Phan Nhật Chiêu: “Dạy Văn phải truyền cảm hứng văn chương”

(Vietpress)- Có nhiều học sinh nói rằng em vốn rất ghét học Văn, ghét Truyện Kiều. Em ghét Nguyễn Du, ghét Hồ Xuân Hương. Nhà văn, nhà thơ gì em ghét hết... Thế nhưng bây giờ em hết ghét rồi vì em nghe thầy nói chuyện.

Suốt cuộc đời hoạt động trong lĩnh vực giảng dạy, nghiên cứu, sáng tác, tôi đã quen với việc ‘bếp núc’ của văn chương. Lâu lâu có một vài đồng nghiệp mời tôi đi uống cà phê và nói rằng: ‘Ngày mai tôi có tiết dạy nhưng tự nhiên tôi thấy vô cảm quá nên tìm ông để nói chuyện, nhờ ông đem lại nguồn cảm hứng văn chương’. 


Và khi tôi còn dạy văn ở Trung học, có nhiều học sinh đến nói với tôi rằng: ’Em vốn rất ghét học văn, ghét Truyện Kiều. Em ghét Nguyễn Du, ghét Hồ Xuân Hương. Nhà văn, nhà thơ gì em ghét hết... Thế nhưng bây giờ em hết ghét rồi vì em nghe thầy nói chuyện’.

Do đó, tôi tin mình có đủ can đảm để chia sẻ về cảm hứng văn chương
”, Nhà văn, nhà giáo, nhà nghiên cứu phê bình lí luận Phan Nhật Chiêu, nguyên Trưởng Bộ môn Nghệ thuật học của Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn đã bắt đầu buổi chia sẻ về những kinh nghiệm dạy Văn với hơn 120 thầy cô đến từ 19 Trường THCS của huyện Bình Chánh bằng những lời giản dị như thế.

Dạy Văn – “thuật gọi hồn”

Theo nhà văn Nhật Chiêu: “Dạy Văn giống như thuật gọi hồn, gọi linh hồn của tác phẩm sống dậy. Chỉ khi gọi được hồn của tác phẩm sống dậy thì ta mới truyền được cảm hứng. Bởi nếu tác phẩm chỉ trên trang giấy thì nó còn khô hơn cả xác lá khô”.

Vậy làm thế nào để có thể đưa cái hay cái đẹp đến với người nghe, đến với tâm hồn của học sinh? Nhà văn Nhật Chiêu cho biết: “Để tìm thấy cái hay cái đẹp của tác phẩm có thể dựa vào một số mẹo sau đây: Thứ nhất là tính hình tượng mà tác giả cấu tứ nên. Thứ hai là tính liên tưởng của tác phẩm. Và thứ 3 là tính khơi gợi mà bất kỳ tác phẩm văn chương thực sự nào cũng có”.

Nhà văn Nhật Chiêu tại buổi trò chuyện văn chương ngày 8/2


Văn chương nói bằng hình tượng

Một bài thơ, truyện ngắn, tùy bút… đã là văn chương đều sử dụng chung một phương pháp: nói bằng hình tượng. Ngôn ngữ chỉ là lối cổng dẫn vào nhà. Để có ngôn ngữ hình tượng phải có tư duy và cảm thức hình tượng. Hình tượng làm cho tác phẩm văn chương dậy hồn, sống và thở phập phồng”. Nhà văn diễn giải bằng ví dụ từ mấy câu thơ của Hàn Mạc Tử nói về ánh trăng và hồ nước:

Ánh trăng mỏng quá không che nổi
Những vẻ xanh xao của mặt hồ
Những nét buồn buồn tơ liễu rủ
Những lời năn nỉ của hư vô
”.


Đây là những câu thơ rất là tuyệt diệu về trăng. Nhưng nếu xét về mặt ngôn từ thì khổ thơ không có gì đặc biệt: trăng, không che nổi, xanh xao, buồn buồn… Vậy điều gì làm cho ánh trăng này có sức ám ảnh như vậy? Đó chính là hình tượng từ cái tứ mà khổ thơ gợi ra.

Nếu diễn ý chỉ có thể nói như thế này: ánh trăng không đủ dày để che một cái gì hết. Do đó nó để lộ ra, để hở ra những vẻ xanh xao của hồ nước, của rừng dương liễu, của đất trời. Cái tội của nó là để lộ ra những cái nó cần phải che mà nó không che được. Nhưng hình ảnh đó còn cái tứ ẩn dụ: ánh sáng của trăng như là một tấm màn huyền bí buông rủ xuống thiên nhiên. Nhưng vì nó quá mỏng, quá trong nên thay vì che giấu nó lại làm nổi lên những nét bi thương của những nhành thùy liễu và cả những lời năn nỉ, van lơn, những tiếng than, những sự thổn thức của… hư vô. Hư vô thì nhẹ lắm, tinh lắm, trong lắm. Nó vô hình, vô ảnh, vô thanh… mà ngay cả cái đó trăng còn không che được thì trăng còn che được cái gì? Chính hình tượng ánh trăng không thể che được những nỗi bi thương của cuộc sống, của vũ trụ đã làm nên sự tuyệt diệu cho những vần thơ.

Đến đây bạn sẽ hỏi tôi: Bởi vì anh đưa một ví dụ là thơ thì đương nhiên là hình tượng rồi còn ví dụ là văn thì sao? Văn thuyết minh chẳng hạn? Nghị luận chẳng hạn?... thì nó phải trừu tượng chứ? Không. Đã là văn chương thì không được quyền trừu tượng.

Còn cái gì khô khan hơn đề tài “Chống vũ khí hạt nhân”? Đây chắc chắn sẽ là một bài đầy tính giảng giải, đầy tính thuyết minh và những kêu gọi đầy tính chính trị. Nhưng thật bất ngờ, chúng ta thử đọc một vài câu thôi về đề tài này trong một văn bản ở sách Ngữ văn 9, tham luận của Marquez: “Từ khi mới nhen nhóm sự sống trên trái đất đã phải qua 380 triệu năm con bướm mới bay được, rồi 180 triệu năm nữa bông hồng mới nở chỉ để làm đẹp mà thôi, cũng đã phải trải qua 4 kỷ địa chất con người mới hát được hay hơn chim và mới chết vì yêu”. Đó là một câu trong văn bản đọc giữa hội nghị chống chiến tranh. Mà chống bằng cái gì? Chống bằng con bướm, bằng tiếng chim, chống bằng tình yêu trai gái. Nó đầy hình tượng.

Và cái tứ rất hay là thế này: Tạo hóa phải lao lực, phải đem hết tài năng ra thì cũng mất hàng trăm triệu năm mới làm thành con bướm. Tạo hóa phải mất thêm gần 200 triệu năm nữa rồi mới làm ra được bông hồng. Và mất thêm cả trăm triệu năm nữa mới làm ra được tiếng hát, mới làm ra được tình yêu của con người. Thế nhưng con người chỉ cần một cái bấm nút là xóa sạch 14 lần trái đất. Hiện nay nếu tất cả bom hạt nhân nổ thì gần như toàn bộ thái dương hệ bị nổ tung. Tạo hóa mất hàng trăm triệu năm còn con người chỉ mất một cái bấm nút trong tích tắc là đã xóa sạch. Điều này đi ngược lại với tự nhiên, với lí trí của con người nhưng những kẻ hiếu chiến vẫn làm để sẵn sàng đưa nhân loại không chỉ về thời kỳ đồ đá mà về số không, về hư vô.

Giữa những câu thơ rất siêu hình của Hàn Mạc Tử và những lời diễn văn của Marquez đều có một điểm chung, đó là tình yêu sâu thẳm với cuộc sống. Hàn Mạc Tử thì diễn tả bằng ánh trăng, hồ nước, nhành liễu còn Marquez thì nói bằng cánh bướm, bông hồng, tình yêu.

Muốn làm nổi bật được một tác phẩm văn chương thì phải xuyên thấm vào được linh hồn của tác phẩm, xoáy vào hình tượng đó để cho nó thấm xuyên vào ta và thấm xuyên vào tâm hồn của những em học sinh kém văn nhất. Cái hồn của bài thuyết minh của Marquez bắt đầu sống lại và một học sinh vô cảm nhất cũng bắt đầu rung động. Đó là phép lạ.

Vậy thì muốn cho tác phẩm sống dậy, truyền cảm hứng đến người đọc thì chúng ta phải truyền được linh hồn của nó. Chúng ta tìm xem trong tác phẩm đưa ra hình tượng gì và bám vào đó, từ từ làm cho nó sống dậy và để cho nó phải cất lên tiếng nói, tiếng hát và đi vào tâm hồn người nghe.

Liên tưởng tới những tác phẩm khác

Khi đọc một tác phẩm văn chương nào đó thì nó sẽ giúp chúng ta liên tưởng hay còn gọi là liên văn bản với những tác phẩm trước nó, sau nó và quanh nó. Khi đọc một tác phẩm ta không xem nó như một cái gì hoàn toàn độc lập. Vì ngôn ngữ cũng như đời sống là chúng ta phải viết với, sống với, yêu với…

Ví dụ bài về “Con Cò” của Chế Lan Viên (sách Ngữ văn 9 tập 2). Chỉ cần đọc tiêu đề con cò thôi là ta biết đây không phải là một đề tài chỉ mình ông nói mà ta lập tức liên tưởng đến những tác phẩm mà ta từng biết tới, giống như ánh trăng của Hàn Mạc Tử liên quan tới những ánh trăng khác của Lý Bạch, của Vương Duy, của Đỗ Phủ, của Lý Thánh Chiếu…

Khi chúng ta đọc

Con cò bay lả
Con cò bay la
Con cò Cổng Phủ
Con cò Đồng Văn


Thì ta biết ngay ông liên tưởng đến những bài ca dao về con cò. Đặc biệt ở đoạn 2 khi Chế Lan Viên viết giống như lời ru:

Ngủ yên, ngủ yên, ngủ yên
Cho cò trắng đến làm quen
Cò trắng đứng quanh tổ
Rồi cò vào trong nôi
Con ngủ yên thì cò cũng ngủ
Cánh của cò hai đứa đắp chung đôi


Nếu ta đọc một cách lơ đãng, dửng dưng thì chúng ta thấy bài thơ hình như cũng bình thường thôi. Nhưng nếu chúng ta đọc trong ánh sáng của liên văn bản (tức là đọc mà liên tưởng đến những tác phẩm văn chương khác) thì ta sẽ thấy rằng có những chữ cực kỳ bình thường nhưng mà sao nó lay động đến như vậy. Chẳng hạn như: “Cho cò trắng đến làm quen”. Toàn bộ câu thơ hầu như không có một từ cổ kính nào, không có một từ hàn lâm nào, không có một từ Hán Việt nào… đó là những từ mà bất cứ một người dân quê chất phác nào cũng có thể nói được.

Đứa bé buông mình vào giấc ngủ, buông mình vào lời ru của mẹ mà tác giả thể hiện bằng chữ “cho”. Có nghĩa là ta có cho thì những cái khác mới đến được. Thì quả nhiên con cò chẳng những đến mà còn “làm quen”. Thế nào là làm quen? Là đứa bé bắt đầu tri giác về sự vật khác nó. Điều này làm gợi ta nhớ đến “Hoàng Tử Bé”.

Chương 21 của Hoàng Tử Bé có đoạn kỳ diệu như thế này: Khi Hoàng tử Bé lang thang một mình ngoài sa mạc thì có tiếng kẻ lạ vang lên: Xin chào. Thì ra là một con cáo. Nói chuyện một hồi con cáo mới tặng Hoàng tử Bé một chữ tuyệt hay, đó là “thuần hóa”, thân thuộc hóa, làm quen. Con cáo nói với Hoàng tử Bé thế này: Tôi với anh chỉ là kẻ lạ nhưng mà một khi chúng ta làm quen với nhau rồi, thân thuộc với nhau rồi thì lại khác. Trước kia bước chân của anh là vô nghĩa nhưng bây giờ bước chân của anh như là một điệu nhạc vang lên trong tai người đã quen biết với anh. Kể từ đây, nhìn cánh đồng lúa mì tôi lại nhớ thương anh, vì anh có mái tóc vàng như cánh đồng lúa, vì chúng ta đã làm quen.

Trở lại bài thơ “Con Cò”, Chế Lan Viên dùng chữ “làm quen” ở đây nói về một đứa bé thì tuyệt diệu lắm. Vì bà mẹ không chỉ ru cho con ngủ mà bà mẹ đang đặt những gì gần gũi với cuộc sống gần đứa bé, làm quen với đứa bé, thân thuộc với đứa bé và đứa bé cũng sẵn sàng cho con cò đến làm quen.

Đời sống bắt đầu thân thuộc với đứa bé. Con cò mà bé chưa nhìn thấy bao giờ trở thành thân thuộc. Từ cho làm quen nên con cò chỉ đứng quanh nôi, đứng quanh bờ rào rồi cò mới vào trong nôi. Đứa bé bắt đầu xác lập mối quan hệ với con cò. Sau đó là cả sắc trời, cái mênh mông hơn hát quanh nôi của bé. Bởi tình yêu của bà mẹ đã đem chúng đặt lên nôi của đứa con mình. Đó còn là cuộc sống, là vũ trụ mà đứa bé phải làm quen.

Tôi cũng từng ngồi ở bán đảo Thanh Đa nhìn con cò đậu trên cánh bèo, co một chân lên và đứng im để mặc dòng nước trôi, thanh thản như một thiền sư đang thiền định. Và tôi đã làm thành một bài Haiku (thể thơ ngắn của Nhật) như thế này:

Trên cánh bèo trôi
Đậu con cò trắng
Một mình rong chơi


Hay một ví dụ khác như trong truyện “Người thiếu phụ Nam Xương” có một cái tứ giúp ta liên tưởng rất độc đáo: Cái bóng. Mẹ bé Đản chỉ cái bóng trên vách nói là cha con đó. Đứa bé dần quen với cái bóng đó. Quen tới mức chấp nhận đó là cha ruột của mình. Ngoài cái bóng không chấp nhận bất kỳ ai là cha của mình hết nên khi cha ruột trở về mới xảy ra bi kịch: Người thiếu phụ phải trầm mình. Cái bóng là một cái gì đó rất kỳ lạ, nó song hành với con người cho đến suốt cuộc đời, thậm chí ngay cả khi con người chết rồi thì cái bóng vẫn còn lưu lại một thời gian.

Ca dao có câu: “Canh khuya bế bóng lên giường”. Bế, bồng, ẵm. Thiếu phụ Nam Xương vắng chồng chỉ cái bóng của mình nói đó là cha Đản. Còn chàng trai cô độc trong ca dao chỉ có một mình trong canh khuya giá lạnh thì phải bế bóng mà ôm. Còn gì cô đơn hơn thế?

Văn chương là một tác phẩm mở

Có một tiểu thuyết gia lớn là Lawrence có nói, đại ý: Tiểu thuyết là một phát minh vĩ đại của con người vì không ở đâu mà người ta thấy tính tương đối rõ rệt như trong một tác phẩm tiểu thuyết. Vì nó không bao giờ quyết đoán một cái gì cả. Bất cứ một tác phẩm nào cũng khơi gợi cho ta tính đa nghĩa của nó. Để đo lường phần nào phẩm chất của một tác phẩm ta dựa vào tính đa nghĩa. Một câu thơ hay là cái gì đó đọc xong rồi ta vẫn còn bỡ ngỡ, còn dư tình. Tác giả có thể không cài đặt một ý nào trong tác phẩm của mình mà ý nghĩa do người đọc hồi đáp.

Tôi viết một tác phẩm có tên là “Động Từ Thức”. Chỉ có ý là viết lại một truyện cũ cho người đọc hiện đại. Một độc giả nói với tôi rằng: Nhân vật của anh bỗng dưng tỉnh thức. Vậy truyện của anh có thể hiểu “thức” ở đây là “động từ”, nó khác với trạng thái “ngủ”. Và người khác thì hiểu theo nghĩa khác. Tính mở của văn bản là như vậy. Cho nên nếu ai đó nói với bạn là làm sao biết tác giả nghĩ thế nào, thì bạn có thể nói rằng: “Cái mà người đọc nghĩ có khi quan trọng hơn tác giả”. Người đọc có quyền thấy những gì mà tác giả không hề thấy. Đấy là tính khơi gợi đặc biệt của văn chương.

Hay như một bài nói về “Cốm” của Thạch Lam mà tôi mê từ ngày nhỏ. Trong bài không chỉ nói về thức ăn mà nói về triết lý sống: Trong gié lúa có những hạt sữa nhờ nắng mà đông lại. Thạch Lam tả thức ăn mà như tả cả mùa hạ thu mình nhỏ lại chui vào trong hạt cốm. “Cốm không phải là thức quà của người vội, ăn cốm phải ăn từng chút ít, thong thả và ngẫm nghĩ”.

Hiện nay trên thế giới có một trào lưu rất hay, kêu gọi mọi người sống chậm lại. Người ta chạy đua với hạt nhân, chạy đua với tiền tài, chạy đua với danh vọng… chạy rồi mới biết chạy bở hơi tai mà cũng chẳng được gì. “Thong thả và ngẫm nghĩ”, có lẽ đó là châm ngôn mới của cuộc sống chúng ta bây giờ. Cả thế giới chúng ta bây giờ là vậy. Có thừa mọi thứ mà thiếu mỗi cái thong thả và ngẫm nghĩ mà thôi.

Đâu chỉ là một bài viết về món ăn ngon, về văn hóa dân tộc. Chỉ một món ăn thôi mà liên quan đến văn hóa, đến tình yêu, đến ý nghĩa sống. Nếu ta đọc trong tâm thế mới, trong cái tình mới thì tác phẩm sẽ có những ý nghĩa mới...

Kinh Khê ghi

 

Nguồn: http://vietpress.vn/20120209061917706p35c95/phan-nhat-chieu-day-van-phai-truyen-cam-hung-van-chuong.htm

Bài viết cùng tác giả

Danh mục website