Truyện ngắn lên hương

 

       Hằng năm, cứ vào độ này, các toà soạn báo tập trung làm báo Tết. Mỗi tờ báo Tết đều phải chuẩn bị vài ba truyện ngắn của những tác giả được ưa thích. Có nhà văn ăn khách một cái Tết đăng được ba, bốn truyện ngắn, nhận tiền nhuận bút gần bằng nửa năm lương công chức. Muốn vậy, người viết phải chuẩn bị từ mấy tháng trước, suy nghĩ đề tài nào phù hợp với mùa xuân, cốt truyện hấp dẫn nhưng đừng buồn quá. Viết xong rồi, nếu không phải chính toà soạn đặt bài, thì còn cân nhắc nên gửi cho báo nào để chắc chắn được sử dụng.

        Khoảng 20 năm nay, từ khi mạng lưới báo chí nước ta phát triển đa dạng, truyện ngắn là thể loại văn học được hưởng lợi nhất. Hàng tuần báo nào cũng giới thiệu truyện ngắn, có truyện ngắn với tư cách “đoản thiên tiểu thuyết”, truyện ngắn 1.200 chữ, truyện ngắn trong lòng bàn tay, truyện ngắn vi hình, truyện cực ngắn và tuyệt ngắn. Nhiều tập truyện ngắn là kết quả một thời gian tác giả “cày bừa” trên mặt báo, sau đó tập hợp lại thành sách. Cứ trung bình một truyện ngắn đăng báo được trả hai triệu đồng, viết 12 truyện sẽ được khoảng 24 triệu; nhưng nếu những truyện đó in thành sách, với tirage 1.000 bản thì nhuận bút cũng chỉ bằng một phần ba số đó.

        Như vậy, hiện nay cả về sức phổ biến lẫn sự đãi ngộ, báo chí trở thành bà đỡ cho truyện ngắn. Mặt báo là nơi tập dượt và thi thố của các tài năng văn xuôi. Có lẽ không một người viết truyện ngắn đích thực nào thành danh mà không đi vào thế giới văn chương qua cửa ngõ của báo chí. Tình hình này khác với báo chí miền Bắc trong chiến tranh, lúc truyện ngắn chỉ xuất hiện trên một số tờ báo định kỳ và hầu như vắng mặt trên nhật báo. Còn ở miền Nam thời ấy, nhật báo lại ưu tiên cho tiểu thuyết feuilleton, có tờ mỗi ngày đăng cùng lúc sáu tiểu thuyết; trong khi các tạp chí văn nghệ mới là đất dụng võ của truyện ngắn.

        Thật thú vị khi chứng kiến hiện tượng không hề ngẫu nhiên này: trước đây ở miền Nam các nữ sĩ nổi tiếng đều viết tiểu thuyết. Đó là Bà Tùng Long, Tuý Hồng, Nhã Ca, Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Thị Thuỵ Vũ, Lệ Hằng… Còn hiện nay thế mạnh của những cây bút nữ chủ yếu là truyện ngắn. Ở miền Bắc có Lê Minh Khuê, Võ Thị Hảo, Võ Thị Xuân Hà, Nguyễn Thị Thu Huệ, Y Ban, Đỗ Bích Thuý… Ở miền Trung và Tây nguyên có Trần Thuỳ Mai, Quế Hương, Nguyên Hương, Đào Thị Thanh Tuyền… Ở miền Nam có Ngô Thị Kim Cúc, Nguyễn Thị Minh Ngọc, Lý Lan, Dạ Ngân, Bích Ngân, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Thị Châu Giang, Phan Hồn Nhiên, Nguyễn Thu Phương, Thu Trân, Dương Thuỵ… Nói như vậy không phải là phủ nhận những cuốn tiểu thuyết hay của các nhà văn nữ; nhưng rõ ràng là họ chiếm lĩnh thị trường chữ nghĩa chủ yếu ở lĩnh vực truyện ngắn.

        Một cái lợi nữa của người viết truyện ngắn hiện nay là những thiên truyện thành công thường được in lại nhiều lần trong các tuyển tập. Dạo một vòng qua các hiệu sách, ta sẽ thấy một loạt sách Truyện ngắn hay, Truyện ngắn nữ, Truyện ngắn trẻ… Trên cái nền chung đó, chọn lựa một tập truyện ngắn của những tác giả thời danh để dịch sang tiếng Anh nhằm quảng bá cho văn học Việt Nam là việc khả thi.

        Có thể nói truyện ngắn vẫn đang được những cây bút thuỷ chung bền bỉ khơi dậy sức sống tiềm tàng của nó. Đối với những nhà văn cao niên đã từng thao dượt và thu hoạch thành quả trên nhiều thể loại, nếu độc giả không còn trông đợi ở họ những bộ tiểu thuyết dài hơi, thì vẫn có hy vọng gặp lại cái duyên của ngòi bút họ qua những thiên truyện ngắn. Đọc những tập truyện của những phong cách đã định hình, bạn đọc phát hiện những ý tưởng thâm trầm ẩn chứa trong những cốt truyện và tính cách được sáng tạo từ những trải nghiệm lịch lãm. Còn với những nhà văn trẻ thì sức tung hoành và khai phá của thể truyện ngắn chứa đựng nhiều hứa hẹn chưa thể nào tiên đoán hết.

         Tất nhiên, cũng như các thể loại khác, trong cái biển truyện ngắn hiện nay, bên cạnh những tác phẩm đặc sắc, những tác phẩm trung bình và tẻ nhạt nhiều không kể xiết. Điều này khiến cho một số người lo âu rằng sự phát triển về số lượng sẽ mâu thuẫn với chất lượng. Nhưng thử hỏi, ngay trong thời bao cấp, việc công bố tác phẩm hết sức khó khăn, bản thảo phải sắp hàng chờ đợi lâu, mà chất lượng cũng có phải tương xứng đâu! Thành ra, trong cuộc sống căng thẳng và bận rộn này, độc giả đừng sốt ruột thêm với văn chương, cứ thong thả mà đọc, trong năm bảy tập truyện gặp một cuốn hay, trong một cuốn gặp vài truyện hay, hẳn đó là niềm vui không dễ dãi mà cũng không uổng phí.

Bài viết cùng tác giả

Danh mục website