Trường phái Phần Lan và phương pháp địa lý – lịch sử trong nghiên cứu truyện kể dân gian

     1. Trường phái Phần Lan[1]:

     Người Phần Lan may mắn được sở hữu một kho tàng văn hóa dân gian vô cùng phong phú với nhiều thể loại đa dạng. Họ cũng đồng thời rất coi trọng vốn văn hóa truyền thống này nên ngay đã tiến hành ghi chép rộng rãi và xuất bản từ khá sớm. Ngay giữa thế kỷ 19, người Phần Lan đã có những chuyên gia thuộc lĩnh vực văn hóa dân gian, những người này không chỉ quan tâm đến văn hóa dân gian trong nước mà còn hướng sự quan tâm của mình xa rộng hơn đến vốn văn hóa truyền thống của nhiều quốc gia  trên thế giới.

     Năm 1831 Hội Văn học Phần Lan ra đời và hoạt động trên nhiều khía cạnh khác nhau thuộc lĩnh vực văn hóa, văn học như nghiên cứu, dịch thuật văn học trong và ngoài nước… Tuy nhiên gây được tiếng vang nhất vẫn là những hoạt động của họ trong việc sưu tầm và xuất bản các ấn phẩm thuộc lĩnh vực văn hóa dân gian. Ngay từ 1836 hội đã tiến hành sưu tập các tài liệu văn hóa dân gian bằng cách yêu cầu sự giúp đỡ từ những người dân ở nông thôn và tài trợ cho các nhóm sinh viên đi sưu tầm điền dã, những nổ lực này đã thu được những thành quả có giá trị, đặc biệt là trong những năm từ 1836 đến 1839, hội liên tục nhận được sự trợ giúp từ các nhóm sinh viên và các nhà dân tộc học người Phần Lan. Hội trở thành trung tâm cho những khát vọng về một nền văn hóa dân tộc truyền thống đặc sắc của người phần Lan. Tất cả các tác phẩm quan trọng thuộc lĩnh vực văn hóa, văn học, ngôn ngữ Phần lan trong thời gian này đều được xuất bản dưới sự hướng dẫn của hội.

     Bước đi có ý nghĩa nhất của hội là việc xuất bản bộ sử thi dân tộc – Kalevala – do Lonnrot tập hợp và xuất bản vào năm 1935, sau đó được bổ sung thêm và tái bản năm 1846, tác phẩm này đã gây ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển của văn hóa Phần Lan. Liên tiếp sau đó các tuyển tập văn hóa dân gian lần lượt ra đời từ những nguồn tư liệu được cung cấp bởi rất nhiều thanh phần nhân dân trong cả nước như các học giả, sinh viên, nông dân,  thợ thủ công, những công chức ăn lương… vì thế mà các tuyển tập này được ví như là minh chứng cho tình cảm dân tộc của người Phần Lan. Những tài liệu thu về luôn được sao chép rất cẩn thận và được phân chia theo từng chủ đề cụ thể. Đến năm 1947 hội đã tập hợp được khoảng 270000 văn bản văn hóa dân gian. Trong đó có 75.000 văn bản thần thoại, 20.000 văn bản về phong tục địa phương và lịch sử truyền thống, 10.000 văn bản thần thoại khởi nguyên, 20.000 bài hát dân gian, 100.000 câu tục ngữ về phong tục và kinh nghiệm mùa màng….

    (Tác giả: Elias Lönnrot)

     Cuối thế kỷ 19, Phần Lan trở thành trung tâm lôi kéo sự chú ý của các nhà nghiên cứu folklore khắp nơi trên thế giới, năm 1901 hiệp hội quốc tế các nhà foklore học được thành lập ở Helsinki nhằm mục đích tập hợp và tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu foklore trên thế giới gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm, đồng thời hội cũng bắt đầu khởi xướng những quan niệm và phương pháp nghiên cứu của riêng mình. Chính trong thời gian này, tại Phần Lan một phương pháp nghiên cứu văn hóa dân gian được thế giới biết đến với tên gọi là phương pháp Phần Lan hay còn gọi là phương pháp địa lý - lịch sử bắt đầu với sự khởi xướng của giáo sư văn học Phần Lan Julius Leopold Fredrik Krohn (1835 – 1888) ở trường đại học Helsinki. Tiếng tăm của ông gắn liền với sự ra đời và phát triển của phương pháp này trong nghiên cứu văn hóa dân gian. Giáo sư Julius phát biểu về quan hệ của các luận điểm chính trong phương pháp mới của mình rằng “trước khi đi đến kết luận cuối cùng, tôi sắp xếp các văn bản theo thứ tự thời gian và vùng địa lý, nhờ đấy mà tôi có thể phân biệt được đâu là bản gốc và đâu là các dị bản xuất hiện sau này”.

     Sau này con trai ông là Kaarle Krohn (1863 – 1933) giáo sư ngành folklore so sánh của trường đại học tổng hợp Helsinki và cũng là chỉ tịch hội văn học Phần Lan đã tiếp tục phát triển phương pháp này. Kaarle cho rằng sự thật việc điều tra nghiên cứu văn hóa dân gian bằng phương pháp địa lý – lịch sử xuất hiện ở Phần Lan là kết quả của sự tìm thấy nguồn tài liệu dân ca phong phú lạ thường của người Phần Lan. Nguồn tài liệu đồ sộ này đã khiến các điều tra viên phải nghĩ đến một phương pháp nghiên cứu hiệu quả nhất để có thể phân biệt được đâu là bản đầu tiên giữa hàng vô số những dị bản tương tự.  Là một trong những học giả đầu tiên trong lĩnh vực nghiên cứu về anh hùng ca và truyện kể, Kaarle Krohn xứng đáng có một vị trí dẫn đầu trong khoa học.Tuy nhiên những đóng góp to lớn nhất của ông trong lĩnh vực folkore lại ở vai trò là người tổ chức và điều phối một chương trình nghiên cứu văn hóa dân gian có tính chất quốc tế, kêu gọi được sự nổ lực điều tra tư liệu của các học giả trong nước và sự cộng tác của các học giả ngoài nước trong việc nghiên cứu các đề tài có liên quan đến văn hóa dân gian.

      Năm 1910, với công trình đầu tiên Danh mục các thể loại truyện cổ tích, học trò của 2 ông là Annti Aarne đã công bố một bảng tra cứu là tập hợp các dị bản truyện kể dân gian Phần Lan và Châu Âu. Năm 1913 Antti Aarne công bố một nguyên tắc lý thuyết dưới sự tác động của phương pháp này trong công trình Hướng dẫn nghiên cứu so sánh truyện cổ tích. Để hoàn thành công trình này ông đã thực hiện những chuyến đi sưu tập ở  khắp nơi và viếng thăm hầu hết các thư viện – nơi lưu trữ những nguồn tư liệu quan trọng nhất về văn hóa dân gian. Chính vì vậy mà số lượng tài liệu mà ông thu thập được trong công trình này là một con số đáng kinh ngạc. Theo Aarne sẽ không tìm ra được giá trị của truyện cổ tích nếu hướng việc nghiên cứu ra bên ngoài lịch sử của nó và bằng việc nghiên cứu so sánh mới có thể xác định được nguồn gốc phát sinh của từng đơn vị truyện kể.  Sau đó ông liên tục cho xuất bản 17 công trình là kết quả của việc nghiên cứu truyện kể dân gian theo hướng lịch sử - địa lý. Nhận xét về những nghiên cứu có tính chuyên khảo về truyện cổ tích của Aarne, Kaarle Krohn đáng giá Aarne đã đúng khi chứng tỏ được rằng mỗi câu chuyện đơn lẽ đều có cốt truyện riêng và kết cấu thống nhất của riêng nó. Aarne là nhà nghiên cứu folklore Phần Lan đã phát triển xa nhất phương pháp địa lý – lịch sử trong nghiên cứu văn học dân gian.

     2. Phương pháp địa lý – lịch sử:

     Phương pháp địa lý – lịch sử tiến hành nghiên cứu truyện kể dân gian với mục đích nhằm tái tạo, định vị và xác định niên đại cho hình thức nguyên thủy của một truyện kể thông qua việc so sánh có hệ thống tất cả các dị bản thành văn và truyền miệng tìm được của nó. Trong quá trình phân tích người ta phát hiện ra được con đường truyền bá của truyện đó và thiết lập nên những phân dạng của nó. Hai khái niệm cơ bản của phương pháp địa lý – lịch sử là kiểu và nguyên mẫu. Theo Stith Thompson – nhà folklore học người Mỹ  thì “kiểu là một truyện theo lối cổ có sự tồn tại độc lập. Nhưng trên thực tế một kiểu truyện không phải là một câu truyện đang tồn tại mà là một kết cấu được định hình trong quá trình phân loại các đề tài và đoạn. Sự tương ứng của nó với các truyện thực sự đang được kể trên thế giới là một cái biến đổi, tùy theo cái truyền thống mà hệ thống loại hình dựa trên đó. Một kiểu truyện được xây dựng theo kiểu quy nạp trên cơ sở mọi dị bản đã biết và các biến thể của chúng. Về phương diện đó, kiểu là cái lõi chủ đề của một truyện kể xuất hiện ở mọi dị bản của nó trong các nền văn hóa và thời kỳ lịch sử khác nhau” [2].

Trường phái địa lý – lịch sử đã ảnh hưởng sâu rộng đến các nhà nghiên cứu folklore trên thế giới, khi tiến hành phương pháp này các nhà nghiên cứu đã sưu tầm càng nhiều càng tốt các dị bản của một cốt truyện để rồi sau đó lập bảng tra và tiến hành so sánh, khi tìm ra được bản kể mà họ cho là ra đời sớm nhất, họ sẽ dựa vào đó để xác định niên đại và vùng địa lý mà từ đó bản kể này phát tán đi khắp nơi. Tính đơn nguồn trong truyền thống truyện kể là giả thuyết cơ bản của trường phái này. Một truyện hình thành tại một thời điểm và một địa điểm cụ thể, sau đó thông qua khuyếch tán truyền bá khắp các châu lục nằm kề nhau, tại đây sẽ hình thành nên các biến thể. Các điều tra viên sẽ tiến hành thu gom các biến thể của từng thể loại theo từng khu vực và thời kỳ để tìm ra được nguồn gốc đặc điểm và thời gian của bản gốc qua việc so sánh tỉ mỉ các motif hợp thành cốt truyện. Để thực hiện được tất cả những yêu cầu của một sự nghiên cứu thích đáng về nguồn gốc của bản kể, các nhà nghiên cứu phải có được số lượng đầy đủ các biến thể của văn bản trong các công trình của họ, lưu ý đến thời gian và địa điểm sưu tập mỗi văn bản và tất cả các thông tin sẵn có trên nền các yếu tố truyền thống. Điều này đã được chứng minh căn cứ vào sự thừa nhận rằng sự phân bố về địa lý hay phân loại học của các văn bản được bảo tồn tiết lộ tiền sử của văn bản và rằng một số văn bản có thể hoạt động như một bản gốc nhất và duy nhất, có tầm quan trọng quyết định.

     Từ hướng nghiên cứu này bắt nguồn với thể loại dân ca, Julius Krohn đã phân tích các bài ca thành các yếu tố bộ phận và nghiên cứu sự sắp xếp, phân bổ của các yếu tố này. Sau này con trai ông - Kaarle Kronh chính là người đầu tiên sử dụng có hệ thống phương pháp này trong nghiên cứu truyện kể. Kể từ những nghiên cứu có tính mở đường và các công thức, lý thuyết mà ông đưa ra trong những năm 1880, các chuyên gia nghiên cứu folklore thường xuyên nhắc đến kiểu nghiên cứu phân tích này như là một phương pháp Phần Lan mặc dù sự thật là  những ứng dụng thành công thường được lấy làm ví dụ minh họa cho khuynh hướng nghiên cứu này lại xuất phát từ nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới. Phương pháp này bắt đầu được ứng dụng trong nghiên cứu nhiều thể loại folklore khác nhau như thần thoại, ballad, trò chơi, câu đố… nhưng nhiều nhất vẫn là ứng dụng trong lĩnh vực truyện kể.

     Giả định nền tảng của phương pháp này là mỗi truyện kể hay mỗi đơn vị văn học dân gian khác đều có lịch sử riêng của nó và phải được nghiên cứu một cách độc lập. Kết luận chung nhất mà họ đưa ra là để tìm được nguồn gốc và con đường truyền bá của tất cả truyện kể hay từng nhóm truyện kể  thì phải dựa vào sự tích lũy các dị bản và dựa vào cách xử lý có tính chuyên khảo của từng kiểu truyện khác nhau.  Theo họ gần như suốt thế kỷ 19, các nhà nghiên cứu folklore đã thể nghiệm nhiều vấn đề lý thuyết mà không nghiên cứu kỹ lưỡng chính bản thân truyện kể để trả lời câu hỏi “những câu truyện mà chúng ta đang có đã bắt nguồn từ đâu” và “truyện cổ nghĩa là gì?”.  Đối với các truyện kể riêng lẽ, các nhà điều tra quan tâm đến việc thiết lập một cái gì gần gũi đối với hình thức nguyên thủy sẽ giải thích đầy đủ cho những biến thể có sẵn, đồng thời xác định niên đại và vùng địa lý của truyện kể và cuối cùng là lần theo dấu vết biến đổi của các truyện kể theo không gian và thời gian, diễn biến của những lần di chuyển đó và những biến đổi mà nó đã trải qua.

     Để sử dụng phương pháp này cần nhất là phải có sẵn một số lượng tương đối lớn các dị bản của một kiểu truyện và thậm chí kiểu truyện này còn có thể được phân chia ra thành một loạt các chi tiết nhỏ hơn. Thông qua việc so sánh các dị bản truyền miệng theo trình tự địa lý và các bản thành văn theo trình tự lịch sử, nhà nghiên cứu có thể tái tạo, định vị và xác định niên đại cho hình thức nguyên thủy của một truyện kể nào đó. Từ lâu các nhà nghiên cứu văn học dân gian đã tin rằng kiểu truyện có sự tồn tại độc lập trong truyền thống, và do đó các hình thức nguyên thủy của chúng có thể mô tả được và phục hồi được từ những phiên bản mới tìm ra hiện nay. Tuy nhiên nội dung của một truyện kể thường là bao gồm nhiều hành động phức tạp, do đó họ thường chia cốt truyện ra thành nhiều motif đơn giản, sau đó mới khảo sát riêng từng motif. Và để tìm được hình thức nguyên thủy của một motif, trước hết phải tập hợp tất cả các biến thể, tức là tất cả các motif có cùng kiểu tập hợp và cởi nút như nhau.

     Nhưng không phải với bất kỳ biến thể nào tìm được họ cũng tiến hành so sánh với nhau mà không tính đến trình tự xuất hiện giữa chúng. Vì suy cho cùng dù 2 biến thể nào đó có cùng hình thức nguyên thủy nhưng chúng lại xuất hiện cách xa nhau về thời gian hoặc không gian mà không có những hình thức trung gian trong quá trình triển khai so sánh thì e rằng khó có thể đạt được giá trị cao trong kết luận quy chúng về cùng một hình thức của bản gốc. Do vậy mà việc làm của phương pháp Phần Lan là “xếp chúng theo trật tự lịch sử trong chừng mực mà các nguồn văn học cổ cho phép; nếu không thì xếp theo trật tự địa lý tất cả những biến thể thu thập gần đây từ miệng nhân dân, vì nguồn gốc chung của các dân tộc chỉ có chút ít quan hệ với sự giống nhau giữa các chuyện kể, còn sự gần gũi về địa lý và những mối quan hệ lẫn nhau thì lại liên quan đến chuyện đó nhiều hơn, mặc dù các ngôn ngữ khác nhau nhiều hơn. Chuyện kể không có liên hệ gì đến ngôn ngữ mà chỉ liên hệ đến văn hóa, tức là đến văn minh” [3]. Từ những lý do đó, theo họ chỉ có thể làm tốt việc so sánh nếu thu thập được biến thể của từng nước, từng tỉnh và thậm chí là từng khu vực làng xã nhỏ nhất. Và để tìm được hình thức nguyên thủy của một motif cần phải theo những biểu hiện của motif đó trong tất cả những biến thể tìm được theo một trật tự địa lý và lịch sử. Cần quan tâm không chỉ đến số lượng các biến thể tìm được mà còn là con đường lưu truyền các biến thể đó, đặc biệt là bằng những con đường tự nhiên nhất. Và chỉ khi nào xác định được hình thức nguyên thủy trong mỗi yếu tố tách biệt của hành động, người ta mới thấy được hình thức ban đầu của một motif. Từ đó mới có thể kết luận được về nơi khởi phát, nguồn gốc dân tộc và thời đại của các motif này cũng như sự gặp gỡ và kết hợp của nó với các motif khác trong quá trình lưu truyền. Việc tìm được hình thức ban đầu của các motif còn giúp chúng ta nghiên cứu được những đổi thay mà một motif đã trải qua từ hình thức ban đầu cho đến biến thể mới nhất tìm được. Từ đấy có thể thấy được rằng phần lớn các thay đổi hoặc biến chất của một motif là do ảnh hưởng của một motif khác mà người ta kết hợp với nó để đặt vào trong một cốt truyện nào đó.

     Nhìn chung các nhà nghiên cứu folklore khi sử dụng phương pháp địa lý – lịch sử trong nghiên cứu truyện kể dân gian đã dựa trên ba giả thuyết mà đôi khi còn được gọi là “định luật” của động lực học truyện kể trong xã hội. “Thứ nhất, truyện kể được truyền bá theo kiểu ly tâm, “giống như các gợn sóng trên mặt ao”, không phụ thuộc vào sự di trú của con người, các tiếp xúc thương mại và những quan hệ họ hàng ngôn ngữ học. Thứ hai, truyện kể duy trì những sự tương đồng của chúng thông qua nguyên tắc tự chỉnh lý, hướng người kể về những dị bản trung dung: mỗi người kể biết được câu chuyện đó từ nhiều nguồn khác nhau, và sự tổng hợp lại đôi khi sẽ đóng vai trò một trong nhiều nguồn cho những người kể tiếp. Thứ ba, những sáng tạo (hầu hết là do sai sót và nhớ nhầm) mà gây nên phản ứng tích cực thì có thể trở nên định hình trong một cộng đồng và sinh ra một phân kiểu của một truyện kể” [4].

      Lý thuyết và phương pháp của trường phái địa lý – lịch sử Phần Lan đã tạo ra được những hiệu ứng tích cực trong nghiên cứu truyện kể dân gian và đã cho ra đời nhiều công trình nghiên cứu có giá trị. Tuy nhiên trong quá trình nghiên cứu đã phát sinh hàng loạt những vấn đề bất cập về cơ sở và tiền đề phương pháp luận. Trung thành với phương pháp nghiên cứu của mình họ đã cố gắng thu gom rất nhiều các dị bản của một cốt truyện và nghiên cứu tách rời cốt truyện ấy so với những cốt truyện khác mà không tính đến quy luật di chuyển của motif từ truyện kể này sang truyện kể khác, mỗi motif chỉ được gán cho một vị trí tồn tại ở một cốt truyện độc lập nào đó mà không được xem xét trong mối quan hệ di chuyển và biến đổi với vị trí của nó trong rất nhiều những cốt truyện khác nhau. Một bất cập thứ hai dẫn đến những kết luận có khi không chính xác của trường phái này là xác định quê hương của cốt truyện dựa vào hình thức hay gặp nhất của nó là được tìm ra ở đâu trong khi số lượng và chất lượng của các biến thể tìm được lại phụ thuộc hoàn toàn vào tình hình sưu tầm.

     Về sau này, khi nhà folklore Macxít V.M.Girmunxki phát hiện ra những thiếu sót về phương pháp và nguyên tắc của trường phái Phần Lan trong ngành nghiên cứu truyện cổ tích, ông đã “đặt vấn đề về sự cần thiết phải thoát ra khỏi sự gò bó của giới hạn lịch sử - địa lý để giải quyết một cách có hiệu quả vấn đề nguồn gốc và lịch sử thể loại truyện cổ tích. Ông đề nghị các chuyên gia về cổ tích nghiên cứu một cách nghiêm túc những hiện tượng có tích quy luật về cấu trúc trong vô vàn tư liệu về thể loại cổ tích này. Chỉ có trên cở sở đó mới mong xác định bản chất đặc trưng của nó, tìm ra nguồn tư liệu của một số vùng mà giới nghiên cứu còn ít để tâm đến. Nói một cách khác, trong khoa học dân gian của thời đại chúng ta cần phải nghiên cứu cả quá trình lâu dài và phức tạp, tính đa dạng của các biến thể các tộc người, các giai đoạn lịch sử, các vùng cư dân khác nhau. Chỉ có như vậy việc nghiên cứu mới dẫn đến sự khám phá ra những quy luật chung của nó” [5].

     3. Phương pháp địa lý - lịch sử từ trường phái Phần Lan đến Stith Thompson:

      Từ sau công trình Danh mục các thể loại truyện cổ tích (1910 - 1920) của Antti Aarne, chỉ 8 năm sau Stith Thompson đã công bố sự kế thừa và phát triển lý thuyết của Aarne trong cuốn The type of foktale – A classification and Bibliography. Stith Thompson (1885 – 1976) là giáo sư tiếng Anh của đại học Indiana và là người có công thành lập Viện foklore đầu tiên của nước Mỹ thuộc trường đại học Indiana vào năm 1942. Không lâu sau đó công trình này với tên gọi tắt là Từ điển A – T đã được biết đến rộng rãi trên khắp thế giới và được các nhà foklore học sử dụng như là một công cụ ứng dụng tra cứu cơ bản cho việc nghiên cứu truyện kể dân gian của nước mình. Stith Thompson cho rằng “bảng tra cứu này thuần thúy là bảng liệt kê thực tế truyện của từng vùng nhất định, từ đó các nhà sưu tầm, các nhà nghiên cứu đều có cơ sở chung để tham khảo. Từ quan điểm lý thuyết thuần túy, rõ ràng có thể thấy những nhược điểm của hệ thống này, nhưng xét trên thực tế, 50 kinh  nghiệm làm việc đã chỉ ra rằng, những vùng mà bảng tra cứu này “phủ sóng” được thì đều có thể tiến hành nghiên cứu rất hiệu quả” [6].

      Khi mở rộng bảng mục lục tra cứu type truyện kể dân gian, Aarne và Thompson đã tiến hành khảo sát hàng loạt những bản kể khác nhau, với những truyện có nhiều tình tiết giống nhau rõ rệt thì được họ xếp vào thành một loại gọi là type truyện. Với bảng tra cứu này, các nhà nghiên cứu sẽ làm công việc phục nguyên lịch sử, so sánh để tìm ra bản cổ nhất, trên cơ sở đó xác định nơi phát tích một truyện, con đường địa lý của sự lưu truyền. Tuy nhiên, do bảng tra cứu type này chủ yếu chỉ bao gồm những truyện kể Châu Âu nên nó khó có thể ứng dụng rộng rãi ở các khu vực khác trên thế giới. Từ những hạn chế đó, Thompson đã đặt ra vấn đề lập một bảng tra cứu motif bởi theo ông “sự tương đồng ở cấp độ cả một câu chuyện phức hợp, hoàn chỉnh không thường xuyên bằng sự tương đồng ở cấp độ motif ”. Mặt khác ở rất nhiều cốt truyện đơn giản chỉ có một motif thì lúc này type và motif là tương đồng với nhau. Với mong muốn lập nên bảng nghiên cứu motif truyện kể dân gian, Thompson tiếp tục nghiên cứu theo phương pháp này và công bố thêm một công trình nghiên cứu đồ sộ gồm 6 tập sách là Motif – index of Fok – Literature. Trong tác phẩm này Thompson đã sắp xếp những yếu tố làm nên văn học tự sự truyền thống trong một bảng phân loại logic những motif đơn nhất. Những motif này đã tạo nên từng phần của truyện kể truyền thống, dù là văn học viết hay văn học truyền miệng thì đều tìm thấy vị trí trong bảng phân loại này.

      Bộ sách 6 cuốn Motif-index of folk-literature (1932-1937) của ông được công nhận là chiếc chìa khóa quốc tế cho việc giải mã các tài liệu truyền thống và người ta cho rằng chính Stith Thompson là người khởi xướng cho việc đặt một nền móng học thuật vững chắc đối với công việc nghiên cứu folklore ở Mỹ. Việc sắp xếp danh mục truyện kể trong bảng mục lục của Stith Thompson không dựa theo nguồn gốc quốc gia của các truyện kể mà sẽ dựa vào những motif xuất hiện trong nội dung mỗi truyện. Stith Thompson không phân biệt giữa huyền thoại (myths) và truyện kể dân gian (folktales), đối với ông tất cả những chuyện kể  truyền thống đều sẽ được đưa vào trong bảng mục lục này.

     Tác phẩm Motif-index of folk-literature của Sthith Thompson là kết quả của một quá trình tích luỹ lâu dài và tiến triển từng bước một. Ban đầu, ông nỗ lực sắp xếp một cách có hệ thống rất nhiều những ghi chép của ông về những vấn đề khác nhau trong truyện kể. Nhiều nhóm motif sau khi được ghi chép đã tiếp tục liên kết với các nhóm khác có cùng chủ đề, bên cạnh đó thì cũng có nhiều nhóm thì được tách ra thành hai hay nhiều đề mục nhỏ hơn. Theo thời gian, sau khi kết hợp, chia và nhập, Thompson giữ lại 23 nhóm motif và đưa chúng vào tác phẩm Index-motif of folk-literature. Mỗi nhóm được gọi tên bằng các chữ cái từ A đến Z.

      Theo Thompson, ông thực hiện tác phẩm này với mục đích sắp xếp một cách hệ thống tất cả những chi tiết tạo nên các thể loại truyện kể truyền thống vào một bảng phân loại. Đó là những câu chuyện đã hình thành nên một phần của truyền thống cho dù đó là truyện kể truyền miệng hay đã được đưa vào văn học thành văn, bao gồm các truyện kể dân gian, huyền thoại, balát, truyện ngụ ngôn, truyện hiệp sĩ thời trung cổ,  truyện trào phúng, truyện bông đùa… và cả những truyền thuyết địa phương, dù một vài sự phân chia trong bảng phân loại này theo ông còn chưa thực sự thỏa đáng. Nói chung bất kỳ những câu chuyện nào đã có từ lâu trong truyền thống và được nhắc đi nhắc lại nhiều lần đều được Thompson đưa vào trong bảng phân loại của mình.

      Đầu thế kỷ XX, cùng với Thompson, những người trung thành với phương pháp địa lý – lịch sử luôn cố sức tái tạo những siêu văn bản (metatexts), nguyên mẫu (archetypes) hay cái bất biến (invatiants). Vì vậy, chẳn hạn, sự phân loại truyện cổ tích mà Antti Aarne và Stith Thompson đưa ra đầu tiên dựa trên sự thừa nhận rằng mỗi loại có một tiền sử và nguyên mẫu. Tuy nhiên cần phải nhận thấy rằng các biến thể được liệt vào cùng một phạm trù phân loại không nhất thiết phải phụ thuộc nhau về nguồn gốc. Hơn nữa một sự phân loại như thế không thể điều tiết được sự biến đổi thường xuyên của một truyện đang tồn tại. Trên thực tế cần đồng thời có nhiều bộ mã để phân loại phần lớn các văn bản văn hóa dân gian, và người ta luôn luôn phát hiện ra những bộ mới mà không một bộ mã nào đang tồn tại áp dụng được nó [7].

LMTG

 

La Mai Thi Gia*



* ThS., Khoa Văn học và Ngôn ngữ – Trường ĐHKHXH&NV – ĐHQG TPHCM.

 

Chú thích

[1]   Lược dịch và tổng hợp từ Maria Leach, Jerome Fried (1950); Standard dictionary of folklore, mythology and legend; Funk and wagnalls company; New York; Cuốn 2 (F – O), mục từ “Finish folklore” – tr.380.

[2]   Viện nghiên cứu văn hóa; Folklore thế giới – một số thuật ngữ đương đại; NXB KHXH, HN, 2005; tr.336

[3]   Viện nghiên cứu văn hóa; Folklore thế giới –một số công trình nghiên cứu cơ bản, NXB KHXH; HN; 2005; tr.25

[4]   Viện nghiên cứu văn hóa; Folklore thế giới – một số thuật ngữ đương đại; NXB KHXH, HN, 2005; tr.337

[5]   Lê Chí Quế; “Phương pháp loại hình học trong khoa văn học dân gian” (trong Văn hóa dân gian – những phương pháp nghiên cứu).

[6]   Trần Thị An (2008); “Nghiên cứu văn học dân gian từ góc độ type và motif – những khả thủ và bất cập”; Tạp chí Văn học, số tháng 7.

[7]   Viện nghiên cứu văn hóa; Folklore thế giới – một số thuật ngữ đương đại; NXB KHXH, HN, 2005; tr.351

 

Tài liệu tham khảo

1.          Maria Leach, Jerome Fried (1950); Standard dictionary of folklore, mythology and legend; Funk and wagnalls company; New york; Cuốn 2 (F – O), mục từ “Finish folklore” tr.380 và “Historic – geographic method” – tr.498.

2.          Stith Thompson (1958); Motif – index of folk-literature volume one (A – C), volume two (D – E), volume three (F – H), volume four (– C), volume five (L – Z), volume six; Indiana university press; Blomington and Indianapolis;

3.          Antti Aarne, Stith Thompson (1973); The Types of the Folklore – A classification and Bibliography; Suomalainen Tiedeakatemia Academia Scientiarum Fennica; Helsinki; .

4.          Viện văn hóa dân gian (1989); Văn hóa dân gian – những lĩnh vực nghiên cứu, NXB KHXH, HN.

5.          Viện văn hóa dân gian (1990); Văn hóa dân gian – những phương pháp nghiên cứu, NXB KHXH, HN.

6.          Viện nghiên cứu văn hóa (2005); Folklore thế giới – những công trình nghiên cứu cơ bản; NXB KHXH, HN.

7.          Viện nghiên cứu văn hóa (2005); Folklore thế giới – Một số thuật ngữ đương đại; NXB KHXH, HN.

8.          Chu Xuân Diên (2008); Nghiên cứu văn hóa dân gian – Phương pháp, lịch sử, thể loại; NXB GD, HCM.

9.          Trần Thị An (2008); “Nghiên cứu văn học dân gian từ góc độ type và motif – Những khả thủ và bất cập”; Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số tháng 7.

 

Bài viết cùng tác giả

Danh mục website