Quản trị bất tài khó có thầy giỏi

TT - Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học (GDĐH) đang là một chủ đề được sự quan tâm và mong mỏi của xã hội. Vấn đề đặt ra là có thể làm được điều này trong điều kiện hiện nay hay không?

 

Sinh viên tìm hiểu các sản phẩm nghiên cứu khoa học của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - Ảnh: Trần Huỳnh

 

Những gì mà GDĐH làm được trong 25 năm qua chỉ là những sửa đổi nhỏ, không căn bản. Có sự đổi mới và có cả sự quay về với cái cũ. 25 năm qua GDĐH chưa đề xuất cho xã hội một mô hình giáo dục nào khả dĩ đem lại niềm tin rằng đổi mới giáo dục thật sự thành công.

Còn nhiều trở ngại

Muốn đổi mới căn bản và toàn diện GDĐH cần phải có một kế hoạch tổng thể, được chuẩn bị lâu dài, từ đường hướng giáo dục, sứ mệnh của nhà trường, hệ thống nhân sự, chiến lược xây dựng đội ngũ nhà giáo, cơ chế tài chính... Cần phải trả lời những câu hỏi căn bản về triết lý giáo dục, về tư tưởng chấn hưng giáo dục, về quan niệm con người như là trung tâm và mục tiêu của sự nghiệp đào tạo. GDĐH là một hệ thống nằm trong một hệ thống lớn hơn là nền giáo dục quốc dân, lớn hơn nữa là môi trường văn hóa xã hội của đất nước. Giáo dục phổ thông còn quá nhiều vấn đề chưa giải quyết có liên quan đến toàn bộ hệ thống giáo dục. Đời sống văn hóa xã hội chưa ổn định, nếu không nói là sa sút, thì đổi mới căn bản và toàn diện GDĐH sẽ chỉ là việc làm lơ lửng ở lưng trời.

Muốn đổi mới GDĐH thì phải hình thành một cơ chế GDĐH tự chủ và những con người có năng lực tiến hành đổi mới. GDĐH hiện nay chỉ mới vận dụng tinh thần tự chủ ở một vài lĩnh vực: tuyển dụng nhân sự, tài chính...; còn nhiều lĩnh vực chưa thể nói là tự chủ: tuyển sinh, mở ngành học, giao lưu quốc tế... Xã hội chưa nhìn thấy những điển hình thực tế trong đổi mới tư duy GDĐH, kể cả nơi những người có tâm huyết nhất.

Có lẽ hiện tượng mới trong GDĐH thời kỳ đổi mới chính là sự ra đời của các trường ĐH dân lập và tư thục. Cần phải thừa nhận việc mở loại hình trường ĐH này đã góp một phần đáng kể khắc phục tình trạng mất cân đối giữa cung và cầu trong đào tạo. Tuy nhiên, sự ra đời của nhiều trường ĐH mới chỉ huy động một số vốn nhàn rỗi đầu tư cho giáo dục và cung cấp thêm mặt bằng để giảng dạy. Còn nguồn nhân lực để đào tạo chủ yếu vẫn lấy từ các trường ĐH công lập, gồm những giảng viên kiêm nhiệm hay vừa mới về hưu. Khi những cơ sở đào tạo chất lượng thấp được cho phép ra đời thì chính nó sẽ thành vật ngăn cản của những nỗ lực đổi mới. Đến một lúc nào đó, để bảo vệ quyền lợi, những cơ sở này sẽ tìm cách phản ứng lại hay vô hiệu hóa chính những chủ trương đổi mới mà lãnh đạo ngành giáo dục muốn dùng ý chí để triển khai.

Đổi mới từng phần

Trong lúc này chỉ có thể bàn việc chuẩn bị đổi mới căn bản và toàn diện GDĐH mà chưa thể tiến hành công việc đó. Một cái nhìn hiện thực khuyến cáo rằng nên bàn luận và thực thi việc đổi mới từng phần, từng lĩnh vực trong khả năng của các cơ sở đào tạo. Ở đây có thể xuất hiện ý kiến phản bác: đổi mới không đồng bộ sẽ là nửa vời, không hiệu quả. Tuy nhiên, đổi mới thiết thực ở những lĩnh vực then chốt có thể là đòn bẩy tác động đến những lĩnh vực khác của GDĐH, và như vậy tốt hơn là mơ tưởng đến đổi mới căn bản và toàn diện mà không khả thi.

Trong điều kiện hiện nay nên tập trung đổi mới và làm tốt những khâu hoạt động sau đây của GDĐH:

Một, đổi mới việc tuyển chọn và bổ nhiệm nhân sự vào hệ thống GDĐH, bao gồm cả những người giảng dạy lẫn những người làm công tác quản trị ĐH. Hội đồng tuyển chọn phải là những nhà giáo, nhà khoa học lâu năm, có trình độ và công tâm để tuyển được những người giỏi nhất cho ĐH. Một trường ĐH mà những người quản trị bất tài và không có tâm huyết thì không bao giờ xây dựng được một đội ngũ nhà giáo tài năng và yêu nghề thật sự. Khi những người không xứng đáng đã chiếm được chỗ ngồi trong ĐH, thì đến một lúc nào đó họ sẽ tuyển chọn những người khác theo hình ảnh của họ. Đây là nguy cơ lớn nhất của GDĐH hiện nay. Nó không những ngăn cản việc xây dựng một đội ngũ nhà giáo có năng lực và uy tín mà còn làm suy giảm nhiệt huyết của các nhà giáo, gieo trong họ tâm lý thực dụng và thờ ơ với sự nghiệp giáo dục.

Hai, khuyến khích việc thành lập các trường CĐ và trung cấp dạy nghề; trước mắt tạm ngưng cho thành lập các trường ĐH, cả công lập lẫn dân lập và tư thục. Đồng thời tiến hành xây dựng một bộ quy chuẩn gồm những tiêu chí chặt chẽ, những điều kiện cần và đủ để thành lập một trường ĐH, CĐ; căn cứ theo đó chỉ những cơ sở nào bảo đảm điều kiện vật chất và nhân lực mới được phép thành lập trường và mở ngành đào tạo. Khi đã đủ điều kiện cần thiết thì các trường ĐH, nhất là những trường có truyền thống lâu dài, phải được tự chủ về tuyển sinh, chương trình, nội dung nghiên cứu và giảng dạy, ngành nghề và quy mô đào tạo, giao lưu và hợp tác quốc tế...

Ba, kiểm định chất lượng và thanh tra giáo dục phải là công cụ thực chất tác động đến các mặt hoạt động của GDĐH. Những cơ quan đó ở cấp bộ và các trường ĐH phải được điều hành bởi những người thật sự chuyên nghiệp, có uy tín và có thẩm quyền nhất định. Họ cần có tiếng nói độc lập với bộ máy quản lý và chịu trách nhiệm trước xã hội về những đánh giá của họ. Kết quả kiểm định và thanh tra giáo dục cần được thông tin công khai để người thụ hưởng giáo dục có căn cứ chọn lựa trường học, nhằm khắc phục tình trạng cạnh tranh không lành mạnh dưới áp lực của xu hướng thương mại hóa giáo dục.

Chưa mong cầu đổi mới căn bản và toàn diện, GDĐH mà làm được ba điều đó đã là phúc lớn cho xã hội. Làm tốt được ba điều đó rồi thì sớm muộn gì sự đổi mới căn bản và toàn diện sẽ đến.

GS.TS HUỲNH NHƯ PHƯƠNG
(Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐHQG TP.HCM)
 

Nguồn: Báo Tuổi trẻ

http://tuoitre.vn/Ban-doc/487379/Quan-tri-bat-tai-kho-co-thay-gioi.html

Bài viết cùng tác giả

Danh mục website