Vietnam-Japan Diplomatic Poetry in the Context of Medieval East Asian Literature: Appearance and Characteristics

PhD Nguyen Thanh Tung

Hanoi National University of Education

 

The paper studies the poems written by Vietnamese envoys to communicate with Japanese ambassadors until the 19th century. These poems are called diplomatic poetry between Vietnam-Japan in the Medieval. First of all, the paper explores and rebuilds the context and progress of the diplomatic poems between Vietnam- Japan from its origin until the 19th century. Through research, it is indicated that the number of poems is not significant and most of which was composed in the unofficial meetings of two nations’ ambassadors in China. Secondly, it is assumed that these poems are results of a unique literature phenomenon which was popular in the Medieval East Asia. Based on this assumption, the paper defines the fundamental characteristics of content and artistic values of the diplomatic poetry. Finally, it is concluded that culture in general and literature in particular were once and will continue to be effective communication means to sustain good relations between nations, especially in the regional and international contexts. 

 

THƠ BANG GIAO VIỆT – NHẬT TRONG BỐI CẢNH ĐÔNG Á THỜI TRUNG ĐẠI: DIỆN MẠO VÀ ĐẶC ĐIỂM

TS Nguyễn Thanh Tùng

Đại học Sư phạm Hà Nội

Bài viết đặt vấn đề tìm hiểu các bài thơ do sứ thần Việt Nam sáng tác để trao đổi, đối đáp với các sứ thần Nhật Bản từ thế kỉ XIX trở về trước. Chúng tôi gọi chúng là “thơ bang giao Việt – Nhật thời trung đại”. Trước hết, bài viết đã khảo sát, phục dựng lại bối cảnh và diễn trình sáng tác thơ bang giao Việt – Nhật từ khởi thủy đến thế kỉ XIX. Qua khảo sát, bài viết cho thấy số lượng các tác phẩm không nhiều, và hầu hết đều ra đời trên đất Trung Hoa trong những cuộc tiếp xúc không chính thức giữa sứ thần 2 nước. Thứ hai, trên cơ sở coi các tác phẩm đó là kết quả của một hiện tượng văn học độc đáo diễn ra phổ biến trong khu vực Đông Á thời trung đại (văn học ngoại giao/ bang giao), bài viết chỉ ra các đặc điểm cơ bản, độc đáo về nội dung và nghệ thuật của các bài thơ bang giao Việt – Nhật cũng như giá trị của chúng. Cuối cùng, từ đó, bài viết đi đến kết luận, văn học nói riêng và văn hóa nói chung đã từng và sẽ còn là một phương tiện hữu hiệu để tạo nên mối giao hảo giữa hai dân tộc, hai đất nước vượt qua mọi cách trở, đặt trong bối cảnh quan hệ khu vực và quốc tế.

 

 

 

TOÀN VĂN

1. Mở đầu

Trong truyền thống bang giao của các nước Đông Á, đặc biệt là các nước nằm trong “vòng văn hóa chữ Hán” (Hán tự văn hóa quyển 漢字文化圏 - かんじぶんかけん Kanji Bunkaken) thời trung đại, thơ thường được sử dụng như một công cụ “giao tiếp” phổ biến và hữu dụng. Về truyền thống này thời cổ đại ở Trung Hoa, nhà sử học Ban Cố 班固 trong Hán thư 漢書 (thiên Nghệ văn chí 藝文志) cho biết: “Ngày xưa khanh đại phu các nước chư hầu giao tiếp với nước láng giềng, đem bày lời ý nhị để thông cảm với nhau, đang khi vái chào nhau, ắt đọc thơ để chỉ cái chí của mình, ấy là để phân biệt tài giỏi với ngu hèn, qua đó để xem xét việc thịnh suy [của đối phương]” (Cổ giả, chư hầu khanh đại phu giao tiếp lân quốc, dĩ vi ngôn tương cảm, đương tập nhượng chi thời, tất xưng thi dĩ dụ kì chí, cái dĩ biệt hiền bất tiếu dĩ quan thịnh suy hĩ). Trong Luận ngữ 論語, Khổng Tử 孔子 cũng nói về việc “học thơ” để phục vụ các mục đích khác nhau, trong đó có mục đích “chuyên đối” 專對 (đối đáp khi đi sứ) để “không làm nhục mệnh vua” mà giữ gìn “quốc thể”. Về sau, tính “phổ biến”, “hữu dụng” của nghi thức này tuy có giảm đi, nhưng ý nghĩa biểu tượng của nó vẫn hầu như còn nguyên vẹn. Đó là cơ sở xuất hiện khái niệm “thơ bang giao” với nghĩa chỉ những bài thơ được dùng trong các hoạt động bang giao giữa sứ thần các nước. Thơ bang giao được xem như việc “mang chuông đi đánh xứ người” là “tuyên ngôn không chính thức” thể hiện quan điểm, thái độ “đối ngoại” (tức quan điểm, cái nhìn về nước bạn) lẫn tư thế, nội lực (tức thể hiện nền tảng “văn hiến”) của không chỉ người viết mà của cả dân tộc mà những cá nhân đó là đại sứ, đại diện. Vì thế, việc tìm hiểu thơ bang giao của một dân tộc (quốc gia) viết về một dân tộc (quốc gia) khác trong khu vực góp phần quan trọng trong việc nhận thức tiến trình giao lưu chính trị, văn hóa, văn học, dẫu nhiều khi chỉ mang tính biểu tượng, giữa các dân tộc (quốc gia) đó trên cái nền chính trị - văn hóa chung của toàn Đông Á.

Việt Nam và các nước Đông Á (Trung Quốc, Hàn Quốc/Triều Tiên, Nhật Bản) trong lịch sử (thời trung đại) đã từng có những mối quan hệ bang giao dưới nhiều hình thức đa dạng, nhiều “cung bậc” thăng trầm. Vì vậy, thơ bang giao giữa Việt Nam với các quốc gia này cũng từng bước hình thành và phát triển hết sức rầm rộ (dẫu không đồng đều) phản ánh các mối quan hệ đa dạng và thăng trầm đó, đồng thời, đánh dấu một hiện tượng rất đáng lưu ý khi nghiên cứu mối quan hệ giao lưu văn hóa giữa Việt Nam với toàn khu vực Đông Á. Từ thực tiễn đó, việc nghiên cứu thơ bang giao Việt Nam – Trung Quốc(1); Việt Nam – Hàn Quốc/ Triều Tiên(2) đã được tiến hành khá công phu, bài bản và toàn diện. Riêng việc nghiên cứu thơ bang giao Việt Nam – Nhật Bản (gọi tắt là “thơ bang giao Việt – Nhật”) mới chỉ dừng lại ở góc độ giới thiệu, mô tả cá biệt hoặc điểm qua trong những “dự án” nghiên cứu tổng quát hơn(3). Đây là tồn tại đã thôi thúc chúng tôi tiến hành bài viết này.

Thực ra, nói về mảng thơ bang giao Việt - Nhật là phải bao gồm tất cả các tác phẩm thơ được sứ thần hai nước, trong quá trình tiếp xúc, xướng - họa, tặng - đáp, trao đổi và viết về nhau. Tuy nhiên, do điều kiện chủ quan và khách quan, ở đây, chúng tôi chỉ đề cập đến những sáng tác của sứ thần Việt Nam viết về Nhật Bản (bao gồm những phần lãnh thổ khác nhau trong lịch sử nhưng nay đều đã thuộc nước Nhật Bản hiện đại). Mảng còn lại (sáng tác của sứ thần Nhật Bản giao thiệp với sứ thần Việt Nam, nếu có) đành tạm gác cho những khảo cứu khác. Chúng tôi dùng khái niệm “thơ bang giao Việt – Nhật” mà không phải “thơ bang giao Nhật – Việt” cũng chính bởi tình hình và với hàm ý đó.

2. Nội dung

2.1. Bối cảnh và diễn trình sáng tác thơ bang giao Việt - Nhật thời trung đại

Việt Nam – Nhật Bản trong lịch sử, mặc dù có nhiều cách trở về phong thổ, địa dư, nhưng cũng đã có mối quan hệ giao lưu văn hóa lâu đời (ngay từ thời Bắc thuộc, khi một người Nhật Bản đến An Nam làm quan). Tuy nhiên, theo những tư liệu hiện còn, quan hệ bang giao chính thức phải đến thế kỉ XVI mới được xác lập và ghi chép lại. Cũng ngay từ đây, đã xuất hiện những tác phẩm thơ văn đáng chú ý. Trong đó, những tác phẩm mang chức năng hành chính - công vụ (thư từ, công văn,…) của quan chức, vua chúa hai bên được xem như những tư liệu lịch sử quý giá và thường xuyên được khai thác chuyên sâu. Còn mảng tác phẩm nghệ thuật (chủ yếu là thơ bang giao) thì lại mới được sử dụng để điểm xuyết, tô vẽ thêm cho bức tranh quan hệ “bang giao” đa sắc đó chứ chưa được khai thác riêng. Do vậy, cần thiết phải có một sự phục dựng tổng quát bối cảnh và diễn trình của thơ bang giao Việt – Nhật thời trung đại.

Như đã nói, từ thế kỉ XVI, hai nước Việt – Nhật đã có những tiếp xúc “bang giao”. Điều này đã được nhiều công trình nghiên cứu đề cập đến. Tuy nhiên, ở đây, có lẽ cần phân biệt hai kiểu tiếp xúc: tiếp xúc trực tiếp, chính thức và tiếp xúc gián tiếp, không chính thức. Tiếp xúc trực tiếp, chính thức là sự trao đổi thông tin qua lại giữa đại diện các quốc gia (mà ở đây cụ thể là đại diện của các triều đại) thông qua thư từ, công văn, qua các sứ đoàn được cử sang nước bạn (Việt – Nhật). Tiếp xúc gián tiếp, không chính thức là sự gặp gỡ, trao đổi (phần lớn ngẫu nhiên, tình cờ) giữa đại diện của hai nước (hầu hết là các sứ thần) ở một nước trung gian (trong trường hợp Việt – Nhật, nước trung gian không đâu khác chính là Trung Hoa). Cả hai hình thức này đều khởi đầu ở thế kỉ XVI (chính thức: khởi đầu với phái đoàn sứ bộ nước Lưu Cầu 琉球 – Ryukyu sang Việt Nam năm 1509, việc đặt quan hệ giữa Cửu Châu – Kyushu 九州– và An Nam thời Trịnh Tùng ; không chính thức: khởi đầu với phái đoàn Phùng Khắc Khoan 馮克寬sang Trung Hoa năm 1597 và gặp sứ thần nước Lưu Cầu ở đây). Có một điều đặc biệt là, nếu như những cuộc tiếp xúc trực tiếp, chính thức giữa hai nước để lại khá nhiều các văn bản hành chính (các bức thư, công văn) thì những cuộc tiếp xúc gián tiếp, không chính thức lại để lại các bài thơ (và một vài đoạn bút kí). Chúng tôi chưa thấy có trường hợp ngược lại (đặc biệt chưa thấy có bài thơ nào xuất hiện trong những cuộc tiếp xúc bang giao trực tiếp, chính trên đất Việt Nam hay Nhật Bản). Có lẽ, tính chất, đặc trưng của các thể văn đã quyết định đến sự ra đời của chúng trong các hoàn cảnh khác nhau như vậy. Thơ ca, bút kí vốn có tính tự do, phóng khoáng, tao nhã thì xuất hiện trong những cuộc gặp gỡ không chính thức (trong bối cảnh trung-hậu kì trung đại); còn công văn, thư từ vốn có tính “quan phương”, sự vụ xuất hiện trong các giao thiệp chính thức cấp quốc gia. Tất nhiên, những trường hợp ngược lại không phải không thể xảy ra (đặc biệt là ở mảng thơ, bút kí), nhưng trên thực tế, chúng tôi chưa thấy có những tác phẩm như thế. Và cũng phải lưu ý rằng, những bài thơ được dùng vào việc “bang giao” trên đây đã ít nhiều có tính nghi thức, tính chức năng (từ nguồn gốc ra đời của nó), nhưng không quá gò bò, chính thống như các văn bản nhà nước (nhất là trong bối cảnh trung – hậu kì trung đại).

Khởi đầu phải kể đến bài thơ Phùng Khắc Khoan 馮克寬 (1528 - 1613) gửi “trình” sứ thần nước Lưu Cầu (nay là tỉnh Okinawa – Nhật Bản). Bài thơ có tên Đạt Lưu Cầu quốc sứ 琉球使 (Trình sứ thần nước Lưu Cầu) được Phùng Khắc Khoan sáng tác nhân dịp gặp sứ thần Lưu Cầu ở Trung Hoa trong sứ trình của ông năm 1597 sang đây. Bài thơ được chép trong tập thơ Sứ Hoa bút thủ trạch thi 使華筆手澤詩 – Thơ tự tay viết trên đường đi sứ Trung Hoa (Trong Toàn Việt thi lục 全越詩錄, A.132, quyển 20, bài thơ có tên là Di Lưu Cầu quốc sứ 琉球使 – Tặng sứ thần nước Lưu Cầu) -như sau:

日表红照隅

天南接

山川風域雖云異

禮樂衣冠是則同

偶合夤緣千里外

相期意氣兩情中

些回攜滿天香袖

和氣薰為萬宇風

Phiên âm

Nhật biểu hồng quang nhật chiếu ngung,

Hải thiên nam tiếp hải thiên đông.

Sơn xuyên phong vực tuy vân dị,

Lễ nhạc y quan thị tắc đồng.

Ngẫu hợp dần duyên thiên lí ngoại,

Tương kì ý khí lưỡng tình trung.

Ta hồi huề mãn thiên hương tụ,

Hòa khí huân vi vạn vũ phong.

[Sứ hoa bút thủ trạch thi, A.2011 tờ 16b]

Dịch nghĩa

Ngoài mặt trời, lại có mặt trời với ánh hồng chiếu nơi chân trời,

Biển trời phương Nam tiếp giáp với biển trời phương Đông .

Núi sông, phong vực tuy nói là khác nhau,

Nhưng lễ nhạc, áo mũ thì lại giống hệt.

Gặp gỡ ngẫu nhiên, được cậy nhờ ở ngoài ngàn dặm,

Hẹn hò nhau, có ý khí nằm trong tình cảm của cả hai bên.

Lần này trở về, mang tay áo thơm đầy hương trời,

Khí hòa ấm áp biến thành muôn cơn gió thổi khắp gầm trời)

            Khoảng gần hai thế kỉ sau, năm 1765-1766, nhân chuyến đi sứ sang Trung Hoa, sứ thần Nguyễn Huy Oánh 阮輝瑩 (1713 - 1789) lại được tiếp xúc với sứ thần Nhật Bản. Khi sứ thần Nhật Bản về nước, Nguyễn Huy Oánh lại làm một bài thơ Tiễn Nhật Bản sứ hồi trình 餞日本使回程 (Tiễn sứ thần Nhật Bản về nước). Bài thơ được chép trong tập Thạc Đình di cảo 稿 Di cảo của ông Thạc Đình (phần Hoàng hoa tặng đáp phụ lục 皇華贈答附錄 – Phụ lục những bài thơ tặng đáp trên đường đi sứ) như sau:

朽岡虛路各天涯

多俟欣逢大米家

日送浮泥寧活計

手斟素共金羅

傑奴羊賣西孫步

採落明東阿將梭

華蓋力哥非敢擬

漫將粉地寓情多

Phiên âm

Hủ cương hư lộ các thiên nha,

Đa sĩ hân phùng đại mễ gia.

Nhật tống phù nê ninh hoạt kế,

Thủ châm tiên tố cộng kim la.

Kiệt nô dương mại tây tôn bộ,

Thái lạc minh đông a tướng toa.

Hoa cái lực ca phi cảm nghĩ,

Mạn tương phấn địa ngụ tình đa.        

[Thạc Đình di cảo, A.3135, tờ 28a]

Dịch nghĩa

Giữa ngày nhiều mây mỗi bên (đi về) một góc trời,

Trông đợi đã nhiều, vừa rồi hân hạnh gặp được quan gia.

Ngày đưa thuyền đi, nên tính toán linh hoạt,

Tay rót chén rượu, cùng nhau hàn huyên.

Hôm qua còn đi chơi bộ trên núi,

Đêm nay đã ngồi trên dòng nước (như) thoi đưa.

Không dám nghĩ rằng, ngài tuổi trẻ đã tài cao như vậy,

Lan man dùng ngòi bút [làm bài thơ] để gửi gắm tình cảm dạt dào.

Lại cách đó thêm khoảng hơn nửa thế kỉ, nhân chuyến đi sứ Trung Hoa năm 1831, Lí Văn Phức 李文馥 (1785- 1849) được tiếp xúc với sứ thần Nhật Bản (họ Hướng, họ Vương – tiểu quốc Lưu Cầu). Kết quả của chuyến tiếp xúc đó lại là một bài thơ tiễn biệt (kèm lời dẫn) có tên Kiến Lưu Cầu quốc sứ giả (tính dẫn) 琉球使者(并引) (Tiếp kiến sứ giả nước Lưu Cầu, kèm lời dẫn). Bài thơ được chép trong tập Mân hành tạp vịnh thảo 閩行雜詠草 (Bản thảo thơ ngâm vịnh trong chuyến sang đất Mân). Lời dẫn chép: “Trong khoảng trời đất, có 5 nước đồng văn: Trung châu (Trung Hoa), nước Việt ta, Triều Tiên, Nhật Bản, thứ đến là Lưu Cầu. Lưu Cầu đời đời [bền vững] nên xưng niên hiệu là Khoan Vĩnh. Nước ấy ở phía đông biển Phúc Kiến (Mân Hải), đường biển mất chừng 5-6 ngày. Theo lệ triều hội ở Minh Đường, thì đi từ quán [trọ] của người Mân (Phúc Kiến) đến trạm dịch Nhu Viễn. Việc công xong mà thường cách năm không về, có lẽ là để mưu tính việc thông thương. Phong tục của họ, tóc búi cao trên đỉnh đầu, dùng dầu sáp bôi mượt rồi cài trâm như phụ nữ. Nhưng y phục thì cũng là áo vạt dài, ống tay rộng, mà hay dùng vải có hoa văn như tập tục của người Man. Khi tôi đến đất Mân, vừa trong năm đó có một hôm, chánh sứ nước ấy họ Hướng, Phó sứ họ Vương đến thăm hỏi. Tôi nghe tin vui vẻ ra nghênh tiếp. Trong lúc bút đàm, đều dùng chữ khải ngay ngắn, nhưng duy chỉ có từ ngữ hai bên không được thông suốt, cho nên người đối thoại không được thoải mái cho lắm. Khi từ biệt ngẫu hứng làm được bài thơ Đường luật như sau” (Thiên địa gian đồng văn chi quốc giả ngũ: Trung châu, ngã Việt, Triều Tiên, Nhật Bản, Lưu Cầu diệc kì thứ dã.  Lưu Cầu niên hiệu thế thế nhân xưng Khoan Vĩnh. Kì quốc tại Mân Hải chi đông, hàng lộ cận ngũ lục nhật. Minh Đường triều hội lệ, do Mân quán vu Nhu Viễn dịch. Công hoàn thường cách niên phất quy, cái mưu thông thương dã. Kì tục đầu phát ư đính tốc chi dịch dĩ du; tháp dĩ trâm, như phụ nhân. Nhiên y phục diệc trường khâm đại tụ, đãn đa dụng văn bố như Man tập. Dư lai Mân, kì niên thích tại thử nhất nhật, kì Chánh sứ Hướng tính, Phó sứ Vương Tính lai tương phỏng. Dư văn chi hân nhiên xuất nghênh. Bút đàm gian tự họa diệc khải chính, duy từ ngữ pha sàn, thù lệnh nhân bất kham sướng. Kí tập biệt ngẫu thành nhất luật). Bài thơ như sau:

所見何如昔所聞

重洋夢醒各天雲

琉球使驛程由海

袖學儒飭用文

為憐筆墨遜三分

茫茫客旅誰相伴

半卷陳詩語夕曛

Phiên âm

Sở kiến hà như tích sở văn,

Trùng dương mộng tỉnh các thiên vân.

Lưu Cầu sứ dịch trình do hải,

Khâm tụ học nho sức dụng văn.

Tối thiện lễ văn đồng nhất phái,

Vi lân bút mặc tốn tam phân.

Mang mang khách lữ thùy tương bạn,

Bán quyển trần thi ngữ tịch huân.

[Mân Hành tạp vịnh thảo, A.1291, tờ 21b-22a]

Dịch nghĩa

Điều mình được thấy sao giống như điều mình đã được nghe trước đây,

Nơi trùng dương, tỉnh giấc mộng thì mỗi bên đã ở một góc trời.

Hành trình đi sứ của sứ thần Lưu Cầu là nhờ vào biển cả,

Phục trang của người học Nho đều dùng hoa văn.

Vui nhất là cả bên đều cùng một mạch nguồn văn chương, lễ nghĩa,

Chỉ thương cho bút mực bị kém đi mất ba phần ý nghĩa.

Quán khách trống trải, lấy ai làm bạn cùng?

Đem nửa quyển thơ ra trình bày, thì có thể nói chuyện đến chiều tối.

            Tạm thời, chúng tôi mới chỉ tìm thấy 3 bài thơ trên đây. Rất có thể khi đào sâu vào các thư tịch Hán Nôm hiện còn ở cả hai nước, chúng ta có thể phát hiện thêm những bài thơ khác. Với các bài thơ hiện có, có thể thấy, những bài thơ bang giao của Việt Nam viết về Nhật Bản đều được sáng tác trên đất Trung Hoa trong những dịp sứ thần hai nước gặp nhau nơi quán dịch hoặc trong khi triều cận. Nhìn vào khoảng cách thời gian xuất hiện 3 bài thơ, ta thấy càng về sau (thế kỉ XVIII-XIX), mật độ tiếp xúc của sứ thần 2 nước càng dày hơn và số lượng thơ xuất hiện càng nhiều hơn (tình hình cũng tương tự như với sứ thần Triều Tiên; có lẽ nguyên nhân một phần cũng do vấn đề tư liệu Hán Nôm còn giữ được). Đây là một quy luật để định hướng về thời gian cho sự tìm kiếm của chúng ta đối với những tác phẩm còn chưa được biết đến (của cả hai phía).

Trong 3 bài thơ hiện còn, thì có 2 bài sứ thần Việt Nam tặng cho sứ thần nước Lưu Cầu (một tiểu quốc “chư hầu” ở phía Nam Nhật Bản ngày nay là tỉnh Okinawa), 1 bài sứ thần Việt Nam “tiễn sứ thần nước Nhật Bản”. Điều đó cũng phản ánh một thực tế lịch sử là trước thời Meiji 明治 (cụ thể là trước năm 1879), Lưu Cầu còn là một vương quốc tự trị, chưa chính thức bị giải thể và sáp nhập vào Nhật Bản; trong khi Nhật Bản hầu như đóng cửa ngoại giao với Trung Quốc (bất thần phục) thì Lưu Cầu vẫn giữ mối quan hệ triều cống với nhà Minh và nhà Thanh, thậm chí là một cửa ngõ không chính thức để Nhật Bản “lợi dụng” mà giao lưu với Trung Quốc. Trong lời dẫn của mình, Lí Văn Phức cũng nhận thức Lưu Cầu như một nước độc lập với Nhật Bản trong số các nước “đồng văn”. Đó là một thực tế lịch sử cần lưu ý. Lại nữa, theo ý kiến của các nhà nghiên cứu Nhật Bản thì thế kỉ XVIII, không có sứ đoàn Nhật Bản nào đến Trung Quốc. Vậy tại sao Nguyễn Huy Oánh lại có thể gặp gỡ và tặng thơ cho sứ thần Nhật Bản? Phải chăng thư tịch ở Nhật Bản ghi chép về các sứ đoàn không đầy đủ, hay thực chất sứ thần Nhật Bản mà Nguyễn Huy Oánh gặp là sứ thần nước Lưu Cầu (lúc bấy giờ chưa trực thuộc Nhật Bản), nhưng về sau người biên chép bài thơ theo tình hình thực tế lúc bấy giờ Lưu Cầu đã thuộc Nhật Bản mà viết như vậy? Tuy nhiên, trong bài thơ của mình, Nguyễn Huy Oánh dùng nhiều từ vựng tiếng Nhật được phiên âm chữ Hán, điều đó lại chứng tỏ tiếp xúc với ông là sứ thần Nhật Bản thực thụ. Đây là những vấn đề lịch sử phức tạp chưa thể giải quyết một sớm một chiều. Dẫu sao chăng nữa, sự áp đảo về quan hệ bang giao với tiểu quốc Lưu Cầu cho thấy sự hạn chế, khó khăn trong việc tiếp xúc, giao lưu văn hóa Việt – Nhật trên đất Trung Hoa ở thời trung đại. Quan hệ đó sinh động và phong phú hơn thông qua con đường công văn và nhất là thông thương.

Bên cạnh đó, cũng có thể dễ dàng nhận thấy, các cuộc tiếp xúc này cũng diễn ra song song với các cuộc tiếp xúc với sứ thần Triều Tiên. Các tác giả trên đây hầu hết đều có thơ tặng đáp sứ thần Triều Tiên. Như vậy, nhìn một cách tổng quát, thơ bang giao Việt Nam với Nhật Bản, cũng như với Triều Tiên đều nằm trong một bộ phận lớn hơn là “thơ đi sứ” (thơ sứ trình) của sứ thần Việt Nam sang Trung Hoa thời trung đại. Đây là bối cảnh rộng lớn cần được tính đến khi nghiên cứu thơ bang giao với Nhật Bản và Triều Tiên. Nếu xét cả chiều dài lịch sử, về mặt số lượng, thơ sứ thần Việt Nam tặng – đáp sứ thần Triều Tiên phong phú, đa dạng hơn, mang tính hai chiều. Điều này xuất phát từ một thực tế là cơ hội sứ thần Việt Nam tiếp xúc với sứ thần Triều Tiên cao hơn nhiều với sứ thần Nhật Bản (do nhiều nguyên nhân: sự cách trở về địa lí như nhiều sứ thần đã công nhận; quan hệ bang giao không phải khi nào cũng trôi chảy, liên tục giữa Nhật Bản và Trung Hoa; sự cách li các sứ đoàn của nước chủ nhà khiến cho việc gặp gỡ không hề dễ dàng,v.v…). Nhưng cũng vì vậy, những bài thơ bang giao với Nhật Bản càng hiếm hoi và quý giá hơn đối với chúng ta (và cũng có điều lạ là trong thư tịch Hán Nôm Việt Nam không thấy lưu giữ được một sáng tác nào của sứ thần nước Nhật tặng cho sứ thần Việt Nam; chúng tôi chưa có điều kiện kiểm chứng tư liệu ở Nhật Bản).

Điều thú vị nữa là, có một sự trùng hợp trong hoàn cảnh sáng tác của các bài thơ này: cả ba bài đều được sáng tác trong hoàn cảnh các sứ thần Việt Nam từ biệt hoặc tiễn biệt các sứ thần Nhật Bản. Trước đó, theo những tư liệu liên quan, trong khi gặp gỡ, giữa họ đã có những cuộc đối thoại (chủ yếu qua hình thức “bút đàm”), nhưng nội dung cụ thể không được ghi chép lại. Những bài thơ chỉ là sự đúc kết những cảm nghĩ sau những cuộc chuyện trò, qua lại như vậy. Và do đó, chúng nghiễm nhiên trở thành những chứng tích chủ yếu của những cuộc tiếp xúc. Hơn thế, ngay trong thơ của mình các tác giả đều ý thức và trực tiếp phát biểu về vai trò của thơ ca như một phương tiện hữu hiệu để giao tiếp, giãi bày tình cảm. Nếu Nguyễn Huy Oánh nói: “Lan man dùng ngòi bút [làm bài thơ] để gửi gắm tình cảm dạt dào” (Mạn tương phấn địa ngụ tình đa) thì Lí Văn Phức cũng cho rằng: “Đem nửa quyển thơ ra trình bày, thì có thể nói chuyện đến tận chiều tối” (Bán quyển trần thi ngữ tịch huân). Ở đây, rõ ràng thơ trở thành một ngôn ngữ văn hóa để thấu hiểu, sẻ chia và kết nối.

2.2. Đặc điểm thơ bang giao Việt - Nhật thời trung đại

2.2.1. Về nội dung

            Đọc qua một lượt những bài thơ bang giao của sứ thần Việt Nam viết về Nhật Bản, có thể nhận ra những nội dung nổi bật sau đây:

Một là, các bài thơ đều phản ánh một thực tế xa xôi, cách trở về địa lí giữa hai nước. Trong các bài thơ bang giao của các sứ thần Việt Nam, nổi bật lên những hình ảnh như: “ngoài mặt trời” (nhật biểu), “chân trời” (thiên nhai), “mây trời” (thiên vân), “biển trời” (hải thiên), “góc trời” ([thiên] ngung), “biển khơi” (trùng dương), “ngoài ngàn dặm” (thiên lí ngoại),v.v… Tất nhiên, đây vẫn là những hình ảnh mang tính ước lệ, nhưng không phải không mang bóng dáng của hoàn cảnh thực tế. Nó cho thấy sự hình dung của các tác giả Việt Nam về một nước Nhật Bản (Lưu Cầu) xa xăm, mờ mịt trong con mắt hình dung của những con người trung đại vốn chưa có được một kiến thức địa lí thật vững chắc và chủ động và luôn bị choáng ngợp bởi những kiểu không gian “chân trời góc bể”. Trong đó, ta lại thấy hiển hiện ở đây yếu tố “biển cả” như một lực cản, một nét đặc thù về mặt vị trí, địa dư của đất nước Nhật Bản xa xôi. Ngoài những hình ảnh “biển cả”, “biển trời”, “trùng dương”, “dòng nước” (minh đông),… ta còn thấy xuất hiện hình ảnh phương tiện đi lại rất đặc trưng của người Nhật, đó là “thuyền bè” (phù nê), “thuyền như thoi trên dòng nước”. Sứ trình của sứ thần nước ấy cũng được hình dung và phản ánh: “Hành trình đi sứ của sứ thần Lưu Cầu là nhờ vào biển cả” (Lưu Cầu sứ dịch trình do hải), “đêm nay đã ngồi trên dòng nước như thoi đưa” (Thái lạc ming đông a tướng toa). Đây là điểm khá khác nếu chúng ta so sánh với nội dung những bài thơ bang giao Việt Nam viết về Trung Quốc hay Triều Tiên. Nói như ngày nay, trong con mắt sứ thần Việt Nam, Nhật Bản là một “quốc gia biển”. Thực ra, Việt Nam ngày nay cũng được xác định là một “quốc gia biển”, nhưng ta phải đặt vào thời trung đại để thấy rằng, trước đây người Việt chưa ý thức đầy đủ về điều đó, chưa có nhiều khát vọng (và kể  cả ý chí) để vươn ra biển cả  (tất nhiên từ cuối thế kỉ XVIII trở đi cái nhìn về biển của người Việt đã khác đi với sự tiếp xúc với biển ngày càng nhiều hơn). Bởi vậy, nói đến biển, các tác giả cho thấy một cái nhìn choáng ngợp, một sự hình dung vượt lẽ thường. Nói như vậy để thấy được  ấn tượng của các sứ thần về một quốc gia đến từ chân trời, góc trời khác. Đúng như Phùng Khắc Khoan từng thừa nhận với sứ thần Triều Tiên khi được hỏi: ‘Nước ông cách Lưu Cầu, Nhật Bản bao nhiêu dặm?’ [Phùng Khắc Khoan] đáp: ‘Nước tôi với Lưu Cầu, Nhật Bản cách biển, không thông suốt được” (Vấn đáp lục – Lí Toái Quang chép). Về sau, Lí Văn Phức tuy biết “Nước ấy ở phía đông biển Phúc Kiến (Mân Hải), đường biển mất chừng 5-6 ngày” (Dẫn) nhưng trong thơ, tác giả vẫn khắc họa một khoảng cách xa xôi nghìn trùng không dễ vượt qua: “Nơi trùng dương, tỉnh giấc mộng thì mỗi bên đã ở một góc trời” (Trùng dương mộng tỉnh các thiên vân).

Tuy nhiên, cảm giác xa xôi, choáng ngợp đó không đưa lại một cái nhìn xa lạ, phòng ngừa hay kì thị đối với đất nước và con người Nhật Bản (như đối với người phương Tây). Trong con mắt của sứ thần Việt Nam, có ba điểm tựa vững chắc để vượt qua “khoảng cách địa lí” đó: một là, cơ sở về mặt văn hóa (“đồng văn”); hai là cơ sở về mặt ý chí, tình cảm (“tứ hải giai huynh đệ”, “đồng chí”); bà là cơ sở về vị thế sứ thần “phiên quốc” trên đất Trung Hoa (đồng cảnh, đồng nhiệm). Điều đó dẫn đến ba phương diện tiếp theo trong nội dung của các bài thơ bang giao Việt – Nhật.

Hai là, các bài thơ đều khẳng định một quan niệm phổ biến rằng tuy cương vực, phong thổ khác nhau nhưng đều là “đồng văn”, cùng y quan - lễ nhạc. Đây là cái nhìn dưới con mắt của nhà Nho được đào tạo trong “cửa Khổng sân Trình” và biết vận dụng những quan điểm mang tính “đại đồng”, “hòa hảo” của nó trong việc giao hảo. Cơ sở của cái nhìn đó là cái nhìn khu vực chứ không bó hẹp trong quan điểm dân tộc hay cương vực. Điều đó được Phùng Khắc Khoan nói rõ:

Sơn xuyên phong vực tuy vân dị,

Lễ nhạc y quan thị tắc đồng.

(Núi sông, phong vực tuy nói là khác nhau,

Nhưng lễ nhạc, áo mũ thì lại giống hệt)

“Lễ nhạc y quan” giống nhau ở chỗ nào? Ta có thể tham khảo quan niệm về “lễ nhạc y quan” trong một bài thơ mà phạm vi lưu truyền của nó là khắp vùng Đông Á. Ở Việt Nam đó là bài Đáp Bắc nhân vấn An Nam phong tục 答北人問安南風俗của Hồ Quý Li 胡季犛 (1336 - ?); ở Nhật Bản đó lại là bài Đáp Minh Thái Tổ vấn Nhật Bản phong tục 答明太祖問日本風俗của Hại-lị-ma-cáp 嗐哩嘛哈; ở Trung Hoa đó là bài Thượng vấn An Nam sự của Ngô Bá Tông 吴伯宗 (thế kỉ XIV); và ở Triều Tiên đó là bài An Nam phong tục 安南風俗 của Lí Long Tường (李龍祥/이용상/Yi Yong Sang). Ở mỗi một nước, bài thơ có một dị bản, tuy nhiên, có hai câu dường như ít thay đổi nhất, đó là:

,

 

            Y quan Đường chế độ,

            Lễ nhạc Hán quân thần.

            (Áo mũ thì theo chế độ nhà Đường,

Lễ nhạc thì theo vua tôi nhà Hán).

            Cái giống nhau, nói tóm lại, là việc các nước đều chịu ảnh hưởng về lễ nghi, chế độ, văn hiến của Trung Hoa ở những thời đỉnh cao, tinh hoa của nó (trên thực tế điều đó có đúng hay không lại là chuyện khác!). Điều này được Lí Văn Phức nói một cách cụ thể hơn. Đó là đạo Nho, là “lễ” và “văn”:

Khâm tụ học nho sức dụng văn.

Tối thiện lễ văn đồng nhất phái,

(Phục trang của người học Nho đều dùng hoa văn.

Vui nhất là cả bên đều cùng một mạch nguồn văn chương, lễ nghĩa).

Cái nhìn này không chỉ dành cho nước Nhật mà còn dành cho các nước khác trong khu vực. Phùng Khắc Khoan làm thơ tặng sứ thần Triều Tiên cũng nói:

彼此雖殊山海

淵源同一聖賢書

Bỉ thử tuy thù san hải vực,

Uyên nguyên đồng nhất thánh hiền thư.

(Đấy đây tuy khác nhau về biển, núi,

Nhưng nguồn sâu vẫn cùng sách vở thánh hiền)

Đó chính là niềm tự tín để các sứ thần Việt Nam cảm thấy gần gũi, thân thiết với các sứ thần Nhật Bản. Hay nói khác đi, cái gọi là “y quan, lễ nhạc”, là “đạo thánh hiền” hay “quyển văn hóa chữ Hán” chính là bầu không khí chung, là tiếng nói chung để kết nối những con người, những dân tộc ở các phương trời khác nhau về một mối theo nhận thức của giới trí thức lúc bấy giờ. Đồng thời, nó cũng thể hiện một quan điểm, một thái độ mà có lẽ các nước Việt Nam, Triều Tiên hay Nhật Bản thời đó đều chia sẻ, đó là tinh thần “bất tốn ư Hoa Hạ” (không kém gì Trung Hoa).

Thứ ba, các bài thơ đều bộc lộ thái độ trân trọng, đề cao đất nước, con người Nhật Bản của sứ thần nước Việt. Phùng Khắc Khoan dùng hình ảnh rất ấn tượng: “Ngoài mặt trời, lại có mặt trời với ánh hồng chiếu nơi chân trời” (Nhật biểu hồng quang nhật chiếu ngung) để nói về vị trí mà cũng là để đánh giá vị thế của nước bạn. Nó khiến ta nhớ lại câu thơ Lí Giác tặng Lê Hoàn trong chuyến đi sứ của ông tới An Nam: “Ngoài trời lại có trời soi chiếu” (Thiên ngoại hữu thiên ưng viễn chiếu – 天外有天應遠照) mà Đại sư Khuông Việt cho rằng đó là sự coi trọng vua An Nam ngang với vua Tống của một sứ giả “thiên triều” [Thiền uyển tập anh ngữ lục 禪苑集英語錄]. Đánh giá cao nước bạn, con người nước bạn, Phùng Khắc Khoan còn sử dụng những hình ảnh, biểu tượng hết sức khiêm nhường để nói về vinh hạnh của mình: “được cậy nhờ ở ngoài ngàn dặm” (dần duyên thiên lí ngoại), “tay áo mang đầy hương trời thơm” (huề mãn thiên hương tụ), “khí hòa ấm áp biến thành muôn cơn gió thổi khắp gầm trời” (Hòa khí huân vi vạn vũ phong). Nguyễn Huy Oánh cũng vậy, ông hết lời ca ngợi sứ thần nước bạn: “Trông đợi đã nhiều, vừa rồi hân hạnh gặp được quan gia […] (Ngài) tuổi trẻ tài cao, tôi không dám suy lường” (Đa sĩ hân phùng đại mễ gia… Hoa cái lực ca phi cảm nghĩ). Còn Lí Văn Phức thì ngỡ ngàng vì: “Điều mình được thấy sao giống được như điều mình đã được nghe trước đây” (Sở kiến hà như tích sở văn), bởi điều được thấy còn hơn hẳn điều được nghe, tương tự như Nguyễn Huy Oánh nói: “không dám nghĩ đến rằng ngài tuổi trẻ đã tài cao như vậy”. Tất nhiên, đây cũng là một động thái mang tính ngoại giao, khoa trương (không chỉ dành cho sứ thần Nhật Bản). Nhưng, nếu nhìn nhận một cách tinh tế hơn, đối với Nhật Bản hay Triều Tiên, thái độ trân trọng, đề cao đất nước, con người nước bạn cũng là một cách để tự đề cao mình; bởi lẽ, các nước này đều ở trong cùng một vị thế: “phiên quốc” phi-Trung Hoa hay nói khác đi “phi trung tâm”! Nó có khác với thái độ xã giao, khách sáo, nhún nhường với các đại diện của đế chế Trung Hoa (tất nhiên cũng có trường hợp cá biệt). Phùng Khắc Khoan ngầm ý điều đó khi đặt ngang vị thế và sự gần gũi giữa nước Nam (Thiên Nam) và nước phía Đông (Nhật Bản): “Biển trời phương Nam tiếp giáp với biển trời phương Đông” (Hải thiên Nam tiếp hải thiên Đông) sau khi đã ca ngợi nước phía Đông có “ngoài mặt trời lại có ánh nắng hồng soi chiếu”. Lí Văn Phức thì tự hào, hân hoan vì cho rằng hai nước đều “cùng một ngọn nguồn văn chương, lễ nghĩa”, tức là cũng “không kém gì Trung Hoa”.

Thứ tư, các sứ thần đều thể hiện tình cảm lưu luyến, cảm động đối với những người bạn nơi đất khách. Phùng Khắc Khoan cho rằng đó là một “cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên … ngoài ngàn dặm” (ngẫu hợp… thiên lí ngoại) mà như đã “hẹn hò nhau, có ý khí nằm trong tình cảm của cả hai bên” (tương kì ý khí lưỡng tình trung). Đó chính là tinh thần “tứ hải giai huynh đệ”, “hữu duyên thiên lí năng tương ngộ”, “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Đó còn là sự gặp gỡ của cảm xúc, tâm trạng trong tình cảnh của những kẻ tha hương, cô đơn nơi đất khách. Dường như họ đã tìm được sự đồng cảm với nhau từ sự tương đồng về vị thế, hoàn cảnh, tâm trạng. Lí Văn Phức nói rõ hơn đó là tình cảm của những người bạn tri âm tri kỉ nơi lữ quán. Vì vậy, ông trăn trở, thao thức bởi những rào cản và chia cách, chia li: “Chỉ thương cho bút mực bị kém đi mất ba phần ý nghĩa/ Quán khách trống trải, lấy ai làm bạn cùng?” (Vi lân bút mặc tốn tam phân/ Mang mang khách lữ thùy tương bạn?). Còn bài thơ của Nguyễn Huy Oánh tiễn sứ thần Nhật Bản lại như một câu chuyện kể về cuộc gặp gỡ, giao tiếp hàn huyên giữa những người bạn “cảm tài mến đức”, thân mật như đã gặp từ lâu: “Trông đợi đã nhiều, vừa rồi hân hạnh gặp được quan gia […] Tay rót chén rượu, cùng nhau hàn huyên/ Hôm qua còn đi chơi bộ trên núi/ Đêm nay đã ngồi trên dòng nước […] Lan man dùng ngòi bút [làm bài thơ] để gửi gắm tình cảm dạt dào” (Đa sĩ hân phùng đại mễ gia…/ Thủ châm tiên tố cộng kim la/ Kiệt nô dương mại tây tôn bộ/ Thái lạc minh đông a tướng toa/…/ Mạn tương phấn địa ngụ tình đa).

Như vậy, vượt qua tính chất  thù tạc xã giao, nghi thức của thơ bang giao, các bài thơ bang giao của sứ thần Việt Nam đã ít nhiều thể hiện cảm xúc chân thành, cảm động của những tâm hồn kẻ sĩ, nghệ sĩ đối với đất nước, con người Nhật Bản. Đây là thế mạnh, là nét đặc thù của thơ ca mà những thể văn hành chính – công vụ (thư từ, công văn) khác ít có được; cũng là nét đặc thù của chúng xuất phát từ bối cảnh ra đời.

2.2.2. Về nghệ thuật

            Ngoài những đặc điểm chung của thơ trung đại, đặc điểm của thơ bang giao là tính trang trọng, chuẩn mực, tính nghi thức khoa trương (có phần sáo mòn). Chúng được viết ra để giao đãi, “ngôn chí” “tải đạo”, đồng thời cũng lại là để “khoe tài”. Những đặc điểm này cũng được thể hiện trong các bài thơ bang giao Việt – Nhật.

Về thể thơ, ba bài thơ hiện còn đều được viết bằng thể thất ngôn bát cú Đường luật. Đây là thể thơ thông dụng, chuẩn mực, cân đối hài hòa, được sử dụng nhiều trong các hoạt động, từ việc ứng đối trong thi cử, bang giao cho đến thù tạc, thưởng ngoạn. Đặc biệt, trong các hoạt động mang tính nghi thức, quan phương thơ thất ngôn bát cú chiếm tỉ lệ lớn. Vì vậy, việc nó được sử dụng trong thơ bang giao Việt – Nhật ở đây là một tất yếu. Sự chặt chẽ, nghiêm nhặt, độ khó của thể thơ chính là thử thách, là “thước đo” đồng thời là cách thức để các tác giả - sứ thần bộc lộ tài năng, học vấn của mình qua đó nâng cao vị thế cho bản thân và cho đất nước với tư cách một quốc gia văn hiến.

Về ngôn ngữ - văn tự, ở thời trung đại, trong bối cảnh “đồng văn” của khu vực (đã được các sứ thần thừa nhận, mà trước hết là “đồng văn tự” với ngôn ngữ “quốc tế” trong khu vực là chữ Hán, ngôn ngữ Hán), đương nhiên, những bài thơ bang giao đó cũng được viết bằng ngôn ngữ - văn tự Hán. Nhưng cũng phải lưu ý rằng, đây là thứ ngôn ngữ - văn tự Hán văn ngôn, trang trọng điển nhã (tương tự như chữ Latin trong văn hóa châu Âu thời trung đại), đã được giới trí thức “tinh hoa” ở các nước trong khu vực tiếp nhận và sử dụng. Đọc các bài thơ bang giao Việt – Nhật, dễ dàng nhận thấy thứ chữ Hán tinh hoa đó đã được sử dụng, phô bày thuần thục, trau chuốt như thế nào với sự triển hiện của những văn thi liệu, những “từ chương”, phạm trù tư tưởng đã trở thành “của chung” trong văn học khu vực. Mặc dù vậy, nhìn chung, những bài thơ của sứ thần nước Việt không quá hóc hiểm, đẽo câu gọt chữ một cách cầu kì. Tuy nhiên, trong đó, do đặc thù của sự bang giao giữa hai nước Việt – Nhật, ta thấy có những nỗ lực “cá thể hóa”, “độc đặc hóa” ngôn ngữ - văn tự sáng tác qua đó thể hiện “tuyệt kĩ”, “công phu” của tác giả. Ở đây, chúng tôi muốn nói đến bài thơ của Nguyễn Huy Oánh. Về hình thức, bài thơ viết bằng chữ Hán. Nhưng, đọc qua bài thơ này, có lẽ một người dù khá thông thạo chữ Hán cũng phải lúng túng trong việc nắm bắt nội dung của tác phẩm (nhất là những chữ chúng tôi cho in đậm). Những chữ đó được chú là: “Dụng Y Chu chi ngữ” 用伊周之語 (Dùng tiếng nói của Y Chu). “Tiếng nói của Y Chu”(4) là gì? Các cước chú trong văn bản cho biết cụ thể hơn đó là những từ song tiết được chú thích về nghĩa. Tổng cộng có 15 từ như sau:

 

Từ song tiết

Cước chú

Tự dạng

Âm HV

Tự dạng

Âm HV

Nghĩa

朽 岡

Hủ cương

Vân

Mây

虛 路

Hư lộ

Nhật

Ngày

Tiên tố

Trà

Nước trà

大 米

Đại mễ

Quan

Quan nhân

浮 泥

Phù nê

Thuyền

Thuyền

金 羅

Kim la

Tiêm

Hàn huyên

傑 奴

Kiệt nô

昨 日

Tạc nhật

Ngày hôm qua

羊 賣

Dương mại

Sơn

Núi

西 孫

Tây tôn

Du

Đi chơi

採 落

Thái lạc

Dạ

Đêm

明 東

Minh đông

Thủy

Nước, sông

阿 將

A tướng

Tọa

Ngồi

華 蓋

Hoa cái

少 年

Thiếu niên

Tuổi trẻ

力 哥

Lực ca

聰 明

Thông minh

Sáng suốt

粉 地

Phấn địa

Bút

Cây bút

 

Các từ ngữ được cước chú trên đây không thể tìm thấy trong kho từ vựng tiếng Hán. Chúng có xuất xứ từ đâu? Hóa ra, đó là những từ kép tiếng Hán dùng để ghi âm tiếng Nhật, xuất hiện trong các bản từ vựng tiếng Nhật ở sách như: Hoàng Minh ngự Oa lục 皇明馭倭錄 của Vương Sĩ Kì (đời Minh), Oa tình khảo lược 倭情考略 của Quách Quang Phục (đời Minh); Trù hải trùng biên 籌海重編 của Đặng Chung (đời Minh), v.v…. Hẳn đây là các bản từ vựng được rút từ cuốn Nhật Bản dịch ngữ 日本譯語 hoàn thành năm 1549 đời Gia Tĩnh 嘉靖. Một số từ trong các bản từ vựng được ghi trong các tư liệu nêu trên vẫn còn tồn tại trong kho từ vựng tiếng Nhật hiện đại và có thể truy nguyên được mối liên hệ, chẳng hạn như: “Da mại” 耶賣  = yama (núi); “Phù nê” 浮泥 = fune (thuyền); “Kiệt nô” 傑奴 = kinou (ngày hôm qua); “Phấn địa” 粉地 = fude (bút); “Hoa cái” 華蓋 = wakai (trẻ, thiếu niên); “Thái lạc” 採落 = yoru (đêm), “Minh đông” 明東 = mizu (sông, nước), “Hủ cương” 朽岡= kumo (mây), “Hư lộ” 虛路= kyou (ngày),v.v…Như vậy, có thể kết luận rằng Nguyễn Huy Oánh đã sử dụng những từ có trong các bản từ vựng Nhật - Hán nêu trên để sáng tác bài thơ tặng sứ giả Nhật Bản. Như ta biết, Nhật Bản dịch ngữ cũng như các bản từ vựng khác (trong bộ Hoa Di dịch ngữ 華夷譯語, 1387 - 1566) ra đời chủ yếu nhằm phục vụ công tác bang giao giữa Trung Hoa và các nước chung quanh, trong đó có Nhật Bản. Việc Nguyễn Huy Oánh chủ động sử dụng chúng cho công việc bang giao với sứ thần Nhật Bản thể hiện sự “chuyên nghiệp” trong hoạt động bang giao của bản thân ông. Nói theo cách hiện nay, ông đã có ý thức học và sử dụng ngoại ngữ để giao tiếp (mặc dù có lẽ chỉ là “bút đàm”) với sứ thần Nhật Bản(5). Việc làm trên của Nguyễn Huy Oánh cũng đồng thời có ý nghĩa nâng cao uy tín quốc gia, nâng cao vị thế dân tộc trong con mắt của sứ thần Nhật Bản. Điểm độc đáo nữa của tác phẩm là sự hòa trộn ngôn ngữ, và qua đó là văn hóa, Nhật -  Hán trong một bài thơ chữ Hán của người Việt. Bài thơ viết bằng chữ Hán, theo thể Đường luật Hán, ngữ pháp Hán, nhưng có sự kết hợp giữa từ vựng Hán và từ vựng Nhật (được phiên âm bằng tiếng Hán). Cách dùng các từ Nhật phiên âm trong các cặp câu đối cũng khá đăng đối, tề chỉnh. Bài thơ đọc lên có âm hưởng hài hòa, cân đối, chặt chẽ của thơ chữ Hán (nhưng dĩ nhiên, đối với đối tượng được tặng, bài thơ này có thể không dùng để “ngâm độc” mà chỉ dùng để “khán độc”), nhưng cần được hiểu một phần theo ngôn ngữ Nhật, tư duy Nhật ở mảng từ vựng. Sự kết hợp này không phải là phổ biến và ngay cả sứ thần Nhật Bản, nếu không am hiểu cả chữ Hán lẫn từ vựng Nhật được phiên âm bằng chữ Hán (thời Minh) thì chưa chắc đã hiểu được bài thơ (mà hẳn sứ thần Nhật Bản thì phải nắm được). Ta biết rằng, tiếng Nhật là ngôn ngữ chắp dính nên họ không thể sáng tác thơ Đường bằng tiếng Nhật thuần túy (giống như hiện tượng thơ Nôm Đường luật ở Việt Nam). Họ chỉ có thể sáng tác thơ Đường luật Hán thuần túy hoặc chỉ có thể đưa từ vựng Nhật vào bài thơ Đường luật Hán như cách Nguyễn Huy Oánh đã làm. Hiện tượng này cũng có phần tương tự như việc các tác giả Việt Nam sáng tác thơ Đường luật Hán, trong đó có dùng một số từ Hán do người Việt Nam sáng tạo, đặc biệt là những từ phiên âm từ tiếng Việt. Hiện chúng tôi chưa rõ trong văn học Nhật có những tác phẩm được sáng tác theo cách Nguyễn Huy Oánh đã làm hay không. Nếu có thì điều đó cho thấy Nguyễn Huy Oánh khá am hiểu văn hóa, văn học Nhật, hay ít ra là đã có sự “gặp gỡ ngẫu nhiên của các thiên tài”. Đọc bài thơ kì khu thế này, hẳn sứ thần Nhật Bản phải hết sức khâm phục, đồng thời trân trọng chính sự trân trọng đối với ngôn ngữ dân tộc ông của Nguyễn Huy Oánh.

            Về hình tượng và bút pháp, những bài thơ bang giao Việt – Nhật nghiêng về phía những hình tượng kì vĩ với bút pháp khoa trương, ước lệ hơn là những hình tượng chi cụ thể, tả thực. Hình tượng thơ kì vĩ, khoa trương được gợi hứng từ chính không gian, bối cảnh ra đời những bài thơ; từ lai lịch của các vị sứ thần hai nước, đặc biệt là sứ thần Nhật Bản. Ở trên, chúng ta đã chú ý đến các hình ảnh kì vĩ, khoáng đạt: mặt trời, góc trời, chân trời, trời biển, mây trời, biển cả, ngoài ngàn dặm, mặt nước, trùng dương, ngoài mặt trời, ánh nắng mặt trời,... Ở đây, có thể chú ý thêm những hình ảnh với tầm vóc tương tự: [chơi] trên núi, muôn cơn gió thổi khắp vũ trụ, hương trời [đầy tay áo],… Những hình ảnh đó tạo nên ấn tượng của những cuộc gặp gỡ lớn mang tính vũ trụ, có một không hai (một thứ “duyên kì ngộ”) của những con người trong vai trò của các sứ thần đại diện cho các quốc gia, dân tộc. Điều đó khiến cho những cuộc gặp gỡ, giao lưu thêm phần trịnh trọng, đặc biệt; gợi lên những cảm xúc hào sảng của kẻ nam nhi có “tráng chí bốn phương” mà đi sứ được coi là một hành động thực thi tráng chí đó. Hình ảnh kì vĩ, khoa trương còn có tác dụng tán dương, tạo nên ấn tượng đẹp đẽ, bí ẩn về sứ thần nước bạn theo nguyên tắc “dĩ đại vi mỹ” (lấy to lớn làm đẹp). Bên cạnh đó, mặc dù hạn chế hơn nhưng những hình tượng chi tiết, cụ thể (gắn với những sinh hoạt thường nhật, như: [uống] trà, hàn huyên, [trọ nơi] quán khách (khách lữ), nói chuyện thơ,…) cũng có ý nghĩa nhất định (tất nhiên chưa phải là những hình ảnh tả thực, mà vẫn mang đấy tính ước lệ, công thức). Những hình ảnh đó tạo nên ấn tượng gần gũi, thân mật, nồng ấm mà cũng hết sức tao nhã của những mối giao hảo không chính thức này.

3. Kết luận

Khảo qua thơ bang giao Việt – Nhật, có thể thấy đây là một hiện tượng vừa ngẫu nhiên mà vừa tất yếu. Ngẫu nhiên là ở hoàn cảnh ra đời của chúng: sự ra đời của các bài thơ phụ thuộc hoàn toàn vào những cuộc gặp gỡ phi định kì, hoàn toàn tình cờ, thụ động (ở cấp độ vĩ mô) trên một quốc gia thứ ba. Nhưng ngẫu nhiên cũng là một điều kiện của sự sáng tạo: cảm hứng; cảm hứng sản sinh những cảm xúc, suy nghĩa xuất thần, những tác phẩm xuất thần. Tất yếu là ở mục đích, ý nghĩa của chúng: các tác phẩm là phương tiện để “hưng” (thôi thúc), “quan” (quan sát), “quần” (tập hợp), “ngôn chí” (bày tỏ tình cảm, ý chí); là sản phẩm gặp gỡ của những sự tương đồng về nhân sinh quan, vũ trụ quan, về văn hóa và cả vị thế quốc gia mà các sứ thần có trọng trách đại diện lâm thời. Tất yếu còn là ở sự tích lũy, chuẩn bị công phu của các sứ thần cho từ trước. Nói khác đi, đằng sau các bài thơ (dù ít dù nhiều) là cả bức tranh lịch sử và ngọn nguồn văn hóa rộng lớn, sâu sắc của 2 nước và của cả khu vực Đông Á. Các bài thơ là những chỉ dấu, những sợi chỉ đỏ dẫn dắt sự chú ý của chúng ta vào những mối liên hệ nội tại, cố hữu, sâu sắc, bền chặt hơn trong quá khứ và thậm chí đến ngày nay. Ở một cấp độ hiển hiện hơn, rõ ràng có thể suy luận, những bài thơ như vậy đã ít nhiều tạo dựng được ấn tượng tốt đẹp cho nước bạn với một hiệu quả nhiều khả năng được nhân rộng bởi vai trò của các sứ thần – những sứ giả nhiều mặt của một quốc gia. Điều này sẽ được chứng thực rõ hơn nếu một mai, chúng ta tìm được những ghi chép/ sáng tác của chính sứ thần Nhật Bản về thơ và cả hình ảnh con người Việt Nam trong đó. Và như thế, văn học và cao hơn là văn hóa luôn là một phương tiện hữu hiệu để tạo nên mối giao hảo giữa hai dân tộc, hai đất nước vượt qua mọi cách trở, đặt trong bối cảnh quan hệ khu vực và quốc tế xưa nay/.

Hà Nội, tháng 11 năm 2011                                           N.T.T

Chú thích

(1) Về thơ bang giao Việt Nam – Trung Quốc, xin xem: Phạm Thiều - Đào Phương Bình chủ biên, Thơ đi sứ, Nxb KHXH, Hà Nội, 1993; Bùi Duy Tân, Theo dòng khảo luận văn học trung đại Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2005; Vu Tại Chiếu, "Thơ bang giao" chữ Hán Việt Nam trong sự giao lưu văn hoá Việt Nam và Trung Quốc trên lịch sử Trung đại, Bài hội thảo Văn học Việt Nam trong bối cảnh giao lưu văn hóa quốc tế và khu vực, Viện Văn học & Viện Havard Yenching, Hà Nội, 2006, URL: http://vienvanhoc.org.vn/print/thongtin/94/quot;tho-bang-giaoquot;-chu-han-viet-nam-trong-su-giao-luu-van-hoa-viet-nam-va-trung-quoc-tren-lich-su-trung-dai.aspx; Viện Nghiên cứu văn sử đại học Phúc Đán (Trung Quốc), Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Việt Nam), Việt Nam Hán văn Yên hành văn hiến tập thành 越 南 漢 文 燕 行 文 献 集 成; Đại học Phúc Đán xuất bản, Thượng Hải, 2010; Nguyễn Đức Thương, Thơ văn bang giao Việt Nam và Trung Quốc dưới triều Tây Sơn; Hội thảo Việt Nam – Trung Quốc: quan hệ văn hóa và văn học trong lịch sử, Trường ĐHKHXH&NV Tp Hồ Chí Minh, 2011, URL: http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/home/index.php?option=com_content&view=article&id=2399%3Ath-vn-bang-giao-vit-nam-va-trung-quc-di-triu-tay-sn&catid=121%3Aht-vit-nam-trung-quc-nhng-quan-h-vn-hoa-vn&Itemid=187&lang=vi ; Zhan Zhihe (詹志和), Thơ đi sứ chữ Hán của Việt Nam trong mối quan hệ với văn hóa Hồ Nam (越南北使汉诗与湖湘地理文化), Hội thảo Việt Nam – Trung Quốc: quan hệ văn hóa và văn học trong lịch sử, Trường ĐHKHXH&NV Tp Hồ Chí Minh, 2011, URL: http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/home/index.php?option=com_content&view=article&id=2348%3Ath-i-s-ch-han-ca-vit-nam-trong-mi-quan-h-vi-vn-hoa-h-nam-&catid=121%3Aht-vit-nam-trung-quc-nhng-quan-h-vn-hoa-vn&Itemid=187&lang=vi; Nguyễn Công Lý, Thơ đi sứ Việt Nam thời trung đại viết về danh thắng ở Hồ Nam và trường hợp Nguyễn Trung Ngạn, Hội thảo Việt Nam – Trung Quốc: quan hệ văn hóa và văn học trong lịch sử, Trường ĐHKHXH&NV Tp Hồ Chí Minh, 2011, URL: http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/home/index.php?option=com_content&view=article&id=2332%3Ath-i-s-trung-i-vit-nam-vit-v-danh-thng-h-nam-trung-hoa-va-trng-hp-nguyn-trung-ngn&catid=121%3Aht-vit-nam-trung-quc-nhng-quan-h-vn-hoa-vn&Itemid=187&lang=vi v.v…

(2) Về thơ bang giao Việt Nam – Triều Tiên/Hàn Quốc, xin xem: Trần Văn Giáp, Một số tư liệu về việc giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Triều Tiên, Tài liệu chép tay, Thư viện Quốc gia Hà Nội, kí hiệu: Vv.1005/70; Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam: Người Việt Nam ở Triều Tiên và mối giao lưu văn hóa Việt - Triều trong lịch sử - H. 1997; Bùi Duy Tân, Theo dòng khảo luận văn học trung đại Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2005; Nguyễn Minh Tường, Một số cuộc tiếp xúc giữa sứ thần Việt Nam và sứ thần Hàn Quốc thời trung đại, Tạp chí Hán Nôm, số 6/2007;  Nguyễn Đức Nhuệ, Cuộc tiếp xúc giữa sứ thần Việt Nam Lưu Đình Chất và sứ thần Trung Hoa Lý Đẩu Phong đầu thế kỉ XVII, Tạp chí Hán Nôm, số 5/2009; Lý Xuân Chung, Nghiên cứu, đánh giá thơ văn xướng hoạ của các sứ thần hai nước Việt Nam - Hàn Quốc, LATS Ngữ văn, Thư viện Quốc gia Hà Nội, 2009. - 217tr. ,v.v…

(3) Về quan hệ bang giao Việt Nam – Nhật Bản (trong đó ít nhiều có nói đến thơ bang giao Việt – Nhật), xin xem: Vĩnh Sính, Một văn thư vương quốc Lưu Cầu gửi sang Việt Nam vào đầu thế kỉ XVI, Tạp chí Xưa & Nay, số 134, tháng 2/2003; Kawamoto Kunie: Nhận thức quốc tế của chúa Nguyễn ở Quảng Nam căn cứ theo Ngoại phiên thông thư, trong Đô thị cổ Hội An, Nxb Khoa học xã hội, H, 1991; Nguyễn Văn Kim, Nhật Bản với châu Á – những mối liên hệ lịch sử và chuyển biến kinh tế - xã hội, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2003; Lê Văn Hảo – Giao lưu văn hóa Việt Nhật và sự quan tâm của người Nhật đến văn hóa Việt nam, bài đăng trên website: http://chimviet.free.fr/dantochoc/giaoluu/glvietnhat/lvhs058.htm; Nguyễn Thị Oanh, Trịnh Khắc Mạnh, “Thêm một số tư liệu lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm về quan hệ bang giao Việt Nam - Nhật Bản”, Thông báo Hán Nôm học năm 2009, Viện Nghiên cứu Hán Nôm xuất bản, Hà Nội, 2010, tr.757-781; Nguyễn Thanh Tùng, Một tư liệu độc đáo về quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản giữa thế kỉ XVIII, Tạp chí Hán Nôm, số 6 năm 2007; Nguyễn Thanh Tùng, Nguyễn Huy Oánh – nhà ngoại giao, trong Kỉ yếu hội thảo khoa học Danh nhân văn hóa Nguyễn Huy Oánh, Lại Văn Hùng chủ biên, Viện Văn học, Sở văn hóa, thể thao và du lịch Hà Tĩnh, 2008;.v.v…

(4) Nguyên bản chép “dụng y chu chi ngữ” (用伊周之語). Theo PGS.TS Nguyễn Thị Oanh dẫn ý kiến của GS Komatsu Kazuhiko ở Trung tâm nghiên cứu Quốc tế Nhật Bản, Kyoto, “Y Chu” là tên của người Nhật, đọc theo tiếng Nhật là Korechika. Hiện chưa rõ Korechika họ gì, tiểu sử ra sao (Xem Nguyễn Thị Oanh, Trịnh Khắc Mạnh, “Thêm một số tư liệu lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm về quan hệ bang giao Việt Nam - Nhật Bản”, Thông báo Hán Nôm học năm 2009, Viện Nghiên cứu Hán Nôm xuất bản, Hà Nội, 2010, tr.757-781). Nhân đây cũng xin cảm ơn PGS.TS Nguyễn Thị Oanh về những góp ý của bà cho bài viết và việc dịch của chúng tôi.

(5) Nguyễn Huy Oánh có ý thức và đã bắt tay “nghiên cứu” tiếng Nhật từ bao giờ? Có thể phỏng đoán rằng, ông đã chuẩn bị từ trước khi lên đường đi sứ, cũng có thể ông đã làm việc đó trong thời gian và trên đường đi sứ. Nhưng nguyên nhân nào thúc đẩy ông làm việc đó? Phải chăng đó là linh cảm ngoại giao thiên tài hay còn có nhân tố nào khác? Đây một vấn đề lí thú nhưng không kém phần khó khăn trong điều kiện tư liệu hiện nay, đòi hỏi việc nghiên cứu tiểu sử, sự nghiệp Nguyễn Huy Oánh một cách kĩ lưỡng, toàn diện hơn nữa. Tuy nhiên, có một chi tiết đáng chú ý trong tiểu sử Nguyễn Huy Oánh là: trong gia phả dòng họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu có chép về một người phụ nữ Nhật Bản. Bà vốn là một phụ nữ Nhật Bản, được cứu thoát khỏi một vụ đắm tàu ở cửa biển Nghệ An, rồi trở thành con nuôi của Liêm quận công người làng Nguyệt Ao; sau bà lấy ông Nguyễn Như Thạch (tổ đời thứ 6 của dòng họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu). Bà được coi là một trong những người có công lớn trong việc tạo lập và duy trì gia phong dòng họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu. Khi bà mất, người trong họ có lập đền thờ bà, tục gọi là Đền Mệ Bà, đến nay vẫn còn di tích ở làng Trường Lưu. Rất có thể, bà chính là một “đầu mối” giúp ta lí giải việc Nguyễn Huy Oánh lưu tâm đến tiếng Nhật, để rồi trong chuyến đi sứ Trung Hoa năm 1765 - 1766, sự lưu tâm đó đã được phát huy trong việc bang giao với sứ thần Nhật Bản mà bài thơ trên chính là một dấu tích quý báu có một không hai còn lại đến ngày hôm nay.

Danh mục website