Đổi mới căn bản giáo dục đại học là đổi mới mô hình đại học (nhìn từ các ngành đại học khoa học xã hội và nhân văn)

 Đoàn Lê Giang

PGS, TS, Khoa Văn học và Ngôn ngữ,

Trường Đại học KHXH&NV– ĐHQG TP.HCM

1.      NGUY CƠ TỤT HẬU LÀ CÓ THẬT

Theo số liệu trong đề tài khoa học cấp nhà nước Mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2011-2020: từ nhận thức tới hành động do Trường ĐH Kinh tế Quốc dân thực hiện, thì GDP đầu người của Việt Nam từ năm 1991 đến 2010 đã tăng từ 114 USD lên 1.061 USD. Mức tăng ấy tưởng là “thần kỳ”, nhưng nếu so với các nước xung quanh thì lại là tụt hậu. Đơn cử là Trung Quốc: trong thời gian đó, họ đã tăng từ 353 USD lên 3.915 USD. Như vậy, thu nhập đầu người của Việt Nam tương đương 32% của Trung Quốc năm 1991 đã giảm xuống còn 27% năm 2010. Nếu tính theo sức mua tương đương (PPP), GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt 706 USD năm 1991 và lên tới 2.948 USD năm 2010. Trong khoảng thời gian đó, con số này của Trung Quốc tăng từ 888 USD lên 6.786 USD. Như vậy, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam bằng 80% của Trung Quốc năm 1991 đã giảm xuống còn 43% năm 2010(1).

 

 

Như vậy nguy cơ tụt hậu của chúng ta là có thật, khoảng cách của chúng ta với các nước trong khu vực càng ngày càng xa.

Quan sát nền đại học của chúng ta và Trung Quốc trong khoảng thời gian đó, chúng ta cũng cảm nhận được sự tụt hậu như thế. Trong khi những đại học ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Hồ Nam…chúng ta thấy nó càng ngày càng gần với những đại học của Đài Loan, Nhật Bản, Hoa Kỳ… thì đại học của chúng ta vẫn chưa tiến được bao nhiêu. Chúng ta vẫn còn băn khoăn, vật vã với một nền đại học chưa thoát ra khỏi tình trạng thời bao cấp, một nền đại học đang bị biến thái trong nền kinh tế thị trường. Viễn cảnh một nền đại học lành mạnh, hiện đại vẫn còn rất xa xôi.

 

1.      CÁI ĐUÔI BAO CẤP TRONG NỀN ĐẠI HỌC HIỆN NAY

Trong công cuộc đổi mới của nước ta hiện nay, có thể nói, giáo dục và y tế là hai lĩnh vực trì trệ nhất, vì nó vẫn bị chi phối nặng nề của tư duy thời bao cấp. Cái đuôi bao cấp trong nền đại học của nước ta thể hiện ở chỗ nào? Theo tôi có 4 điểm nổi bật nhất sau đây:

(1)  Tập trung hóa cao độ

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang làm thay cho các trường đại học mọi vấn đề: ra đề thi tuyển sinh chung, phân bố chỉ tiêu, quy định mức học phí, cấp kinh phí cho các đại học công lập, định hướng phát triển cho các trường…Quản lý các trường đại học như quản lý phổ thông, không phân biệt những đại học sinh sau đẻ muộn đầy những bất cập với những đại học có truyền thống hàng năm bảy chục năm mà đội ngũ trí thức đại học đã tự ý thức rất cao.

(2)  “Mua như cướp bán như cho”

Xin lỗi tôi phải dùng lại một thành ngữ dân gian thời bao cấp để chỉ thực trạng quản lý đại học hiện nay. Trong nền kinh tế bao cấp người ta mua sản phẩm một cách cách cưỡng bức với giá thấp vô lý rồi đem bán rẻ như cho, mà không cần nghĩ đến hiệu  quả kinh tế, hay sự hài lòng của người thụ hưởng. Tình trạng này trong kinh tế đã chấm dứt từ lâu lắm rồi, nhưng lạ thay nó vẫn tồn tại một cách ngang nhiên ở đại học. “Mua như cướp bán như cho” ở đại học hiện nay là gì? Đó là mua chất xám/ sức lao động của giảng viên đại học với giá rẻ mạt chưa từng thấy, và bán sản phẩm của họ là tri thức đại học cho sinh viên với giá rẻ như cho không. Chúng ta có bao giờ tự hỏi có nền đại học nào trong khu vực Đông Á, Đông Nam Á trả lương khoảng 200 USD/ tháng cho giảng viên đại học không? Và có trường đại học nào ở khu vực cấp bằng cho sinh viên với giá học phí khoảng 180 USD/ năm không? Tôi lấy ví dụ Trung Quốc - một nước mới phát triển để so sánh. Lương giảng viên Trung Quốc hiện dao động khoảng từ 1.500 USD đến 4.000 USD/ tháng. Học phí đại học Trung Quốc về các ngành KHXH-NV khoảng 1.500 - 2.000 USD/ năm, tức là nói chung đều gấp 10 lần chúng ta mà giá cả Trung Quốc và Việt Nam không chênh lệch bao nhiêu.

Có người lập luận: tại dân ta còn nghèo nên học phí như vậy là vừa. Đúng là dân ta còn nghèo, mà đối với nông dân nghèo thì học phí bằng 1/ 10 hiện nay cũng là quá cao. Nhưng với dân nghèo thì phải có chính sách xã hội, chứ chúng ta không thể hi sinh nền đại học bằng một thứ học phí cào bằng, rẻ mạt như thế. Hiện nay nhiều sinh viên con em nông dân từ tỉnh lên vẫn học 2 trường đại học thay vì cố gắng đầu tư vào một trường cho tốt, vì cái khó khăn nhất của sinh viên hiện nay không phải là học phí mà là tiền sinh hoạt, tiền ăn ở ở thành phố.

(3)  Giảng viên đại học “chân ngoài dài hơn chân trong”

Đây cũng là một thành ngữ nữa thời bao cấp để chỉ tình trạng bao cấp cho xã hội tràn lan, nhưng không đủ tiền để bao cấp, nên đã dẫn đến tình trạng công nhân viên chức chỉ làm việc ở cơ quan chiếu lệ, còn thì “đánh quả”, “chạy ngoài”… Chuyện ấy hiện nay đã chấm dứt với các cơ quan kinh tế và hầu khắp các cơ quan khác – trừ y tế, giáo dục và các cơ quan chính quyền đoàn thể. Tình trạng giảng viên đại học không đủ sống, phải đi lao động, buôn bán, kinh doanh, hay thông thường nhất là đi dạy ngoài hiện còn rất phổ biến. Ở các nước khác – kể cả Trung Quốc, việc giảng viên đại học đi làm ngoài trường hầu như bị cấm. Họ có đi làm thêm nhưng với thời gian rất ít và phải giấu giếm. Tình hình giảng viên đại học nước ta đang bị trả lương rẻ mạt khiến cho tệ nạn làm việc giả dối, qua quít trong cơ quan chính của thời bao cấp vẫn đang tiếp tục duy trì. Không chấp nhận tình trạng ấy, nên nhiều giảng viên có trình độ phải xin nghỉ việc ở đại học. Nhiều sinh viên xuất sắc, nhiều trí thức có trình độ không dám làm giảng viên đại học dù họ có nặng lòng với chuyên môn đến mấy.

(4)  Các quyết định thay đổi ở cấp trên rất khó khăn

Tệ bao cấp thường đi liền với quan liêu, mà quan liêu thì thường không ai phải chịu trách nhiệm, các quyết định được đưa ra thực hiện rất khó khăn và bị chi phối bởi “tư duy nhiệm kỳ”. Hàng bao nhiêu vấn đề bất cập của đại học từng được đưa ra bàn bạc, mổ xẻ, hàng bao nhiêu kiến nghị đề nghị thay đổi, nhưng bộ máy quan liêu của chúng ta  vẫn im lặng. Cơ chế ấy khiến cho muốn thay đổi một việc gì, dù nhỏ cũng rất khó.

Lấy ví dụ, năm 2006 tôi đi ra đề thi đại học môn Văn. Cách ra đề môn Văn bao năm nay không thay đổi, nói chung đều chỉ khuyến khích học sinh học vẹt, rất khó tuyển đúng được người có khả năng tư duy và diễn đạt. Dư luận, nhất là giới giáo dục rất bức xúc về tình trạng đó. Lãnh đạo Bộ hứa là muộn nhất đến năm 2009 Bộ sẽ thay đổi cách thi môn Văn theo hướng trắc nghiệm kết hợp với tự luận. Thế nhưng mốc 2009 đã qua 3 năm nay rồi, mà mọi chuyện vẫn như cũ.

Một ví dụ khác, cách thi đại học theo 3 môn với các khối A, B, C vốn là sản phẩm thời chiến, tồn tại hơn 40 năm nay rồi, không thích ứng với kinh tế xã hội hiện nay nữa. Kỳ thi tốt nghiệp và đại học gần như trùng nhau, vừa nặng nề, tốn kém, vừa làm khổ con em và phụ huynh. Dư luận và giới giáo dục đòi thay đổi, nhưng lãnh đạo Bộ từng tuyên bố: phải đến năm 2016 mới bắt đầu thay đổi. Một chuyện cần kíp mà không quá lớn, quá khó như thế mà đến nhiều năm sau mới làm thì nền giáo dục này biết bao giờ mới đổi mới được!

            Trên đây là những điểm nổi bật cho thấy trong nền đại học của chúng ta cái đuôi bao cấp vẫn chưa cắt được. Tình trạng ấy vẫn cứ kéo dài khiến cho hầu hết đều nản lòng, không muốn nói nữa.

            Hiện nay ngoài cái đuôi bao cấp, nền đại học đang bị biến dạng trong một quan hệ thị trường méo mó. Biểu hiện của nó ở một số điểm sau đây:

-         Tình trạng mua điểm, mua bán bằng cấp – “học giả bằng thật” đang diễn ra âm thầm nhưng tràn lan, như con vi trùng kháng thuốc đang ăn mục ruỗng cơ thể ốm yếu của nền đại học chúng ta.

-         Trong những năm qua, các quyết định vội vã cho ra đời hàng mấy chục trường đại học không đủ chuẩn, các quyết định bất ngờ cứu những trường đại học đang có nguy cơ sụp đổ vì làm ăn bê bối…đều khiến cho dư luận và giáo giới nghi ngờ về tính hợp lý và trong sáng của các quyết định ấy. Các quyết định ấy tiếp tục hủy hoại và làm biến dạng nền giáo dục đại học của chúng ta. 

-         Với số lượng gần 400 trường đại học cao đẳng được điều hành trong một nền giáo dục giá rẻ, nền đại học hiện nay đã đẩy các trường đến tình trạng đua nhau hạ chuẩn để tuyển  sinh, “quảng canh” ở tất cả mảnh đất có thể: mở rộng phạm vi, địa bàn tuyển sinh, mở tại chức, từ xa, liên kết…Tất cả đều vì những lợi ích cục bộ, khiến cho xã hội ta có rất nhiều bằng cấp, nhưng lại có rất ít trình độ thực. Và chúng ta vẫn tiếp tục đuối dần trong cuộc đua đường trường với các nước trong khu vực.

 

2.      ĐỔI MỚI TRIỆT ĐỂ MÔ HÌNH ĐẠI HỌC

Đổi mới căn bản và toàn diện nền đại học của chúng ta là đổi mới cái gì? Bắt đầu từ đâu? Câu trả lời chỉ có một: đó là thay đổi mô hình đại học của chúng ta, từ mô hình đại học thời bao cấp sang một mô hình tiến tiến, hiện đại hơn. Mô hình giáo dục tiên tiến, hiện đại đã khẳng định được hiệu quả của nó đối với kinh tế-xã hội ở các nước Hoa Kỳ, Anh, Nhật Bản và các nước đang học theo mô hình ấy: Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Thái Lan, Nga, Trung Quốc…

Nếu đã chấp nhận mô hình ấy thì chúng ta phải mạnh dạn, nhanh chóng cắt bỏ cái đuôi của mô hình đại học thời bao cấp, phải triệt để áp dụng mô hình mới. Theo đó:

(1)  Phải thay đổi quan niệm tổ chức một nền đại học như một dịch vụ công sang nền đại học vận hành theo kinh tế thị trường, trong đó lấy uy tín của trường học, lấy hiệu quả đào tạo và sự hài lòng của ngưởi thụ hưởng làm thước đo của trường đại học.

(2)  Phải mau chóng phân tầng đại học, và trả lại quyền tự chủ đại học cho các trường hạng nhất có định hướng nghiên cứu.

(3)  Phải quản lý chất lượng đại học không phải bằng chỉ tiêu phân bổ từ trên xuống mà bằng những quy định, điều luật về các tiêu chuẩn đại học. Ví dụ có thể áp dụng quy định như một số nước: phải có đủ số GS, TS cơ hữu theo quy định mới được mở ngành, trường đại học nào đào tạo được 18 – 20 chuyên ngành tiến sĩ mới được cấp bằng cử nhân giáo khoa, và những người có bằng cử nhân này mới được tham gia hệ thống giáo dục.

(4)  Phải thay đổi cách thức tuyển sinh đại học. Theo đó nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp phổ thông, tổ chức một kỳ thi chung một năm hai kỳ do hiệp hội các trường đại học hay một cơ quan kiểm định độc lập tổ chức như kỳ thi S.A.T của Hoa Kỳ để phân loại học sinh, từ đó thi tuyển hay xét tuyển vào đại học. Mô hình này Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Sinhgapore, Thái Lan…đang áp dụng.

(5)  Phải bãi bỏ quy định học phí giá rẻ cho tất cả các trường đại học. Phải tạo điều kiện cho tất cả các trường đại học đa dạng hóa nguồn thu của trường từ các hoạt động kinh doanh hợp pháp khác. Từ đó nâng cao thu nhập cho giảng viên đại học, làm cho nghề giảng dạy đại học trở thành một nghề có thể thu hút được những người có tài năng, trí tuệ nhất trong xã hội.

(6)  Phải mau chóng tín chỉ hóa đào tạo đại học để sinh viên tự chủ trong học tập, phải triệt để áp dụng mô hình đào tạo mở rộng đầu vào và thắt chặt đầu ra ở tất cả các cấp đạo tạo của đại học: từ cử nhân đến thạc sĩ, tiến sĩ để nâng cao chất lượng đào tạo.

Những điều nói trên chẳng có gì xa lạ với nhận thức của nhiều người. Những thay đổi lẻ tẻ, cục bộ của từng cá nhân giảng viên, từng khoa, từng trường không giải quyết được vấn đề gì hết. Muốn thay đổi căn bản nền đại học của  chúng ta thì chỉ cần triệt chuyển đổi sang mô hình mới, trong đó có tính đến điều kiện cụ thể của nước ta. Người ta tổ chức hệ thống giáo dục như thế nào, quản trị đại học như thế nào, thì chỉ cần cử người đi học hay mời những người có kinh nghiệm, trong đó bao gồm cả việc thuê các chuyên gia quản trị đại học ở nước ngoài giúp cho thì nhất định đại học của chúng ta sẽ mau chóng bắt kịp các nước trong khu vực.

Kinh nghiệm trong quá khứ: khi người Pháp đến nước ta, từ cuối TK.XIX đến đầu TK.XX, họ lần lượt, triệt để và cưỡng bách áp dụng nền giáo dục phổ thông và đại học ở nước ta, giống như mô hình Pháp – mô hình giáo dục được coi là tiên tiến nhất bấy giờ, mà không cần có một sự thỏa hiệp nào với nền giáo dục nho học trước đó. Thế mà chỉ trong vòng chưa đầy hai mươi năm họ đã tạo ra nền đại học mới của nước ta với hàng loạt các trường danh tiếng: Trường Y Khoa Đông Dương, Trưởng Cao đẳng Sư phạm, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương… vào loại hàng đầu Đông Nam Á, không thua kém gì các đại học Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản đương thời. Trong khi đó hơn 20 năm đổi mới của nước ta vừa qua, nền đại học của chúng ta vẫn chưa cắt nổi cái đuôi bao cấp, các giáo sư đại học của chúng ta vẫn chưa thoát khỏi diện “xóa đói giảm nghèo”, trong các đại học hàng đầu của chúng ta chỉ có vài khoa tiên tiến nhất mới đạt chuẩn Đông Nam Á (AUN). Như vậy chừng nào chúng ta mới thay đổi thực sự? Chừng nào chúng ta mới thoát khỏi cái đuôi bao cấp, “tư duy nhiệm kỳ”? Ai sẽ phải chịu trách nhiệm về tình trạng tụt hậu này?

 

Đ.L.G

        (Tham luận tại Hội thảo “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học” do Đại học Quốc gia TP. HCM tổ chức ngày 13/4/2011)

 

CHÚ THÍCH

(1)   Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn, www.thesaigontimes.vn/Home/xahoi/doisong/74059

 

Bài viết cùng tác giả

Danh mục website