành công trình đứng tên một tác giả của trường đại học khác dưới hình thức “lưu hành nội bộ”. Tình hình đó thúc đẩy sáng kiến về việc thành lập một tổ chức để bảo vệ tác quyền của loại sách này, tuy công chúng vẫn tỏ ra hoài nghi về hiệu quả của các biện pháp, khi mà guồng máy xã hội vẫn tỏ ra dửng dưng và bất lực với tệ nạn sao chép và vi phạm bản quyền tràn lan.

          Nghĩ đi nghĩ lại thì thấy nhà giáo chân chính quả là chịu thiệt thòi đủ kiểu, đủ đường.

HUỲNH NHƯ PHƯƠNG

Bài viết cùng tác giả

Danh mục website