Gilgamesh – thiên sử thi đầu tiên của nhân loại


Thiên sử thi Gilgamesh và vùng đất Lưỡng Hà

Hegel cho rằng sử thi xuất hiện trong lịch sử văn minh nhân loại “vào cái thời kỳ trung gian trong đó một dân tộc thoát khỏi tình trạng mê muội của nó và cảm thấy tinh thần của nó thức tỉnh bắt đầu tạo nên một thế giới dành riêng cho nó và nó cảm thấy sống ở đấy là thoải mái”. Và nếu hiểu theo cách hiểu của Hegel thì sử thi Gilgamesh – bản anh hùng ca của miền đất Lưỡng Ha  (Mesopotamia) – hẳn sẽ là áng văn chương đánh dấu sự trưởng thành về mặt tinh thần của nhân loại

Sử thi, với những đặc trưng trên hai phương diện nội dung và nghệ thuật, bao giờ cũng là tiếng nói, là diện mạo tinh thần của một vùng đất. Cùng với Ai Cập, Lưỡng Hà được xem là cái nôi của nền văn minh cổ đại. Nằm giữa hai con sông Tigris và Euphrates, đây là một vùng đất phì nhiêu và màu mỡ, thuận lợi cho việc trồng trọt và chăn nuôi. Tuy nhiên khí hậu nóng và khô làm cho việc sản xuất chủ yếu dựa vào sức lao động của con người. Vai trò của hai con sông Tigris và Euphrates đối với Lưỡng Hà được ví như sông Nile đối với Ai Cập, sông Hằng đối với An Độ và sông Hoàng Hà đối với Trung Quốc. Trên mảnh đất Lưỡng Hà đã lần lượt hình thành nhiều vương quốc cổ đại: các quốc gia cổ Sumer và Akkad, vương quốc Cổ Babylon, vương quốc Tân Babylon. Cư dân Lưỡng Hà theo đa thần giáo, mỗi quốc gia thường thờ nhiều vị thần khác nhau. Chữ viết xuất hiện ở Lưỡng Hà khá sớm, do người Sumer phát minh vào khoảng thiên niên kỷ thứ IV trước Công nguyên. Họ dùng gỗ viết trên những phiến đất sét mềm, chữ viết có hình tiết như những góc nhọn nên thường được gọi là những chữ hình góc hay chữ hình đinh.
Sử thi Gilgamesh được sáng tác vào thời kỳ các quốc gia cổ Sumer và Akkad, có rất nhiều dị bản bằng nhiều ngôn ngữ cổ. Hiện nay, những bản dịch sang ngôn ngữ hiện đại đều dựa trên văn bản tìm được ở Nineved, tại thư viện của vua Assurbanipal, vị vua vĩ đại cuối cùng của người Assyria vào khoảng thế kỷ thứ VII truớc Công nguyên. Văn bản muộn nhất này tương đối hoàn chỉnh và đuợc viết trên mười hai phiến đất sét. Các nhà khảo cổ  học tìm được nhiều mảnh vụn, vỡ của bản sử thi này rải rác trong lòng đất. Tuy nhiều câu chữ không khôi phục lại được, nhưng những gì còn lại của Gilgamesh với độ dài hơn 3000 câu cũng đủ để cho chúng ta thấy khá rõ nội dung của bản sử thi mang đậm tính chất anh hùng này.
Ngày nay, các nhà nghiên cứu đều thống nhất với nhau rằng sử thi Gilgamesh ra đời từ khoảng năm 2750 đến năm 2500 truớc Công nguyên, tính đến ngày hôm nay là khoảng hơn 4500 năm. Có lẽ đó là bản sử thi cổ xưa nhất thế giới. Không chỉ có giá trị văn học, nó còn như một lăng kính phản chiếu những đường nét của tư tuởng, lối sống, cách suy nghĩ, tư duy ở một thời kỳ xa xưa trong lịch sử nhân loại mà giờ đây không còn lại mấy dấu vết.

Những nhà nghiên cứu về sử thi Gilgamesh có tên tuổi trên thế giới là Samuel Noah Kramer, Rivkah Kluger, Stephanie Dalley, A. Cavigneaux, F.N.H. Al Rawi, Jean Bottéro, David ferry, Karl Hecker, Alexander Heidel, Joacim krecher, Frank Michaeli, C. Wilcke, Karl Oberhuber, E.A. speiser, thorkild Jacobsen, N. K. Sandars, Herbert Mason, Maureen Gallery Kovacs, Andrew George,…
Gilgamesh đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, và thậm chí cùng một ngôn ngữ cũng có nhiều bản dịch khác nhau. Trên thế giới, nguời ta biết nhiều đến bản dịch tiếng Anh của Maureen Gallery Kovacs. Bản dịch của nhà nghiên cứu này đã được đưa lên mạng Internet. Bản thân người viết cũng sử dụng bản dịch này để nghiên cứu. Tuy nhiên Maureen Gallery Kovacs chỉ dịch 11 phiến đất sét đầu tiên, do vậy nguời viết có tham khảo thêm bản dịch của N.K. Sandars.
Gilgamesh tuy rất nổi tiếng trên thế giới nhưng lại ít được phổ biến ở Việt Nam, có lẽ vì hiện nay chưa có bản dịch tiếng Việt. Thật ra Gilgamesh chỉ đuợc nhắc đến một cách chung chung và sơ lược trong một số sách viết về lịch sử văn hoá, văn minh như Almanach những nền văn minh thế giới (Nhiều tác giả, Nhà xuất bản Văn hoá thông tin, Hà Nội, 1995); Lịch sử văn hoá thế giới cổ trung đại (Luơng Ninh chủ biên, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội, 1998); Lịch sử văn minh thé giới (Vũ Dương Ninh chủ biên, Nhà xuất bản Giáo dục Hà Nội, 2000); Lịch sử thế giới cổ đại (Chiêm Tế, Nhà xuất bản Đại học quốc gia Hà Nội, 2000); Lịch sử triết học Ai Cập và Lưỡng Hà cổ đại (Vũ Quang Hà, Trần Thị Mai Hoa, Nhà xuất bản Đại học quốc gia Hà Nội, 2000) v.v.
Hai công trình có đề cập ít nhiều đến bản sử thi Gilgamesh là công trình Đại cương văn hoá phương Đông (Phan Thu Hiền, Nhà xuất bản Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, 2000); và Câu chuyện văn chương phương Đông (Nhật Chiêu, Nhà xuất bản Giáo dục, 1997).

Gương mặt người anh hùng – những niềm vui tột đỉnh phù du và những bi kịch vĩnh cửu của cuộc đời

Thiên sử thi kể về chiến công của một vị vua, một người anh hùng mang tên Gilgamesh. Theo truyền thuyết của vùng đất Lưỡng Hà, đã từng có một vị vua thật, cũng tên là Gilgamesh, cai trị xứ sở Uruk vào khoảng giữa thiên niên kỷ thứ III truớc Công nguyên, và được tiếng là một vị vua anh hùng. Sử thi Gilgamesh, do vậy, được xây dựng từ một nguyên mẫu có thật, dù chỉ là có thật trong truyền thuyết.
Mở đầu tác phẩm là hình ảnh của Gilgamesh, vị chúa tể Uruk. Với sức khoẻ hơn người, trí tuệ phi phàm, vóc dáng hoàn hảo, Gilgamesh là hình mẫu lý tưởng vượt lên trên vóc dáng của những con người tầm thường.
Ai tuyên bố ta là chúa tể
Ai sánh được chàng trên cõi đời?
Tên của chàng là Gilgamesh
Hai phần thần linh, một phần nguời
Vẻ đẹp chàng do nữ thần ban tặng
Hoàn hảo như ánh sáng mặt trời.1*** Tất cả những câu thơ trong bài đều được dịch  từ bản tiếng Anh của Maureen Gallery Kovacs và có tham khảo thêm bản tiếng Anh của N.K. Sandars.
*
Chính vì vậy chàng đâm ra kiêu ngạo và tự cho mình được quyền giết hại các chàng trai, chiếm đoạt các cô gái đẹp. Dân chúng thành Uruk quá bất bình bèn kiện lên các vị thần, các thần bèn sáng tạo ra chàng Enkidu, nửa hình người nửa hình thú, cũng có sức mạnh phi thuờng. Enkidu sống chung với các loài thú rừng, bảo vệ chúng khỏi bị thợ săn giết hại, vì vậy một người thợ săn đến nhờ Gilgamesh giết Enkidu. Gilgamesh đã sai Shamhat – một kỹ nữ ở đền thờ – đến thu phục Enkidu, dùng tình yêu để cảm hoá chàng, giúp chàng từ bỏ bản năng hoang dại
Quẩn quanh mãi, cuối cùng Enkidu ngồi lại
Nuốt từng lời Shambat thốt ra
Lời của nàng:
Chàng tuyệt đẹp giống như thần linh vậy
Sao sống đời muông thú cỏ hoa?
Enkidu theo Shambat về Uruk. Tại đây chàng gặp Gilgamesh và họ cùng đọ sức với nhau nhưng bất phân thắng bại. Hai người trở thành đôi bạn thân.
Lúc bấy giờ ở rừng Bách Hương có yêu quái Humbaba. Nó không cho Uruk đến đây lấy gỗ, hơn nữa, nó còn bắt giữ nữ thần tình yêu và chiến tranh Ishtar nhốt trong khu rừng. Vì vậy Gilgamesh và Enkidu đã đến khu rừng diệt trừ quái vật, giải thoát cho nữ thần Ishtar. Hai người anh hùng trở về Uruk trong tột đỉnh vinh quang và đuợc nhân dân tung hô đón rước long trọng.
Vinh quang lại thường đi kèm với tai hoạ. Xúc động trước lòng dũng cảm, tài năng và vẻ đẹp của Gilgamesh, nữ thần Ishtar đã bày tỏ tình yêu với chàng.
Mở đôi mắt đẹp, Istar đắm đuối:
Đi theo em chàng hỡi, làm chồng
Cho em nếm ngọt ngào hạnh phúc
Hai ta cùng kết mối tơ hồng
Giáp trụ, xa mã là vàng ngọc
Giàu sang quyển thế huởng chung.
Nhưng Gilgamesh lại không muốn gắn bó cuộc đời mình với một kẻ lẳng lơ như nữ thần. Tức tối, Ishtar đã xin cha mình là thần Anu, chúa tể chư thần, trả giúp mối hận. Một con bò tót khổng lồ từ trên trời cao lao xuống nhưng nó bị Gilgamesh xé xác.
Các chư thần tức giận và quyết định ra tay. Ngay đêm đó, Enkidu mơ thấy một giấc mơ kinh hoàng và khi tỉnh dậy, chàng cứ héo dần và chết trên tay người bạn thân thiết Gilgamesh. Lần đầu tiên Gilgamesh chạm mặt với cái chết và từ đó lòng chàng dấy lên khát khao đi tìm kiếm sự bất tử cho bản thân mình. Gilgamesh lại lên đường.
Nhờ sự chỉ dẫn của nữ thần Siduri, chàng tìm đến người chèo đò Utanapishtim – con người duy nhất được thần linh ban cho sự bất tử  -  đã vượt qua nạn hồng thủy để duy trì nhân loại. Nhưng Utanapishitim không có cách gì giúp được Gilgamesh vì sự bất tử của ông ta là do định mệnh an bài và do các vị thần xếp đặt. Con người không thể trường sinh bất tử vì:
Không ai thấy dung nhan thần chết
Không ai nghe được tiếng tử thần
Không ngôi nhà nào xây vĩnh cửu
Dấu khắc ghi mờ với thời gian.
Để chứng minh cho Gilgamesh biết ý định của chàng chỉ là hão huyền, Utanapishtim đã thách đố Gilgamesh không ngủ sáu ngày sáu đêm liên tiếp, vì giấc ngủ là hình ảnh của thần chết. Gilgamesh nhận lời thách đố nhưng không thức được quá một ngày đêm. Chàng đành quay về. Thương hại chàng, Utanapishtim tiết lộ một bí mật: có một loại cây sống dưới đáy biển có khả năng cải lão hoàn đồng. Gilgamesh đã tìm được loài cây vô giá đó nhưng lại sơ ý bị con rắn nuốt mất. Từ đó có hiện tượng rắn già lột da.
    Thất vọng não nề, Gilgamesh chấp nhận số phận và quay trở về kinh thành Uruk tráng lệ, nơi có những niềm vui trần thế ngắn ngủi mà con người được hưởng trước khi vĩnh viễn ở mãi trong bóng đêm và chết chóc.

Diện mạo của nâhn loại – những gì sử thi Gilgamesh để lại
Cho đến nay vẫn được xem là bản sử thi đầu tiên trong lịch sử loài người, Gilgamesh ngoài việc thể hiện được những băn khoăn thuở ban đầu của con người (hay là “thuở ấu thơ của loài người” theo cách nói của Karl Marx) trong quá trình tự tìm hiểu và tự nhận thức bản thân, còn cho ta thấy nhiều điều thú vị ẩn sau 3000 câu thơ. Băn khoăn của Gilgamesh mãi mãi là những băn khoăn vĩnh cửu  của con người về sự sống và cái chết, về vĩnh hằng và phù du, về được và mất, về tình yêu và lòng hận thù.
Đọc sử thi Gilgamesh, chúng ta thấy lại tư duy cổ sơ của nhân loại, khi đã xa rời tăm tối và hướng đến ánh sáng của văn minh. Con người được miêu tả trong Gilgamesh tuy vẫn là những thần linh và những con người bán thần nhưng trong lối sống, cách tư duy lại hoàn toàn là của con người – con người đích thực, con người trần thế. Họ có tình bạn (giữa Gilgamesh  và Enkidu); có tình yêu và lòng khinh bỉ, hận thù (giữa Gilgamesh và Ishtar); có sự quyến rũ  thể xác (giữa Enkidu và Shambat); có sự nổi loạn và sự trừng phạt (Gilgamesh và Enkidu) đều do các thần linh tạo ra, nhưng Enkidu và Gilgamesh đều bị thần linh trừng phạt... Nỗi đau đớn của Gilgamesh khi Enkidu qua đời tưởng không gì sánh được:
Ta thuơng tiếc
Hãy nghe ta, hỡi dân chúng trong thành
Ta thương tiếc bạn ta dũng sĩ
Giận con người không thể sống trường sinh.
Không còn là sử thi sáng thế như trường ca Enuma Elish của Lưỡng Hà nữa, Gilgamesh đích thực là một sử thi anh hùng và hơn thế nữa, một tác phẩm anh hùng ca đậm tính chất trần thế. Những chiến công của Gilgamesh không làm thay đổi được định mệnh. Những người anh hùng Hercules trong thần thoại Hy Lạp may mắn hơn chàng bởi sau khi chết được đón nhận vào hàng ngũ các vị thần trên đỉnh Olympe. Gilgamesh dù có những chiến công hiển hách, dù có đến hai phần thần linh, nhưng chỉ một phần người trong chàng cũng đủ để đưa chàng đến một kết thúc tất yếu theo quy luật cuộc đời. Thật lạ lùng khi một bản sử thi đầu tiên của nhân loại lại có một kết thúc rất trần thế và rất thực tại như thế.
Câu chuyện kể về người anh hùng được dàn trải trên 3000 câu thơ, các sự kiện lần lượt xuất hiện trước sau với nhiều tình tiết, diễn biến cảm xúc cao độ, làm cho người đọc say mê. Đằng sau những lời ca tụng thần linh là lời ca tụng con người, con người dám đương đầu với thử thách, con người sống hết mình cho tình bạn, tình yêu, dẫu những niềm vui trần thế ấy quá ngắn ngủi so với cái mênh mông  vô cùng vô tận của vĩnh hằng.
Cuộc sống vốn ngắn ngủi
Khoảnh khắc đã vụt trôi
Thần linh đã sáng tạo
Con người phải chết thôi
Không cưỡng được số mệnh
Thì cứ vui yêu đời
Rượu nồng ta nhấp cạn
Đến khi nào mềm môi
Ao đẹp ta cứ mặc
Vợ hiền con ngoan cười
Đó chính là những việc
Duy nhất trong cuộc đời

Tầm ảnh hưởng rộng lớn của sử thi Gilgamesh là điều không ai có thể phủ nhận: Những mô típ quen thuộc mà chúng ta thấy được trong những sáng tác văn học sau này ở Cận Đông và cả ở hy Lạp, La Mã cổ đại có lẽ bắt nguồn từ Gilgamesh: nhân vật nửa thần nửa người; nủa thú nửa người; con quái vật làm hại dân chúng và bắt cóc người đẹp; nạn đại hồng thủy và cuộc sống trường sinh bất tử; người con gái bị từ chối tình yêu giận dữ tìm cách trả thù; cây thuốc thần và con rắn tai họa…
Gần năm ngàn năm trôi qua, sử thi Gilgamesh vẫn tồn tại như một kim tự tháp Ai Cập. Câu chuyện kể về một người anh hùng khao khát sự bất tử hoá ra lại có một sức sống dài lâu. Gilgamesh cuối cùng phải lìa bỏ cõi đời nhưng câu chuyện về chàng mãi mãi không lìa bỏ ký ức nhân loại.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
TIẾNG VIỆT
1.    Nhật Chiêu, Câu chuyện văn chương phương Đông, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội, 1997
2.    Vũ Quang Hà, Trần Thị Mai Hoa, Lịch sử triết học Ai Cập và Lưỡng Hà cổ đại, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, 2000.
3.    G.W.F. Hegel, Mỹ học, Phan Ngọc dịch, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 1999.
4.    Nhiều tác giả, Almanach những nền văn minh thế giới, Nhà xuất bản Văn hoá thông tin, Hà Nội, 1995.
5.    Lương Ninh chủ biên, Lịch sử văn hoá thế giới cổ trung đại, Nhà xuất bản  Giáo dục, Hà Nội, 1998.
6.    Vũ Dương Ninh chủ biên, Lịch sử văn minh thế giới, Nhà xuất bản giáo dục, Hà Nội, 2000.
7.    Chiêm Tế, Lịch sử thế giới cổ đại, Nhà xuất bản Đại học quốc gia Hà Nội, 2000.
8.    Lương Duy Thứ chủ biên, Đại cương văn hoá phương Đông, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, 2000.

TIẾNG ANH
9.    Stephanie Dalley, Myth from Mesopotania, Creation, the Flood Gilgamesh, and Others (Translated with an Introduction and Notes), The Worlds Classics. Oxford, England:,Oxford University Press, 1989
10.    David Ferry, Gilgamesh, A New Rendering in English Verse, New York, Farrar, Straus and Giroux, 1992.
11.    Thorkild Jacobsen, The Treasure of Darkness: A History of Mesopotamian Religion, New Haven CT, Yale University Press, 1976.
12.    Maureen Gallery Kovacs, The Epic of Gilgamesh: Translated, with an Introduction. Standford  CA, Standford University Press, 1989
13.    N.K. Sandars, The Epic of Gilgamesh: An English Version with an Introduction, Baltimore MD, Penguin Books Inc, 1964

Danh mục website