Họa miêu thánh thủ - Tào Khắc Gia

Tào Khắc Gia (1906 – 1979) tự Nhữ Hiền , dòng dõi thư hương, thân phụ ông đỗ tiến sĩ triều Thanh, từng nhậm chức Lục quân bộ viên ngoại lang, yêu thích nghệ thuật thư họa. Ông học hội họa tại trường nghệ thuật quốc gia Bắc Bình, sau khi tốt nghiệp trở thành họa sĩ chuyên nghiệp, từng công tác và giảng dạy tại Học viện mỹ thuật công nghiệp trung ương, Trung tâm mỹ thuật công nghiệp bộ công nghiệp. Ông cũng là hội viên của Hội mỹ thuật Trung Quốc, Hội nghiên cứu quốc học, Hội nghiên cứu văn vật cố đô, Hội nghiên cứu tân quốc họa, Hội mỹ thuật gia Trung Quốc…

Tào Khắc Gia rất quan tâm đến việc nghiên cứu, học hỏi hội họa truyền thống, đặc biệt chú ý cách tân sáng tạo trong thực tiễn nghề nghiệp, dần dần tạo được một phong cách rất riêng và vươn tới trình độ hoàn mỹ. Ban đầu ông vẽ nhiều loại động vật khác như hổ, vượn, nai, hoa cỏ, nhưng sau chuyên chú vào tranh tiểu miêu và đạt được đỉnh cao nghệ thuật ở đề tài này. Tranh vẽ mèo của Tào Khắc Gia cũng nổi tiếng như tranh vẽ tôm của Tề  Bạch Thạch, tranh vẽ ngựa của Từ Bi Hồng.

Mèo là vật nuôi gắn bó với con người từ lâu đời. Trong hội họa truyền thống trước thế kỷ 20, mèo vẫn thỉnh thoảng xuất hiện trong tranh, nhưng chưa họa sĩ nào dốc hết  tâm huyết và chuyên tâm theo đuổi đề tài này. Đến thời hiện đại, đề tài mèo cũng được xuất hiện trong tranh của nhiều, như Nhậm Bá Niên, Từ Bi Hồng, Tề Bạch Thạch, Phan Thiên Thọ, Trình Chương, Thái Hạc Châu, Lưu Khuê Linh, Ngô Tác Nhân, Hoàng Trụ, Thôi Tử Phạm… và hầu hết đều sử dụng các bút pháp cổ điển hoặc của bút pháp của các thể loại tranh khác để miêu tả mèo. Tào Khắc Gia được xem là người Trung Quốc đầu tiên vẽ mèo bằng kỹ thuật công bút (vẽ tỉ mỉ) đạt đến cảnh giới “thánh thủ”. Kỹ thuật công bút trong hội họa Trung Quốc từ tranh hoa điểu của Từ Sùng Tự, Tống Huy Tông thời Tống Nguyên, hay tranh vẽ thú của Triệu Tử Ngang, Minh Tuyên Tông, Lãng Thế Ninh thời Minh Thanh… đều dùng kỹ thuật một bút một nét tạo thành. Nhưng Tào Khắc Gia cho rằng kỹ thuật ấy chỉ phù hợp khi vẽ những loại động vật lớn, nếu vận dụng vào những loại nhỏ như mèo nhà thì rất khó thể hiện được sự tinh tế, mềm mại của nó. Bởi vậy ông đã khổ công nghiên cứu, sáng tạo ra kỹ thuật “phá bút” và “gia sắc” đặc biệt cho  vẽ mèo, khiến cho tác phẩm của mình trở nên sống động, chân thực mà lạ kỳ, mở ra một phong cách độc đáo mới.

Ngay từ thập niên 60 thế kỷ 20, kỹ thuật vẽ mèo của Tào Khắc Gia đã nổi tiếng toàn quốc. Những kiệt tác của ông đều là sự hòa quyện thần tình giữa cái đẹp tuyệt diệu của nhân tạo (kỳ công, tỉ mỉ) và cái đẹp sinh động tự nhiên của thiên tạo. Để đạt tới cảnh giới tuyệt đỉnh đó, ngoài tài năng thiên phú, còn là sự khổ luyện và say mê, tìm tòi sáng tạo không mệt mỏi, điều này thể hiện rất rõ qua những dòng tâm huyết mà Tào Khắc Gia để lại trong Cẩm nang vẽ mèo. Ông dành nhiều thời gian và công sức cho việc tìm hiểu tập quán sinh hoạt của mèo và ghi lại những phát hiện ấy trong phổ biến cho người học vẽ: Lúc mèo nghỉ ngơi thường dùng lưỡi liếm toàn thân, những chỗ không liếm được, như đầu và tai thì nó dùng chân trước để vuốt chải, mèo lớn thường liếm lông cho mèo nhỏ. Tuy mèo có một lớp lông dày, nhưng nó lại rất sợ lạnh, mùa đông mèo thường nằm bên bếp lửa, nhất là mèo già. Mèo cũng rất sợ nước, cho nên không khi nào thấy một giọt nước nao đọng trên người nó, lúc gặp vũng nước mèo luôn nhảy qua chứ không lội, bởi vậy hiếm khi thấy cảnh mèo chơi gần bờ sông bờ ao. Mèo nhất thích là được vuốt ve cổ, nhưng nếu bị nắm đuôi, nó lập tức giương vuốt tấn công liền. Ban đêm, nếu ta dùng tay vuốt liên tục lên lưng mèo, lông của nó sẽ phát sáng lấp lánh như phát điện.

Theo Tào Khắc Gia, vẻ đẹp của mèo thường được đánh giá căn cứ vào ngoại hình của chúng. Một con mèo được xem là đẹp phải: đầu lớn hình thoi, mắt sâu tròn, chân ngắn, tai nhỏ, lưng tròn, thân ngắn, đuôi to, lông dài. Người ta cho rằng loại “mèo sư tử” (sư tử miêu) ở huyện Lâm Thanh là quý nhất, bởi nó không chỉ có bộ lông dài trắng như tuyết, mà còn có mắt uyên ương (một con xanh, một con vàng) cho nên còn được gọi là kim ngân nhãn miêu hoặc âm dương nhãn miêu. Loại mèo này không thấy ở đâu khác ngoài Lâm Thanh. Xét về màu lông, người ta xếp theo thứ tự: thuần vàng, thuần trắng, thuần đen. Ngoài ra đốm vằn như lông hổ hay tam sắc đen-vàng-trắng (chỉ xuất hiện ở mèo cái, mèo đực không hế có) cũng được đánh giá cao.

Căn cứ vào sắc lông, người ta đặt cho mèo nhiều mỹ danh: Tứ thời hảo (bốn mùa đẹp: dành cho những con mèo lông thuần một màu nào đó), Ô vân cái tuyết (mây đen che tuyết trắng: lông lưng đen mun như mây đen, còn bụng, chân, móng trắng như tuyết), Đạp tuyết tầm mai (giẫm tuyết tìm mai: toàn thân đen tuyền hoặc một màu vàng, chỉ có bốn chân màu trắng), Tuyết lý đà thương (kéo giáo trong tuyết: toàn thân trắng bạch, riêng đuôi đen tuyền), Thùy châu (toàn thân đen tuyền, chỉ có một chấm trắng ở mút đuôi), Quải ấn đà thương (treo ấn kéo giáo: thân trắng bạch, đuôi đen tuyền hoặc thuần vàng, trên đầu lại có một đốm đen hoặc vàng. Loại này còn được gọi là Tiên đả tú cầu/ roi đánh tú cầu), Ngân thương đà thiết bình (giáo bạc kéo bình sắt: toàn thân đen mun, chỉ đuôi trắng muốt, rất hiếm thấy), Kim bị ngân sàng (chăn vàng giường bạc: toàn thân một màu vàng mà từ bụng trở xuống thuần trắng), Kim sách quải ngân bình (dây vàng treo bình bạc: thân thuần trắng, riêng đuôi một màu vàng. Loại này còn được gọi là Kim câu quải ngọc bình/ móc vàng treo bình ngọc hoặc Kim trâm tháp ngân bình/ trâm vàng cắm bình bạc), Tướng quân quải ấn (tướng quân treo ấn: toàn thân màu trắng bạch, riêng trên lưng có một điểm màu đen hoặc vàng), Tú hổ (toàn thân thuần trắng, chỉ có một điểm màu vàng), Mai hoa báo (toàn thân đen tuyền chỉ có một điểm màu trắng. Loại này còn gọi là Kim tiền mai hoa, rất hiếm gặp)…

Đến phần hướng dẫn kỹ thuật vẽ mèo, Cẩm nang viết: vẽ mèo cũng như vẽ người, trước hết là đi từ bộ phận đầu, mà ở đầu thì trước hết phải vẽ mắt, sau đó mới tới vẽ mũi, miệng, tai. Có thể nói, việc vẽ mèo thành hay bại được quyết định ở đôi mắt, cho nên khi bắt đầu vẽ  phải tập trung tinh thần vào việc vẽ mắt. Bởi vậy trước khi vẽ, cần phải xác định phương hướng cho đôi mắt của mèo, sau đó mới vẽ các bộ phận khác, làm được vậy, cho dù vẽ mèo quay lưng hay quay đầu lại không thấy mắt, thì bức tranh vẫn sinh động. Lúc bình thường mắt mèo hình bầu dục, ban đêm biến thành hình tròn, buổi trưa lại có hình sợi đứng. Nguyên lý ấy rất giống ống kính của máy chụp ảnh.

Song Tào Khắc Gia cũng khuyên: Việc vẽ mèo đẹp hay xấu cố nhiên là phải chú ý ở đôi mắt, nhưng cũng không thể xem nhẹ việc miêu tả các bộ phận, các trạng thái khác nhau của mèo. Ví dụ lúc bình thường râu mèo xếp xuôi rất tự nhiên, nhưng khi bắt mồi râu của nó lại giương lên và hướng về phía trước. Các bộ phận trên cơ thể mèo đều có những thay đổi tùy theo các động tác của nó, muốn biết sự thay đổi đó như thế nào thì chỉ có cách quan sát tất cả những tư thế: đi, đứng, ngồi, nằm, ăn, uống, ngủ, vờn, bắt mồi… của mèo và phác họa nhanh lại những thay đổi ấy làm tư liệu. Tranh vẽ mèo từ xưa để lại đã hiếm, mà hiện tại người vẽ mèo cũng không nhiều, cho nên không thể chỉ dựa vào tư liệu của tiền nhân, mà phải vượt qua cái cũ, tự mình tìm tòi sáng tạo, đa dạng hóa bút pháp tả mèo.

Tào Khắc Gia cho rằng để thu thập các mẫu tư liệu cho tranh vẽ mèo, thì biện pháp duy nhất là vẽ vật sống thực. Đi theo thứ tự: đầu tiên là vẽ tất cả các bộ phận của mèo, sau đó vẽ các tư thế trạng thái khác nhau của mèo như: đi – đứng – nằm – ngồi – ăn – uống – vờn – chơi – ngủ; vui – buồn – giận – thích… và phải luyện tập thường xuyên, đến mức nhất cử nhất động của mèo phải in tạc trong não, để khi hạ bút là hiện thành. Tuy nhiên, mèo là động vật sống, không nằm im cho ta vẽ, khi chưa vẽ xong tư thế này nó đã đổi sang tư thế khác. Cho nên ta phải nhanh chóng phác họa bắt lấy cái thần thái và những đường nét quan trọng của nó, chờ đến khi nó khôi phục lại tư thế cũ, thì tiếp tục vẽ. Bên cạnh việc chú ý quan sát sinh họat của mèo trong hiện thực và phác họa lấy mẫu tự nhiên, Tào Khắc Gia cũng rất linh động sáng tạo khi lên tranh. Ông viết: lúc vẽ chính thức, cũng không nhất thiết phải y theo mẫu tư liệu, mà có thể tùy ý thay đổi tư thế các bộ phận của mèo. Ví dụ có thể lấy đầu của con mèo trong mẫu tư liệu này ghép với thân mình của con mèo trong mẫu tư liệu kia. Nhưng phải luôn chú ý tới cấu tạo sinh học và tập quán sinh hoạt của mèo. Theo nguyên tắc chân thực mà lãng mạn, người vẽ có thể biến đổi khoa trương tùy tâm mà bức tranh vẫn rất sống động, phong phú.

Một bức tranh mèo, thì không chỉ có mèo, mà bên cạnh đó luôn có những cỏ cây hoa lá để làm bức tranh thêm đẹp, hài hòa, sinh động. Dù mèo có vẽ đẹp đến đâu, nhưng nếu phối cảnh không đúng, không hợp sẽ làm tác phẩm giảm giá trị rất nhiều. Phần phối cảnh trong Cẩm nang viết: Sau khi vẽ mèo xong, căn cứ theo tập quán sinh hoạt của nó mà  phối cảnh. Ngoài những cảnh thường thấy như bắt chuột, chim sẻ, còn có cảnh bắt các loài côn trùng như bươm bướm, cào cào, bọ ngựa, ve, ong, thạch sùng, chuồn chuồn, bọ cánh cứng,… những loại tiểu động vật và côn trùng ấy đều được Tào Khắc Gia đưa vào tranh, ngoài ra tranh vẽ mèo của ông còn thường xuyên được điểm xuyết bằng hoa lá cỏ cây để tăng thêm vẻ đẹp và sự phong phú, nhưng chỉ giới hạn ở tiểu cảnh viên lâm, không dùng cảnh sơn thủy hoành tráng.

Tào Khắc Gia còn kể một câu chuyện minh họa cho việc phối cảnh sai: Trước đây có một họa gia nổi tiếng vẽ con mèo nằm trên mái nhà, đường nét và màu sắc rất đẹp, ai ngắm cũng tấm tắc trầm trồ. Một hôm có người thợ làm ngói đi qua, nhìn thấy bức tranh lại lắc lắc đầu nói: đẹp thì có đẹp, nhưng tiếc là có chỗ khiếm khuyết, bởi thân một con mèo bình thường dài lắm cũng chỉ khoảng một thước (1/3m), vậy mà con mèo này lại nằm vắt qua sáu bảy hàng ngói, thế thì quá sự thật. Đó là một sai sót trong việc không chú ý đến đến thực tế khi phối cảnh cho mèo.

Riêng phần phối cảnh cho tranh, có bức do chính Tào Khắc Gia thực hiện, nhưng cũng nhiều khi ông để phần bổ cảnh cho các họa gia khác như Tề Bạch Thạch, Vương Tuyết Đào, Trần Bán Đinh, Uông Thận Sinh, Nhậm Thụy Huyên… thực hiện. Trong số các tác phẩm hợp họa đó, thường thấy nhất là những bức do Tào Khắc Gia vẽ mèo và Vương Tuyết Đào (1903 – 1982, hiệu Trì Viên ) vẽ cảnh. Tuy là sản phẩm của sự “liên thủ”, nhưng các bức tranh không hề mất cân đối và vẫn rất hài hòa tự nhiên giữa cảnh – vật, động – tĩnh, hư – thực, chủ - tòng, chiếu - ứng, thần – hình, nhã – tục… Tất cả đều thống nhất, chặt chẽ, đạt đến cảnh giới tận thiện tận mỹ, thể hiện sự tương thông và tri âm trong nghệ thuật. Bởi vậy, mỗi bức tranh của Tào Khắc Gia luôn luôn là một kiệt tác kết tinh trong đó tài hoa, lao động nghệ thuật và sự say mê vô bờ bến của người nghệ sĩ, để người đời sau chiêm ngưỡng và học tập.

Nguồn: Kiến Thức Ngày Nay, Xuân 2011

Danh mục website