Triều Nguyễn hậu kỳ như Quốc sử quán bản triều tường thuật

Đọc Đại Nam thực lục Chính biên Đệ lục kỷ Phụ biên*

 

Là một trong những triều đại gây nhiều tranh luận, thu hút nhiều chú ý của học giới hiện đại, vương triều Nguyễn cũng đồng thời lưu lại nhiều nguồn sử liệu phong phú, mà quan trọng nhất là bộ chính sử Đại Nam thực lục. Ngoài phần Tiền biên chép công nghiệp của Nguyễn Hoàng và các chúa Nguyễn, Đại Nam thực lục Chính biên phân thành 7 kỷ, ghi các sự kiện từ triều vua Nguyễn Ánh – Gia Long (1778 -1819) – Đệ nhất kỷ cho đến Khải Định (1916 – 1925) – Đệ nhất kỷ. Đặc biệt do bị phế truất sau thời gian trị vì khá lâu mà hai triều vua Thành Thái (1889 – 1907) và Duy Tân (1907 – 1916) được chép thành “Phụ biên” của Đệ lục kỷ ghép phụ vào triều Đồng Khánh (1885 – 1888). Do không có bản thảo viết tay hai phần “Đệ lục kỷ Phụ biên” và “Đệ lục kỷ” lưu trữ ở Thư viện Viện Viễn Đông Bác cổ (EFEO, Pháp), bản dịch của Viện Sử học công bố trong thời gian 1962 – 1978 chỉ mới giới thiệu được một phần của bộ biên niên sử vương triều đồ sộ này. Năm 2003, bản chụp hai văn bản quý hiểm vừa nêu đã được đưa về Việt Nam, nhưng phải đến nay, công chúng mới lần đầu được đọc phần Đệ lục kỷ Phụ biên qua bản dịch tiếng Việt của nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh.

Được biên soạn trong khoảng 20 năm (1922 – 1942), bộ Đệ lục kỷ Phụ biên tham dụng nhiều nguồn tư liệu (gồm cả các văn bản hành chính tiếng Pháp của chính quyền thực dân), tập trung vào các sự kiện trên địa bàn Trung – Bắc trong vòng 28 năm, từ 1889 đến 1916. Đây là thời kỳ triều đình nhà Nguyễn hầu như đã mất hết quyền lực chính trị trên vùng quốc thổ bị thu hẹp, và cũng là lúc chính quyền thực dân thao túng quyền hành, triển khai thiết chế thuộc địa, tạo ra những biến động quan trọng về mọi mặt ở đấy. Như một kho báu được khai quật, những sự kiện lịch sử bị lãng quên (hay ngộ nhận) – tựa hồ như không tồn tại – nay được trình hiện chi tiết, lấp bớt nhiều khoảng trống bằng một tự sự lịch sử tường thuật qua nhãn kiến của bản thân vương triều Nguyễn, mời gọi người đọc diễn giải và tái diễn giải, nhận thức và tái nhận thức lịch sử.

Do Đệ lục kỷ Phụ biên chép các việc dưới hai triều vua Thành Thái và Duy Tân, hãy thử xem chính sử bản triều chép việc phế truất họ như thế nào. Tháng 7 năm 1907, viện cớ vua Thành Thái “bị tâm bệnh nghĩ nên tĩnh dưỡng”, chính quyền thuộc địa Pháp thông qua Toàn quyền đại thần Paul Beau yêu cầu vua thoái vị và chọn người nối ngôi. Thành Thái ngự bút viết “Các hoàng tử có tất cả mười hai người cho trình với quý Toàn quyền đại thần chọn một người sung vào, đây là chuyện liên quan tới việc lớn xã tắc, Trẫm không dám riêng tư”. Triều đình cũng không dám quyết, trình với Beau rằng “Biết con không ai bằng cha, xin quý đại thần trở vào đại nội tâu xin vua dẫn các hoàng tử ra cho quý đại thần chọn lựa quyết định, chứ nếu để bề tôi chọn vua thì không hợp với lễ”. Đối mặt với việc tối hệ trọng của vương triều và đất nước – chọn người nối ngôi, cả hoàng đế lẫn triều thần khi ấy đều ngậm ngùi thừa nhận thực quyền đã hoàn toàn ở trong tay thực dân. Chín năm sau, tháng 4 năm 1916, vua Duy Tân vì mật ước với Trần Cao Vân mưu việc quang phục mà bị phế, đưa ra an trí ở đảo Réunion. Đệ lục kỷ Phụ biên viết về việc vua tham gia chống Pháp như sau “Vua gần đây ngôn ngữ chỉ dường như có vẻ uất ức, đến lúc ấy gặp lời tà làm dao động, bèn tới nỗi vứt bỏ ngôi báu như chiếc giày rách, bôn ba gió bụi”. Tâm trạng uất ức của nhà vua được chép bằng thành ngữ “vứt bỏ ngôi báu như chiếc giày rách”, nhưng ẩn hàm ở đây là thái độ đồng cảm và nhận thức ngôi báu chỉ còn là hư vị, chỉ có quốc dân mới thực sự là hệ trọng.

Như các bộ sử thư khác, Đệ lục kỷ Phụ biên là một văn bản đòi hỏi sự cẩn trọng cũng như tham duyệt rộng tư liệu hữu quan để đảm bảo xác thực trong phiên dịch. Đặc biệt về ngôn ngữ, do những điều kiện lịch sử đặc thù, bộ sách đã thâu nhập và Việt Hán hoá một số lượng lớn nhân danh, địa danh, từ ngữ nước ngoài. Hoàn nguyên các ngữ liệu này là một việc phức tạp, đòi hỏi thời gian, và không phải lúc nào cũng có thể giải ngữ được toàn bộ. Trong bản dịch vẫn tồn đọng một số nhân danh còn chờ truy cứu, nhưng những kết quả phục nguyên hiện có hiển nhiên là chính xác. Tính nghiêm túc, khoa học và cầu thị của bản dịch thể hiện ngay từ những nguyên tắc cơ bản. Ví dụ tên người, tên đất Việt Hán từ phía bắc Quảng Nam trở ra và từ tỉnh này trở vào được phiên âm quốc ngữ phân biệt “theo tập quán truyền thống”; theo đó, tuy ghi cùng Hán tự, một địa danh ở Nam Định là “Phúc Thịnh” thì ở Quảng Ngãi sẽ được đọc thành “Phước Thạnh”. Nguyên tắc này khiến bản dịch vừa mang tính phổ quát, vừa thể hiện được sắc thái địa phương trong ngữ cảnh cụ thể. Bên cạnh đó, bản dịch còn được tổ chức theo hướng công cụ hoá, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người đọc: các “đơn vị ghi chép” tức các “điều” trong bản dịch được thêm ký số từ 0001 trở đi; trên đầu từng trang của sách có ghi niên hiệu, niên đại âm lịch và dương lịch (như “Giáp Ngọ Thành Thái thứ 6, 1894 -1895”), rất tiện cho việc tra cứu – trích dẫn. Đây cũng là tác phong chuyên nghiệp của người dịch.

Người dịch Đệ lục kỷ Phụ biên cũng đồng thời là một nhà nghiên cứu uy tín. Thế nên, bên cạnh bản dịch nghiêm cẩn của mình, ông còn cung cấp một bản khảo dẫn, giới thiệu tổng quan về quá trình biên soạn cũng như nội dung và giá trị của tác phẩm. Cao Tự Thanh đã tinh tế chọn lọc những sự kiện điển hình để giới thiệu và khái quát thành những nét chính của lịch sử Việt Nam dưới hai triều Phế đế. Ông nhìn thấy ở đấy một “quá trình tái cấu trúc xã hội toàn diện, sâu sắc và rộng khắp” Trung – Bắc, và ít nhất “đến 1913 thì một ‘xã hội dân sự cũng đã bắt đầu hình thành ở Trung kỳ”. Ông cũng cho rằng Đệ lục kỷ Phụ biên “mang trong nó cùng một lúc hai lịch sử: lịch sử Việt Nam dưới hai đời Thành Thái, Duy Tân, và lịch sử nhận định lịch sử ấy của triều đình nhà Nguyễn dưới hai đời Khải Định, Bảo Đại”. Người đọc có thể chưa đồng ý với một vài nhận định trong bài khảo dẫn, nhưng bản thân những nhận định ấy cùng với các ý kiến thảo luận tiếp sau sẽ góp phần hoàn chỉnh một lịch sử nhận thức triều Nguyễn vốn không ngừng biến thiên qua những toạ độ lịch sử khác nhau.

Bản dịch Đệ lục kỷ Phụ biên còn có phần Phụ lục với 10 Nghị định (vốn là nguyên bản hay dịch bản Pháp văn của một số chỉ dụ) trích lục và dịch từ Journal officiel de l’Indochine francaise, một số bài báo trên Đại Nam Đồng văn nhật báo, Đại Nam Đăng cổ tùng báo và Nam kỳ địa phận liên quan đến các sự kiện chép trong sách như việc bắt con Phan Đình Phùng, Ngô Đức Kế hay việc đưa vua Thành Thái vào cung “an dưỡng”. Đặc biệt, Phụ lục còn in lại hai bài khảo cứu dựa trên sử liệu của Đệ lục kỷ Phụ biên về Đào Tấn và về việc khai quật ba hầm bạc trong Đại nội. Hai khảo luận này cho thấy một diện mạo khác của Đào Tấn qua “một vụ tham ô tập thể ở bộ Công” cũng như về lập trường dân tộc của các tác giả sách đối với việc chính quyền thuộc địa Pháp chiếm đoạt số tài sản mà trước kia vua Minh Mạng cho chôn giấu.

Xét về phương diện sử học (historiography), Đệ lục kỷ Phụ biên là một tư liệu quý, cho thấy thể biên niên sử vương triều ở Việt Nam đã đi vào chung cuộc như thế nào, khi theo dòng Tân sử học của Lương Khải Siêu, Việt Nam quốc sử khảo của Phan Bội Châu đã xuất hiện, thoát ra ngoài khuôn khổ chép sử theo niên đại các triều vua. Bản dịch Đệ lục kỷ Phụ biên là một niềm vui lớn đối với công chúng, chỉ tiếc là việc được đồng thời tiếp cận nguyên tác vẫn chưa được đáp ứng trong lần đầu xuất bản này. Và sau Đệ lục kỷ Phụ biên, người đọc lại trông đợi Đệ thất kỷ sớm ra mắt để có được trọn vẹn bộ biên niên sử đồ sộ nhất Việt Nam thời phong kiến.

Sử liệu là cơ sở cho mọi thảo luận sử học như Phó Tư Niên từng phát biểu “Sử học vốn là sử liệu học”. Được xem xét từ những tiêu điểm mới với những sử liệu mới, triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX cũng như trong bối cảnh khu vực và quốc tế chắc chắn sẽ còn tiếp tục là chủ đề thảo luận sôi nổi của các tác giả trong và ngoài nước.

Chú thích

* Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục Chính biên Đệ lục kỷ Phụ biên, Cao Tự Thanh dịch và giới thiệu, Nxb – Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh 2011.

Nguồn: TẠP CHÍ XƯA & NAY, SỐ 391 THÁNG 11-2011

Danh mục website