Tìm hiểu truyện cổ tộc người Xtiêng ở Bình Phước

 
(Ảnh minh hoạ: Lễ hội đâm trâu của người Xtiêng, nguồn: Google.com.vn)
1.                 Tộc người Xtiêng là cư dân bản địa cư trú lâu đời tại các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh. Trên địa bàn tỉnh Bình Phước, với số dân đông sau người Việt gồm 72.851 người cộng đồng Xtiêng sống xen kẽ với người Việt, Khmer, Chăm, Mơ Nông.… Địa bàn cư trú của họ giáp với người Mơ Nông ở phía Bắc (Đắc Nông), người Mạ ở phía Đông (Lâm Đồng), người Việt ở phía Nam (Bình Dương), và người Khmer ở phía Tây (Tây Ninh). Cộng đồng tộc người Xtiêng ở tỉnh Bình Phước định cư lâu đời và phân bố rải rác ở hầu khắp các huyện, thị trấn và thị xã Đồng Xoài của tỉnh. Địa bàn cư trú chủ yếu của họ tập trung ở các xã thuộc vùng sâu vùng xa của bảy huyện Bình Long, Chơn Thành, Đồng Phú, Lộc Ninh, Bù Đốp, Phước Long và Bù Đăng. Theo số liệu thống kê dân số năm 2005 của Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước, có 11 dân tộc thiểu số đang sinh sống tại địa bàn tỉnh, cụ thể là các dân tộc Chăm, Dao, Hmông, Hoa, Khmer, Mơ Nông, Mường, Nùng, Tày, Thái và Xtiêng, trong đó, người Xtiêng có số dân đông nhất (72.851/153.881 người). Kho tàng văn học dân gian Xtiêng ở Bình Phước rất phong phú với đủ thể loại như thần thoại, truyền thuyết, sử thi, truyện cổ tích, truyện cười, truyện ngụ ngôn, thơ ca, hát nói dân gian. Qua hai đợt sưu tầm điền dã văn học dân gian trong hai năm 2008 và 2009, tổng số truyện kể dân gian sưu tầm tại gần 40 xã điểm có đồng bào Xtiêng sinh sống thuộc 6 huyện như Bình Long, Đồng Phú, Lộc Ninh, Bù Đốp, Phước Long và Bù Đăng  gồm có 233 truyện[2].

2.                 Về việc phân loại truyện kể dân gian theo tiêu chí thể loại, số lượng 233 truyện Xtiêng ở Bình Phước được chúng tôi phân loại như sau:

- Thần thoại (30 truyện, chiếm 12,87%), gồm các nhóm thần thoại cụ thể sau: 5 thần thoại suy nguyên về vũ trụ và muôn loài, 12 thần thoại suy nguyên về nhân loại, tộc người, và 13 thần thoại về sáng tạo văn hóa.

- Truyền thuyết (29 truyện, chiếm 12,44%), gồm các nhóm truyền thuyết cụ thể sau: 8 truyền thuyết địa danh, 21 truyền thuyết về phong – vật[3].

- Truyện cổ tích (160 truyện, chiếm 68,66%), gồm đầy đủ ba tiểu loại và các kiểu và nhóm truyện cổ tích sau: tiểu loại truyện cổ tích loài vật (35 truyện) gồm hai nhóm truyện: 7 truyện cổ tích về loài vật sống gần gũi với con người và 28 truyện cổ tích về loài vật sống nơi hoang dã; tiểu loại truyện cổ tích thần kỳ (86 truyện) gồm các kiểu và nhóm truyện: kiểu truyện về nhân vật chàng trai khoẻ, dũng sĩ (8 truyện), kiểu truyện về nhân vật người mồ côi (21 truyện), kiểu truyện về nhân vật người con riêng (9 truyện), kiểu truyện về nhân vật xấu xí mà tài ba (27 truyện), đề tài-cốt truyện ngoại tình hay tình yêu chung thủy (7 truyện) và nhóm truyện về thế giới ma quỉ (14 truyện); và tiểu loại truyện cổ tích sinh hoạt (39 truyện) gồm các nhóm truyện: về các mối quan hệ trong gia đình (16 truyện), về các mối quan hệ ngoài xã hội (10 truyện), về nhân vật ngốc (9 truyện) và về nhân vật thông minh (4 truyện).

- Truyện cười (13 truyện) gồm đủ loại truyện cười có nội dung khôi hài, châm biếm và đả kích.

- Truyện ngụ ngôn (1 truyện) có chủ đề thể hiện ý chí đấu tranh, chống áp bức bóc lột, đòi quyền sống, quyền bình đẳng.

3.                 Khảo sát nội dung và nghệ thuật của truyện kể dân gian của tộc người Xtiêng ở tỉnh Bình Phước, chúng tôi xin nêu vài đặc điểm cơ bản của từng thể loại tự sự dân gian như sau:

3.1            Ở thể loại thần thoại, trong 30 truyện có đủ các đề tài vốn có của kho thần thoại của một tộc người như đề tài suy nguyên về vũ trụ, đề tài suy nguyên về nhân loại, tộc người, và thần thoại về sáng tạo văn hóa.

3.1.1 Qua 5 truyện thần thoại suy nguyên về vũ trụ và thiên nhiên, tác giả dân gian Xtiêng khi xưa đã giải thích nguồn gốc của thiên nhiên bằng quan niệm vạn vật nhất thể-trực tiếp, có tính duy vật thô sơ hồn nhiên vào buổi đầu nhận thức ấu trĩ của loài người: theo quan niệm này, mọi vật trong cõi thiên nhiên đều do một vị thần khổng lồ sáng tạo nên, đó là ông Trời (Nguồn gốc của vũ trụ và muôn loài); bên cạnh đó, còn có quan niệm về vạn vật nhất thể-gián tiếp theo nghĩa là vị thần tối cao Krong Dong ngoài phần việc chính của mình sáng tạo vũ trụ và muôn loài còn giao việc sáng tạo tiếp cho các vị thần khác là con cháu của mình như Krang Dang,  Xiêng, Tiêng, Têy, Khẻn, Nung, Nú (truyện Nguồn gốc muôn loài).

3.1.2 Với 12 truyện thần thoại suy nguyên về nhân loại, tộc người, người Xtiêng có nhiều quan niệm thô phác hồn nhiên như: Trời ném hòn đá hình người xuống trần gian tác hợp với loài bướm sinh ra người con trai rồi người con gái đều không có tay chân, mãi đến thế hệ con cháu của họ mới có tay có chân và loài người sinh sôi đông đúc từ đấy (Nguồn gốc loài người (1)); tộc người Xtiêng có nguồn gốc từ Diêng con trai của Trời lấy nàng Blơm người trần gian (Nguồn gốc tộc người Xtiêng); vị thần nọ lấy vợ người trần có mang xong ông bay về trời, con trai ông là Diêng sinh ra từ nách còn hai con gái Bông Diêng và Liêng Ma sinh ra bình thường (Tổ tiên tộc người Xtiêng); về nguồn gốc của việc buộc phân chia các dòng họ Xtiêng là do việc vi phạm tội loạn luân của tổ tiên người Xtiêng có hai truyện (Nguồn gốc các dòng họ Xtiêng, Nguồn gốc họ B’yung Đrên và họ B’yung Ro); Trời thấy người Xtiêng khi xưa to lớn và đông đúc phải chen chúc nơi đất đai chật hẹp nên đã biến người Xtiêng thành vóc dáng nhỏ lại để có đủ đất sinh sống như ngày nay (Vì sao người Xtiêng có dáng vóc như bây giờ?). Về chủ đề phát triển giống nòi, với môtíp “khỉ dạy người biết đẻ” / “người học khỉ đỡ đẻ”[4], tác giả dân gian Xtiêng có ba truyện kể có cùng cốt kể với truyện Raglai: nhờ học được cách đỡ đẻ của loài khỉ mà người chồng không mổ bụng vợ, giữ được mạng sống vợ con, sau đó bày cho mọi người làm theo, từ đó dân làng kiêng không ăn thịt khỉ (Người học khỉ đỡ đẻ (1), (2) và (3)). Trên thực tế, từ buổi đầu khi tạo dựng và phát triển giống nòi, trong sự tương quan giữa con người và tự nhiên - nói riêng ở đây là giữa người và khỉ / một loài vật có hình dáng giống con người[5]- còn chưa nghiêng hẳn về bên nào, những cá thể người nguyên thủy một mặt nhờ sống gần gũi với tự nhiên nên có quan hệ chặt chẽ và thân thiết với loài vật, mặt khác nhờ bản năng tò mò đã giúp họ luôn học hỏi tự nhiên nhằm đúc rút kinh nghiệm cho cuộc sống của mình từ quan sát trải nghiệm đời sống sinh hoạt của loài vật[6]. Và với quan niệm vạn vật hữu linh người xưa chưa nhận thức được giữa con người và thiên nhiên có những sự khác biệt nhất định khiến cho trong một thời gian khá dài, bởi nhiều lý do khách quan và chủ quan, tự thân con người không sinh sản được nhiều đứa con như cây chuối-“có thể đẻ được hàng trăm cây”, khiến họ đã “năn nỉ cây chuối xin hoán đổi chức năng” để rồi từ đó về sau con người sinh được nhiều con còn cây chuối chỉ ra được một buồng và phải bị chặt bỏ đi (Người học khỉ đỡ đẻ (3)). Lý giải về ước muốn mang tính nhân bản này của loài người, có thể viện dẫn ý kiến của giáo sư Nguyễn Tấn Đắc khi nghiên cứu về môtíp cây hóa thành người trong truyện kể dân gian ông cho rằng: “con người là một sinh vật sống trên mặt đất. Cây cối cũng sống trên mặt đất, nó cũng sinh ra, lớn lên, chết đi rồi lại sinh ra, mãi mãi… Cây cối lại rất gần gũi với người nguyên thuỷ. Trong khi những bầy người nguyên thuỷ còn thưa thớt thì cây cối dày đặc xung quanh họ. Cây cối là gợi ý, là hình ảnh thường xuyên về sự sống đối với họ. Người xưa đã nhìn thấy ở cây cối hình ảnh của sự sống bất diệt trên mặt đất… Khi người xưa tạo ra mối liên hệ thần kỳ, huyền thoại giữa cây với người, chắc họ cũng gởi gắm vào đấy một mong muốn: con người cũng sinh sôi xanh tươi mãi mãi như cây cối xung quanh họ”[7].

3.1.3 Còn qua nội dung của 13 truyện thần thoại về sáng tạo văn hóa, chủ đề sáng tạo văn hóa được kể với nhiều chuyện tích phong phú như sau: người Xtiêng có được hạt lúa sinh sống là nhờ nai thần trả ơn (Thần lúa (1)); nhờ chim cú mèo mang giống lúa đến cho và dạy người trồng lúa (Thần lúa (2)); do người xưa nhặt được hạt giống màu vàng từ trong cổ chim lạ / chim cú bị bắn / bị giăng bẫy (Sự tích cây lúa (1)và (2)); vì thương loài người bé nhỏ kiếm ăn cực nhọc nên vị thần khổng lồ Dick-ăn toàn hạt lúa lớn, ban cho người Xtiêng hạt lúa nhỏ để dễ dàng trồng trọt và thu hoạch (Sự tích hạt lúa); cũng vì thương con người phải làm việc vất vả nuôi sống bản thân và gia súc nên ông Dick trừng phạt loài vật không biết nói nữa và phải giúp đỡ con người (Vì sao loài vật không biết nói và phải giúp việc cho con người?); vì thương và nghe lời con chó cái mang bụng chửa sắp đẻ nên người Xtiêng ở lại sinh sống nơi vùng cao và không có chữ viết nên không theo kịp vua Trời (Sự tích người Xtiêng ở vùng cao và không có chữ viết); người Xtiêng không có chữ viết là do con chó tha mất miếng da trâu trên đó có chữ viết Xtiêng (Vì sao người Xtiêng không có chữ viết (1)); vì không có chữ viết nên người Xtiêng không chứng minh được làng sóc đang sinh sống là đất đai của cải riêng của mình (Vì sao người Xtiêng không có chữ viết (2)); vì lười biếng nên làm mất sách vỡ và miếng da trâu thầy cho có chữ Xtiêng bị chó tha mất (Vì sao người Xtiêng không có chữ viết (3)); thổ thần Yô Yốt bày giúp người Xtiêng cách nuôi trâu bò lợn gà lấy thịt, làm nhà sàn tre nứa cách mặt đất  để tránh thú dữ, dựng nhà cách thưa nhau để tránh lửa cháy lan vào mùa khô (Nguồn gốc nhà sàn của người Xtiêng); những chiếc đồng la lớn nhỏ đều do ông Dick khổng lồ dùng những mảnh đồng rèn giũa thành nhạc cụ truyền đời (Sự tích chiếc đồng la).

3.2.         Về thể loại truyền thuyết, chúng tôi chưa sưu tầm được hai nhóm truyền thuyết nhân vật lịch sử và nhân vật anh hùng mà chỉ mới có được 8 truyện thuộc nhóm truyền thuyết địa danh và phong phú hơn cả là 21 truyện thuộc nhóm truyền thuyết phong-vật.

3.2.1.          Về nhóm truyền thuyết địa danh tự nhiên phải kể đến những câu chuyện được hư cấu hoang đường như: hai thác em gái Tok và Prai không ầm ào hùng vĩ bằng thác người anh Liêng Hur vì đánh thua trong trận đấu mà người anh bắt bồi thường đứa con bị cá sấu nơi thác Tok cắn chết (Sự tích thác Liêng Hur); bi kịch đậm chất nhân văn mang tính chất cổ tích thần kỳ về chiếc quan tài của chàng trai mồ côi bị bán đi xa hóa thành khối đá dựng đứng rồi hóa thành dòng thác đứng được xây dựng bằng môtíp “tiếng thác quê hương” (Sự tích thác Đứng); cốt truyện núi Ông thấp hơn núi Bà được xây dựng bằng môtíp “thi tài đắp núi” phổ biến ở vùng Đông Nam Á (Sự tích núi Ông núi Bà)…

3.2.2.          Về nhóm truyền thuyết địa danh xã hội có thể kể đến những truyện như: dũng sĩ Đâmbri mình đồng da sắt nhờ tắm nơi dòng thác thần kỳ - môtíp “tắm / nhúng nước thần”, đánh tan giặc cướp cứu nguy cho cộng đồng (Sự tích thác Đâmbri); vì ở ác hay dùng chất độc thuốc chết nhiều người nên vợ chồng bị dân làng xa lánh và khi chết Điểu Tế còn bị mọi người xua đuổi linh hồn bằng cách “đi chôn đường này về đường khác” (Sự tích ngã Tư Tế)…

3.2.3. Ở nhóm truyền thuyết về phong-vật chiếm số lượng hơn phân nửa (11/21) là loại truyền thuyết về tục kiêng cữ của các họ tộc người Xtiêng như: họ Changsarai kiêng ăn các loài chim cu vì sợ trong nhà có người chết bất đắc kỳ tử (Tục kiêng cữ con chim cu của họ Changsarai), kiêng cá sấu vì sợ cá sấu gây hại cho mình (Tục kiêng ăn thịt cá sấu của họ Changsarai), kiêng trăn vì tin rằng trăn giữ được bồ lúa cho mình (Tục kiêng cữ con trăn của dòng họ Changsarai); họ Changgiarinh cữ mền dệt bằng bông vì sợ vợ chết và phạt những ai mang đến lễ vật hỏi cưới có mền bông (Tục lệ cữ cái mền dệt bằng bông của họ Changgiarinh) và kiêng con vật màu trắng vì sợ cả hai vợ chồng đều bị chết (Tục kiêng cữ con vật màu trắng của họ Changgiarinh); họ Vơkhuml kiêng cây môn vì sợ sinh tật trộm cắp (Tục kiêng cữ cây môn của họ Vơkhuml) và kiêng con trút vì sợ trút quấn chết trẻ (Tục kiêng cữ con trút của họ Vơkhuml (1)) hay vì sợ mẹ con cùng chết khi sinh nở, trai làng đi rừng bị tử nạn (Tục kiêng cữ con trút của họ Vơkhuml (2)); họ Tamun kiêng đọt mây vì sợ bị bệnh hủi (Tục kiêng cữ đọt mây của họ Tamun) và kiêng lá la-la-mắc vì sợ bị bệnh điên (Tục kiêng cữ lá la-la-mắc của họ Tamun); họ Vơklây kiêng cây tơmvêt gội đầu vì sợ bị ngã chết khi leo trèo và cây môn nấu canh thụt với mít non và cà rừng vì sợ bị ngứa sưng phù cả miệng (Tục kiêng cây tơmvêt, cây môn của họ Vơklây)… Truyện kể về sự tích các phong-vật địa phương: lá nhiếp là một loại rau rừng ăn mát từng cứu đói dân làng mang tên cô gái hiếu thảo-Điểu Nhiếp trên đường đi hứng sương và tìm rau rừng cứu đói mẹ đã kiệt sức và chết đi hóa thành (Sự tích lá nhiếp); trái bầu đựng nước: nhờ loài khỉ mách bảo – môtíp “khỉ dạy người”, mà người xưa biết trồng dây bầu lấy quả bầu khô đựng nước dùng trong sinh hoạt (Sự tích trái bầu đựng nước); cái khố: nhờ loài chim vàng anh mách bảo người xưa biết trồng cây bông, tách quả lấy bông se thành sợi, đan và dệt thành váy cho phụ nữ và khố cho đàn ông (Sự tích cái khố); tích truyện nấu rượu cần với môtíp bắt chước không thành công: vì thấy người chị đối xử tệ bạc với em trai nên thần linh ra tay bày cho người em biết làm rượu cần và có nhiều của cải còn vợ chồng người chị bị cọp vồ ăn thịt (Sự tích nấu rượu cần); ché rượu cần xuất hiện từ câu chuyện người lớn bắt chước trò chơi của trẻ con đâm lá cây cho vào ống tre, đổ nước vào rồi cắm ống để hút (Sự tích ché rượu cần); xưa kia sau lần vua Xtiêng chịu chết thế mạng cho vua Campuchia, khi được phong vua lại, vì mải lo bắt cá bẫy thú và cây thần thời gian bị các dân tộc khác chặt đi nên người Xtiêng không được phong vua nữa mà chỉ có chức già làng (Sự tích người Xtiêng không có vua) ... Về quan hệ hôn nhân, có hai truyện: người xưa cảnh báo trường hợp vi phạm luật tục hôn nhân anh em chồng (Chín anh em và một người vợ), vì không muốn xa em gái nên anh vợ buộc em rể tương lai phải chịu ở lại nhà vợ làm việc mà không rước vợ đi xa về nhà mình (Vì sao có tục con trai Xtiêng phải ở rể?).

3.3     Ở thể loại truyện cổ tích, kho tàng truyện dân gian Xtiêng hội đủ cả ba tiểu loại: tiểu loại truyện cổ tích loài vật, tiểu loại truyện cổ tích thần kỳ và tiểu loại truyện cổ tích sinh hoạt.

3.3.1.          Tiểu loại truyện cổ tích loài hội đủ cả hai nhóm truyện cơ bản:

3.3.1.1. Về truyện cổ tích loài vật sống gần gũi với con người có 7 truyện phản ánh nét hồn nhiên, ngây thơ và hóm hỉnh của người xưa với nội dung suy nguyên về thói quen hay đặc tính sinh học của loài vật: vì nỗi hàm oan của vịt mái bị vịt trống ghen đã chở gà trống đến ăn giỗ nhà mình nên gà trống bảo vợ ấp trứng vịt thay cho chị vịt tốt bụng (Gà ấp trứng vịt); vì ban đêm sủa không đúng cữ khiến lỡ việc đi chim chuột của nhà vua nọ nên loài chó bị vua rủa chó con đẻ ra thời gian sau mới mở mắt được (Vì sao chó con sinh ra thời gian sau mới mở mắt?); kiếm được miếng cơm cháy ngon ở nhà người nên mèo quyết ở lại với loài người mà không về rừng với họ hàng nhà hổ (Mèo ở với người). Tác giả dân gian Xtiêng đã khéo dựng nên hai câu chuyện về mối quan hệ vừa thuận thảo vừa đố kỵ nhau vốn có ở loài chó và loài mèo sống chung trong một nhà với con người (Chuyện mèo và chó và Con mèo và con chó). Kể về thói quen của trâu, bò thích nằm nơi vũng sình cho mát vào mùa nắng nóng và chịu được lạnh hơn chó và heo vào mùa rét có hai truyện Trâu và chó và Vì sao trâu và bò chịu được lạnh hơn chó và heo?.

3.3.1.2. Về truyện cổ tích loài vật sống nơi hoang dã, bên cạnh nội dung suy nguyên luận về thói quen và đặc tính sinh học của loài vật còn có nhóm truyện về nhân vật tinh khôn như thỏ, rùa… sử dụng chủ yếu môtíp “mẹo lừa”.   Dù hung dữ quấy phá làng sóc nhưng vì do thần linh phái xuống trần nên loài tê giác không bị người Xtiêng giết thịt mà chỉ xua đuổi vào rừng làm thú hoang (Sự tích con tê giác). Vì tội phá phách mà loài trăn vốn là gia súc bị chủ nuôi lấy chăn trùm lại rồi đốt khiến da trăn có những đốm vằn, về sau nó bỏ đi và nguyền rằng cứ người nào gặp nó gật đầu chào là phải chết khiến từ đó loài người luôn phải tránh xa loài trăn (Sự tích con trăn).

Đặc sắc nhất là hai nhóm truyện về hai nhân vật tinh khôn thỏ và rùa. Dung lượng truyện khá lớn, hành động nhân vật lặp đi lặp lại theo các môtíp khôn - dại, môtíp mẹo lừa, môtíp bắt chước được triển khai với những tình tiết hấp dẫn và phong phú giữa hai nhân vật con thỏ nhỏ yếu nhưng thông minh láu lĩnh và con cọp to xác, hung tợn nhưng ngu dốt, mau quên và cả tin (10 truyện), hay giữa con rùa – bản sao đồng loại hình của nhân vật thỏ thông minh, nhỏ bé và chậm chạp nhưng khôn ngoan với con khỉ to khỏe, nhanh nhẹn nhưng ngu ngốc, có nhiều tật xấu, cả tin và mau quên (10 truyện). Khác với thỏ và cọp có mối quan hệ thù địch nhau, không đội trời chung thì rùa và khỉ là đôi bạn thân sống chung trong một khu rừng song chúng lại luôn tìm cách lừa đảo nhau – rùa chỉ phải lừa khỉ những khi buộc phải tự vệ, trả đòn đối phó, thậm chí trừng phạt thích đáng đối với những trò lật lộng, xảo trá, nuốt lời của “bạn khỉ” tráo trở và lừa đảo. Nếu so sánh đối chiếu thì 10 truyện về “Rùa và Khỉ” của tộc người Xtiêng (Rùa và Khỉ (1), (2), (3), (4), (5), (6), (7), (8), (9), (10)) được xem là những dị bản rất gần gũi với loạt truyện cùng tên “Rùa và Khỉ” của tộc người Ê Đê sinh sống chủ yếu ở hai tỉnh Đắc Lắc và Đắc Nông giáp ranh với tỉnh Bình Phước-Sông Bé ở phía bắc. Qua hiện tượng tương đồng này, có thể phác họa ra con đường giao lưu tiếp biến văn hóa giữa tộc người Ê Đê và tộc người Xtiêng trong quá khứ gần. Về đề tài xử kiện, có hai truyện hấp dẫn kể về nhân vật thỏ thông minh đã giúp rùa thắng kiện khỉ, và lại giúp con khỉ khác thắng kiện con rùa khác bằng việc “lập luận lấy việc vô lý tương tự để bác bỏ điều vô lý được chấp nhận” – một môtíp phổ biến thường thấy xuất hiện trong đề tài xử kiện bên cạnh môtíp khác “lừa cho vào tròng bằng cách bảo diễn lại việc đã xảy ra” (Thỏ xử kiện (1) và Thỏ xử kiện (2)).

3.3.2.     Trong tiểu loại truyện cổ tích thần kỳ gồm đủ các kiểu truyện về nhân vật chàng trai khỏe-dũng sĩ tài ba và nhân vật bất hạnh.

3.3.2.1. Kiểu truyện về nhân vật chàng trai khoẻ, dũng sĩ gồm 8 truyện có môtíp cơ bản “dũng sĩ diệt yêu quái cứu ng đẹp, cứu cộng đồng” với cốt truyện thường tuân theo ba bước: Ra đời thần kỳ, ăn khoẻ, có sức mạnh vô địch; Lần lượt trải qua thử thách một mình hay liên minh để trừ ác diệt tà làm việc nghĩa; cứu được cộng đồng, đem lại sự bình yêu, hạnh phúc cho cộng đồng và được đền ơn bằng cưới vợ đẹp, giàu có, làm vua quan. Ra đời thần kỳ: cậu bé nằm trong khe đá được nhặt về đặt tên cậu Đá không cười không khóc, chỉ nằm một chỗ rồi bỗng vụt lớn nhanh đòi đi đánh rồng lửa (Cậu bé Đá); hai chàng trai vốn là bê con và cọp con được một bà lão tốt bụng làm phép hóa thành người (Hai chàng trai tài giỏi); ăn khoẻ: người anh ăn bảy đống và người em ăn tám đống ói của trăn lớn nên từ đó họ ăn khỏe và có sức mạnh hơn mọi người (Năm chàng trai khỏe); có sức mạnh: người em có sức mạnh vô song, khỏe hơn bốn anh Kéo dây mây, anh Gánh gà, anh Thở mạnh và anh Phá núi (Năm chàng trai khỏe), ông Ka Meng Đăng khiêng cây to nhẹ nhàng không cần xe trâu kéo (Chuyện kể về Ka Meng Đăng tài giỏi); có tài: khi thi tài chàng Young đưa gươm một phát thì bảy bụi chuối đứt rời, rồi chặt luôn bảy lớp tre (Anh chàng tài giỏi); chàng trai làm phép cho cả làng ngủ, hóa phép ra thợ xây nhà, trong bảy ngày bảy đêm căn nhà đã được xây xong (Chàng trai tài giỏi). Thử thách gian nan để trưởng thành: nhiều lần hai anh em bị cha nghe theo lời xúi giục của mẹ kế mang con bỏ vào rừng nhưng hai chàng vẫn sống sót trở về nhà (Năm chàng trai khỏe); tập hợp lực lượng để làm việc nghĩa: bốn anh Kéo dây mây, anh Gánh gà, anh Thở mạnh và anh Phá núi thi đấu vật và thì tài sức đều thua và phải đi theo người em (Năm chàng trai khỏe), ông Ka Meng Đăng thi tài đều thắng hai ông khỏe: Ka Heng Ba Nấp dùng đầu đóng cọc ngăn suối, đắp đập và Ba Ka dùng miệng hút nước tát cá (Chuyện kể về Ka Meng Đăng tài giỏi). Chiến đấu ác liệt, dũng cảm để trừ ác thú, yêu quái: người em cùng bốn anh chàng tài giỏi đi tìm diệt vợ chồng nhà ma, cá sấu (Năm chàng trai khỏe); bằng sức khỏe phi thường và trí thông minh chàng trai dũng mãnh tìm diệt con thằn lằn khổng lổ Hai La Nhắc tàn phá làng mạc, bắt những cô gái xinh đẹp làm thức ăn (Con thằn lằn khổng lồ), cậu bé Đá chiến đấu ác liệt khuất phục được rồng lửa và cưỡi rồng bay đi (Cậu bé Đá), chàng trai đánh thắng vua đòi lại được vợ (Chàng trai tài giỏi). Cứu được nhân dân, đồng đội, đem lại cuộc đời bình yên hạnh phúc: người em diệt vợ chồng nhà ma cứu bốn người bạn,… các anh lên đường chinh phục muôn loài và khám phá sức mạnh của mình (Năm chàng trai khỏe), …dân làng không còn phải chuyển chỗ ở nữa, tránh được họa bị rồng lửa thiêu đốt bản làng (Cậu bé Đá), dân làng theo các ông, ba ông lên làm vua cai trị ba vùng, từ đó các làng khác không dám đến gây chiến nữa (Chuyện kể về Ka Meng Đăng tài giỏi). Ngoài môtíp cơ bản, kiểu truyện này còn có các môtíp phụ như: hiến tế người cho thú dữ, gieo cầu kén chồng, xuống hang cứu người rồi bị lấp lại không có lối lên, tiếng đàn thần kỳ… Những năng lực diệu kỳ của các chàng trai tài giỏi, dũng sĩ tài ba chính là ước mơ của người Xtiêng xưa kia muốn kéo dài đôi bàn tay của mình ra để đấu tranh có hiệu lực nhất với thiên nhiên. Biệt tài của tập thể hay cá nhân họ là sự phóng đại năng suất lao động trong những việc làm quen thuộc như: phá núi, tát nước, chặt vác cây, đóng cọc, đắp đập chống lũ… Tất cả những công sức trong lao động và thành quả trong chiến đấu của họ đều nhằm mang lại hạnh phúc, ấm no, yên vui cho dân làng.

3.3.2.2.      Kiểu truyện về nhân vật người mồ côi có 21 truyện gồm các loại hình mồ côi như: mồ côi cha, mồ côi mẹ và mồ côi cả cha lẫn mẹ thường sống với bà, hiếm khi sống được với gia đình các ông chú, ông cậu bởi lẽ trong thực tế mỗi người đều có gia đình cùng với con cái của mình, do mình phải trực tiếp lo lắng, và người họ hàng bây giờ thấy xa lạ, không thích (và có khi thiếu cả khả năng thực tế) chăm sóc mồ côi nữa[8]. Từ đây, có thể phân loại kiểu truyện về nhân vật mồ côi theo hai dạng xung đột :  Mồ côi - anh chị em ruột, mẹ ghẻ, bố dượng, cô dì, chú bác phản ánh xung đột trong nội bộ gia đình nhỏ, dòng tộc; gồm 2 nhóm nhỏ: mồ côi - anh chị em ruột, mẹ ghẻ, bố dượng (gia đình): Chàng mồ côi (4), Hai anh em mồ côi, Hai anh em (2) ;  và mồ côi - chú bác, cô dì, trưởng tộc (dòng họ): Chàng mồ côi (2), Cô gái trong trứng công, Hai anh em (1), Chàng chăn trâu (1), Chàng chăn trâu (2). Mồ côi - trai làng, địa chủ, chủ làng, vua quan phản ánh xung đột ngoài xã hội từ cộng đồng buôn làng đến quốc gia, dân tộc và gồm 2 nhóm nhỏ: mồ côi - trai làng, địa chủ, chủ làng, tù trưởng, mtao, ptao (làng, xã-đơn vị hạt nhân của quốc gia): Chàng Ngo, Chàng mồ côi (3), Chuỗi vòng ốc, Cô gái trong ngà voi (1), (2), (3), (4), Chàng chăn trâu (3); và mồ côi - vua quan (quốc gia): Chư– rương làm vua, Câu chuyện trái chanh, Câu chuyện trái cà, Chàng lười. Kết cấu phổ biến của kiểu truyện là: nhân vật phải trải qua chặng đường thử thách đầy gian khổ, đương đầu với những vấn đề cơ bản: bảo vệ của cải, vợ con và bản thân khỏi bị tước đoạt hoặc uy hiếp để chiến thắng, đạt được hạnh phúc, khẳng định vị trí của mình trong xã hội. Môtíp chính là môtíp thử thách về tài năng, sức khoẻ, ý chí, nghị lực, trí thông minh, lòng nhân ái, tính kiên trì của nhân vật chính. Các môtíp phụ thần kỳ được sử dụng như một phương tiện quan trọng thúc đẩy cốt truyện phát triển đến nút cần thiết như: môtíp lấy vợ tiên, môtíp bay về trời, môtíp vi phạm điều cấm (vợ tiên ngửi thấy mùi măng lồ ồ, khổ qua rừng sẽ bay về trời), môtíp vật nhận biết (chiếc nhẫn), môtíp thách đố (tìm đúng vật), môtíp vật chỉ dẫn / mách bảo (con ruồi, con chuột, con đom đóm), môtíp tha thứ…

3.3.2.3.       Kiểu truyện về nhân vật người con riêng có 9 truyện với chủ đề chính là sự xung đột giữa dì ghẻ và con chồng, tức là loại xung đột gia đình, vốn chiếm vị trí quan trọng trong tiểu loại truyên cổ tích thần kỳ. Nhân vật người cón riêng là một dạng biến thể của loại hình nhân vật người mồ côi. Trong số 9 truyện này, có thể thực hiện hai phép so sánh giữa truyện Chuyện dì ghẻ con chồng (1) với truyện Tấm Cám của tộc người Việt, và giữa hai truyện khá tương đồng với nhau là truyện Chuyện dì ghẻ con chồng (3) và truyện Dì ghẻ con chồng (4) để rút ra vài đặc điểm về bản sắc văn hóa tộc người Xtiêng ở kiểu truyện này. So sánh Chuyện dì ghẻ con chồng (1) với truyện Tấm Cám ta thấy có những nét tương đồng và dị biệt sau: Về nhân vật, trong khi truyện Việt chỉ có ba nhân vật (Tấm, Cám và dì ghẻ-mẹ của Cám), thì truyện Xtiêng có bốn nhân vật (cha, mẹ, cô gái con riêng của người chồng và người vợ nhỏ) mà không có người con riêng của người vợ nhỏ. Về kẻ bị hại chết và hóa kiếp: ở truyện Việt là Tấm bị hại chết rồi hóa kiếp 3 lần (chim vàng anh, cây xoan, cây thị), còn ở truyện Xtiêng là người vợ lớn bị vợ nhỏ xô xuống hố củ chụp chết – báo mộng, rồi cũng hóa kiếp 3 lần (chim cu, ba ba, cây táo). Về môtíp trả thù hay trừng phạt ở đoạn kết của truyện: ở truyện Việt là cái chết trước sau của mẹ con con Cám, còn ở truyện Xtiêng mụ dì ghẻ bị vua xử tội chết. Qua so sánh, ta thấy mặc dù ở truyện Xtiêng có nhiều nhân vật hơn truyện Việt và nhân vật gây hại trực tiếp cho nhân vật chính là mụ dì ghẻ nhưng dung lượng cốt truyện cùng diễn biến của các sự kiện, các tình tiết cùng sự tham gia của các môtíp nhằm tạo nên cốt truyện không phong phú và phức tạp bằng truyện Tấm Cám của người Việt. Bởi lẽ nhân vật kẻ gây hại trong truyện Xtiêng chỉ có một mình mụ dì ghẻ, còn trong truyện Việt Tấm Cám có đến hai mẹ con con Cám cùng nham hiểm và độc ác không ai thua ai. Khảo sát hai truyện Chuyện dì ghẻ con chồng (3) và Chuyện dì ghẻ con chồng (4), ta thấy chúng có cốt truyện giống nhau với các nhân vật, các tình tiết, các chi tiết và các môtíp tương đồng. Thâm nhập và móc xích vào hai truyện này là dạng truyện về nhân vật chàng dũng sĩ.

3.3.2.4.       Kiểu truyện về nhân vật xấu xí mà tài ba hay người lấy người đội lốt vật có 27 truyện với kết cấu chung gồm các bước đoạn sau: “Nguồn gốc nhân vật > Hình thức nhân vật > Sự thử thách đối với nhân vật > Tài năng của nhân vật > Nhân vật kết hôn > Tai họa và kẻ gây tai họa > Sự trợ giúp > Kết quả nhân vật đạt được… Ứng với các bước đoạn đó là xâu chuỗi các môtíp đóng vai trò đậm nhạt khác nhau, tạo nên sự phát triển của hình tượng nhân vật xấu xí mà tài ba. Đó là các môtíp: sinh đẻ thần kỳ, người mang lốt, thử thách, tài năng thần kỳ, kết hôn, tai họa và tài năng kép, vật phù trợ, đoàn viên[9]. Khảo sát 27 truyện, ta thấy 8 môtíp cơ bản trên được tác giả dân gian Xtiêng thể hiện rất linh hoạt và đa dạng khi sáng tác loại truyện này. Môtíp sinh đẻ thần kỳ chỉ thấy xuất hiện ở truyện Người con của khỉ: người vợ uống nước giải của loài khỉ nên về nhà có mang và sinh được hai con khỉ con; môtíp này là nhằm đề cao và lý tưởng hóa nhân vật, nó đem đến cho nhân vật một nguồn gốc thần linh, biến số phận bế tắc của nhân vật thành một sự báo hiệu khác thường thần thánh, tàng ẩn những tính chất kỳ lạ. Môtíp người mang lốt hay cái lốt – lốt các con vật phổ biến hơn lốt dị dạng, là vỏ bọc, là hình thức tạm thời để nhân vật ẩn mình nhưng đồng thời nó cũng chính là nhân vật khi nó chưa tách rời khỏi nhân vật; nó cũng có ý nghĩa là sự thử thách để nhân vật muốn tự khẳng định mình là con người trong hình thức còn là con vật. Các nhân vật thường đội lốt các con vật như: gà, trăn, rắn, chồn, hổ, vượn, khỉ... những con vật rất gần gũi với người Xtiêng trong đời sống săn bắt, chăn nuôi lúc bấy giờ. Thông thường cái lốt xấu xí, dị dạng của nhân vật khiến cộng đồng xa lánh, hắt hủi. Chàng Gà tiên (Chàng Ga) bị người em gái ghen tị, oán hận, coi chàng là nguyên nhân gây ra nỗi bất hòa giữa hai chị em cô ta. Chàng Trăn (Người lấy trăn), chàng Rắn (Người lấy rắn), chàng Chồn (Người lấy chồn) bị những người chị của cô út khinh bỉ, hành hạ. Cả cộng đồng làng bản đuổi ba mẹ con khỉ ra khỏi làng vì cho rằng họ đem đến tai họa cho dân làng (Người con của khỉ). Và cái lốt chỉ được tác giả dân gian Xtiêng cởi bỏ một khi nhân vật chiến thắng đạt được mục đích hạnh phúc. Môtíp thử thách được thể hiện ở nhiều hình thức và nhiều cấp độ khác nhau và trong nhiều mối quan hệ khác nhau; để vượt qua thử thách phải gánh chịu là sự ruồng bỏ coi khinh của mọi người, có lúc lại là cha mẹ mình vì có hình dạng xấu xí bên ngoài, để khẳng định mình vốn là “con người” đang sống trong lốt của con vật hay với hình hài dị dạng để tồn tại trên đời này, nhân vật xấu xí đã phải cất lên tiếng nói của con người (Sọ Dừa). Mặt khác, họ luôn chủ động bộc lộ khả năng của mình giống như người bình thường, nhất là trong lao động; họ không ăn bám mọi người mà tự lao động giúp đỡ mọi người. Chàng Rắn (Lấy chồng rắn) ban ngày đi theo nàng út giã gạo, lấy nước, đêm về thì biến thành người chặt củi, làm việc nhà giúp vợ. Tuy mang hình dạng vượn, bà Vượn (Bà Vượn), bà Hổ (Bà Hổ) ngày ngày vẫn đi làm và kiếm thức ăn về cho các cháu. Môtíp tài năng thần kỳ: tài năng phi thường của chàng Chồn (Người lấy chồn) thể hiện rõ qua việc vượt qua mọi thử thách của nhà vua đưa ra: xây một ngôi nhà to đẹp trong bảy ngày, đi săn thú rừng về làm tiệc… Chính việc này làm thay đổi cách đối xử của nhà vua đối với con rể. Từ chỗ chán ghét, coi thường, nhà vua chuyển sang khâm phục tài năng của chàng Chồn. Môtíp kết hôn xuất hiện trong hầu hết các truyện như một phần thưởng tác giả dân gian Xtiêng dành cho những nỗ lực, cố gắng vươn lên khẳng định mình của nhân vật. Môtíp tai họa và tài năng kép: Những người chị của các cô út (Lấy chồng trăn, Lấy chồng rắn, Lấy chồng chồn) ban đầu luôn coi thường, chế giễu nhân vật xấu xí mà tài ba. Sau này, khi thấy em mình được hạnh phúc cùng chàng trai tài giỏi, họ trở thành đối tượng gây tai họa cho nhân vật, tìm cách hãm hại em mình. Tài năng kép của chàng Trăn (Lấy chồng trăn): cảm nhận được sắp có tai họa, trước khi đi xa chàng đã chuẩn bị mọi thứ đầy đủ trong nhà để vợ không phải ra ngoài và một con dao phòng thân. Môtíp vật phụ trợ xuất hiện ở tất cả các truyện từ lực lượng hỗ trợ là các nhân vật thần linh như các vật dụng phòng thân: lông nhím, con dao và các con vật như gà, chim, voi… (Lấy chồng trăn (1), (2), (3), (4), (5), (6)). Môtíp đoàn viên được thể hiện bằng hình ảnh nhân vật xấu xí mà tài ba trút bỏ hình hài xấu xí bên ngoài, trở thành người đẹp đẽ, tài giỏi, lấy được người vợ đẹp, hiền dịu và sống cuộc sống giàu có, hạnh phúc.

3.3.2.5.       Đề tài-cốt truyện ngoại tình hay tình yêu chung thủy có 7 truyện trong đó có nhóm truyện Cô gái tóc dài với 6 dị bản đều nhằm phản ánh những xung đột, mâu thuẫn trong quan hệ vợ chồng đồng thời là bài học đạo đức về cách ứng xử của vợ chồng trong gia đình và ngoài xã hội. Dân gian Xtiêng luôn đề cao, ca ngợi những người phụ nữ hiền dịu, chung thủy, hết mực yêu thương chồng. Những người vợ phản bội, độc ác phải bị lên án, trừng phạt. Nhờ sự trợ giúp của bạn bè và lực lượng thần kỳ chàng trai nghèo đã thoát khỏi âm mưu hãm hại của người vợ ngoại tình phản bội, sau đó qua cuộc phiêu lưu ra đi tìm người vợ chung thủy chàng trai đã phải trải qua những thử thách gian nan, khắc nghiệt, vợ bị cướp thân bị hại, chết đi sống lại để rồi cuối cùng được đoàn viên sum họp với người vợ thủy chung. Kết thúc có hậu của cả sáu dị bản này mang tính công thức và là qui luật phổ biến của tiểu loại truyện cổ tích thần kỳ. Diễn biến cốt truyện của 6 truyện này đạt đến hồi kết đoàn viên sum họp là nhờ tác giả dân gian Xtiêng đã biết khai thác tối đa những môtíp chính và phụ của dạng truyện này: phản bội, ngoại tình, trừng phạt, hôn nhân tiền định, tranh cướp vợ người, tái sinh, lừa cướp vợ người, tranh cướp lại vợ, lực lượng phù trợ thần kỳ gồm: rắn, lá cây thần, Giàng, vua trời, chồn, mèo, chó, trâu, bò biết nói, cò tiên, chồn tiên, lá thuốc thần, cây thần, rễ cây thần, chiếc chiếu nổi,…

3.3.2.6.       Nhóm truyện về thế giới ma quỉ có 13 truyện có nội dung nhằm cụ thể hóa những tưởng tượng và quan niệm của người Xtiêng xưa kia về các loài yêu ma, quỷ quái. Chúng là đại diện của sự độc ác, của thế giới đen tối luôn chầu chực đe dọa tính mạng con người. Khảo sát hai truyện Bảy chị em (1), (2) và truyện Chàng trai giết quỷ vốn có cùng cốt kể của loại truyện ma quỷ song ta lại thấy có sự thâm nhập và móc xích vào đây hình tượng nhân vật chàng trai khoẻ – dũng sĩ tài ba ngày càng được đề cao trong các tác phẩm này. Có thể xem đây là nét độc đáo của tác giả dân gian Xtiêng trong việc kết hợp, đan xen các loại nhân vật khác nhau trong một dạng truyện nhất định. Ở một khía cạnh khác, hình ảnh những chàng trai trong hai truyện Soi ếch (1), (2) đã biết dùng mưu trí để lừa gạt rồi diệt được loài ma trong những tình huống hiểm nguy rình rập là bước phát triển mới ca ngợi chiến thắng vẻ vang của trí tuệ dân gian Xtiêng trước thế lực ma quỷ trong xã hội xưa. Ngoài ra, có thể xem truyện Ji Băch và Ji Bay là một dị bản của truyện cùng tên của tộc người Mơ Nông cùng chung sống với đồng bào Xtiêng từ lâu đời ở tỉnh Bình Phước ngày nay và tỉnh Sông Bé trước đây.

3.3.3.                    Nội dung đề tài-cốt truyện trong tiểu loại truyện cổ tích sinh hoạt gồm hai mảng đề tài lớn là các mối quan hệ trong gia đình và các mối quan hệ ngoài xã hội, ngoài ra còn có chủ đề về nhân vật ngốc và nhân vật thông minh. 

3.3.3.1.       Về các mối quan hệ trong gia đình có 15 truyện nói về những mối quan hệ giữa những ruột thịt thân thích trong gia đình và dong họ  nhằm mang đến những bài học rèn luyện về đạo đức và nhân cách tốt đẹp cho người đọc, người nghe truyện cổ Xtiêng. Đó là những bài học kinh nghiệm về lòng hiếu thảo của người con đối với cả cha mẹ ruột lẫn cha mẹ nuôi (Ông cọp); sự ăn năn hối cải của người anh sai trái và lòng vị tha của người em tốt bụng (Hai anh em N’tơi và N’tai); sự thương yêu con cháu ruột thịt của ông cậu tốt bụng biết san sẻ, gánh vác hoạn nạn của cháu mình mà qua đó người cháu tỉnh ngộ nhận ra không đâu bằng tình ruột già máu mủ (Người cậu tốt bụng); vợ chồng chung thủy hay người vợ thủy chung vì tình nghĩa dám quyên sinh theo chồng (Hai chị em (2)); bài học của ông bà xưa dạy về việc chọn vợ mới lớn và vợ góa chớ nên chọn vợ già và vợ bỏ chồng vì tính phản trắc của họ (Dạy con chọn vợ); bài học chọn vợ chọn chồng theo quan niệm cần có sự cảm thông và chia sẻ lẫn nhau mới bảo đảm hạnh phúc được trọn vẹn và bền chặt (Người vợ thông minh); chọn vợ vừa biết thương yêu chồng con vừa thông minh biết ứng xử không ngoan với người ngoài (Người vợ khôn ngoan – một dị bản rất giống với truyện Chồng khôn vợ đặng đi hài, vợ khôn chồng đặng có ngày làm quan của người Việt),…

3.3.3.2.       Về các mối quan hệ ngoài xã hội có 10 truyện kể về những mối quan hệ ngoài xã hội thật phong phú và muôn màu muôn vẻ với các chủ đề về những mâu thuẫn cần lý giải cùng những bài học kinh nghiệm về thuật ứng xử ở đời hay đối nhân xử thế. Với nghị lực phi thường vượt qua được những thách đố đầy nguy hiểm mà chàng trai đã thắng cuộc người bạn khiến anh ta phải ở rể thay mình để trả tiếp món nợ cho nhà vợ (Ở rể thay); lòng thương người của cô gái út con trưởng bản được đền đáp xứng đáng (Cậu bé mồ côi và con cho); lời răn dạy của người già luôn mang lại điều tốt lành cho những ai biết nghe theo (Nhớ ơn người già); luật tục hay cán cân công lý nơi làng sóc luôn bênh vực cho những người nghèo khó bị áp bức bóc lột (Nhà giàu gả con); những kẻ gian phu dâm phụ hay phản trắc luôn bị luật trời trừng phạt (Yoong Roong, Cham và Proh); tấm gương của ông nhà giàu tốt bụng, hào hiệp, rộng lượng và không toan tính có ý nghĩa tố cáo và vạch trần bộ mặt tráo trở của những kẻ nghèo khó nhưng lại giả nhân giả nghĩa, bội bạc, ăn cháo đá bát, đáng bị trừng phạt thích đáng theo triết lý dân gian toàn nhân loại “ác giả ác báo” (Ông già tốt bụng); phàm là con người, sống trên đời phải thật thà, chăm chỉ làm ăn và biết giúp đỡ người khác; sống phải có trước có sau thì mới đáng sống (Chuyện ông Tông Vu).

3.3.3.3.       Nhóm truyện về nhân vật ngốc có 9 truyện có thể được xem là những dị bản khác nhau của cùng một dạng truyện về nhân vật Ngốc, các tình tiết trong ba truyện có đôi chỗ khác nhau nhưng đều thuộc cùng một cốt kể về một chàng vốn “khờ lắm, ai sai gì thì làm nấy”, vậy mà “anh ta cũng lấy được vợ ở một làng nọ” song cho dù Ngốc vốn có ý tốt muốn làm việc giúp đỡ gia đình thì sự ngốc nghếch của anh ta vẫn đem lại hết tai hại này đến mất mát khác cho gia đình nhà vợ và cho chính bản thân anh ta; kết cục là Ngốc vẫn mãi là anh chàng ăn bám gia đình không hơn không kém. Trên thực tế, ở loại truyện chàng ngốc này tác giả dân gian Xtiêng không nhằm lên án những hành động ngờ nghệch, thiếu khôn ngoan của các anh chàng khờ dại hay ngốc nghếch mà muốn gửi một thông điệp đến công chúng đọc giả, thính giả rằng trước khi làm việc gì ta cần phải suy tính trước sau cho cẩn thận, nhất là với những trường hợp nói chệch, nói lái trong nội bộ tộc người Xtiêng, nếu không sẽ chuốc lấy thất bại, gây hậu quả xấu cho chính mình, người thân và những người xung quanh.

3.3.3.4.       Nhóm truyện về nhân vật thông minh có 4 truyện thật đặc sắc về cuộc đời của những người con ưu tú, thông minh xuất chúng của dân gian Xtiêng xứng đáng được các thế hệ con cháu trước kia, ngày nay và sau này noi gương theo. Chàng trai tìm thuốc chữa bệnh ăn không ngon cho vua bằng công việc lao động vất vả: hạnh phúc có được đều từ lao động mà ra, chỉ có lao động mới đem lại cuộc sống tốt đẹp cho con người (Anh hầu trạng); trí thông minh luôn giúp con người thoát khỏi hiểm nguy luôn ẩn giấu trong thiên nhiên hoang da (Chàng thợ săn mưu trí);

3.4      Thể loại truyện cười có 13 truyện được phân thành ba nhóm khôi hài, châm biếm và đả kích, trong số đó có thể cho rằng Câu chuyện hẹn hò là một truyện cười khôi hài tiêu biểu nhất với tiếng cười bật ra thật vô tư mà đầy ý nghĩa với kết cục chàng trai bị người yêu từ bỏ vì tính vụng về của mình. Có 7 truyện cười châm biếm mang nội dung phê phán những thói hư tật xấu trong cộng đồng như: nói khoác (Chàng Prooc, Anh chàng thông minh, Thầy hít), học đòi (Chuyện ông Yô Yôt), tham lam (Chàng trai và ông già chăn của, Chuyện trái bầu, Đi bắt cá)… Ba truyện Chàng trai và ông già chăn của, Chuyện trái bầu và Đi bắt cá là một chuỗi hành động ăn miếng trả miếng giữa chàng trai và ông già láng giềng về việc sở hữu những vật mà hai người cùng nhìn thấy như tổ chim trên rẫy, trái bầu, cá dưới suối; kết quả là ông già tham lam bị chàng trai lừa qua hết truyện này đến truyện khác. Nhân vật Prooc là bản sao của loại hình nhân vật Cuội ở truyện Xtiêng: vì để bụng chuyện ông cậu không giữ lời hứa nên Prooc tìm kế lừa hai vợ chồng cậu hết lần này đến lần khác (Chàng Prooc). Tiếng cười đả kích hả hê trong dân gian Xtiêng được bật lên khi họ nghe qua câu chuyện về Anh hầu thông minh bằng sự lanh trí, khôn ngoan bẩm sinh đã không cho ông vua độc ác bất kỳ cơ hội nhỏ nhoi nào để giết hại mình; hình ảnh tiêu biểu là anh ta càng thông minh bao nhiêu thì tên vua lại càng ngu ngốc, nhỏ nhen và độc ác bấy nhiêu. Cùng thuộc loại hình nhân vật Trạng Quỳnh (Việt), Thmênh Chêy (Khmer), Achơi trong Chuyện trạng Achơi là hiện thân mơ ước của dân gian Xtiêng về một nhân vật thông minh, giỏi giang dùng tài trí của mình chống lại sự chuyên quyền, độc đoán của tầng lớp thống trị, sống xa hoa hưởng lạc trên sức lao động của nhân dân.

3.5.    Thể loại truyện ngụ ngôn Xtiêng mới sưu tầm được một truyện duy nhất là truyện Chú thỏ thông minh có chủ đề thể hiện ý chí đấu tranh, chống áp bức bóc lột, đòi quyền sống, quyền bình đẳng; truyện  kể về việc chú thỏ thông minh nọ đã dùng mưu kế giả làm sứ thần nhà trời đem quân xuống trần đe dọa trừng phạt tội trọng của rái cá ngang nhiên chặn dòng nước đầu nguồn giúp cho các loài vật khác có được cuộc sống thanh bình như xưa.

4.       Trở lên, qua khảo sát 233 truyện cổ có thể nêu vài nhận xét về kho tàng truyện kể dân gian Xtiêng ở tỉnh Bình Phước như sau:

4.1.    Trữ lượng và mật độ lưu truyền tác phẩm truyện kể dân gian Stiêng ở các huyện trong tỉnh Bình Phườc, tính số lượng từ nhiều đến ít, là theo thứ tự sau: Bình Long, Bù Đăng, Lộc Ninh, Bù Đốp, Phước Long và Đồng Phú.  

4.2.    Với non 30 mẩu kể, thần thoại Xtiêng phản ánh khá đầy đủ nhận thức của cộng đồng Xtiêng thời nguyên thủy suy nguyên về vũ trụ, muôn loài, nhân loại, tộc người cùng những thành tựu sáng tạo văn hóa của tổ tiên người Stiêng trong buổi bình minh lịch sử của tộc người. Tư duy thần thoại ở đây chịu ảnh hưởng rõ nét bởi những quan niệm về tín ngưỡng dân gian thời nguyên thủy như vật linh giáo, bái vật giáo và tôtem giáo.

4.3.    Trong số 29 truyền thuyết Xtiêng chưa thấy có nhóm truyền thuyết về nhân vật. Trong khi đó, nhóm truyền thuyết địa danh chỉ vỏn vẹn với 8 truyện hãy còn ít chưa giải thích được bao nhiêu về nguồn gốc của các địa danh tự nhiên và địa danh xã hội gắn với nhiều danh thắng cùng di tích lịch sử và di tích văn hóa ở các địa phương có người Xtiêng sinh sống xưa nay. Còn nhóm truyền thuyết phong-vật với 21 truyện đã lý giải khá toàn diện và hấp dẫn nguồn gốc của những tín ngưỡng, tập tục cùng những sản vật địa phương theo quan niệm của dân gian Xtiêng khi xưa. Đặc biệt có đến 11 truyền thuyết giải thích nguồn gốc nhiều tập tục kiêng cữ ở những dòng họ chính của người Xtiêng. 

4.4.    Thể loại truyện cổ tích Xtiêng vừa phong phú về số lượng -  160 truyện, vừa đa dạng về tiểu loại, nhóm, kiểu truyện cùng đề tài, chủ đề, nhân vật và môtíp cấu tạo nên cốt truyện. Truyện cổ tích loài vật có đủ các nhóm, dạng truyện cùng những nội dung suy nguyên luận, môtíp mẹo lừa và đề tài xử kiện vốn có ở tiểu loại truyện này. Tiểu loại truyện cổ tích thần kỳ cũng có đủ các kiểu truyện phổ biến như: về nhân vật chàng trai khỏe-dũng sĩ tài ba, người mồ côi, người con riêng, người em út và nhân vật xấu xí mà tài ba hay người lấy người đội lốt vật, đề tài-cốt truyện ngoại tình hay tình yêu chung thủy và nhóm truyện về thế giới ma quỉ. Nội dung đề tài và chủ đề của truyện cổ tích sinh hoạt Xtiêng vừa thật dồi dào vừa mang nhiều yếu tố thế tục rõ nét của giai đoạn phát triển của xã hội tiền phong kiến với những mối quan hệ trong gia đình và ngoài xã hội ngày càng diễn biến phức tạp với nhiều sắc thái biểu hiện khác nhau.

4.5.    Truyện cười Xtiêng- 13 truyện, mang sắc thái khôi hài, châm biếm hay đả kích vừa mang chức năng mua vui giải trí vừa nhằm đưa ra những bài học đạo đức nhằm hoàn thiện cuộc sống con người. Đáng lưu ý là đối tượng của tiếng cười đả kích trong dân gian Stiêng đã là những tầng lớp vua chúa thống trị chuyên quyền, độc đoán, sống xa hoa hưởng lạc trên sức lao động của nhân dân.

4.6.    Truyện ngụ ngôn Xtiêng chỉ mới tìm thấy có một truyện phát triển từ cổ tích loài vật mang chủ đề thể hiện ý chí đấu tranh, chống áp bức bóc lột, đòi quyền sống, quyền bình đẳng. Nhân vật chính là chú thỏ tinh khôn thường xuất hiện trong dạng truyện cổ tích loài vật có môtíp mẹo lừa hay đề tài xử kiện ra đời trước đó.

4.7.    Sự xuất hiện những truyện cổ Xtiêng như Rùa và Khỉ, Ji Băch Ji Bay, Người vợ khôn ngoan, Chuyện trạng Achơi mang tính dị bản tương đồng với một số truyện cổ của các tộc người láng giềng cộng cư và xen cư như Ê Đê, Mơ Nông, Khmer, Việt,… đã chứng thực cho những quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa giữa các tộc người này với tộc người Xtiêng ở tỉnh Sông Bé-Bình Phước từng xảy ra trong quá khứ xa và gần.

                                                TP. Hồ Chí Minh, ngày 15.10.2011



[1] Giảng viên chính Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG TPHCM.

[2] Con số 233 truyện này được tuyển chọn từ trên 500 bản kể thô sưu tầm trong hai đợt thực tập thực tế (tháng 2.2008 và tháng 2.2009) của hai khóa sinh viên Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường ĐHKHXH&NV-ĐHQGTPHCM.

[3] Thuật ngữ được tác giả Nguyễn Định sử dụng trong luận án tiến sĩ Yếu tố thần kỳ trong truyền thuyết và truyện cổ tích người Việt ở Nam Trung Bộ - công trình thuộc Dự án công bố, phổ biến tài sản văn hóa, văn nghệ dân gian Việt Nam của Hội văn nghệ dân gian Việt Nam, Nxb KHXH, 2010, trang 69.

[4] Khảo sát ở hai tộc người Raglai (trên địa bàn hai huyện Khánh Sơn tỉnh Khánh Hòa và huyện Ninh Sơn tỉnh Ninh Thuận) và Mơ Nông (trên địa bàn hai huyện Lắc tỉnh Đắc Lắc và Đắc Mil tỉnh Đắk Nông), chúng tôi thấy có 4 truyện có cùng môtip này, gồm những truyện sau: truyện Bà mụ đười ươi: Phụ nữ có chửa chết vì tự mổ bụng để lấy con, con chết vì không có sữa mẹ. Đười ươi bày cho người cách đẻ và nuôi con: nấu nước, nướng đá để quanh mình, đỡ con, lau sạch, cắt rốn, cho con bú, chôn cuống rau nơi gốc cây, ngồi quay lưng vào bếp, bọc đá nóng ôm cho ấm, uống nước nóng, ăn lá ngải cho mau khoẻ, bảy ngày sau cúng lễ ba ché rượu và gà (Truyện cổ Raglai, Nguyễn Thế Sang, Nxb Văn hóa dân tộc, 1993, trang 50-51), truyện Người học khỉ đỡ đẻ: Muq Jaraboy đỡ đẻ, mổ xong ăn gan uống máu mẹ chỉ giữ con. Duh có vợ sắp đẻ đi lạc nghe vợ chồng nhà khỉ chê người ngu, thấy khỉ chồng đỡ đẻ cho vợ, Duh bắt chước nên giữ được cả con lẫn vợ. Đêm, Duh mài dao chờ Mụ Mổ đến giết chết; bày cho dân làng cách đỡ đẻ. Cúng lễ tạ ơn có khấn gọi Muq Kara (bà Khỉ) (Truyện cổ Raglai, Phan Xuân Viện-chủ biên, Lê Khắc Cường, Phan Văn Dốp, Nguyễn Văn Huệ; Nxb Văn nghệ, 2006, trang 104-108), truyện Ntar Nkhun không mổ vợ đẻ : Người phụ nữ đẻ là chết. Ntar Nkhun cưới vợ sinh con không muốn vợ chết nên đi hỏi muôn loài. Cuối cùng nhìn thấy bầy khỉ đỡ đẻ học theo về làm cho vợ (Kho tàng truyện cổ Mơ Nông, Trương Bi chủ biên, Sở Văn hóa-Thông tin Đắc Lắc, 2006) và truyện Sự tích dòng họ Buôn Krông: Y Tăt vào rừng kiếm miếng ngon cho vợ họ Buôn Krông ăn trước khi chết vì đẻ phải mổ bụng lấy con. Mời được khỉ theo về chỉ bảo và đỡ cho mẹ lẫn con được sống sót nên từ đó dòng họ Buôn Krông đông đúc lên, kiêng ăn thịt khỉ và trả ơn loài khỉ với tục không xua bắt khỉ đến phá rẫy (Truyện cổ Mơ Nông, Phan Xuân Viện-chủ biên, Nguyễn Văn Huệ, Lưu Quang Kha, Nguyễn Vân Phổ, Đinh Lê Thư, Nxb Văn nghệ, 2006, trang 22-25).

 

[5]    Con người tách từ nhánh khỉ mà ra, thuộc giống khỉ hình người. Những kết quả nghiên cứu về “bộ gen “của các loài khỉ như khỉ không đuôi có dạng giống người (ape), khỉ đột (gorilla), đười ươi (orangutan), vượn (chimpanzee), và “bộ gen” của người cho thấy giữa người và vượn, 99% của “bộ gen” y hệt nhau (identical). 

 

[6] Trong truyện kể dân gian các dân tộc Trường Sơn-Tây Nguyên, người chỉ là một trong muôn loài và có quan hệ rất chặt chẽ và thân thiết với tự nhiên thông qua quan hệ người và vật. Vật có thể là bạn của người, là thầy của người, cũng có thể lấy người; ngược lại, người có thể lấy vật, sinh ra vật hoặc hóa thành vật. Thông thường, đó là những dấu ấn tôtem của quan hệ giữa người và vật xưa kia.

[7] Nguyễn Tấn Đắc, Đọc truyện kể dân gian bằng type và motif, nxb KHXH, 2001, trang 68-69.

[8] Lê Trung Vũ, Khảo sát nhân vật mồ côi trong truyện cổ H’Mông - công trình thuộc Dự án công bố, phổ biến tài sản văn hóa, văn nghệ dân gian Việt Nam của Hội văn nghệ dân gian Việt Nam, Nxb. Dân Trí, 2010, trang 56, 58, 59.

[9] Nguyễn Thị Huế, Nhân vật xấu xí mà tài ba trong truyện cổ tích Việt Nam, Nxb KHXH, 1999, trang 58.

Danh mục website