Đưa sách về vùng xa

        Thị trấn Đồng Cát quê ngoại của tôi thời thơ ấu là hai dãy phố nghèo hiu quạnh, gồm những cửa hiệu tạp hoá và vài quán ăn nhỏ nối liền nhau bên cổng chợ. Một buổi chiều muộn, khi đạp xe ra phố mua dầu lửa thắp đèn, một cậu học trò tiểu học bỗng thấy vài cuốn truyện cũ mỏng tang nằm lẫn trong những quyển vở và giấy tập bán trong cửa hàng. Cậu cầm lên: một cuốn truyện dịch có tên Cánh buồm trên biển cả và một truyện ngắn của Nam Cao có nhan đề Nụ cười in trong tủ sách Hoa mai của NXB Cộng Lực.

       

Đó là hai tác phẩm văn học đầu tiên mà tuổi thơ tôi được đọc. Cuốn đầu mở ra giấc mơ phiêu lãng của một chàng trai, theo vệt sóng những con tàu mà đặt chân đến những cửa biển và chân trời xa lạ. Cuốn thứ hai gợi lên cách sống điềm tĩnh, lạc quan, dũng cảm chấp nhận nghịch cảnh của một cậu bé mồ côi cả cha lẫn mẹ. Cánh buồm trên biển cả sau rồi được góp cho tủ sách trường tiểu học Đức Vinh theo lời kêu gọi của thầy giáo, nên tôi không còn nhớ tên tác giả và dịch giả. Riêng Nụ cười thì được giữ mãi đến khi tôi vào đại học và gửi cho thầy Hà Minh Đức để bổ sung vào tập truyện ngắn Nam Cao.

        Những năm chiến tranh, thị trấn quận lỵ của chúng tôi không hề có hiệu sách. Thèm sách đọc, tôi phải đi xe lam ra thị xã Quảng Ngãi cách nhà hơn 20 cây số. Hai hiệu sách quen thuộc là Thanh Tịnh và Đồi Non – Hoa Sen, dù đường sá cách trở và không an toàn, vẫn nhập về từ Sài Gòn nhiều sách hay, cả những kiệt tác văn học thế giới được dịch ra tiếng Việt. Thời trung học, tôi được đọc L. Tolstoi, I. Andritch, Oe Kenzaburo, Ch. Achebe, A. Paton…là nhờ mua ở những hiệu sách đó.

        Lớn lên, tôi đi xa nhiều năm trở về, thị trấn quê nhà đã có tiệm sách nhưng hầu như chỉ bán sách giáo khoa và văn phòng phẩm. Những học trò mê sách văn học như chúng tôi thời xưa muốn có sách đọc vẫn phải đi ra thị xã, nay đã được nâng cấp lên thành phố. Hai thương hiệu Đồi Non – Hoa Sen và Thanh Tịnh còn đó sau nửa thế kỷ nhưng mặt bằng thu hẹp lại, sách báo bán cùng với những mặt hàng tạp hoá. Cửa hiệu nhiều sách nhất giờ nằm trong thương xá lớn của thành phố.

        Con đường đưa sách đến các làng quê xa xôi vẫn còn rất nhiêu khê. Mỗi lần về quê, tôi lại thấy ánh mắt các cháu tôi sáng rực lên khi nhận những cuốn sách mua từ thành phố. Thư viện các trường học nghèo lắm, ngoài sách giáo khoa, chỉ có sách tham khảo để luyện thi, những tác phẩm văn học dạy trong nhà trường và một ít truyện tranh. Miếng ăn còn chưa no, tiền học còn thiếu, nói chi đến văn chương xa vời.

         Thỉnh thoảng đọc báo thấy tin những doanh nhân, nhà văn, nhà hoạt động xã hội thực hiện các dự án đưa sách về vùng xa. Có những tủ sách gia đình ở nông thôn mở cửa cho học trò và bà con nông dân đến đọc sách sau giờ học, sau buổi làm đồng. Gần đây một thư viện công có sáng kiến lập tủ sách lưu động, chở sách về vùng quê, vùng núi phục vụ người đọc. Quả là những việc làm tuyệt vời.

          Nhưng có lẽ các cơ quan xuất bản và phát hành sách vẫn là nơi được trông mong nhất trong việc khắc phục cơn khát sách ở vùng xa. Nếu nghĩ đến người đọc mà không quá đặt nặng lợi nhuận vì phải tốn chi phí vận chuyển, thì sẽ có cách làm cho đường đi và sức lan toả của sách rộng dài hơn chứ không chỉ loanh quanh ở các thành phố lớn, nơi sách có thể tiêu thụ và thu hồi vốn tương đối dễ dàng. Đêm cuối cùng ở Hội sách TP HCM năm 2012, dạo qua các quầy sách đang tung ra giảm giá đến 50% những cuốn truyện thật hay, tôi bỗng ước ao lúc này được nắm tay mấy đứa cháu của mình đưa đến nơi đây. Những em bé ở vùng quê xa ngày hôm nay chắc cũng không dễ gì có được niềm vui bất ngờ như tôi ngày xưa khi gặp Nụ cườiCánh buồm trên biển cả!

 

 

 

Bài viết cùng tác giả

Danh mục website