Văn học quốc ngữ Nam Bộ đầu thế kỷ XX: Mấy ghi nhận về tiểu thuyết tâm lý xã hội – ái tình của Hoàng Minh Tự

 

1. Hiện chưa rõ năm sinh, năm mất của Hoàng Minh Tự. Căn cứ vào những bài báo và những tác phẩm  hiện còn của ông, có thể đoán định Hoàng Minh Tự sinh vào khoảng đầu thế kỷ XX và mất năm nào thì chưa rõ. Về quê quán, lần theo tư liệu hiện còn, mới biết ông quê ở Bến Tre. Đây là thông tin xưa nhất và duy nhất còn lại bởi nhờ vào hai bài báo mà ông cho đăng trên tờ Lục Tỉnh Tân Văn vào tháng 7 năm 1926. Nhờ vậy mới biết Hoàng Minh Tự khởi nghiệp cầm bút từ năm 1926 với những bài báo, sau đó chuyển sang viết tiểu thuyết từ năm 1931.

2. Ngoài hai bài báo đã đăng trên tờ Lục Tỉnh Tân Văn Bàn về hai chữ thời vận (số 2362, ngày 02-07-1926) và Cái nghèo trước chẳng thấy sau rồi sẽ thấy (số 2370, ngày 12-07-1926) thì theo tài liệu hiện còn, Hoàng Minh Tự đã cho in 16 tác phẩm, gồm 12 đoản thiên tiểu thuyết và 01 vở tuồng, 03 truyện thơ lục bát. Những tác phẩm trên phần lớn đều do nhà in Đức Lưu Phương, Sài Gòn, xuất bản, sớm nhất là vào năm 1931 và muộn nhất là năm 1934 (vở tuồng Ông Địa nàng Tiên). Như vậy chỉ trong vòng khoảng 04 năm, ông đã viết ngần ấy tác phẩm, riêng trong năm 1931 ông đã cho in đến 11 cuốn, cũng đủ chứng tỏ ông là một cây bút tiểu thuyết  Quốc ngữ có sức viết tương đôěi dồi dào hồi đầu thế kỷ XX. Hiện chưa rõ là từ năm 1934 về sau, ông có viết thêm tác phẩm nào không, bởi ở trang cuối vài tiểu thuyết của ông thường có mục quảng cáo, giới thiệu tác phẩm sắp xuất bản như Lỗi đạo phu thê, Lỗi bước phong tình… nhưng chưa tìm thấy. Những tác phẩm hiện còn, cụ thể như sau (1):

* Đoản thiên tiểu thuyết (Tiểu thuyết):

1.      Hai cô tuyệt sắc ở Sài Gòn, nhà in Đức Lưu Phương, Sài Gòn, 1931, 32 tr.

2.      Lận đận vì tình, nhà in Đức Lưu Phương, Sài Gòn, 1931, 32 tr.

3.      Lỗi niềm chồng vợ là tại nơi ai?, nhà in Đức Lưu Phương, Sài Gòn, 1931, 24 tr.

4.      Nghĩa đen tình đỏ, 02 cuốn, nhà in Đức Lưu Phương, Sài Gòn, 1931, 64 tr.

5.      Nợ tình vay trả, 02 cuốn, nhà in Đức Lưu Phương, Sài Gòn, 1931, đã có cuốn 1, 32 tr.

6.      Sắc độc hại anh hùng, 02 cuốn, nhà in Đức Lưu Phương, Sài Gòn, 1931, đã có cuốn 1, 32 tr.

7.      Oan hồn vì tiết giá, 02 cuốn, nhà in Đức Lưu Phương, Sài Gòn, 1931, đã có cuốn 1, 31 tr.

8.      Trọn đạo chung tình, nhà in Đức Lưu Phương, Sài Gòn, 1931, 32 tr.

9.      Vì nghĩa sanh tình, nhà in Đức Lưu Phương, Sài Gòn, 1931, 32 tr.

10.   Vì tiền quên nghĩa, 02 cuốn, nhà in Đức Lưu Phương, Sài Gòn, 1931, 47 tr.

11.   Vì tình bạc nghĩa, nhà in Đức Lưu Phương, Sài Gòn, 1931, 31 tr.

12.   Ông tơ cắc cớ, 02 cuốn, nhà in Đức Lưu Phương, Sài Gòn, 1932, 48 tr.

* Tuồng:

13.   Ông Địa nàng Tiên, nhà in Đức Lưu Phương, Sài Gòn, 1934, 11 tr.

* Truyện thơ:

14. Trương Ngáo, nhà in Saigonaise, chưa rõ năm xuất bản.

15.   Phàn Lê Huê, nhà in Saigonaise, chưa rõ năm xuất bản.

16.  Tề Thiên đại thánh loạn Thiên đình, nhà in Saigonaise, chưa rõ năm xuất bản.

Hiện chúng tôi chưa tìm được văn bản của 01 vở tuồng và 03 truyện thơ viết theo thể lục bát như trên có nêu. Chỉ biết là những tác phẩm tuồng và truyện thơ lục bát này được nhà in Siagonaise xuất bản, in khổ 16 x 24 cm, có độ dày từ 16 đến 24 trang, giá bán hồi đầu thế kỷ XX là 35 xu, bên cạnh nội dung, sách thường có hình vẽ minh hoạ một cảnh, một nội dung nào đó của truyện thơ.

3. Như trên đã nói, cho đến nay, giới nghiên cứu vẫn chưa biết cụ thể về tiểu sử, cuộc đời của Hoàng Minh Tự, dù ông viết khá nhiều tiểu thuyết (đoản thiên tiểu thuyết) vào những năm đầu thập kỷ 30 của thế kỷ trước. Căn cứ vào các tài liệu hiện còn, chỉ trong khoảng 04 năm từ 1931 đến 1934, Hoàng Minh Tự đã viết và cho xuất bản đến 16 tác phẩm (12 tiểu thuyết, 01 vở tuồng, 03 truyện thơ).

Về thể loại, mười hai cuốn tiểu thuyết của ông đã được xuất bản (với dung lượng mỗi cuốn ngắn nhất là 24 trang, dài nhất là 64 trang, cộng tất cả khoảng 500 trang in khổ nhỏ) thì có thể xếp ông là nhà văn hiện thực chuyên viết đoản thiên tiểu thuyết tâm lý xã hộiái tình.

Bối cảnh hiện thực cuộc sống mà Hoàng Minh Tự thường phản ánh trong nhiều tác phẩm của ông đa phần là những phố thị phồn hoa như Sài Gòn, Cần Thơ, Mỹ Tho, Vĩnh Long, v.v..; với đề tài viết về cuộc sống của những con người thuộc tầng lớp khá giả, trung lưu trở lên với đủ mọi hạng người trong xã hội, với những môtip quen thuộc như vì tiền, lừa tiền, sầu tình, oán tình rồi tìm cách hại nhau, hạ độc. Đó là những thanh niên con những điền chủ, phú hộ giàu có chơi bời, bồ bịch, tiêu tiền như nước kiểu những công tử Bạc Liêu như cậu Trần Đẩu Nam (Hai cô tuyệt sắc ở Sài Gòn); Những kiểu đàn ông vì tình, ham của lạ, hám gái mà bội bạc vợ con như thầy thư ký Trần Kỳ Chí (Vì tình bạc nghĩa); Những sở khanh thời hiện đại, chuyên lừa lọc những phụ nữ nhẹ dạ cả tin để lấy tiền, đoạt tình rồi vứt bỏ hoặc bán họ vào nhà chứa như Mười Hoang trong Lỗi niềm chồng vợ là tại nơi ai; Hay những hạng đàn ông chuyên toa rập bày mưu kế để lừa tình gạt tiền như thầy Hai Tôn, thầy Mười Kế (Nợ tình vay trả); Rồi những thanh niên con nhà địa chủ ham sắc, chuyên cấu kết với bọn đàn em vô lại để cưỡng hiếp phụ nữ hiền thục như cậu Oai, con ông hương chủ Mai giàu có, đến nỗi người phụ nữ ấy phải tự tử để bảo toàn tiết giá (Oan hồn vì tiết giá); Những phụ nữ vì tiền, chê chồng nghèo khổ, mà lẳng lơ, chơi nhăng, bỏ thuốc độc hại chồng như cô Phạm Thị Ba trong Nợ tình vay trả; Những đàn bà chuyên dùng sắc đẹp và vốn tự có để moi móc tiền của những tên đàn ông giàu có, háo sắc mà những người đàn bà này không từ thủ đoạn, tội ác nào miễn là có lợi cho bản thân họ, có khi bỏ thuốc độc vào ly nước để hại tình địch, vì chuyện tình tay ba như cô Mười Hoa, cô Ba Tròn trong (Hai cô tuyệt sắc ở Sài Gòn)

Viết về những con người ấy, Hoàng Minh Tự muốn phê phán đạo đức suy đồi của xã hội kim tiền thực dân ở chốn thị thành; đồng thời còn là để nhắc nhở, cảnh tỉnh con người. Người đọc thường gặp trong tác phẩm của ông có một số nhân vật nếu ban đầu sa ngã, lầm lạc thì về sau sẽ ăn năn hối cải, trở lại sống đời hiền lương, dĩ nhiên là sau khi bị quả báo rồi mới thức tỉnh như cậu Nam, cô Mười Hoa, Ba Tròn (Hai cô tuyệt sắc ở Sài Gòn) lên núi Điện Bà làm sãi vãi dốc chí tu hành, mong rửa sạch nghiệp xưa; hoặc thầy thông T. trong Lỗi niềm chồng vợ là tại nơi ai ; thầy Chí trong Vì tình bạc nghĩa chẳng hạn. Có khi những con người bạc tình, gian ác đó cuối cùng cũng gặp quả báo như Mười Hoang (Lỗi niềm chồng vợ là tại nơi ai) bị người chồng của một người đàn bà bị hắn dụ dỗ bắn chết, còn ông chồng kia tuy giết người nhưng có lý do nên được toà tha bổng; Thị Ba (Nợ tình vay trả) bị Mười Kế ruồng rẫy; Ngọc Thế (Vì tiền quên nghĩa) với cuộc đời lận đận lỡ đò mấy phen, gặp lại vị hôn phu cũ trong tình cảnh éo le, nên xấu hổ rồi sinh bệnh mà chết khi tuổi đời còn son trẻ. Đó là kết cục của những con người ăn ở bội bạc, không tình nghĩa.

Chính vì thế mà trong nhiều tác phẩm của ông thường có tính luận đề, rút ra bài học luân lý bằng cách nêu gương nhân nghĩa, đạo đức; ca ngợi tiết hạnh, hiền lương, nghĩa dũng, thuỷ chung. Như vậy, bên cạnh những nhân vật phản diện được nhà văn khắc hoạ nhằm mục đích phê phán, giáo huấn, răn đời thì còn có những nhân vật chính diện. Ngòi bút của tác giả dường như có nhiều chăm chút cho những nhân vật này. Họ là những mẫu người mà Hoàng Minh Tự ngợi ca, nêu gương để người đời noi theo. Họ là những thanh niên có học như thầy ký Đỗ Hữu Châu tuy nghèo nhưng giàu tình nghĩa, như cô Ngọc Thu – một cô gái có chút ít chữ nghĩa, vừa đậu bằng Sơ học, lại có nhan sắc, nết na, đức hạnh và thuỷ chung trong tình yêu trong Lận đận vì tình. Đây là câu chuyện được tác giả viết ra nhằm cổ động và ca ngợi tình yêu tự do. Họ là những thanh niên lớp mới đã dũng cảm đấu tranh bằng mọi cách để thoát khỏi những định kiến cổ hủ lạc hậu về duyên phận vợ chồng. Câu chuyện xảy ra tại Sài Gòn, nơi gia đình ông bà phán Lương. Số là, tại Toà án nơi ông phán Lương làm việc mới tuyển vào một thầy thư ký tên Đỗ Hữu Châu. Thầy này nhà nghèo, người nho nhã lịch sự nên ông phán mới có càm tình, cho về nhà ở trọ, ăn cơm tháng. Ban đầu vợ con ông phán còn e ngại nhưng sau rồi quen. Ông phán biết thầy Châu sống có tình nghĩa nên mời cha của thầy lên chơi, kết làm sui gia. Cô Ngọc Thu rất ưng ý với quyết định của cha. Nhưng sự đời đâu có trơn tru, bằng phẳng. Thình lình, ông phán bệnh nặng rồi qua đời. Trước khi mất, ông trối trăng với vợ là phải gã Ngọc Thu cho thầy Châu. Nhưng sau đó, vợ ông không nghe lời, bởi bà phán thấy thầy Châu nghèo nên thay lòng đổi dạ, tìm cách đuổi khéo thầy đi tìm nơi khác mà ở. Việc làm ấy của bà khiến cho Ngọc Thu than khóc, oán trách mẹ, rồi viết thư hẹn gặp thầy Châu thố lộ sự tình, thề nguyền chung thuỷ. Trong khi đó bà phán lại tạo điều kiện cho ông còm-mi, con nhà địa chủ giàu có đến tán tỉnh cô. Ngọc Thu mở cửa sau chạy trốn. Bà về mắng chửi con gái thậm tệ. Cô Thu tìm cách gặp thầy Châu kể lại sự việc, rồi hai người quyết định trốn về Vĩnh Long sinh sống dù hoàn cảnh của họ lúc này rất khó khăn. Từ ngày cô Thu bỏ nhà, bà phán hối hận sinh bệnh nặng. Nghe tin, Ngọc Thu cùng chồng gom góp tiền bạc về Sài Gòn thăm bà. Gặp lại con gái, bà phán mừng rỡ, nhận lỗi lầm, giao gia tài cho con rồi qua đời. Vợ chồng thầy Châu lo ma chay long trọng. Từ đó, họ mở tiệm buôn bán làm ăn phát đạt, sống hạnh phúc bên nhau.

Ở tác phẩm Sắc độc hại anh hùng, tác giả đã ngợi ca hành động nghĩa dũng của chàng thanh niên Võ Thành Nhơn. Anh là con người hào hiệp sẵn sàng ra tay cứu giúp người hiền lương lúc họ bị nguy khốn. Có thể xem nhân vật này như là hiện thân của những Lục Vân Tiên, Vương Tử Trực, Hớn Minh trong truyện thơ Lục Vân Tiên của cụ Đồ Chiểu ngày xưa. Họ là những con người vì nghĩa: Kiến nghĩa bất vi vô dõng dã. Nếu ngày xưa Vân Tiên thấy băng đảng Phong Lai cướp của, bắt người thì anh ta đã bất bình nổi giận“bẻ cây làm gậy, nhằm làng xông vô” để tiêu diệt bọn chúng, với một nghĩa cử cao đẹp, vô tư: “Tôi xin ra sức anh hào, Cứu người cho khỏi lao đao phen này”, và khi xong việc không muốn nhận sự đền ơn của người được cứu, thì nhân vật Võ Thành Nhơn trong tiểu thuyết này của Hoàng Minh Tự cũng vậy. Cô Đặng Kim Châu nhà ở gần chợ Bà Chiểu Bình Thạnh, vừa 18 xuân xanh, có nhan sắc mặn mà, lại có học hành đôi chút, nhà nghèo, cha vừa mới mất, bị tên côn đồ khét tiếng trong vùng là Tư Hí đến ve vản, ép buộc. Biết khó lòng thoát khỏi tên vô lại này nên cô Châu đến nhờ Võ Thành Nhơn, một chàng trai anh hùng, nghĩa hiệp ra tay cứu giúp. Vì nghĩa, anh đã nhận lời, và đã nhiều lần tả xung hữu đột đánh bọn côn đồ để giải cứu cho Kim Châu, chữa trị vết thương cho nàng, vì thế cô ta vừa nặng ân nghĩa lại vừa cảm mến yêu thương chàng trai nghĩa hiệp này. Trong khi đó bọn Tư Hí và đàn em tuy mấy lần bị Thành Nhơn đánh cho tan tác nhưng vẫn không hồi tâm mà trái lại còn còn bàn tính lên Gò Vấp mời đàn anh là Năm Đắc xuống để bắt cóc Kim Châu và trừ khử Thành Nhơn.

Đó là hình ảnh con người nghĩa dũng. Còn đây là mẫu con người nghĩa tình sâu nặng như Chín Quyên trong Vì nghĩa sanh tình. Anh là người chín chắn, điềm đạm, biết tính toán lo nghĩ, làm thư ký giúp việc cho hãng buôn của ông Cao Vĩnh Tấn giàu có, nên ông Tấn nhờ được nhiều việc. Cảm vì nghĩa tình của Chín Quyên nhiều lần cứu giúp gia đình ông trong những ngày buôn bán ở Sài Gòn cũng như những ngày chạy trốn nợ nương náu ở Nam Vang, nên ông Tấn gã cô Duyên, con gái út của ông cho người thư ký giúp việc này. Do buồn rầu vì làm ăn thất bại, ông bà Tấn sinh bệnh rồi lần lượt qua đời, dù thầy Quyên và cô Duyên hết lòng thuốc thang chạy chữa. Trong khi đó, tại Pháp, hai người con trai của ông Tấn cần tiền về nước ngay sau khi thi xong, thầy Quyên cùng gia đình ông Tấn xoay xở mọi cách để có tiền gởi qua. Khi về, hai anh trai muốn ép gã em gái cho cậu Tấn Ba là bạn thân cùng du học với hai anh, nhưng cô Duyên nhất quyết không thuận, dù thầy Quyên đôi lần khuyên cô nên nghe lời hai anh để sung sướng tấm thân nhưng vì để giữ tròn tình nghĩa, cô vẫn không nghe. Cuối cùng cô thắt cổ tự tử. Nhờ theo dõi, nên thầy Quyên đã cứu được. Hai người qua cơn hoạn nạn, thề chung sống đến trọn đời. Còn hai anh trai thì xấu hổ bởi việc làm sai trái của mình nên bỏ về Sài Gòn. Từ đó, vợ chồng Chín Quyên sống sung sướng hạnh phúc bên nhau nơi đất khách.

Đó còn là những phụ nữ tiết hạnh, giàu lòng vị tha, thuỷ chung son sắt như cô Gấm trong Oan hồn vì tiết giá. Cô Gấm, một cô gái quê, nhà nghèo, mồ côi, nết na xinh đẹp, được ông Cả mai mối cho Hai Long, một thanh niên trong làng cũng nhà nghèo, mồ côi, siêng năng, chịu khó. Vợ chồng sống rất hoà thuận, hạnh phúc. Vì có nhan sắc nên cô Gấm thường bị bọn trai làng trêu ghẹo, dù Hai Long rất tin nết đoan chính của vợ nhưng đôi lúc cũng có bực bội. Một thanh niên trong làng là cậu Oai, con Hương chủ Mai đã say mê, tán tỉnh cô, bị cự tuyệt nên cậu ta cùng đàn em lén đem truyền đơn và cờ đỏ chôn ở nhà Hai Long rồi trình báo quan. Hai Long bị tù. Ở nhà, cậu oai cùng tay chân đến nhà cưỡng hiếp cô Gấm, bị cô chống trả quyết liệt, chém cho Năm Mâu là đàn em của cậu Oai một nhát. Hàng xóm đến cứu, cô Gấm trình báo rõ nên vụ oan khuất của chồng được sáng tỏ, chồng là Hai Long được tha. Tên Oai vì thù ghét mà tung tin cô đã thất thân với hắn. Trong khi chồng xách dao đi tìm cậu Oai để rửa hận thì cô Gấm ở nhà tự tử để bảo toàn danh dự và tiết giá, để chứng tỏ đức hạnh trong trắng của mình. Cái chết đúng là một oan hồn vì tiết giá. Đó còn là cô Lê Thị Tiết trong Trọn đạo chung tình. Thị Tiết là một cô gái quê nết na, đức hạnh, là hàng xóm láng giềng với anh Nguyễn Trọng Công. Tuy nhà nghèo nhưng cha mẹ anh vẫn quyết chí nuôi anh ăn học thành tài. Những ngày tháng anh Công lên học ở Sài Gòn thì cô Tiết thường lui tới phụ giúp đỡ đần công việc cho cha mẹ anh. Những ngày về nghỉ phép thì đôi trẻ ríu rít bên nhau. Trong vùng, có ông cai tổng Mười giàu có, thấy anh Công học giỏi nên đánh tiếng với cha mẹ anh, hứa sẽ bảo bọc cho ăn học và gã con gái là Kim Vân cho. Anh không đồng ý nên bị cha mẹ gọi về đánh đập, ép buộc; còn cô Tiết thì buồn rầu bỏ ăn, biếng ngủ. Một bên là nghĩa với cha mẹ; một bên là tình yêu trong sáng với cô Tiết, anh Công bị dày vò đến phát điên, phải đưa lên Biên hoà chữa trị. Cô Tiết gom hết tiền bạc, bán hết tư trang để lên Biên Hoà chăm sóc cho anh. Trong khi ấy thì tên cai tổng Mười lại làm ngơ. Thời gian sau, anh Công khỏi bệnh, tiếp tục học, rồi được học bổng ra Hà Nội học Tú tài. Ngày anh thi đỗ, cũng là ngày được bổ nhiệm dạy học tại Sài Gòn, sau đó hai nhà tổ chức lễ cưới và họ sống hạnh phúc hiếm thấy.

Có thể nói những cô Gấm, cô Tiết là hiện thân của Kiều Nguyệt Nga tốt lòng, đẹp nết, sắt son, sẵn sàng hy sinh bản thân để gìn giữ tình yêu trọn vẹn, thuỷ chung.

Những câu chuyện trên được tác giả thể hiện bằng một lối kể chuyện mộc mạc, thô vụng, thật thà với nhiều câu văn còn mang tính khẩu ngữ và nặng tính đối xứng của thể văn biền ngẫu ngày trước, nên không tránh khỏi sáo mòn. Đây cũng là điểm hạn chế chung của nhiều cây bút văn xuôi Quốc ngữ thời bấy giờ ở Nam bộ. Điều này có lý do riêng của nó, bởi đối tượng mà các nhà văn Nam bộ bấy giờ thường hướng tới là những người đọc bình dân. Dù Hoàng Minh Tự chưa phải là cây bút nổi tiếng và tác phẩm của ông cũng không sắc sảo cho lắm nhưng công bằng mà nói, nếu đọc kỹ, xét sâu thì cây bút này cũng có vài thành công nhất định và ít nhiều cũng có đóng góp cho văn xuôi Quốc ngữ ở chặng đường sau năm 1930. Ở đó, người đọc sẽ thấy có vài tiểu thuyết được kết cấu với những tình tiết gay cấn như Lỗi niềm chồng vợ là tại nơi ai?, Oan hồn vì tiết giá, Vì tiền bạc nghĩa; Sắc độc hại anh hùng… Cũng có vài tác phẩm ít nhiều được ngòi bút tác giả khắc họa khá đạt những chuyển biến tâm lý nhân vật như thầy thông T, như cô Kim Anh trong Lỗi niềm chồng vợ là tại nơi ai?; như nhân vật hai Long, cô Gấm trong Oan hồn vì tiết giá; như cậu Vinh, cô Thọ, chú thôn Sơn trong Ông tơ cắt cớ; như hai thầy giáo Huỳnh Tấn Kiệt và Nguyễn Như Tiên cùng cô Ngọc Thế trong Vì tiền bạc nghĩa; như cô Đặng Kim Châu trong Sắc độc hại anh hùng v.v.. Nhiều tác phẩm tuy có cốt truyện nhẹ nhàng nhưng lại thú vị hấp dẫn cho người đọc như: Ông tơ cắt cớ, Vì nghĩa sanh tình, Vì tiền quên nghĩa… và trong số đó cũng có vài truyện được kể bằng giọng văn trong sáng, nhẹ nhàng, sử dụng khá nhiều phương ngữ Nam bộ, chịu ảnh hưởng truyện dân gian đậm nét.

Tóm lại, với mấy năm cầm bút, Hoàng Minh Tự đã để lại cho văn xuôi Nam bộ một khối lượng tác phẩm tuy không đồ sộ như một số cây bút khác nhưng cũng không phải là quá ít ỏi. Những tác phẩm của ông dù chưa gây được tiếng vang trong công chúng độc giả bấy giờ, nhưng những gì mà nhà văn này để lại ít nhiều cũng có vài đóng góp nho nhỏ cho văn học Nam bộ nói riêng, cho văn xuôi Quốc ngữ nước nhà nói chung ở giai đoạn 1930-1945.

TP. Hồ Chí Minh, 2004-2010

NCL

 

(1) Theo thống kê của Đoàn Lê Giang trong Tổng thư mục nghiên cứu Văn học Quốc ngữ Nam Bộ cuối thế kỷ XIX – nửa đầu thế kỷ XX, TP. HCM. 2004, trang 40.

Bài viết đã dùng tư liệu do PGS.TS. Lê Giang cung cấp. Nhân đây, chúng tôi xin chân thành cám ơn ông.

Nguồn: Tạp chí Đại học Sài Gòn, số chuyên đề Bình luận văn học - Niên giám 2011

* PGS.TS. Khoa Văn học và Ngôn ngữ – Trường ĐHKHXH&NV – ĐHQG TPHCM.

Bài viết cùng tác giả

Danh mục website