“Literature-based friendship”- the literary exchange between Vietnam, China and Japan

 Dr. Doan Anh Loan

University of Social Sciences and Humanities –

Vienam National University HoChiMinh city

 

Vietnam and Japan were located in the areas influenced by Chinese culture. The cultural and literary exchanges between nations took place during a long period. In addition to official visit between national envoyships, in which political documents were exchanged, the relationship between Vietnam, China, and Japan was founded on the basis of “literature-based friendship” that employed academy, examinations, and literature to build relationship. This friendship was meaningful in such a way that national independence, culture, civilization, literature, and a peace-loving spirit of each nation were determined. Meanwhile, through the “literature-based friendship”, the elegance and refinement of diplomatic representatives were also revealed.

 

                                        
 
Dĩ văn hội hữu- phương thức giao lưu văn học  Việt Nam-Trung Quốc-Nhật Bản                              
TS. Đoàn Ánh Loan

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn

Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh

TÓM TẮT

Việt Nam và Nhật Bản thời xưa nằm trong vùng văn hóa chịu ảnh hưởng của Trung Quốc. Sự tiếp cận văn hóa, văn học giữa các nước diễn ra trong quá trình lâu dài. Ngoài con đường đi sứ với những văn kiện chính trị, ngoại giao chính thức, mối giao lưu giữa ba nước Việt-Trung-Nhật  được thực hiện bằng phương thức “dĩ văn hội hữu”, tức dùng học thuật, thi cử và thơ văn để kết bạn. Phương thức này mang nhiều ý nghĩa sâu sắc, góp phần khẳng định vị thế độc lập, thể hiện trình độ văn hóa, văn học, tình hữu nghị, sự yêu chuộng hòa bình sâu sắc của mỗi dân tộc. Đồng thời, nó bộc lộ phong cách lịch lãm, tao nhã của người đại diện đất nước đi sứ nước người.

 

 

DĨ VĂN HỘI HỮU- PHƯƠNG THỨC GIAO LƯU VĂN HỌC  VIỆT NAM-TRUNG QUỐC-NHẬT BẢN

                                                                        Đoàn Ánh Loan(*)

            Việt Nam và Nhật Bản thời xưa nằm trong vùng văn hóa chịu ảnh hưởng của Trung Quốc. Sự tiếp cận văn hóa, văn học giữa các nước diễn ra trong quá trình lâu dài. Tài liệu từ các nước ghi chép rất nhiều sự kiện với các mốc lịch sử-thời gian giao hảo thông qua con đường đi sứ. Trong quá trình đi sứ, mục đích thăm hỏi, học tập, giao lưu, trao đổi chính trị, kinh tế, văn hóa, văn học, tư tưởng… qua lại giữa các nước được thực hiện cụ thể bằng nguyên tắc bất thành văn: “dĩ văn hội hữu” (tức dùng văn kết bạn). Văn nói ở đây được hiểu là học thuật, thi cử và thơ văn. Đó là phương tiện chủ yếu được sứ giả hai nước Việt-Trung dùng để xây dựng mối giao lưu song phương. Trong xu hướng chung của thời đại, về mối quan hệ giao lưu với Trung Quốc, “dĩ văn hội hữu” này cũng là hình thức thông dụng được các nước đồng văn như Nhật Bản, Triều Tiên thời phong kiến sử dụng hiệu quả.

I. Giao lưu giữa Nhật Bản và Trung Quốc:

            Về địa lý, ngày xưa từ Nhật Bản muốn sang Trung Quốc và ngược lại, cả hai phải mượn đường thông qua nước thứ ba là Triều Tiên. Phương tiện đi lại rất khó khăn, đã cản trở không ít đến mối bang giao hai nước Nhật-Trung. Có thể nói, từ thế kỷ thứ V đến thế kỷ thứ VI, người Trung Quốc mà chủ yếu là người Triều Tiên đã truyền những tài liệu sách vở về Nho giáo và Phật giáo đến Nhật Bản. Chữ Hán và Hán học được tầng lớp quí tộc xứ này học tập và sử dụng.

            Mãi đến thế kỷ thứ VII về sau, giữa Trung Quốc và Nhật Bản, cuối cùng đã thoát khỏi tình trạng sử dụng đường giao thông qua nước thứ ba, thực hiện mối liên hệ trực tiếp. Do đó, sứ giả hai dân tộc ngày càng có nhiều cơ hội gặp gỡ nhau ở Trung Quốc. Chiếc cầu quan trọng nhất của cơ hội này chính là những phái đoàn sứ giả Nhật Bản từ thế kỷ thứ VII liên tục đến thăm hữu nghị Trung Quốc, bắt đầu vào năm thiên hoàng Thư Minh thứ 2 của Nhật Bản, nhằm niên hiệu Trinh Quán thứ 4, đời Đường Thái Tông (năm 630) Trung Quốc, cho đến niên hiệu Khoan Bình, đời thiên hoàng Vũ Đa thứ 6, nhằm niên hiệu Càng Ninh năm đầu tiên, đời Đường Chiêu Tông (894), Trung Quốc.

            Tuy nhiên, có thể nói từ thế kỷ thứ VIII trở về trước cho đến gần cuối niên hiệu Tự Thánh, đời Đường Duệ Tông (684-704), sự trao đổi văn học giữa hai nước mới được lưu giữ, nhưng theo hình thái một chiều từ Trung Quốc đến Nhật Bản. Từ thế kỷ thứ VIII trở đi, hình thức giao lưu văn học này phá bỏ lề lối đơn phương đã kéo dài nghìn năm. Sứ thần Nhật Bản là các nhà văn học giỏi Hán học cuối cùng cũng vượt qua được biển Đông, dần dần vào Trung Quốc. Hình thái hoạt động giao lưu hai chiều giữa hai dân tộc Trung-Nhật cũng chính là “dĩ văn hội hữu”. Bắt đầu từ đây, tình hình phát triển của mối giao lưu văn học hai nước về mặt lịch sử văn hóa cổ đại Trung-Nhật được xem là bước ngoặt đánh dấu một thời đại mới.

Do trở ngại về giao thông, sứ đoàn Nhật Bản đến Trung Quốc phải vượt đại dương đầy sóng gió hiểm nguy, trải qua những ngày dài gian khó với những hy sinh vĩ đại. Đoàn thuyền sứ giả ra đi  từ cảng Nan Ba (cửa khẩu Đại Bản biển Đông Nam) để bắt đầu cuộc hành trình. Chính vì thế, nhiệm vụ và sự ra đi của những sứ đoàn Nhật Bản được ghi lại trong thư tịch cổ là hết sức hùng tráng. Thiên hoàng vì việc này thết đãi chia tay, ban cho đao quí, vàng bạc, ngự y, còn thường ngâm vịnh xướng ca chúc phúc. Tổng tập Hòa ca thứ nhất của Nhật còn lưu giữ không ít những bài ca liên quan đến sự kiện này. Nay còn bài Hiếu Khiêm thiên hoàng ngự ca, do Thiên hoàng làm vào năm 752 (niên hiệu Bình Thắng Bảo thứ 4, đời thiên hoàng Hiếu Khiêm, nhằm niên hiệu Thiên Bảo thứ 12, đời Đường Huyền Tông, Trung Quốc), để chúc phúc cho sứ giả Đằng Nguyên Thanh Hà trong sứ đoàn lần thứ 11 sang Trung Quốc. Bài ca viết:

(Trường ca)    Thiên giám đại Oa quốc hề đại thần trấn kỳ phương. Thủy hành như địa thổ hề thừa thuyền như tọa sàng. Tứ bách kỳ bình trục hề bình an độ hải dương. Tích nhĩ tư phong tửu hề qui tấu tái trùng thương

(Phản ca)       Tứ bách thụ hoàng mệnh hề. Kỳ tảo qui lai.

                        Trẫm đương bội trữ nghinh hề. Đảo thần dĩ đãi. (Vạn diệp tập, quyển 19)

Dịch nghĩa:     Trời cho nước Đại Oa trấn một phương. Đường thủy như đường bộ hề, ngồi thuyền tựa nằm giường êm. Bốn thuyền trục quay đều hề, vượt đại dương bình an. Ban cho ngươi rượu quí hề, mong trở về lại uống chén này. Bốn thuyền nhận mệnh vua hề. Sớm ngày trở lại. Trẫm mặc áo vải gai đón tiếp. Cầu thần giúp đỡ, ta chờ đợi.           

Hoàng hậu Quang Minh cũng làm bài ca tặng lúc biệt ly. Nay trong quyển 19 Vạn diệp tập còn bài thứ 44 Xuân nhật tế thần chi nhật Đằng Nguyên thái hậu tác ngự ca nhất thủ, tức là bài ngâm xướng tặng sứ đoàn thứ 11. Bài ca rằng:

Phiên âm:       Đại bách chân vĩ phồn quán hề. Tống ngô tử vu Đường thổ. Nguyện thần lực chi hựu trợ hề. Bảo hải thượng chi bình an.

Dịch nghĩa:     Thuyền lớn nhiều cột giương cao hề.           Đưa người của ta đến đất Đường. Nguyện thần che chở trợ giúp. Cho biển lặng gió yên.

Đại sứ giả Đằng Nguyên Thanh Hà nhận bài ca của vua, cũng đáp lại bằng bài thơ sau:

Phiên âm:       Xuân nhật chi quảng dã hề. Tế thần minh dĩ hựu chi. Đã triều mệnh chi bái khuyết hề. Thưởng mai hoa chi yêu nhiêu. (Vạn diệp tập, quyển 19)

Dịch nghĩa:     Cánh đồng bát ngát ngày xuân hề. Tế thần cầu gia hộ. Lạy nhận mệnh vua nơi cửa khuyết hề. Ngắm vẻ yêu kiều của hoa mai.

Nền văn hóa Trung Quốc đầy hấp dẫn bấy giờ thường thu hút rất nhiều thành phần tri thức. Vì thế, mỗi lần sứ đoàn Nhật Bản lên đường đến Trung Quốc đều có những nhà nghiên cứu thế tục và các học giả tăng lữ tham gia trong chuyến hành trình nhiều mạo hiểm. Lịch sử ghi lại:

- Sơn Thượng Ức Lương, làm quan Thiếu lục, trong sứ đoàn thứ 8, vào năm 702 (niên hiệu Đại Bảo thứ hai đời thiên hoàng Văn Vũ của Nhật Bản, nhằm niên hiệu Tự Thánh thứ 19, đời Đường Duệ Tông, Trung Quốc). Ông là tác giả của tập hòa ca nổi tiếng Vạn diệp tập.

- Học giả nổi tiếng Cát Bị Chân Bị, A Bồi Trọng Ma Lữ là tùy viên trong sứ đoàn thứ 9, vào năm 717 (niên hiệu Dưỡng Lão thứ nhất, đời thiên hoàng Nguyên Chính, nhằm niên hiệu Khai Nguyên thứ 5, đời Đường Huyền Tông, Trung Quốc).

- Cát Bị Chân Bị làm Phó sứ cho chánh sứ Đằng Nguyên Thanh Hà trong sứ đoàn thứ 11.

- Người nổi tiếng về thơ chữ Hán là Tiểu Dã Hoàng, phó sứ của sứ đoàn thứ 18 vào năm 838 (niên hiệu Thừa Hòa thứ 5, đời thiên hoàng Nhân Minh, nhằm niên hiệu Khai Thành thứ 3, đời Đường Văn Tông, Trung Quốc).

Cho đến hơn 30 học giả là tăng sĩ như Đạo Từ, Không Khai, Tối Trừng, Viên Nhân, Viên Tái… đã từng theo các sứ đoàn đến Trung Quốc.

Như đã nói trên, Nhật Bản chủ yếu thông qua bán đảo Triều Tiên mà tiếp cận với văn hóa Trung Quốc, lịch sử ghi lại nhiều tiến sĩ từ Triều Tiên được mời đến Nhật Bản giảng dạy. Vì thế, với mục đích tham quan, trao đổi, học tập lẫn nhau, sứ giả Nhật Bản khi đến Trung Quốc đã mời các học giả văn nhân nơi đây vượt biển sang Nhật Bản thuyết giảng. Sự kiện này có ghi trong quyển 202 Văn nghệ liệt truyện của Tân Đường thư.

Bấy giờ, mặc dù có sự khác nhau giữa chính trị, văn hóa, nhưng thông qua qui tắc “dĩ văn hội hữu”, văn học hai nước đã bắt đầu dung thông. Phong cách nghiêm túc, lịch lãm của sứ giả Nhật Bản đã gây ấn tượng sâu sắc với người Trung Quốc. Một lần, năm 753 (niên hiệu Thiên Bảo thứ 12, đời Đường Huyền Tông, nhằm niên hiệu Thiên Bình Thắng Bảo thứ 5, đời thiên hoàng Hiếu Khiêm), sau khi tiếp kiến sứ đoàn Nhật Bản, vua Đường có nhận xét như sau: “Nghe nói Nhật Bản có vua hiền, nay thấy sứ giả có nghi thức đúng phép tắc, xứng đáng là nước lễ nghĩa, thật không ngoa truyền’. Vua liền sai họa sư vẽ lại hình dạng họ mà cất giữ vào kho” (Diên Lịch tăng lục). Điều này biểu hiện thái độ hữu hảo vô cùng tốt đẹp. Lúc sứ đoàn Nhật Bản trở về cố hương, Đường Huyền Tông còn đặc biệt đích thân làm bài thơ Đường luật ngũ ngôn trao tặng sứ giả. Thơ rằng:

Phiên âm:       Nhật hạ phi thù tục. Thiên trung gia hội triều. Triều dư hoài nghĩa viễn. Căng nhĩ úy đồ dao. Trương hải khoan thu nguyệt. Qui phàm sử tịch tiêu. Nhân kinh bỉ quân tử. Vương hóa viễn chiêu chiêu.

Dịch nghĩa:     Ánh nhật chiếu soi, đâu hề phàm tục. Trời đất chở che, đoan nghiêm yết kiến. Nơi triều ta nhớ nghĩa xa. Thật lo sợ đường dài. Biển trời lồng lộng trời thu. Buồm về xuôi đêm gió. Âu lo người quân tử. Lòng vua dõi theo xa.

Đây là sự kiện hết sức đáng quí về mặt lịch sử quan hệ văn học cổ hai nước. Bài thơ mang sắc thái tình cảm mạnh mẽ của bậc đế vương thời thịnh Đường.

            Tình cảm mà Đường Huyền Tông Lý Long Cơ dành cho sứ đoàn Nhật Bản không chỉ như thế. Quyển 7 trong Đường thừa tướng khu giang Trương tiên sinh văn tập có bài Sắc Nhật Bản vương thư. Đây là bài sắc của Đường Huyền Tông do Trương Cửu Linh ở chức Tri chế cáo làm ra. Bài sắc này tuy là một bức công hàm chính trị, nhưng lại tràn đầy tình cảm và quí tin.

            Sứ đoàn thứ 10 của Nhật vào năm 733 (niên hiệu Thiên Bình thứ 5, đời thiên hoàng Thánh Vũ, nhằm niên hiệu Khai Nguyên thứ 21, đời Đường Huyền Tông), xuất phát từ cảng Nan Ba của Nhật. Vạn diệp tập, quyển 8 có bài Quí Dậu xuân nhuận tam nguyệt lạp triều thần Kim Thôn tặng nhập Đường sứ ca nhất thủ tịnh đoản ca, quyển 9 có bài Khiển Đường sứ bách phát Nan Ba nhập hải chi thời thân mẫu tặng tử ca nhất thủ tịnh đoản ca, quyển 19 có bài Tặng nhập Đường sứ ca nhất thủA bộ triều thần lão nhân khiển Đường thời phụng mẫu bi biệt ca nhất thủ… đều ghi lại sự kiện trên. Sau khi hoàn thành sứ mệnh ở Trung Quốc, năm 734, sứ đoàn về nước, giữa đường không may gặp cuồng phong, bốn thuyền đều lạc đường. Đường Huyền Tông vì việc này dặn Trương Cửu Linh lấy danh nghĩa của mình, bằng ngôn từ đặc biệt thể hiện sự an ủi thăm hỏi sâu sắc, thông báo cho thiên hoàng Thánh Vũ của Nhật Bản rằng, triều đình nhà Đường nắm được tình trạng này. Bài văn viết:

            “Sắc chỉ cho nhà vua Nhật Bản, đất nước có vua sáng, đức độ, lễ nghĩa, được thần linh phù trợ, biển cả mênh mông, chưa từng bị nạn. Chẳng biết năm xưa thờ phụng thần linh thế nào, sứ đoàn Đan Tê Chân Nhân Quảng Thành vào triều ta trở về biển Đông vừa ra khỏi cửa sông, mây cuộn u ám, che mù phương hướng, gặp phải gió to, thuyền bị trôi dạt. Về sau, một thuyền đến được biên giới Việt châu, tức thuyền của Chân Nhân Quảng Thành tìm đường về nước. Một thuyền trôi đến Nam hải, tức thuyền của Triều Thần Danh Đại, Nan Ngu Bị Chí, tính mệnh khó giữ. Lúc Danh Đại chưa xuất phát, nghe được Quảng châu biểu tấu, nhóm Triều Thần Quảng Thành được gió đưa đến nước Lâm Ấp, tức ở một nước khác. Ngôn ngữ bất đồng lại sợ bị giết, bị bán… Khổ sở thật không chịu nổi. Tuy nhiên, các nước Lâm Ấp cũng thường triều cống, Trẫm đã sắc lệnh cho An Nam đô hộ lệnh tuyên cáo sắc chỉ, hễ gặp được họ thì đưa về nước. Cho đến hôm nay lệnh truyền vẫn còn hiệu lực. Còn một thuyền không biết ở đâu, (trẫm) mãi vẫn áy náy trong lòng. Có người đã đến được biên giới kia, (tin này được) tâu lại đầy đủ. Những tai biến này thật không thể lường được. Các khanh trung tín như thế, phụ lòng thần minh hay sao mà khiến những kẻ ra đi rơi vào lưới hiểm hung hại như thế. Mong khanh nghe được lời này mà lấy làm kinh sợ. Trời đất mênh mang, mỗi người có số. Mùa đông giá lạnh, khanh cùng bá tánh được bình an là tốt lắm rồi. Nay Triều Thần Danh Đại đã về được, sách không tả hết”.

Mối giao lưu trực tiếp của các nhà văn học hai nước vào đời Đường, có thể nói bắt đầu vào năm 702, sau lần sứ đoàn Nhật Bản đến Trung Quốc lần thứ 8. Thư tịch Trung Quốc còn lưu giữ gần trăm bài thơ ca xướng họa, tặng đáp của những vị học giả này. Những tập thơ ca thời kỳ đầu của Nhật Bản như Vạn diệp tập, Cổ kim hòa ca tập còn ghi lại những tác phẩm do người Nhật sáng tác trên đất Đường. Trong Vạn diệp ca, Sơn Thượng Ức Lương đã dùng hình thức vốn có của văn học dân tộc Nhật Bản ghi chép lại ngắn gọn chuyến đi đến Trung Quốc. Quyển 1 của Vạn diệp tập có bài Tại Đại Đường thời ức bản hương ca biểu đạt tình cảm vô vàn quyến luyến cố hương:

Phiên âm:       Du tử viễn thiệp Đường thổ hề. Phán tảo nhật qui cố hương. Đại bạn ngự tân chi tân hề. Thanh tùng hốt úc dĩ ngô đãi.

Dịch nghĩa:     Kẻ xa xứ vào đất Đường hề. Trông nhìn ngày sớm, nhớ cố hương. Tiễn đưa bạn đến bến thuyền. Tùng bỗng rạng xanh đợi người đi.

Bài hòa ca này nằm trong di sản văn học hai nước Trung-Nhật, là những sáng tác thơ ca sớm nhất của người Nhật trên đất Trung Quốc. Có thể nói, bài ca này đã mở ra bức màn hoạt động giao lưu song phương văn học cổ hai nước.

Quyển 8 của Vạn diệp tập còn chép chuyện Sơn Thượng Ức Lương đã dùng bài Thất tịch của Trung Quốc làm đề tài cho 12 bài ca vịnh. Lại còn có bài Vãn ca, đều là những tác phẩm sau khi đi sứ nhà Đường về như sau:

Phiên âm:       Ái hà ba lãng dĩ tiên hôi. Khổ hải phiền não diệc vô kết. Tòng lai yếm ly thử uế độ. Bản nguyện thác sinh bỉ Tịnh sát.

Dịch nghĩa:     Sông ái ba đào đã tan tác. Biển khổ não phiền không kết thúc. Chán ngán muốn rời xa cõi trược.  Vốn mong thác đến chốn tịnh thanh.

Bài thất ngôn tuyệt cú này mang dậm dấu ấn của Phật giáo, cụ thể là tinh thần của tông Tịnh Độ, là tông phái thịnh hành ở Nhật Bản ở thời đại Liêm Thương (1192-1333).

Trước đây, thơ chữ Hán của Nhật Bản đa số đều dùng thể ngũ ngôn, tương đương với thời gian thể thơ này thịnh hành trên văn đàn đời Ngụy Tấn. Từ đời Đường trở về sau, thể thơ thất ngôn mới phát triển. Điều này giúp xác định thêm việc tiếp cận nhau giữa Sơn Thượng Ức Lương với văn đàn đời Đường thời bấy giờ.

Nửa thế kỷ sau, trên văn đàn đời Đường, lại sinh ra một bài hòa ca khác. Đó là bài Tam lạp sơn chi ca mà lưu học sinh người Nhật tên A Bồi Trọng Ma Lữ (Abe Nonakamaru) ngâm tụng (năm 753, tức niên hiệu Thiên Bình Thắng Bảo thứ 4, đời thiên hoàng Hiếu Khiêm, nhằm niên hiệu Thiên Bảo thứ 12, đời Đường Huyền Tông).

Lúc theo sứ đoàn Nhật Bản đến đất Đường vào năm 717, A Bồi Trọng Ma Lữ mới 20 tuổi. Ông theo học ở nhà Thái học, đổi thành tên chữ Hán là Triêu Hành, Hoảng Hành, Trọng Mãn. Sau khi học xong, ông được nhà Đường bổ làm chức Ty kinh cục hiệu thư, hàm cửu phẩm, phụ trách hiệu đính kinh, sử, tử, tập. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử văn hóa cổ đại Trung-Nhật, một người Nhật Bản tham gia sự nghiệp văn hóa quan phương của Trung Quốc.

Năm 734, A Bồi Trọng Ma Lữ làm chức Tả bổ khuyết, hàm tòng thất phẩm, chuyển làm Cung phụng phúng gián, Hỗ tòng thừa dư, được diện kiến nhà vua. Năm 753, A Bồi Trọng Ma Lữ ở Trung Quốc đã 36 năm, được thăng chức Bí thư giam kiêm Úy vệ khanh, quan vị tòng tam phẩm. Về sau, ông cùng Đường Huyền Tông Lý Long Cơ lánh nạn An Lộc Sơn, chạy vào Tây Thục. Năm 760, được Đường Túc Tông bổ làm Tả tán kỵ thường thị, lại thăng làm Trấn Nam độ hộ, quan vị chính tam phẩm. Niên hiệu Vĩnh Thái thứ 3, đời Đường Đại Tông (766), ông được phong Trấn Nam tiết độ sứ. Tháng giêng năm 770, ông mất khi đang tại chức, thọ 73 tuổi, được tặng chức Đại đô đốc Lộ châu, quan vị nhị phẩm.

Tư cách, đức độ, tài năng của A Bồi Trọng A Ma Lữ khiến ông được nhiều bạn đồng liêu triều Đường quí mến. Lúc A Bồi Trọng Ma Lữ còn trẻ, học xong ở Thái học, ra làm quan Ty kinh cục hiệu thư, thi nhân triều Đường tên Trữ Quang Hi là bạn chí thân của ông, có làm bài thơ Lạc trung di triều hiệu thư Hành để khen tặng ông:

Phiên âm:       Vạn quốc triều thiên trung. Đông ngung đạo tối trường. Triêu sinh mỹ vô độ, Cao giá sĩ xuân phường. Xuất nhập Bồng sơn lý. Tiêu dao y thủy bàng.   Bá loan du Thái học. Trung dạ nhất tương vọng. Lạc nhật huyền cao điện. Thu phong nhập động phòng.Lũ ngôn tương khứ viễn. Bất giác sinh triều quang. (Toàn Đường thi, quyển 5)

Dịch nghĩa:     Muôn nước chầu dưới trời. Góc Đông đường dài nhất. Chàng Triêu vẻ đẹp ngời. Làm quan cáo xuân phường. Ra vào núi Bồng cao. Tiêu dao bên dòng nước. Bá Loan dạo Thái học. Nửa đêm cùng ngóng trông. Mặt trời treo điện cao. Gió thu vào động phòng. Cứ bảo sắp đi xa. Mới biết sống dưới minh triều.                                         

Triêu Sinh trong bài thơ chỉ A Bồi Trọng Ma Lữ, tên chữ Hán là Triêu Hành. Đây là bài thơ đầu tiên mà thi nhân Trung Quốc trên văn đàn đời Đường viết cho A Bồi Trọng Ma Lữ, khen tặng tài học và tư cách của ông. Việc này phản ánh tình hữu nghị sâu sắc của thi nhân hai nước.

Năm 734, A Bồi Trọng Ma Lữ làm chức Tả bổ khuyết, biết sứ giả sứ đoàn thứ 10 là Đa Trị Tỷ Quảng Thành sắp về nước, vì cha mẹ đã già, ông muốn cùng đoàn về nước. Tin tức truyền ra, thi nhân Đường triều đều muốn đưa tiễn. Trong Đường thi kỷ sự có bài Tống Hoảng bổ khuyết qui Nhật Bản quốc thi của tiến sĩ Triệu Hoa (niên hiệu Khai Nguyên, đời Đường). Thơ viết:

Phiên âm:       Tây dịch thừa hưu cán. Đông ngung phản cố lâm. Biểu xưng Đàm tử học. Qui thị Việt nhân ngâm. Mã thượng thu giao viễn. Chu trung thự hải âm. Tri quân hoài nguy khuyết. Vạn lý độc dao tâm. (Quyển 27, Đường thi kỷ sự và quyển 5, Toàn Đường thi)

Dịch nghĩa:     Triều Tây giúp người về ngơi nghỉ. Góc Đông trở lại quê xưa. Khen ngợi đứa con Đàm tài giỏi. Quay về người Việt với ca ngâm. Lưng ngựa thu xa khuất bóng thành. Thuyền sớm ban mai màu biển nhuốm. Biết anh lưu luyến nơi cửa khuyết. Vạn dặm một mình giữa dặm khơi.

Bấy giờ A Bồi Trọng Ma Lữ mới 31 tuổi, đầy sinh lực và tài hoa, Đường Huyền Tông mến tài, vì thế chưa cho phép ông về Nhật. A Bồi Trọng Ma Lữ xót xa cảm khái sáng tác bài thơ chữ Hán tặng người bạn thân. Đó chính là bài thơ nổi tiếng Qui quốc định hà niên:

Phiên âm:       Mộ nghĩa không danh tại. Thâu trung hiếu bất toàn. Báo ân vô hữu nhật. Qui quốc định hà niên. (Cổ kim hòa ca tập dẫn từ Quốc sử)

Dịch nghĩa:     Chuộng nghĩa được danh không. Trung hiếu bạc, tình chẳng trọn. Báo ơn chẳng tính lấy ngày. Về lại quê xưa, biết đến năm nào.

Vừa lúc sứ đoàn Nhật Bản lần thứ 11 trở về Nhật, A Bồi Trọng Ma Lữ quyết ý trở về quê hương. Đường Huyền Tông thuận ý, lệnh cho ông làm sứ giả đại diện cho triều đình nhà Đường hộ tống sứ đoàn Nhật Bản, lúc đó vị chánh sứ là Đằng Nguyên Thanh Hà. Bấy giờ A Bồi Trọng Ma Lữ rời xa quê hương đã 36 năm, rất muốn được về nhà, nên hết sức xúc động, nhưng ông sống 36 năm ở Trung Quốc, trong lòng cũng khó mà quên được nơi này. Tâm lý đầy phức tạp, mâu thuẫn này được biểu hiện trong bài Hàm mệnh sứ bản quốc của ông:

Phiên âm:       Hàm mệnh tương từ quốc. Phi tài thiêm thị thần. Thiên trung luyến minh chủ. Hải ngoại ức từ thân. Phục tấu vi kim khuyết. Phi tham khứ ngọc tân. Bồng Lai hương lộ viễn. Nhược mộc cô viên lân . Tây vọng hoài ân nhật. Đông qui cảm nghĩa thần. Bình sinh nhất bảo kiếm. Lưu tặng kết giao nhân. (Quyển 296, Văn uyển anh hoa)

Dịch nghĩa:     Vâng lệnh giã từ tổ quốc. Không tài, thẹn kẻ bề tôi. Dưới trời nhờ minh chúa. Ngoài biển nhớ song thân. Phủ phục xin về nước. Giục giã đến bờ kia. Quê Bồng đường xa thẳm. Nhược Mộc nào chốn xưa. Bờ Tây nhớ thâm ân. Bên Đông cảm nghĩa lớn. Cả đời nương bảo kiếm. Gởi tặng người kết giao.

Lời thơ biểu lộ tấm lòng hết sức khẩn thiết, tình cảm mãnh liệt nhớ thương song thân, nhưng cũng lưu luyến chúa Đường, mến tiếc bạn bè ngày ngày có nhau. Kiếm, đối với người Nhật là vật quí, tượng trưng cho nhân cách dũng cảm, ông tặng bạn kết giao. Bài thơ được người Trung Quốc đánh giá: “Thi pháp của bài thơ rất nhuần nhuyễn, nghệ thuật đối rất chỉnh, là một trong nhà thơ chữ Hán nước ngoài kiệt xuất được lưu lại vào đời Đường”.

Tin tức A Bồi Trọng Ma Lữ quyết ý trở về quê nhà đã kinh động rất nhiều bạn bè, những người có thâm tình với ông. Họ chia sẻ nồi niềm luyến tiếc này bằng ngôn từ thơ ca. Bài Tống Bí thư Hoảng Giám hoàn Nhật Bản quốc tịnh tự của Vương Duy là một thiên thơ ca nổi tiếng:

Phiên âm:       Tích thủy bất khả cực. An tri luân hải Đông.       Cửu châu hà xứ viễn. Vạn lý nhược thừa không. Hướng quốc duy khán nhật. Qui phàm đản tín phong. Ngao thân ánh thiên hắc. Ngư nhãn xạ ba hồng. Hương thụ Phù Tang ngoại. Chủ nhân cô đảo trung.

Dịch nghĩa:     Nước chứa mãi vẫn không đầy. Sao biết được về biển Đông. Cửu châu nơi nao xa thẳm. Vạn dặm lướt hư không. Về nước hướng mặt trời. Thuyền về ngọn gió tin. Ba ba thấp thoáng trời đêm. Mắt cá lấp loáng hồng sóng nước. Quê hương Phù Tang ấy. Chủ nhân một mình trên đảo vắng. Biệt ly về xứ lạ. Tin tức chắc chi thông.

A Bồi Ma Lữ cùng đi với đại sứ Đằng Nguyên Thanh Hà trong sứ đoàn thứ 11, tức năm 753, nhằm ngày 15 tháng 11 âm lịch rời Trung Quốc, thực sự về lại quê hương. Tuy nhiên, ngày 6 tháng 12, thuyền đi đến A Nhi Nại Ba (nay là biển Lưu Cầu) bị gió bão, bốn thuyền lạc nhau tan tác. Kết quả sứ đoàn Nhật Bản chết hơn 170 người, số còn lại chỉ hơn 10 người, thuyền của A Bồi Ma Lữ dạt đến biển phía Nam Trung Quốc. Tin tức này đến năm sau mới truyền đến Trường An. Lý Bạch nghe được liền làm bài thơ khóc rằng:

Phiên âm:       Nhật Bản Hoảng khanh từ đế đô. Chinh phàm nhất phiến nhiễu Bồng hồ. Minh nguyệt bất qui trầm bích ải. Bách vân sầu sắc mãn thương ngô.

Dịch nghĩa:     Hoảng Khanh Nhật Bản từ biệt đế đô. Buồm xa một mảnh lênh đênh trên nước. Trăng sáng không về, chìm biển biếc. Mây trắng sầu giăng ruộng ngô xanh.

Bài thơ biểu đạt tình cảm sâu sắc của các thi nhân thời thịnh Đường đối với các văn học giả Nhật Bản. Tuy nhiên, A Bồi Trọng Ma Lữ và Đằng Nguyên Thanh Hà cuối cùng may mắn thoát nạn, gian nan trở lại Trường An. Về sau, họ đều sống đến hết đời ở Trung Quốc. Bài Điệu thi trở thành giai thoại về mối giao lưu của văn nhân hai nước trong thời kỳ này.

Ngoài con đường thi cử, làm quan và trao đổi thơ ca với nhau, sự giao lưu của Trung-Nhật còn thể hiện qua sự kiện các nhà sư Nhật Bản tham gia sứ đoàn sang Trung Quốc tìm hiểu Phật giáo.  Đồng thời họ cũng mời tăng sĩ Trung Quốc đến Nhật Bản truyền bá giáo pháp. Từ thế kỷ thứ VIII, xuất hiện việc các học giả và tăng lữ hai nước làm thơ tặng đáp nhau. Nay còn bài thơ Đề Nhật Bản tăng Trí Tạng của Lưu Vũ Tích như sau:

Phiên âm:       Phù bôi văn lý quá thương minh. Thiên lễ danh sơn thích tính linh.   Thâm dạ Hàng Long đầm thủy hắc. Tân thu phong hạc dã điền thanh. Thân vô bỉ ngã na hoài độ. Tâm hội chân như bất độc kinh. Vi vấn Trung Hoa học đạo giả. Kỷ nhân hùng mãnh đặc ninh hinh.

Dịch nghĩa:     Nâng ly vạn dặm vượt biển xa. Riêng lễ danh sơn tính linh thiêng. Đêm khuya đầm Hàng Long dòng tối. Đầu thu hạc liệng xanh cánh đồng. Thân không ta-người ôm cả đất. Tâm đạt chân như khỏi đọc kinh. Xin hỏi người học đạo Trung Hoa. Mấy ai dũng mãnh được an nhàn.

            Những vần thơ trong các bài hòa ca của các sứ thần Nhật Bản thế kỷ VIII và thơ ca Trung Quốc thời thịnh Đường cho nhau chính là những viên gạch quí sáng xây nên chiếc cầu nối liền hai nước trong quan hệ chính trị, ngoại giao, văn hóa, văn học.

 II. Giao lưu giữa Việt Nam và Nhật Bản:

            Việt Nam và Nhật Bản có những đặc điểm giống nhau trong quá trình xây dựng mối quan hệ bang giao song phương với Trung Quốc. Do xu thế chung của thời đại và những yếu tố lịch sử qui định, trong thời đại phong kiến, các nước Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên cũng qua quá trình đi sứ, thiết lập quan hệ ngoại giao này. Cốt lõi để xây dựng quan hệ hữu nghị này cũng bắt đầu từ phương thức “dĩ văn hội hữu”.

            Nhật Bản ở xa Việt Nam, việc thiết lập bang giao thời xưa rất khó khăn. Điều kiện về địa lý và yếu tố lịch sử khiến sự giao tiếp chính thức giữa hai nước chỉ bắt đầu vào khoảng thế kỷ XIX. Theo thư tịch Trung Quốc ghi chép, năm 760, A Bồi Trọng Ma Lữ (Abe Nonakamaru) sau khi học xong ở Thái học, được vua Đường Túc Tông bổ làm Tả tán kỵ thường thị, lại thăng làm Trấn Nam đô hộ, quan vị chính tam phẩm. Niên hiệu Vĩnh Thái thứ 3, đời Đường Đại Tông (766), ông được phong Trấn Nam tiết độ sứ. Rất tiếc tài liệu cổ của cả ba nước Trung Quốc, Việt Nam và Nhật Bản không có thông tin nào chi tiết hơn về sự kiện này. Giả như có, các nhà nghiên cứu sẽ tìm hiểu mối quan hệ này giữa Việt Nam và Nhật Bản thuận lợi hơn. Việc tìm hiểu mối quan hệ này trước thế kỷ XIX, với tài liệu hiện có, chỉ mới là góp nhặt những viên ngọc quí hiếm mà thôi.

            Tương truyền, năm 752, đã từng có một nhà sư Việt Nam đến Nhật Bản để dự lễ khai trương pho tượng Phật Todaiji. Cuối thế kỷ XVI, người Nhật Bản đã đến Việt Nam với mục đích thông thương và trong thế kỷ XVII, người Nhật đã mở rộng việc buôn bán ở cả Đàng Trong và Đàng Ngoài v.v… Tài liệu về những sự kiện trên còn cần bổ sung để khẳng định thêm về mối quan hệ này giữa hai nước. Lịch sử chỉ thật sự ghi nhận và xác tín sự tiếp xúc giữa sứ giả Việt Nam và Nhật Bản từ thế kỷ XVIII qua thơ ca đáp tặng khi đi sứ trên đất Trung Quốc, văn kiện trao đổi-một phương thức cao nhã, quan phương để xây dựng mối giao hảo Việt-Nhật. Đó là:

            - Bài thơ Phùng Khắc Khoan (1528-1613) tặng sứ thần nước Lưu Cầu (Di Lưu Cầu quốc sứ 遺琉球國使 trong Toàn Việt thi lục.

            - Bức thư có tiêu đề An Nam Bố chánh châu Hữu cơ phó tướng Bắc quân Đô đốc đồng Tri Hoa Quận công 安南布政州右奇副將北均都督同知華郡公, do học giả thiền sư phái Lâm Tế là Văn Chi Huyền Xương文之玄昌(1555-1620) soạn theo lệnh của Nhật hoàng gửi cho An Nam, nội dung cho phép Đương chủ Shimazu Iehisa島津家久đồng ý lời đề nghị giao hảo với An Nam.

- Bài thơ của Thám hoa Nguyễn Huy Oánh (1713-1789) khi đi sứ nhà Thanh năm 1765 - 1766. Đó là bài Tiễn Nhật Bản sứ hồi trình餞日本使回程 (Tiễn sứ giả Nhật Bản về nước) nằm ở phần “Hoàng hoa tặng đáp phụ lục” 皇花贈答附錄 trong cuốn Thạc Đình di cảo 碩亭遺稿. Bài thơ còn lưu li như sau:

Phiên âm:       Hủ cương hư lộ các thiên nha. Đa sĩ hân phùng đại mễ gia

Nhật tống phù nê ninh hoạt kế. Thủ châm tiên tố cộng kim la

Kiệt nô dương mại tây tôn bộ. Thái lạc minh đông a tướng toa

Hoa cái lực ca phi cảm nghĩ. Mạn tương phấn địa ngụ tình đa.

Dch nghĩa:     Trời mây chia ngả một bên trời. Chờ đợi từ lâu mới gặp thôi

Ngày tiễn thuyền đi đành tính tạm. Tay đưa chén ngỏ một đôi lời

Hôm qua hưởng thú trên non dạo. Đêm tới ngồi thuyền dưới bến xuôi

Tuổi trẻ tài cao ngài hẳn trội. Mạn nhờ ngọn bút giãi tình hoài.                                                                                        (Bn dch ca Nguyn Thanh Tùng)

- Những bức thư trao đổi giữa quốc vương nước Lưu Cầu với Đại Việt (Reikidai Hôan - Lịch đại bảo án 歷代寶案), giữa chính quyền Mạc Phủ Đức Xuyên với các chúa Trịnh, chúa Nguyễn (Gaiban Tsuusho - Ngoại phiên thông thư 外蕃通書)

            - Nhật Bản kiến văn lục do Trương Đăng Quế, vị đại thần triều Nguyễn viết vào đầu thế kỷ XIX. Sách này là do tác giả ghi chép một sự việc xảy ra vào năm Gia Long 14 (1815) theo lời kể của năm người lính Việt Nam. Sự việc như sau: năm người lính Việt Nam chở bè gỗ từ thành Gia Định về kinh đô Huế bị gió lốc cuốn trôi sang đất Nhật. Bè trôi dạt được người Nhật cứu, đối xử rất tử tế và cuối cùng đưa họ ra khơi về lại Việt Nam. Đến xứ lạ, mặc dù không cùng tiếng nói, nhưng năm người Việt này có thể trao đổi với người Nhật bằng cách viết chữ Hán. Nhờ thế, người Nhật biết quê quán của năm người bị nạn, hết lòng giúp đỡ họ qua tai ách. Quyển sách miêu tả sinh động những cảnh vật, sinh hoạt văn hóa, phong tục tập quán gia đình, xã hội nơi đây. Cho đến nay, đây là một cuốn sách đầu tiên do người Việt Nam viết về Nhật Bản.

            - Cũng trong thời kỳ này, người Nhật đã đến Việt Nam sinh sống, làm ăn, cưới vợ và lập nghiệp. Chứng tích này còn ghi lại trên hai tấm bia cổ được các nhà khảo cổ Việt Nam tìm được và công bố vào năm 1981. Đó là tấm bia Phật núi Phổ Đà, tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng và tấm bia Trùng tu cầu Lai Viễn. Bia thứ nhất ghi danh sách những người đóng góp tiền sửa chữa chùa, trong đó có nêu tên của mười người Nhật, như: Bình Tam Lang (Heizabuzo), Tuấn Môn (Shunkan), A Tri Tử (Achiko), Trà Óc Trúc Đảo (Chaya Takeshima) v.v… Bia thứ hai ghi lại việc trùng tu cầu Lai Viễn, chiếc cầu tương truyền do người Nhật định cư nơi này xây dựng.

   Khi sự giao tiếp với nhau giữa hai nước đã dung thông, về mặt văn học, Nhật Bản chú ý, tôn trọng và góp phần bảo tồn những tư liệu cổ của Việt Nam. Có một số sách của tác giả Việt Nam được Nhật Bản khắc in, lưu giữ. Chẳng hạn, bộ sách Đại Việt sử ký toàn thư do triều đình nhà Nguyễn tặng chính phủ Nhật Bản vào cuối thế kỷ XIX, được khắc in tại Nhật Bản. Trong bản in này có thêm hai lời tựa:Lời tựa thứ nhất, Lời tựa thứ haiPhàm lệdo người Nhật Bản viết. Sách Viễn hải quy hồng của Nguyễn Thượng Hiền, do nhà sách Quan Căn Thạch, Tôkyô - Nhật Bản xuất bản năm 1908. Tập sáchViễn hải quy hồngin bằng ba thứ chữ Hán, Nôm và Quốc ngữ, được tác giả viết khi sang Nhật Bản du học, nói lên tinh thần yêu nước, nhiệt tình mong mỏi sự đổi thay cho hòa bình dân tộc. Công dư tiệp ký của Vũ Phương Đề (1696-?) hiện tàng trữ tại Matsumoto Văn khố. Với tinh thần giao lưu và bảo tồn tư liệu cổ của Việt Nam ở Nhật Bản, những sách quí đang chờ các học giả sưu tầm, khai thác.

Quan hệ giữa Việt Nam-Trung Quốc-Nhật Bản thời xưa hoàn toàn được lịch sử xác tín và khẳng định thông qua động thái “dùng văn kết bạn”. Phương thức này mang nhiều ý nghĩa sâu sắc, góp phần khẳng định vị thế độc lập, thể hiện trình độ văn hóa, văn học, tình hữu nghị, sự yêu chuộng hòa bình sâu sắc của mỗi dân tộc. Đồng thời, nó bộc lộ phong cách lịch lãm, tao nhã của người đại diện đất nước đi sứ nước người.

                                                                                                                                       ĐAL.

Tài liệu tham khảo:

I. Tạp chí Hán Nôm

1. Việt Anh, Thế kỷ VIII có một người Nhật Bản đến Việt Nam, 1/2005.

2. Trần Bá Chi, Ngô Thế Long, Hai tấm bia cổ nói về người Nhật trên đất Quảng Nam, Đà Nẵng, số 2/1989.

3. Nguyễn Thanh Hà, Thêm một tư liệu mới về giao lưu văn hóa Việt Nam-Nhật Bản cuối thế kỷ XIX, 1/2005.

4. Lê Thu Hương, Về bản “Công dư tiệp ký” mới sưu tầm tại Nhật Bản, Thông báo Hán Nôm 2002.

5. Ngô Thế Long, Một tư liệu cổ do người Việt Nam viết về Nhật Bản, cuốn “Nhật Bản kiến văn lục”, 1/1990

6. Chương Thâu, Viễn hải qui hồng” của Nguyễn Thượng Hiền vừa mới được phát hiện, Thông báo Hán Nôm 2000.

7. Nguyễn Thanh Tùng, Một tư liệu độc đáo về quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản giữa thế kỷ XVIII, 6/2007.

8. Phạm Thúy Vinh, Bước đầu tìm hiểu loại hình văn khắc chữ Hán của Nhật Bản, 5/2003.

9. Yamabe Susumu, Vài nét v quá trành tiếp thu và s dụng chữ Hán tại Nhật Bản, 6/2008.

II. Chữ Hán:

10. Nhiều tác giả- Trung Nhật cổ đại văn học quan hệ sử cảo- Chương Đường đại văn đàn thượng Trung-Nhật thi nhân đích giao vãng dữ Hòa ca truyền nhập Trung quốc đích khởi thủy, trang 115, NXB. Hồ Nam Văn Nghệ xã xuất bản, Hồ Nam, 1987.



* TS, Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường ĐH KHXH&NV TPHCM

 

 

 

Danh mục website